Mt 14: 22-33
Tình nhà thơ, có vị xem ra đã biết sợ. Sợ tình mình đã cạn. Sợ, người khép cổng bỏ rong chơi, chốn nợ đời. Tình nhà Đạo, có thánh tông đồ cũng biết sợ. Sợ quỷ, sợ ma, sợ cả sông nước lẫn thuyền bè, thiếu niềm tin. Thiếu niềm tin nay đã sợ, còn là ý nghĩa trình thuật Chúa nói, suốt hôm nay.
Trình thuật hôm nay, ghi đoạn kế tiếp trong đó thánh sử có nói: Đức Giê-su giải tán đám đông, để “lên núi một mình, mà nguyện cầu.(Mt 14: 22). Riêng, thánh Gio-an lại thêm: “Đức Giê-su biết rõ là bọn họ sắp đến để tôn Ngài lên làm vua, Ngài bèn rút lên núi một mình.” (Yn 6: 14). Như đồ đệ, dân con người Do Thái đều không hiểu ý nghĩa của việc sắp xảy đến. Nên mới lo âu. Sợ sệt.
Đức Giê-su “bỏ lên núi một mình, mà nguyện cầu”, đây là “điều lạ” Ngài tỏ cho mọi người thấy. Lên núi, không phải để có tầm nhìn hoành tráng về vương quốc ở thế trần. Nhưng, để Ngài có thể “một mình, nguyện cầu cùng Cha” mặc dù Ngài có uy lực của vị Vua. Lên núi, để đổi mới tâm can. Quyết theo đường Cha đã định. Lên núi, Ngài dùng quyền cao chức cả ngõ hầu thực hiện công trình thương yêu, phục vụ. Không khuynh loát. Cũng chẳng có ý kích động người dân nổi dậy, đòi thay đổi thể chế.
Việc Ngài làm, không nhằm chứng tỏ quyền uy tối thượng Ngài vốn có; hoặc, phô trương quyền phép vô song, đầy “sự lạ”. Nhưng trước hết và trên hết, là để thực hiện sứ vụ Chúa Cha trao cho Ngài trong tương quan đầy phẩm chất mà Ngài có với Cha. Với mọi người. Với chính Ngài. Sứ mạng ấy, không gì khác ngoài tinh thần phục vụ, sẻ san và dựng xây tình cộng đoàn. Là, biến cải môi trường sinh động, thành Vương Quốc của tình thân thương.
Thuyền đã xa bờ, sóng đánh mạnh, là ảnh hình của Hội thánh, ở mọi thời. Một thời, có các đồ đệ ngồi trên thuyền, nhưng hãi sợ. Một thời, đầy thù địch hòng chực bủa vây. Với sóng gió, thù địch. Thù và địch từ phiá thế gian, luôn tìm chuyển lay tình đoàn kết thân thương giữa dân Đức Chúa. Chân chất. Thật thà.
Ngài lướt đi trên mặt biển mà đến với các ông, điều này làm cho đồ đệ Chúa càng hãi sợ, nhiều hơn. Quá hoảng sợ, có vị còn hét lên “Ma đấy!” Tâm trạng này, nói lên tính dị đoan - mê tín vẫn ẩn tàng, nơi nhiều vị. Tính chất dị đoan mê hoặc của các vị, cần được trừ khử để, thay vào đó, bằng niềm tin vững mạnh. Thật lòng. Đây là tâm trạng vẫn còn thấy có ở nhiều nơi. Ngay hôm nay. Ở xã hội này. Xã hội tự hào về nền văn minh hiện đại.
Ngài lên tiếng: “Hãy yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ! đây lời trấn tỉnh gửi đến với dân con đồ đệ còn nghi-hoặc, ít dũng cảm. Nghi-hoặc, vẫn là bản tính chưa thể bỏ của các vị muốn bước theo Chúa, xưa và nay. Vẫn là các vị, cần tự tin/phó thác vào Đức Chúa, Đấng vỗ về, bảo bọc.
“Có Thầy đây!”, cụm từ này dịch từ tiếng Hy Lạp “ego eimi” hàm ngụ ý nghĩa: Đức Kitô muốn tỏ bày Ngài có quyền uy/sức mạnh của Thiên Chúa. Ý nghĩa của cụm từ, qui về lời lẽ khi xưa lúc Chúa tỏ bày cùng Môsê, nơi Cựu Ước. “Có Thầy đây!” Chớ lo âu, khiếp sợ. Dù, hiểm nguy đang bao trùm.
Ứng đáp tức thời, là lời của Phê-rô, vị tông đồ bộc trực, lãnh tụ các môn đồ: “Nếu là Ngài, xin cho con được đi trên nước!” Thánh nhân đã nhanh chân đến với Thầy, tràn đầy sức mạnh vượt sóng gió, ngút ngàn. Nhưng, vốn hãi sợ và lòng còn nghi-hoặc, thánh nhân đã ngúm chìm, vội kêu lên: “Cứu con với, hỡi Thầy!”. Đây, là lời nài van từ tín hữu Đạo Chúa, luôn lo sợ thế gian vùi dập, bóp nghẹt. Rất nhiều năm.
Ở đây cũng có đôi điều nên suy nghĩ: Đức Giê-su không ở trong thuyền của dân con, đồ đệ. Nhưng Ngài có mặt tại môi trường thù địch, ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi nào, mọi người còn hãi sợ. Quẩn quanh bên Hội thánh. Nhiều lúc, Chúa cũng có mặt nơi sông biển có phong ba/sóng dồn, chốn thế gian. Là con Chúa, ta cũng nên ra ngoài để gặp Ngài. Dù làm thế, rất hiểm nghèo. Dù nhiều lúc, ta cứ ở trong thuyền mà lo âu. Hãi sợ. Ta vẫn quên rằng, gặp khi sóng dồn cùng bão táp, vẫn còn đó lời nhắc nhở: “Hỡi người kém tin, sao vẫn còn nghi-hoặc?” Và Lời ấy, hôm nay lại được gửi đến với chúng ta, mỗi người, thêm một lần.
Trình thuật hôm nay, có Phêrô-thánh-nhân cùng Chúa bước vào thuyền. Gió lặng im. Như thế, là bình an. Như vậy, là lặng êm. Lặng và êm trong an bình, nghĩa là: đồ đệ Chúa nay đã hiểu. Cũng vẫn tin. Và, vị thủ lãnh đã mau mắn tuyên xưng lời xác chứng để đời: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”. Điều này xác nhận: Thầy đã vào thuyền. Và, Thầy còn lưu lại với mọi người. Ở trần thế. Đến muôn đời.
Trình thuật hôm nay, còn phản ánh một số vấn đề của Hội thánh thời tiên khởi. Vấn đề của những rẽ chia. Xung khắc. Có khác biệt về thần học và tu đức, của người ở trong. Còn bên ngoài, là những bách hại. Thiếu cảm thông. Niềm cảm thông/hỗ trợ, từ phía người Do thái, có thẩm quyền. Điều này, thánh Phao-lô đã đề cập trong thư gửi cộng đoàn Rôma, khi thánh nhân thấy đau lòng phiền não, vì có sự phân biệt giữa con cái Chúa với người Do Thái, chưa nhập đoàn. Vẫn cãi tranh. Vẫn thù nghịch. Và hôm nay, quan hệ ngay giữa người đồng Đạo cũng đã có vấn đề. Vấn đề khác biệt. Rất đau lòng.
Thánh Mát-thêu hôm nay, nói đến vai trò đặc biệt của vị thủ lĩnh Giáo hội là thánh Phêrô, người dám bước ra khỏi thuyền để gặp Thầy, ngay lúc có phong ba/sóng dồn. Đây, là ảnh hình của Hội thánh đang bước khỏi con thuyền “nội bộ”, để đem Chúa đến với nhân trần. Dù, chốn nhân trần còn nhiều thù nghịch. Và, vai trò của Hội thánh, không còn mang ý nghĩa co cụm, cục bộ, ở trong thuyền, để né tránh vấn đề, nữa. Nay qua rồi, tác phong vẫn có khi xưa, trước Lễ Ngũ Tuần. Nhưng hôm nay, Thánh Thần Chúa đã cải biến tất cả. Ngài thổi Thần Lực đến với các thánh. Để, chúng ta có thể ra đi mà phục vụ. Ra đi, để rao báo Nước Trời đến với đất-miền tận cùng, của trái đất.
Làm như thế, tất nhiên sẽ chuốc vào mình, nhiều hiểm nguy. Làm như thế, sẽ không tránh khỏi mọi chống đối, gây thương tổn. Nhưng, ta luôn có Chúa cận kề. Ngài vẫn hiện diện tại nơi nào ta đặt chân đến, để giảng rao. Ngài quyết không để cho Hội thánh đắm chìm trong phong ba/sóng dồn, bão táp. Thực tế chứng minh: mỗi khi Hội thánh Chúa trỗi dậy từ đống tro tàn nát đổ, thì cộng đồng dân con của Ngài đã mạnh mẽ hơn nhiều. Như, cộng đoàn Giáo Hội ở Trung Quốc vẫn trỗi dậy sau gần 4 thế kỷ lặn hụp nơi phong ba/bão táp, rất nghịch thù.
Bài đọc hôm nay, đem đến cho ta nhiều điều để học hỏi: ta vốn từng trải qua chốn nhiễu nhương/sóng dồn thật nhiều lúc. Nhưng, có Chúa là cội nguồn mọi an bình. Yên ổn. Lời Ngài xác quyết với các thánh tông đồ còn đó hôm Tạ từ: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban, không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến. Cũng đừng sợ.” (Yn 14: 27). Lời bảo ban, Thầy nói vào hôm Thầy ra đi chấp nhận khổ hình, đã chứng tỏ rằng: thế giới chẳng thể nào tạo sự an bình, đem đến cho ta. Chỉ mỗi Chúa. Ngài, duy nhất, là Đấng ban bình an cho hết mọi người, vào mọi lúc. Lúc siêu thăng, cũng như khi trầm mặc. Ở mọi giai đoạn, rất đời thường.
Bài đọc 1, sách Các Vua có lời dặn: “Hãy ra ngoài mà đứng trên núi, trước mặt Đức Chúa.” (1V 19: 11). Và, Chúa đã đi ngang. Đi ngang, nhưng Ngài không ở trong gió làm rung chuyển, xẻ lấp núi. Ngài không ở nơi đất động, những cuồng phong. Không ở trong lửa. Cũng chẳng hiện diện chốn thiên tai, chết chóc. Nhưng, Ngài có mặt ở nơi có tiếng gió hiu hiu, nhè nhẹ thổi. Nơi, Ê-li-a và mọi người nhận ra rằng: mình được Chúa tỏ bày, sự hiện hữu. Ngài sờ chạm làn da của chúng ta, bằng gió hiu hiu nhè nhẹ thổi. Mỗi ngày. Mọi ngày. Nhưng, chừng như ta mải bận tâm với những bất hạnh. Thiên tai. Động đất. Với lửa ngọn thiêu đốt toàn cuộc sống. Rất đáng lo.
Bài đọc hôm nay, còn đem đến cho ta thêm đôi điều, để học hỏi:
*Đời người, chẳng có gì khiến ta lo âu, hãi sợ. Có Chúa ở bên, ta còn gì để lo ngại. Thiên tai xảy đến, ta có lo cũng thế. Không lo, cũng vẫn thế. Vậy, chớ nên lo, dù mọi chuyện có xảy ra.
*Hãy bỏ mặc mọi đam mê/ước vọng, với thế trần. Bỏ tất cả, tìm chốn lặng yên, mà nguyện cầu. Thế giới nhân trần, sẽ là nơi ta ra đi ngõ hầu dựng xây Nước Trời. Là nơi, ta được mời –đừng tuỳ thuộc vào thế gian, nhưng về với thế giới- để trở nên muối ướp, trở thành men trong bột. Ta được gọi mời hãy ra đi, mà hướng dẫn hết mọi người; để họ biết rằng: Chúa vẫn có mặt. Ngài luôn sinh động, ở trong ta. Ra đi, mà nói với mọi người: “Quả, Ngài là Con Thiên Chúa.”
Lm Frank Doyle sj
MaiTá lược dịch
No comments:
Post a Comment