Yuđa Khánh Tận (721-587)
Yuđa còn sống sót, phải làm chư hầu Assur. Êzêkya, một vua sùng đạo đã cố gắng cải cách tôn giáo (có lẽ dưới ảnh hưởng tiên tri Ysaya). Vào lối 705, ông đã muốn vào liên minh chống lại Assur. Và 701, Yuđa đã phải trả giá rất đắt: vừa bị phá phách và chiếm đóng nhiều thành vừa triều cống rất nặng. Có lẽ vào lối 688 còn một cuộc nổi loạn nữa. Nhưng Sennakêrib chưa kịp trừng trị thì ông đã chết. Dưới các vua kế vị Manasê và Amôn, Yuđa chịu hàng phục Assur và chịu ảnh hưởng cả trong tôn giáo nữa.
Nhưng ít lâu sau khi Assur đã đạt thời cực thịnh, đế quốc bá chủ toàn cõi Tiểu Á, mãi đến cả Ai Cập, thì thời suy sụp đã đến gần ngay bên. Các nước chư hầu dành lấy độc lập . Đó là vào lối 650. Ở Yuđa, Yôsya bắt đầu tự cai trị một mình (ông lên ngôi lúc 8 tuổi, vào lối 640, và như vậy trước tiên có quyền nhiếp chính) thì liền bắt đầu một cuộc cải cách tôn giáo (628), tức cũng là một kiểu tuyên bố độc lập đối với Assur. Hình như Yêrêmya cũng có cộng tác (hoặc ít là chấp nhận việc khử trừ dị đoan thờ quấy). Năm 622, tuyên bố Thứ luật để làm phương châm cho cuộc cải cách áp dụng lại Lề luật Môsê theo tinh thần các tiên tri. Bây giờ mới áp dụng triệt để việc tập trung tế tự tại Yêrusalem.
Nhưng Yuđa chưa kịp vui mừng vì Assur bị tận tuyệt (Ninivê bị hạ -612) thì 3 năm sau (-609) chính Yôsya đi nghinh chiến với Nêcô II (609-593) vua Ai Cập đi cứu Assur, nhưng cố là để án ngữ bước tiến của Babylon, và Yôsya đã bị chết thảm thương. Yuđa lần lượt rơi vào tay Ai Cập Yơhôakhaz thay Yôsya được vài tháng thì bị phế, và Nêcô lập Yơhôyaqim lên thay) rồi vào tay Babylon năm 605, công việc cải cách tôn giáo của Yôsya biến thành mây khói. Tôn giáo Babylon lại một lần nữa xâm nhập vào ngay chính trong đền thờ Yêrusalem. Yêrêmya một mình kháng cự với mê tín thờ quấy của dân. Nhưng cũng như Israel thời Assur, Yuđa mưu cách kết thân với Ai Cập để dấy loạn: lần thứ nhất (598) thì Yơhôyaqim vừa kịp chết nên con là Yơhôyakin bị bắt đem về Babylon cùng với một nhóm phát lưu thứ nhất, gồm hạng khá giả trong nước. Lần thứ hai (588) thì Sêđêkya bị hành quyết, đền thờ bị phá huỷ (-587) và một nhóm người phát lưu rất đông bị điệu đi Babylon. Yuđa khánh tận. Những người còn sót lại tập hợp xung quanh Gôđôlya để sinh sống, nhưng Gôđôlya bị ám sát, dân tán loạn, có những người chạy trốn qua Ai cập kéo cả Yêrêmya đi với họ; còn một ít người khác thì bị phát lưu (nhóm phát lưu thứ 3, -582).
Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
1 comment:
Minh rat thich cac sach cua cha Thuan, rat sau sac. Sach nay con dai khong vay ban?
Cam on ban rat nhieu da dang bai nay.
Post a Comment