Friday, 4 March 2011

Lm Richard Leonard sj: “Con xin Chúa một giờ, chuông ngọ đổ”

Chuông ngọ từng hồi, chuông ngọ đổ
Từng hồi chuông ngọ đổ, chơi vơi
Con nghe chuông đổ, rồi con khóc
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

(Mt 7: 21-27):
“Chơi vơi, nghe chuông ngọ đổ từng hồi”, nhà thơ khóc. Khóc xong, nhà thơ xin Chúa cứu hồn mình, và chuông đổ. Chuông ngọ đổ, dân con nhà Đạo cũng nghe nhưng không khóc, chỉ cầu kinh. Cầu kinh kêu van cùng khóc lóc, là tình tự Chúa nói ở trình thuật, viết hôm nay.

Trình thuật hôm nay, là đoạn cuối Bài Giảng nghe Trên Núi, thật rõ nghĩa. Giảng trên núi, Chúa nói về đặc trưng/đặc điểm mà dân con đồ đệ, nay thường có. Đặc trưng/đặc điểm ấy, không thể đo lường mực thước điều mình nói hoặc làm, dù có là thánh. Thành thử, không thể ngồi “nghe chuông đổ”, rồi kêu cầu “Lạy Chúa!”, “Lạy Chúa!” suốt ngày là đủ đâu. Than van kêu cầu “Lạy Chúa!” Lạy Chúa!” suốt ngày, là kiểu nói/thói tục, bấy lâu nay.

Xưa nay, dân con nhà Đạo có để thì giờ ra mà kêu van hay đi nhà thờ nhà thánh, hoặc hành hương, làm tuần cửu nhật, sớm tối đọc kinh, kiệu rước linh đình… thì chưa chắc đã thể hiện được ý Cha. Có vị, còn chủ trương bói bùa trừ quỷ, giảng thuyết hùng hồn hoặc bày biện chuyện lạ giựt gân nhằm thu hút nhiều người, cũng chưa chắc để danh Cha được cả sáng.

Là dân con đồ đệ, đòi hỏi ta làm nhiều hơn thế nữa. Trước hết, nên nghĩ đến trách nhiệm hiệp thông liên kết trọn vẹn với Chúa. Liên kết trọn vẹn cả hồn xác, là thấm nhuần thần trí Đức Kitô. Là, biết suy nghĩ như Ngài vẫn suy tư. Biết nhận thức, thực hiện ý định của Ngài, trong mọi việc. Là đồ đệ đúng nghĩa, còn phải biết thực sự tiếp cận với ý định của Ngài nữa. Tiếp cận, trong tâm trạng tỉnh trí biết lắng nghe, hơn là nói nhiều và ê a nhiều, qua kinh kệ. Tiếp cận là để, khi giáp mặt Ngài vào giờ phút cuối, Ngài sẽ nhận ra mình, người đồ đệ thân thương vẫn chu toàn thánh ý của Ngài, trong cuộc sống.

Chu toàn thánh ý của Chúa, còn là tương tác với Ngài bằng bốn đặc trưng, như sau:

Trước nhất, biết lắng nghe xem Ngài dạy những gì. Chỉ làm được như thế, nếu biết tiếp cận Lời Ngài. Lời Ngài vẫn rõ ghi trong Kinh Thánh, cả ở Cựu Uớc lẫn Tân Ước. Đặc biệt là Tân Ước. Bởi, phần đông dân con nhà Đạo thường biết rất ít về Lời Ngài nói trong Kinh Thánh. Trong cuộc sống bận rộn, ít người chịu mở Kinh Sách ra đọc, và gẫm suy. Tuy nhiên, làm sao suy gẫm, nếu chưa bao giờ sở hữu đến một Cuốn. Có người còn nghĩ: vốn liếng về Đạo học được ở trường/vào giờ lễ, cũng quá đủ. Người khác lại nói: chỉ cần ta ăn ngay ở lành, làm đúng lương tâm đạo đức, đã là may. Thậm chí, đến như người có học, cũng còn biết rất ít về đặc trưng/đặc điểm ở tín thư Tin Mừng, nữa cũng nên.

Tiếp đến, cũng nên am tường những điều mình nghe biết, nơi Lời Ngài. Lời Ngài dạy, ta đã nghe và cũng đã có dịp đọc, nhưng không am hiểu ý nghĩa tóm gọn, bên trong. Thành thử, không thể am tường, nếu không có cố gắng. Làm sao cố gắng, nếu chỉ đọc và hiểu Lời theo tầm hiểu biết rất thô sơ, của chính mình. Đọc và diễn nghĩa bậy mà không được dẫn dắt, là điều rất nguy hiểm. Nguy hiểm, vẫn từng xảy ra qua nhiều thế kỷ. Lời Chúa, được viết vào thời buổi có văn hoá khác hẳn, thời hôm nay. Đọc Lời Chúa, mà không được giải thích dẫn dắt, thật khó mà hiểu cho thấu đáo. Chỉ đọc hời hợt/thoáng qua, ta dễ bóp méo hoặc thay đổi ý hướng của văn kiện. Thành ra, ta nên tìm đọc và học hỏi các sách chuyên sâu chú giải, mới hiểu thấu Lời Chúa. Và từ đó, mới thấy hữu ích.

Thứ ba, là có thái độ thuần thục chấp nhận và biết đồng hoá tiếp thụ những gì giúp ta hiểu biết thấu đáo Lời Ngài dạy bảo. Ta sẽ trở nên đồ đệ đích thực của Ngài, nếu biến suy tư của Đức Chúa thành suy nghĩ của chính ta. Như thánh Phao-lô có nói trong thư gửi cộng đoàn Phi-líp-phê: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. (Pl 1: 21). Mối lợi với thánh nhân, là kết hợp trọn vẹn với Chúa. Là, tiếp tục sẻ san kinh nghiệm về Ngài với người anh người chị, trong cộng đoàn các kẻ tin.

Cuối cùng, lại như thánh Phao-lô, một khi ta đã đồng hoá/tiếp thụ trở nên thành phần suy tư điều mình đã nghe và hiểu, ta cứ theo đó mà hành động. Bởi, thánh ý của Chúa và suy nghĩ của ta khi đó đã trùng lập. Thị kiến của Ngài cũng trở thành cái nhìn của ta, như một. Như của ta. Là đồ đệ của Chúa và quyết làm theo Lời Ngài, không còn là vấn đề của ý chí, nữa. Mà là, nhìn thấy sự việc theo cùng một cách như Tin Mừng. Như Tony De Mello nói: “Tất cả là thái độ sống”. Khi thấy được sự sống và tương quan cùng một cách như Tin Mừng thấy, thái độ của ta sẽ dễ dàng tiến theo sau, rất tự nhiên.

Bài đọc một, nói đến chọn lựa của ta có thể là một chúc phúc hay nguyền rủa. Với Giao Ước Mới, giới lệnh đích thực không là điều răn có được từ núi Si-na-i; mà là, theo cách sống sự thật. Sống công chính. Và, sống trong yêu thương dựa trên sự kết hiệp tình yêu giữa Chúa và mọi người. Mọi người ở quanh ta. “Chúc phúc”/“nguyền rủa”, không là quyết định thánh thiêng của Chúa. Quyết định là quyết định, theo sau đáp ứng của ta với lời mời của Chúa. Nghe và làm theo lời Ngài, ta sẽ được bình an - hạnh phúc, ta hằng đeo đuổi. Từ chối không nghe/không làm, đem cho ta những âu lo nghịch thường, trong cuộc sống.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nhắc nhở ta hãy nên người công chính, việc này không do bởi ta có giữ luật Mô-sê truyền không, nhưng đây là quà tặng của tình yêu, nơi cuộc sống. Qua, sự thống khổ, cái chết và sự phục sinh của Chúa. Tin điều Chúa dạy, đó là ý định Chúa muốn ta nhận biết và có được niềm tin tươi mát. Nói cách khác, trở nên người công chính với Chúa, là do mình có quyết định tin - yêu trọn vẹn vào Đức Kitô. Chứ không do nỗ lực vẫn có nơi ta. Hiểu như thế, là theo đúng Tin Mừng của Chúa, hôm nay. Mọi việc ta làm, đều qua Ngài. Với Ngài. Và trong Ngài.

Sống, mà chỉ biết có kinh kệ hoặc vụ hình thức, những “chũm choẹ chập choeng”, chẳng khác nào như Chúa nói: “như người dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, gió cuốn bão ập vào, tất cả đề ra hư luống, đổ ào.” (Mt 7: 27). Đó cũng là trạng huống của các bạn đồng Đạo, những sống hình thức. Rất dễ ngã quỵ, trong hối tiếc. Nghe Lời Ngài, là biết sống trong sự thật. Rất yêu thương, đùm bọc. Rất nội tâm.

“Đừng thề với hứa, mà không thể thực hiện! Hãy biến những điều mình hứa hẹn và thề nguyện, thành hiện thực!” Điều này, vẫn thường xảy đến vào thời của Đức Chúa. Thời mà dân con trong/ngoài nhà Đạo vẫn cứ chỉ tay lên trời mà thề. Lập trường Chúa kêu gọi mọi người, vẫn là: đừng thề nguyền hoặc hứa hão. Cứ luôn sống trung thực. Trung thực như một kẻ tin, rất lương thiện. Rất đáng tin cậy. Lương thiện, không cần phải bảo kê lời mình nói. Không cần phải dẫn chứng Chúa lẫn Mẹ, mỗi khi nói. Cứ trong sáng. Trong sáng, như những người không có gì phải giấu.

Không phải là ít trong số những người Công giáo luôn nghĩ rằng: nếu mình giữ trọn 10 điều răn Đức Chúa Trời, đương nhiên trở thành người công chính. Lên thiên đàng thẳng rọt. Họ là những người, thường cứ nhất nhất một điều bối rối, hỏi rằng: việc này có là tôi? Có phản chống lề luật của Đức Chúa không? Công giáo đích thực, là người chẳng cần hỏi: việc đó có đúng luật, không? Mà, chỉ biết yêu Chúa qua các người anh người chị trong cộng đồng. Chỉ biết đến phục vụ và yêu thương, nhiều hơn nữa.

Yêu thương phục vụ, không là tự hỏi: mình đã thi hành đúng luật pháp chưa. Mà, luôn hỏi: ta làm như thế có đúng luật yêu thương, phục vụ người đồng loại không? Có cần yêu thương nhiều hơn nữa không? Trả lời được câu hỏi này rồi, thì đòi hỏi của những luật và pháp, cũng sẽ lọt tọt đuổi theo sau mình, mà thôi.

Hiểu như thế, ta quyết tay nắm tay, ra đi mà phục vụ kẻ khác. Phục vụ người. Như người vẫn hát:


“Đi với tôi đến chốn trời xa
Bên suối mơ là nhà của ta,
tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa
Gót chân theo nhịp bước thần tiên

Có ai đâu vui như tôi
Tuy không có dài hơi
Người nào chán và buồn tình đời
Đều cùng yêu tôi.”
(Canh Thân – Đi với tôi đến chốn trời xa)

Vâng. Khi đã quyết tâm như thế, ta cứ đi. Đi để thấy, đời rất đẹp. Thấy mọi người “đều yêu ta” và ta yêu người. Yêu ta yêu người, chứ không ê a Lạy Chúa, và không khóc. Dù khóc, khi nghe chuông đổ. Hay khóc, vì gọi Chúa mãi Ngài không nghe. Bởi than hay khóc, giống như người xây nhà trên cát. Rất dễ sụp. Rất mau chán. Chán sống. Chán cả yêu.
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá phỏng dịch

No comments: