Giáo Hội và thế giới có thể nào đồng ý với nhau về vai trò của phụ nữ hay không?
(Bản dịch của Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Sydney 06-3-2011)
Vào khoảng 13 năm trước, tôi có dịp trình bày một bài tham luận tại một hội nghị về “Sức Khỏe Phụ Nữ và Nhân Quyền” tại Vatican. Một điểm nổi bật trong hội nghị là cuộc hội kiến đặc biệt Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị dành cho các tham dự viên. Trước sự ngạc nhiên và thích thú của cử tọa, Đức Giáo Hoàng ôn hòa tuyên bố: “Io sono il Papa feminista” – “Tôi là một giáo hoàng bênh vực quyền lợi của nữ giới”.
Ngài nói thật chứ không đùa. Vào năm 1988, Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị đã ban hành tông thư “Mulieris Dignitatem” – “Phẩm Giá và Ơn Gọi của Nữ Giới”. Ngài liên tục kêu gọi việc phát triển một “phong trào nữ quyền mới” nhằm vinh danh và trân trọng những “nữ nhi kỳ tài” trên mọi nẻo đường của cuộc đời, nơi công sở cũng như trong trong gia đình.
Nếu như mục đích tối hậu của phong trào nữ quyền là nhằm khẳng định phẩm giá và bảo đảm phúc lợi của nữ giới, thì Giáo Hội Công Giáo La-mã nói chung là một giáo hội bênh vực nữ giới xét theo nhiều phương diện quan trọng chính yếu. Giáo Hội đã thực hiện được cả một số lượng khổng lồ những điều tốt đẹp cho phụ nữ, dù là Công Giáo hay không Công Giáo, trong những hoàn cảnh bấp bênh nguy hiểm trên khắp thế giới. Chỉ xin nêu một ví dụ, tổ chức Công Giáo về Phát Triển Hải Ngoại, Giới Tính và Phụ Nữ điều hành nhiều chương trình ở khắp nơi trên thế giới nhằm giúp phụ nữ tổ chức những nhóm hợp tác trong việc sản xuất và quảng bá các sản phẩm do họ làm ra; tổ chức này cũng cung cấp chỗ tạm trú đáp ứng các nhu cầu căn bản, các chương trình giáo dục xóa mù chữ, các chương trình huấn nghệ về kinh doanh và rèn luyện khả năng tự lập.
Đồng thời, cũng có thể nói mà không sợ sai rằng có nhiều người không đồng quan điểm với vị giáo hoàng quá cố về sự liên kết dễ dãi giữa phong trào nữ quyền và triều đại giáo hoàng. Thật vậy, có một số người – cả những nhà tranh đấu nữ quyền người Công Giáo và những nhà tranh đấu nữ quyền thuộc thế tục – sẽ đùng đùng nổi giận trước sự liên kết này. Các nhà nữ quyền thế tục vẫn thường hay gièm pha đạo Công Giáo là chống lại sự thăng tiến của phụ nữ, đặc biệt là qua việc đạo Công Giáo cấm ngừa thai và phá thai. Và các giới chức tại Vatican thì vẫn hay ban hành những lời lẽ tố cáo mặt trái của phong trào nữ quyền, nghiêm khắc chỉ trích những ảnh hưởng băng hoại của phong trào nữ quyền đối với xã hội và gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em, dù là đã chào đời hay chưa chào đời.
Phụ nữ Công Giáo đôi khi có thể thấy mình bị giằng co giữa hai phía, mặc dù yêu mến giáo hội và đức tin của mình nhưng lại chán ngán khi thỉnh thoảng có những lời tuyên bố gợi ý rằng tòa thánh Vatican xem họ là lộn xộn khó chịu hay ô uế dơ bẩn đơn giản chỉ vì họ là đàn bà. Tháng Bảy vừa qua tòa thánh Vatican đã gây ra một cơn bão bất bình trong công chúng sau khi đưa ra một thông cáo về hai tội trọng trong giáo luật: tội xâm phạm tình dục do hàng giáo sĩ gây ra, và tội truyền chức thánh cho nữ giới. Ngay cả những phụ nữ ủng hộ giáo hội trong việc chỉ truyền chức linh mục cho nam giới cũng phải nhăn mặt trước cái quyết định nhập chung hai tội trạng trên vào cùng một văn bản.
Để phân biệt những điểm tương đồng và dị biệt giữa đạo Công Giáo và phong trào nữ quyền thế tục, cần phải học hỏi nghiên cứu kỹ càng về lịch sử, văn hóa, và địa lý. Mối căng thẳng giữa hai phía ở Hoa Kỳ thì không giống mối căng thẳng giữa hai phía ở miền nam Sahara Phi Châu chẳng hạn. Nhưng đồng thời, sự phân tích tỉ mỉ, nghiêm ngặt, có tính đối chiếu về những luận thuyết căn bản của đạo Công Giáo và của phong trào nữ quyền rất cần được thực hiện.
Sự lưu tâm nghiên cứu cẩn thận cần phải được dành cho ba lưỡng cực căn bản ngay trong chính luận thuyết Công Giáo La-mã, những lưỡng cực đã giúp làm sáng tỏ quan điểm của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị, ngay cả khi những mối căng thẳng trầm trọng vẫn tồn tại giữa đạo Công Giáo và phong trào nữ quyền. Ba lưỡng cực đó là: bình đẳng và khác biệt, bản chất do tự nhiên và tính chất được đào tạo, và bổ khuyết và hợp tác.
Nhiều tín hữu Công Giáo và nhiều nhà tranh đấu nữ quyền cho rằng những mối căng thẳng này là tích cực, và khẳng định sự quan trọng của việc duy trì cả hai thái cực trong từng lưỡng cực. Nhưng cũng có sự đối nghịch ở đây. Mỗi bên đều lo ngại rằng phe bên kia sẽ có nguy cơ buông rơi một thái cực, gây thiệt hại cho nữ giới, và quả thật, cũng gây thiệt hại cho toàn thể xã hội nữa. Xem xét những mối lo ngại của cả hai phe sẽ mang đến một sự hiểu biết lẫn nhau rõ ràng hơn.
Bình Đẳng và Khác Biệt
Một bên thì truyền thống Công Giáo từ ngàn xưa vẫn luôn cho rằng tất cả mọi người đều được tạo thành từ hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, đều có phẩm giá ngang nhau, không phân biệt giới tính, chủng tộc, sắc tộc, hay địa vị xã hội (Gl 3:28). Trái lại ở bên kia, thì giáo hội không công nhận con người chỉ thuần túy là một tích hợp tâm linh của lý trí và ý chí mà thôi. Loài người chúng ta không những chỉ có cơ thể, mà cơ thể đó còn được nhân hóa, và chính sự nhân hóa đó là một nét trong sự tốt lành của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Cụ thể là, sự nhân hóa khác nhau giữa nam và nữ là một khía cạnh tuyệt diệu đã được sắp đặt trong trật tự tạo dựng, sự khác biệt đó cần phải được tôn trọng nếu như nhân loại có thể tồn tại và phát triển.
Tòa thánh Vatican lo ngại là một vài trường phái của phong trào nữ quyền thế tục ở phương Tây đang quá nhấn mạnh sự bình đẳng mà làm thiệt hại cho sự khác biệt. Tòa thánh nghĩ rằng sự nhấn mạnh bất cân đối này đã làm khuất mờ sự khác biệt tận trong bản chất giữa nam và nữ, cũng như làm khuất mờ sự tốt đẹp của điều khác biệt đó đối với từng cá nhân nói riêng lẫn xã hội nói chung. Cụ thể là, tòa thánh Vatican lo ngại rằng nếu không hiểu biết và tôn trọng đúng mức sự khác biệt giữa nam và nữ thì sẽ làm hạ giá sức mạnh đặc trưng của phụ nữ trong vai trò người mẹ - người sẽ uốn nắn và nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp.
Các nhà tranh đấu nữ quyền cũng có điều lo ngại của họ. Cung cách mà một số các văn kiện của tòa thánh Vatican – và một số ủng hộ viên của phong trào nữ quyền theo kiểu Đức Gio-an Phao-lô II – cứ mãi cố xác định những điều khác biệt này giữa nam và nữ đã làm các nhà nữ quyền lo ngại, bởi vì có thể có vẻ như một số đặc điểm của cá tính đã được định nghĩa và áp đặt là nam tính hay nữ tính mà không đếm xỉa gì đến những nghiên cứu thực nghiệm hay sự khác biệt nơi mỗi cá nhân. Và sự định nghĩa và áp đặt đó, họ tin rằng, đã góp phần vào sự bất bình đẳng.
Chẳng hạn như, hãy xem quan điểm của bà Gloria Conde, một nhà nữ quyền theo kiểu của Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị, trong quyển sách Người Phụ Nữ Mới của bà (NXB Circle). Khi trích dẫn lời của Judith M. Bardwick, bà viết: “ ‘Nam tính’ đồng nghĩa với tính khách quan, tính phân tích, sự chủ động, duy tư, duy lý, không thể chế ngự, hay can thiệp, hay cản trở, độc lập, tự lập, tự chủ, và tự tin. Với bộ óc của mình, người đàn ông biết phân biệt, phân tích, phân loại, và thành thạo mọi việc. ‘Nữ tính’ đồng nghĩa với tính chủ quan, theo trực giác, thụ động, dịu dàng, nhạy cảm, dễ bị thuyết phục, ngoan ngoãn dễ bảo, dễ chấp nhận, dễ cảm động, phụ thuộc, dễ xúc động, và bảo thủ. Bộ óc đàn bà biết nhận ra các mối liên hệ, người đàn bà sở hữu trực giác nhạy bén về cảm tính, và đàn bà có khuynh hướng đoàn kết hơn là chia rẽ”.
Điều trục trặc trong cách hiểu phân ranh sắc bén này về sự khác biệt nam nữ là nó hạ giá những người phụ nữ có cá tính hay công việc không tương đồng trong tất cả mọi khía cạnh với những đức hạnh truyền thống của phụ nữ. Tôi xin nêu một ví dụ. Vào lúc khởi đầu sự nghiệp dạy học của tôi có một nam sinh trẻ tuổi đến gặp tôi về chuyện chấm điểm một bài thi; anh ta không vui vì chỉ được điểm B+ trong môn tôi dạy. Chẳng lẽ tôi không nhận ra anh thật sự là một học sinh hạng A hay sao, chẳng lẽ tôi không biết là cho anh điểm thấp như vậy sẽ làm hoen ố bảng điểm của anh ta hay sao? Tôi bảo anh ta rằng tôi có nhận ra – nhưng tôi vẫn không thể thay đổi thang điểm. Làm như vậy thì sẽ không công bằng với các sinh viên cùng lớp với anh. Khi anh sinh viên thất vọng rời khỏi văn phòng của tôi, anh ta trách thêm một câu: “Nhưng mà cô là phụ nữ. Đáng lẽ ra cô phải tốt bụng chứ!” Đối với một giáo sư chấm thi, dù là nam hay nữ, thì sự công bằng phải đặt trên sự tốt bụng.
Bản Chất Do Tự nhiên và Tính Chất Được Đào Tạo
Dù sao đi nữa thì, những điều khác biệt giữa nam nữ là từ đâu mà ra? Câu hỏi này dẫn đến lưỡng cực thứ nhì: mối liên hệ giữa bản chất do tự nhiên và tính chất được đào tạo.
Một bên thì truyền thống Công Giáo nhìn nhận rằng loài người thì chủ yếu là sống hợp quần; sự am hiểu của chúng ta về chỗ đứng của mình trong thế giới được hình thành và được truyền đạt qua các ngôn ngữ, phong tục tập quán, và các xã hội mà chúng ta sống. Còn bên kia thì, truyền thống đó cũng tuyên bố rằng có một cốt lõi tận cùng xương tủy của “bản chất loài người” luôn tồn tại nguyên vẹn không thay đổi theo thời gian, nơi chốn, hay phong tục. Giáo Hội tin vào khái niệm về một bản chất chung của loài người. Sự tin tưởng này tạo nên một nền tảng không chỉ cho tuyên ngôn về sự bình đẳng phẩm giá của cả nhân loại, mà còn cho sự vững tin của giáo hội vào khả năng có thể diễn đạt rõ ràng những nền tảng cho một luân lý phổ quát – cái luân lý có thể vượt qua những truyền thống nhất định của tôn giáo hay phong tục. Trong một thế giới bao la và cứng đầu cứng cổ này, niềm tin vào bản chất chung của loài người sẽ càng ngày càng cần thiết.
Tòa thánh Vatican tin rằng xã hội thế tục phương Tây đã đi quá xa trong việc đặt nặng tính chất được đào tạo lên trên bản chất tự nhiên. Cái ý tưởng cho rằng bản chất loài người, trong đó có giới tính, là có thể hoàn toàn uốn nắn tùy thích đã làm cho Vatican lo ngại, bởi vì ý tưởng đó không đặt đủ tầm quan trọng vào trật tự tạo dựng, trật tự mà khuôn mẫu phức tạp của nó đã in dấu trên cấu trúc thể lý và tâm lý của loài người.
Tòa thánh Vatican đã nêu lên một điểm quan trọng. Bản chất tự nhiên là điều hệ trọng. Một số điểm khác biệt giữa nam và nữ xem ra có vẻ như là điều thâm căn cố đế trong bản chất, chứ không phải được áp đặt, như bất cứ ai cũng có thể thấy khi theo dõi một bé trai 18 tháng tuổi hồn nhiên sử dụng con búp bê như là một cái búa. Nói cách khoa học hơn, các nhà nghiên cứu nội tiết đã có những bước tiến rất xa trong việc tìm hiểu cách mà các chất hormones của nam và nữ, như chất testosterone và estrogen, ảnh hưởng đến não bộ và từ đó ảnh hưởng đến khả năng lý luận và chọn lựa của chúng ta. Đó là một sai lầm trầm trọng cố hữu của chủng loại loài người khi cho rằng con người là những bộ óc lưỡng tính được lồng trong những cơ thể mang nam tính hoặc nữ tính.
Tuy nhiên, về phần họ, các nhà nữ quyền lo ngại rằng điều mà một số người cho là bản chất tự nhiên thật ra không phải là tự nhiên gì cả, mà chính là cái mặt nạ giả dối được mặc lên những khuôn mẫu cố hữu của chủ nghĩa kỳ thị phái tính. Ví dụ như, hãy xem mục “Đàn Bà” trong Tự Điển Công Giáo Bách Khoa Toàn Thư năm 1914, trong đó một trong các tác giả đã khẳng định rằng việc giáo dục phụ nữ phải nên hướng đến vai trò làm vợ và làm mẹ của họ. Vị tác giả đó cũng nhận xét ngay rằng “ở đây Giáo Hội Công Giáo không hề đặt thêm một rào cản nào mà đã không có sẵn ở đó do bản chất tự nhiên tạo ra”. Trong khi một vài phụ nữ có thể tiếp tục học lên để đạt những bằng cấp cao hơn, tác giả đó quả quyết là, “hai phái nam nữ không bao giờ có thể bình đẳng trong việc theo đuổi nền học vấn ở đại học”. Mỉa mai thay, sự quả quyết đó có thể là đúng – nhưng không phải đúng theo nghĩa mà tác giả đó đã nghĩ. Một cuộc nghiên cứu gần đây đã cho thấy số lượng nữ sinh viên cao hơn số lượng nam sinh viên trong tất cả các trình độ trong bậc đại học ở Hoa Kỳ. Nam giới vẫn còn đông hơn nữ giới trong một vài lãnh vực, nhưng nói chung thì khoảng cách về trình độ học vấn giữa nam và nữ đã khép lại và còn ngay cả đã bắt đầu xoay ngược chiều.
Bổ Khuyết và Hợp Tác
Với số lượng nữ giới tràn ngập hệ thống giáo dục, nam giới thấy mình đang tranh đua với họ để thăng tiến và đạt danh dự trong học vấn. Đức Giáo Hoàng Benedict Đệ Thập Lục, khi còn là Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đã bày tỏ mối quan ngại về sự tranh đua như vậy giữa nam với nữ, và kêu gọi thay vào đó là mối quan hệ hợp tác giữa hai phái tính (“Sự Hợp Tác giữa Nam và Nữ trong Giáo Hội và trên Thế Giới”, 2004).
Quan điểm của Ngài là: Nền tảng của một mối quan hệ hợp tác là sự nhìn nhận những khả năng và kỹ năng có tính bổ khuyết lẫn nhau của nam và nữ. Cụ thể là phụ nữ không nên nhắm tới việc bắt chước hay tranh đua với những ưu thế của phái nam nhưng thay vào đó nên bồi dưỡng những khả năng đặc trưng riêng của họ. Sự bổ khuyết được biểu hiện rõ ràng nhất trong những vai trò mà nam giới và nữ giới đóng trong đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, nhưng cũng nên được biểu hiện trong các bối cảnh khác nữa. Thật vậy, một trong những dấu ấn của phong trào nữ quyền theo kiểu Đức Gio-an Phao-lô II, là một nỗ lực nhằm định nghĩa “nữ nhi kỳ tài” trong tất cả những phạm trù mà phụ nữ hiện diện theo nghĩa những đặc tính của chức năng làm mẹ.
Về phần họ, nhiều nhà nữ quyền khác lo ngại về lời kêu gọi bổ khuyết lẫn nhau, không hẳn là vì họ phản đối cái ý tưởng cho rằng cả nam lẫn nữ đều đem đến những khả năng riêng biệt và quan trọng cho xã hội loài người, nhưng là vì cái cách mà ý tưởng đó thường có khuynh hướng được thể hiện trong thực tế. Thật vậy, họ lo ngại rằng ý tưởng đó hạ giá sự hợp tác, bởi vì nó có khuynh hướng đề cao sự chia rẽ và sự bất bình đẳng trong thực tế.
Nhà thần học Tin Lành vĩ đại Karl Barth đã giải thích sự bổ khuyết nam-nữ bằng cách dùng A và B – người ta không cần phải là thầy bói mới đoán được bên nào là nam, bên nào là nữ. Cách mà khái niệm bổ khuyết được thể hiện trong môn hình học cũng cho thấy một vấn đề tiềm ẩn: Hai góc được gọi là bổ khuyết cho nhau - góc phụ nhau - nếu chúng cộng lại bằng 90 độ, vậy một góc phụ là tất cả những gì và chỉ là những gì mà góc chính không phải. Tương tự như vậy, nếu bắt đầu bằng một người nam, thì người nữ phải là tất cả những gì và chỉ là những gì mà người nam không phải – vai trò của người nữ là lấp đầy những chỗ khiếm khuyết. Vì vậy, nếu sự bổ khuyết đi quá đà, thì nó không làm phát triển sự hợp tác mà trái lại còn tạo ra những tinh cầu hoàn toàn ngăn cách nhau về sở thích và đặc tính riêng.
Khái niệm về sự bổ khuyết xác định đúng đắn tầm quan trọng – và những đòi hỏi tiêu biểu – của chức năng làm mẹ đối với phụ nữ. Nhưng khái niệm đó làm sao có thể giải thích những khả năng, tham vọng, và quan ngại mà nam giới lẫn nữ giới đều có, ngay cả trong việc nuôi dạy con cái? Nếu như hai phái nam và nữ phấn đấu vươn tới sự hoàn thiện – cùng nhau phấn đấu – trong những lãnh vực và những sở thích mà họ cùng có, thì điều đó không nên bị xem là một hình thức tranh đua có hại. Việc cùng nhau vươn tới sự hoàn thiện, hay những phẩm hạnh tốt đẹp, là một yếu tố then chốt trong định nghĩa cổ điển về tình bạn.
Hướng Về một cuộc Đối Thoại Tốt Đẹp Hơn
Làm cách nào để bắt đầu nối nhịp cầu xoa dịu những căng thẳng giữa đạo Công Giáo và phong trào nữ quyền? Theo ý tôi thì, phải chú trọng nhiều hơn đến những hoàn cảnh thực tế mà phụ nữ đang sống. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nhận xét rằng nhiều người phụ nữ trong khi làm việc đã thực hiện công việc của họ với tinh thần của một người mẹ. Ngược lại với nhận xét đó, tôi đề nghị là những người mẹ trên khắp thế giới phải áp dụng thật nhiều kỹ năng khác nhau trong việc lao động để nuôi con. Giáo Hội đưa ra một hình tượng lý tưởng quan trọng về cuộc đời làm mẹ: Đức Ma-ri-a Đồng Trinh đang bình an ru nôi một trẻ sơ sinh. Nhưng các bà mẹ ở những vùng chiến tranh tàn phá chẳng hạn, thì không có cơ hội đó; họ phải lao động không quản cực nhọc để nuôi nấng và bảo vệ đàn con của họ. Ngay cả trong những nước hòa bình, thì trẻ con lớn lên; và đương đầu với một đứa trẻ tuổi choai choai đang gặp khủng hoảng do rượu chè hay ma túy thì đòi hỏi lòng quyết tâm sắt thép hơn là sự dịu ngọt hiền mẫu.
Cuộc đời thật phức tạp. Cho phép những hoàn cảnh thực tế - và những nỗi khó khăn vất vả - của phụ nữ quanh khắp thế giới được ra giữa khán đài thì có thể giúp cho nhiều nhà tranh đấu nữ quyền và nhiều tín hữu Công Giáo vượt qua được lối suy nghĩ chỉ-một-trong-hai về ba lưỡng cực nêu trên.
_______________
M. Cathleen Kaveny là Giáo Sư Luật và Giáo Sư Thần Học của tổ chức John P. Murphy Foundation tại Đại Học Notre Dame ở South Bend, Ind. Bà đã trình bày một bản khác của bài tham luận này tại New York City vào ngày 19 tháng Mười Một, 2010, tại buổi khởi động dự án “Contending Modernities: Catholic, Muslim, and Secular”, một dự án nghiên cứu dài hạn do Đại Học Notre Dame tài trợ. Văn bản đó được đăng tại: http://blogs.nd.edu/contendingmodernities/
Nguồn:
Defining Feminism - by M. Cathleen Kaveny, FEBRUARY 28, 2011
http://www.americanmagazine.org/content/article.cfm?article_id=12724
Bản dịch của Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Sydney 06-3-2011
No comments:
Post a Comment