Bản dịch của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
từ bài viết mang tên Sexual Abuse: Spiritual Harm and Spiritual Healing
của ĐGM Geoffrey James Robinson
Đức Giám Mục Geoffrey James Robinson DD VG, giám mục phụ tá tại Tổng Giáo Phận Sydney thuộc Giáo Hội Công Giáo La-mã, giám mục phụ trách giáo dục, là đồng chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Úc Châu về Các Chuẩn Mực Trong Chuyên Môn, 126 Liverpool Road, Enfield 2136 NSW Australia. Bài tham luận này đã được hùng hồn trình bày vào ngày 25 Tháng Bảy 1998 tại Melbourne, Úc Châu, trong Hội Nghị lần thứ nhì của Úc và Tân-tây-lan về đề tài “Phá Bỏ Ranh Giới: Hành Động Sai Trái Trong Chuyên Môn, Lạm Dụng, và Tội Lỗi Gây Ra Bởi Các Nhà Chuyên Môn về Y Tế, Các Nhà Trị Liệu, và Các Nhà Chuyên Môn Được Tín Nhiệm Khác, kể cả Các Giáo Sĩ” – một khởi xướng của tổ chức In Good Faith & Associates. Các diễn giả chính trong cuộc hội nghị bốn ngày này còn có Ray Wyre, thuộc Gracewell Clinic and Institute, UK; Gary Schoener, thuộc Walk-In Counseling Center, Minneapolis; và Roman Paur, thuộc ISTI.
________________
Hai chữ “tâm linh” có thể được hiểu theo nghĩa rộng, rộng vượt xa khỏi các ranh giới của bất cứ tín ngưỡng hay tôn giáo nào, vượt cả niềm tin vào những bậc thần linh nào đó.(1) Có một số vấn nạn cốt yếu mà chúng ta cứ luôn tự hỏi mình, cho dù có tâm thức chúng ta có nhận thức được những vấn nạn đó hay không: Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi đang đi về đâu? Tôi hiện diện trên hành tinh này với mục đích và ý nghĩa gì? Chúng ta có thể hiểu hai chữ “tâm linh” theo nghĩa là các giải đáp cho những vấn nạn căn bản trên, và đó là cách mà cá nhân tôi hiểu chữ “tâm linh” trong bài tham luận này.
Các giải đáp cho những vấn nạn trên do những cá nhân khác nhau đưa ra thì có thể đề cập đến một đấng siêu nhiên, cũng có thể không. Các giải đáp đó có thể bao gồm các cấu trúc của tôn giáo, cũng có thể không. Các giải đáp đó có thể không trọn vẹn, hay cũng có thể là một nỗ lực nhằm đạt đến một giải đáp trọn vẹn hoàn hảo hơn. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp, các giải đáp đó đều diễn tả chiều kích tâm linh của bản thể con người chúng ta, cái chiều kích luôn muốn tìm kiếm ý nghĩa căn bản cho tất cả những việc ta làm, và trong một chừng mực nào đó, luôn muốn liên kết tất cả những khía cạnh khác nhau trong đời sống chúng ta thành một tổng thể toàn vẹn.
Phần Một: Tổn Hại Tâm Linh
Chúng ta thắc mắc những vấn đề này bởi vì chúng phản ánh một trong những khuynh hướng uyên thâm nhất chất chứa trong bản thể loài người: khuynh hướng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Ý nghĩa cuộc đời có tầm quan trọng bậc nhất đối với con người. Khi người ta trở nên chán nản với công việc, thất vọng với cuộc hôn nhân của họ, hay không hài lòng với những gì họ có trên đời, họ bắt đầu cảm thấy rằng cuộc đời họ chẳng đi đến đâu cả, rằng cuộc đời họ thiếu vắng ý nghĩa. Điều này có thể dần dà xói mòn phẩm cách và lòng tự trọng của họ.
Ý Nghĩa và Tình Yêu
Tất cả mọi ý nghĩa của cuộc đời đều bắt nguồn từ tình yêu. Chẳng hạn như, có người yêu thích công việc vườn tược, và bằng việc thể hiện lòng yêu thích đó qua việc làm vườn, người đó dần dần trở thành “người làm vườn”. Ngắm cảnh khu vườn nở rộ tràn trề những màu sắc và những đóa hoa tuyệt đẹp vào mỗi mùa xuân mang lại cho người đó một cảm giác thành tựu và mãn nguyện. Vậy là điều này trở thành ít nhất là một yếu tố nhỏ trong câu giải đáp của người đó đối với những vấn nạn lớn của cuộc đời, một cảm giác là một trong những lý do hiện hữu của người đó là để biến cái góc nhỏ bé này trên quả đất thành một khung cảnh tràn đầy vẻ đẹp và sức sống mới.
Cũng tương tự như vậy, những người khác trở thành người yêu thiên nhiên, người thích làm bếp, người thích nghiên cứu khoa học, người yêu chó mèo, người thích sưu tập tem thư, người sành rượu, người thích chơi golf, người yêu sử học, người yêu vợ/chồng con cái, hay người yêu tất cả mọi người. Bất kỳ người nào, vật nào, hoạt động nào, hay tư tưởng nào mà chúng ta yêu thích thì đều góp phần vào tiến trình này. Do đó cảm nhận của chúng ta về ý nghĩa cuộc đời bắt nguồn từ tổng số toàn bộ tất cả những tình yêu trong đời chúng ta. Càng có nhiều tình yêu, cuộc đời càng có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa cuộc đời không thể bắt nguồn từ đâu khác ngoài tình yêu.
Tính dục của chúng ta là một trong những cách sâu sắc nhất mà qua đó chúng ta một mặt vừa tìm kiếm, và mặt khác diễn tả tình yêu trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không chỉ riêng trong việc giao hợp mà thôi. Tính dục, vì thế, là một trong những cách sâu sắc nhất mà qua đó chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.
Đồng thời, tình yêu là nỗi khao khát sâu thẳm nhất trong trái tim con người, tình yêu xuất phát từ ngay chính cốt lõi của bản thể chúng ta. Tình yêu sâu thẳm đến nỗi không có ai, hay không có điều gì có thể làm cho nó hoàn toàn mãn nguyện. Mỗi khi chúng ta cảm nhận tình yêu đối với bất cứ điều gì, thì chúng ta cảm thấy có phần nào mãn nguyện và cảm nhận được đôi chút ý nghĩa đời mình, nhưng chúng ta cũng nhận thức được rằng mình khát khao mong ước một tình yêu và ý nghĩa sâu đậm hơn, trọn vẹn hơn. Nói cho cùng thì chúng ta khao khát một tình yêu tuyệt hảo và một ý nghĩa tuyệt hảo, và điều này có nghĩa là đi tìm kiếm ở một nơi sâu thăm thẳm của cõi lòng mình, sâu đến mức mà ở nơi đó các cảm giác không còn tên gọi và những nỗi khát khao không thể được diễn đạt bằng từ ngữ. Đối với nhiều người, sự nhận thức, chấp nhận, và nắm bắt nỗi khát khao cho tình yêu vô tận này là một phần trong tiến trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời họ.
Xâm Phạm Tình Dục và Ý Nghĩa Cuộc Đời
Cho dù chúng ta có thể là tự tin đến đâu đi chăng nữa, hệ thống ý nghĩa cuộc đời của chúng ta lúc nào cũng rất mong manh, bởi vì hệ thống đó được cấu tạo từ nhiều mảnh vụn li ti của những trải nghiệm trong đời ta, của biết bao nhiêu tình yêu lớn nhỏ đủ loại trong đời ta. Xâm phạm tình dục là một cái xe ủi cán thẳng một đường qua cái hệ thống mong manh này của tính dục, tình yêu, và ý nghĩa cuộc đời mà nạn nhân đã khổ công gầy dựng.
Tôi tin rằng đây là một sự tổn hại to lớn về mặt tâm linh do sự xâm phạm tình dục gây ra, là sự tàn phá cái hệ thống ý nghĩa mong manh và tỉ mỉ đó. Những gì đáng lẽ ra là tích cực lại trở thành tiêu cực, những gì đáng lẽ ra là tình yêu lại trở thành sự lợi dụng thân xác một con người, những gì lẽ ra là đáng tín nhiệm lại trở nên không còn có thể tin cậy gì được nữa. Biết bao tình yêu từng mang lại nhiều ý nghĩa trong quá khứ nay trở thành vô nghĩa. Những tác động từng nối kết tất cả các khía cạnh của cuộc sống nên một tổng thể nay không còn khả năng đó nữa. Mối tương quan đã bị gãy đổ giữa tính dục và tình yêu, giữa tín nhiệm và tình yêu, giữa ý nghĩa và tình yêu, do đó tình yêu không còn là một tác động liên kết nữa.
Trong sự xâm phạm tình dục luôn luôn có sự tổn hại tâm linh, bởi vì, bất kể những điều cụ thể gì khác có nguy cơ bị phá hủy, sự xâm phạm tình dục luôn luôn phá hủy cảm thức của con người về một tổng thể kết hợp chặt chẽ vẹn toàn, và vì thế phá hủy cảm thức của người đó về ý nghĩa cuộc đời.
Các Nhà Chuyên Môn
Các nhà chuyên môn như các bác sĩ, các chuyên viên y tế trong lãnh vực tâm thần và xã hội, các luật sư, các thừa tác viên tôn giáo nên tìm lý do hiện hữu của họ qua việc trợ giúp tha nhân. Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, họ hiện hữu là vì phúc lợi của bệnh nhân hay thân chủ của họ, chứ không phải ngược lại. Trong một bối cảnh mà bệnh nhân hay người thân chủ có thể bị áp đảo bởi những nỗi sợ hãi và những điều bấp bênh vô định, các nhà chuyên môn nên là những nguồn sức mạnh và nguồn đỡ nâng. Mỗi nhà chuyên môn đại diện không chỉ cho chính bản thân họ, mà còn đại diện cho cả ngành nghề chuyên môn của họ và cho cả cộng đồng. Ngành nghề chuyên môn của họ bao hàm quyền uy mạnh mẽ trên cuộc đời của người khác. Sự hiện hữu của những nhà chuyên môn được tín nhiệm như vậy trong cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong tiến trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của chúng ta, bởi vì chúng ta yêu mến nhiều điều mà cộng đồng chúng ta đang sống có thể đem lại cho ta.
Trong sự xâm phạm tình dục những giá trị này bị lật đổ. Bệnh nhân hay thân chủ giờ đây hiện hữu vì những ý đồ của nhà chuyên môn, kẻ trở thành nguồn cơn của sự yếu đuối, xáo trộn, và sự lợi dụng người khác. Không còn ý nghĩa gì nữa khi những kẻ đáng lẽ ra phải là người đáng tin tưởng nhất lại trở nên không đáng tin nhất, khi những kẻ đáng lẽ ra phải là đá tảng vững chắc của nghị lực lại trở nên nguyên nhân gây đau khổ, khi những kẻ được cộng đồng ủy thác quyền uy và sức mạnh lại dùng sức mạnh đó để xâm hại người khác, khi không còn nền tảng vững chắc gì nữa để người ta có thể đặt chân lên. Trong tất cả những trường hợp như vậy luôn luôn có sự tổn hại tâm linh.
Cộng Đồng Giáo Hội
Bởi vì chúng ta khao khát một tình yêu tuyệt hảo và vĩnh viễn, niềm tin tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong tiến trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời trong đời sống của những người tin vào tôn giáo. Các tôn giáo cho rằng niềm tin tôn giáo đem lại phần nào giải đáp cho những vấn nạn lớn của cuộc đời, và giải đáp đó được đặt nền tảng trên tình yêu: chúng ta khởi xuất từ tình yêu, chúng ta quy hướng về tình yêu, và tình yêu là mục đích và ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất.
Sự xâm phạm tình dục gây ra bởi một vị đại diện trực tiếp của một tôn giáo, chẳng hạn như một linh mục hay thừa tác viên, hủy hoại những giải đáp mà tôn giáo đó đã mang lại, tính tới thời điểm đó. Cái quyền lực đã bị lạm dụng là một quyền lực tâm linh cho phép một người được khám phá những bí mật sâu xa trong cuộc đời người khác và được xét đoán về tình trạng tâm linh của người khác và ngay cả về vận mạng tối hậu của họ nữa. Sự liên tưởng từ vị thừa tác viên đến Thiên Chúa có thể là vô phương phá vỡ, và rất có thể có vẻ như chính Thiên Chúa là kẻ gây ra sự xâm phạm. Sự xâm phạm tình dục đập bể tan tành sức mạnh các biểu tượng của tôn giáo đó, chẳng hạn như, hình ảnh một linh mục nâng cao bánh thánh có thể trở nên một sự nhạo báng. Sự tìm kiếm một tình yêu tuyệt hảo nơi tôn giáo đó trở nên bất khả.
Hơn thế nữa, những tổn hại trong quan hệ của chúng ta gây ra cho bất kỳ một trong những mối quan hệ đó đều sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đến hai mối quan hệ kia. Có thể chúng ta quen với sự thật này hơn, bởi vì điều đó áp dụng cho mối quan hệ giữa chúng ta với chính bản thân mình và với những người khác. Ví dụ như, khi ta nhận ra mình được người khác chấp nhận, ta trở nên dễ chấp nhận chính mình hơn; khi ta trở nên dễ chấp nhận chính mình, ta có nhiều năng lực hơn để vươn tới người khác.
Tương tự, mối tương quan này cũng đúng về mối quan hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa. Có rất nhiều ví dụ, chỉ xin nêu ra ba ví dụ ở đây: bất cứ điều gì làm cho người ta ngừng tin tưởng vào Thiên Chúa nhân hậu và bắt đầu sợ hãi một Thiên Chúa hung dữ sẽ ảnh hưởng lớn lao đến quan hệ của họ với người khác và đến nhận thức của họ về chính mình; bất cứ điều gì làm cho người ta e sợ nhìn tất cả những người khác như là những người có thể xâm phạm đến mình sẽ ảnh hưởng tai hại đến ý niệm của họ vào Thiên Chúa và vào chính họ; bất cứ điều gì làm cho người ta mất lòng tự tin hoặc làm cho người ta nhìn bản thân mình là ô uế hay nhơ bẩn trong bất cứ khía cạnh nào sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ của họ với Thiên Chúa và với người khác.
Một hiệu quả của mối tương quan này đáng được nhắc đến cách đặc biệt. Trong một cộng đồng Giáo Hội không thể nào tách rời mối quan hệ giữa nạn nhân với kẻ xâm phạm, với Thiên Chúa, và với cộng đồng. Kẻ xâm phạm đều luôn luôn là một người nắm quyền lực trong tay và luôn luôn có địa vị cao trọng vững chắc trong cộng đồng hơn nạn nhân rất nhiều. Điều này có nghĩa là kẻ xâm phạm là người quan trọng hơn rất nhiều so với nạn nhân trong tiến trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của các thành viên trong cộng đồng. Tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời là một tiến trình lâu dài và gian truân, và người ta không muốn thấy tiến trình đó bị xáo trộn. Rất thường khi họ sẽ bảo nạn nhân, bằng những cách ngấm ngầm không lời hay ngay cả bằng lời nói, rằng “Trước khi anh nói ra điều đó thì chúng tôi bình yên toại nguyện biết bao. Anh chính là một mối đe dọa cho hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của chúng tôi. Hãy đi đi, đi cho khỏi cộng đồng này, để cho chúng tôi quay lại với những gì yên lành trước kia”. Thế là nạn nhân bị cô lập khỏi cộng đồng và cảm thấy như mình bị lưu đày, hay ngay cả bị tuyệt thông.
Sự tổn hại này lại còn nhân lên nhiều lần nếu giới thẩm quyền trong Giáo Hội phản ứng tiêu cực khi được thông báo về sự xâm phạm, và sự mất mát ý nghĩa cuộc đời sẽ lại càng to lớn hơn. Nơi nạn nhân có thể có phần nào nhận thức rằng kẻ xâm phạm là một kẻ đã hành động theo một cách hoàn toàn trái ngược với tất cả những sự tín nhiệm của cộng đồng Giáo Hội, nhưng khi chính giới thẩm quyền trong Giáo Hội tỏ ra dung dưỡng những tội lỗi đó và làm cho hậu quả của những tội lỗi đó nặng nề thêm, thì có vẻ như toàn thể cả cộng đồng cùng hùa nhau cô lập nạn nhân. Mức độ ảnh hưởng lớn lao trên thế giới ý nghĩa của nạn nhân phải được nghiêm khắc so sánh với chính mức độ tội lỗi của sự xâm phạm.
Phần Hai: Chữa Trị Tâm Linh
Trong sự xâm phạm tình dục, tổn hại tâm linh là điều xảy ra trước hết, và là điều hồi phục sau hết. Sự thiệt hại gây ra cho bất kỳ một thành phần nào đều gây ra thiệt hại cho toàn bộ tổng thể, và tổng thể không thể nào được hoàn toàn khôi phục cho tới khi nào mỗi một thành phần đều đã khôi phục. Chữa trị tâm linh, vì thế, có nghĩa là giúp cho một người được hoàn toàn hồi phục thành một tổng thể lành lặn trở lại, và tìm được một thế giới ý nghĩa mới, một hệ thống những giải đáp mới thỏa đáp những vấn nạn căn bản của cuộc đời.
Hành trình hồi phục sẽ khác nhau đối với từng cá nhân, và không có một con đường khuôn mẫu nào có thể đúng cho tất cả mọi nạn nhân. Trong mọi tình huống chúng ta rõ ràng là phải tôn trọng nhu cầu và phúc lợi của nạn nhân, và nâng đỡ thay vì chỉ huy họ. Khái niệm về ý nghĩa cuộc đời mà cuối cùng họ sẽ đạt tới rất có thể sẽ rất khác biệt với khái niệm cũ họ đã từng có. Nói cách cụ thể hơn, bản thân tôi, một giám mục Công Giáo, có thể sẽ thấy chính tôi trong một hoàn cảnh giúp đỡ cho một nạn nhân tìm lại một lối đi trên đường đời, mà lối đi đó lại không có chút dấu vết gì của đạo Công Giáo. Nếu như đó là lối đi mà nạn nhân đó tin chính là điều chủ chốt để tìm lại tổng thể con người họ, thì lòng tôn trọng phẩm giá của nạn nhân bắt buộc tôi vẫn phải giúp đỡ họ trong khả năng của tôi.
Tình Yêu và Ý Nghĩa Cuộc Đời
Một thế giới ý nghĩa mới, một hệ thống giải đáp mới thỏa đáp những vấn nạn căn bản của cuộc đời, có nghĩa là một hệ thống những con người mới, đồ vật mới, hoạt động mới và tư tưởng mới mà nạn nhân có thể yêu mến.
Có những lúc, khi gặp một nạn nhân, ta có thể tìm thấy những tình yêu bền vững từ trong quá khứ của họ trước khi vụ xâm phạm xảy ra, có lúc thì ta thấy những tình yêu mới được nảy sinh từ sau vụ xâm phạm đó, chẳng hạn như, những cố gắng để tin tưởng một nạn nhân đồng cảnh ngộ hay một người nào đó đã bày tỏ lòng tử tế quan tâm. Tôi tin rằng điều quan trọng là tích cực tìm kiếm, nhận ra và chào đón bất cứ tình yêu nào, dù lớn hay nhỏ, mà ta có thể tìm thấy nơi một nạn nhân và khuyến khích những tình yêu đó phát triển thêm. Điều quan trọng là phải khuyến khích nạn nhân kết giao với một nhóm bạn có thể cung cấp sự chấp nhận và tình yêu mến. Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng trong lòng nạn nhân một ý tưởng là, mặc cho vụ xâm phạm đã xảy ra, vẫn còn có những con người, đồ vật, hoạt động và tư tưởng mà họ có thể yêu thích, xứng đáng để họ yêu thích, và có thể góp phần vào một thế giới ý nghĩa mới của họ.
Tâm Lý và Tâm Linh
Giới thiệu nạn nhân của xâm phạm tình dục đến những người được đào tạo trong ngành tâm lý học và tư vấn là điều đúng đắn. Đó là điều đúng đắn khi hiểu rằng những kỹ năng này là điều then chốt trong việc giúp nạn nhân vượt qua những ý tưởng và những cảm xúc đối chọi đang dằn vặt họ. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, kỹ năng trong khoa cố vấn và tâm lý học có thể không hẳn đã đủ để giúp phục hồi một nạn nhân lấy lại được ý niệm tổng thể toàn vẹn và ý nghĩa cuộc đời.
Cụ thể là, tôi biết nhiều nhà trị liệu có thể xem các tư tưởng tôn giáo chính là một phần của căn bệnh hơn là một phần của sự chữa trị, xét theo bất cứ chiều hướng nào. Đối với một số vị, phần lớn các căn bệnh tâm lý có nguồn gốc từ tôn giáo, và cách trị bệnh phải bao gồm việc thoát ly khỏi những giá trị tôn giáo đã gây ra bệnh. (2)
Có thể là điều ngạc nhiên khi tôi nói rằng tôi thông cảm với những thái độ đó. Tôi hiểu lý do tại sao họ có những thái độ như vậy và cả tôi nữa, chính tôi cũng đã và đang phải giúp đỡ người khác thoát ly khỏi những tư tưởng tôn giáo độc hại.
Mặc dù vậy, sẽ tốt cho các nhà trị liệu nếu họ biết rằng sự chữa trị có thể đi ra khỏi lãnh vực tâm lý đến những lãnh vực mà họ có thể không có đủ khả năng. Dù là một nhà chuyên môn giỏi, các nhà trị liệu có thể đôi khi cảm thấy cần thiết phải giới thiệu bệnh nhân đến nơi khác.
Điều này càng đúng khi ý niệm của nạn nhân về Thiên Chúa đã bị bóp méo và bẻ cong bởi vụ xâm phạm, thế nhưng nạn nhân lại không có ước muốn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa hay sự quan trọng của những giá trị tôn giáo trong đời sống. Một tín hữu Công Giáo bị xâm phạm và đang vất vả với những vấn nạn về ý nghĩa cuộc đời đôi khi có thể tìm thấy cả tình yêu lẫn ý nghĩa trong ý tưởng Đức Giê-su Ki-tô như một người đồng hành chịu đau khổ - người đã cũng từng bị rơi vào cái thế giới tưởng chừng như vô nghĩa trên thập tự giá.
Đó là một điều chưa đủ khi bảo một nạn nhân, bằng lời nói hay bằng những gì không lời, rằng tôn giáo chính là vấn đề, chứ không phải là giải đáp, và rằng cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn nếu không có tôn giáo nào cả. Mỗi người phải được chữa trị tùy theo từng trường hợp, và điều quan trọng là chúng ta giúp mỗi nạn nhân bước đi trên lối riêng của họ trên đường tiến tới sự hồi phục. Nếu phải quyết định giới thiệu nạn nhân đến một người khác để đương đầu với những tư tưởng và giá trị tôn giáo này, thì quyết định chọn ai, dĩ nhiên, là thuộc về nạn nhân.
Sự Tha Thứ
Khi nói về việc chữa trị, vấn đề tha thứ không thể bị bỏ qua. Điểm đầu tiên cần nói tới là đối với nạn nhân thì sự tha thứ quan trọng nhất là tha thứ cho chính mình – tha thứ vì đã yếu đuối bất lực, vì đã tin tưởng vào một kẻ không xứng đáng được tin tưởng, vì đã không làm gì hơn nữa để ngăn ngừa hay chống cự sự xâm phạm. Đây có thể là một sự tha thứ khó mà thực hiện, nhưng lại là điều cốt yếu trong việc lành bệnh thật sự.
Điểm thứ hai là không bao giờ có ai có thể đủ lý lẽ biện minh khi bảo với nạn nhân là họ có bổn phận về mặt tôn giáo phải tha thứ cho kẻ xâm hại họ. Hậu quả của sự xâm phạm có thể tồn tại dai dẳng trong suốt cả đời người và thường thì những kẻ xâm phạm không hề tỏ ra hối hận hay đau buồn gì cả. Không thể có bất cứ một tác động nào từ bên ngoài mà có thể khiến cho nạn nhân nghĩ đến chuyện tha thứ. Nếu như sự tha thứ có thể có bất cứ chút ý nghĩa nào, thì điều đó phải là sự chọn lựa tự do của cá nhân nạn nhân.
Cũng có khi sự tha thứ xảy ra quá sớm, và sự tha thứ này không mang lại điều gì thỏa đáng cả. Người ta có thể lầm tưởng rằng việc họ thật lòng quyết định tha thứ sẽ xóa hết những sự giận dữ trong lòng họ, để rồi có thể sẽ bị thối chí khi lại một lần nữa bị nhấn chìm trong sự giận dữ. Họ có thể sẽ tự trách mình và nghĩ rằng chắc chắn là có điều chi còn thiếu sót trong bản tính tốt lành của mình nếu như sự giận dữ cứ tiếp tục tiếp diễn, trong khi cái sai duy nhất ở đây là họ đã cố gắng tha thứ khi chưa thật sự sẵn sàng để làm điều đó.
Một sự lầm tưởng phổ biến là sự tha thứ đồng nghĩa với cảm xúc, nghĩa là, người ta đã tha khi họ cảm nghĩ tốt về kẻ xâm phạm họ, họ chưa tha khi còn cảm nghĩ xấu về kẻ xâm phạm.(3) Tuy nhiên, con người thật ra không thể trực tiếp điều khiển cảm xúc của mình. Nếu một nạn nhân nghĩ đến vụ xâm phạm, họ sẽ cảm thấy tức giận và không có điều gì họ có thể làm để ngăn chận được sự giận dữ này. Đơn giản là không thể nghĩ về sự xâm phạm mà không cảm thấy tức giận. Tuy nhiên, nếu con người không thể trực tiếp điều khiển cảm xúc, họ lại có thể ít nhiều điều khiển tư tưởng và hành động của mình. Vì vậy cách duy nhất mà một nạn nhân có thể chọn để không cảm thấy tức giận là cách không nghĩ đến việc xâm phạm. Lúc đầu thì điều này quả là bất khả thi, nhưng sau khi một thời gian dài trôi qua, điều đó có thể càng ngày càng trở nên khả thi, và vụ xâm phạm được nghĩ tới nhiều ít bao nhiêu là một sự chọn lựa mà nạn nhân phải dần dần quyết định.
Khi ký ức của vụ xâm phạm tình dục ập đến trong đầu, nỗi tức giận mà nạn nhân lập tức cảm nhận là một điều tích cực, điều đó góp phần vào cảm thức về ý nghĩa cuộc đời bởi vì đó chính là tình yêu đối với chính bản thân. Giận dữ là một phản ứng tự vệ, một sự khẳng định chính mình và phẩm giá của mình, một tuyên bố của linh tính tự nhiên rằng những việc đã xảy ra là sai trái, rằng nạn nhân có phẩm giá cao hơn thế rất nhiều. Song le, có một sự khác biệt giữa phản ứng tự vệ tích cực này với sự chủ tâm quyết định nghĩ đến sự xâm phạm để nhằm kích thích cơn giận dữ. Có một sự khác biệt giữa sự giận dữ tích cực - sự khẳng định bản thân - với sự giận dữ tiêu cực hơn – sự nung nấu thù hằn. Tha thứ có thể dễ dàng cùng tồn tại với sự giận dữ tích cực, ngay cả khi người ta cảm thấy bị áp đảo chìm đắm trong cơn giận; nhưng tha thứ không thể cùng tồn tại với lòng chủ tâm nuôi dưỡng hận thù.
Vì thế phần lớn của quyết định tha thứ thật sự là nằm trong quyết định có nên nghĩ đến sự xâm phạm hay không. Thời gian tính là điều quan trọng hàng đầu. Nhiều người kể là họ đã không bao giờ quyết định sẽ tha thứ, thế nhưng một hôm thức giấc bỗng khám phá ra rằng họ đã thật sự tha thứ vào một thời điểm nào đó trong quá khứ mà họ cũng không rõ là vào khi nào.(4) Người ta cũng có thể nhận ra rằng, giữa một bên là giận dữ và thù ghét và một bên là sự tha thứ, có một khoảng không xám xịt vô định, và rằng họ có thể sống nơi khoảng xám vô định này trong một thời gian rất lâu.
Nguồn gốc của từ ngữ có thể cho chúng ta biết rõ hơn về ý nghĩa của chúng. Từ nguyên ngữ trong tiếng Hy-lạp trong các sách Tin Mừng mà được dịch là “tha thứ” có một ý nghĩa căn bản hơn, là “bỏ lại phía sau, bỏ mặc” (6). Trong việc xâm phạm tình dục, điều này không có nghĩa là không nhìn nhận sự xâm phạm hay những hậu quả do nó gây ra. Điều này không có nghĩa là bỏ qua những nỗ lực đòi hỏi những món nợ chính đáng. Điều này không có nghĩa là đè nén những ký ức hay ngăn cản ký ức hiện về trong tâm thức mỗi khi điều này xảy ra cách tự nhiên. Điều này có nghĩa là đạt đến một mốc điểm nơi người ta đã sẵn sàng để bắt đầu bỏ lại mọi chuyện sau lưng, phó mặc cho tự nhiên, không làm gì để cố tình khơi lại những ký ức và những cảm giác mà những ký ức đó mang lại.
Từ tha thứ trong nguyên ngữ Hy-lạp có nguồn gốc từ trước thời Công Giáo. Mặt khác, trong nhiều ngôn ngữ Tây phương, động từ “tha thứ” phản ánh một cội rễ Công Giáo, khi được cấu tạo từ hai từ “tha thứ” (to for-give = to give for) (7). Tôi vừa mới đọc được một câu chuyện về một phụ nữ có con gái bị giết, và rồi nhiều năm sau, người phụ nữ đó giờ đây đang viết thư thăm hỏi một người đàn ông đang mang án tử hình về tội giết người. Bà cho rằng bà đang sống trong khoảng xám vô định, nhưng rõ ràng là bà đã vượt qua nhiều chặng trên con đường “tha thứ” người đàn ông đã sát hại con gái bà, bởi vì bà đã đang thử tìm hiểu làm thế nào mà có thể có một bản thể con người đằng sau một bộ mặt sát nhân, và qua các lá thư bà tỏ ý muốn giúp cho bản thể con người đó được trưởng thành. Bà vẫn không thể viết thư cho kẻ sát hại con gái bà, và bà vẫn không thể nghĩ đến hắn mà không cảm thấy giận dữ và thù ghét, nhưng bà đã vượt qua khỏi mốc điểm của sự cố tình nung nấu sự giận dữ căm hờn trong lòng, và hành động – hơn là cảm xúc – của bà là những dấu chỉ đúng đắn cho thấy bà đã tiến đến đâu trên con đường tha thứ. (8) Bà đang đi trên lối riêng của mình hướng đến sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và sự chữa trị tâm linh, và không ai có thể lấy mất con đường của bà.
Trong quyển sách “Dấn Bước Trên Lối Ít Người Qua”, tác giả M. Scott Pecks viết:
“Tiến trình tha thứ – quả thật, lý do chính yếu để tha thứ – là vị kỷ. Lý do để tha thứ cho kẻ khác không phải là vì họ …. Lý do để tha thứ là vì chính chúng ta. Vì sức khỏe của chính chúng ta. Bởi vì khi qua khỏi cái mốc cần thiết cho việc hồi phục, nếu chúng ta cứ giữ mãi sự giận dữ trong lòng, chúng ta sẽ ngừng trưởng thành và linh hồn chúng ta sẽ héo tàn.” (9)
Vì thế chúng ta không bao giờ nên bảo các nạn nhân là về mặt tôn giáo họ có bổn phận phải tha thứ, nhưng, khi đúng thời đúng lúc, chúng ta có thể khuyên họ là hướng tới sự tha thứ có thể tốt cho chính họ. Lý do căn bản nhất cho điều này là nó có thể khơi nguồn tình yêu, và nhờ đó, khiến cho ý nghĩa cuộc đời có thể đến với họ dễ dàng hơn.
Một hình thức tha thứ khác cũng rất quan trọng. Các cộng đồng phải tha thứ - theo nghĩa đen của “tha thứ cho nhau” – những nạn nhân đã khuấy động sự yên tĩnh và sự tìm kiếm ý nghĩa của họ khi nói ra việc mình bị xâm hại. Trong Giáo Hội Công Giáo, tôi phải thừa nhận rằng, giả sử như không có nạn nhân nào lên tiếng, thì đã không có sự thay đổi nào cả. Chúng ta phải học để thật lòng biết ơn các nạn nhân vì đã khuấy động chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy rằng mình đã mất đi phần nào ý nghĩa cuộc đời, đó chỉ là ý nghĩa giả tạo mà thôi, và những tố cáo của các nạn nhân đã mở đường cho những ý nghĩa trọn vẹn và đáng giá hơn.
Lắng nghe các nạn nhân của sự xâm phạm tình dục là một món quà tâm linh sâu sắc nhất mà tôi được nhận trong nhiều năm qua. Họ đã cho tôi thấy làm sao để tìm thấy tình yêu ở những nơi không ngờ nhất, và họ đã nới rộng chân trời tâm linh của tôi ra thật xa. Nếu trong tương lai, một Giáo Hội tốt đẹp hơn vươn lên từ cuộc khủng hoảng này, chính các nạn nhân phải nhận công lao tạo ra Giáo Hội đó.
Con đường dẫn tới tổng thể toàn vẹn và ý nghĩa cuộc đời sau khi bị xâm phạm tình dục là một con đường dài đầy khó khăn. Khi hai chữ “tâm linh” được hiểu theo nghĩa rộng mà tôi đang dùng trong bài này, chữa trị tâm linh cung cấp một đích điểm mà tất cả mọi hình thức chữa trị khác hướng tới. Việc chữa trị tâm linh sẽ đã có một bước tiến triển thật sự khi mà thế giới bắt đầu có ý nghĩa trở lại, khi mà một lần nữa người ta tìm lại được ít nhiều những cảm giác căn bản của yêu và được yêu, và khi có hy vọng rằng tương lai sẽ mang đến nhiều hơn, chứ không phải ít hơn, những tính chất tốt đẹp này của cuộc đời. Geoffrey Robinson.
________________
1 Tự điển Macquarie liệt kê ba mươi ý nghĩa khác nhau cho chữ “spirit”, và mười ý nghĩa cho chữ “spiritual.” Một số có ý nghĩa trực tiếp liên hệ đến tôn giáo, ví dụ như, “linh hồn theo nghĩa có thể phân ly khỏi thể xác vào lúc chết”, nhưng một số khác có nghĩa rộng hơn, ví dụ như, “một khởi nguyên linh động hay linh hứng có thể xuyên thấm và kềm chế tư tưởng, cảm giác, hay hành động” hay “linh hồn hay trái tim như nền tảng của cảm xúc hay tình cảm, hay như động lực thúc giục hành động.” Ý nghĩa thứ năm của chữ “spiritual” là “thuộc về tâm linh như nền tảng của bản tính luân lý đạo đức hay tôn giáo”.
2. M Scott Peck, một bác sĩ tâm lý trị liệu có lòng thực sự quan tâm đến tâm linh, viết, “Tôi đã từng nói với người ta với chút đùa cợt là Giáo Hội Công Giáo cung cấp nguồn sống cho tôi trong nghề chuyên gia tâm lý trị liệu. Tôi cũng có thể nói tương tự như vậy đối với các Giáo Hội Tin Lành, Lutheran, Presbyterian, hay bất cứ Giáo Hội nào khác.” Lối Ít Người Qua. NXB Arrow, 1990, tr 221.
3. Đây là một trong những ý nghĩa của chữ “to forgive” trong các tự điển, ví dụ như, “thôi không còn cảm thấy oán giận nữa.”
4. Đây là lời một nạn nhân ẩn danh nói với tôi, được sử dụng ở đây với sự chấp thuận của nạn nhân.
5. The Tablet, 27 Tháng Sáu 1998, tr 841-842.
6 Xin xem chữ aphiemi trong Tự Điển Thần Học Tân Ước, tái bản, Gerhard Kittel và Gerhard Friedrich, được tóm tắt thành một tập do Geoffrey W Bromley, NXB The Patermoster, Exeter, United Kingdom, 1985, tr 88.
7. Tiếng Pháp perdonner, Ý perdonare, Tây-ban-nha perdonar, vergeben. Mặc dù các ngôn ngữ này mang nặng nguồn gốc Hy-lạp và La-tinh, trong chữ này các ngôn ngữ đó phản ánh lịch sử Công Giáo nhiều hơn gốc gác Hy-lạp và La-tinh bình thường của chúng. Mặc dù tiếng La-tinh có chữ condonare, chữ thường dùng của “to forgive” là veniam dare, nghĩa là “ban lòng thương xót hay ân huệ”.
8 The Tablet, đã dẫn.
9 Simon và
No comments:
Post a Comment