Thời Hy Lạp (332-142)
Sau trận Issos (333), Alexandrô Cả vượt biên cương đế quốc Ba Tư, và ngay đó Phalệtin đã phải đặt mình dưới quyền của ông (332). Từ bây giờ văn hoá Hy Lạp gặp gỡ đạo Do thái.
Alexandrô chết rồi (-323), Phalệtin nên mối phân tranh giữa hai triều đại Hy Lạp lập nước tại Syri và Ai Cập. Cho đến -200, Phalệtin sống yên hàn dưới các vua Ptôlêmê Ai Cập. Còn nội bộ, thì người Do thái sống theo luật Êzra đã ban hành.
Lối năm -200, Antiôkô III vua Syri chiếm Phalệtin. Đổi chủ xong, nội bộ Do thái đổi hướng. Có lắm người Do thái, nhất là hàng tư tế, đã nhiễm phải ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp. Họ hâm mộ văn hoá, họ muốn thâu nhận cả thói tục Hy Lạp nữa. Thậm chí có những người tự động xin Antiôkô IV Epiphanê (173-163), một ông vua có chí cổ võ văn hoá Hy Lạp, thay thế Luật Êzra bằng luật quốc gia Hy Lạp.Việc thay đổi đó đã tuyên bố (167) và những tục lệ Do thái bị bãi bỏ cấm nhặt, vi phạm thì có hình phạt. Tại Đền thờ Yêrusalem, có bàn thờ thần Zeus (sách Daniel gọi là “ghê tởm” hoang tàn), và thấy cử hành lễ bái và nhiều người đành bỏ đạo Do thái, nhưng cũng có nhiều người đành chịu chết. Đó là cơn quẫn bách, sách Khải huyền Daniel đã được viết ra để khích lệ và an ủi.
Dưới sự điều khiển của các anh em Macabê, nhiều nhóm Do thái tổ chức kháng cự. Phong trào vừa có tính cách quốc gia chống lại chế độ hộ Syri. Yuđa Macabê khởi sự bằng những cuộc đánh úp phá hoại quân binh Syri, và thanh lọc hàng ngũ Do thái khỏi những kẻ học thói Hy Lạp (166-160). Yônathan kế tiếp (160-143): xoay trở chính trị giỏi, biết lợi dụng những cuộc phân tranh trong triều Syri để đạt thấu quyền thượng tế, và hưởng một đặc quyền về binh bị và hành chánh. Sau cùng Simôn (143-134) đã dành lại được độc lập (142).
Simôn và các kẻ kế tiếp (dòng họ Hasmônê) kiêm cả quyền đạo, quyền đời. Họ chuyên chú những việc binh bị và thế tục một cách quá đáng. Các người thuộc hạng “thành tín” (hassidim) đã ủng hộ việc tranh đấu với Syri vì tôn giáo, càng ngày càng xa họ và lập phong trào nhiệt thành với Lề luật, chủ trương tách biệt quyền đạo quyền đời: do tự nhóm này, một bè có uy thế trong dân sau này đã thành lập, mệnh danh là biệt phái (tiếng Hy Lạp: “pharisaios” do tự tiếng Aram “pơrishshayya”, Hipri ‘pơrùshìm”: những kẻ tách mình ra). Với họ, các đạo lý “sống lại”, thiên thần… được phổ biến trong Israel. Hàng tư tế quí phái thì thuộc bè Sađốc lệ thuộc với quyền chính trị, còn về đạo lý, họ lại bảo thủ (không tin vào sự sống lại, và thiên thần…). Cũng vào thời này, một nhóm đạo đức khác xuất hiện, sống chung trong khó nghèo và độc thân ở những nơi hẻo lánh, như sa mạc. Họ chăm giữ sự tinh sạch theo nghi tiết và chuyên gẫm Luật Thiên Chúa: đó là nhóm Essêni (từ năm 1947, người ta đã khám phá ra tu viện chính và thư viện của họ ở Qumran, bên bờ biển chết, 13km Nam Yêrikhô).
Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
Friday, 18 March 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment