Wednesday, 30 March 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh & Mạc Khải Cứu Rỗi

Luợc sử các sách Cựu Ước

Muốn đọc Kinh thánh, cần phải biết thời nào, và theo loại văn nào, mỗi sách đã được viết ra. Có thế mới biết được hoàn cảnh của mỗi tác giả và ý định của tác giả trong trước tác. Vấn đề khảo sát rất được chú ý trong những năm hậu bán thế kỷ 19 cho đến nay. Nhiều điều còn mập mờ, nhưng cũng có những thành quả nói được là chắc, hay ít là cái nhiên.

Thời đầu (các thế kỷ 18-13 trước kỷ nguyên)

Ngũ thư còn giữ nhiều truyền tụng về các tổ phụ, những trình thuật và luật lệ thời Môsê (có ít điều đã được ghi chép). Các yếu tố cựu trào (tỉ như các đoạn Kn 12: 16 18-19; Xh 14 34; Ds 11 21) đã được chứng minh phần nào do cổ học, hay các áng văn chương các nước xung quanh. Kinh thánh nhiều khi giữ những truyền tụng trùng nhau (Kh 16 và 20; Xh 16 17 và Ds 11 20). Tác giả nhuận chính Ngũ thư sau thời Lưu đày đã hoà lẫn với những yếu tố muộn thời hơn, đã sắp đặt lại theo một chương trình và làm nên Thánh sử của Israel và của các luật lệ qui chế.

Thời định cư tại Canaan (thế kỷ 13-11 trước kỷ nguyên)

Trong sách Yôshua và Thẩm phán, chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố rất cựu trào (như Thp 1, ít đoạn trong Yôs 15-19), những trình thuật chiến tranh (Thp 4-14) những đoạn sử ca và lễ bái (Yôs 2-11), những bài ca của các bộ tộc (Thp 5: Kn 49).

Nhưng việc tổ chức sách như chúng ta có bây giờ, và việc giải thích ý nghĩa tôn giáo của toàn bộ thì thuộc thời sau lưu đày (nói lên những yêu sách của Yavê, Đấng đã ban đất cho Israel).

Thời vương quyền thống nhất (1020-922)

Vương quyền xuất hiện, và việc hành chính làm cho chúng ta có những hồ sơ giá trị: sổ những công chức (2S 20: 23-26; 1V 4: 1-6), những quan địa hạt (1V 4: 7-19), dũng tướng (2S 23: 8-39), và ngay cả các cung phi (2S 3: 2-5…); những phân định cương giới (Yôs 15: 1-12; 16: 1-8), phân chia các địa hạt (Yôs 15: 20-62); những lược toát về chiến tranh (2S 8: 1-15), những công trình kiến trúc (1V 9: 15-19).

Sách Samuel là một kho chứa nhiều trình thuật cựu trào, chúng chỉ quí giá cho tư tưởng thời xưa: trình thuật về việc kế thừa của Đavít (2S 9-20; 1V 1-2) là một trước tác lịch sử thời xưa rất giá trị (ngay thật, am tường, tinh khéo). Trình thuật về xung đột giữa Đavít và Saulê (thiên lệch phần nào); những trình thuật về thiếu thời của Đavít đã được tô điểm (Is 16-17). Trình thuật về Khám Giao Ước (Is 4-6; 2S 6) là một trình thuật đạo đức, biện hộ. Còn về chính Saulê và Samuel, thì chúng ta không được biết chắc bằng (1S 9-11 13-14 có những yếu tố có giá trị). Việc sưu tập sách Samuel đã được làm xong trước thời lưu đày).

Có lẽ lên đến thời Salômôn việc soạn lại các yếu tố cựu trào về lịch sử sơ thủy (Kn 1-11). Và cũng dưới thời các vua tiên khởi mà các tác giả đặt các lời sấm về quyền vua (Kn 49, 8-12; Ds 24: 3-8, 15-19)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tủ sách lưu hành nội bộ tr. 55-56)

No comments: