Monday, 22 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #25:

Cách nay không lâu con đọc trong báo The Australian một bài rất hay về Cuộc Đóng Đinh Chúa Ki-tô. Bài báo nói rằng Đức Ki-tô đã không vác nguyên cây thập tự nhưng chỉ vác có thanh ngang của thập tự mà thôi – thanh ngang đó làm bằng gỗ nặng, đặc biệt là nặng đối với Đức Giê-su vì Người vừa mới bị đánh đòn tơi bời.

Nếu vậy thì ông Si-môn để làm gì? Còn cái bảng “Vua dân Do-thái” thì đặt ở đâu nếu như thanh dọc mà thân mình Đức Ki-tô nằm trên đó không được nối dài qua khỏi thanh ngang của thập tự?

Câu đáp:

Tôi nhớ bài báo mà bạn đề cập đến. Tôi đồng ý với bạn rằng đó là một bài báo diễn tả rất chi tiết và nghiên cứu rất công phu, tôi cũng đồng ý với cách mà tác giả bài báo dàn dựng lại về cái chết của Đức Ki-tô.

Người La-mã thời đó sử dụng hai loại thập tự để thi hành bản án đóng đinh. Loại thứ nhất là thập tự có dạng như hình chữ T, được gọi là Crux Commissa. Loại thứ hai là thập tự có dạng giống như chữ thập, nghĩa là, một phần của thanh dọc dài vượt lên khỏi thanh ngang, được gọi là Crux Immissa. Thập tự dạng Crux Immissa là loại được cho là đã được dùng để đóng đinh Đức Giê-su, bởi vì trong Tin Mừng có nói rằng tấm bảng “Vua dân Do-thái” được gắn phía trên đầu Người (Mát-thêu 27:37).

Theo phong tục thời đó thì thanh gỗ mà kẻ tử tội vác tới chỗ hành quyết không phải là nguyên cả cây thập tự mà chỉ là thanh ngang. Các thanh dọc luôn đứng yên sẵn một chỗ ngay tại pháp trường, và mỗi khi có một vụ đóng đinh thì thanh ngang sẽ được gắn vào thanh dọc.

Trước tiên tội nhân bị bắt nằm ngửa xuống đất, rồi hai tay của tội nhân được đóng vào thanh ngang. Sau đó tội nhân và thanh ngang được nâng lên cao để đóng vào thanh dọc.

Trong trường hợp thập tự Crux Immissa, thanh ngang sẽ được ráp vào thanh dọc ở vị trí cách đỉnh thanh dọc một khoảng. Hai chân kẻ tử tội sau đó sẽ được giữ chặt vào thanh dọc.

Việc giữ chặt thân người của kẻ tử tội vào thanh dọc được thực hiện bằng dây thừng hoặc bằng đinh. Nếu đinh được sử dụng, như trong trường hợp Đức Giê-su, thì bốn chiếc đinh sẽ được dùng.

Chỉ đinh không mà thôi thì không đủ để nâng đỡ sức nặng của thân mình tội nhân, phần lớn sức nặng đó được nâng đỡ bằng một cái chốt (tiếng La-tinh là sedile, nghĩa là “ghế”) gắn trên thanh dọc cho tội nhân tựa người.

Việc này không được đề cập đến trong Tân Ước nhưng có được mô tả trong một số văn bản cổ.

Cái chốt đỡ chân thường hay thấy trong các tranh ảnh Ki-tô giáo không phải là một phần của thập tự.

Nạn nhân bị lột hết áo xống và được nâng lên khỏi mặt đất không quá vài gang, đủ thấp để một người đứng gần đó có thể với tới miệng nạn nhân bằng một miếng bọt biển buộc vào đầu một cây sậy (xem Mát-thêu 27:48; Mác-cô 15:36).

Trên đường đi đến pháp trường kẻ tử tội mang trên cổ một tấm bảng có viết tên và tội của hắn ta. Trong trường hợp Đức Giê-su, như chúng ta đã biết, tấm bảng này sau đó đã được gắn vào thanh dọc phía trên đầu Người.

Việc Đức Giê-su chỉ vác thanh ngang của cây thập tự đến nơi hành hình không cần phải gieo bất cứ nghi vấn gì về những điều mà các sách Tin Mừng nói về ông Si-môn thành Ky-rê-nê.

Do Đức Giê-su đã quá đuối sức, ông Si-môn bị bắt phải giúp Đức Giê-su vác chiếc thanh ngang nặng nề từ nơi xử án đến Can-vê (Mát-thêu 27:32; Mác-cô 15:21; Lu-ca 23:26).

Câu hỏi #26:

Không phải là các vua chúa thời cổ xưa đã biết thuật chiêm tinh hay sao? Không phải sự thật là, như Thánh Kinh đã nói, rằng ba nhà thông thái (vua) đã theo dấu một ngôi sao đến nơi chào đời của Đấng Cứu Thế, Đức Giê-su Ki-tô, hay sao?

Câu đáp:

Các thuật sĩ Magi – những người được thuật lại trong Thánh Kinh là đã đến viếng trẻ sơ sinh Giê-su – không phải là các ông vua, theo như chúng ta biết.

Chữ Magos thường có nghĩa là một thuật sĩ, hay một người phù thủy tinh thông pháp thuật thần bí. Nhà thuật sĩ trong các sách Tin Mừng là những người tinh thông pháp thuật thần bí – những pháp thuật được ám chỉ là khoa chiêm tinh.

Lòng mộ đạo bình dân về sau đã thêm thắt vào câu chuyện những chi tiết như con số ba người (dựa theo những lễ vật của họ) và biến đổi họ từ những chiêm tinh gia thành những ông vua.

Các chi tiết trong trình thuật này có điểm đáng nghi vấn – tương tự như lịch sử. Dĩ nhiên mục đích và trọng tâm chính của câu chuyện về nhà thuật sĩ Magi là có tính thần học: sự biểu lộ rõ ràng Vua Giê-su – Đấng Cứu Thế cho dân ngoại được biết.

Việc nghiên cứu trình thuật này cho thấy câu chuyện đã được tổng hợp từ một số văn bản Cựu Ước, và có vẻ câu chuyện đó phần lớn là kết quả của một sự chiêm nghiệm thần học về những văn bản này.

Đó là một hình thức văn thể được các học giả gọi là midrash (những lời bình về Thánh Thư Do-thái). Do đó ngôi sao trong câu chuyện là một tham chiếu đến ngôi sao xuất hiện từ Gia-cóp (sách Dân Số 24:17). Khi Đấng Thiên Sai xuất hiện thì ngôi sao của Gia-cóp mọc lên và chỉ những người nào mà Thiên Chúa mặc khải cho thấy thì mới thấy được ngôi sao đó.

Vì vậy, dẫu cho các vua chúa thời xưa có thông thạo thuật chiêm tinh thần bí hay không, hay dẫu cho các nhà thuật sĩ Magi đến viếng trẻ sơ sinh Giê-su có phải là những nhà chiêm tinh hay không, thì cũng không quan hệ chi đến thái độ của Ki-tô hữu thời nay về chiêm tinh học.

Dĩ nhiên ngôi sao ở Bê-lem đã được mô tả là một hiện tượng lạ thường, vượt khỏi tầm của việc phân tích lịch sử hay nghiên cứu chiêm tinh.

No comments: