Thursday, 17 March 2011

Hans Kũng : Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo


Đôi lời giới thiệu của người dịch

Về tác giả

Hans Küng là một tác giả quen thuộc trong, và cả ngoài, công giáo. Ông sinh năm 1928 tại Sursee (Thụy Sĩ). Cử nhân thần học tại đại học Grêgôriô (Roma) và thụ phong linh mục năm 26 tuổi, làm luận án tiến sĩ về Kal Barth, -một thần học gia Tin lành, một trong bảy nhà thần học được ông giới thiệu trong tập sách này-, tại Học viện công giáo Paris. Ông được giao phụ trách một giáo xứ tại Lucerne. Năm 32 tuổi, ông được chỉ định làm giáo sư thần học tại đại học Tübingen. Giáo hoàng Gioan XXIII đã chỉ định ông làm chuyên viên thần học chính thức, - cũng như thần học gia Joseph Ratzinger, nay là Giáo hoàng Bênêđictô XVI-, của công đồng chung Vatican II, một Hội nghị các giám mục trên toàn thế giới (1962-1965). Lúc này ông mới 35 tuổi và là một trong những nhà cố vấn chính thức trẻ tuổi nhất của công đồng. Công đồng này được xem như một cuộc cải tổ lớn trong giáo hội Công giáo theo chiều hướng cởi mở, một aggiornamento, sự cập nhật hóa chính mình, vì thế là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử giáo hội Công giáo. Giáo hoàng XXIII và công đồng chung Vatican II trở thành một trong những điểm qui chiếu của Hans Küng khi bàn về tổ chức của giáo hội, vai trò của giáo hoàng và guồng máy điều hành của Roma trong giáo hội.

Vấn đề Đại kết[1] là một trong những trục tư tưởng chủ yếu của Hans Küng. Từ luận án tiến sĩ của mình, Hans Küng xuất bản cuốn Rechtfertigung [Công chính hóa][2]. Trong tập sách này, ông cho thấy giữa Công giáo và Tin lành có thể có một sự xích lại gần nhau về chủ đề Công chính hóa, -việc con người tội lỗi trở thành thánh công chính trước mặt Thiên Chúa-, một trong những vấn đề then chốt của cuộc tranh cãi thần học giữa Công giáo và Tin lành. Hans Küng đã trở lại với tập sách này khi bàn về Karl Barth ở đây. Tác giả cũng còn tổ chức các cuộc trao đổi giữa Kitô giáo và các tôn giáo thế giới (Islam, Ấn giáo, Phật giáo)[3], giữa Kitô giáo và Tôn giáo Trung Hoa[4]. Khi bàn về xu hướng của thần học trong thiên niên kỷ thứ III này, ông không ngần ngại khẳng định nền thần học này sẽ mang tính đại kết, giữa các giáo hội Kitô giáo với nhau (Công giáo và các giáo hội Tin lành, Chính Thống giáo), giữa Kitô giáo với các tôn giáo thế giới và các vùng trên thế giới, theo một hệ hình mang tính đại kết[5].

Nhưng sự nghiệp thần học của Hans Küng đã không diễn ra một cách xuôi chảy. Như không ít các nhà thần học Công giáo nổi tiếng khác, ông đã không được những người có bổn phận bảo vệ tính chính thống của giáo lý Công giáo nhìn với con mắt thiện cảm. Phê phán một số giáo huấn của giáo hội, đặc biệt về khẳng định liên quan đến tính không sai lầm của giáo hoàng, năm 1979, dưới triều Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Hans Küng đã bị Tòa thánh Roma rút lại quyền giảng dạy thần học. Nhưng, tại các đại học ở Đức, môn thần học được xem là một môn học như các môn học khác, nên người ta đã mở riêng cho ông một khoa nghiên cứu đại kết thuộc đại học Tübingen để ông có thể tiếp tục công việc giảng dạy thần học của mình. Ngoài ra, ông còn thành lập và điều khiển quỹ vì một nền đạo đức thế giới [Weltethos]. Trong lĩnh vực này, ông đặc biệt quan tâm tìm hiểu mối liên quan giữa bạo lực và sự thánh thiêng.

Tác phẩm

Tập sách nhỏ có tựa đề là CÁC NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN CỦA KITÔ GIÁO [Grosse christliche Denker] này, như ông viết trong lời Tựa, là một nhập môn thần học Kitô giáo. Nhưng là “một kiểu nhập môn không mấy quen thuộc”, như tác giả viết. Thần học được ông giới thiệu ở đây chính là “Thần học đang ở trong quá trình thực hành, thần học trong phác thảo sống động, thần học như được phản ánh bởi những nhân vật mang tính hệ hình [paradigmatischer] của lịch sử Kitô giáo –những nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo tiêu biểu cho cả thời đại”. Những “nhân vật mang tính hệ hình” được Hans Küng chọn giới thiệu trong tập sách này là: Phaolô (?-60), Origen (185-251), Augustinô (354-430), Thomas Aquinas (1224/5-1274), Martin Luther (1483-1546), Schleiermacher (1768-1834) và Karl Barth (1886-1968). Trong số này, bốn vị đầu là các nhà thần học Công giáo, ba vị sau là các nhà thần học Tin Lành.

Thần học Kitô giáo

Từ thần học [trong tiếng Đức, Theologie, tiếng Anh, theology, hay tiếng Pháp, théologie] được ghép bởi hai từ Hy Lạp : theos (Chúa, Thần) và logos (lời, lý)] được sử dụng trong Kitô giáo để chỉ khoa học về Thiên Chúa, chủ yếu về Thiên Chúa người Kitô hữu tin tưởng và tôn thờ. Trong thực tế, khoa học này bao gồm toàn bộ giáo lý Kitô giáo.

Nhưng giáo lý Kitô giáo lại được, và phải được xây dựng trên mạc khải của Thiên Chúa, nghĩa là trên những gì Thiên Chúa muốn tỏ bày cho con người về chính Ngài, về quan hệ của Ngài với con người và vũ trụ, về công trình cứu độ loài người liên quan đến hạnh phúc vĩnh hằng của con người. Kitô giáo tin rằng mạc khải này được Thiên Chúa thông đạt cho con người bằng nhiều cách, đặc biệt, qua các hành động của Ngài, qua các thụ tạo, các biến cố lịch sử, và trên hết, qua Đức Giêsu Kitô và Thánh Kinh gồm Cựu Ước và Tân Ước chính là mạc khải thành văn của Thiên Chúa. Đối với Công giáo, Truyền thống của giáo hội cũng là một nguồn của mạc khải.

Kitô giáo

Kitô giáo khởi đầu từ niềm tin nơi Đức Giêsu, người Nazaret, xứ Palestin, con người đã bị giết chết trên thập giá, dưới thời tổng trấn Pilato, người Roma, -Palestin lúc ấy đang ở dưới sự đô hộ của đế quốc Roma-, nhưng đã toàn thắng sự chết và đã sống lại cho sự sống mới trong vinh quang của Thiên Chúa, là chính Đức Kitô, Đức Mêsia[6] người Do Thái mong đợi như vị Cứu tinh Thiên Chúa hứa ban cho dân của Ngài. Kitô giáo khởi đầu được xem như một “giáo phái” trong Do Thái giáo. Đức Giêsu là một người Do Thái, được giáo dục trong Do Thái giáo. Ngài và mười hai Tông đồ của Ngài, những người được Ngài chọn và đào tạo để được sai đi rao giảng Tin Mừng, là những tín đồ ngoan đạo của Do Thái giáo.

Nhưng niềm tin mới này đã sớm tách khỏi Do Thái giáo và trở thành một tôn giáo mới, được gọi là Kitô giáo, tôn giáo của những kẻ tin ở Đức Giêsu là Đức Kitô. Tôn giáo mới này đã sớm phát triển ra ngoài Palestin, tại thế giới Địa Trung hải, và ngay từ thế hệ thứ nhất đã truyền tới phương Tây. Phêrô và Phaolô, các môn đệ tiên khởi của Đức Giêsu, đã có mặt tại thủ phủ của đế chế Roma vào giữa thế kỷ thứ nhất. Kitô giáo đã phát triển thành một tôn giáo có tính toàn cầu, một Công giáo, tôn giáo dành cho mọi người ở mọi nơi và vào mọi thời đại, chứ không còn chỉ dành riêng cho một dân, một chủng tộc, như Do Thái giáo.

Để có thể là tôn giáo của mọi người ở mọi nơi và vào mọi thời đại, thì tín thư, Tin Mừng, mạc khải của Thiên Chúa, giáo lý của Kitô giáo không ngừng đòi hỏi phải được diễn giải, giải thích để mọi con người, thuộc các nền văn hóa khác nhau, có thể hiểu được và đón nhận. Và thần học là một trong những nỗ lực góp phần vào công việc diễn giải và giải thích này một cách có ý thức và phương pháp. Hans Küng, trong lời tựa của tập sách về các nhà thần học ông đánh giá là “lớn” này, đã nói lên cái cốt lõi của thần học: “Nhà thần học trước tiên phải là người phiên dịch cho con người của không gian và của thời đại nhà thần học đang sống, không phải tư tưởng của nhà thần học, mà là thông điệp Kitô giáo, mạc khải, Thánh Kinh, Lời đích thực của Thiên Chúa. Qua việc tra vấn và tìm kiếm không mệt mỏi, các nhà thần học tìm cách có được cái hiểu mới về công cuộc của Thiên Chúa và nói sao cho thời đại của mình và nơi mình đang sống có thể hiểu được – dù hợp thời, không hợp thời, dù có làm vui lòng tinh thần riêng của thời đại hay không.”

Các nhà thần học được Hans Küng chọn giới thiệu trong tập sách này được xem là những tác giả lớn. “Tác giả lớn”, ở đây, như tác giả viết ở lời tựa, không có nghĩa là đã viết nhiều, tuy rằng, trong thực tế, trừ Phaolô, tất cả các ngài đều đã để lại gần như một thư viện nhỏ gồm các tác phẩm các ngài đã viết, và một thư viện khác gồm những sách người ta đã viết về các ngài. “Lớn” ở đây chủ yếu chỉ tầm quan trọng các nhà thần học này đã thực hiện trong lịch sử thần học Kitô giáo, những người đã thực hiện, đã khởi đầu hay hoàn tất những bước ngoặt trong lịch sử thần học Kitô giáo.

Để diễn tả tầm quan trọng của mỗi nhà thần học được đề cập đến trong tập sách này, Hans Küng đã sử dụng từ Paradigma, chúng tôi tạm dịch là hệ hình[7], và thay đổi hệ hình [Paradigmenwechsel] để làm chuẩn mực phân tích bảy tác giả được nêu trên.

Hệ hình và thay đổi hệ hình

- Hệ hình

Từ Paradigm, hệ hình, là khái niệm được nhà khoa học tự nhiên Thomas S. Kuhn sử dụng để phân tích và tìm hiểu sự xuất hiện của những học thuyết mới trong lịch sử khoa học tự nhiên. Chính T. Kuhn đã định nghĩa hệ hình là: an entire constellation of beliefs, values, techniques, and so on shared by the members of an given community”; “tout l’ensemble de croyances, de valeurs reconnues et de techniques qui sont communes aux membres d’un groupe donné” [một tổng thể các các niềm tin, các giá trị, kỹ thuật được các thành viên của một nhóm nhất định nhìn nhận][8].

Khái niệm này đã được áp dụng trong khoa học xã hội và nhân văn và Hans Küng đã đem vào sử dụng trong khoa thần học và Giáo hội. Ông đã dành một phần lớn của tác phẩm Une théologie pour le 3e millénaire [Một nền thần học cho thiên niên kỷ thứ ba][9] của mình để trình bày về việc ông áp dụng khái niệm hệ hình (paradigm) được sử dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên này vào lĩnh thần học. Theo Hans Küng, trong lĩnh vực thần học, dựa vào Thomas S. Kuhn, người ta có thể gọi hệ hình là những mô hình lớn của sự nhận thức bao quát, của thần học và Giáo hội, đối diện với những xáo trộn lớn đánh dấu một thời kỳ.

Hans Küng nhận định: Vào những năm 1970, nền thần học đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng thần học hiện nay không phải là một cuộc khủng hoảng với những triệu chứng riêng rẽ, mà là một cuộc khủng hoảng đụng tới tận nền tảng. Nền thần học công giáo đã khởi đầu –dưới Phaolô VI, rồi từ 1978, được Gioan Phaolô II củng cố - một diễn tiến của sự phục hồi. Một nền thần học phê phán đối với hệ thống và khuynh hướng dứt khoát có tính cách đại kết càng ngày càng mang thái độ tự vệ. Nhưng tại sao một nền thần học đại kết mà lại cũng phải mang khuynh hướng tự vệ? Để trả lời cho câu hỏi này, Hans Küng thấy là phải vượt lên trên những con người riêng rẽ, những biến cố riêng rẽ và những triệu chứng riêng rẽ. Hans Küng nhìn nhận việc phân tích các hệ hình, được nhà khoa học Thomas Kuhn đưa ra, đã giúp ông đặt cuộc khủng hoảng hiện nay vào một khung cảnh lịch sử rộng lớn hơn: như là cuộc tranh cãi, xung khắc không chỉ giữa các nhà thần học khác nhau và các nền thần học khác nhau, mà là giữa các hệ hình có một tầm vóc lớn.

Để tránh mọi lẫn lộn, Hans Küng phân biệt Macroparadigmus, những hệ hình lớn hay những mô hình căn bản tạo nên thời kỳ, bởi vì chúng bao hàm một số lớn các Mésoparadigmus cho các lĩnh vực khác nhau của thần học (chẳng hạn, giáo thuyết về hai bản tính trong Kitô học, giáo thuyết của Anselmô về sự đền bù trong cứu độ học), và cả những Microparadigmus cho vô số các vấn đề chi tiết, những đối tượng của sự tranh luận cho các nền thần học khác nhau” (176).

- Thay đổi hệ hình [Paradigmenwechsel]

Trong khoa học tự nhiên, các giả thuyết và lý thuyết mới có tính quyết định ra đời từ việc thay thế một mô hình nhận thức hay một hệ hình thịnh hành cho tới lúc này bằng một mô hình nhận thức hay một hệ hình mới. Sự thay đổi này được xem là một diễn tiến rất phức tạp và thường là dài hơi, nhưng lại mang tính cách cách mạng hơn là tiến hóa. Một hệ hình mới luôn bắt đầu từ khủng hoảng dẫn đến một cấu hình (Konstellation) mới, bao gồm những yếu tố cần thiết cho việc lĩnh hội và giải thích, như khuôn mẫu của việc giải thích, hệ thống khái niệm, phương pháp, những lĩnh vực vấn đề, những nỗ lực giải đáp vv.

Tiến sĩ Thomas S. Kuhn, nhà vật lý học và là nhà nghiên cứu lịch sử các khoa học người Mỹ, đưa ra lý thuyết này trong cuốn sách đã trở thành cổ điển của suy tư đương thời về các khoa học, The structure of scientific revolutions[10]. Và Hans Küng nhìn nhận ông đã nhờ lý thuyết này mà có được một cái nhìn sâu sắc và bao quát hơn, trong lĩnh vực thần học, về những vấn đề xoay quanh sự tăng trưởng của các tri thức, về sự phát triển, về sự tiến bộ, về nguồn gốc của cái mới và do đó, của cả những tranh luận hiện tại. Việc nói đến những thay đổi hệ hình, hay những bước ngoặt có tính hệ hình, không nhất thiết bao hàm ý tưởng tiến bộ hay thụt lùi, mà chủ yếu diễn tả “một sự lĩnh hội có tính cách biện chứng về lịch sử thần học và Giáo hội, vốn luôn bao gồm các bước thăng trầm, tiến bộ trong kiến thức và những quên lãng, sự liên tục và đứt đoạn, những phủ nhận để tương đối hóa, những khẳng định nhằm phòng vệ và những bước tiến về phía trước để vượt lên” (176).

Tập sách của Hans Küng Một nền thần học cho thiên niên kỷ thứ ba cũng đã giới thiệu những nỗ lực và thành quả của những nỗ lực này của một symposium đại kết quốc tế do do ông tổ chức tại Đại học Tübingen năm 1983 để bàn về học thuyết này trong thần học. Tại symposium này, các nhà thần học đã cố gắng lấy lại những phân tích căn bản, rất thích hợp và quan trọng đối với lịch sử và thuyết về các khoa học, và tự hỏi về khả năng áp dụng của nó vào các khoa học nhân văn, và chính xác hơn, vào thần học để bản thân nền thần học ý thức được vị trí, tình huống của nền thần học hiện đại. “Bản phác họa được trình bày tại symposium cho thấy rõ ràng điều này: vào thế kỷ này, chúng ta đang đối diện với sự cạnh tranh, thậm chí, nhiều khi đứng trước những đối nghịch, xung khắc không chỉ của những nền thần học khác nhau, mà của những hệ hình khác nhau. Sự xung khắc này là kết quả của sự thiếu hẳn tính đương thời [non-comtemporanéité], về mặt lịch sử, của những mô hình lớn của nhận thức do các thần học gia hay đại diện của Giáo hội áp dụng. Và để phân tích các sự chồng chéo, nằm đè lên nhau của các hệ hình lớn khác nhau, tác giả khẳng định lý thuyết về hệ hình của T. Kuhn được coi là cực kỳ sáng sủa. Nền thần học hiện tại như vậy có thể làm chủ được gốc gác và tương lai của mình, và qua đó, nhận định đúng mức về mặt lịch sử từng hệ hình của một thời kỳ nhất định. Và chính bởi vì đây là những hệ hình, những tiền giả định cơ bản đã chín muồi từ lâu, cắm rễ sâu, tác động một cách có ý thức hay không có ý thức lên tất cả, mà sung khắc giữa những người được gọi là ‘cấp tiến’ và những người được gọi là ‘bảo thủ’ trong các Giáo hội khác nhau quả là gay gắt và có vẻ như loại trừ mọi khả năng dung hợp” (178).

Các nhà thần học tham gia Symposium này đã nỗ lực tìm cách xuyên qua cái bề mặt của các nền thần học khác nhau để đi tìm một mẫu số chung. Kết quả, theo tập sách trên, họ đã nhận thấy là:

-Cộng đồng Kitô hữu – Do Thái tiên khởi với cấu hình khải huyền* và cánh chung*

-Thời của các giáo phụ Irênê, Clément và Origène, Tertullianô và Cyprien, Athanasiô và các giáo phụ Cappadoxia*, dù các nền thần học của các ngài có những khởi điểm khác nhau, những nỗ lực giải quyết vấn đề khác nhau và kết luận khác nhau, nhưng các giáo phụ này cũng cùng nhau chia sẻ những xác tín của thời đại các ngài.

-Augustinô, Anselmô và Abélard, Thomas và Bonaventura, Scot và Okham, mặc dù có các phương pháp khác nhau và đạt đến những kết quả khác nhau về nội dung thậm chí không dung hòa được với nhau, nhưng các nhà thần học này vẫn phản ánh cái mô hình nhận thức căn bản của thời đại các ngài, thời Trung đại, vốn khác hẳn với mô hình nhận thức khải huyền của Kitô giáo tiên khởi, cũng như của các giáo phụ Hy Lạp và Latin.

-Giữa Luther, Zwingli và Calvin có những xung khắc thần học, nhưng giữa các ngài vẫn có một cái gì đó liên kết họ lại với nhau, một cái gì đó không dung hòa được với mô hình nhận thức của Giáo hội và thần học thời Trung đại mang đặc điểm công giáo Roma, không giống phương Đông.

-Vào đầu thời kỳ hiện đại, dưới ảnh hưởng của nền triết học mới duy lý tính-thực nghiệm và của các khoa học tự nhiên, nền thần học bị phân hóa thành các trường phái đối nghịch nhau, nhưng không phải vì vậy mà các nhà thần học tiêu biểu của thời kỳ này như Semler, Reimarus, Schleiermacher, Baur, Ritschl, Harnack và Troeltsch, không nhìn nhận rằng không thể làm thần học như đã làm vào thời kỳ Cải cách hay thời kỳ chính thống thệ phản.

-Theo lằn của hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, các phác họa mới của giải đáp trong thần học và trong Giáo hội đã phát triển. Các nỗ lực này nhằm phản ứng lại một cách thích đáng các xáo trộn lớn lao có tính văn hóa xã hội của thời đại chúng ta. Và một lần nữa, câu hỏi được đặt ra: cho dù có những khác biệt giữa Karl Barth, Rudolf Bultmann và Paul Tillich, giữa hai Niebuhr và Walter Rauschenbuch, trong các tiền giả định của họ, trong các phương pháp và kết luận của họ, họ vẫn gặp nhau không chỉ qua việc họ phê phán hệ thống Công giáo Roma và tính chính thống Tin lành, mà qua cả sự phê phán của họ đối với niềm tin vào lý tính và sự tiến bộ, xuất phát từ thời Khai minh, sự phê phán của họ về Tin lành văn hóa và về thuyết duy lịch sử, tắt một lời, qua việc họ không thừa nhận chủ nghĩa khoáng đạt của thế kỷ XIX. Có thích hợp chăng việc đặt tất cả các nhà thần học này vào trong một khuôn khổ của một hệ hình mới của thần học và Giáo hội, hệ hình của thời sau thời Khai Minh hay hệ hình hậu hiện đại?

Trong tất cả các trường hợp [hay thời kỳ] trên đây –trong đó đều có đứt đoạn và liên tục-, đều thấy xảy ra diễn biến này: cái khởi đầu là canh tân biến thành Truyền thống [Tradition], rồi Truyền thống trở thành vụ truyền thống [traditionalisme]. Và khi ấy, người ta tìm cách duy trì mô hình nhận thức cũ quen thuộc hay phục hưng mô hình này bằng cách phủ cho nó một lớp sơn mới. Khi ấy, người ta có thể bảo vệ, trở thành kẻ biện hộ cho mô hình Hy hóa của Giáo hội cổ với những từ then chốt paradosis [lưu truyền], traditio [truyền thống] và patres [giáo phụ]. Về phía Công giáo, người ta có thể là kẻ biện hộ cho khuynh hướng Tân kinh viện, cho hệ thống Công giáo-Roma thời Trung đại (hay Chống Cải cách) và cho một nền thần học kiểu Denziger*, với những từ then chốt ecclesia [giáo hội], papa [giáo hoàng], magisterium [huấn quyền]. Về phía Tin lành, người ta có thể trở thành người bảo vệ cho một thứ chính thống vụ Thánh Kinh Luther hoặc Calvin, cho một chủ nghĩa bảo căn [fondamentalism] Tin lành, với các từ then chốt “Lời Chúa” và “không sai lầm” [inerrance]. Ngày nay, người ta cũng có thể nói đến một thứ chủ nghĩa vụ truyền thống khoáng đạt [traditionalisme libéral] vốn chẳng chú trọng tới sự đổi hướng tới thời hậu hiện đại, sự phê phán về thời Khai minh với các từ then chốt “lý tính” và “lịch sử”.

Tập sách nhỏ này của Hans Küng về bảy nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo có thể được xem như một thứ áp dụng lý thuyết hệ hình và thay đổi hệ hình để nhìn lại lịch sử thần học của Kitô giáo từ buổi đầu cho tới hiện tại:

Phaolô đã bắt đầu hệ hình Kitô giáo Dân Ngoại / Hy Lạp và Origen là nhà thần học đã hoàn thành hệ hình này về mặt thần học với một cấu hình (Constellation) bao gồm toàn bộ những xác tín, những giá trị và những cách thức tiến hành với cách diễn tả theo văn hóa Hy Lạp. Nếu Origen đã từ triết học Hy Lạp kiện toàn về mặt thần học thì Augustinô đã tạo nên một hệ hình mới từ các kinh nghiệm cực kỳ đa dạng của mình thành một thứ tổng luận thần học. Thomas Aquinas là nhà thần học đã tạo nên những thay đổi rất quan trọng nhưng lại không phải là người đã tạo nên một hệ hình mới thực sự cho thần học, bởi vì, theo Hans Küng, ông quá lệ thuộc vào Augustinô, vào hệ hình Latin. Ông chỉ sửa đổi mà không thay thế hệ hình này. M. Luther đích thực là nhà thần học đã tạo nên một hệ hình mới, hệ hình Cải cách. F. Schleiermacher đã tạo ra hệ hình mới, hệ hình hiện đại của thời Khai minh hoàn toàn hướng về con người. Cuối cùng, Karl Barth là người khởi xướng chính hệ hình hậu hiện đại của thần học, khi Chiến tranh thế giới I đẩy hệ hình hiện đại vào một cuộc khủng hoảng tận căn.

Bảng dưới đây là một minh họa cho bước đi của lịch sử này (trang 177):

Tk. I:

Do Thái giáo-Kitô giáo

Tk. I/II :

“Các giáo phụ Paradosis”

Tiền công giáo

Hy Lạp và giáo phụ latinh

Tk. V:

Tk. VII:

Tk. XI :

“Ecclesia-Papa”

Cải tổ Grêgôriô

Kinh viện và

“Giáo luật”

Tk. XV:

Phục Hưng

Tk. XVI :

“Lời Chúa –Không sai lầm

Cải cách

Công đồng Trentô

Tk. XVII/XVIII:

“Lý trí”

Tân triết học

Khoa học tư nhiên và học thuyết về quốc gia

Thời Khai minh

Cách mạng Mỹ và Pháp

Quan điểm lịch sử

Tk. XIX :

“Lịch sử - Tiến bộ”

Tk. XX:

Thế chiến 1 và 2

Hội đồng thế giới các Giáo hội

Vatican II

Các phong trào giải phóng

Hệ hình kitô giáo

nguyên thủy khải huyền

Hệ hình Giáo hội

cổ thời Hy lạp

Augustinô – Lêô I (Rôma)

(Hồi giáo?)

Ly khai Hệ hình công giáo

Đông-Tây Roma-Trung đại

Các công đồng cải cách

Hệ hình cải cách

Tin lành

Hệ hình công giáo

Roma chống Cải cách Hệ hình Tin lành – chính thống

Hệ hình hiện đại

thời Khai minh

Vatican I

Chủ nghĩa Chủ nghĩa Chủ nghĩa Chủ nghĩa

truyền thống truyền thống truyền thống truyền thống

Chính thống Công giáo Roma Tin Lành Tự do

Cổ điển

Thần học

Origen

Capadoxia

Augustinô

Thomas

Luther

Calvin

Schleiermacher

Hệ hình đương thời đại kết

Thần học biện chứng

Thần học hiện sinh

Thần học thông diễn

Thần học chính trị

Thần học giải phóng (Thần học phụ nữ, Thần học đen, Thần học thế giới thứ ba)

Cả một lịch sử thần học Kitô giáo được trình bày trong khuôn khổ của một tập sách chưa tới 300 trang khổ nhỏ (của nguyên tác) quả là một thách thức to lớn đối với người đọc, nhưng trước hết đối với người dịch. Nội dung của tập sách lại khá xa lạ với không ít bạn đọc. Để bù đắp các giới hạn này, chúng tôi có thêm một bảng từ vựng giải thích một số từ chuyên môn hay còn xa lạ với nền văn hóa ngoài Kitô giáo.

Sáng kiến về việc dịch tập sách này là của nhà xuất bản Tri Thức. Anh Bùi Văn Nam Sơn đã bỏ công sức và thời giờ xem lại, so chiếu và chỉnh sửa một số đoạn của bản dịch theo nguyên bản bẳng tiếng Đức. Xin chân thành cám ơn anh. Mọi giới hạn và sai sót là của người dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/12/2009

Nguyễn Nghị



[1] Liên quan đến các mối quan hệ giữa các giáo hội Kitô giáo khác nhau, -Công giáo, Tin lành, Chính Thống giáo, - đặc biệt, các nỗ lực nhằm thiết lập sự hiệp nhất các giáo hội.

[2] Hans Küng, Rechtfertigung, Die Lehre Karl Barth und eine katholische Besinnung, Johannes/Benziger, 1957; Serie Piper 674.

[3] Xem Hans Küng, Josef van Ess, Heinrich von Stietencron, Heinz Bechert, Christentum und Weltreligionen, Hinfürung zum Dialog mit Islam, Hinduismus und Buddhismus [Kitô giáo và các tôn giáo thế giới, dẫn vào cuộc đối thoại với Islam, Ấn giáo và Phật giáo], R. Piper & Co, München, 1984

[4] Xem Hans Küng và Julia Ching, Christentum und chinesische Religion [Kitô giáo và tôn giáo Trung Hoa], R. Piper GmbH & Co. HG, Munich, 1988…

[5] Xem Hans Küng, Une théologie pour le 3e millénaire [Một nền thần học cho thiên niên kỷ III], bản dịch từ tiếng Đức của Joseph Feisthauer, Éd. Du Seuil, Paris, 1989, trg. 177. Nguyên bản bằng tiếng Đức của đề sách khẳng định rõ hơn khuynh hướng này : Theologie im Aufbruch, Eine ökumenische Grundlegung [Thần học ở điểm xuất phát, một nền móng đại kết], R. Piper GmbH & Co. KG, Munich, 1987.

[6] Mêsia, tiếng Hipri (tiếng Do Thái cổ), được dịch sang tiếng Hy Lạp là Krestos, tiếng Latin là Christus, từ đó, tiếng Pháp, tiếng Anh…là Christ, và phiên âm tiếng Việt là Kitô.

[7] Một số từ điển, tự vựng Thần học Việt Nam dịch từ này bằng nhiều cách khác nhau:

Nhóm phiên dịch (1995) : Điển phạm, kiểu mẫu, mô thức.

Học viện Đa Minh (2002) : Khuôn mẫu, hệ chuẩn. Thuật ngữ thần học ám chỉ những khuôn mẫu giải thích hay xếp đặt tư tưởng, những lối tiếp cận khác nhau (kể cả các đạo lý) khi tìm hiểu một vấn đề.

Từ vựng triết thần căn bản : khuôn mẫu, mô biểu; hệ biến hoá; trác ngôn (trình thuật Phúc Âm nêu bật một lời nói đặc biệt của Đức Giêsu)

[8] Các định nghĩa này của T. Kuhn và bản dịch sang tiếng Pháp của Hans Küng được trích từ Hans Küng, Une théologie pour le 3e millénaire, du Seuil, Paris, 1989, trg. 185.

[9] Hans Küng, Une théologie pour le 3e millénaire, du Seuil, Paris, 1989. Nguyên tác : Theologie im Aufbruch, Eine ökumenische Grundlegung, R. Piper GmbH & Co. KG, Munich.

[10] The University of Chicago Press, 1996. Bản dịch tiếng Việt của Chu Lan Đình, Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học, Nhà xuất bản Tri Thức, 2008.

No comments: