Saturday, 12 March 2011

Lm Richard Leonard sj: “Chúa cao xa sẽ thấu rõ nội dung”

Xin cho con đươc giữ vững niềm tin,
Xin cho con được như hình với bóng,
Suốt cuộc đời hạnh phúc sống bên nhau
Dù mai đây trong thăng trầm cuộc sống.
(dẫn từ thơ Đào Tiến Luyện)

Mt 4: 1-11 :

Tâm tư con, dù nay chưa giải tỏa. Vẫn nhận rằng Chúa thấu rõ nội dung. Nội dung đây, là tâm tưởng của nhà thơ tựa hồ như tâm trạng Chúa chịu thử thách trên non cao. Nơi trình thuật.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, ghi lại sự việc Đức Giê-su được Thần Linh Thánh Ái dẫn đưa vào nơi hoang vu chốn ấy, chịu thử thách những 40 ngày. Thử và thách đặt ra cho Đức Giê-su hôm nay nối kết với chủ đề: chay kiêng - sám hối - hoà giải. Hòa giải với Chúa. Hòa giải với người anh người chị, đang sầu buồn.

Cả ba bài đọc Đầu Mùa Chay hôm nay, đều có liên quan đến những thử và thách, rất chịu đựng. Tuy nhiên, chừng như có điều tương phản giữa trạng thái/tâm tư của Đức Chúa so với tâm trạng của nhị vị tiên tổ, trích dẫn ở bài đọc thứ nhất.

Bài đọc thứ hai, lại khác. Ở nơi thư gửi đến cộng đoàn Hội thánh tiên khởi ở Rô-ma, thánh Phao-lô đã nối kết hai biến cố lớn có liên quan đến công trình cứu độ. Biến cố đầu đời của con người xảy ra tại khu vườn hoang rộng, ở dưới đất. Và trình thuật kể lại hôm nay, là kinh nghiệm từng trải về một đối đầu giữa Đức Chúa và Sa-tan, tay sừng sỏ đại diện Sự Dữ/Ác Thần. Cả hai bài đọc, đều không mang tính sử liệu. Nhưng, vẫn là phương tiện chuyển tải chân lý ngàn đời. Chân lý đưa dẫn người đọc về với niềm tin muôn thưở của con người. Ở mọi thời.

Trình thuật hôm nay, cũng là truyện kể kế tiếp với sự kiện Đức Giê-su lĩnh nhận ơn Thanh Tẩy từ vị Tiền Hô đấng thánh, vào hôm ấy. Chính hôm này, có Chúa xác nhận Ngài là Người Con mà Cha yêu dấu, rất đẹp lòng. Cụm từ “Thần Khí dẫn đưa vào nơi hoang địa” đầu trình thuật, có ý bảo: Đức Chúa chẳng muốn làm chuyện bất thường, lạ lùng. Ngài không gieo vãi trạng thái mê tín, rất cuồng điên. Nhưng, những thử và thách nơi truyện, là cốt xét xem Đức Kitô có phù hợp với sứ vụ Cứu Độ mà Cha giao phó, không. Ngài có xử sự theo cách thế chủ bại, như A-dam tiên tổ, không.

Xét xem và ứng nghiệm thử thách hôm nay, thật ra không do Chúa Cha thực hiện. Mà, do Ác Thần/ Sự Dữ mang đến. Tựa hồ Mô-sê khi xưa, cũng từng chay kiêng sám hối chịu đựng cơn đói lả suốt 40 ngày, Đức Giê-su nay cũng một thân một mình bước vào nơi hoang vu trống vắng, mà chịu đựng. Không lương khô. Chẳng có thực phẩm. Chẳng màng gì đến của ăn. Đến biện pháp chống đói. Ngài bằng lòng chấp nhận cơn rã rời, vùi dập. Có thách thức. Có dỗ dành.

Ở cả ba lần thử thách, Ác Thần/ Sự Dữ đều đề cập đến tư cách làm Con của Đức Chúa. Tư cách này được xác định vào buổi sớm Ngài lĩnh nhận ơn thanh tẩy.

Ở thử thách lần thứ nhất, Ác Thần/ Sự Dữ khởi đầu bằng việc ám chỉ quà tặng Manna gửi người Do Thái đang lang thang khốn khó, nơi xứ người. Qua thử và thách, Ác Thần/ Sự Dữ muốn coi xem Đức Giê-su có thực sự được Cha Ngài dưỡng nuôi, không? Thử và thách, là tự thắc mắc: đường đường là Đấng Quyền Uy rất mực, sao Ngài không sử dụng uy quyền sẵn có, để ra oai. Thử và thách, còn để hỏi: sao Đức Giê-su không nhân đó mà chứng minh Ngài là Con Đức Chúa? Cuối cùng, thử và thách là để đưa Ngài vào tư thế xác định sứ vụ làm Chúa. Làm Đấng Cứu Chuộc mọi người.

Nhằm đáp trả thử thách, Đức Giê-su không sử dụng lời lẽ thông dụng ở đời thường, nhưng Ngài trích dẫn một đoạn viết xưa trong Cựu Ước. Trích dẫn, là để đáp trả theo cách “nói có sách mách có chứng”: con người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng nhờ vào lời Chúa, đã nói ra.” (Mt 4: 4). Trích dẫn Lời, là để chứng tỏ cho mọi người biết: hạnh phúc thực không nằm ở việc bon chen chất chồng vật chất. Mà, thẩm định cuộc đời Chúa ban, qua Đức Giê-su. Biến đá thành bánh, cụm từ cho thấy có tình trạng thiếu vắng niềm tin. Thiếu cả quan tâm chăm sóc Cha gửi đến. Quan tâm, dành cho sứ mệnh Ngài hoàn thành.

Thử thách kế tiếp, Ác Thần/Sự Dữ đưa Đức Giê-su vào nơi cao vút của Đền Thờ, chốn vắng dành riêng cho Đức Chúa. Hắn tưởng rằng làm thế Đức Chúa sẽ quan tâm hơn đến Người Con của Ngài. Ở đây nữa, có hai sự việc cần minh định:

Trước nhất, Thiên Chúa sẽ không để cho Đức Giê-su bị tổn thương. Ác Thần hẳn đã rõ chuyện này, nên mới trích Cựu Ước mà nói: Có Lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ để lo cho Ông; và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho Ông khỏi vấp chân vào đó.” (Mt 4: 5). Thật ra, Ác Thần nào đã biết: Thiên Chúa vẫn hứa chăm nom săn sóc loài người trong suốt quá trình sống, chứ nào hứa hẹn dùng quyền uy siêu nhiên mà can thiệp khi ta hành động rất vô tâm.

Thứ đến, nếu Đức Giê-su gieo mình từ chốn non cao và kịp thời được cứu vớt, thì hẳn mọi người nhận ra gốc gác thần thiêng của Ngài, rồi mới tin. Ở đây, một lần nữa, Đức Giê-su cũng lại trở về với Sách xưa mà trích dẫn: Chớ nên thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của anh!” (Mt 4: 7).

Với những thử và thách lúc cuối, Ác Thần/Sự Dữ đã chạm đúng tim đen của người chịu thử thách, là: muốn thu vén cả thế gian về một mối, dưới trướng của mình. Đây là một mặc cả vẫn diễn tiến trong toàn cuộc đời, người phàm trần. Mặc cả nào cũng đưa ra chọn lựa thật khó xử: bước theo chân Chúa, sẽ chẳng lợi gì về trần gian vật chất; còn theo đường mình đã vạch, sẽ đạt được tất cả; từ của cải vật chất, đến công thành danh toại , quyền lực nằm ở ta.

Cuối cùng, thử thách nào cũng dẫn tới giai đoạn cuối thúc đẩy ta chọn lựa. Một chọn và lựa được Đức Chúa nhắc nhở, bấy lâu nay: được cả và thế gian mà mất đi sự sống đích thật, nào đã lợi gì? Và ở một đọan khác, Chúa cũng nói: con người hãy cho đi mọi sự để, đổi lại, sẽ có được tương quan đậm sâu với Đức Chúa. Đây mới chính là mục tiêu của cuộc sống.

Mẫu mực chọn lựa nêu ở đoạn cuối trình thuật là lời đáp trả rất dứt khoát từ Đức Giê-su: “Xa-tan kia, hãy cút xéo!” Nội dung lời đáp, nay gợi nhớ một quở mắng ở đoạn khác, xảy đến với thánh Phê-rô. Thánh Phê-rô khi ấy, chỉ muốn có đề nghị “đẹp cả đôi đằng”, những toan kéo Ngài đi trệch con đường Ngài chọn, ngang qua khổ hình.

Khổ hình thử thách Ngài đã trải, nhưng Đức Giê-su còn phải qua nhiều thử thách khác suốt cuộc đời, cho đến chết. Có lúc, Ngài cũng muốn bỏ cuộc. Những muốn xin Cha để qua một bên ý định đòi Ngài tận hiến, như hồi ở vườn khổ não Cây Dầu. Nhưng kết đoạn đời, chung cục thì Ngài cũng dâng phó hoàn toàn cuộc sống, theo ý Cha. Phó mặc, để thực hiện ý ủa Cha cho đến chết.

Con đường, Chúa Cha muốn Ngài trải qua là đường độc nhất dẫn dắt Ngài -và cả chúng ta cùng với Ngài- đến cuộc sống miên trường không bao giờ ngừng. Cuộc sống, khi những giọt nước mắt ngà đã được lau sạch.

Trong hiệp thông với Đức Giê-su trong thử thách, ta hiên ngang cất lời ngợi ca tình yêu, hát rằng:


Rồi mai chân hoang vu lên phố gầy
Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay
Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn
Vỗ giấc xuân muộn về trên mây hồng.
(Trường Sa – Rồi mai tôi đưa em)

Chính ở nơi hoang vu có mắt môi đã đắng cay, tình yêu Chúa vẫn về lại với ta. Với mọi người. Trên mây hồng. Và, ở nơi hoang vu nhiều thử thách ấy, “Chúa đã thấu rõ nội dung”. Nội dung cuộc sống, rất kéo dài nhiều đắng cay. Đắng, nhưng vững lòng. Cay, nhưng vẫn tin và vẫn yêu. Một tình yêu rất rộng mở.

No comments: