28.07.2011 – Tâm thư thứ ba của linh mục Chân Tín, DCCT gửi các bạn trẻ Công giáo
Bạn trẻ thân mến,
Ta thường hay đánh giá người công giáo tốt là người năng dự lễ đọc kinh, lần hột mân côi, đi đàng thánh giá, vv… Và ta đánh giá người công giáo xấu là người bê trễ việc đọc kinh, việc dự thánh lễ, vv… Nói tóm, ta đánh giá đạo của một người công giáo qua sự giữ đạo ở trong nhà thờ. Đạo ở trong nhà thờ rất đơn giản, chỉ dành một vài tiếng đi dự thánh lễ. Mọi việc trong thánh lễ đã có qui củ: linh mục đọc gì, giáo dân đọc gì, linh mục giảng gì, giáo dân nghe gì, linh mục làm những nghi lễ trên bàn thờ để tế lễ, giáo dân hiệp lòng hiệp ý dâng lễ. Như thế đạo ở trong nhà thờ tương đối dễ.
Nhưng đạo ở ngoài nhà thờ mới phức tạp. Khi lấy tình thương làm động lực và tiêu chuẩn chính yếu cho sự sống đạo ngoài nhà thờ, thì phải nói là muôn màu muôn vẻ. Ở ngoài nhà thờ, thái độ của con người đối với Chúa và đối với con người là ở tình yêu không thể đoán trước được. Ngoài nhà thờ sống đạo phải linh động hơn. Ngoài nhà thờ ta phải có thái độ thế nào để đáp ứng với những hoàn cảnh bất ngờ.
Chính trong nhãn giới đó mà Chúa Giêsu đã trình bày một cách dứt khoát lời dạy của Ngài về việc sống đạo ngoài nhà thờ, khi Ngài trả lời cho một luật sĩ về điểm căn bản của việc sống đạo. Giáo huấn này đã trở nên một hướng chung.
Ông luật sĩ hỏi Chúa: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Trong lề luật đã viết gì? Ông đọc làm sao?” Đáp lại người ấy nói : “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi và hết trí khôn ngươi và đồng loại như chính mình”. Ngài nói với người ấy: “Ông trả lời chí lý. Hãy làm thế và ông sẽ được sống” (Lc 10,25-28).
Nhưng luật sĩ ấy thắc mắc về người đồng loại là hạng người nào. Đối với người Do Thái, người đồng loại là người Do Thái thờ Thiên Chúa Giavê. Còn những người không phải là Do Thái là người không thờ Thiên Chúa Giavê. Ông luật sĩ này hỏi tiếp Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người đồng loại của tôi?”. Ông không thắc mắc về việc yêu mến Chúa, vì đối với ông việc yêu mến Chúa không có gì rắc rối, vì nghi lễ thờ Chúa có sẵn trong đền thờ, cứ thế mà làm, và như thế coi như đã yêu mến Thiên Chúa. Còn người đồng loại là con người thì thật khó thương. Như ta bây giờ, ra khỏi nhà thờ là gặp đủ thứ người, đủ thứ đồng loại – cùng đạo có, khác đạo có, Phật giáo có, Cao Đài có, người có học, người vô học, người lịch sự, người không lịch sự…
Để trả lời cho vị luật sĩ ấy, Chúa Giêsu đưa ra một chuyện ngụ ngôn, để cho thấy ai là người đồng loại :
“Người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô. Rủi ro đã rơi và tay bọn cướp, chúng lột hết áo xống và đánh nhừ tử người ấy, đoạn chúng bỏ mặc y nửa sống nửa chết mà đi mất. Tình cờ, một tư tế nọ, cũng xuống theo con đường đó. Nhưng thấy người kia, ông tránh qua một bên mà đi qua. Cũng vậy một Lêvi đến nơi thấy thế cũng tránh một bên mà đi qua. Một người Samari kia, nhân đi đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại mà băng bó thương tích cho người ấy, sau khi đã đổ dầu và rượu; rồi vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ và săn sóc người ấy. Sáng hôm sau rút ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo : “Ông hãy chăm sóc người ấy, và có phải tiêu pha gì thêm, thì chính tôi, vòng về tôi sẽ trả cho”. Sau khi kể ngụ ngôn ấy, Chúa Giêsu hỏi người luật sĩ : “Vậy theo ý ông, ai trong ba người ấy, đã nên đồng loại với người sa vào ổ cướp? Ông ta đáp: “Kẻ xử nhân nghĩa với người ấy”. Ngài bảo ông ta: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như thế” (Lc 10,25-37).
Chúa Giêsu đưa ra hai vị chóp bu của đạo Dothái, một vị tư tế và một thầy Lêvi, cũng đi trên đường hẻo lánh mà ở đó có một người giáo dân Dothái bị kẻ cướp cướp của, đánh nhừ tử, nằm nửa sống nửa chết. Người giáo dân Dothái được coi như người đồng loại của hai vị cao cấp của đạo Dothái. Không những thế, hai vị cao cấp này là những vị lãnh đạo đạo Dothái phải làm gương yêu người cho giáo dân. Thế mà hai vị lãnh đạo này tránh qua một bên, không ngó ngàng gì đến người đồng đạo phải thương tích nặng nằm trên đường. Hai ông không có một tình thương nào với người giáo dân của mình.
Sau đó, Chúa Giêsu lại đưa ra một người thứ ba cũng đi trên đường đó. Người thứ ba này không phải là một giáo dân Dothái, nhưng là một người ngoại đạo mà người Dothái khinh bỉ, coi như người vô đạo. Thế nhưng chính người ngoại đạo này, khi thấy nạn nhân, đã động lòng thương, xuống ngựa băng bó vết thương của nạn nhân, vực lên lừa mình cỡi, không sợ dơ bẩn vấy máu, rồi chăm sóc cho nạn nhân, trao cho chủ quán hai quan tiền nhờ giúp đỡ tiếp nạn nhân và hứa sẽ trả thêm lúc trở về, nếu cần phải trả thêm.
Chúa Giêsu đề cao người ngoại đạo xứ Samari lại hơn vị tư tế, thầy Lêvi, trong việc sống đạo tình thương, giúp đỡ một người Dothái. Người ngoại đạo kia có thể viện đủ thứ để tránh một bên như vị tư tế và thầy Lêvi. Người ngoại đạo xứ Samaria biết rõ dân Dothái khinh bỉ mình, thù hận mình, nguy hiểm kẻ cướp làm hại mình. Nhưng anh ấy đã vượt tất cả lý do xúi anh tránh một bên mà đi. Anh nhìn thấy thương tâm của một con người khác đang cần sự giúp đỡ của anh. Và anh ra tay giúp người đó.
Qua việc này, Chúa Giêsu đánh mạnh vào óc tự mãn, cố chấp, hẹp hòi của người có đạo. Người có đạo dễ thỏa mãn với việc giữ đạo, giữ lề luật, giữ lễ bái, mà quên đi tình thương đối với con người. Và chính người ngoại đạo lại dạy đạo tình thương cho người có đạo!? Tình thương không câu nệ, không tính toán, không biên giới.
Các bạn trẻ thân mến,
Chúa Giêsu hỏi các bạn, như Ngài đã hỏi luật sĩ kia: “Vậy theo ý các con, thì ai trong ba người ấy đã nên đồng loại của người sa vào ổ cướp?” Các bạn sẽ đáp: “Kẻ xử nhân nghĩa với người ấy?” Ngài mới bảo các bạn: “Các con hãy đi mà làm như thế”.
Lm. Chân Tín, DCCT
23.7.2011
No comments:
Post a Comment