Sunday, 30 September 2012

Lm Kevin O'Shea CSsR: Dẫn nhập vào với Phaolô lịch sử (Phần A)



Giới thiệu một Phaolô lịch sử

“Thánh Phaolô là thiên-tài về thi-ca thần-bí có khả năng diễn giải nền thần-học phong-phú rất phấn khởi. Thánh nhân là cây viết từng đem lại nhiều dấu-ấn cùng với các tác giả khác đã làm nên Tân-Ước. Thánh nhân còn là nhà tổ chức rất chuẩn, rực sáng và đầy ân lộc từng đóng góp nhiều điều cho Hội thánh mà nếu không có ông, hẳn có người sẽ tự hỏi không biết Đạo Chúa có còn hiện hữu nữa hay không? Và khi đó, Kitô-giáo có lẽ sẽ hoàn toàn khác hẳn.“ (G. Vermes, The Changing Faces of Jesus, Penguin, 2001)

Năm 2008, Đức Bênêđíchtô 16 tuyên bố thành lập Năm Thánh đặc biệt để mừng kính thánh Phaolô, khởi từ cuối tháng 6 năm 2008 và kết thúc vào cuối tháng 6 năm 2009. Đây là thời điểm rất thuận lợi để mọi người chúng ta có cái nhìn mới mẻ về thánh nhân. Và, cũng còn là cơ hội để ta có cái nhìn rất khác về sự sống lại trong cuộc đời những người dõi bước theo chân Chúa như thánh nhân từng khẳng định.

                                                                         ---

Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Do thái, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; tuân giữ Lề luật thật đúng như người Pha-ri-sêu; lại nhiệt thành đến mức độ ngược đãi cả Hội Thánh; còn, sống đời công chính đúng theo Luật, thì chẳng ai có thể trách cứ được tôi. Nhưng, những gì khi xưa tôi cho là có lợi, thì nay, vì Danh Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi nhất. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự đều thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, mà tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như cỏ rác để có được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài. Để được vậy, không phải do sự công chính của riêng tôi, hoặc sự công chính nhờ vào luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Phil 3: 5-11)

Quá trình sự nghiệp

Thế giới Hy Lạp và La Mã cổ xưa, chỉ có chừng 10% dân số là biết đọc và biết viết. Đối với dân Palestin, số người này còn ít hơn nữa. Điều đó có nghĩa: 10% số người này làm nên xã hội gồm những người tuyển chọn trong dân, vào thời đó. Họ là những người sống ở thị thành, mà thôi.

Các thủ lãnh Hội thánh tiên khởi, giống như thánh Phaolô, đều thuộc lớp người này.

Kitô-giáo thời tiên khởi không do lớp người đặc sủng sống ở miền quê dẫn dắt, mà do những người có học, tựa hồ các lãnh-tụ hội-đường vào thời trước như Gaius hoặc thủ quỹ các kho bạc thị thành như Erastus và/hoặc các nữ thương gia đạt thành quả như Lydia. 

Kết quả là, Hội thánh Chúa Kitô hồi thời tiên khởi đã để lại rất nhiều điều, cho hậu thế. Các lãnh tụ thời đó hầu hết là học giả hoặc các cây viết. Về sau, vào khoảng thập niên 70 sau Công Nguyên, toàn thể bốn thánh sử viết Tin Mừng đều là học giả ở bậc cao, rất tài giỏi. Trước đó, cũng nhiều vị có khả năng tương tự như Apôlô và Silas. Và, đặc biệt là thánh Phaolô. Không có thánh Phaolô, có lẽ những người khác cũng không tài nào làm được như thế và Tân Ước ta hiện có chắc cũng không tồn tại đến bây giờ. Và, Hội thánh thời tiên-khởi như ta biết, có lẽ cũng đã không hiện hữu. Phân nửa Tân Ước hầu như được nối kết với thánh Phaolô. Phân nửa sách Công Vụ và có lẽ còn hơn nữa đều do thánh Phaolô viết ra.

Ngày nay, chúng ta biết nhiều về thánh Phaolô là nhờ vào các sách và bài viết rất như thế. Ta biết về thánh Phaolô nhiều hơn biết về Đức Giêsu Kitô nữa. Bởi, Đức Giêsu Ngài chẳng viết cuốn sách nào hết. Chúa đi đây đó, cũng ít hơn thánh Phaolô từng đi. Tuổi thọ của Chúa, cũng chỉ bằng phân nửa tuổi đời của thánh nhân thôi. Và, khi Chúa qua đời, đến bốn mươi năm sau mới có người viết về cuộc đời công khai phục vụ của Chúa. Đàng khác, các sử liệu mới đây cho biết Đức Giêsu xuống thế làm người và trở thành người Do thái, là một cư dân sống ở miền Galilê cũng khá nghèo; và, Ngài chưa từng đến trường lớp nào để học một ai. Các thánh sử viết lên bốn cuốn Tin Mừng đều đã viết về Đức Giêsu theo cung cách tư riêng, đặc biệt. Bởi thế nên, ta mới khám phá ra ở bên dưới ảnh hình mà các thánh sử ghi lại về Chúa, giúp ta có được ảnh hình về nhân vật ‘Giêsu lịch-sử’. Nhưng với thánh Phaolô, thì lại khác. Ta biết nhiều về thánh Phaolô hơn và biết rõ những gì thánh nhân viết và cũng đã để lại cho hậu thế, rất nhiều điều.

                                                            ------------------


Thánh Phaolô ta tìm hiểu là Phaolô nào?

Ở đây, tưởng cũng nên cẩn thận đôi chút về các nhân vật có gọi tên là Phaolô. Bởi, thực tế có khá nhiều vị cùng mang tên Phaolô như thánh Phaolô ở Tarsus. Cả đến tên gọi Đức Giêsu cũng thế, ở Do thái xưa rất nhiều vị cũng mang cùng một tên gọi như thế. Điều tôi muốn nói ở đây, là: văn phong/thể-loại khác biệt đã tạo nên nhân vật đặc trưng lại cũng khác. Có vị thánh được gọi tên Phaolô như ta đọc ở sách Công Vụ chẳng hạn.

Về cuốn sách đầy tính sử-liệu mà ngày nay ta có thói quen gọi là Sách Công Vụ Tông Đồ (hoặc Công Vụ) là sách tiểu thuyết mang tính lịch sử rất chính-xác, trong đó kể lại các sự kiện được ghi rõ hơn ban ngày. Ở sách này, thánh Phaolô không là nhân vật cáu gắt như tính tình thực tế ở ngoài đời! Lại có đấng bậc khác, cũng được gọi tên Phaolô ta nghe biết qua các thư luân-lưu mục-vụ như thư gửi Timôthê, Titô, vv.  Ở thư này, thánh nhân là vị quản nhiệm Hội thánh cấp cao chuyên giữ trọng trách tổ chức hệ thống các nhóm/hội.

Lại có đấng bậc khác cũng mang tên Phaolô thấy có trong văn-chương gọi là ngụy-thư được viết vào thời kỳ sau đó tựa hồ như sách Công Vụ của Phaolô và Thêcla, qua đó ta thấy có nhân vật Phaolô đạo-hạnh như vẫn gặp ở sách “Hạnh Các Thánh”. Tất cả các bài viết cũng như tập sách truyền tụng đến đời sau, đem lại cho ta một Phaolô thuần-thục của Hội thánh vào thời sau đó ở Đạo Chúa. Và, bên dưới các chi tiết nói trên, lại có Phaolô đích thực thánh nhân, rất lịch sử. Và đây là nhân vật tôi muốn giới thiệu đến với người đọc hôm nay.

Dĩ nhiên, khi làm công việc như thế này, điều tôi muốn đưa ra là: thánh Phaolô đây thật rất khác. Khác, theo nghĩa cung cách của thánh nhân rất đặc biệt; và, ta sẽ ngang qua một Phaolô thánh nhân ở Sách Công Vụ rồi đến với các thư luân-lưu có tính cách mục-vụ và cuối cùng là các ngụy-thư vẫn tràn đầy mọi chỗ. Điều tôi đưa ra thêm đây, là điều mà một người từng được thuần-hoá lại mang tính-chất rất Đạo. Được như thế, điều chính yếu là qua các thư từ do thánh Phaolô viết qua đó thánh nhân nói rất nhiều điều về con nguời của thánh nhân. Ngoài ra, lại cũng có một số dữ-kiện lịch sử nói về Phaolô thánh nhân ở nhiều nguồn văn bản khác nhau, nhưng muốn đạt chuyện này, cần hoàn tất một số công việc cũng khá nhiêu-khê mới đạt được ý nguyện lập ra.

                                                                                       ----

Thánh Phaolô lịch sử

Phaolô (còn gọi là Shauoul) đích thị là người Do thái. Nói cách khác, ông là người Hy Lạp nói được tiếng Do thái như kiều-dân Do thái nào khác sống tản mác ở trong vùng. Ông sinh ở thủ phủ Tarsus, một thị trấn cách Galilê chừng 400 dặm về phía Bắc, vào niên biểu thứ 6 trước Công nguyên –tức chỉ vài năm trước ngày Chúa CứuThế sinh ra, tức năm thứ 3 trước Công nguyên- và ông qua đời tại Rôma khoảng năm 64 sau Công nguyên, dưới thời hoàng đế Nêrô trị vì, tức 34 năm sau cái chết của Đức Chúa và sáu năm trước ngày đền thờ Giêrusalem bị đánh sụp. Thánh Phaolô trải qua ba năm mười tháng rất nòng cốt của đời mình cho công việc.

Năm 2006, các nhà khảo cổ khám phá ra quan tài bằng đá khiến mọi người tin là trong đó có chứa đựng hài cốt thánh Phaolô tông đồ chôn bên dưới vương-cung thánh-đường mà mọi người đang sùng kính thánh Phaolô bên ngoài Tường thành Rôma. Hiện nay, chưa có lệnh cho phép mở quan tài xem trong đó có những gì.

Từ năm 65 trước Công nguyên, Tarsus đã trở thành thủ-phủ thuộc đế quốc La Mã ở Cicilia. Đây là thị trấn nhỏ hướng về phía La Mã. Đây, còn là miền trù phú nằm dọc ven sông Cydnus, cách bờ biển khoảng 10 dặm Anh.  Hai tuyến mậu dịch hướng về phiá Đông Nam vùng này, gặp nhau ở tụ điểm cách đó chừng 50 dặm về hướng Bắc. Tại nơi đây còn có con đường đèo nhỏ hẹp coi như cửa ngõ mở ra xứ miền Cicilia. Ở nơi này, lại cũng thấy con đường độc đạo khác xuyên vùng đồi núi tên là Taurus. Chính đây là con đưòng huyết mạch nối liền miền cận Đông với Ephêsô , một thủ phủ thuộc biển Ê-giê. Nơi này nữa, lại đã có công Chúa Maxêđônia xưa tên Clêôpatra khi trở thành Nữ hoàng Ai Cập cũng từng đến nơi này hưởng tuần trăng mật, tại Tarsus. Thời đế quốc La Mã trị vì Do thái, Tarsus đã trở thành một trung tâm nông nghiệp có công xưởng nổi tiếng. Thánh Phaolô sinh sống ở đây, thủ phủ tuy nhỏ nhưng lại có trường lớp chuyên dạy triết học cho bậc trí thức thuộc tầm cỡ đại học, như thời bây giờ.
              
Thánh Giêrônimô có lần từng khẳng định: “Thánh Phaolô khi trước chỉ là trẻ tị nạn có nguồn gốc đến từ thôn làng Gischala, ở Galilê để sinh sống. Nhưng về sau, có người cho rằng thánh nhân lại thuộc một gia đình nô lệ sống ở Tarsus”.

Xem như thế, thì có truy tầm cho kỹ, cũng không tìm ra bằng chứng nào cho thấy thánh Phaolô có nguồn gốc xuất tự Galilê, hoặc gia đình thánh nhân xưa nay thuộc gốc nguồn nào, thật cũng khó. Có người còn bảo: giả như thánh nhân xuất thân từ chốn này, thì tại sao trong các thư mục-vụ do thánh nhân viết, chẳng thấy chỗ nào đề cập đến địa danh của xứ miền này? Thánh thử, tưởng cũng nên tra cứu thêm gốc nguồn của thánh Phaolô, hơn là chỉ dựa vào lời của thánh Giêrônimô vào nhiều năm về sau. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến nhiều người thấy khó hoạ ra ảnh hình nào vẽ về nhân vật rất thánh này. Đa số người làm công việc tra cứu, thường mô tả Phaolô như một đấng thánh trông khá thấp. Bởi, tiếng La tinh, danh từ Paulus có nghĩa là: thấp lè tè. Nên, một số các nhà chú giải Kinh thánh lại quả quyết: cái khó là do thánh nhân thay đổi tên của ông từ Saulô sang thành Phaolô, kể từ khi ông quyết định “hồi hướng trở về với ràn chiên chuyên chăm của Chúa. Riêng tôi, tôi lại không nghĩ như thế. Theo tôi, tên gọi của thánh Phaolô –dù có mang ý nghĩa thấp lè tè hay lùn xủn đi chăng nữa- đó cũng chỉ là tên tục người xưa vẫn gọi ngài, và qua quá trình sử dụng lâu ngày, nay trở thành tên thật, chứ chẳng vì do ý nghĩa từ tiếng La tinh. Điều này càng dẫn người cố gắng  truy tầm nguồn gốc của thánh nhân đi dần vào ngõ bí, nếu ta lại xét thêm về những điều ít Do thái- tính, như ở đây. Những ai có dịp viếng đền thánh Phêrô ở Rôma, hẳn nhớ rằng mình cứ phải đi ngang tượng đài hoành tráng nơi đó ghi tạc hình hài thánh Phaolô tông đồ do nghệ nhân Tadolini tác tạo. Thật ra thì, thánh Phaolô trông không giống tượng đài ấy chút nào, nên lại càng khó cho nhà truy cứu tầm kích của thánh nhân theo sử học.

Năm 2006, người ta phát hiện trên cảo bản và hình tượng ghi trên đá có vẽ hình hài của thánh nhân. Cảo bản này, là tài sản của nông gia nọ tuy khá nghèo nhưng lại là người thủ giữ nhật-ký rời có ghi chép đôi chi tiết này. Nông gia ấy từng đi Êphêsô để tìm gặp cho bằng được nhà thuyết giảng nổi tiếng thành Tarsus. Vị giảng thuyết ấy đích thực là Phaolô, trông ông không cao hơn đứa trẻ bình thường là mấy, nên ông cứ phải leo ngồi lên bàn mà giảng giải cho dễ chịu. Nông gia nọ, còn tô điểm thêm đôi ba ý về tầm kích của thánh nhân lên đá tảng. Và, người truy tầm thấy đó là hình ảnh của một nhân sĩ khá lùn mà ta vẫn thấy nơi hình tượng vẽ trên đá. Có lẽ đây là giai thoại khác nói về “tình mến thương” được thánh Phaolô nhắc nhiều trong thư thứ 2 gửi giáo đoàn Côrinthô, lúc bấy giờ. Thánh nhân người nhỏ thó lọt trong đám tông đồ của Chúa trông như út ít. Có thể nói: nếu tông đồ Chúa mà đứng thẳng người để đo đạc, thì thánh Phaolô chỉ cao ngang tầm ngực của thánh Phêrô, thôi. Đến đây, có lẽ ta cũng nên tìm thêm đôi điều thật chắc chắn mới đem so với chứng tích hiện lưu giữ trong quan tài đá, thấy ở đây.
                           
Theo các bản vẽ có vào thời đầu, thì thánh Phaolô thuộc dạng người thâm thấp. Thân hình ông cũng khá mập và lùn. Đầu hơi hói. Râu tóc lại nhẵn nhụi. Da của thánh nhân bị xần xùi; mắt có mụn chừng như do bởi trước đó thánh nhân bị sốt rét đôi lần, cũng không chừng. Thế nhưng, cùng với tính khí của một đấng thánh năng động, sôi nổi, ta có thể nói: thông thường thánh nhân ăn nói rất hoạt bát, đáp trả khá nhanh lẹ, đặc biệt có tính không hay là cứ ngắt lời người khác đang nói.

Tác giả Jerome Murphy-O’Connor có viết một số đoạn văn ca tụng thánh nhân, tuy không nhiều, nhưng cho rằng: thánh Phaolô có tính bẳn gắt, hay cáu kỉnh, lại tẩn mẩn. Ông còn mang cung cách khá ư bần tiện nữa là khác. Ông xử sự lại giống các chính-trị-gia cứ giả vờ như người vui tính, nhưng tình thực ông lại dễ uất hận và phẫn nộ. Ông là người có qui cách ăn nói hơi quanh co, tính tình có vẻ “đồng bóng”, khó kềm chế, đôi lúc lại rất “bốc”. Đặc biệt khi biết rằng cộng đoàn Côrinthô không có tính hào hoa, lịch lãm nên ông thường mỉa mai, châm chọc cách cay độc. Ông lại không sở hữu kỹ năng giữ vững lập trường của chính mình, nên ít chịu xả thân lao mình để bảo vệ quan điểm của chính ông. Theo tôi nghĩ, thánh Phaolô chẳng làm sao chứng tỏ được rằng mình là con người hiền lành, tử tế hoặc “thánh thiện” theo như nhiều người những tưởng ông là con người rất như thế.      

Tuy nhiên, phải công nhận rằng: thánh Phaolô là loại người cương quyết. Như lời tác giả D. Chaplin có lần từng diễn tả: “Tôi chắc chắn sẽ không chạy lòng vòng rời mắt khỏi trái banh tròn và cũng chẳng muốn bám víu vào những cú đánh vào hình bóng của ông ta. Thay vì thế, tôi để mình vào chuyện luyện tập có khoảnh khắc sát phạt cứ như không có, để rồi mình sẽ không làm theo ông là cứ bảo người khác làm theo ý mình, rồi lại muốn họ ngã quỵ trước mặt mình.” (x. D. Chaplin, diễn giải lòng vòng tâm trạng của thánh nhân khi ông viết cho cộng đoàn giáo hữu thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đoạn 9, câu 24-27)

Xem thế thì, thánh Phaolô luôn đặt mình vào đường lối luôn tiến về phía trước. Dù tiến bước, thánh nhân lại vẫn bước khá chậm, luôn là người đi trễ, nên đành phải nhanh chân để bắt cho kịp mọi sự đang tiến rất nhanh. Thánh nhân lên kế hoạch về miền xa lạ và luôn thấy rằng có lẽ mình sẽ không còn dịp quay trở lại chốn cũ, để gặp người xưa dù thân thiết. Quả thật, thánh nhân là nhà lãng-tử luôn bôn-ba mạo hiểm với đế quốc, với thế giới xa lạ ở ngoài. Qua sách Công vụ Tông đồ, thánh nhân thường diễn tả nhiều chủ đề bằng những bằng lời thật tâm, như: “Mạng sống của tôi, tôi coi còn chẳng đáng giá nữa là.” (Cv 20: 24)        

Hẳn, thánh nhân là con người khác thường với tâm tính hăng say, mê mệt cùng những tình tự khác lạ quyết áp đặt lập trường của mình lên trên ý tưởng của người khác, quyết liệt đến độ như muốn lồng tư tưởng ấy vào trong kết cấu của mọi câu chuyện mang tính khách quan nói về mình, để rồi lập trường ấy lại được Hội thánh tiên khởi, đang ngày một tăng trưởng, cứ phải ghi nhớ suốt đời.  Tóm lại, hầu hết các nhân vật vĩ đại ở đời, đều tạo tình huống khác lạ đến độ đưa họ vào huyền thoại, rất kéo dài.   

Thánh Phaolô là cây viết từng hưởng nền giáo dục tốt hơn nhiều tác giả khác, trong Tin Mừng. Thế nhưng, đó là nói về Kinh thánh viết tiếng Hy Lạp mà ta có thói quen gọi là Bản 70, thôi. Riêng tôi, tôi lại nghĩ thánh nhân không đọc sách ấy cách năng nổ như các sách khác viết bằng tiếng Do thái. Bởi, thánh nhân chịu ảnh hưởng văn hoá Hy Lạp qua môi trường mình sống. Thánh nhân thường đến hí trường để thư giãn, giải trí cho qua ngày. Nhưng ông vẫn muốn thi đua giành giải ở nơi đây. Ông có thói quen lắng nghe các nhà hiền triết Hy Lạp nói chuyện khi họ đặt chân đến Tarsus, xứ sở của ông sinh hoạt. Ông là người Do thái khá mộ đạo, nhưng lại không là đạo hữu bình thường. Ông tự coi mình như người Biệt Phái, nhưng theo tôi, ông muốn mọi người hiểu là ông mang tính cách “Pharisêu” thật đúng nghĩa qua cách hành xử theo luật Torah Do thái và ông quyết thực thi lề luật rất kỹ, cả đời mình.

Sở dĩ có chuyện này, là vì: thời thánh nhân sống, chẳng có người Biệt Phái nào thật sự là Pharisêu lại sống bên ngoài Palestin, hết. Tôi, thì tôi lại không nghĩ là Hội thánh có bằng cớ cho thấy thánh Phaolô từng hấp thụ nền học vấn kiểu tư tế rất chính thức, như thể nhận được chỉ giáo của bậc thày vĩ đại ở Giêrusalem tựa hồ Gamaliel; và, đây mới là tính chất rất Phaolô của sách Công vụ Tông đồ. Sách này nói: thánh Phaolô có kỹ năng giảng giải tiếng Hy Lạp tại sảnh đường Tyrannus ở Êphêsô. Có lẽ là như thế, nhưng ở đây, tôi xin được phép có một chút đa nghi về chuyện này. Tựa hồ giới trí thức vào thời ấy, thánh nhân cũng từng thụ giáo về mậu dịch và sống bằng việc sử dụng kỹ năng ấy. Và, một lần nữa, cũng theo sách Công vụ, thánh nhân là doanh thương mậu dịch đồ bằng da như lều/bạt rất có giá.

Tác giả Murphy O’Connor còn cho rằng: thánh Phaolô đã thành người Biệt Phái ngay từ hồi sống ở Giêrusalem. Và, ông là học trò của Gamaliel đệ nhất; đồng thời, ông cũng “vượt xa đồng bào cùng tuổi” với ông như thư Galát đoạn 1 câu 14 từng diễn tả. Tác giả còn cho biết: thánh nhân có vợ hai con. Có thể nói: thánh nhân từng sống tại Giêrusalem vào giai đoạn từ năm 15 đến 33, sau Công nguyên. Cũng có thể là, vào ngày Chúa chịu nạn và chết trên thập tự, thánh Phaolô đã có mặt tại hiện trường nhưng ông không có dịp may diện kiến hoặc quan hệ với Chúa. Về việc này, bản thân tôi vẫn muốn có thêm bằng cớ về những chi tiết ấy, tức: những gì coi như bằng chứng nói về thánh Phaolô mang tính lịch sử, ngoại trừ sách Công vụ viết về những giai thoại, đại loại như thế.

                                                                        ---

Thật ra, thánh Phaolô là một nhà lữ-hành rất đúng nghĩa từng đi đây đi đó, cũng rất nhiều. Ông lại là sáng-lập-viên chuyên chăm sóc cộng đồng và là người gây quỹ rất thiện chí. Trên hết tất cả, ông là cây viết rất tài tình và cuối đời mình, ông là đấng bậc dám chết cho Đạo, vì Đạo. Trong bối cảnh ngôn ngữ như thế này, tôi muốn giới thiệu với quí vị một Phaolô cây viết chuyên chăm, tài tình, tuyệt tác.       

                                                                       ---

Nhà lữ hành

Thánh Phaolô là một nhà lữ hành, rất đích thực. Hành trình ông thực hiện, dẫn từ Giêrusalem đến tận Antiôkia, một khoảng cách dài chừng 600 cây số ngàn (tức: quãng độ 360 dặm Anh) đi như thế phải mất từ 2 đến 4 tuần. Hành trình ông đi từ Antiôkia thuộc Syria đến tận Galatia cũng phải mất chừng 1,069 cây số (tức 641 dặm). Xem thế thì, bình quân mỗi ngày ông đi được 25 cây số, tức 15 dặm Anh. Hành trình như thế, thường khởi từ mùa xuân rất sớm vào lúc trời còn mát sau một mùa đông lạnh để nghỉ ngơi, đôi tháng. Sau đó, ông lại tiếp tục hành trình từ Galatia đến vùng cận duyên có khoảng cách chừng 771 cây số (tức 463 dặm) và hành trình như thế cũng mất 6 tuần. Nghĩa là, bình quân mỗi ngày ông đi được 18 cây số (tức 11 dặm) dưới sức nóng hừng hực, cháy da vào mùa hè ở Anatôlia. Còn, hành trình từ Êphêsô đến Corinthô, thường thì ông dùng thuyền bè, rồi trở về đất liền ngang qua Thessalonikê và Phillíphê một độ dài khoảng 736 cây số ngàn nhắm đến Nêapôlis, ngang qua biển để đến Trô-a rồi đi thêm 350 cây số nữa (tức 210 dặm) từ Trô-a đến Êphêsô. Như thế có nghĩa là, bình quân mỗi ngày ông đi tổng cộng 32 cây số (tức 20 dặm). Đi như thế, cũng mất đến 5 tuần lễ, cũng không nhiều.

Lữ hành nào cũng thế, chẳng khi nào là chuyện dễ làm. Nhất là vào thời buổi không có lực lượng cảnh sát hoặc bảo vệ trợ giúp, nên dễ gặp nạn cướp bóc, nói chung là đấy bọn xấu cứ thong dong tung hoành trên đường lộ, rất tự do.

Phaolô thánh nhân không chỉ là nhà lữ hành thôi, nhưng ông còn gầy dựng nên nhiều cộng đoàn Kitô-hữu và cứ thế ông đến nhiều nơi nhiều chốn cốt thành lập càng nhiều cộng đoàn lớn nhỏ càng tốt. Thánh Phaolô đích thân đến thăm hỏi các cộng đoàn do thánh nhân thành lập. Ông thường đi bộ (chẳng bao giờ cưỡi ngựa, bởi lúc ấy làm gì có ngựa để cưỡi và ngã khi được ơn?). Đôi lúc ông cũng men theo đường biển khá nhiều lần. Đó là những lúc ông được quá giang đi thuyền vào các mùa hè nóng bỏng ngồi trên những chiếc thuyền nan tuy bé nhưng khá tốt để căng buồm theo gió cuốn trôi đi. Theo tôi nghĩ, thánh Phaolô thường di chuyển vào mùa hè rất nóng, và ít khi đi vào mùa đông giá lạnh có gió mùa. Những lúc như thế, thánh nhân dừng chân nghỉ lại ở đâu đó (như ở Êphêsô hoặc Côrinthô chẳng hạn) vào mùa đông lạnh giá và lưu lại đó ít ngày để viết thư luân lưu khá nhiều…

Lữ hành đây đó, là dịp để thánh nhân thiết lập các cộng đoàn theo kiểu riêng biệt ông suy tính. Theo tôi  nghĩ, lúc đầu ông cũng không có ý định quay về chốn cũ để thăm cộng đoàn thân quen mình từng thương mến. Lý do, phần lớn là do có khó khăn ông gặp phải, thường xảy đến rất nhiều trên đường đi.

Thánh Phaolô thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là: ông có quyền được hỗ trợ tài chánh khi thi hành mục vụ bận như thế, nhưng ông chẳng bao giờ sử dụng quyền lợi đại loại như thế, ngoại trừ trường hợp phải rời bỏ cộng đoàn mình lập ra. Vào những lúc như thế, thánh nhân đành để lại một số người ở với cộng đoàn như với giáo đoàn Philípphê, nếu họ muốn, để giúp đỡ tài chánh cho các vụ việc cần đến và chuyến mục vụ tiếp theo sau.    

Mỗi lần qui chiếu điều gì về chính mình, thánh Phaolô thường tự coi ông như “người mẹ” của cộng đoàn. Ông còn ví mình như vị y tá chuyên lo chăm sóc đàn con bé nhỏ của người mẹ. Ông còn sử dụng cụm từ “ở cữ” nhiều lần để diễn tả tâm tình ấy. Ở đây, tôi không muốn gọi ông là “Mẹ thánh Phaolô” chút nào, không như tác giả Roberts Gaventa từng làm vào khi trước. Thật sự, thì ở đây cho thấy tính chất thương yêu rất mực vẫn thấy có nơi quan hệ giữa thánh Phaolô và cộng đoàn mang danh Phaolô thời tiên khởi, đó là điều ta cần ghi chú thêm khi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của thánh nhân. 
                                                              (còn tiếp)
Lm Kevin O'Shea CSsR,
Mai Tá lược dịch 

                                                                        ---

Friday, 28 September 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Mt 5: 13-16



Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Mt 5: 13-16

Về văn: Một loạt Lời của Chúa được Mátthêu kéo vào đây. Liên lạc với trên: chính những người được chúc phúc ở trên, được đặt trong liên lạc với Chúa Yêsu, phải giữ gìn thế gian cho khỏi thối nát, phải thánh hoá thế gian. Chủ đích của Mátthêu là muốn dạy rằng: chính bởi việc lành và giáo huấn về đàng công chính, mà môn đồ sẽ là muối, là sự sáng thế gian.

Muối: Sự cần thiết của muối, dân nào cũng biết. Trong Cựu Ước (Lv 2: 13), muối được sát vào các vật hy sinh tế lễ. Lời của Chúa: Thế gian mà khỏi thối nát, hư đi, là vì môn đồ của Chúa Yêsu là muối. Muối cũng được coi như phương tiện trừ tà, đuổi quỉ. Môn đồ đích thật của Chúa biến khỏi trần gian, thì liền xảy ra điều nói trong Lc 17: 34-37: thế gian là một thây ma làm mồi cho ma quỉ.

Ánh sáng:  Một quả quyết khôi hài mà thôi, nếu xét về khía cạnh các môn đồ. Nhưng quả quyết đó dựa trên ý thức của Chúa Yêsu về chính mình Ngài: Ngài có sứ mệnh đem đến mạc khải cùng tận của Thiên Chúa. Vả lại, lời này trước tiên đem về chính Mình Chúa Yêsu như trong Yn 8: 12.

Thành trên núi: Thường chỉ hiểu như một sự so sánh với những thành xây trên núi tại PhaLệTin (Nazarét, Yêrusalem, xung quanh hồ Ghênêsarét thì có Hippos, Gamala).

Nhưng tử tưởng ánh sáng và thành trên núi ám chỉ đến Yêrusalem cánh chung: thành trên núi rạng ngời ánh sáng của Thiên Chúa trong ngày sau hết, để kết thúc Giao ước với Đavít, lời hứa với Sion trong chương trình cứu thoát: ngày sau cùng muôn dân thấy cảnh rực rỡ huy hoàng của việc Thiên Chúa quang lâm, và vì thế mà họ bỏ cảnh tối tăm của họ mà đi hành hương tới núi thánh để chiụ lấy giáo huấn của Thiên Chúa, để được hưởng cuộc thái bình cùng tận: Ys 2: 1-4; 25: 6tt; Hg 2: 6-9; Za 14; Tv 46 + 48’ Tob 13: 9; 14: 5-7 và Kh 21: Yêrusalem trên trời. Vậy Mátthêu tuyên ngôn: cộng đoàn làm thành bởi các môn đồ của Chúa Yêsu là “Thành trên núi”: Thành thánh cánh chung; ánh sáng do tự thành đó (nhóm người đó) chiếu toả ra và cả vũ trụ thấy được. Muôn dân phải gia nhập để chịu lấy “Torah” của Thiên Chúa (Thiên Chúa ban mạc khải nhờ cộng đoàn Chúa Kitô đã thiết lập), để mong hưởng phúc lạc cánh chung, và được tái lập trong liên lạc phải có với nhau: liên lạc đó tức là lòng mến.

Đèn trên giá: Lời này trong Mc 4: 21 (đem về Tin Mừng); Lc 11: 33 (nói về sự sáng bên trong). Còn Mátthêu ở đây (5: 15t) áp dụng cho môn đồ. Ba cách hiểu khác nhau. Cách nào ám hạp hơn cả cho đương thời Chúa Yêsu? Đấu nói đây là gì? Là một cái đấu (dung lượng được chừng 8: 75lít). Để cái đấu như thế lên trên đèn, tất nhiên là dập tắt nói đi. Cảnh sinh hoạt là một nhà thường dân: nhà một căn, không cửa sổ, không lỗ thông hơi. Trong nhà như thế, thổi phụt ngọn đèn dầu đi, tất nhiên khói dầu sẽ khét nghẹt cả mũi, tàn lửa có thể bắn ra cháy lan; lấy một cái gì rỗng, như cái dấu chẳng hạn, mà chụp lên trên là một sự khôn ngoan.

Vậy Lời của Chúa nhấn đến tương phản thắp đèn và tắt đèn. Đèn thắp rồi không dập tắt ngay đi, phải treo lên quang đèn, hay đặt trên giá đèn để soi cho cả nhà trong đêm tối: đêm đến, bà mẹ có việc thắp đèn đó (và trong một dân đạo đức, đèn đó đã nên tượng trưng cho Lề luật của Thiên Chúa.)

Vậy lời này trong đời Chúa Yêsu, thì phải hiểu về chính việc Chúa Yêsu được sai đến. Ngài hiên ngang làm tròn sứ mạng, bất kể là người ta nghe theo hay chống đối. Và hình thức tiên khởi như vậy gặp được nơi Mc: sứ mạng rao giảng Mầu nhiệm Nước Trời.

Nhưng Tin Mừng còn tiếp tục nhờ các môn đồ, nên Mátthêu đã áp dụng cho môn đồ. Và chiếu theo đạo lý thực tiễn bằng việc làm chứng tỏ lòng tin, Mt đã để ý cách riêng đến những việc lành. Và việc đó trước tiên là những việc thương yêu.

Các lời này như vậy nên một phương pháp thừa sai: trong thế giới chìm trong tối tăm, môn đồ được nên như “muối”, như “ánh sáng”: cốt thiết là len lỏi, dấn thân vào chính cái thế giới đó, chìm trong bóng tối tăm đó, để biến thế giới đó nên một vũ trụ rạng ngời sự sáng, được duy trì khỏi thối nát, ngõ hầu từ cái thế giới đó vang lên lời ngợi khen Cha ở trên trời.  
                                                                                                                                                (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday, 27 September 2012

Lm Frank Doyle sj: Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều.




Trình thuật thánh Máccô nay ghi lại Lời Chúa về việc tống khứ tà thần, không chỉ là quyền hành của con dân/môn đồ Chúa, nay được Thầy chỉnh đốn, hầu chuẩn bị lãnh nhận trọng trách Thày phó giao. Cả việc chữa lành người bệnh, lẫn tống khứ, dẹp tan quyền của quỷ.
            Mỗi khi cùng Thầy làm việc, đồ đệ học thêm nhiều điều khác biệt giữa quyền bính, lẫn phục vụ. Nay, thấy người không cùng nhóm, vẫn “lấy Danh Thày mà trừ quỷ”. Nên, môn đệ mới chặn nhưng Chúa khẳng định:“Đừng ngăn chặn họ. Vì không ai lấy danh nghĩa Thày làm phép lạ, rồi sau đó lại có thể nói xấu Thày”.  Người mà Chúa nói, rõ ràng không dùng “Danh nghĩa Chúa”, mà vẫn thành công. Thành công trong trừ quỷ. Thành công để mọi người được tự do.
            Từ đó, Chúa đề ra nguyên tắc đồ đệ phải tuân giữ: “Ai không chống ta là ủng hộ ta.” Điều này có nghĩa: Thiên Chúa có thể sử dụng bất cứ ai làm việc cho Ngài. Nghĩa là, Hội thánh không thể độc quyền về việc Chúa làm hoặc về sự thật Chúa là Tình thương. Quyền uy Ngài ban phát, là để chữa lành và hoà giải. Việc Nước Trời, không thể hạn chế cho mỗi tín hữu độc quyền. Nhất là  công tác đặc biệt.  
            Bài đọc 1, rút từ sách Dân số, nói về cùng một tình huống mà Giavê chuyện vãn cùng Môsê ở sa-mạc: Thần Khí gửi đến Môsê, cũng được ban cho 70 kỳ mục. Nhận Thần Khí, các ông bắt đầu phát ngôn, ở trong trại. Kịp đến khi, mọi chuyện được tâu lên Môsê, thì người trẻ Giô-suê mới thay Môsê dẫn dắt con dân Do Thái về miền đất hứa. Thấy bất xứng, người trẻ cũng có phản ứng tương tự như thánh Gio-an, mãi về sau: “Thưa Thầy, xin cản họ.” 
            Và, Môsê có lời tương tự:“Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ. Vì Chúa ban Thần Khí Ngài trên họ.” (Ds 11: 29). Hôm nay, nhiều đấng bậc của Chúa, cũng có những hành xử, rất tương tự. Thành thử, vấn đề đặt ra, không là: ai đang làm gì? Mà là: những gì người người đang làm, là do động lực nào? Từ đâu đến?
            Ngoài Hội thánh, có cả ngàn người đang làm công việc của Chúa, cho Chúa trong tinh thần hăng say, thật thà và quyết tâm. Có vị, không thuộc thẩm quyền nhà Đạo nhưng có ý hướng phụng vụ theo thánh kinh. Có vị là Phật tử, Ấn giáo, Do Thái giáo hoặc chỉ là nhân sĩ, phục vụ nhân quyền. Nhưng, hễ ai phục vụ vì Danh Chúa, và là cho Danh Cha toả sáng, ta đều hỗ trợ và hợp tác. 
            Tin Mừng hôm nay, Chúa nói:“Nếu bất cứ ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Những việc đơn giản và lành mạnh, “bất cứ ai” thực hiện trong tinh thần thương yêu và thương xót đều là hành động giống Chúa làm. Cần được công nhận và chắc chắn Chúa sẽ chấp nhận họ.
            Tiếp đến, là lời cảnh báo trước tiên là cho ta, kẻ đã thanh tẩy, dù được phép nói cho “bất cứ ai”, vẫn phải thấy: “Bất cứ ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9: 42). Cụm từ “cớ vấp phạm” được sử dụng để hiểu như “hành động đáng hổ thẹn”, Chúa nói như việc bỉ ổi, đáng lánh xa vì xa Chúa, xa Tin Mừng.
            Đặc biệt, Chúa nói đến “kẻ bé mọn”. Bé mọn đây, không chỉ là các em bé, thôi. Dù bao gồm cả bé em. Nhưng, là những kẻ yếu đuối nhất, trong cộng đoàn. Yếu, do tuổi nhỏ. Yếu, do thiếu học. Yếu, có thể do vị trí của người ấy trong xã hội. Hoặc, chỉ mới hồi hướng trở về, chưa chín chắn trong lối sống. Tức, những kẻ còn yếu về đạo đức hoặc yếu niềm tin.
            Cũng có thể, là những người mạnh mẽ trong đức tin nhưng lại xử sự cách nào đó khiến kẻ yếu kém trong cộng đoàn bị coi thường, bị lép vế nên không theo được Chúa. Bởi thế, thánh Phaolô tuyên bố:“Với kẻ yếu hèn, tôi là người hèn yếu.”  Và thánh nhân rất nhạy cảm với các vị hồi hướng trở về với nhà Đạo. Những người như thế, thánh nhân chẳng muốn làm điều gì khả dĩ khiến họ bị đánh động hoặc yếu kém.
            Là người Công giáo, đôi khi ta xử thế cũng không khác gì mấy người ở ngoài Đạo. Như thể là: “hãy sống như lời tôi nói, chứ đừng ăn ở như tôi đã làm…” Điều này, thường xảy đến với gia đình. Giữa cha mẹ, con cái. Giữa thày cô học trò. Giữa linh mục và giáo dân? Cũng có lúc, ta cũng xử tệ, vì đòi hỏi quá đáng, vì thành kiến, vì quyết tâm không cao? Nhưng hậu quả làm nhiều người mất cả tự tin và đầu hàng.
            Đoạn cuối Tin Mừng, Chúa khuyên hãy cẩn trọng về những gì mình sẽ mắc phải. Tức, làm cớ vấp phạm mình té ngã. Vấp phạm bằng tay chân/mắt mũi. Bằng vào ngôn từ dùng quá mức, Chúa khuyến dụ là: đừng sở hữu cơ phận ấy, nữa. Nếu sử dụng, ta sẽ đi trệch xa đường lối sống với Chúa. Thay vào đó, hãy hội nhập với cộng đoàn kẻ theo chân Chúa để rồi, cả tay/chân mắt/mũi của ta sẽ là nhân tố cho tình thương yêu, chữa lành, sung mãn. Tất cả, đều phải đưa Tin Mừng về với thế giới bên ngoài.
             Đó cũng là ý tưởng mà thánh Giacôbê bộc bạch, ở bài đọc. Về những hành xử quá đáng hoặc lạm dụng: “Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét. Chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người. Nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt của các người.” (Gc 5: 3)
            Xử sự như thế, thật quá tệ. Còn tệ hơn, là khi do chính người tự cho mình là kẻ theo Chúa. Thư của thánh Giacôbê, dù đã viết hơn hai ngàn năm về trước, hôm nay, có lặp lại, cũng rất đúng. Và vẫn rất thật. Rất đúng và rất thật là thế giới hôm nay vẫn còn có khác biệt hơn kém giữa các nước. Ngay trong một nước, vẫn còn chênh lệch giàu/nghèo. Chênh lệch mỗi ngày một cao đến mức báo động.
            Có chênh lệch, là do các vị trực tiếp hay gián tiếp tự coi mình là người tốt lành, đạo hạnh, người của Chúa. Theo Chúa nhưng chẳng cần nghĩ đến ai. Cũng chẳng muốn biết điều gì dù tốt lành đạo hạnh. Đây, đích thực là cớ vấp phạm. Là, trở ngại lớn cản ngăn con người thực hiện cuộc sống Nước Trời. Như thế, là đá tảng đang tròng vào cổ bởi vẫn còn nhiều người chết lặng trong nghèo hèn, đói kém, khổ đau đến cùng cực.
            Vậy ta phải làm sao? Chỉ riêng mình thôi thì không ai tài nào giải quyết khó khăn ấy. Dù chỉ một lần giúp đỡ người khác tuy không chấm dứt cảnh tình nghèo hèn nhưng cũng là bước đầu. Rồi từ đó, ta cùng nhau đỡ nâng được nhiều người. Và, một lần nữa, hãy lấy trường hợp của Mẹ Têrêxa Calcutta, làm mẫu mực. Cũng như mẹ, ta thừa biết có hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói, cơ cực, bần hàn, cần ta giúp. Đường lối mẹ Têrêxa Calcutta làm tuy chỉ mới bắt đầu với người nghèo đói thôi cũng là gương sáng để ta biết làm theo như thế một cách hăng say, không ngừng nghỉ.

Wednesday, 26 September 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: NGƯỜI THỨ NHẤT – NGƯỜI RỐT HẾT




“Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” ( cc. 30 – 32 ).

“Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" ( c. 33 ). Khi còn đi trên đường, mặc dù không hiểu những gì Đức Giêsu nói về cái chết và sự phục sinh của Người, nhưng các môn đệ đã không dám hỏi người. Bây giờ, khi đã vào nhà, chính Đức Giêsu chủ động đặt câu hỏi đối với các ông về chuyện các ông nói với nhau khi đi đường.

Vừa về đến nhà, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi ngay. Điều này chứng tỏ tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề. Các môn đệ đã không hề bày tỏ bất cứ phản ứng nào, cũng đã chẳng hề bình luận gì về những nội dung Đức Giêsu dạy dỗ họ khi Thầy trò đi băng qua miền Galilê. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không nói gì. Thực chất, họ trao đổi và tranh luận với nhau nhiều, nhưng không cho Đức Giêsu tham gia vào những cuộc trao đổi và tranh luận đó. Về phần mình, chắc chắn Đức Giêsu biết rõ cái ý tưởng nào đang thống trị tâm trí họ, nên hẳn là Người không lạ gì những nội dung mà họ đã tranh luận với nhau dọc đường. Điều Người cần là thái độ chân thành của họ.

“Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” ( c. 34 ). Câu hỏi của Đức Giêsu đã đẩy các môn đệ đến một tình cảnh rất khó xử. Họ làm thinh, tương tự như những người Pharisêu lòng dạ chai đá trong hội đường vào dịp Đức Giêsu chữa lành một người bị bại tay ( 3, 4 ). Lý do sâu xa, như vậy, cũng là do lòng dạ họ vẫn còn chai đá, chưa thể thấm nhuần sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu, và vì thế, khi đi đường, họ đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả!

Sở dĩ các môn đệ làm thinh, là vì họ biết rất rõ rằng Đức Giêsu sẽ không thể chuẩn nhận mối bận tâm của các ông, vì họ sợ phản ứng sẽ có thể là rất mạnh mẽ của Người, và vì họ chưa thực sự hoàn toàn gắn bó với Người.

Tác giả Máccô có vẻ muốn nhấn mạnh yếu tố “dọc đường”, “khi đi đường”. Con đường được nói đến ở đây là đường lên Giêrusalem. Như lời Đức Giêsu đang cố gắng nói với các môn đệ, cuối con đường này sẽ là một số phận bi đát và là cái chết đau thương đang chờ đợi Người và sau đó, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại ( 8, 31; 9, 30 ). Ngược với những gì Đức Giêsu đang dạy, các môn đệ lại nhìn về Giêrusalem như là điểm đến mà ở đó Đức Giêsu sẽ thâu tóm quyền lực chính trị và thực hiện những chương trình đem lại tương lai vinh quang đắc thắng cho những kẻ theo Người. Rõ ràng Đức Giêsu và các môn đệ đang bước đi trên cùng một con đường, nhưng lại hoàn toàn đối ngược nhau trong điểm nhắm đến của cuộc hành trình.

Giữa các môn đệ với nhau cũng có một sự bất đồng và nguy cơ chia rẽ. Đáng chú ý cách dùng từ của tác giả Máccô. Trong câu hỏi của Đức Giêsu là động từ “bàn tán”, còn khi kể về những gì xảy ra trên đường, tác giả Mc dùng động từ “cãi nhau”, cho thấy một sự tranh chấp, cãi vã và bất đồng. Ngay khi Đức Giêsu đang nói đến sự hiến mình, thì các môn đệ lại cãi nhau về sự thống trị, về cấp bậc, về chức vụ, về vị trí ăn trên ngồi trốc! Các ông đều đầy tham vọng và tranh nhau chức tước. Các ông không tin vào sự bình đẳng và tình huynh đệ. Các ông chưa thoát khỏi sức kềm tỏa của lề thói thế gian và lý tưởng Do Thái. Các ông hình dung sai lạc về sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu và tranh nhau vị trí cao nhất trong cái chế độ cai trị mà các ông tưởng là Đức Giêsu sắp thiết lập.

Tham vọng của các môn đệ rõ ràng đối nghịch hoàn toàn với điều kiện mà Đức Giêsu mới nêu ra cho những ai đi theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( 8, 34 ).

Không chờ được trả lời, cũng không có vẻ bực bội hay ngỡ ngàng vị sự làm thinh của các môn đệ trước câu hỏi rõ ràng của mình, “Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người thứ nhất, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" ( c. 35 ). Có thể ghi nhận: thay vào chỗ các môn đệ, bây giờ, là Nhóm Mười Hai.

Tuy ở trong cùng một ngôi nhà, và là vừa mới về đến nhà thôi, nhưng Đức Giêsu phải gọi Nhóm Mười Hai lại. Chi tiết này cho thấy các ông đang ở xa Người. Tất nhiên đây không thể là sự ở xa về phương diện không gian địa lý, mà là một hình ảnh tượng trưng có ý cho thấy thái độ của Nhóm Mười Hai không thuận thảo trong việc chấp nhận số phận của Con Người mà Đức Giêsu đang nói với họ. Khi thiết lập Nhóm Mười Hai ( 3, 14 ), một trong hai mục tiêu mà Đức Giêsu nhắm đến là để họ ở với Người. Thế mà bây giờ Người phải gọi họ đến, tức là họ đang không ở với Người. Lời gọi của Người, vì thế, đồng thời cũng là lời đề nghị họ thay đổi thái độ và cách hành xử cho phù hợp.

Tác giả Tin Mừng không nói cho chúng ta biết Nhóm Mười Hai đã đáp lại lời gọi này như thế nào, rằng họ có đến bên Người như Người vừa đề nghị hay không.

Khi giữ thái độ làm thinh trước câu hỏi của Đức Giêsu, các môn đệ đã tỏ vẻ từ chối đối thoại với Người. Nhưng Đức Giêsu đã không phản ứng gay gắt hay cứng cỏi trước thái độ đó. Người cũng chẳng trách móc hay khước từ họ. Ngược lại, Người vẫn ân cần cung cấp cho họ một cơ hội để thực hiện một chọn lựa tự do, khi nói với họ: “Ai muốn...” Người luôn bày tỏ một tình yêu đầy tôn trọng đối với các môn đệ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Người dễ dãi. Thực tế, Người đòi hỏi Nhóm Mười Hai phải từ bỏ mọi tham vọng thống trị của họ, từ bỏ mọi tham vọng tìm chỗ cao nhất trong hệ thống, từ bỏ mọi toan tính phân chia cấp bậc và quyền lợi trong cộng đoàn đồ đệ: “Ai muốn làm người thứ nhất, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Khi người thứ nhất là người rốt hết và là người phục vụ mọi người, thì “thứ nhất” ở đây không phải là ở trên những người khác, quan trọng hơn những người khác, càng chẳng phải là có một trách nhiệm đặc biệt hơn những người khác trong cộng đoàn. Người thứ nhất, theo cách trình bày của Đức Giêsu ở đây, chính là người ở gần Đức Giêsu hơn cả trong việc đồng hóa mình với Đức Giêsu bị nộp vào tay người đời và hiến mình vì ơn cứu độ nhân loại.

“Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy" ( cc. 36 – 37 ). Hạn từ “paidion” thực ra có thể dùng để chỉ một em nhỏ, nhưng cũng có thể chỉ một người đầy tớ, người phục vụ. Ngữ cảnh có vẻ ưu tiên cách hiểu thứ hai hơn, nhưng vẫn không loại trừ cách hiểu thứ nhất.

Đức Giêsu vẫn đang ngồi trong nhà. Nhưng Người không cần phải cất tiếng gọi em nhỏ như Người vừa phải gọi Nhóm Mười Hai. Người cũng không phải rời chỗ để đi tìm và đưa em vào. Chi tiết này chứng tỏ em nhỏ đang ở ngay bên cạnh Đức Giêsu, tức là đang ở với Người. Nếu khoảng cách giữa Nhóm Mười Hai với Đức Giêsu ở bài Tin Mừng này phải được hiểu theo nghĩa bóng, thì cũng thế, sự gần cận này của em nhỏ đối với Đức Giêsu cũng cần được hiểu theo nghĩa bóng, chỉ về sự gần cận tâm linh, tinh thần, lập trường, thái độ và cách hành xử. Nhất là khi chúng ta hiểu hạn từ paidion theo nghĩa “người phục vụ”. Hình ảnh em nhỏ / người phục vụ này rất tương ứng với điều vừa được Đức Giêsu đề cập ở c. 35. Trong tư thế em nhỏ, nhân vật này là người rốt hết, không đáng kể, không quan trọng; trong tư thế người phục vụ, nhân vật này đáp ứng đòi hỏi làm người phục vụ mọi người.

Đức Giêsu đặt em nhỏ này vào vị trí trung tâm, như thể một điểm quy chiếu cho cả nhóm: “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông”. Nhân vật “làm người phục vụ mọi người” được đặt làm mẫu cho Nhóm Mười Hai vừa cãi nhau nảy lửa về chuyện ai là người lớn nhất trong nhóm!

Rồi Đức Giêsu ôm lấy em nhỏ, trong một hành động thân thương và có giá trị diễn tả sự gắn bó mật thiết. Đức Giêsu như muốn nên một với kẻ rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Hành động này như muốn diễn tả nội dung mà đã có lần Người nói thành lời: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” ( 3, 35 ).

Đi thêm một bước nữa, Đức Giêsu đồng hóa bản thân mình với những con người bé nhỏ ấy: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Rồi Người khẳng định rằng đó cũng là sự đồng hóa với Đấng đã sai Người: “Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đức Giêsu xuất hiện như trung tâm, ở đó xảy đến mầu nhiệm hợp nhất Thiên Chúa với nhân loại.

Gợi ý suy niệm

1. “Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” ( c. 34 ). Ngay khi Đức Giêsu đang nói đến sự hiến mình, thì các môn đệ lại cãi nhau về sự thống trị, về cấp bậc, về chức vụ, về vị trí ăn trên ngồi trốc ! Các ông đều đầy tham vọng và tranh nhau chức tước. Các ông không tin vào sự bình đẳng và tình huynh đệ. Có lẽ đó không chỉ là chuyện xưa!

2. "Ai muốn làm người thứ nhất, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" ( c. 35 ).

3. Thái độ của Đức Giêsu diễn tả thái độ của chính Thiên Chúa, vì như lời Người nói, “ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Một lần nữa, chúng ta lại gặp một mạc khải về chính Thiên Chúa: Ngài không phải là vị Thiên Chúa thống trị con người, mà là vị Thiên Chúa phục vụ mọi người. Những ai tìm cách đặt mình trên người khác sẽ không thể đón tiếp Thiên Chúa và Đức Giêsu vào cuộc đời mình.

Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT



Tuesday, 25 September 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: Để Tin Mừng bay xa…




Chúng ta vừa mừng lễ các Thánh Tử Đạo của Hàn Quốc (20 tháng 9) mừng lễ các vị Thánh chứng nhân này khiến chúng ta nặng lòng suy nghĩ về dân tộc mình, đất nước mình và Giáo Hội mình.

Hàn Quốc và Việt Nam cùng có những hoàn cảnh chính trị như nhau, từ những năm đầu của thế kỷ 20, cả hai dân tộc đều phải hứng chịu chiến tranh, cùng bị chia đôi đất nước, bao đau thương dày xéo cả hai dân tộc, cho đến nay Hàn Quốc vẫn chịu cảnh chia cắt, nhưng kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… có thể nói về mọi mặt, đã bỏ xa, rất xa Việt Nam, một đất nước cùng vùng Đông Á nhưng đã thống nhất 37 năm rồi, không còn loạn ly chia cắt nữa.

Trước năm 75, thanh niên miền Nam chúng tôi có coi những anh Đại Hàn ra gì đâu, họ đến đất nước này trong lực lượng tham chiến Đồng Minh chống lại Cộng Sản, họ không có gì nổi bật, đất nước họ cũng chẳng có gì để chúng tôi học hỏi, nổi tiếng nhất chỉ có món võ Taekwondo và lời đồn đãi về môt loại sâm Cao Ly nào đó rất bổ, nhưng tất cả những thứ ấy chẳng làm bọn trẻ chúng tôi quan tâm.

Biến cố 75 ập đến, sau nhiều năm gián đoạn thông tin, ngày mở cửa, chúng ta choáng ngợp trước những anh Đại Hàn mạnh mẽ, giàu có, tiến bộ. Hàng hóa Đại Hàn tràn ngập thu hút mọi người, từ xe hơi, xe tải, các loại máy công nghiệp, đến thời trang, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, cả điện ảnh và ca nhạc nữa, giới trẻ Việt Nam ở thành phố mơ về những ngôi sao Hàn Quốc, điên cuồng hâm mộ và thích đi ăn tiệm Hàn, mặc áo cuối của Hàn, cắt tóc kiểu Hàn !

Tại sao người ta cũng bị chia đôi đất nước với hai chính thể y như mình nhưng người ta không đánh nhau, không tàn sát lẫn nhau ? Tại sao đất nước người ta không có tài nguyên phong phú như mình, không “rừng vàng biển bạc” như mình mà người ta tiến bộ, kinh tế phát triển, giáo dục phát triển kéo theo mọi mặt phát triển, cứ thế mà hỗ tương nhau phát triển. Tại sao đến giờ phút này, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ bằng của họ cách đây hàng chục năm về trước, và bây giờ thì họ đã có GDP gấp mười lần chúng ta ? Tại sao “rừng vàng biển bạc” của ta bây giờ không còn vàng, chẳng còn bạc, mà chỉ còn tai họa cứ ngày đêm rình rập ập xuống trên đầu người dân quá cùng khổ ? Năm nào cũng vậy, chưa mưa đã ngập lụt, chưa bão đã lũ quét lũ tràn, hàng vạn người dân cứ màn trời chiếu đất, chiến tranh đã hết rồi mà hàng ngàn người cứ mãi chit khăn tang ?

Tin Mừng đến Đại Hàn sau Việt Nam nhiều thế kỷ ( thế kỷ 18 Tin Mừng mới đến Đại Hàn, sau Việt Nam hơn 300 năm ), Tin Mừng đến Đại Hàn do một số người dân Đại Hàn mang về từ Trung Quốc, khi các Thừa Sai người Pháp đến ( 1779 – 1836 ) thì đạo Công Giáo đã được phổ biến trong nước họ rồi. Cũng như Việt Nam, Giáo Hội Đại Hàn đã chịu sự bách hại khốc liệt, đã có 103 vị chứng nhân được tuyên phong Hiển Thánh, nhưng khác Việt Nam, trong khoảng 10 năm qua, Giáo Hội Nam Hàn tăng trưởng mạnh, từ 2% nay đã lên đến 11% dân số, số Linh Mục tăng từ 250 lên đến 5.000 vị. Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang thực hiện chiến dịch “20, 20” nghĩa là cố gắng vào năm 2020 số Giáo Dân Nam Hàn sẽ là 20% dân số, họ đề ra chương trình “mỗi Kitô hữu truyền bá Tin Mừng cho một người ngoại” (Linh Tiến Khải, Radio Vatican, 18.4.2012).

Là một Giáo Hội non trẻ hơn Việt Nam, sống trong môi trường văn hóa Á Đông như Việt Nam, cùng đối đầu với các vấn đề không khác Việt Nam, tại sao số Kitô hữu của Nam Hàn cứ gia tăng mà số Kitô hữu Việt Nam thống nhất lại cứ dậm chân ở mức 6% bao nhiêu năm nay. Ở Việt Nam máu các Thánh Tử đạo đổ ra nhiều hơn Hàn Quốc (chỉ lấy con số 117 so với 103), lẽ ra mùa lúa Việt Nam phải bội thu hơn nhiều chứ?

Có người lý luận sở dĩ Tin Mừng lan nhanh ở Hàn Quốc, là vì ở Hàn Quốc, Tin Mừng mang giá trị cổ võ cho sự công bằng trong xã hội. Không đúng ! Chênh lệch thu nhập của người Hàn Quốc không quá cách biệt, trong khi chênh lệch mức sống ở Việt Nam ngày càng nhiều, giá trị công bằng trong xã hội mà Tin Mừng rao giảng ở Việt Nam có cơ hội rõ nét hơn nhiều. Cũng có lý luận do xã hội Hàn Quốc băng hoại chạy theo hưởng thụ, thỏa mãn ích kỷ, càng ngày càng tục hóa, đó là mảnh đất màu mỡ mà Tin Mừng sáng chói lên. Cũng không đúng ! Xã hội Việt Nam băng hoại gấp bội, nạn phá thai ở Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, cướp bóc, tham nhũng, tai nạn giao thông ở Việt Nam bỏ xa Hàn Quốc. Tại sao số Kitô hữu cứ mãi 6% ?

Tin Mừng là một, không thay đổi, Tin Mừng mang những giá trị muôn thuở, không suy giảm, không khác biệt ở bất cứ nơi đâu, vấn đề còn lại là ở chính chúng ta. Chúng ta đang dành ưu tiên cho cái gì trong cuộc sống ? Chúng ta chọn lựa cách nào để “Đức Tin có việc làm” ?

Vừa qua chúng tôi tiếp xúc với một số các chức việc ở một số Giáo Xứ miền xuôi, ngay tại thành phố, họ kêu ca với chúng tôi về việc thiếu Linh Mục chăm sóc phần thiêng liêng cho họ, nào là… “Giáo Họ chúng con cả tuần mới có được mỗi một Lễ”, nào là…”Cha bận quá nên trong Xóm Giáo có gia đình lục đục, cha không đến để hòa giải được nên vuột mất cơ hội”, nào là… “Cha lu bu quá, cha không thể ngồi họp với các hội đoàn chúng con, làm chúng con thiếu mất sức sống” v.v… Trong khi đó, chúng tôi cũng vừa có dịp đi qua một số Giáo Điểm miền cao nguyên, anh em Linh Mục phải chạy đi dâng lễ từ chiều thứ bảy cho đến tối mịt Chúa Nhật, có khi sang thứ hai mới về lại được nhà xứ, mỗi nơi dâng lễ cách nhau cả hàng chục cây số, có những nơi bị bách hại, khó khăn rình rập, ngăn cản việc thi hành mục vụ, thậm chí có Linh Mục bị đánh đập vì đã dâng Lễ tại vùng “không cho phép”.

Làm sao để tất cả mọi người, từ hàng giáo phẩm đến Giáo Dân, ý thức được sứ mệnh truyền giáo? Ai sẽ lôi chúng ta ra khỏi thế luẩn quẩn này? Làm sao để chúng ta dám đặt mục tiêu “10, 20” ?

Chỉ “10, 20” thôi mà cũng không dám! Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi 6%?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.9.2012



Sunday, 23 September 2012

Lm Kevin O'Shea: Tiểu luận về Phaolô



Phaolô, vị thánh của mọi thời
Lm Kevin O’Shea CSsR
Mai Tá lược dịch

Lời nói đầu

Kỳ Năm Thánh PhaoLô bắt đầu từ cuối tháng 6/2008 đến cuối tháng 6/2009, tôi có viết một luận văn nhỏ với đề tài: “đấng thánh của mọi thời”, định bụng mỗi tháng sẽ đưa ra một luận đề, để bà con mình có dịp mà suy nghĩ. Thật ra, mỗi tháng viết về thánh nhân tài ba như thế, nhiều lắm cũng chỉ chừng hơn mươi trang giấy, trong đó kèm cả thư tịch để đọc thêm, thì cũng chả là bao. Thành thử, ở đây, tôi chỉ đưa ra bản tóm lược gồm đôi giòng suy tư về cuộc đời thánh PhaoLô cũng như các thư từ chính yếu thánh nhân từng gửi cho giáo đoàn ở khắp nơi, thêm vào đó kể một vài dẫn chứng cho thấy thánh nhân là ai? Ngài sống cuộc sống thế nào?
Có lẽ ta cũng nên làm thế, cả vào khi Hội thánh không có ý định lập nguyên một năm để riêng ra mà mừng kính cuộc đời của thánh nhân chăng nữa, thì các cuộc biện luận thời trước về cuộc cải tân khiến mọi người chỉ muốn duy trì truyền thống Công giáo La Mã cùng quyết tâm chính-thống-hóa niềm tin đi kèm với các thừa-tác-vụ đang mờ dần vào quá khứ, nhất thứ là vào lúc có hiệp-định-thư Augusburg về những lầm-lỡ đại loại xảy vào năm 1999.  Hiện nay, lại có một số ‘viễn cảnh’ khác và mới đây còn có ‘cảnh tượng’ khá là tươi mát nhằm điểm tô cuộc đời của thánh nhân nữa. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để ta có dịp đọc lại các tác phẩm cũng như bản văn do thánh nhân viết theo ánh sáng chỉ đường cùng bối cảnh chính trị, qua đó thánh nhân từng trải nghiệm cuộc sống rất riêng tư cũng như tạo ra tư-tưởng làm nên để chính mình dùng nó mà sống đời thực nghiệm. Nay, cũng là thời điểm thích hợp để ta có thêm cái nhìn thỏa-đáng về hoàn cảnh xã hội cũng như lý lẽ hầu nói lên thân thế sự nghiệp chuyên ghi thư gửi cộng đoàn của thánh nhân, rất trổi bật:
-          Tháng 7/2008: điểm then chốt lúc đầu;
-          Tháng 8/2008: dẫn nhập vào với thánh PhaoLô lịch sử;
-          Tháng 9/2008: nới rộng cuộc sống của thánh PhaoLô qua Công vụ
-          Tháng 10/2008: PhaoLô với tư cách người La Mã, Do Thái, kẻ kính sợ Chúa, và Kitô-hữu rất mực thước;
-          Tháng 11/2008: trải nghiệm về Đấng chết khổ nhục trên thập giá và đã sống lại. Đây là chìa khóa chính dẫn vào tư tưởng của thánh PhaoLô
-          Tháng 12/2008: thánh PhaoLô viết cho Maxêđônia: thư I Thessalônikê và thư Philliphê
-          Tháng 1/2009: ngã gục ở Athens (theo Công vụ)
-          Tháng 2/2009: Viết cho Achaika: thư I và II Côrinthô
-          Tháng 3/2009: Viết cho Anatôlia: thư Ga lát
-          Tháng 4/2009: Viết cho dân cư vùng thủ phủ: thư Rôma
-          Tháng 5/2009: Viết cho các nơi khác: thư Philêmôn, Côlôsê, Êphêsô
-          Tháng 6/2009: Dẫn giải PhaoLô theo tính chính trị ngày hôm nay
Tài liệu tìm đọc thêm:
Ø  Tổng quát:
-J.D.Crossan & J.L. Reed ‘In search of Paul: how Jesus’ Apostle opposed Rome’s Empire with God’s Kingdom. HarperSanFrancisco, 2004
-M. Gorman, Reading Paul, Eugene Oregon, Cascade Books, 2008
là -H. Koester, Paul and his world, Fortress, 2007, đặc biệt chương 1, thánh PhaoLô công bố sự công chính của Thiên Chúa trước muôn dân nước.

Ø  Mỗi tháng :
*Tháng 8 và 9/2008:
-J.Murphy- O’Cornnor, Paul and his Story, Oxford University Press 2004

*Tháng 10/2008:
-J.D.Crossan & J.L. Reed ‘In search of Paul: how Jesus’ Apostle opposed Rome’s Empire with God’s Kingdom. HarperSanFrancisco 2004.(đặc biệt xem chương ‘tổng quát’; ‘trước nhất sự công chính, rồi mới đến hòa bình’; ‘chuyện thường tình về Thiên tính vốn thống lĩnh’; ‘thách thức Thiên tính đích thực‘.  
-R. Horsley, Paul and Empire: Religion and Power in Roman Imperial Society, Trinity Press International, 1997.
-N.T. Wright, What Saint Paul Really Said, 1997
*Tháng 11/2008:
-M.Gorman, Reading Paul, Eugene Oregon, Cascade Books 2008...
-M. Gorman, Cruciformity: Paul’s Narrative Spirituality of the cross, Eerdmans 2001.
*Tháng 12/2008 & Giêng 2009:
-H. Koester, Cities of Paul: Images and Interpretations from the Havard New Testament Archeology Project (900 hình CD-Rom) Augsburg-Fortress, 12/2004.

*Tháng Hai 2009:
-M.Finney, Christ Crucified and the Inversion of Roman Imperial Ideology in I Corinthians, Biblical Theology Bulletin, 2005, 20-33
-J.D. Crossan & J.L. Reed ‘In search of Paul, 2004. Đặc biệt xem các đoạn như: ‘bodily resurrection’, ‘we belong to the day’, ‘social patronage and street frontage’, ‘wise power or foolish weakness’, ‘power and the Eucharist’
*Tháng Ba 2009:
-N.Thomas Wright, The letter to the Galatians: Exegesis and Theology, in Between Two Horizons: Spanning New Testament Studies and Systematic Theology, ed. Joel Green and Max Turner, Grand Rapids, Eerdmans, 2000.
*Tháng Tư 2009:
-P.F,Esler, Conflict  and Identity in Romans: the social setting of Paul’s letter, Minneapolis, Fortress, 2003.
-N.Thomas Wright, Paul and Cesar, a New Reading of Romans, in A Royal Priesthood: the use of the Bible Ethically and Politically, ed. C. Bartholomew, Carlisle, Paternoster, 2003.
-J. Fitzmeyer, Spiritual Exercises based on Paul’s Epistle to the Romans, Grand Rapids, Eerdmans, 2004.

*Tháng Năm 2009:
-P.Trebiles, The Early Christians in Ephesus from Paul to Ignatius,  Wissenschaftliche Untersuchungen zum Neuen Testament 166, Tubingen, Mohr Siebeck, 2004. Review, RBL 02/2005 Michael Kaler.

*Tháng Sáu 2009:
-J.D.G.Dunn, The Cambridge Companion to St Paul, Blackwell, 2003.
-A.-J. Levine, A Feminist Companion to Paul, New York, T & T Clark, 2004.

                          ---------------------------------------

Ai có thể tách ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dù sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ loài thọ tạo nào khác, không gì tách được ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. (Rm 8: 35-39)
Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen. (Rm 11:33-36)
                                -----------------------------------------------------

Bảo tàng viện nhỏ bé ở Colmar, Alsace là nơi gìn giữ rất kỹ các mảnh bàn thờ Isenheim từng phác họa năm 1510-1515 do nghệ sĩ truyền thống (chuyện này có lẽ cũng không đúng cho lắm) tác tạo dưới tên hiệu Grunewald.
Tác giả Martin Buber gọi đó là ‘bàn thờ Thần Khí Chúa ngự trị ở trời Tây.’ Bên ngoài bức họa vĩ đại này vẽ lên bóng đen dày đặc thế giới về đêm. Ở chính giữa, có ảnh hình lớn phác hoạ thân xác người phàm bị người nước này hành hạ cho đến chết, cộng thêm vào đó là rào cản tính chính-thống của đạo giáo. Nơi đó, còn có thêm ảnh hình diện mạo rất khổ của Đức Giêsu rày đã chết. Và, ngay cạnh đó, là cảnh sống lại vinh hiển của Đức Kitô quang vinh không vương vấn bụi trần. Thân xác Ngài được tái-tạo bằng thứ ánh sáng uy-linh, có sắc mầu cầu vồng bao bọc tỏa chiếu rất sáng rực.
Thánh PhaoLô ở không xa Colmar là mấy. Chính thánh nhân đã gộp toàn cảnh vào làm một tổng thể rất đáng kể.
                                                              ---------

          Đôi giòng trích dẫn viết về Phaolô thánh nhân

“Sự thật rất thực là chúng ta khám phá ra rằng đây là nhân vật chuyên gây phiền toái nhưng lại toàn hảo.” (Tertullios bách hại thánh PhaoLô trước mặt Felix, Cv 24:5)
“Thánh PhaoLô đơn giản chỉ là khuôn mặt đầy thảm-hại nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử Tây phương” (Robert Orlando, nhà làm phim nói về cuốn phim tài liệu mới của ông mang tựa đề:“Thánh PhaoLô: di cảo lịch sử vĩ đại chưa từng có)
“Một thế hệ mới gồm các nhà chú giải kinh thánh đã thách thức quan niệm cổ xưa rất thời thượng cứ muốn tìm hiểu xem thánh PhaoLô là ai? Giáo huấn của ngài có gì lạ?“ (K. Woodward, How to Read Paul 2000, Newsweek, số tháng Hai 1988 tr.65)
“Thánh Phaolô là thiên tài thi ca thần-bí có khả năng diễn giải nền thần-học phong-phú rất phấn khởi. Thánh nhân là cây viết từng đem lại nhiều dấu-ấn cùng với các tác giả khác đã làm nên Tân-Ước. Thánh nhân còn là nhà tổ chức rất chuẩn, rực sáng và đầy ân lộc từng đóng góp nhiều điều cho Hội thánh mà nếu không có ông, hẳn có người sẽ tự hỏi không biết Đạo Chúa có còn hiện hữu nữa hay không? Và khi đó, Kitô-giáo có lẽ sẽ hoàn toàn khác hẳn.“ (G. Vermes, The Changing Faces of Jesus, Penguin, 2001)
 “Ngài là bậc mô-phạm về Đạo trổi trang nhất từ xưa đến nay mà lịch sử từng ghi chép.” “Là, tín hữu đích thực đầu tiên chưa hề gặp Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.” (B. Chilton)
“Không có thánh Phaolô, hẳn là Kitô-giáo cũng chỉ là giáo-phái nhỏ bé lệ-thuộc Do-thái-giáo mà thôi.” (K. Armstrong)
“Kitô-giáo có lẽ sẽ tàn tạ nếu không có thánh Phaolô chống đỡ.” (E. Stourton)
“Thánh Phaolô chưa từng đi trước để bảo rằng: dân con thế kỷ 21 có lẽ cũng sẽ là cử-tọa của ngài. Thật ra, thánh nhân không mang trong đầu một ý tưởng nào tựa như thế, vì riêng ông vẫn nghĩ thế gian đang đi vào đoạn kết của mình.” (P.Eisenbaum)
“Tôi chỉ là kẻ đớn hèn của Chúa, kẻ bé mọn trong các tông đồ.” (Lời Thánh nhân)
“Giả như có người nào hỏi tôi rằng: Đức Giêsu Kitô chừng như đã nói điều gì với thánh Phaolô rồi, thì tôi nghĩ câu mà thánh nhân trả lời sẽ là: lời cảm ơn chân tình.” (John Dominic Crossan)
“Phaolô đích thực là Phaolô rong ruổi đường dài, vốn dĩ dân chài của đám nhân-loại khá kém cỏi, ngu dốt và tuyệt vọng; bởi, chính thánh nhân đã làm cho những nguời nghe lời mình cũng rong ruổi như mình từng ruổi theo họ, trong mạng lưới rối mù những lời lẽ khó hiểu và tuyệt vọng. Thiên Chúa của thánh nhân là Đức Chúa bí ẩn, mù mờ và cuối cùng cũng biện giải như ai và ngài vẫn chăm lo từng li từng tí đến độ tinh xảo; và sốt sắng đến độ làm cho nhiều người phải lầm lẫn.” (Mark Given)
“Là dân con xứ miền Địa-Trung-Hải từng đi đây đó suốt nhiều năm và là người hoạt động năng nổ từng cải biến/chuyển đổi người Do thái sống trong cộng đồng nhỏ bé giữa thế giới La- Hy rộng lớn, bao quát.” ( Richard Rohrbaugh)
“Ngày nay, đối với ta, văn chương Kitô-giáo đã khởi đầu bằng các thư của thánh Phaolô tông đồ. Đây là tài liệu sớm sủa nhất của Kitô-giáo vẫn được coi là văn-bản độc lập, đó là thư thánh Phaolô. Có thể nói, thánh nhân là nhà sáng chế ra các thư luân-lưu cốt làm mẫu cho các thư kế tiếp của tín hữu Hội thánh tiên khởi.” (Moreschini-Norelli)
“Rất thường tình, con người vẫn chạm mặt với những động thái kiểu “cơm không lành, canh không ngọt” vốn xuất tự các thư do thánh Phaolô viết, nhưng đó là những thời-khắc không mấy thích hợp. Cũng nên coi mấy thư ấy như các hiện tượng ngoại vi, hoặc như: cơn mưa phùn lẻ tẻ đổ xuống miệng núi đang phun lửa, mà thôi. Dù, ở thời khắc tệ hại đến như thế, đối với tôi, thánh Phaolô là diện mạo trung thực nhất trong số các khuôn mặt ta thấy được ở sách Tanakh, Tân Ước và Talmuds. Phaolô là con người mồm miệng lởm chởm, không hoàn mỹ nhưng lại có tính thuyết phục. Không như nhân vật nào khác trong Sách thánh và Talmuds, thánh nhân đã để lại cho ta những bài viết gửi từ nhiều người, nhưng lại do chính thánh nhân tạo nên. Thánh Phaolô là đấng khi ta gặp tận mặt và tỏ ra thanh thản với con người đầy góc cạnh như ông, chỉ khi đó ông mới nói với ta qua thị kiến khá chênh chếch về Đức Giêsu lịch sử để rồi ta khởi đầu bằng hành trình lịch sử gặp toàn chuyện vui, thôi.” (Donald Akenson, Saint Saul: A Skeleton Key to the Historical Jesus)
“Là nhà sáng lập đích thực của thế giới Đạo hạnh mang tên Kitô-giáo.” (G. Vermes)
“Thánh nhân là tác giả trổi trang nhất viết về Kitô-giáo thời tiên khởi nhờ đó ta mới có cái nhìn rất sáng tỏ về Hội thánh thời ban đầu. Thánh nhân là giới trí thức sống trong bão táp. Là, con người luôn vượt trội đã kinh qua thế giới Địa Trung Hải, từng đột phá các thế lực kình chống Giáo hội qua thư từ, tựa xung-đột giải-quyết mọi rắc rối. Thánh nhân là nhà khắc-kỷ và thần-học-gia lỗi lạc, và cũng là người chiến đấu cả ở ngoài đường rất lưu loát. Thánh nhân, còn là con người bận rộn tại các tuyến, gặp phiền nhiễu cũng rất nhiều, đôi lúc còn nổi nóng và khùng điên vì tức giận. Lúc nào ông cũng như người muốn lao đầu vào các cuộc tranh luận sôi nổi. Ông không chống Do thái: nhưng lại phục vụ Thiên Chúa của người Do thái. Và tiếng Do thái ông nói là tiếng rút từ văn bản của ngôn ngữ gốc. Ông không là người chống đối phụ nữ: ông vẫn tôn trọng họ như những người bình quyền, cả vào khi họ phục vụ lẫn cuộc sống. Ông đề cao các lãnh tụ phụ nữ như Phoebe, Chloe và Giunia mà ông ám chỉ nhiều lần về các ngôn-sứ là phụ nữ trong thư Côrinthô; ông còn uỷ thác một số công việc cho các nữ thưà-tác-viên như Priscilla và Akila. Ông không dạy nữ giới phải biết im lặng và chỉ học hỏi trong vâng phục mà thôi (thư thứ nhất gửi Timôthê là bản mạo nhận, còn thư I Côrinthô lại là văn kiện được thêm thắt cũng khá nhiều.) Ông là ai? Và ông đã làm gì?” (G. Wills, What Paul Really Meant)
“Đọc thư thánh Phaolô viết giống như nhìn chồm trên vai người khách lạ để đọc thư viết cho những người mà mình không biết và ít khi nghe nói về người đó…” (M. Bird)
___________________________________________________________________