Về chuyện kể dân gian, bi hùng/dã sư, ta không hề thấy thiếu trong Cựu Ước. Phần lớn các bài đọc trong thánh lễ Mùa Chay vẫn thường dọi lại những câu truyện “tưởng như đùa” trong kho tàng lịch sử Do Thái. Bài đọc hôm nay, đưa ra hình ảnh của 3 nhân vật chủ chốt, trong các chuyện kể nói trên. Đó là: Abraham, Môsê và Êlya. Tiếc một điều, những gì ta biết được về 3 nhân vật này còn rất mù mờ. Mang nét bí hiểm. Chẳng thế mà, nếu có ai lại suy nghĩ như em học trò nhỏ dưới đây khi em “trả bài” giáo lý hệt như viết chuyện phim, cũng không là điều đáng trách:
“Ông Môshê chăn dắt người Do thái dưới lòng Biển Đỏ. Đến nửa đường, thấy dân đói quá, ông bèn chế ra một loại bánh mì mà chẳng cần đến men hay bột, gì hết trơn. Người Ai cập biết được bèn đuổi theo nhưng bị chết đuối quá chừng chừng, ngay giữa lòng sa mạc. Sau đó, Môshê bèn tà tà tản bộ lên núi Xy-a-nu-ya để kiếm cho được Mười Điều Giáo Luật. Mà, điều thứ nhất nói đến việc bà Evà quát cho Ađam một hồi, lại còn ra lệnh cho ông phải ăn trái táo-đang-bị-cấm ấy nữa. Còn, giáo lệnh thứ năm thì nói: ta phải luôn làm cho cha mẹ khoái chí cười toe hoài hoài mới được”.
Dù sao đi nữa, người Do Thái thuộc cộng đoàn Matthêu khi ấy, lẽ đáng ra, phải nhớ vanh vách mọi chi tiết về Abraham, Môsê và Êlya, mới phải. Các vị, dẫu sao cũng vẫn là anh hùng cái thế của dân Do Thái, vào mọi thời. Mọi lúc. Người Do Thái thời ban đầu, nếu được nghe kể về việc Chúa biến hình, chắc cũng mường tượng ra rằng mối liên kết chặt chẽ giữa Đức Giê-su và Abraham, Môsê cũng như Êlya, là những người từng có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với Chúa trên đỉnh núi. Ở đây, mỗi vị đều thấy nhu cầu phải biến cải đổi đời khi diện kiến Đức Chúa. Và, hiển nhiên là các vị đều đã chói sáng, dù nhìn dưới bất cứ góc cạnh nào.
Các vị đều đã được Yavê Đức Chúa mời gọi thực thi công tác đặc biệt. Các vị đều đã xuống núi với tất cả sức lực hùng hậu, có khả năng nhìn xuyên suốt sự vật.
Matthêu thánh sử hôm nay, đặc biệt chú trọng đến trường hợp của Môsê. Những ai chịu khó đọc toàn bộ Tin mừng của sử gia Mat-thêu hẳn sẽ thấy được điệp khúc trong đó tác giả vẫn muốn so sánh Đức Giê-su như Mô-sê mới. Ngài đã hoàn tất lề luật và trở thành ánh sáng làm rực rỡ đêm đen mù mịt. Càng so sánh, người đọc sẽ càng vui mừng thích thú khi nhận ra điểm tương đồng giữa một Môsê trên núi Sinai và Đức Giêsu Chúa trên núi Ta-bo. Nhưng, nếu quyết chí làm một hành trình gian khổ suốt Mùa Chay, ta sẽ nhận ra được nhiều điểm khác biệt. Hơn là tương đồng. Chẳng hạn, như: Môsê có leo lên núi thánh, thì cũng chỉ một thân một mình.
Còn, Đức Giê-su lại dẫn cả nhóm môn đệ đi theo Ngài, để cùng sẻ san kinh nghiệm và làm chứng về sự kiện tỏ bầy uy lực ấy. Trong truyện Môsê, Gia-vê Đức Chúa chẳng bao giờ xuất đầu lộ diện; còn, ở núi Tabo, Đức Giê-su đem đến cho ta khuôn mặt dịu hiền của Đức Chúa đối với thế giới nhân trần. Trên núi thánh Si-nai, Môsê đón nhận giới luật Chúa ban và được chỉ thị phải cho dân mình biết tuân thủ lề luật của Gia-vê Đức Chúa.
Trong khi đó, trên núi Tabo, Đức Giê-su chấp nhận loan truyền tình thương yêu của Đức Chúa. Và qua đó, ta được bảo ban phải nghe biết lời Ngài. Trong khi Môsê trực diện với thứ ánh sáng chỉ chói chang nơi bụi rậm, thì toàn cả thân mình của Đức Giê-su biến thành ánh sáng hòa chan. Trong khi Môsê được lệnh xuống núi áp đặt lề luật cho dân, thì Đức Giê-su đích thân ngự xuống gian trần để chấp nhận nỗi chết nhục-nhã, ngõ hầu ta được sống mãi với Ngài.
Khi ta coi Mùa Chay như chuỗi ngày khổ hình/khắc nghiệt, với yêu cầu phải từ bỏ chính mình, thì Giáo hội kể cho ta nghe truyện Đức Giê-su Biến Hình ngõ hầu chuẩn nhận mọi hy sinh/gian khổ của ta và đưa chúng vào bối cảnh Mùa lễ. Chỉ một lý do duy nhất khiến ta nên từ bỏ bất cứ gì thuộc về mình; hoặc, mong ta tham gia công tác phục vụ người đồng lọai trong suốt 40 ngày này, là cốt để ta lớn mạnh và đi sâu vào tình thương yêu của Chúa, Đấng hằng yêu ta trong cả đời người. Sám hối Mùa Chay, không có nghĩa bỏ đi lòng tự trọng của ta. Ngược lại, sám hối là để giúp ta giải quyết những gì đang thành vấn đề. Đem ánh sáng chiếu rọi đêm đen cuộc đời. Và, đặt trọng tâm vào tương quan giao tế khả dĩ đưa ra ý nghĩa và mục tiêu của sự sống trong thế giới hôm nay và mai ngày.
Đức Chúa trên núi Tabo sẽ không lấy gì làm thích thú cho lắm, khi có người trong chúng ta có cảm giác bị bỏ bê. Đơn độc. Lý do, là vì ta chỉ biết tuân thủ lề luật từng nét từng chữ, thôi. Ngược lại, Ngài muốn mỗi người chúng ta biết lắng nghe Tin Vui ngập tình thương mến của Ngài. Để rồi, ta có uy lực biến cải thế giới bằng những hy sinh cao cả trong cuộc sống thường nhật.
Trong một chừng mực nhẹ nhàng, Thánh lễ Chúa nhật bao giờ cũng mang ý nghĩa của kinh nghiệm hàng tuần vẫn có trên đỉnh núi. Ở đó, ta nghe tiếng Chúa gọi mỗi người, bằng tên riêng. Và, Ngài cũng xưng thú tình Ngài yêu ta. Ở đó, ta còn thấy mình được nạp lại năng lượng thần thiêng giúp thi hành nhiệm vụ đem ánh sáng biến hình của Ngài chiếu rọi thế giới nhân trần. Trong bối cảnh ấy, tất cả những gì ta làm được trong Mùa Chay này, đều giúp phá vỡ đá tảng từng ngăn không cho ta đáp ứng trọn vẹn tình thương của Ngài.
Điều đó, cũng đáng để ta cố gắng nhiều hơn nữa.
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch
Monday, 21 March 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment