Chương Hai
_____________________________________
Chúng ta trưởng thành từ đau khổ, nhưng đau khổ
không phải được giáng xuống để khiến ta trưởng thành.
Thiên Chúa không giáng xuống tai nạn để dạy cho chúng ta điều này điều nọ, mặc dù ta có thể học hỏi từ những tai nạn đó.
Lúc mà mẹ tôi và tôi đang đứng trong căn phòng đó ở bệnh viện, chúng tôi không cách gì mà ngờ được là cuộc đời chúng tôi đang sắp sửa bị thay đổi nhiều đến mức nào – mà thay đổi nhiều nhất, và đau thương nhất, là cuộc đời của chị tôi. Một lần nữa, xin để chính lời chị kể về câu chuyện của chị.
“Bây giờ tôi là một kẻ bại liệt, và tôi không biết là có bao giờ tôi có thể chấp nhận được điều đó hay không.
“Bốn ngày sau khi tai nạn xảy ra, tôi được chuyển sang Khoa Điều Trị Tổn Thương Cột Sống ở Bệnh Viện Princess Alexandra ở Brisbane. Chính ở nơi đây mà tôi nhận ra thực tế phũ phàng. Giờ đây tôi có hai cái kẹp kim loại xiên vào hộp sọ, hai cái kẹp này được nối với nhau bằng một mảnh kim loại hình chữ U, và mảnh kim loại này được nối với một sợi dây và một cái cần trục gắn ở đầu giường. Sợi dây kéo dài xuống một cái túi đựng những vật nặng ở dưới đất, túi này có tác dụng kéo giãn những cái xương bị gãy của tôi. Cổ tôi sưng to gấp bốn lần bình thường, nhìn giống như trong một bộ phim kinh dị. Ngoài những điều này ra, tất cả những gì tôi có thể trưng ra để diễn tả mức độ chấn thương trên cả người tôi chỉ là một vết trầy nhỏ xíu trên trán.
“Các bác sĩ ở đây là những chuyên gia chữa trị tổn thương cột sống, họ đều có một lối nói an ủi vỗ về giống nhau. Tôi bị tổn thương toàn bộ đốt sống thứ 6 và 7, và hậu quả là bị mất toàn bộ cảm giác và cử động từ ngực trở xuống, kể cả bàng quang và ruột già. Tôi cũng bị mất cảm giác và cử động của một số cơ bắp ở cánh tay, và hai bàn tay tôi thì hoàn toàn mất cảm giác và bất khiển dụng. ...
“Ít nhất là một trăm lần một ngày tôi đã cố gắng rà soát trong tâm trí để tìm hiểu xem mình có thể có cảm giác ở đâu hay cử động ở đâu hay không. Tôi tập trung toàn bộ con người mình và kiểm tra cơ thể mình từ đầu đến chân. Hành trình này là cả một chuyến nhào lên lộn xuống của những cảm xúc hy vọng và thất vọng não nề, nhưng nó giống như một thứ thuốc ghiền mà tôi không thể sống mà thiếu nó được. Tôi có cảm giác ở đầu và hai vai, và cái khoản 10 phần trăm này của cơ thể tôi luôn kêu gào đòi hỏi 100 phầm trăm sự chú ý của tôi. Một việc đơn giản như hỉ mũi cũng phải cần đến sự giúp đỡ của người khác mà cũng không bao giờ được hoàn toàn như ý. Một bộ da đầu ngứa ngáy hình như lúc nào cũng bám sát lấy tôi, và có lúc tôi có cảm tưởng như mình đang nằm trên một ổ kiến. Tôi sợ nhất là khi có một con muỗi kêu vo ve; tiếng kêu điếc tai đặc biệt của nó cứ vang dội trong đầu tôi. Có nhiều lúc cánh tay tôi đã giơ lên trong một phản xạ tự động để đuổi cái kẻ thù vo ve kia, nhưng rồi lại bị rơi phịch xuống trúng ngay những miếng kim loại trên đầu tôi, và thế là lại làm cho tôi bị đau thêm. Dần dần thì tôi học được, theo cách của nhà bác học Pavlov, là một số điều bực bội thì tốt hơn hết là nên bỏ qua thì hơn.
“Một khía cạnh quan trọng khác của cuộc đời nằm bẹp trên giường là thời gian. Tôi có quá nhiều thời gian để mà suy nghĩ. Những câu hỏi thông thường như ‘Tại sao?’ và ‘Nếu như?’ chiếm phần lớn sự suy nghĩ của tôi. Vì một lý do nào đó, tôi đã được xức dầu bệnh nhân tới ba lần kể từ khi bị tai nạn. Việc xức dầu này được gọi là sự ‘chúc lành cho bệnh nhân’. Đây không phải nghi lễ tiễn đưa cuối cùng, nhưng chỉ là một cách khá phổ biến trong đạo Công Giáo được dùng mỗi khi có ai gặp chuyện chẳng lành. Tôi cũng được cái vinh dự mờ ảo là được nghe hết tất cả những lời sáo rỗng rập y khuôn theo trong sách vở về sự đau khổ và về chương trình của Thiên Chúa. Đây lại là thêm một trong số những hậu quả của việc không có khả năng tự mình cử động – đó là tôi cũng không có luôn cái khả năng trốn tránh những vị khách không mời mà đến.
“Tôi suy nghĩ về tất cả những người mà tôi đã từng gặp và đã từng chăm sóc trong những năm qua, và hàng trăm người mà tôi đã chứng kiến lúc họ lìa đời. Tôi không sợ cái chết và trong nhiều phương diện lại còn mừng nếu như cái chết đến với tôi. Nhiều lúc khi viết lại lịch sử, tôi chỉ muốn bảo đảm rằng cái tai nạn đó đã đem lại cái chết cho xong. Đây chỉ là một sự nghĩ ngợi vô ích nhưng lại an ủi tôi một cách lạ lùng. Điều ngạc nhiên lớn lao trong những lần tôi nằm nghĩ ngợi đó, là số lượng những người mà tôi sẽ chẳng hề muốn được đổi chỗ với họ. Giờ đây tôi đã biết phần nào thông cảm với những hình hài biến dạng của người bệnh phong cùi, nhưng mặc dù nhiều người cùi vẫn có thể cử động được, tôi không thể nào mà mong được đổi bệnh bại liệt với bệnh phong cùi. Một nhóm khác mà tôi không muốn đổi chỗ là những người nghèo khổ bần cùng ở Calcutta. Sống một cuộc đời chỉ tồn tại lây lất qua ngày thì không phải là cuộc đời mà tôi muốn sống. Nhóm cuối cùng là những người thổ dân Aborigines. Tôi nghĩ là tôi sẽ không thể nào sống nổi trong xã hội này, làm một người thổ dân da đen, mà lại không nổi bạo loạn lên để chống lại những sự kỳ thị nhỏ nhặt, chứ đừng nói chi tới những điều kỳ thị lớn lao. Tôi ngồi trong xe lăn thì an toàn hơn nhiều, và vì thế không cần phải nổi loạn cho người Aborigines.
“Những tù nhân của trại tù địa phương ở Boggo Road không ngờ rằng họ đã cung cấp không những sự giải trí mà còn khơi ý tưởng cho chúng tôi – đám bệnh nhân ở Khoa Điều Trị Tổn Thương Cột Sống. Cứ mỗi lần có một cuộc tù nhân vượt ngục, thì chúng tôi lại kéo ra hành lang mà cổ vũ cho họ. Cơ hội thoát ra khỏi song sắt ngục tù của họ coi vậy mà cao hơn chúng tôi nhiều, và cho dù không phải lần nào họ cũng vượt ngục thành công, nhưng ít nhất họ cũng đã cố tìm cách bỏ trốn. Chính thái độ đó đã mở ra một khung cửa nhỏ trong tâm trí tôi. Cuộc đời sẽ vẫn cứ tiếp diễn và biết đâu cuộc phiêu du của tôi vẫn chưa phải là đã đến đường cùng.”
Cuộc “phiêu du” đó chỉ mới bắt đầu thôi. Chúng ta không cần phải trực tiếp trách móc Thiên Chúa đã gây ra đau khổ cho chúng ta, nhằm để cho chúng ta có thể lật ngược sự đau khổ đó và lợi dụng tình cảnh đó mà làm một điều gì tốt đẹp. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của nhân loại là một động lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, tai nạn của chị Tracey, tự chính bản chất của nó, lại là một điều vô nghĩa. Đó chỉ là một sự việc tình cờ ngẫu nhiên, kết hợp giữa việc ở sai nơi sai lúc và thế là kết quả thảm khốc nhất xảy ra. Tôi cố ý dùng chữ kết quả ở đây, bởi vì vào hôm sau ngày xảy ra tai nạn, khi chúng tôi đến Darwin, giả sử nếu như các bác sĩ đã bảo chúng tôi rằng, “Trong khi quý vị đang trên đường đến đây thì chị và con gái của quý vị đã qua đời vì những chấn thương trong tai nạn, nhưng chúng tôi muốn trình bày cho quý vị được rõ là, nếu như cô ấy sống, thì cô ấy sẽ bị bại liệt cả tứ chi,” thì có lẽ chúng tôi đã chấp nhận cái chết như một điều an ủi trong thảm kịch. “Ai mà có thể ngờ chính Tracey, chứ không phải ai khác, lại trở thành tứ chi bại liệt?” “Nếu bị như vậy thì Tracey làm sao mà chịu đựng cho nổi?” “Nếu bị như vậy thì chính chúng ta làm sao mà chịu đựng cho nổi?” Đó là những câu hỏi mà tôi có thể tưởng tượng ra là tôi sẽ hỏi trong cơn tuyệt vọng và đau khổ của tôi.
Nhưng cuộc phiêu du chỉ mới bắt đầu cho tất cả chúng tôi. Mặc dù tai nạn đó đã luôn ám ảnh tôi kể từ lúc đó, nhưng so với cả gia đình thì tôi là người ít bị ảnh hưởng nhất từ tai nạn của chị tôi. Tôi sống xa thành phố và xa tiểu bang nơi gia đình tôi sinh sống. Cuộc sống của mẹ tôi bị thay đổi hoàn toàn. Lúc đó mẹ tôi 56 tuổi, và trong cả mấy chục năm sau đó, bà trở thành người tận tụy hết lòng chăm sóc chị tôi quanh năm suốt tháng. Anh tôi, Peter, và vợ anh, cùng với các con của anh chị sống gần nhà mẹ tôi; họ luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ chị tôi. Chị Tracey trước đó đã đính hôn, nhưng sau tai nạn thì hôn lễ đã không tiến hành. Trong giai đoạn đầu sau khi tai nạn xảy ra, có nhiều lần chị Tracey đã xin chúng tôi để cho chị chết theo kiểu an tử. Chúng tôi đã thấy được tấm lòng tận tâm đến cùng của một số người thân trong gia đình và bạn bè.
Tôi nghĩ, có lẽ vì chán ngấy cảnh vô công rỗi việc, nên hai năm sau ngày xảy ra tai nạn, chị Tracey quyết định viết về câu chuyện đời chị trong những ngày ở Calcutta. Chỉ có một người mẹ mới có thể cất giữ cẩn thận trên gác nhà tất cả những thư từ mà chị Tracey đã gởi về từ Ấn Độ trong những năm tháng đó. Những lá thư này trở thành căn bản cho chị Tracey ngồi hàng giờ bấm bàn phím máy điện toán bằng hai cái que nối ra từ hai ngón trỏ của chị, để từ những mẩu chuyện nhỏ đó mà thêu dệt thành những câu chuyện dài hơn. Công việc đó chậm chạp lắm. Đến cuối năm đó thì chị làm xong được 11 trang. Chị gởi mấy trang đó cho tôi để xin góp ý “từ những người bạn văn chương của em”. Một trong những người bạn của tôi là nhà văn Úc nổi tiếng, Thea Astley. Anh của Thea – anh Philip, là một tu sĩ dòng Tên. Chị Thea mặc dù có thể là một nhà cầm bút tinh tế, với nhiều giải thưởng văn chương cao nhất của nước Úc để làm bằng chứng, nhưng cách nói chuyện của chị thì thẳng thừng và trần tục lắm. Chị gọi điện thoại cho tôi và bảo: “Bà chị của ông thiệt là một tay kể chuyện cừ khôi ha. Bả có nền tảng cho một cuốn sách ra trò đó.” Tôi sắp xếp cho hai người phụ nữ ăn-nói-thẳng-thừng này liên lạc với nhau, và họ trở thành bạn thân, y như tôi đã đoán. Máy điện toán đã làm một cuộc cách mạng cho người tàn tật, chỉ trong vòng năm đó chị Tracey có một chương trình điện toán có thể nhận ra tiếng nói, và chị có thể đọc vào máy. Với chị Thea đứng đàng sau làm cố vấn cho chị Tracey, bốn năm sau quyển sách Toàn Bộ Tai Ương được xuất bản, cống hiến cho độc giả những câu chuyện về cuộc đời chị khi ở Calcutta và ở Northern Territory. Được vào tới những vòng chung kết cho thể loại tác phẩm mới trong vài cuộc thi viết văn trong năm đó, tác phẩm của chị Tracey có ảnh hưởng lớn nhất đối với những người trẻ thích phiêu lưu, những người đang dự tính trở thành thiện nguyện viên, và những người mang bệnh bán thân bất toại hay bị bại liệt cả toàn thân.
Vậy nói một cách nào đó, chị Tracey đã biến một tai nạn vô nghĩa thành một tác phẩm có ý nghĩa, và đã rất rộng rãi cống hiến những gì còn sót lại mà chị có thể cống hiến – câu chuyện của chị, tính hài hước, sự khôn ngoan, và những trải nghiệm của chị. Nhờ ơn Chúa, chúng ta cũng được học hỏi thêm nhiều bài học lớn về chính bản thân chúng ta, về những người xung quanh ta, và về sự bấp bênh tạm bợ của cuộc đời. Nhưng tôi cũng đã học được từ tai nạn này là biết cảm nhận tâm tình tạ ơn mỗi khi tôi nhảy từng hai nấc một lên cầu thang, tự tay lo ăn uống cho bản thân, tự mình làm việc tắm rửa mà không cần ai trợ giúp, hay có thể tự chính mình sử dụng nhà vệ sinh. Trong những giây phút thật bình thường trần tục đó của con người, tôi tạ ơn Chúa, bởi vì tôi đã khám phá ra rằng ngay cả cái nhà vệ sinh cũng có thể là nơi để cầu nguyện.
Tôi là người lúc nào cũng cứ hay xông xáo hoạt bát, nhưng mấy năm trước có một cha bề trên ở dòng Tên hỏi thăm về kiểu sống bận rộn của tôi. “Tại sao mà Cha lúc nào cũng cứ chạy tới chạy lui lăng xăng như vậy?” – ngài hỏi tôi. Không nghĩ ngợi gì cả, tôi nhìn ngài, nước mắt dâng trào và trả lời rằng: “Thưa Cha bởi vì con có thể.”
Một trong những bài học lớn nhất mà cả nhà tôi đã dần dần học được trong đau thương, là chịu đựng với những giới hạn của người tàn tật. Tôi là loại người sẽ chặn đầu bạn trong bãi đậu xe nếu như tôi thấy bạn đi đứng bình thường bước ra khỏi chiếc xe không có dán nhãn “tàn tật” mà lại đậu vào chỗ dành cho người tàn tật chỉ vì chỗ đó gần mấy tiệm bán hàng. Cũng có những khách sạn có phòng tắm riêng cho người tàn tật nhưng những người tàn tật nặng nhất thì lại không ai có thể sử dụng được cái phòng đó. Gia đình tôi đã từng đến ăn tối ở các nhà hàng đắt tiền, họ tính tiền chị tôi bằng giá với những người khác, trong khi lối đi duy nhất để người tàn tật có thể vào nhà hàng là bằng chiếc thang máy chở hàng hóa vương vãi những mảnh bắp cải, và sau đó băng ngang qua khu rửa chén trong nhà bếp. Rồi trong hầu hết những tòa nhà dành cho công chúng thì nhiệt độ cứ luôn lạnh buốt, rồi cách mà người ta la lối lớn tiếng với những người ngồi xe lăn mà họ không hề quen biết, họ cứ cho rằng hễ ai ngồi trong xe lăn thì tai cũng bị điếc và não cũng bị liệt, rồi còn những kiến trúc sư tân thời cứ thích ngăn chặn mấy đứa trẻ trượt ba-te bằng cách lót đá cuội đầy vỉa hè. Cứ thử mà ngồi xe lăn đi qua mấy cái vỉa hè đó xem sao.
Tuy nhiên, cái ơn lớn nhất mà những trải nghiệm đáng buồn này đã đem lại cho tôi, là biết cảm thông sâu sắc hơn với những ai đang tuyệt vọng trong đau khổ, hay những ai đang cảm thấy bị Thiên Chúa và bị cuộc đời bỏ rơi. Tôi đã rơi xuống tận những khoảnh khắc đó, và đã hơn một lần đặt câu hỏi, “Thiên Chúa đang ở xó nào?” Cái khoảnh khắc đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời linh mục của tôi một cách tốt đẹp hơn.
Nếu như, với tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, có một điều chi tốt đẹp có thể vươn lên từ thảm họa, thì điều này cũng không thể thay đổi bản chất của biến cố kinh khủng đã xảy ra. Điều này không có nghĩa là ý định của Thiên Chúa là muốn chúng ta trưởng thành từ hậu quả của một biến cố kinh hoàng. Nếu mà điều đó là sự thật, thì ta có thể lập luận như sau: bởi vì việc nghiên cứu thời nay về di truyền học đã được hưởng những thành quả to lớn từ những cuộc thử nghiệm độc ác do ông bác sĩ Nazi Josef Mengele thực hiện trên 1500 cặp song sinh, cho nên việc áp dụng tốt lành những khám phá của ông bác sĩ đó vào việc phân tích những yếu tố di truyền của loài người, hay việc tìm ra thuốc chữa những căn bệnh nan y từ những phân tích đó, có nghĩa là Thiên Chúa muốn những cuộc thử nghiệm ác độc đó diễn ra để cho về sau này điều lành có thể được vươn lên từ sự dữ. Tôi không thấy có bất cứ ai lập luận theo kiểu như vậy. Quả thật, cũng là điều dễ hiểu khi có những điều xầm xì về luân lý đạo đức trong một số thành phần thuộc giới khoa học gia về việc sử dụng kết quả nghiên cứu thu thập được từ những cuộc thí nghiệm độc ác.
Tuy nhiên, việc nhìn lại và điều chỉnh mức độ khủng khiếp của những biến cố kinh hoàng sau khi có những điều lành xảy ra về sau, thì vẫn luôn diễn ra ở tầm mức cá nhân và gia đình. Người ta sẽ nói rằng, “Thôi, cứ nhìn những gì tốt đẹp xảy ra kể từ dạo đó, thì giờ đây tôi đã hiểu tại sao Chúa cất đi chồng tôi, hay con tôi, hay tại sao tôi bị ung thư nhũ hoa, hay tại sao mà tai nạn đó đã xảy ra.” Trái lại, tôi cho rằng bình an tâm hồn là ở chỗ ta nhận biết được rằng mỗi giây mỗi phút trong mỗi ngày thì Thiên Chúa đều đang thực hiện những gì Người đã thực hiện vào ngày Thứ Sáu Tử Nạn, không phải nhằm để cho phép sự dữ, sự chết, và sự hủy diệt được có tiếng nói sau cùng, mà là để nâng cao sự nhạy bén kỳ diệu của nhân loại, và qua quyền năng của ân sủng tuyệt vời, khiến chúng ta có thể ứng phó cách tốt nhất trong cả những tình huống tệ hại nhất, và làm cho ánh sáng và sự sống có tiếng nói sau cùng. Ngày Chúa Nhật Phục Sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho ngày Thứ Sáu Tử Nạn: sự sống vươn lên từ cõi chết.
Thursday, 24 March 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment