Friday, 11 March 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cưu Rỗi

ĐẾ QUỐC BA TƯ (538-332)
Các kẻ hồi hương chỉ là một nhóm nhỏ, những người nhiệt nồng; còn phần đông họ đã nên khá giả ở chốn lưu đày, nên chốn lưu đày đã nên quê hương vĩnh viễn của họ. Vả lại phải dò đất trước vì đã có nhiều người còn lưu lại tại Phalệtin. Sau cơn giông tố, những người tản mác xung quanh, hay cả những người xa lạ đã tới đất bỏ trống để lập nghiệp. Các người hồi hương, theo nhiều đợt khác nhau, đã phải chống chọi với thiên nhiên, với láng giềng, và vất vả lắm mới xây dựng lại được một đền thờ tầm thường (520-515). Rồi mãi đến -445, Nêhêmya mới dùng thế lực của mình như sùng thần của Artaxerxes (465-424) mới xây dựng tường thành Yêrusalem. Lòng mộ đạo của Do thái diễn bày ra cách riêng trong sự nhiệt thành đối với Đền thờ và tế tự. Israel bây giờ là một giáo hội quây quần xung quanh đền thờ. Nhưng tiên tri cuối cùng (Haggai, Zakharya, Malaki) nâng đỡ và khích lệ lòng đạo của dân. Và vào một thời khó xác định (có lẽ -398?) thiết lập lòng đạo Do thái với việc ban hành bộ luật mới: san định cuối cùng các truyền thống và tập tục Israel, bộ luật mà chung chung ta có thể đồng nhất với Ngũ thư.

Tư trào thời này được diễn đạt cách riêng trong các Thánh vịnh các trước tác thuộc loại “Khôn ngoan”, ghi lại những kinh nghiệm đời sống, những suy nghĩ trên nhân tình thế thái, trên bí nhiệm là sự dữ (thể xác và tinh thần).

Trong khi quốc gia Do thái được tổ chức lại tại Phalệtin, thì các nhóm Do thái kiều cũng phát triển: Lưỡng hà địa, gốc chính của những kẻ hồi hương, và cũng là nơi người Do thái Phalệtin trông nhờ nâng đỡ về vật chất (lễ vật và quyên trợ) và tinh thần (Êzra là một người thuộc nhóm Do thái Lưỡng hà địa); Ai cập (nhất là ở Đảo Tượng: đảo Éléphantine, Assuan).

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

1 comment:

Anonymous said...

cam on ban Muoi Hai that nhieu