Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm A
“Đắm muôn ngôi tinh lạc, xuống mười phương”
cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:
nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,
mà ta ngỡ Đấng Tiên Tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.”
Mt 16: 21-27 (dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ngôi tinh lạc xuống mười phương. Hay, cả trời tiêu diêu thầm dội, đến thâm tâm. Thâm tâm, nay đọng lắng tiếng vang thầm, Tiên Tri giảng. Tiên tri hay thánh sử, lâu nay vẫn giảng về Đức Giê-su, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Như, Phê-rô thánh-nhân tuyên xưng, vào độ trước.
Tin Mừng tuần này, có Chúa mặc khải: “Ngài phải đi Giêrusalem chịu khổ hình, do kỳ mục, thượng tế và kinh sư, mang đến.” (Mt 16: 21). Chẳng còn ngờ, sự kiện này đã gây chấn động, khắp muôn nơi. Chấn động vì: khổ hình Chúa chịu, không do người-ở-ngoài như đám thực dân, tân tạo. Nhưng khổ hình, lại do chính vị đầu đàn/thủ lĩnh đấng-ở-trên, nay đem đến. Gọi họ, là thân hào nhân sĩ, hay thượng tế/kinh sư, thật chẳng oan.
Nói không oan, khi mọi xấu xa/sự dữ đều dồn về với Giêrusalem, Đền Thờ Chúa ngự. Đến với Giêrusalem – Đền thờ Của Chúa, là đến với thị thành xôn xao, vẫn chứng kiến cái chết của nhiều ngôn sứ. Và, Chúa vẫn không ngừng trách mắng: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi từng giết các ngôn sứ và ném đá kẻ được sai đến với ngươi!” (Mt 23: 37). Nghe Ngài trách, môn đệ Chúa hẳn đều chột dạ. Lúng túng. Âu lo.
Lo âu, là thái độ rất thường tình của vị thánh được cất nhắc làm thủ lĩnh dân con của Thầy. Là thủ lĩnh, Phê-rô thánh-nhân nào tránh được những phản ứng rất “người” đầy cản ngăn, như: “Thiên Chúa thương, xin đừng để Thầy gặp chuyện như thế đấy.”(Mt 16: 22). Thánh Phê-rô nào muốn chuyện xấu xảy đến với Thầy, Đức Mê-si-a. Nhưng điều này, kéo theo điều giận dữ, từ nơi Chúa.
“Xéo đi sau Ta, hỡi Xa-tan!” lời này, tuyệt nhiên không là chúc dữ phát xuất từ Thầy Chí Ái, với dân con. Bởi chính Thầy, vừa cất nhắc người đồ đệ rất mực trung tín, để tuyên dương. Nếu bảo rằng Thầy giận dữ, thì thật ra Thầy chỉ muốn đầy lùi bất kỳ cám dỗ nào khiến Thầy lẩn tránh con đường dẫn đến ý định của Cha. Thái độ của Phê-rô thánh-nhân, cũng giống hệt như chuyện người thường vẫn làm. Chuyện người thường chúng ta vẫn làm, là cản ngăn mọi người thực hiện Lời Chúa.
“Anh cản Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16: 23). Ở đây nữa, Phê-rô thánh nhân lại bị coi như một rào cản, ngăn chặn nhiều người thực hiện điều Chúa muốn. Tư tưởng của ông, có thể là cơ duyên gây vấp ngã. Trì trệ. Ngoan cố. Nhưng rủi thay, những rào cản như của thánh-nhân, nay thấy khá nhiều ở thế giới hôm nay. Rất thực tế. Rất cản ngăn. Cản và ngăn, theo lời thánh Phao-lô, là do họ không có được “những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2: 5), muốn họ có.
Tâm tình Chúa, không như tâm tình của dân con đồ đệ, những kẻ chỉ muốn Ngài làm Vua; để giải thoát dân đen, thôi. Thấy rõ tâm tình hạn hẹp của họ, Ngài chạnh lòng. Và ở đây, ta lại có thêm một mặc khải, nữa là: Ngài chuẩn bị chấp nhận mọi khổ hình, cho đến chết. Ngài chấp nhận, vì lòng thương vô bờ bến, muốn tỏ lộ cho những người, mà Ngài coi như “bạn”.
Chấp nhận về với nỗi chết, không là mục tiêu Ngài quyết tìm đến. Nhưng chấp nhận, là để dân con hiểu được Tình thương vô bờ bến Ngài trao ban. Cuối cùng, đồ đệ nhận ra được cái chết của Thầy mình, chính là cội nguồn vinh quang và uy lực, như thánh Gio-an từng ghi rõ: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." (Yn 12: 32)
Bài đọc 1, tiên tri Giê-rê-mi-a chừng như vẫn còn tiếc nuối vì được Chúa gọi mời làm ngôn sứ, cho Ngài:”Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.” Chính vì thế, tiên tri mới “nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng.” (Ge 20: 7). Và mỗi khi lên tiếng, tiên tri đã phải kêu gào lời cảnh báo: “hành hung! ức hiếp!” gửi đến dân con của Người. Và ông, cũng tự nhủ “Tôi sẽ không nghĩ đến nữa; cũng sẽ chẳng nhân Danh Ngài nữa.” (Ge 20: 9)
Nhưng, cố tránh cũng không được. Cuối cùng, tiên tri bất chợt nhận thức: “Lời Ngài như lửa bừng bừng, cứ dồn ép nơi tâm can tôi.” (Ge 20: 9) Đó, là lý do khiến nhiều người từng chấp nhận mọi rủi ro, thử thách. Chấp nhận khổ hình cùng nỗi chết,chỉ để làm chứng cho Sự Thật và Tình Thương Yêu. Các tội nhân ở khám đường, nay có cùng một tâm trạng. Họ chấp nhận sầu buồn, là để đấu tranh cho niềm tin, yêu và hy vọng. Nhờ có niềm tin và hy vọng được trui luyện trong khổ ải, nên nhiều vị đã “hồi hướng”, trở về. Trở về rồi, sẽ lại tiếp tục đấu tranh cho phẩm cách, của con người.
Bài đọc 2, Phao-lô thánh-nhân cũng cảm nghiệm cùng một tình huống, tương tự. Chính vì thế, thánh-nhân mới thúc giục mọi người, hãy: “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động. Thánh thiện. Đẹp lòng Thiên Chúa.” Hãy nhất quyết: “đừng rập theo thói đời này, nhưng cải biến con người mình bằng việc đổi mới tâm thần.” (Rm 12: 2). Đổi tâm thần, là cách thức Chúa từng làm. Đây cũng là điều, mà Phêrô thánh-nhân không chợt nghĩ đến, khi ra tay ngăn cản ý định của Thầy. Ở Phúc Âm.
Phúc Âm hôm nay, mời mọi người tiến xa thêm nữa. Gọi mời ta dấn bước ra đi, theo con đường khổ hạnh, cùng với Chúa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 20: 24). Mời gọi mọi người, Chúa muốn ta cống hiến đời mình vì người khác. Cống hiến, trong phục vụ. Cống hiến, vào mọi lúc. Cả khi, không hiểu. Cả vào lúc, bị tủi nhục. Phỉ báng. Giễu cợt.
Thật là sai, nếu ai đó nghĩ rằng: Chúa muốn ta sống đời cùng cực/khốn khổ. Và đôi khi, cũng có người dám giải thích những “cung đàn lạc điệu”, sai và lầm như thế. Thật ra, dấn bước theo Chúa cách trọn vẹn, là dám nhìn vào cuộc đời, như Chúa nhìn. Là, biết “chạnh lòng thương” “như Đức Kitô” vẫn từng thương. Là, trở nên người tín hữu biết yêu thương đùm bọc, đúng ý nghĩa.
Bởi một khi, có được tâm tình “chạnh lòng thương” hết mọi người như Đức Kitô vẫn có, hẳn chúng ta cũng sẽ nhìn cuộc sống của mình đầy ý nghĩa của thương yêu. Vui sống. Thương yêu - giùm giúp, không vì để tâm đeo đuổi nhiều tham vọng. Tham lam và vọng tưởng, cốt nâng cao chính mình. Đánh bóng con người mình. Hoặc, gia đình giòng họ, của mình. Và khi, có được tâm tình của Đức Chúa, người người sẽ chuyển hướng cuộc đời. Chuyển, cả quan niệm về hạnh phúc, nữa.
Đức Chúa gọi mời mọi người, Ngài không gọi ta hy sinh cuộc đời, để tìm đến thú đau thương. Đúng hơn, Ngài mời gọi ta sống đời thương yêu giùm giúp, có tự do. Những ai chấp nhận đi tù vì niềm tin – yêu cao quý, bao giờ cũng là người rất mực tự do. Và thông thường, họ sẽ hạnh phúc hơn những người tự trói cột vào với của cải/vật chất. Với thú vui thấp hèn. Chóng qua. Đầy nguy hiểm.
“Từ bỏ chính mình” Chúa đề nghị, không có nghĩa là diệt bỏ bản vị, hoặc nhân phẩm. Mà là, cởi bỏ mọi vướng bận vật chất, lẫn cái tôi. Để ung dung. Sảng khoái. Có thế, ta mới khám phá ra con người thật, của chính mình. Làm như Chúa gọi mời, có thể, sẽ bị nhiều phẩm bình. Giễu cợt. Kích xung. Nhưng, đó mới là con đường dẫn đến thành công. Hạnh phúc. Rất đích thật.
Chỉ những ai, quyết theo con đường Ngài dẫn dắt, mới xác chứng được rằng đời mình đầy ắp những tự do. Hạnh phúc. Bình an. Và cuối cùng, vấn đề hỏi rằng: phải chăng đây chính là mục tiêu ta nhắm đến?
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá diễn dịch
No comments:
Post a Comment