Chương Ba
Và giờ đây hãy xét về hình tượng Thiên Chúa –
Người Chuyên Lo Chuyện Thời Tiết.
Chúng ta có thể ngưng cầu trời cho mưa xuống được không?
Thiên Chúa không chủ ý gây ra động đất, lụt lội, hạn hán, hay những thiên tai khác.
Từ xưa các triết học gia đã phân chia những sự dữ khác nhau thành nhiều thể loại khác nhau, nếu chỉ kể ba thể loại chính mà thôi thì có: sự dữ thể lý, sự dữ luân lý, và sự dữ siêu nhiên. Sự dữ thể lý là loại mà chúng ta vừa đọc trong những trang vừa qua, một loại sự dữ mà thậm chí không cần có sự hiện diện của một ý định độc ác – không giống như một vụ giết người – thì một điều chẳng lành gì đó xảy đến cho cơ thể của chúng ta, cho hoàn cảnh mà ta đang sống, hay cho sự tự do cá nhân hoặc tự do xã hội của ta. Khi sự dữ thể lý xảy ra thì phần lớn mọi người thường băn khoăn tự hỏi là Thiên Chúa đang ở đâu.
Sự dữ luân lý là thể loại mà có lẽ chúng ta thường được nghe nhắc đến nhiều hơn bất cứ những thể loại nào khác. Đây là sự dữ gây ra từ hậu quả của những lựa chọn và những hành động của con người. Trong thần học Công Giáo, tình trạng tôi có mang tội về phần cá nhân tôi hay không do những sự dữ luân lý mà tôi đã chọn, hoặc tương tự, xã hội có mang tội hay không, là tùy thuộc vào việc tôi đã tự do đến mức nào, chủ tâm đến mức nào, và sáng suốt đến mức nào khi quyết định chọn lựa điều đó. Đây là điểm mà chúng ta bàn về tội lỗi, về lương tâm có hiểu biết đầy đủ, và luân lý đạo đức. Có một số điều trùng lặp giữa sự dữ thể lý và sự dữ luân lý. Trong khi sự dữ luân lý có thể có một hậu quả thể lý rất thực, nhưng nguyên nhân của nó không phải là từ thế giới bên ngoài – thế giới mà chúng ta không thể điều khiển hay kềm chế, nhưng là từ chính trong quá trình chọn lựa của con người – quá trình mà chúng ta có thể điều khiển và kềm chế.
Các chuẩn mực luân lý không nhất thiết phải mang tính tôn giáo. Mỗi xã hội loài người đều thiết lập những biên giới cho cách hành động, cách quuyết định chọn lựa, và định ra hình phạt cho những kẻ vi phạm luật lệ. Tất cả mọi luật lệ dân sự đều chứa đựng những chuẩn mực luân lý căn bản đã được xã hội chấp nhận, và có nhiều người không-có-tôn-giáo nhưng lại có những chuẩn mực luân lý rất cao về phương diện dân sự và phương diện nhân bản, mà họ dựa vào đó làm điểm tham chiếu khi sống cuộc đời họ. Mục đích chính của tôn giáo và của luân lý là để không phải chỉ đơn giản giải thích việc người ta phải sống như thế nào cho phải lẽ, mà còn để đặt luân lý vào trong bối cảnh của những câu hỏi tại sao, và, thật vậy, cả những câu hỏi nơi đâu nữa – chúng ta từ nơi đâu mà đến, tại sao chúng ta sống ở thế gian này, và chúng ta đang đi về nơi đâu. Tôn giáo không phải là nhằm thuần túy nói về luân lý; đúng hơn, và quan trọng hơn, tôn giáo là nhằm cung cấp ý nghĩa và sự liên kết chặt chẽ cho lý do tại sao chúng ta sống cách mà ta đang sống.
Sự dữ siêu nhiên là thể loại nói về sự chạm trán giữa điều lành và điều dữ trên một bình diện có tính vũ trụ bao la hơn. Đây là những gì huyền bí trong ý nghĩa phong phú nhất của nó, trong đó con người cố gắng tìm hiểu xem sự dữ đã khởi nguyên như thế nào, có phải thế giới này là thế giới tốt đẹp nhất có thể được tạo dựng hay chăng, và tại sao Thiên Chúa dường như là cho phép đau khổ xảy ra. Những câu chuyện về ông A-đam và bà E-và, Vườn Địa Đàng, Tội Nguyên Tổ, có thể là những câu chuyện huyền bí sâu sắc nhất, trong đó mẩu chuyện đơn giản được dùng để giải thích những câu hỏi hóc búa nhất. Một cách giải thích về một thể loại sự dữ lại nảy ra thêm nhiều câu hỏi về những thể loại kia, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
Nước Úc hiện nay đang sống trong một nạn hạn hán kéo dài nhất mà đa số dân chúng chưa từng trải qua. Thật là đau lòng biết bao khi nhìn thấy những con sông khô cạn trơ đáy, những đàn cừu đàn bò phải bị giết hại vì không còn cỏ cho chúng, những nông gia phải rời bỏ trang trại mà nhiều thế hệ trong gia tộc họ đã sinh sống và làm việc ở đó trong bao năm qua. Tỷ lệ tự tử gia tăng trong thời gian hạn hán, tỷ lệ ly dị cũng gia tăng, và, khi dân chúng rời đi nơi khác để tìm kiếm công ăn việc làm, thì các thị trấn nhỏ bé và các cộng đồng vùng sâu đã trở nên bị cô lập, thậm chí một số nơi đang trở thành những thị trấn chết. Sự dữ có lẽ là chữ đao to búa lớn nếu dùng để diễn tả hậu quả của trận hạn hán, nhưng chỉ có người nào chưa từng bị trận hạn kỳ này trực tiếp ảnh hưởng đến thì họ mới nghĩ về nó bằng những chữ nhẹ nhàng hơn.
Vấn đề của tôi trong trận hạn hán này là phản ứng của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Trong bao nhiêu năm qua, trong hầu hết tất cả các nhà thờ ở Úc Châu, mọi người đều đã và đang “cầu trời cho mưa xuống.” Trong các giáo phận bị hạn nặng nhất, đức giám mục địa phương ở đó lại còn có thể tổ chức những “Thánh Lễ cầu mưa” trong nhà thờ chính tòa. Ở một mức độ nào đó, đây là điều hoàn toàn thích hợp, vì điều này tuyên bố qua ý nghĩa tượng trưng của nó, rằng Thiên Chúa muốn hòa mình vào tất cả mọi phần trong đời sống chúng ta, và đứng bên cạnh chung vai sát cánh với chúng ta trong tất cả những niềm vui hay những nỗi buồn khổ lo lắng. Ngay cả trong một trận hạn, Thiên Chúa muốn chúng ta liệt kê ra những thứ mà ta cần. Những dịp này là dịp nức nở của trái tim. Chúng có thể là những dịp phụng vụ dành cho việc than van, dành cho việc diễn tả nỗi đau chung của cả cộng đồng. Sự lo ngại của tôi được khơi dậy bởi vì những dịp phụng vụ này rất hiếm khi nói lên những điều này, mà lại gợi ra thêm nhiều câu hỏi về vai trò mà chúng ta cho là Thiên Chúa đang đóng trong trận hạn hán mấy năm qua.
Trong một thánh lễ mà tôi tham dự ở một nhà thờ chính tòa miền quê, một vị giám mục có học cao bắt đầu bài giảng về trận hạn. Ngài có đầy lòng thương cảm cho các con chiên của mình đang vất vả mưu sinh nơi vùng quê khô hạn. Nhưng đến khi ngài nói: “Chúng ta không biết vì sao mà Thiên Chúa đã giáng xuống trận hạn này, nhưng chúng ta phải vừa cầu khẩn Người cho mưa rơi, vừa sống đời mình sao cho xứng đáng với lòng nhân hậu của Người,” thì tôi có thể thấy rằng sự dữ thể lý và sự dữ luân lý đã gặp nhau. Tôi thật kinh ngạc vì vị giám mục tốt lành này lại liên kết cuộc đời chúng ta với chuyện thời tiết. Thần học dường như đã chẳng tiến bộ được bao nhiêu kể từ câu chuyện về ông Nô-ê trong sách Sáng Thế (St 6-9), ngoại trừ việc ngày nay Thiên Chúa lại muốn dạy chúng ta một bài học này bài học nọ bằng cách không thèm cho chút mưa nào cả, thay vì gieo xuống cả một trận đại hồng thủy như ngày xưa.
Không có điều chi nghi ngờ về việc cả Cựu Ước lẫn Tân Ước và truyền thống của giáo hội đều nhấn mạnh đến sự cầu xin liên lỉ cho những ý nguyện cụ thể, ngay cả ý nguyện cầu cho mưa rơi hay cầu cho mưa đừng rơi (Gc 5:17-18). Vấn đề là ở chỗ những tư tưởng này là của những người sống ở thời kỳ bán khai không biết gì đến khoa học, họ nghĩ rằng mưa rơi xuống từ những cái cửa sổ trên trời, những cái cửa mà Thiên Chúa đóng hay mở thất thường tùy theo Người đang vui hay buồn. Cuộc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo cũng phải nên ảnh hưởng đến cách mà chúng ta cầu nguyện.
Phần đầu trong câu nói của vị giám mục là đặc biệt trục trặc. Ngài không chỉ giảng giải về một cảnh huống xưa cũ, mà còn không toàn vẹn: “Chúng ta không biết vì sao Thiên Chúa lại tạo dựng nên một thế giới mà trong đó những trận hạn hán tai hại nặng nề như vầy lại có thể xảy ra.” Ngài còn đi xa hơn nữa, và nhiều vị khác cũng vậy. Cái ý tưởng rằng Thiên Chúa ngồi ung dung trên trời và chủ tâm giáng một trận hạn dai dẳng xuống trên nước Úc đã làm tôi băn khoăn. Chúng ta cứ luôn đặt Thiên Chúa vào vai trò của một nhà-khí-tượng-vĩ-đại-ở-trên-trời. Nhất là các cô dâu sắp làm đám cưới. Tôi không còn đếm xuể con số những cô dâu – mà tôi làm lễ cưới cho họ – đã xin tôi cầu nguyện cho một ngày cưới đẹp trời. Ngoại trừ lý do nếu trời nắng đẹp thì dễ dàng cho các vị khách tham dự đám cưới, và có nhiều cảnh cho anh thợ chụp hình chọn lựa, tôi không nghĩ rằng chuyện trời nắng, trời mưa, hay mưa đá là có quan trọng chút mảy may nào trong ngày cưới, hay cả trong bất kỳ ngày lễ quan trọng nào khác. Tôi nghĩ Thiên Chúa còn phải lo nhiều chuyện trọng đại hơn, ít nhất thì tôi mong là như vậy. Ở đây sự băn khoăn của tôi bị nhân lên gấp đôi. Ki-tô giáo có đôi khi chỉ trích những tôn giáo duy linh khác khi họ tổ chức những buổi lễ lạc long trọng để dâng lời cầu xin mưa nắng của họ lên các vị thần lo chuyện nắng mưa. Tôi không thấy có gì khác biệt chi mấy giữa một cuốn phim Hollywood về một ông pháp sư Chinook vừa nhảy múa vòng quanh một cái bệ cúng vừa kêu gào xin các vị thần “cho mưa, cho mưa, cho mưa” với một vị giám mục tổ chức một “Thánh Lễ cầu mưa” trong nhà thờ chính tòa của ngài. Một loại thần học giống nhau có thể được thấy trong cả hai tình huống – nếu như ta cầu nguyện đủ lâu dài và đủ tha thiết hay thay đổi lối sống của ta, thì Thiên Chúa sẽ nguôi giận và sẽ cho mưa xuống. Vấn đề của tôi là, chúng ta cho rằng Thiên Chúa đang làm gì ở trên trời? Phải chăng Thiên Chúa đang ngồi trên đó mà nói rằng: “Không, ta sẽ không cho mưa xuống, đi chỗ khác, đi chết khô chết héo đi.” Dĩ nhiên là không phải như vậy! Tôi không chấp nhận việc chúng ta có thể tụ tập lại để dâng Thánh Lễ cầu xin Chúa cho chúng ta được mạnh mẽ hơn trước cảnh hạn hán đang xảy ra. Sách Lễ Công Giáo có soạn đủ các Thánh Lễ khác nhau cho đủ loại các dịp đau buồn tuyệt vọng khác nhau. Những phần này trong Sách Lễ có thể dễ dàng được dùng như một phần than van trong phụng vụ khi chúng ta tụ họp lại để than khóc van xin những điều ta cần với một Thiên Chúa Đấng đã hiện diện sẵn ở đó cho chúng ta, hiểu biết những gì ta cần, và cùng than khóc với chúng ta. Trong việc này thì các tác giả thánh vịnh đã diễn tả những điều vô cùng đắc dụng.
Xin nói rõ là chúng ta có thể và phải nên cầu nguyện về chuyện nước nôi, chuyện quả đất, và chuyện môi trường. Nếu như chúng ta thật sự phò sự sống, thì chúng ta không thể nào mà không quan tâm đến môi trường và hành tinh này. Chúng ta cũng thậm chí có thể có những Thánh Lễ trong đó ta cầu nguyện cho được ơn biết làm những người quản gia tốt nhất trong khả năng của ta cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng đây là nói rộng ra rất nhiều so với thánh lễ cầu mưa. Điều này lại đặt ra một điểm sinh tử khác: khi tham dự một cuộc cầu nguyện liên lỉ để cầu xin điều gì đó, thì chúng ta nghĩ là mình đang làm gì – lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thay đổi Thiên Chúa hay chăng? hay sẽ thay đổi chúng ta? hay là cả hai? Vào buổi sáng ngày 26 tháng Mười Hai năm 2004, hai trận động đất ngầm đã xảy ra dưới đáy Ấn Độ dương, đo được 9,1 và 9,3 độ trên địa chấn kế Richter, và đã gây ra trận sóng thần đổ ập vào bờ biển các nước Indonesia, Sri Lanka, India, và Thailand. Người ta ước tính có đến khoảng 283.100 người bị thiệt mạng chỉ trong ngày hôm đó. Buổi tối hôm đó trên làn sóng radio ở Úc Châu có một chương trình trực thoại để thính giả có thể gọi vào bày tỏ phản ứng của họ trước những sự kiện khủng khiếp vừa mới xảy ra trong ngày. Hầu hết những thính giả gọi vào đều bày tỏ sự kinh hoàng và lòng thương cảm của họ đến các nạn nhân. Nhiều người hứa sẽ làm tất cả những gì họ có thể làm để trợ giúp cho công tác cứu trợ nạn nhân. Thế nhưng tôi sửng sốt khi nghe một người gọi vào, xưng là “một nhà giảng đạo Công Giáo”, và nói: “Đó, thấy chưa, quý vị phải nhận thấy là mấy người Muslims đó đáng bị như vậy lắm, nếu Chúa mà nói Người sẽ bảo vệ dân Người, thì Chúa không nói đùa đâu.” Kiểu nói này cũng giống như loại thần học kinh khủng đã cho rằng biến cố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ là do Thiên Chúa giáng xuống để trừng phạt tội lỗi, để làm một cú đánh cho nước Mỹ thức tỉnh mà quay về với Đức Ki-tô.
Nếu bỏ công phân tích lời phát biểu của vị thính giả trên đây một cách nghiêm túc hơn mức độ xứng đáng dành cho lời phát biểu đó, thì chúng ta phải thắc mắc là vị thính giả đó nghĩ sao về cái sự thật là những vùng ở Sri Lanka bị nhấn chìm trong biển nước trong ngày hôm đó lại là vùng mà người Công Giáo chiếm đa số. Cứ như là hàng chục ngàn nạn nhân thảm thương này chỉ đơn giản là bị trúng đạn lạc trong cuộc báo thù đẫm máu của Thiên Chúa mà thôi.
Vậy khi con cháu chúng ta đặt câu hỏi rằng: “Tại sao trận sóng thần đó xảy ra?”, thì tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta cứ giải thích cho mấy đứa trẻ biết sự thật đơn giản theo môn địa vật lý: “Đó là do có sự di chuyển của vỏ địa cầu, gây ra những cơn sóng lớn.” Nếu chúng ta muốn giải thích kỹ hơn một chút, ta có thể bảo bọn trẻ rằng một trong những lý do mà con số người bị thiệt mạng trong ngày hôm đó cao tới mức như vậy, là bởi vì mặc cho những nước nghèo ở vùng Vòng Đai Ấn Độ dương đã từ lâu xin xỏ các nước giàu có trên thế giới giúp họ thiết lập hệ thống báo động sóng thần, lời xin xỏ đó đã không được đáp ứng. Nếu như hệ thống báo động sóng thần đã được thiết lập vào thời điểm đó, thì mặc dù sự thiệt mạng của một số người có thể là không thể tránh khỏi, nhưng số lượng thời gian vài tiếng đồng hồ kể từ lúc động đất xảy ra đến lúc sóng thần đổ ập vào bờ có nghĩa là một cuộc di tản khổng lồ đáng lẽ đã có thể diễn ra và đáng lẽ đã có thể cứu được nhiều mạng người. Những nước nghèo đó giờ đây đã có hệ thống báo động này.
Và tại sao hạn hán xảy ra? Với tất cả lòng kính trọng dành cho vị giám mục nói trên, tôi không tin rằng Thiên Chúa đang chủ động gieo rắc hạn hán để bắt tôi phải cầu khẩn nài xin sốt sắng hơn, hay để răn đe cho tôi biết sửa mình mà sống cho đàng hoàng hơn. Trái lại, tôi cho rằng có thể là khí hậu trái đất được lặp đi lặp lại qua các chu kỳ kéo dài nhiều năm, những chu kỳ mà loài người chưa có phương tiện để đo lường hay chưa thu thập đủ dữ kiện để dựa vào đó mà tiên liệu, cho đến thời điểm hiện tại. Có thể hạn hán là do các tia lửa từ mặt trời phóng ra mà chúng ta không cách nào kiểm soát hay ngăn chặn được. Cũng có thể là ở một số quốc gia nào đó, loài người đã chọn sai vùng đất để tụ họp nhau mà sống, hay đã chọn sai loại mùa màng để mà gieo trồng, hay đã không làm những người quản gia biết giữ gìn chu đáo quả địa cầu ở bình diện địa phương cũng như trên bình diện toàn cầu. Tình huống tệ hại nhất là hạn hán là do sự kết hợp của tất cả các yếu tố nêu trên mà ra. Dù sao đi nữa, thì giờ đây chúng ta đã biết là trái đất rất đỗi mong manh hơn ta tưởng, và rất đỗi chênh vênh, rất đỗi tinh tế hơn ta tưởng rất nhiều. Trái đất luôn không ngừng tiến triển, ngay trong lúc này, theo nghĩa đen, trái đất đang rên rỉ trong một cơn chuyển dạ sinh con. Vậy thì, có phải cái hành tinh rất bấp bênh này là hành tinh tốt nhất mà Thiên Chúa đã có thể sáng tạo ra hay chăng? Chúng ta không thể biết. Hành tinh này là như vậy, và mỗi ngày nó đem lại cho chúng ta những thách đố về việc chúng ta thấy vai trò của mình là gì trong toàn bộ trật tự tạo dựng, về việc chúng ta tương tác ra sao với tất cả những sinh vật khác trong mối quan hệ hỗ tương nhằm kiến tạo tương lai cho cái thế giới đã được trao vào tay ta để gìn giữ. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta, hướng dẫn, truyền dạy chúng ta về những hậu quả của lòng tham lam quá mức, của việc không biết chọn những quyết định khôn ngoan hơn khi mà hậu quả của những quyết định ngu ngốc, kể cả những quyết định về thời tiết và khí hậu, đang trừng trừng nhìn ngay vào mặt chúng ta.
Vậy nếu như tôi không nên cầu nguyện cho trời mưa, hay cho một ngày đám cưới đẹp trời, thì tại sao tôi lại phải cầu nguyện để làm chi?
Tôi nghĩ một số khá lớn Ki-tô hữu không hẳn là đang cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô, mà là đang cầu nguyện với thần Dớt – Zeus. Không phải là họ chủ tâm cầu nguyện với ông thần Hy-lạp của người vô tín ngưỡng này; chỉ là cái cách mà họ cầu nguyện khiến cho tôi phải kết luận là một số người tin vào một ông thần tương tự như kiểu thần Zeus, mà không chỉ vì thần Zeus là vị thần chuyên lo về chuyện thời tiết trên núi Olympus mà thôi. Trong huyền thoại Hy-lạp, thần Zeus cai quản bầu trời và sai khiến sấm sét, cai quản tất cả các vị thần khác, là người cai trị trên đỉnh Olympus – nơi cư ngụ của các vị thần linh. Thần Zeus không phải là một ông thần dễ tính. Mặc dù có lúc thì vị thần này có thể cũng tốt bụng và nhân hậu, nhưng thần Zeus lại nổi tiếng về tính khí khó chịu thất thường. Khi thần Zeus mà nổi cơn giận lên, thì ông giết chóc, đả thương, trừng trị, và đem tra tấn những vị thần và những người trần khác bằng đủ mọi cực hình ghê gớm. Sống với thần Zeus thì không biết đâu mà lường. Một trong những bài học mà người trần và các vị thần ít quyền phép hơn thần Zeus đã nhanh chóng học được là nếu muốn sống yên ổn thì phải làm đẹp lòng ông thần Zeus. Đối với tất cả các vị thần Hy-lạp khác, thì lời cầu nguyện và vật hiến tế là những lễ vật hay được dùng để dâng cúng. Tuy nhiên, trong trường hợp thần Zeus, thì lễ vật dâng cúng là trâu bò sát tế – trâu bò thời đó là những lễ vật có giá trị kinh tế khổng lồ. Mức độ dâng cúng nhiều ít bao nhiêu và mức độ cầu nguyện lâu dài bao lâu thì dường như tỷ lệ thuận với việc người dâng cúng mong được thần Zeus cứu xét lời cầu xin tới mức nào, mong được thần Zeus thay đổi ý định như thế nào, hay mong được thần Zeus đối xử với họ tốt lành ra sao. Thật thảm thương, có cả một số bằng chứng khảo cổ cho thấy người ta đã đi xa tới mức dùng chính con người làm vật hiến tế để mong xoa dịu cơn giận của vị thần vĩ đại nhất trong số các vị thần này.
Một cách đúng đắn, ngay từ những thế kỷ đầu tiên của lịch sử giáo hội, Thiên Chúa của chúng ta đã khác biệt hơn tất cả những vị thần linh trước đó – khác hẳn thần Zeus. Dựa vào nền tảng của Do-thái giáo, chúng ta tuyên xưng rằng:
Thiên Chúa là duy nhất;
Thiên Chúa có tính vĩnh hằng: Người không bao giờ lụi tàn;
Thiên Chúa có tính bất biến: Người không bao giờ đổi dời;
Thiên Chúa tự mình mà có: Người không do bất kỳ một hữu thể nào khác tạo ra, Người là hữu thể đầu tiên;
Thiên Chúa có tính siêu việt: chúng ta được dựng nên từ hình ảnh Người, không phải Người từ hình ảnh chúng ta;
Thiên Chúa có quyền năng tuyệt đối: quyền năng của Người là vô biên;
Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi: ở đâu cũng có sự hiện diện của Thiên Chúa;
Thiên Chúa toàn trí toàn thức: Người thông biết mọi sự;
Thiên Chúa thánh thiện tuyệt mỹ: Người hoàn hảo trong tình yêu.
Luận thuyết truyền thống của đạo Công Giáo về tính không-đổi-dời khẳng định rằng Thiên Chúa, tự bản chất của Người, là bất biến. Trong cách mà một số người nói về Thiên Chúa, chúng ta có cảm tưởng là họ cho rằng Thiên Chúa có thể thay đổi nếu như Người muốn thay đổi, bởi vì Người có quyền năng vô biên. Bản chất bất biến của Thiên Chúa là điều tối quan trọng cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và cho sự yên ổn trong tâm trí chúng ta. Điều này ảnh hưởng đến việc cầu xin nguyện ước.
Tôi nói riêng về việc cầu xin nguyện ước trong sự hiểu rõ là lời cầu nguyện của chúng ta thường có khuynh hướng nghiêng theo các thể loại trong thánh vịnh. Ngoài việc cầu xin Thiên Chúa ban cho một điều gì đó, lời cầu nguyện của chúng ta cũng có thể than van về hoàn cảnh mà ta đang phải chịu đựng, nghĩa là, than khóc trong đau khổ; lời cầu nguyện đó cũng có thể là lời tạ ơn và ngợi khen; khẳng định niềm tin tưởng phó thác của chúng ta; ca tụng ơn cứu độ dành cho chúng ta; hay đơn giản là chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hình thức thông thường nhất của những lời mà con người thưa với Thiên Chúa, là cầu xin cho một điều gì đó xảy ra cho một ai đó ở một nơi nào đó. Và tôi tin rằng tất cả những lễ vật hy sinh và những lời nguyện xin trên cả thế giới đều không thể thay đổi Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa muốn như vậy.
Nếu vậy thì lời cầu xin nguyện ước của chúng ta là để làm gì? Tại sao phải mất công cầu nguyện với Thiên Chúa làm chi nếu như Thiên Chúa có tính bất biến? Khi cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa thánh thiện, yêu thương, và bất biến của chúng ta ban ơn biến đổi chúng ta, và qua đó mà biến đổi thế giới. Không như thần Zeus, Thiên Chúa thật sự của Ki-tô giáo không thể có hôm thì thức dậy với một tâm trạng quạu quọ và một tính khí thất thường. Đối với người thường thì chúng ta hầu như không thể nào mà có một mối quan hệ thương yêu vững bền với một con người thay đổi thất thường, vậy thì mối quan hệ của ta với Thiên Chúa lại càng nhiều rủi ro hơn biết bao nhiêu nếu như Thiên Chúa có tính tình vui buồn thất thường (trong ý nghĩa cổ điển của chữ thất thường), hay có tính luôn bạ đâu hay đấy? Đức Giê-su, Lời của Đức Chúa Cha cho thế giới, luôn thể hiện tính mạnh mẽ và không thay đổi. Và về bản chất của Thiên Chúa, thánh Gia-cô-bê Tông Đồ nói: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1:17).
Điều này làm nhẹ cả một gánh nặng trong cuộc đời đức tin và trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta không cần phải băn khoăn lo âu về cơn giận rất có lý của Thiên Chúa, ít nhất là trong cuộc đời dưới thế này, để rồi phải e sợ là Thiên Chúa sẽ giết hại, đả thương, trừng phạt, hay tra tấn chúng ta. Nhưng bạn sẽ được tha tội nếu bạn dám nghĩ như vậy, cứ theo như cách mà một số người nói về Thiên Chúa, và cách cầu nguyện mà một số người trong chúng ta đã được dạy dỗ. Dường như là việc cầu nguyện chỉ toàn là nhằm để xin xỏ, hay ra lệnh cho Thiên Chúa phải làm gì, phải thay đổi ý Người đã định, phải cho mưa xuống khi mà có thể là Người không muốn làm như vậy. Tôi tin rằng vai trò của việc cầu nguyện quan trọng trong đời chúng ta đến nỗi tôi muốn tất cả chúng ta phải đoan chắc là ta biết rõ ta đang cầu nguyện với ai, và ta có thể mong chờ điều gì từ việc cầu nguyện đó. Nếu như Thiên Chúa không thể thay đổi do lời cầu nguyện của chúng ta, thì chúng ta có thể thay đổi, và phải nên thay đổi.
Trong khoa thần học, chúng ta nói về việc Thiên Chúa trút chính mình qua Đức Giê-su và nhờ Đức Giê-su cho thế giới và để cứu chuộc thế giới. Kenosis – trút bỏ (Pl 2:7) – là một từ Hy-lạp hoa mỹ để diễn tả hành động này. Thiên Chúa trút hết cả chính mình để yêu thương chúng ta và gìn giữ chúng ta trong từng giây phút của mỗi ngày. Trong việc này thì Thiên Chúa không thể nào mà làm hơn được nữa. Có đáp lại cái ơn nghĩa mà ta đã không làm gì để xứng đáng được lãnh nhận đó hay không, là tùy thuộc vào chúng ta, và việc cầu nguyện chính là để đáp lại điều đó. Việc cầu nguyện mời gọi ân phúc tuyệt vời của Thiên Chúa biến đổi, hình thành, uốn nắn, hàn gắn, và soi sáng chúng ta. Điều này diễn ra không những chỉ trong lời cầu nguyện cá nhân, mà còn trong lời cầu nguyện chung của chúng ta. Tất cả các việc phụng vụ thuộc đủ mọi hình thức và nghi thức không phải là nhằm để cho sức mạnh của một đám đông người kêu gọi một-Thiên-Chúa-có-thể-thay-đổi dẹp bỏ một điều cụ thể gì đó mà Người đã định trước. Làm như thế thì đó sẽ chỉ là một cuộc biểu tình chính trị. Không, phụng vụ là nơi mà chúng ta kết hợp lời nguyện cá nhân với lời nguyện của những người đang tụ họp nơi thánh đường, và với cả toàn thể thế giới, để cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta, để cho chúng ta có thể phản chiếu rõ hơn dung nhan từ ái của Người, và qua đó mà biến đổi thế giới.
Ở đây, có thể đó là điều thật lạ lùng khi tôi nói rằng Thiên Chúa không thay đổi bản chất và không thể thay đổi bản chất, mà lại có thể biến đổi trái tim con người. Tuy nhiên, tôi không tin rằng Thiên Chúa có khả năng biến đổi quả tim con người nếu như quả tim đó không muốn được biến đổi. Ơn phúc được xây dựng trên nền tảng bản chất; ơn phúc không xóa sạch bản chất. Chúng ta được mời gọi thay đổi nhờ vào ơn phúc của Thiên Chúa, chứ không bị ép buộc phải thay đổi. Không thiếu gì những ví dụ về việc những người ngay lành lại có những quyết định chọn lựa sai lầm như thế nào, và những người độc ác làm những chuyện độc ác ra sao, để chúng ta có thể thấy rằng sự tự do của chúng ta là món quà lớn nhất do Thiên Chúa ban cho, mà cũng chính là món quà nguy hiểm nhất.
Nếu có khi nào bạn muốn biết một cộng đoàn nào đó đang cầu nguyện với ai, và họ nghĩ cầu nguyện có nghĩa là gì, thì hãy lắng nghe phần lời nguyện tín hữu của họ, lời “nguyện xin” của họ. Phần lớn các lời cầu nguyện đều cầu xin Thiên Chúa làm một việc gì đó theo một cách để cho chúng ta được thoát khỏi lưới. “Lạy Chúa, xin nâng đỡ kẻ nghèo, xin ban hòa bình, xin ban của ăn cho người đói.” Chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho hết tất cả những điều này được xảy ra, và có khi thì ơn phúc của Người thấm nhuần vào chúng ta trong một cách mà chúng ta coi nước uống là một ơn phúc, hay chúng ta biết chia sẻ với người nghèo, và biết kiến tạo hòa bình. Vậy chúng ta hãy cẩn thận mà xin những điều ta muốn xin; một loại thần học sáng suốt hơn – loại thần học biết nhận ra rằng Thiên Chúa là bất biến, Thiên Chúa biết ta cần điều gì trước khi ta mở miệng nói ra những điều đó, và Thiên Chúa vui mừng khi ta biết viện cầu đến quyền năng của Người để biến đổi thế giới. Trở lại với ví dụ của tôi ở đoạn trước về chuyện khí tượng, tôi không nghĩ rằng chúng ta nên cầu xin Chúa cho mưa xuống, nhưng dĩ nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta nên quỳ gối mỗi sáng, trưa, chiều, tối mà cầu nguyện về chuyện nước uống.
“Lạy Chúa, trên mảnh đất khô cằn này, nơi mà chúng con biết nước thật sự là một ơn phúc quý giá biết chừng nào, xin cho chúng con biết để ý xem chúng con đã dùng nước phí phạm ra sao. Xin giúp chúng con biết bảo tồn nước trong kỳ hạn hán mà chúng con đang trải qua lần này, hay kỳ hạn hán mà chúng con biết là có thể sắp sửa sẽ xảy ra. Xin cho chúng con có không những chỉ đủ nước cho nhu cầu của chúng con, mà còn đủ để chia sẻ với những người vẫn thường không có chi để uống. Chúng con cầu xin Chúa.”
Bởi vì theo lời Đức Giáo Hoàng Benedict trong tông thư đầu tiên của ngài, “Đã đến lúc cần phải nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc cầu nguyện trước việc chủ nghĩa duy hoạt động và chủ nghĩa tục hóa đang gia tăng nơi nhiều Ki-tô hữu đang tham gia những công việc từ thiện. Rõ ràng là, người Ki-tô hữu khi cầu nguyện không cho rằng mình có thể thay đổi chương trình của Thiên Chúa hoặc có thể sửa đổi lại những gì mà Thiên Chúa đã tiên định. Nói đúng hơn, người đó mong tìm một cuộc hội kiến với Đức Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô, để cầu xin rằng Thiên Chúa cùng với niềm an ủi của Chúa Thánh Thần sẽ hiện diện với anh ta và trong công việc của anh ta” (Deus Caritas Est # 37 – Thiên Chúa Là Tình Yêu # 37)
Và ước chi đoàn dân Chúa sẽ thưa “Amen.”
Friday, 25 March 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment