Wednesday, 31 August 2011

Michael Cook : 7 lý do để vui mừng sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid


Có can chi nếu như giới truyền thông chẳng thèm quan tâm đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới?

Vào giờ này năm ngoái, Giáo Hội Công Giáo đang phải liếm láp những vết thương của mình sau thất bại lớn nhất trong nhiều năm qua về mặt giao tế với công chúng. Nhiều nhà báo mỉa mai rằng vụ tai tiếng gây ra bởi một số linh mục ấu dâm chính là bước khởi đầu của sự kết thúc của Giáo Hội. Tín đồ của Giáo Hội kinh tởm đến nỗi họ được cho là đang bỏ đạo hết cả.

Nhưng nếu như lối bói lá trà đầy bi quan đó là đúng, thì bạn làm sao giải thích sự hiện diện của hai triệu người trẻ tại Madrid vào cuối tuần qua để nghe một vị Giáo Hoàng người Đức 83 tuổi giảng đạo? Tất cả những người trẻ này đều biết về những hành vi tồi bại của một số các linh mục vô lại nhưng những hành vi đó đã không làm lung lay lòng tin tưởng của họ vào Giáo Hội và vào các nhà lãnh đạo Giáo Hội.

Vậy, nếu như bạn là một người có cảm tình với đạo Công Giáo, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 mang lại tràn trề những lý do để hy vọng. Sau đây là 7 trong số các lý do đó.

Thế hệ trẻ kế thừa Giáo Hội

Hai triệu người trẻ tham dự Đại Hội đã thực hiện một cố gắng thật đáng nể để chứng minh niềm xác tín của họ. Mặc dù phần lớn số khách hành hương là đến từ Tây-ban-nha và các nước Pháp, Ý lân cận, có tới hàng trăm hàng ngàn người đã đến từ các quốc gia xa xôi như Úc hay Tân-tây-lan. Khoảng 150 người đến từ nước Nga! Sự hy sinh trong việc phải tốn kém chi phí cho một chuyến hành trình xa xôi và nơi tạm trú thiếu tiện nghi chứng tỏ là họ đoan quyết với việc làm thành viên của Giáo Hội Công Giáo.

Hãy so sánh điều đó để thấy sự tương phản với Hội Nghị Thượng Đỉnh Giới Trẻ Thế Giới do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York. Phải thừa nhận là ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon có sức quyến rũ của một cái bắp cải héo úa, nhưng hội nghị đầy ý nghĩa này thu hút chỉ được vài trăm người. Vậy thì tư tưởng của bên nào sẽ được lưu truyền lại cho thế hệ kế tiếp?

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vạch ra chuẩn mực luân lý

Vào tuần trước Thủ Tướng Anh Quốc David Cameron đã phản ứng với những vụ bạo loạn tại London và những thành phố lớn khác của nước Anh bằng cách gièm pha chủ nghĩa luân lý tương đối. “Điều mà tuần vừa qua cho thấy là cái chủ nghĩa trung lập, chủ nghĩa tương đối về luân lý này là không thể chấp nhận được nữa.” Quả đúng như vậy. Tôi sẽ biếu không cho bạn một bộ dao cắt bít-tết nếu như bạn nêu được tên ai là vị lãnh tụ lớn trên thế giới là người đã đầu tiên đả kích “sự chuyên chế của chủ nghĩa duy tương đối”!

Về phần Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, ngài đã nâng việc bác bỏ tính đúng đắn chính trị thời thượng – là điều làm cản trở sự vươn tới những luân lý cao đẹp - thành một việc làm đáng nể trọng. Hiển nhiên là các nhà lãnh đạo thế giới đang lắng nghe ngài.

Bạn có nhớ lời chào từ giã của Thủ Tướng Cameron dành cho Đức Giáo Hoàng sau chuyến thăm viếng chính thức Anh Quốc của Đức Giáo Hoàng vào năm ngoái hay không? Ông Cameron nói rằng: “Ngài đã thật sự thách thức cả nước chúng tôi phải chỗi thẳng dậy mà suy nghĩ, thưa Đức Giáo Hoàng.” Có vẻ như chính ông Cameron đã chỗi thẳng dậy mà suy nghĩ. Phản ứng của ông đối với các vụ nổi loạn là trích thẳng từ giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Benedict.

Nhóm-chuyên-gia-chỉ-một-người làm việc miễn phí

Một bài khảo luận của nhà phê bình phim ảnh Neal Gabler đăng trên báo New York Times tuần qua đã than tiếc cái chết của sự suy tư sâu sắc như sau: “chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng thiếu tư tưởng – một thế giới trong đó các tư tưởng lớn lao, gợi suy tư mà không thể tức thời được biến thành công cụ hái ra tiền thì đều có giá trị nhỏ nhoi đến nỗi dần dần ít có ai chịu nảy sinh những tư tưởng đó và ít có công ty nào chịu phổ biến những tư tưởng đó, bất kể sự hiện diện của liên mạng internet. Những tư tưởng táo bạo hầu như đã bị lỗi thời.”

Điều đó có thể đúng ở New York, nhưng ở Rome thì không. Ông Gabler rõ ràng là chưa đọc nhiều chi mấy về các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI về luân lý, triết lý, mỹ thuật, kinh tế, và trách nhiệm xã hội. Nhưng nhiều người trong số những người trẻ hâm mộ Đức Giáo Hoàng thì đã đọc. Trong một thế giới mà tư tưởng không còn chói sáng lấp lánh nữa, các tư tưởng của Đức Giáo Hoàng nở rộ những khả dĩ tích cực. Mà những tư tưởng đó lại được biếu tặng miễn phí. Vậy bạn có muốn cá là thế hệ kế tiếp sẽ suy nghĩ điều gì hay không?

Một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Đức Giáo Hoàng Benedict là người đầu tiên đề cập đến việc này. Với nền kinh tế thế giới đang trên bờ vực thẳm sụp đổ, người ta muốn đi truy tìm nguyên do. Chắc hẳn là cội rễ của cuộc khủng hoảng này là một điều gì đó còn lớn lao hơn cả việc quản trị sai lạc những đòn bẩy kinh tế. Chắc hẳn là ngành kinh tế học không phải chỉ là những con số thống kê và những đồng xu cắc bạc.

Quả thật, Đức Benedict (và các vị tiền nhiệm của ngài) đã nói y như vậy từ lâu. Như Đức Benedict đã bảo các nhà báo trong một buổi họp báo trên chuyến bay từ Rome sang Madrid là: “Trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này chúng ta lại thấy rõ ràng những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng lớn lần trước: rằng chiều kích đạo đức không phải là một điều ngoại tại đối với những vấn nạn kinh tế, mà là một chiều kích nội tại và nền tảng. Kinh tế không thể chỉ hoạt động bằng nguyên tắc tự điều chỉnh theo thị trường vụ lợi, mà còn cần một nguyên tắc đạo đức để hoạt động vì ích lợi của con người.”

Hạ bệ loại tình dục mất nhân cách và chủ nghĩa tiêu thụ

Vấn nạn lớn nhất trong 200 năm qua là: tự do thật sự nghĩa là gì? Là có thể làm bất kỳ điều gì tôi thích? Hay là sống thể theo chân lý? Điều mà xã hội chúng ta đang cung hiến cho giới trẻ là sự tự do tiêu xài vung vít cho đến khi thẻ tín dụng của họ cạn sạch, là lang chạ bất cứ lúc nào họ muốn với bất cứ người nào họ thích, là sống dửng dưng trong chiếc bọt bóng vị kỷ chẳng màng chi tới ai cả. Nhưng quan niệm này làm hạ giá con người, theo lời Đức Benedict. Hạnh phúc chỉ đến từ việc khám phá ra chân lý. Nhiều người trẻ ngày nay đã vỡ mộng với nền văn hóa South Park mà họ đang sống, và những lời của Đức Giáo Hoàng mang lại thật nhiều ý nghĩa đối với bất cứ những ai muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

“Việc khám phá ra Thiên Chúa hằng sống gợi hứng cho giới trẻ và mở mắt cho họ thấy những thách đố trong thế giới mà họ đang sống, với những điều khả dĩ và giới hạn của thế giới đó. Họ thấy lan tràn sự hời hợt nông cạn, chủ nghĩa duy tiêu thụ và chủ nghĩa duy khoái lạc, sự tầm thường hóa tính dục ở khắp nơi, sự thiếu tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau, sự thối nát băng hoại. Họ biết rằng, nếu không có Thiên Chúa thì sẽ khó có thể đương đầu với những thử thách này và khó mà sống thật sự hạnh phúc, và vì thế họ đổ tràn lòng hăng say trong việc tìm kiếm một sự sống đích thật. Nhưng, nếu có Thiên Chúa bên cạnh, họ sẽ sở hữu ánh sáng soi đường cho họ tiến bước và sẽ có lý do để hy vọng, họ sẽ không bị giới hạn khi vươn tới những lý tưởng cao đẹp nhất của họ, và điều này sẽ thúc đẩy họ quảng đại dấn thân vào việc xây dựng một xã hội trong đó nhân cách con người và tình huynh đệ chân thật được tôn trọng.”

Chân lý mạnh hơn những tính toán chi ly phức tạp

Diễn từ đáng nhớ nhất của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Tây-ban-nha là bài diễn văn cho các giảng sư đại học tại nơi được xem là viên ngọc của ngành kiến trúc Tây-ban-nha, El Escorial. Trong cương vị chính mình từng là giảng sư đại học, Đức Giáo Hoàng đã nói một cách hùng hồn về nhu cầu cung cấp cho sinh viên không phải chỉ những kiến thức về nghề nghiệp chuyên môn mà thôi. “Như Plato đã nói: ‘Hãy tìm kiếm chân lý khi bạn còn trẻ, nếu không thì sau này việc đó sẽ vượt quá tầm tay của bạn.’ Hoài bão cao cả này là món quà quý giá nhất mà quý vị có thể trao cho sinh viên, trao một cách đích thân qua gương mẫu của quý vị. Điều này quan trọng hơn là kiến thức kỹ thuật thuần túy hay các số liệu lạnh lùng và chỉ đơn thuần là những con số.

Các trường đại học, theo Đức Giáo Hoàng, phải là nơi không bị ảnh hưởng của ý thức hệ hay của “quan niệm thực dụng và có tính kinh tế thuần túy – một quan niệm coi con người chỉ đơn giản là một kẻ tiêu thụ mà thôi”. Điều gì có thể quyến rũ giới trẻ hơn là sự tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của vũ trụ và sự nỗ lực phấn đấu để hiểu được ý nghĩa của việc làm một con người thật sự? Nếu như có một tư tưởng nào đó bị lỗi thời, thì đó chính là chủ nghĩa thực dụng. Và Đức Giáo Hoàng Benedict đã đưa ra một phương thức để thay thế.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vẫn còn là bí mật được giữ kín nhất trên thế giới

Một người bạn phóng viên của tôi viết một bài xã luận cho một tờ báo ở Sydney. Nhưng vị chủ bút không muốn đăng. Bạn tôi được vị chủ bút bảo là: “Ba năm trước chúng tôi đã có một bài giống như thế rồi. Vậy là đủ chỉ tiêu rồi.” Báo The New York Times – tờ báo chuyên đăng những bài xã luận ưu tú ở Hoa Kỳ - đã hầu như không tường thuật về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới gì cả.

Quả thật, đây là một điều quái lạ -- một cuộc tụ họp của 2 triệu người trẻ lại không phải là một tin đáng tường trình hay sao, nhất là sau vụ vài trăm người cùng lứa tuổi đó đã nổi loạn phá hoại London? Chẳng lẽ không có ai đó liên kết những dấu chấm nối liền các sự việc này hay sao?

Nhưng mà cần chi phải than phiền chứ? Giới truyền thông và trí thức chỉ giỏi chú ý tới những điều nổi trên lớp bọt và bong bóng, nhưng lại mù mờ với những luồng nước ngầm ở dưới sâu. Họ có đoán trước được sự gia tăng của những kẻ khủng bố Hồi Giáo, sự sụp đổ của Liên Bang Sô-viết, sự xì hơi của Trái Bom Dân Số, hay Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Toàn Cầu, hay chăng?

Những chuyện lớn nhất chính là những câu chuyện tiềm ẩn. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI biết điều này. Như lời ngài nói với các nhà báo: “Việc gieo trồng của Thiên Chúa bao giờ cũng thầm lặng; việc đó không xuất hiện trong những số liệu thống kê, và những hạt giống mà Thiên Chúa gieo trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thì tương tự như các hạt giống được kể trong Tin Mừng: một số rơi xuống vệ đường và bị hư mất; một số rơi xuống sỏi đá và bị hư mất; một số rơi vào gai góc và cũng bị hư mất; nhưng một số rơi xuống đất màu mỡ và sinh nhiều hoa trái.”

Không được giới truyền thông chú ý, 2 triệu người trẻ đã lên đường làm một chuyến hành trình – một hành trình sẽ dẫn nhiều người trong số họ tới việc rót tràn trên quê hương xứ sở họ những niềm tin Ki-tô Giáo mà họ tin tưởng sâu sắc. Và rồi dần dần thế giới sẽ thay đổi. Ba mươi năm nữa, giới truyền thông sẽ có một mẻ ngạc nhiên lớn.

mh August 2011

Để tạ ơn và để nhớ lại những ngày ĐHGTTG 2008 ở Sydney.

Nguồn:

7 reasons for good cheer after Madrid

By Michael Cook 22.Aug.2011

http://www.mercatornet.com/articles/view/7_reasons_for_good_cheer_after_madrid/

Lm Silvester O’ Flynn OFM: Một vài câu hỏi về Kinh thánh và Phụng vụ (tiếp theo)


Câu hỏi #7:

Chúa Hiển Dung là một biến cố tràn ngập ánh sáng rực rỡ, nhưng đám mây có ý nghĩa gì? Có phải đám mây là để tiên báo cuộc khổ hình của Đức Giê-su trong tương lai hay không?

Câu đáp:

Bạn đã đoán đúng hướng khi liên kết đám mây với bóng tối của cuộc khổ hình. Đó là một đám mây sáng chói, chứng tỏ rằng Thiên Chúa là ánh sáng và là tiếng nói từ phía sau bóng tối đó. Đoàn người trong sách Xuất Hành đã được dẫn lối bằng một cột lửa vào ban đêm và một đám mây vào ban ngày. Trong cuộc hành trình đức tin chúng ta nhận được đủ ánh sáng để đi qua những giai đoạn tăm tối, nhưng đám mây tượng trưng cho việc đầu óc giới hạn của loài người chúng ta không thể nào hoàn toàn thấu hiểu được hiện thực chói ngời vinh quang của Thiên Chúa.

Câu hỏi #8:

Có thật là Đức Giáo Hoàng Benedict phản đối việc cho rước Mình Thánh Chúa bằng tay hay không?

Câu đáp:

Thưa không, Đức Giáo Hoàng Benedict không phản đối việc rước Mình Thánh Chúa bằng tay. Tuy nhiên, ngài biết là trong các dịp lễ lớn có đông đảo quần chúng tham dự trong những chuyến tông du của ngài hoặc tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, có những người đã lãnh nhận Mình Thánh Chúa bằng tay, rồi cất Mình Thánh Chúa vào bóp hoặc ngăn vào sách để đem về nhà làm vật kỷ niệm. Trong những dịp lễ lớn có đông người này, để phòng ngừa sự bất kính, Đức Giáo Hoàng muốn người rước lễ quỳ gối hay bái gối tỏ lòng tôn kính rồi rước lễ bằng lưỡi. Ngoài ra thì, như ngài đã viết trong một quyển sách gần đây, “Tôi không phản đối về mặt nguyên tắc việc rước lễ bằng tay”.

Câu hỏi #9:

Người ta có thể áp dụng dụ ngôn kho tàng chôn giấu vào cuộc sống thời nay ra sao? Kho tàng chôn giấu đó là gì?

Câu đáp:

Đó là một trong bảy dụ ngôn về vương quốc Thiên Chúa. Vương quốc, hay triều đại Thiên Chúa, có nghĩa là một người chấp nhận sự quan trọng của Thiên Chúa trong đời họ và quyết tâm sống theo lề luật Chúa. Đó là chìa khóa của sự bình an nội tâm. Thật đáng buồn là đối với nhiều người thì kho tàng đó vẫn còn bị chôn giấu bởi vì họ đã đi tìm sai chỗ. Như C. S. Lewis đã nói, trong trái tim con người có một nỗi trống rỗng mang hình dáng Thiên Chúa. Hiểu biết về Đức Ki-tô Giê-su là một kho tàng đang chờ được khám phá.

Câu hỏi #10:

Cha nghĩ sao về những người lúc nào cũng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện hay siêng năng đọc sách thánh thiện đạo đức nhưng lại không bao giờ động một ngón tay để giúp bất cứ ai cả?

Câu đáp:

Đó là những người được gọi là quá say mê những sự trên trời đến nỗi họ không có ích gì ở thế gian cả. Đây là một lối sùng đạo giả tạo được dùng như một cách trốn tránh những đòi hỏi khó khăn của lòng bác ái thiết thực. Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã đề cập đến điều đó: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, thì mới được vào mà thôi.” Nói thì dễ, hành động có giá trị nhiều hơn lời nói. Thánh Gio-an đã đặt câu hỏi, làm sao mà bạn có thể nói bạn yêu mến Chúa, Đấng mà bạn chưa từng trông thấy, nếu như bạn không yêu mến những người mà bạn có thể thấy được?

Câu hỏi #11:

Có thật là thánh Phê-rô đã bước đi trên mặt nước hay không? Chuyện đó đi ngược lại với các định luật khoa học. Hay đó chỉ là một loại chuyện được đặt ra để nhằm nói lên điều gì đó?

Câu đáp:

Phép lạ là một chuyện gì đó xảy ra vượt khỏi biên giới của những định luật khoa học. Đối với riêng tôi, tôi sẽ không bận tâm chi cả nếu như có người có thể chứng minh là việc thánh Phê-rô đi trên mặt nước đã chẳng bao giờ thật sự xảy ra. Điều quan trọng đối với tôi trong câu chuyện này là bài học nếu như thánh Phê-rô cứ vững tâm nhìn vào Đức Giê-su thì ngài có thể bước qua khỏi cơn bão, nhưng một khi ngài bận tâm lo lắng về chuyện sóng to gió lớn thì ngài lại bị chìm. Nhưng ngay cả trong lúc đó, Đức Giê-su đã đưa tay ra cứu thánh Phê-rô. Đó là một câu chuyện đem lại niềm khích lệ vô cùng to lớn.

Tuesday, 30 August 2011

Lm Chân Tín CSsR: Nói với các bạn trẻ về “Ủy ban Đoàn kết Yêu nước”


Sau khi tôi gửi lá thư ngỏ cho anh Phan Khắc Từ của “Ủy ban Đoàn kết Yêu nước”, một bạn trẻ đã hỏi tôi về các vấn đề thời sự tôn giáo và chính trị trong chế độ cộng sản. Tôi thấy các bạn trẻ sinh sau 30/4/1975 chỉ biết những gì cộng sản nhồi sọ, ngay trên phương diện lịch sử, nên không nắm được sự thật. Đó là điều đáng tiếc. Vì thế, tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói cho các bạn để các bạn biết rõ sự thật.

Câu hỏi đầu tiên người bạn trẻ đặt ra là “Ủy ban Đoàn kết” của ông Phan Khắc Từ?

Ủy ban Đoàn kết Yêu nước là một tổ chức chính trị của đảng để hoạt động trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, phá Giáo hội và tuyên truyền Chủ nghĩa vô thần duy vật, độc tài đảng trị.

Sau khi chiếm Miền bắc 1954 và loại bỏ tất cả các đảng phái khác, đảng Cộng sản Việt Nam đã lập ra cái gọi là “Ủy ban Liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc yêu hòa bình” để làm tay sai cho đảng Cộng sản Việt Nam. Đức cố giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội – đức cha Lê Đắc Trọng, đã viết về ủy ban yêu nước này ngoài Bắc và Ủy ban Đoàn kết trong Nam sau 1975. Ngài viết:

Các ủy ban đó, tôi cho rằng chỉ là bước đầu để đi tới việc lập Giáo hội tự trị. Giáo hội khổ nhiều vì nhóm đó trong nhiều năm vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Julien l’Apostat: lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống cha mẹ… Người Công giáo chịu bao khốn khổ, tù đầy cũng là do nhóm này…Nó sắp tàn, nếu không phục hồi, nếu không có Miền nam đến tiếp sức và phục hồi nó dưới nhãn hiệu mới: “Ủy ban Đoàn kết”. Ủy ban này có lãnh đạo trí thức (linh mục, bằng cấp) tìm được đất mầu mỡ ở Miền Nam và sống mạnh nhờ vào việc thay đổi chiến thuật” (Đức cha Lê Đắc Trọng, Hồi ký Toàn tập, phần II, trang 260-261).

Đối với Ủy ban Đoàn kết, các giám mục không nhất trí thái độ phải có. Ở ngoài Bắc, các giám mục nhất trí tẩy chay. Ở trong Nam, có những giám mục lừng khừng hoặc im lặng coi như chấp nhận.

Riêng Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, vì găp nhiều khó khăn với Đảng Cộng sản, nên đã dựa vào Ủy ban Đoàn kết để làm vài việc nho nhỏ, như ngài nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Il Regno Dell Attualita ngày 15/4/1990:

Ủy ban này do Chính phủ thành lập. Vấn đề là luôn luôn có những khó khăn, tại vì Ủy ban rất dễ can thiệp vào các công việc thuộc thẩm quyền của giám mục. Về điểm này, chúng tôi luôn luôn kháng nghị trước chính quyền. Cũng phải biết rằng chính quyền cũng không đếm xỉa đến những cơ cấu của Giáo hội. Thành ra, người ta dựa vào Ủy ban Đoàn kết để giải quyết một số vấn đề. Chẳng hạn, nếu tôi muốn tập hợp tín hữu mà xin phép Nhà nước không cho. Nhưng nếu tôi nhân danh Ủy ban để triệu tập tín hữu, Nhà nước sẽ dễ dàng cho phép. Thành ra, vì lợi ích của Giáo hội, đôi khi chúng tôi bị buộc phải dùng Ủy ban. Dĩ nhiên, tôi biết sự bó buộc cũng không bình thường, tuy có những khó khăn. Riêng tôi, tôi không chống lại Ủy ban Đoàn kết.”

Vì lợi ích nhỏ mà Đức Tổng Bình đã tạo cho Ủy ban Đoàn kết thế thượng phong, đè trên đầu, trên cổ giám mục và qua đó Nhà nước càng lấn tới, thành ra Giáo hội lại quỵ lụy Ủy ban Đoàn kết coi như người lãnh đạo Giáo hội chứ không phải các giám mục. Chính trong tinh thần đó mà một số linh mục của Tổng giáo phận Sài Gòn đã vào Ủy ban Đoàn kết để cầu an, để được hưởng những sự dễ dãi. Và có lẽ, “để được dễ dãi”, đó cũng là lý do khiến Hội đồng Giám mục Việt Nam hôm nay đang im lặng trước bao bất công của chế độ Cộng sản.

Trong thời đầu Ủy ban Đoàn kết mới được thành lập, cũng có những vị giám mục mạnh mẽ lên án Ủy ban Đoàn kết. Trước hết có Đức cha Nguyễn Kim Điền, Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế. Ngài đã nói thẳng, nói thật với Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngay từ ngày cộng sản cướp chính quyền ở Miền Nam, ngài đã viết một lá thư gửi cho Dân Chúa với những lời lẽ mạnh dạn sau đây:

Tù ngục và chết chóc, chủ chăn của anh em hôm nay sẵn sàng và vui lòng đón nhận như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm làm giám mục và 22 năm được phục vụ giáo phận Huế

Cuối cùng, ngài đã anh dũng hy sinh cho công lý và hòa bình, để bênh vực người nghèo, người cô thế, bênh vực tôn giáo, bênh vực Giáo hội Công giáo. Ngài đã bị đầu độc và đã chết như một vị tử đạo ngày 8/6/1988. Nữ y tá, theo lệnh cấp trên, chích thuốc độc giết ngài đã phải thú nhận là được lệnh giết ngài.

Một vị giám mục khác là Đức cha Nguyễn Huy Mai, giám mục Ban Mê Thuột. Ngài cấm thành lập Ủy ban Đoàn kết trong giáo phận ngài. Do đó, ngài bị Nhà nước cộng sản làm khó dễ không cho ngài ra khỏi Tòa Giám mục để thăm viếng và ban bí tích thêm sức trong các họ đạo.

Mới đây, Đức Tổng giám mục Hà Nội – Giuse Ngô Quang Kiệt, trước đã tẩy chay Ủy ban Đoàn kết, nay đã can đảm đứng về phía người nghèo, người bị bóc lột, bị áp bức. Ngài đã nói thẳng vào mặt chính quyền Cộng sản Hà Nội: “Tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin cho”. Do đó, Công sản Hà Nội đã quyết định đẩy ngài khỏi Tổng giáo phận Hà Nội và cuối cùng, không biết Hội đồng Giám mục Việt Nam, vì sợ Cộng sản, đã đồng ý với đảng thế nào, đã báo cáo thế nào với Vatican, để Đức Tổng Kiệt buộc phải từ chức Tổng Giám mục Hà Nội.

Trước một tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản phá đạo, trước những lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 28 năm qua (1983-2011), Hội đồng Giám mục Việt Nam không có quyền ủng hộ. Tòa thánh qua lá thư của Hồng y Angelo Sodano gửi đức cố Giám mục Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (25/5/1992) đã nhắc lại nguyên tắc: cấm giáo sĩ tham gia tổ chức chính trị của một đảng phái. Ở Việt Nam, lại là một đảng phải chủ trương vô thần duy vật, thì thật là mâu thuẫn khi các linh mục tham gia vảo Ủy ban Đoàn kết.

Đây là lúc, tuy đã quá muộn, Hội đồng Giám mục Việt Nam cần phải ra lệnh cho các linh mục rút ra khỏi Ủy ban Đoàn kết để làm tròn sứ mạng phục vụ mọi thành phần, mọi tôn giáo trong đất nước. Đàng khác, như tôi đã có thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 19/11/2010, “đã tới lúc Hội đồng Giám mục phải thẳng thắn và can đảm nhìn vào sự thật thực tế, để nghiêm túc vạch trần những lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 28 năm làm tay sai cho Cộng sản phá hoại Giáo hội, cản trở việc rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu cho mọi người.”

Tôi sẽ trở lại với những lộng hành của Ủy ban Đoàn kết.

Lm. Chân Tín

Sài Gòn, ngày 19/8/2011

Monday, 29 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #31:

Thánh Thư và Thánh Truyền có liên hệ như thế nào? Có hai nguồn Mặc Khải (như chúng con được dạy trong thời tiền-Vatican II) hay chỉ có một mà thôi?

Câu đáp:

Kể từ cuộc Cải Cách, câu trả lời cổ điển của Giáo Hội Tin Lành cho câu hỏi “Mặc khải của Thiên Chúa có thể tìm ở đâu?” là: “Chỉ trong Thánh Thư mà thôi”; nhưng Giáo Hội Công Giáo luôn đáp rằng: “Trong Thánh Thư và Thánh Truyền”.

Đây quả thật là một tín điều của đạo Công Giáo, được chính thức định nghĩa vào thế kỷ 16 do Công Đồng Tri-đen-ti-nô.

Nhưng vấn đề vẫn tồn tại về mối liên hệ đích xác giữa Thánh Thư và Thánh Truyền.

Nếu như có hai nguồn mặc khải, thì sẽ nảy sinh câu hỏi là: Hai nguồn đó giống nhau đến mức nào? Hay là hai nguồn đó hoàn toàn độc lập với nhau? Hay có thể là hai nguồn đó giống y như nhau xét theo một chừng mực nào đó?

Có nhiều cách mà truyền thuyết có thể được liên hệ với những lời được viết thành văn bản của Thiên Chúa. Một số truyền thuyết có thể được viết rõ cụ thể ngay trong các Thánh Thư, trong khi một số truyền thuyết khác chỉ được ám chỉ tới.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có phải có một khía cạnh của chân lý được mặc khải hiện diện ngoài Thánh Thư và thậm chí không được ám chỉ tới trong Thánh Thư hay chăng. Có một thành phần độc lập như vậy của chân lý mặc khải hay chăng?

Trong thời gian gần đây nhiều cuộc nghiên cứu đã được thực hiện về bản chất của mặc khải, truyền thống, và sự hình thành tín lý.

Người ta đã nhấn mạnh nhiều hơn vào tính chất của Giáo Hội là một cơ chế sống động. Một số lượng ngày càng tăng các thần học gia sẽ giữ lập trường rằng mặc khải của Thiên Chúa được hoàn toàn gói trọn trong Thánh Thư, nhưng mặc khải đó được hiểu theo cách hiểu của Giáo Hội sống động dưới sự hướng dẫn của thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội.

Theo quan niệm này, Thánh Truyền không phải là một tập hợp những chân-lý-không-có-trong-Thánh-Kinh mà Giáo Hội đã lưu truyền từ thời các Tông Đồ cho đến ngày nay, mà là tổng thể chân lý Ki-tô Giáo, được đón nhận, giảng dạy, và lưu truyền trong cộng đoàn Giáo Hội qua các thời đại.

Chính là từ truyền thuyết trong Giáo Hội mà Tân Ước được hình thành.

Có truyền thuyết, có văn bản, nhưng cả hai chỉ là một.

Do đó chân lý Ki-tô Giáo được tìm thấy không phải chỉ riêng trong văn bản Thánh Thư mà cũng không phải chỉ riêng trong Thánh Truyền, nhưng trong sự kết hợp chặt chẽ của cả hai. Chỉ có một nguồn mặc khải, sách Tin Mừng – mà toàn bộ Tin Mừng được truyền đạt trong Thánh Thư và Thánh Truyền, cả hai đều được công nhận trong sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Về quan điểm này, nhiều phản đối đã được đưa ra.

Một trong những phản đối này là về sự hiện hữu của nhiều tín điều của Giáo Hội – chẳng hạn như tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời – mà những tín điều này được vạch rõ ra là không có trong Thánh Thư.

Vậy thì phải chăng chúng ta phải nên đi tìm một khẩu truyền độc lập với Thánh Thư để giải thích sự mặc khải thánh thiêng những tín điều này, và để biện minh cho định nghĩa của Giáo Hội về những chân lý đức tin này?

Những ví dụ khác cũng có thể được nêu ra. Chẳng hạn như, có thể nào chứng minh được là tất cả các học thuyết của Giáo Hội về các phép bí tích đều có trong Thánh Thư? Nhất là sự hiện hữu của bảy, và chỉ bảy phép bí tích mà thôi. Đây là một tín lý đức tin dường như chỉ được biết nhờ vào Thánh Truyền.

Và giáo huấn của Giáo Hội rằng 72 quyển sách trong bộ Thánh Thư là kinh điển và được linh hứng, rằng chỉ có những sách đó mới là Lời Thiên Chúa – giáo huấn đó là một chân lý mặc khải không có trong Thánh Thư, điều này một lần nữa dường như là đòi hỏi sự hiện hữu của một truyền thuyết độc lập.

Các thượng phụ trong Công Đồng Vatican II, khi soạn thảo văn bản về Mặc Khải Thánh Thiêng, đã thấy mình phải đương đầu với hai quan điểm khác biệt sắc nét: (1) hai nguồn (Thánh Thư và Thánh Truyền); (2) một nguồn (Thánh Thư, như được diễn giải bởi Thánh Truyền).

Các vị thượng phụ cuối cùng đã không đi đến kết luận cho vấn đề này. Sau nhiều cuộc tranh luận, vấn đề đã được bỏ ngõ, và văn bản chính thức sau cùng đã phản ánh một quan điểm nhân nhượng cẩn trọng.

Trong Điểm 9 của Hiến Chương Mặc Khải Thánh Thiêng (Article 9 of the Constitution on Divine Revelation) có đoạn viết rằng “có một mối liên kết và thông đạt (hiểu ngầm) gần gũi giữa Thánh Truyền và Thánh Thư. Bởi vì cả hai đều tuôn chảy từ cùng một nguồn giếng thánh thiêng, chắc chắn Thánh Truyền và Thánh Thư hòa nhập làm một và phục vụ cho cùng một mục đích”.

Với sự yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, văn bản trên được thêm vào một đoạn cẩn thận như sau: “Không phải chỉ từ Thánh Thư mà thôi mà Giáo Hội rút tỉa được sự quả quyết về tất cả những điều đã được mặc khải”.

Tuy nhiên, điều này không loại bỏ quan điểm rằng toàn bộ mặc khải là, trong một khía cạnh nào đó, được truyền đạt qua Thánh Thư. Nhưng điều này có thể không hẳn là chắc chắn, và quả thật Giáo Hội luôn luôn hiểu và diễn giải Thánh Thư dưới ánh sáng của những truyền thuyết được lưu truyền đến ngày nay.

Có cách gì để phá bỏ sự bế tắc này không? Hiển nhiên là ý nghĩa bản huấn sắc của Công Đồng Tri-đen-ti-nô là quan trọng nhất.

Đúng là mục đích cụ thể của Công Đồng là nhằm định nghĩa sự hiện hữu của các truyền thuyết do các Tông Đồ truyền lại để đối kháng lại với thuyết “chỉ Thánh Thư mà thôi” của phái cải cách Tin Lành theo nghĩa cực đoan mà họ hiểu.

Nhưng vấn đề thực sự là có phải Công Đồng Tri-đen-ti-nô đã chủ ý định nghĩa sự hiện hữu của hai nguồn mặc khải riêng biệt – các sách-viết-thành-văn-bản và các truyền-thuyết-không-được-viết-thành-văn-bản – hay không. Quả thật, Công Đồng Tri-đen-ti-nô tuyên bố chỉ một nguồn, hay “giếng”. Nguồn của toàn bộ chân lý cứu độ là Tin Mừng được mặc khải cho các Tông Đồ.

Công Đồng đã không gọi các sách-viết-thành-văn-bản mà cũng không gọi các truyền-thuyết-không-được-viết-thành-văn-bản là những nguồn mặc khải. Đối với Công Đồng Tri-đen-ti-nô, các quyển Thánh Thư và các lời khẩu truyền đều là những biểu thị của mặc khải, là những điểm tiếp cận với chân lý được mặc khải, những kênh máng thông truyền mặc khải từ một nguồn duy nhất là sự rao giảng của các Tông Đồ về Tin Mừng.

Từ văn bản huấn sắc của Công Đồng Tri-đen-ti-nô, thật là điều bất khả dĩ để nói rằng những chân lý trong hai kênh máng đó là có hoàn toàn giống nhau hay không, hay có phần nào giống nhau, hay hoàn toàn khác nhau.

Có hay không những chân lý được lưu truyền qua hình thức khẩu truyền mà hoàn toàn không được chứa đựng trong Thánh Thư là một câu hỏi mà tôi không nghĩ là có thể được trả lời bằng cách dựa vào Công Đồng Tri-đen-ti-nô.

Mà cũng không có lý chi cả khi dựa vào những tín điều như tín điều Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội hay tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời để cho rằng Thánh Truyền là một “nguồn” mặc khải độc lập.

Đúng là những thuyết này không thể được thấy là có được nói đến một cách rõ ràng hay được ám chỉ đến trong Thánh Kinh. Nhưng với tất cả lòng thành thật chúng ta phải thú nhận rằng cũng không dễ dàng gì mà lội ngược dòng thời gian trở về thời của các Tông Đồ để truy tìm nguồn gốc của những thuyết này qua một truyền thuyết độc lập bằng cách nghiên cứu lịch sử.

Điều mà chúng ta cần để giải thích những niềm tin đó, là một lý thuyết khả tín về sự hình thành học thuyết, chứ không phải một sự cậy dựa vào một khẩu truyền độc lập.

Mặc khải toàn bộ của Thiên Chúa cho chúng ta được thực hiện không phải bằng lời nói mà bằng con người của Đức Giê-su Ki-tô. Cái Tin Mừng đã được mặc khải cho các Tông Đồ, “nguồn mạch của toàn bộ chân lý cứu độ”, trước hết và trên hết, là một trải nghiệm sống động.

Dĩ nhiên, không lâu sau đó, một tiến trình đã diễn ra nhằm chuyển dịch trải nghiệm sống động đó thành những công thức và những đề xướng để phổ biến cho các tín hữu. Tiến trình chuyển dịch mặc khải sang từ ngữ của loài người này, được khởi sự do chính các Tông Đồ, không bao giờ có thể được gọi là hoàn toàn đầy đủ, và đòi hỏi sự cố gắng liên tục trong việc khám phá ý nghĩa mặc khải một cách sâu sắc hơn.

Tiến trình dần dần am hiểu và hình thành chân lý đã được mặc khải vẫn đang tiếp diễn và sẽ luôn tiếp diễn trong suốt sự tồn tại của Giáo Hội.

Không có điều nghi ngờ chi cả rằng một sự hình thành tín lý đã diễn ra.

Vấn đề là làm cách nào mà Giáo Hội có thể giảng nghĩa mặc khải của Thiên Chúa. Mặc khải đã được gói ghém trong Thánh Thư như thế nào, và Giáo Hội sẽ diễn giải mặc khải và phát triển học thuyết tín lý như thế nào?

Chúng ta bị đối diện với vấn đề về chính bản chất của mặc khải thánh thiêng, và về tiến trình mà Giáo Hội trải qua khi dần dần tiến tới sự am hiểu mặc khải đó.

Mặc khải thánh thiêng không phải được gói trong những lời nói hay đề xướng, nhưng trong những thực tế do Thiên Chúa vén mở cho loài người được biết.

Việc nói rằng Thánh Thư không chứa đựng toàn bộ mặc khải, hay Thánh Thư chỉ là một phần của mặc khải, thì có vẻ là bắt nguồn từ cái sai lầm trong việc liên kết mặc khải quá gần gũi với những văn tự trong một văn bản.

Khi mặc khải được xem là những văn tự viết rõ về một con số hữu hạn các đề xướng, thì bất cứ đề xướng nào không được viết rõ cụ thể trong văn bản, hay không thể được rút tỉa ra một cách hợp lý từ văn bản, đều bị cho là không hề có “trong Thánh Thư” gì cả.

Mặc khải là bao gồm bất cứ những gì mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người, và chúng ta phải phân biệt giữa những gì được truyền đạt (communicated) và những gì được viết rõ ra (stated).

Những gì được truyền đạt là vượt khỏi giới hạn của những gì được viết ra hay nói ra, ngay cả trong ngôn ngữ loài người. Ngoài những từ ngữ mà một người sử dụng, chúng ta cũng phải xét đến cá tính của người đang nói, bối cảnh mà những từ ngữ đó được nói ra, giọng điệu trong lời nói, vân vân.

Nếu như những điều đó cần phải được xét tới khi tìm hiểu ý nghĩa câu nói của một con người, thì điều này lại càng đúng hơn biết bao nhiêu khi tìm hiểu ý nghĩa lời nói của Thiên Chúa?

Sự phân biệt này là một điều quan trọng cần lưu ý khi chúng ta nói rằng Thánh Thư chứa đựng toàn bộ mặc khải.

Dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa là tất cả các tín lý đức tin đều được viết thành văn bản trong Thánh Thư, ngay cả một cách ngầm ám. Trái lại nói như vậy chỉ có nghĩa là tất cả các tín lý Công Giáo đều nằm trong phạm vi những gì mà Thánh Thư truyền đạt.

Các câu văn trong Thánh Thư cũng giống như những khung cửa sổ mà Giáo Hội nhìn xuyên qua đó để thấy những gì mà Thiên Chúa đã muốn truyền đạt cho loài người.

Khả năng làm việc này được bảo đảm cho Giáo Hội qua tính chất sứ mạng thánh thiêng của Giáo Hội.

Sự suy tưởng của Giáo Hội không đặt nặng nhiều về những văn tự trong văn bản, nhưng nặng về thực tế, sự thật, được truyền đạt bởi những chứng nhân thánh thư.

Dưới ánh sáng này không có chi ngạc nhiên khi thấy rằng Giáo Hội rút tỉa từ Thánh Thư nhiều điều hơn là những quy luật lý luận của loài người cho phép. Điều này, tôi tin, là những gì đã diễn ra.

Giáo Hội đã rút tỉa các kết luận từ chân lý được mặc khải và đã không phải lúc nào cũng luôn luôn áp dụng các quy luật của nguyên tắc lý luận chặt chẽ, mà trái lại đã áp dụng một trực giác sáng suốt trong việc khám phá mục đích và hành động của Thiên Chúa.

Sự hình thành tín điều không bị ràng buộc bởi các quy luật lý luận của loài người. Tiến trình này là khả dĩ bởi vì, như tôi đã viết, một câu văn có thể truyền đạt nhiều ý nghĩa hơn những gì mà các văn tự tự chúng biểu thị.

Điều này khiến chúng ta có thể nói rằng toàn bộ mặc khải được gói trọn trong Thánh Thư. Thánh Thư là điểm khởi đầu mà từ đó Giáo Hội tiến tới để khám phá những gì Thiên Chúa đã truyền đạt cho chúng ta.

Cá nhân một nhà chuyên môn có thể không rút tỉa được một tín điều nào đó của Giáo Hội từ Thánh Thư. Nhà chuyên môn đó có thể chỉ tìm thấy được một gợi ý hay một ý niệm mơ hồ nào đó, hay thậm chí có thể cũng không thấy được cả những điều đó.

Nhưng điều này không hẳn có nghĩa là tín điều đó không có trong Thánh Thư.

Và vì thế, theo quan điểm này, cái khái niệm về một khẩu truyền chứa đựng những chân lý không có trong Thánh Thư trở nên không cần thiết và vô ích.

Thánh Thư gợi ý những điều mà Giáo Hội dùng thẩm quyền để công nhận, và chỉ có Giáo Hội mới quyết định một chân lý được gợi ra trong Thánh Thư có phải là một phần trong mặc khải của Thiên Chúa hay không.

Thánh Thư phải luôn luôn được đọc theo cách mà Giáo Hội hiểu, và không được đọc theo kiểu văn tự cứng nhắc – văn tự chết.

Giáo Hội và Thánh Thư phải được hiểu là có một mối liên hệ hỗ tương, trong đó Thánh Thư chứa đựng toàn bộ Lời Thiên Chúa, và truyền thuyết sống động trong Giáo Hội truyền bá Lời đó với mức độ thâm nhập rộng lớn hơn và với sự tiến triển xuyên suốt qua các thế kỷ.

Muốn hiểu thì người ta phải bắt đầu từ sự kết hợp giữa Thánh Thư, Giáo Hội, và Thánh Truyền. Điều thật sự quan trọng nhất trong đức tin là Giáo Hội sống động.

Với sự am hiểu này về mặc khải của Thiên Chúa và tiến trình hình thành học thuyết đức tin, tôi lặp lại định nghĩa của tôi rằng Thánh Truyền là “sự diễn giải liên tục, được-Chúa-Thánh-Thần-hướng-dẫn của Giáo Hội về những chân lý đức tin đã được mặc khải (không hẳn là được viết ra) trong Thánh Thư”.

Câu hỏi #32:

Con phải trả lời ra sao khi có người hỏi “Những gì trong Thánh Kinh có thật hay không?”

Câu đáp:

Khi tôi được hỏi câu “Có phải tất cả những gì trong Thánh Kinh đều là thật cả hay không?” thì tôi đáp lại bằng một câu hỏi khác, và mời người hỏi định nghĩa đích xác chữ “thật” của họ có nghĩa là gì.

Nếu người hỏi có ý hỏi rằng “Có phải tất cả những chi tiết trong Thánh Kinh đều là sự thật lịch sử hay không, nghĩa là, có phải tất cả mọi sự được tường thuật trong Sách Thánh là đã xảy ra đúng y như sách đã ghi hay không? – thì câu trả lời đơn giản là “không”.

Nhưng cũng thật sự có khi mà một câu trả lời dứt khoát có thể và phải được đưa ra bởi tất cả những người có lòng tin khi được hỏi rằng: “Có phải tất cả những gì trong Thánh Kinh đều là thật cả hay không?” Câu hỏi này có thể và phải được trả lời một cách dứt khoát, miễn là chúng ta hiểu chân lý thánh kinh theo nghĩa mà Công Đồng Vatican II đã mô tả, nghĩa là, chân lý mà Thiên Chúa đã chủ định diễn tả trong Sách Thánh nhằm mục đích cứu độ chúng ta.

Có lẽ một ví dụ sẽ minh họa rõ nhất cho ý tôi nói.

Khi Đức Giê-su giảng về sự quan trọng của việc yêu mến người thân cận, một người trong số đám đông nghe giảng đã hỏi Đức Giê-su rằng “Ai là người thân cận của tôi?”

Người trả lời câu hỏi đó bằng cách kể câu chuyện một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, bị tấn công và bị cướp giữa đường.

Người kể là một thầy tư tế và một thầy lê-vi đã chẳng hề đoái hoài gì đến người bị nạn, nhưng một người Sa-ma-ri đã dừng lại, băng bó vết thương cho người bị nạn, đưa ông ta đến một quán trọ, và trao một số tiền cho chủ quán để gởi người bị nạn trọ ở đó và nhờ chủ quán chăm sóc cho đến khi vết thương ông ta lành hẳn (xem Lu-ca 10:25-37).

Nếu như có ai đặt câu hỏi “Câu chuyện đó có thật không?”, mà chữ “thật” trong câu hỏi có ý nói về sự thật lịch sử, thì tôi sẽ phải thú nhận là tôi không biết.

Có thể Đức Giê-su có biết một vụ mới xảy ra không lâu trước đó – một câu chuyện xảy ra đúng y như lời Người kể, và Người đã dùng câu chuyện đó để làm rõ nghĩa “người thân cận” là ai và “yêu mến người thân cận” nghĩa là gì.

Nhưng cũng rất có thể – với xác suất khả dĩ cao hơn – là với biệt tài kể chuyện của mình, Đức Giê-su đã sáng tạo ra mẩu chuyện đó. Thế nhưng cho dù mẩu chuyện đó có là sự thật lịch sử hay không thì cũng không quan hệ gì cả. Cái chân lý mà Đức Giê-su muốn truyền đạt “nhằm mục đích cứu độ chúng ta” là ý nghĩa thật sự của lòng yêu mến tha nhân, chân lý đó rất khác biệt với sự thật lịch sử.

Chuyện giả tưởng, vì thế, có thể là một phương tiện hữu hiệu và thích hợp để truyền đạt những chân lý tôn giáo sâu sắc.

Lấy một ví dụ khác, cũng tương tự như trên tôi tin rằng quyển Giô-na trong Cựu Ước không nên được xếp vào loại sách lịch sử, mà trái lại nên được xem là một dụ ngôn dài giảng dạy cái chân lý là Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả muôn dân.

Đây chỉ là một vài ví dụ cho ý của tôi khi tôi nói là cái chân lý mà chúng ta phải nên tìm kiếm trong Sách Thánh chính là chân lý mà Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả thánh kinh thông đạt lại “nhằm mục đích cứu độ chúng ta”.

Điều đó không hẳn là và cũng không nhất thiết phải là chân lý có tính khoa học hay chân lý có tính lịch sử, mà chân lý lịch sử thì lại là chuyện khác nữa.

Sunday, 28 August 2011

Lm Richard Leonard sj: Hoạ - Phúc/Vinh - Nhục, phải chăng một cuộc đời?

Suy niệm Chúa nhật thứ 22 thường niên năm A

Lm Richard Leonard sj

Hoạ - Phúc, phải chăng một cuộc đời?

Họa/Phúc – Vinh/Nhục: bốn ý từ, một thực tại. Thứ thực tại lưỡng nguyên, luôn diễn tả hai mặt đối xứng của cuộc đời. Một đời người có thể bắt đầu bằng Họa để rồi khết thúc bằng Phúc. Hoặc ngược lại. Nếp sống người đời vẫn cứ thế diễn tiến bằng những giờ phút thăng trầm, nhục/vinh – vinh/nhục.

Vào buổi kiểm trại ở Dã Châu, viên cai ngục phát giác ra có đến 6 phạm nhân vượt trại bị bắt và nhốt vào khu biệt giam, chờ ngày lãnh án hành hình. Đào thoát vượt trại, là vi phạm nặng nội quy; nên, hình phạt sẽ sớm được công bố và xử lý bằng những biện pháp tàn bạo. Người ta bốc thăm tên tuổi nạn nhân, cùng lúc với các tử tù khác, đem đi hành tội. Đã có 12 người bị đưa đi xử lý bằng biện pháp phơi nắng, bắn bỏ. Đứng quan sát 12 bạn đồng cảnh đang hổn hển thở dốc, có tiếng nhỏ nhẹ, nhưng cũng đã lọt tai những người đang sống thân phận hiu hẩm. “Trời đâu, nay có thấu?” Ai cũng nghe tiếng thở dài, nhưng không một ai có câu đáp trả. Vạn vật rơi vào chốm im ắng, lặng thinh. 12 xác phàm bắt đầu nổi cơn kinh giật, dãy dụa. Tìm khí trời hít thở. Lúc ấy, người bàng quan tiếp tục thị sát. Một lần nữa, lại có tiếng thở dài, lần này gấp hơn: “Trời đâu, nay có thấu?” Và, một câu khác phụ họa: “Ôi Lạy Chúa! Nay Ngài ở đâu?... Rõ ràng Ngài có mặt, ở đây mà!...”

Tiếng thở dài đây, chính là niềm tin mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Đạo của Chúa là Đạo duy nhất trên thế giới, mang niềm xác tín tin rằng: Đức Chúa là Đấng mặc xác phàm loài người, có xương có thịt. Ngài chấp nhận khổ đau như người thường. Thậm chí, Ngài còn nối tiếp con Đường Ngài đi, bằng cách chấp nhận cái chết khổ nhục, là để vực dậy cuộc sống.

Quả là, con người đã thuần hóa mặt xấu của thập giá ngay khi biện luận rằng: hôm nay, tiếng xấu ấy vẫn dai dẳng trên thân xác người phàm. Cũng có lúc con người tự hỏi: giả như Giê-su Đức Chúa phải ngồi ghế điện chịu cuộc hành hình, thì ta có dám đeo mang hình thù ghế điện quanh cổ, hay không? Nhưng, khi ta tìm cách thuần hóa thực chất của cuộc hành hình, mà Đức Kitô cam chịu tại Giêrusalem, thì bản chất của khổ đau nơi cuộc sống mỗi người, không thể bị thương-mại-hóa một cách trần tục và nhẹ nhàng, như thế được.

Người tín hữu Đức Kitô, không thể đồng một ý nghĩa với các kẻ khổ dâm, mặt mày vẫn mỉm cười trơ trẽn, như thế được. Chúng ta không thể bị coi như đồng nghĩa với kẻ say sưa, yêu thích sự đau khổ. Trái lại, chúng ta là người chấp nhận khổ đau vì lý tưởng cao cả, mà thôi.

Ta được Đức Chúa mời gọi nhìn nhận các khổ đau của cuộc sống, như cơ hội, để một lòng trung kiên theo gương Ngài, mà đưa vai gánh chịu. Khổ và nhục, còn là cơ hội để ta đồng cảm với những người đang sống đau buồn, cùng một thế giới với ta. Điều này, nói dễ hơn làm. Khi ta đồng cam chịu cực trong cuộc sống của riêng mình, thì lúc ấy, không dễ gì ta nhớ đến người khác, dù chỉ trong tư tưởng hay trong đầu, thôi. Tuy nhiên, nếu đặt đau khổ và cực hình vào bối cảnh chung của cuộc sống, để biết rằng ta không chỉ đau khổ một mình, thì bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp ta nguôi ngoai, an ủi.

Đã từ lâu, ta được khuyến khích để hiểu rằng mọi đau khổ, cực hình vẫn có thể là cơ hội tốt, giúp ta trưởng thành trong yêu thương, đùm bọc. Nếu hiểu thập giá ta đang gánh vác, như trường lớp dạy ta biết về lòng yêu thương mặn nồng, thì như thế, là ta đã học được nhiều điều bổ ích về chính con người mình; và về Đức Chúa. Có như thế, ta mới có thể giúp kẻ khác gánh vác thập tự, họ đeo mang.

Tuy thế, gánh vác thập giá cùng khổ đau, không chỉ là mang lấy cho mình những đớn đau thể xác, khổ nhục cá nhân, dục tính hoặc cực hình, tinh thần hoặc cảm xúc, mà thôi. Đó có thể, là tự mình xẻ bớt các quà tặng cũng như tài năng mình vẫn có. San sẻ, cả tình yêu riêng biệt lẫn những xót thương hiền hòa. Mỗi khi có quà tặng, ta luôn thấy có kèm theo đó, những gánh nặng và trọng trách phải thực hiện. Rập theo khuôn mẫu Đức Kitô đã làm, chúng ta được mời đến, để chia xớt những món quà trời cho, mà mình đang có, hầu san xẻ một cách dũng cảm với những ai đang cần hơn ta; dù cho có phải chia sẻ đến phút cuối, cuộc đời mình.

Ngày nay, nhiều người vẫn cứ than: hình ảnh về Chúa Mẹ của ta, thường bị bóp méo được đem ra như miếng kẹo dẻo rất ngọt, dễ ăn và dễ nuốt. Nhưng, Tin Mừng hôm nay cho thấy: mọi việc đều không phải như thế. Bước theo vết chân mòn làm đồ đệ của Đức Chúa, không có nghĩa là chuyện ngon ăn, nhưng vẫn là “lưỡi dao” sắc cạnh, gây khổ đau, không ít. Thế giới hôm nay, hẳn không có ơn gọi nào mang tính mời mọc khẩn thiết hơn, là lời mời chấp nhận khổ đau trong hành trình tin tưởng, trung kiên yêu thương và từ bỏ chính con người mình.

Trong lúc ta đón nhận vác khổ giá và theo chân Đức Chúa, ta không làm việc ấy một mình. Người để ý, sẽ thấy ngay việc đó và sẽ khiêm tốn đủ, để chấp nhận một cách đúng đắn rằng, Đức Kitô đang quanh quẩn bên ta. Ngài sẽ cùng với ta bước từng bước chân mềm, đi vào đường mòn khổ đau như ta, thôi. Có như thế, ta mới cảm thấy dễ chấp nhận khổ giá của mình.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Saturday, 27 August 2011

“Đắm muôn ngôi tinh lạc, xuống mười phương”

Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm A

“Đắm muôn ngôi tinh lạc, xuống mười phương”

cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:

nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,

mà ta ngỡ Đấng Tiên Tri muôn thuở

Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.”

Mt 16: 21-27 (dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ngôi tinh lạc xuống mười phương. Hay, cả trời tiêu diêu thầm dội, đến thâm tâm. Thâm tâm, nay đọng lắng tiếng vang thầm, Tiên Tri giảng. Tiên tri hay thánh sử, lâu nay vẫn giảng về Đức Giê-su, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Như, Phê-rô thánh-nhân tuyên xưng, vào độ trước.

Tin Mừng tuần này, có Chúa mặc khải: “Ngài phải đi Giêrusalem chịu khổ hình, do kỳ mục, thượng tế và kinh sư, mang đến.” (Mt 16: 21). Chẳng còn ngờ, sự kiện này đã gây chấn động, khắp muôn nơi. Chấn động vì: khổ hình Chúa chịu, không do người-ở-ngoài như đám thực dân, tân tạo. Nhưng khổ hình, lại do chính vị đầu đàn/thủ lĩnh đấng-ở-trên, nay đem đến. Gọi họ, là thân hào nhân sĩ, hay thượng tế/kinh sư, thật chẳng oan.

Nói không oan, khi mọi xấu xa/sự dữ đều dồn về với Giêrusalem, Đền Thờ Chúa ngự. Đến với Giêrusalem – Đền thờ Của Chúa, là đến với thị thành xôn xao, vẫn chứng kiến cái chết của nhiều ngôn sứ. Và, Chúa vẫn không ngừng trách mắng: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi từng giết các ngôn sứ và ném đá kẻ được sai đến với ngươi!” (Mt 23: 37). Nghe Ngài trách, môn đệ Chúa hẳn đều chột dạ. Lúng túng. Âu lo.

Lo âu, là thái độ rất thường tình của vị thánh được cất nhắc làm thủ lĩnh dân con của Thầy. Là thủ lĩnh, Phê-rô thánh-nhân nào tránh được những phản ứng rất “người” đầy cản ngăn, như: “Thiên Chúa thương, xin đừng để Thầy gặp chuyện như thế đấy.”(Mt 16: 22). Thánh Phê-rô nào muốn chuyện xấu xảy đến với Thầy, Đức Mê-si-a. Nhưng điều này, kéo theo điều giận dữ, từ nơi Chúa.

“Xéo đi sau Ta, hỡi Xa-tan!” lời này, tuyệt nhiên không là chúc dữ phát xuất từ Thầy Chí Ái, với dân con. Bởi chính Thầy, vừa cất nhắc người đồ đệ rất mực trung tín, để tuyên dương. Nếu bảo rằng Thầy giận dữ, thì thật ra Thầy chỉ muốn đầy lùi bất kỳ cám dỗ nào khiến Thầy lẩn tránh con đường dẫn đến ý định của Cha. Thái độ của Phê-rô thánh-nhân, cũng giống hệt như chuyện người thường vẫn làm. Chuyện người thường chúng ta vẫn làm, là cản ngăn mọi người thực hiện Lời Chúa.

“Anh cản Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16: 23). Ở đây nữa, Phê-rô thánh nhân lại bị coi như một rào cản, ngăn chặn nhiều người thực hiện điều Chúa muốn. Tư tưởng của ông, có thể là cơ duyên gây vấp ngã. Trì trệ. Ngoan cố. Nhưng rủi thay, những rào cản như của thánh-nhân, nay thấy khá nhiều ở thế giới hôm nay. Rất thực tế. Rất cản ngăn. Cản và ngăn, theo lời thánh Phao-lô, là do họ không có được “những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2: 5), muốn họ có.

Tâm tình Chúa, không như tâm tình của dân con đồ đệ, những kẻ chỉ muốn Ngài làm Vua; để giải thoát dân đen, thôi. Thấy rõ tâm tình hạn hẹp của họ, Ngài chạnh lòng. Và ở đây, ta lại có thêm một mặc khải, nữa là: Ngài chuẩn bị chấp nhận mọi khổ hình, cho đến chết. Ngài chấp nhận, vì lòng thương vô bờ bến, muốn tỏ lộ cho những người, mà Ngài coi như “bạn”.

Chấp nhận về với nỗi chết, không là mục tiêu Ngài quyết tìm đến. Nhưng chấp nhận, là để dân con hiểu được Tình thương vô bờ bến Ngài trao ban. Cuối cùng, đồ đệ nhận ra được cái chết của Thầy mình, chính là cội nguồn vinh quang và uy lực, như thánh Gio-an từng ghi rõ: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." (Yn 12: 32)

Bài đọc 1, tiên tri Giê-rê-mi-a chừng như vẫn còn tiếc nuối vì được Chúa gọi mời làm ngôn sứ, cho Ngài:”Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.” Chính vì thế, tiên tri mới “nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng.” (Ge 20: 7). Và mỗi khi lên tiếng, tiên tri đã phải kêu gào lời cảnh báo: “hành hung! ức hiếp!” gửi đến dân con của Người. Và ông, cũng tự nhủ “Tôi sẽ không nghĩ đến nữa; cũng sẽ chẳng nhân Danh Ngài nữa.” (Ge 20: 9)

Nhưng, cố tránh cũng không được. Cuối cùng, tiên tri bất chợt nhận thức: “Lời Ngài như lửa bừng bừng, cứ dồn ép nơi tâm can tôi.” (Ge 20: 9) Đó, là lý do khiến nhiều người từng chấp nhận mọi rủi ro, thử thách. Chấp nhận khổ hình cùng nỗi chết,chỉ để làm chứng cho Sự Thật và Tình Thương Yêu. Các tội nhân ở khám đường, nay có cùng một tâm trạng. Họ chấp nhận sầu buồn, là để đấu tranh cho niềm tin, yêu và hy vọng. Nhờ có niềm tin và hy vọng được trui luyện trong khổ ải, nên nhiều vị đã “hồi hướng”, trở về. Trở về rồi, sẽ lại tiếp tục đấu tranh cho phẩm cách, của con người.

Bài đọc 2, Phao-lô thánh-nhân cũng cảm nghiệm cùng một tình huống, tương tự. Chính vì thế, thánh-nhân mới thúc giục mọi người, hãy: “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động. Thánh thiện. Đẹp lòng Thiên Chúa.” Hãy nhất quyết: đừng rập theo thói đời này, nhưng cải biến con người mình bằng việc đổi mới tâm thần.” (Rm 12: 2). Đổi tâm thần, là cách thức Chúa từng làm. Đây cũng là điều, mà Phêrô thánh-nhân không chợt nghĩ đến, khi ra tay ngăn cản ý định của Thầy. Ở Phúc Âm.

Phúc Âm hôm nay, mời mọi người tiến xa thêm nữa. Gọi mời ta dấn bước ra đi, theo con đường khổ hạnh, cùng với Chúa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 20: 24). Mời gọi mọi người, Chúa muốn ta cống hiến đời mình vì người khác. Cống hiến, trong phục vụ. Cống hiến, vào mọi lúc. Cả khi, không hiểu. Cả vào lúc, bị tủi nhục. Phỉ báng. Giễu cợt.

Thật là sai, nếu ai đó nghĩ rằng: Chúa muốn ta sống đời cùng cực/khốn khổ. Và đôi khi, cũng có người dám giải thích những “cung đàn lạc điệu”, sai và lầm như thế. Thật ra, dấn bước theo Chúa cách trọn vẹn, là dám nhìn vào cuộc đời, như Chúa nhìn. Là, biết “chạnh lòng thương” “như Đức Kitô” vẫn từng thương. Là, trở nên người tín hữu biết yêu thương đùm bọc, đúng ý nghĩa.

Bởi một khi, có được tâm tình “chạnh lòng thương” hết mọi người như Đức Kitô vẫn có, hẳn chúng ta cũng sẽ nhìn cuộc sống của mình đầy ý nghĩa của thương yêu. Vui sống. Thương yêu - giùm giúp, không vì để tâm đeo đuổi nhiều tham vọng. Tham lam và vọng tưởng, cốt nâng cao chính mình. Đánh bóng con người mình. Hoặc, gia đình giòng họ, của mình. Và khi, có được tâm tình của Đức Chúa, người người sẽ chuyển hướng cuộc đời. Chuyển, cả quan niệm về hạnh phúc, nữa.

Đức Chúa gọi mời mọi người, Ngài không gọi ta hy sinh cuộc đời, để tìm đến thú đau thương. Đúng hơn, Ngài mời gọi ta sống đời thương yêu giùm giúp, có tự do. Những ai chấp nhận đi tù vì niềm tin – yêu cao quý, bao giờ cũng là người rất mực tự do. Và thông thường, họ sẽ hạnh phúc hơn những người tự trói cột vào với của cải/vật chất. Với thú vui thấp hèn. Chóng qua. Đầy nguy hiểm.

“Từ bỏ chính mình” Chúa đề nghị, không có nghĩa là diệt bỏ bản vị, hoặc nhân phẩm. Mà là, cởi bỏ mọi vướng bận vật chất, lẫn cái tôi. Để ung dung. Sảng khoái. Có thế, ta mới khám phá ra con người thật, của chính mình. Làm như Chúa gọi mời, có thể, sẽ bị nhiều phẩm bình. Giễu cợt. Kích xung. Nhưng, đó mới là con đường dẫn đến thành công. Hạnh phúc. Rất đích thật.

Chỉ những ai, quyết theo con đường Ngài dẫn dắt, mới xác chứng được rằng đời mình đầy ắp những tự do. Hạnh phúc. Bình an. Và cuối cùng, vấn đề hỏi rằng: phải chăng đây chính là mục tiêu ta nhắm đến?

Lm Frank Doyle sj

Mai Tá diễn dịch