Câu hỏi #29:
Một người bạn của con đạo Chứng Nhân Giê-hô-va nói rằng khi chết chúng ta sẽ ngủ một giấc cho đến ngày tận thế, đến lúc đó Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta.
Bạn con cũng nói là trong Thánh Kinh không có nói gì đến Ba Ngôi Thiên Chúa – Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ là một hữu thể do Công Đồng Nicaea đặt ra mà thôi.
Câu đáp:
Toàn bộ Tân Ước không nói chi nhiều về trạng thái của linh hồn con người sau khi chết, bởi vì niềm tin tưởng và hy vọng của Giáo Hội sơ khởi được xoay quanh việc Đức Ki-tô sẽ sắp sửa mau chóng trở lại, việc phục sinh của tất cả các tín hữu, và sự phán xét chung.
Tuy nhiên sẽ là điều sai lầm nếu lấy đó mà kết luận rằng các tác giả Tân Ước cho rằng trước khi phục sinh thì những tín hữu đã qua đời sẽ ở trong trạng thái mê muội hoặc bất tỉnh. Họ không có ý định dùng hình ảnh “ngủ” để chuyển đạt khái niệm này.
Hình ảnh “ngủ” tự nó không cho ta thấy điều gì về trạng thái của linh hồn sau khi chết. Và mặc dù thánh Phao-lô nhấn mạnh việc phục sinh của thân xác chứ không nhấn mạnh tính bất tử của linh hồn, có ít nhất hai đoạn trong các lá thư của thánh Phao-lô trong đó thánh nhân tuyên bố rằng chết nghĩa là được ở bên Đức Giê-su – một kết cục mà thánh nhân nóng lòng mong đợi (xem 2 Cô-rin-tô 5:8; Thư Phi-líp-phê 1:23).
Một số mộ bia cổ của người Ki-tô Giáo thời sơ khởi đã được tìm thấy với những hàng chữ như “Hãy an giấc trong Chúa” và “Hãy sống trong Chúa”.
Trong tương quan với việc Phục Sinh của Đức Giê-su, những tâm tình ghi khắc trên các mộ bia đó phản ánh một quan niệm rằng chết là một giấc ngủ bình an, nhưng niềm tin Ki-tô Giáo luôn luôn tin rằng những ai đã “an giấc trong Đức Giê-su” (1 Thê-xa-lô-ni-ca 4:14) hay “chết trong Đức Ki-tô” (1 Thê-xa-lô-ni-ca 4:16) thì đều đã đang hưởng sự sống vĩnh cửu.
Về câu hỏi của bạn về Ba Ngôi Thiên Chúa, tín lý này được khai triển trong bốn thế kỷ đầu tiên của Ki-tô Giáo.
Đến cuối giai đoạn này tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi được định nghĩa bằng những từ ngữ là “Ba ngôi vị hiện hữu trong một bản thể thánh thiêng”.
Theo những từ ngữ “ngôi vị” và “bản thể” đó thì, sự thật là tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi không được đề cập một cách chính thức và cụ thể trong Thánh Kinh.
“Ngôi vị” và “bản thể” là những từ ngữ triết lý Hy-lạp, những từ này không xuất hiện trong các quyển Sách Thánh để mô tả mối liên hệ giữa Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài tranh cãi, kết luận cuối cùng được đạt tới về một-bản-thể-có-ba-ngôi-vị, và sự hiệp nhất trong bản chất của Ba Ngôi Thiên Chúa được Giáo Hội tuyên bố là cách đúng đắn duy nhất để diễn giải những bằng chứng thánh kinh về những gì đã được thuật lại về Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Nền tảng của học thuyết này quả thật được chứa đựng trong Tân Ước. Cha và Con rõ ràng là những từ ngữ nói lên mối quan hệ cá nhân sâu sắc.
Tổng số toàn bộ của bằng chứng trong Tân Ước chung quy là một sự phân biệt rõ ràng giữa ngôi Cha và ngôi Con nhưng cũng là một sự đồng đẳng cấp giữa hai ngôi (mặc dù Đức Giê-su, trong bản thể loài người, luôn được minh họa là thấp bậc hơn Chúa Cha).
Đức Giê-su được mô tả là một hữu thể thuộc vào bậc thánh thiêng; Đức Chúa Thánh Thần cũng vậy; tuy nhiên, cá tính của Đức Chúa Thánh Thần không được mô tả rõ như trong trường hợp Đức Chúa Cha và Chúa Con.
Thường thì trong Tân Ước Thần Linh của Thiên Chúa (hay những hoạt động của Thần Linh đó) được diễn tả bằng những từ ngữ có vẻ là phản ánh sự am hiểu trong Cựu Ước về Thần Linh Thiên Chúa nghĩa là quyền năng của Thiên Chúa, và vì thế, là sức mạnh của một cá nhân; chẳng hạn như, trong đoạn Lu-ca 1:35, “Thánh Thần” và “quyền năng Đấng Tối Cao” rõ ràng là hai cách để nói về cùng một sự.
Song le có những đoạn Tân Ước khác, nhất là trong Tin Mừng thánh Gio-an (chương 14-16), đã diễn tả Thánh Thần là một thực thể cá biệt trong cùng nghĩa như ngôi Chúa Con, chẳng hạn như, trong đoạn Gio-an 14:16-17 Chúa Thánh Thần được mô tả là một Đấng Bảo Trợ khác hay một Đấng Che Chở, nghĩa là, một Đấng không phải Đức Ki-tô, Đấng mà Đức Chúa Cha sẽ ban.
Cũng xem các đoạn Gio-an 14:26, 15:26, 16:7-16. Trong tất cả những đoạn này văn bản Hy-lạp nguyên thủy đã dùng đại danh từ chỉ phái nam “he/him – Đấng ấy (ông ấy)” khi nói về Chúa Thánh Thần thay vì danh từ vô tính “it – sự ấy”.
Và cũng có những đoạn mà Ba Ngôi Thiên Chúa ít nhất cũng được ám chỉ tới, như trình thuật của thánh Mát-thêu về huấn lệnh cuối cùng của Thiên Chúa Phục Sinh cho các đồ đệ của Người: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” (Mát-thêu 28:19).
Trong số những đoạn tương tự như trên trong các thư của thánh Phao-lô, xin nêu ra chỉ một đoạn, là lời chào mừng của linh mục với cộng đoàn lúc bắt đầu Thánh Lễ: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa (Chúa Cha), và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cô-rin-tô 13:13).
Từ những hình thức trên rõ ràng là Tân Ước quả thật đã trình bày Chúa Thánh Thần như một bản thể cá biệt đồng đẳng cấp với Chúa Cha và Chúa Con.
Điều mà Tân Ước không chủ định làm là nói huỵch toẹt ra hay nói cụ thể ra mối liên hệ chính xác giữa ba ngôi vị thánh thiêng đó.
Đó là công việc của Giáo Hội trong bốn thế kỷ đầu tiên – Giáo Hội phải từ những bằng chứng trong Thánh Kinh mà suy luận ra tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi, tín điều mà ngày nay chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Đây là một tiến triển hợp lý, bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa, Đấng-là-nguồn-linh-hứng-cho-các-Thánh-Thư, cũng chính là nguồn linh hứng cho Giáo Hội biết tìm hiểu sâu sắc hơn và biết diễn giải những chân lý hàm chứa trong Thánh Thư, ngay cả những chân lý chỉ trong hình thức phôi thai.
Đó là quan niệm cực đoan cổ điển khi chối bỏ sự hiện diện của bất kỳ chân lý nào trong Thánh Thư nếu như chân lý đó không được viết ra minh bạch rành rành trên giấy trắng mực đen bằng những từ ngữ không chừa chỗ nào cho nghi vấn gì cả.
Tôi có thể hiểu được là những người với tâm lý như vậy có thể sẽ kết luận là tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi không có trong Thánh Thư.
Tôi nghĩ cũng cần nói rằng bất kỳ phe nhóm nào mà bác bỏ học thuyết (doctrine) Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng hủy bỏ quyền tự gọi mình là Ki-tô hữu.
Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người là hai tín điều (dogma) căn bản cốt yếu của Ki-tô Giáo. Bất kỳ phe nhóm nào mà phủ nhận một trong hai học thuyết này thì tự đặt mình ngoài vòng chính thống của Ki-tô Giáo và không thể nghiêm túc cho rằng họ vẫn tiếp tục là tín đồ của Giáo Hội tông truyền hay của cuộc sống và quan điểm Ki-tô Giáo trong bốn thế kỷ đầu tiên.
Câu hỏi #30:
Làm sao chúng ta có thể đối chiếu các trình thuật thánh kinh về công cuộc tạo dựng với những khám phá của khoa học hiện đại?
Câu đáp:
Các cố gắng nhằm đối chiếu trình thuật thánh kinh về công cuộc tạo dựng với các lý thuyết khoa học hiện đại về nguồn gốc của vũ trụ chứng tỏ một sự hiểu lầm về Thánh Kinh và mục đích của Thánh Kinh.
Khi Thiên Chúa linh hứng cho tác giả sách Sáng Thế ghi lại khởi nguyên của vũ trụ và loài người, không có lý do gì để cho là Thiên Chúa đã mặc khải thông tin khoa học chính xác.
Trình thuật tạo dựng trong Thánh Kinh, trong bất kỳ chiều kích nào, đều không nói về các lý thuyết khoa học hiện đại về nguồn gốc của vũ trụ. Trình thuật tạo dựng không xác nhận mà cũng không phủ nhận các lý thuyết đó.
Vì lý do này người ta phải đặt câu hỏi đối với những ai cho rằng thuyết tiến hóa là mâu thuẫn với ba chương đầu trong sách Sáng Thế.
Các tác giả thánh kinh không phải là các khoa học gia, và nếu chúng ta đi tìm chân lý khoa học trong Thánh Kinh thì chúng ta sẽ thất vọng, bởi vì Thánh Kinh không phải là một quyển sách khoa học.
Thánh Kinh và khoa học vật lý là thuộc về các tầm mức hoàn toàn biệt lập.
Trong sách Sáng Thế, việc tạo dựng vũ trụ được mô tả bằng loại ngôn ngữ và hình ảnh phản ánh cái tâm lý sơ khai, thiếu khoa học của tác giả và của những người cùng thời đại với tác giả. Thiên Chúa thích ứng thông điệp của Người cho phù hợp với khả năng của công cụ mà Người sử dụng – người được linh hứng viết thánh kinh.
Ngoài những chân lý cần thiết cho “ơn cứu độ chúng ta” được chứa đựng trong các chương đầu của sách Sáng Thế, chân lý căn bản cốt yếu nhất là Thiên Chúa là đấng tạo tác mọi sự.
Việc tạo tác bằng cách nào hay chi tiết của tiến trình tạo dựng là như thế nào thì không thuộc về thể loại chân lý cứu độ. Cho dù thế giới của chúng ta được hình thành bằng sự tức khắc tạo dựng hay liên tục tạo dựng, “tiến hóa” không phải là một câu hỏi trực tiếp liên quan đến đức tin, miễn là hoạt động tạo dựng của Thiên Chúa không phải là điều nghi vấn.
No comments:
Post a Comment