( Ðể tưởng nhớ cha Nguyễn Tự Do )
I
Khoảng giữa thập niên năm mươi thế kỷ trước, tôi còn là một chú học sinh mới tập tễnh lên trung học có dịp đi thăm Ðà Lạt, được trú mấy ngày ở học viện Dòng Chúa Cứu Thế, trên núi Chúa Cứu Thế, chỗ bây giờ là Viện Sinh Học và Bảo Tồn Thiên Nhiên Tây Nguyên. Ðà Lạt ngày nay đã ô nhiễm nhiều. Ngày tôi mới biết, Ðà Lạt là một cõi vô cùng trong lành và nên thơ, có cảm giác như tiên cảnh. Nhà Dòng Chúa Cứu Thế tọa lạc trên một đỉnh đồi hoa tươi lá thắm đủ màu, xung quanh là rừng thông reo vi vu với rất nhiều chim chóc sặc sỡ. Dưới chân đồi, những dòng suối trong róc rách xuyên qua thảo mộc và đá núi. Tôi tha hồ dạo chơi giữa thiên nhiên vắng lặng.
Có lần đang lang thang dọc một đường mòn giữa rừng nghe thấy tiếng ai rất trẻ, rất vang đang giảng Lời Chúa. Tôi tò mò tìm đến gần. Thì ra dưới thung lũng có một thầy học viện tập giảng. Thầy đứng một mình giữa mấy luống hoa thao thao bất tuyệt kêu gọi người ta yêu mến Chúa. Tôi nhớ đó là thầy Do; tuy rằng đã lâu rồi tôi không chắc mình nhớ đúng người, nhưng nếu không phải thầy Do thì cũng là một ai đó cùng một lớp, một thế hệ, một chí hướng với thầy Do. Ðó là một nhóm Tu Sĩ trẻ có những nét khá giống nhau, họ vào rừng vắng tập giảng một mình là lệ thường.
Tôi vẫn nghe nói hơn hai trăm năm trước Thánh Tổ Phụ Anphongsô lập dòng để đi rao giảng Lời Chúa cho những người nghèo khó bị bỏ rơi. Hôm đó tôi được chứng kiến con cái hàng chục đời sau của thánh nhân đang cố gắng trau dồi để theo cái nghiệp Thánh Tổ để lại.
II
Sau đó chỉ vài năm thầy Do đã lãnh sứ vụ Linh Mục và theo đuổi hoài bão rao giảng Tin Mừng suốt hơn nửa thế kỷ.
Các thế hệ Thừa Sai trong Dòng đều kinh nghiệm rằng ai đã đi giảng các tuần Đại Phúc thì đều mê Đại Phúc. Một toán anh em Dòng Chúa Cứu Thế đến ở trong một Xứ Đạo một hai tuần lễ, đi thăm viếng từng gia đình Giáo Dân, mời mọi người đến Nhà Thờ nghe giảng, ưu ái đặc biệt với những kẻ tội lỗi, khô khan, nguội lạnh. Từ ngày Nhà Dòng có Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp thì rước Ðức Mẹ đến từng nhà, cùng cầu nguyện khấn hứa với người dân. Sớm muộn rồi Nhà Thờ sẽ đầy người, và lắm con chiên có khi đi lạc, đi bụi đời đã mấy chục năm sẽ tìm đường trở về Nhà Chúa, sốt sắng sám hối và lãnh nhận ơn Bí Tích.
Hoạt động Đại Phúc cuốn hút các thừa sai bởi vì vào thời điểm đó họ cảm nhận được Ơn Chúa hồi sinh lòng người, như một mùa xuân mới tràn ngập hân hoan. Mỗi con người ăn năn trở lại là một kinh nghiệm nhân sinh độc đáo, một cánh cửa mở ra mầu nhiệm Chúa Cứu Thế thiên hình vạn trạng. Cha Do đã từng trải những tuần Đại Phúc như thế, khiến cho cha say mê Đại Phúc cho đến mãn đời.
Giảng Lời Chúa trong các tuần Đại Phúc là hoạt động cổ truyền của Dòng. Cha Do còn vun trồng một hoài bão nữa: cha muốn dùng sách vở báo chí để nối dài, để mở rộng lời giảng. Vẫn là tổ nghiệp đấy thôi, Thánh Anphongsô ngày xưa viết không biết bao nhiêu sách. Nhưng cha Do mơ ước hiện đại hóa việc tông đồ của Dòng, cha muốn đi vào lãnh vực truyền thanh, điện ảnh, rồi truyền hình. Mơ ước ấy đã nảy nở nơi cha từ những năm còn ở học viện, một phần vì sở thích và năng khiếu tự nhiên của cha, một phần nữa vì các đấng phụ trách đào tạo trong Dòng thời ấy tỏ ra rất nhạy cảm với văn hóa và nghệ thuật.
Anh em trong Dòng cho đến nay vẫn tưởng nhớ, tôn kính và mến yêu đặc biệt một vài bậc tiền bối đã gây dựng nên những thế hệ Tu Sĩ Linh Mục đầu tiên của Dòng ở Việt Nam: một cha Thomas Coté với trực giác sắc sảo lạ thường và rất ham lục lọi đủ loại sách báo; một cha Alphonse Tremblay hết sức xuất sắc cả về văn chương tư tưởng lẫn khoa học kỹ thuật, cha hướng dẫn anh em vào những tác phẩm lớn của văn chương và âm nhạc cổ điển, cha phân tích từ nội dung đến hình thức những tác phẩm điện ảnh. Ðối với các cha, văn, nhạc, kịch, điện ảnh là những nhân tố quan trọng để anh em đi sâu vào các giá trị nhân bản, để hiểu mình hiểu người, để cảm nhận được những chiều kích của tâm hồn.
Ngày ấy cũng có những người viết sách, viết báo về các đề tài Công Giáo; nhưng chuyên ngành về lãnh vực truyền thanh hay điện ảnh Công Giáo thì còn ít người nghĩ tới, cho nên cha Do đứng trong hàng ngũ tiên phong khai phá. Thực ra nhiệt huyết là chính chứ đã thực hiện được gì nhiều đâu. Nhưng cứ lần mò, cứ cố gắng mãi rồi cũng có người để ý tới. Năm 1967, Nha Tuyên Úy Công Giáo cử cha làm phụ tá trưởng Khối Giáo Vụ, đặc trách truyền thanh, truyền hình, báo chí...
Chiến tranh đang ác liệt, cha phát động phong trào “Mỗi quân nhân một Tân Ước”. Phải nhìn nhận một trong những nhược điểm của người Công Giáo Việt Nam là ít tiếp xúc với Lời Chúa tinh ròng, ít tâm niệm Thánh Kinh, lòng đạo dạt dào sôi nổi nhưng thiếu mất chiều sâu nội tâm. Hơn 300.000 cuốn Tân Ước đến với người đọc theo chương trình của cha Do bổ khuyết một phần quý báu cho lòng đạo của các tín hữu.
Năm 1970, cha trở về đời sống dân sự. Cha thành lập Trung Tâm ATAS ( Âm Thanh Ánh Sáng ), phát hành các băng Audio thánh nhạc và giáo dục, chủ nhiệm chương trình phát thanh thiếu nhi Hồn Việt, và các chương trình phát thanh chuyên đề y tế. Cha cũng sáng lập báo “Tu Sĩ Việt Nam” ( sau đổi tên thành báo Nhà Chúa ), đồng thời viết bài cho nhiều báo khác.
III
Công việc còn đang bộn bề thì lịch sử Việt Nam sang trang. Sau ngày 30.4.1975 tất cả các hoạt động đó chấm dứt. Theo quan niệm chung chung, tuyên úy quân đội là một chức năng mục vụ bình thường của Giáo Hội; nhưng trong quan điểm cách mạng, đó là một dạng “chiến tranh tâm lý”. Cha Do đã giải ngũ được mấy năm rồi, phiền một điều những việc cha làm có phần nổi nang. Cho nên không ai ngạc nhiên ngày cha bị đưa đi, không phải đi “cải tạo” như các tuyên úy tại ngũ, mà đi tù Chí Hòa. Có một thời bay bổng và một thời gẫy cánh.
Phải sáu năm cha Do mới ra khỏi tù, dung nhan đã có phần tàn tạ. Hoàn cảnh đổi thay cứ tưởng là thôi, từ nay sống đời riêng tư thầm lặng, nhưng mà trong thế giới của người tin hay có sự bất ngờ, cha còn ngót 30 năm nữa dành cho Chúa và Hội Thánh. Một nỗi buồn của cha là trong những năm chiến tranh và những năm hòa bình đầu tiên, việc tông đồ truyền thống của Dòng là giảng Đại Phúc có vẻ như đã hết thời. Nhưng có thật là hết thời không ? Cha lại tiếp xúc xứ này họ khác, nối kết một số anh em trong Dòng, quyết tâm không để cho tổ nghiệp mai một. Hóa ra mọi tiềm năng vẫn có đấy.
Chẳng có thời nào mà Lời Chúa không như một mạch nước ngầm giải khát cho các tâm hồn, Dân Chúa vẫn chờ đợi như cuối đông chờ đợi đầu xuân. Một cuộc, hai cuộc, ba cuộc Đại Phúc cho thấy mạch nước ấy không cạn kiệt. Mấy năm sau, Dòng Chúa Cứu Thế họp công nghị để duyệt lại hoạt động của mình, thì nhận định rằng Đại Phúc, cùng với việc loan báo Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa và việc nâng đỡ cứu giúp nạn nhân của các tệ nạn và bất công xã hội là ba định hướng chủ yếu cho hoạt động tông đồ của mình.
Ðại Phúc đã tỉnh lại sau thời gian ngủ đông, tất nhiên những thao thức của cha Do về tận dụng các phương tiện truyền thông cũng bừng dậy ngay thôi. Bấy giờ thì không thể truyền thanh hay truyền hình, nhưng bù lại có video là một kênh truyền thông rất được ưa chuộng. Tiền bạc thiếu thốn, phương tiện đơn sơ, nhưng đã có nhiệt tình và tận tụy bù đắp lại. Xuất hiện những tác phẩm video khá hay về hành hương Ðức Mẹ La Vang, về các sinh hoạt trong Giáo Hội Việt Nam, về lịch sử và hoạt động của DCCT...
Và vẫn có một phương tiện cổ truyền là ngòi bút. Những tài liệu cha dày công sưu tập, nghiên cứu, tích lũy cả đời cùng với kho hình ảnh phong phú là một khối chất liệu khổng lồ. Các bề trên cũng đã nhận ra giá trị của những tư liệu đó, nên không ngại yểm trợ và giúp cha in ấn. Ðồ sộ nhất là cuốn “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” như một trình thuật lữ hành, đưa Dân Chúa hành hương qua cả không gian lẫn thời gian lịch sử.
Cũng vậy, đối với Dòng Chúa Cứu Thế và các thân hữu của dòng, bộ “Lịch Sử Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam” ( 300 trang ) đã lưu giữ lại những ký ức vô giá. Vẫn một tinh thần ấy, bộ “Cha Eugène Larouche, Vị Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam” đã giúp cha Do hoàn thành được một phần tâm nguyện của mình đối với dòng. “Dòng” đối với cha vừa là một đặc sủng, một sứ mệnh, một chí hướng, vừa là một kinh nghiệm sống với biết bao tình cảm yêu thương, như chính cha đã thổ lộ:
“Mãi mãi đến trọn đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh, tình thương săn sóc của các cha thừa sai, đặc biệt là cha Eugène Larouche và cha Camille Dubé, những tấm gương hướng dẫn tôi biết hết lòng với Chúa, với Nhà Dòng, với sự nghiệp cứu rỗi các linh hồn. Tôi cố gắng thực hiện những công trình về Nhà Dòng phần lớn là được thúc đẩy bởi bổn phận, tôi cảm thấy phải khơi lại sâu xa những khuôn mặt thánh thiện và tốt lành đó của anh em tôi”.
IV
Có nhiều người cho rằng cha Do khó tính. Nhiều lần cha làu bàu bất mãn với hiện trạng và hoạt động – thiếu hoạt động thì đúng hơn – của Dòng. Một phần do cha đòi hỏi cao, nhưng một phần khác cũng là lẽ tự nhiên. Ðã phục vụ Chúa và Lời Hằng Sống của Chúa, có ai thỏa mãn được với mình bao giờ ? Người ta luôn luôn cảm thấy mình thiếu sót, hụt hẫng, nghèo nàn trước một chân lý quá lớn. Thân phận đó của người làm việc Chúa khiến tôi nhớ tới mấy lời ca của Lê Thương:
Có con dế mèn
thức trong đêm khuya
hát xẩm không tiền
nên nghèo xác xơ
Trời thương con dế nỉ non
Trời cho sao sáng ngàn muôn...
Con dế thì nhỏ, trời thì cao. Mà hát xẩm thì mắt mù. Cha Do không mù, nhưng cha hát trong bóng tối của đức tin, hát mà không được thấy điều mình hát, cũng không thấy hiệu quả lời hát của mình. Con dế chẳng làm thế nào vươn lên hơn được, nhưng Trời vẫn thương con dế khi Trời cho muôn vì sao sáng.
Tôi lại liên tưởng trong Kinh Thánh cũng có một con dế nỉ non: Khi ấy “Abram thưa: ‘Lạy Ðức Chúa Yavê, Người sẽ ban gì cho tôi, trong khi tôi vô hậu ra đi’… Ðức Chúa Yavê đã dẫn ông ra ngoài trời và phán rằng: ‘Hãy nhìn lên trời và hãy đếm các ngôi sao, nếu ngươi có tài đếm được chúng’. Ðoạn Người phán bảo Abram: ‘Dòng giống ngươi sẽ như thế’. Abram đã tin vào Ðức Chúa Yavê, và sự ấy Người đã kể là sự công chính cho Abram” ( St 15, 2; 5 – 6 ).
Ông Abram ( Abraham ) được mang danh hiệu là “Cha của các kẻ tin”. Xét cho cùng, người tín hữu nào cũng có một tí chút máu Abraham trong hồn, vẫn luôn cảm thấy mình bất lực so với ước mơ, dẫu có cố gắng bao nhiêu chăng nữa. Nhưng Ðức Chúa Yavê làm cho mọi sự thành có, và vượt xa những ước vọng của phận người giun dế. Có lẽ những lúc cha Do ta thán, bất đắc chí thì cũng thế thôi. Kể ra đã làm nhiều việc đấy, mà như vẫn trắng tay. Thế gian là vậy. Chẳng mấy chốc cha đã 83 tuổi rồi.
Chiều ngày 5 tháng 3 vừa qua, bất ngờ con dế đi lên cõi Sao Sáng Ngàn Muôn.
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, CSsR
3/2011
No comments:
Post a Comment