Tuesday, 10 July 2012

Lm Vĩnh Sang, DCCT: KỶ NIỆM XƯA…



Ai trong chúng ta cũng đong đầy những kỷ niệm trong ký ức, những kỷ niệm đó theo mình suốt đời, chắc chắn nó làm nên con người mình trong mọi cách suy nghĩ và ứng xử. Chỉ cần một gợi nhớ, tất cả lùa đến một cách sống động kéo ta về với dĩ vãng xa xôi. Cũng tùy vào kỷ niệm đó, niềm vui hay nỗi buồn chi phối tâm tư tình cảm chúng ta.

Tôi lớn lên trong một Xứ Đạo toàn tòng di cư, những năm tháng đầu vào miền Nam, tuổi thơ chúng tôi hồn nhiên sống giữa trăm ngàn ngổn ngang của bậc cha mẹ, những lưu luyến lũy tre xanh ở mãi tận phương Bắc nghìn trùng xa cách, làm nền tảng cho bậc phụ huynh tổ chức một lũy tre mới trên một vùng đất mới.

Vâng, câu kinh tiếng kệ nhôi nhai đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi, thế giới quanh chúng tôi tái tạo lại thôn làng của cha ông, trung tâm sinh hoạt là ngôi Nhà Thờ vừa được dựng lên, nơi đó tiếng kinh trầm buồn đều đều vang lên thu hút chúng tôi, nơi đó có cả những ổ bánh mì, những ly sữa nóng trong những thùng nhôm lớn được pha sẵn, nóng hổi và có cả những miếng Pho-mai ( fromage ) mặn mà vàng ngậy, mà không hiểu sao những miếng pho-mai không đầy đặn mà lại thủng lỗ chỗ những lỗ nho nhỏ dễ thương làm sao; hình “bà sơ” ( ma soeur ) đội nón trắng rộng vành, gương mặt xinh đẹp in ngoài vỏ hộp bơ ( beurre ) và cả cái hình bắt tay có chữ USAID ( cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ – United States Agency for International Development ) là những gì lạ lùng đối với chúng tôi.

Sau này lớn lên trên bước đường Tông Đồ tôi thường quí các soeurs Dòng Thánh Phaolô cách đặc biệt, đơn giản chỉ vì ngày xưa tôi thích được ăn bánh mì “viện trợ” quệt “bơ bà sơ”. Xin lỗi các soeurs khác vì sự thiên vị “đáng ghét” này, xin lỗi cả các soeurs Dòng Thánh Phaolô vì sự yêu thích kỳ quái của tôi, không lạ đâu, vì cũng từ đó mà một trong những điều hấp dẫn tôi vào Dòng Chúa Cứu Thế là… chiếc áo Dòng.

Tuổi thơ tôi là vậy, sáng chiều t ôi đến Nhà Thờ, để vui chơi cũng có, để đọc kinh “xem Lễ” cũng có, để được ăn uống cũng có, nhưng có một số người không phải như tôi, họ mê chơi những chỗ khác hơn là Nhà Thờ, họ thích tụ tập làm những chuyện khác hơn là xem Lễ đọc kinh. “Lũy tre” mới mà cha ông chúng tôi dựng nên lùa tất cả bọn họ vào Nhà Thờ, thế nhưng họ đã tìm cách lỉnh đi, vui chơi ở một chỗ nào đó, rồi khi hết Lễ, họ chặn đường hỏi chúng tôi đi Lễ về với một câu hỏi duy nhất: “Hôm nay cha mặc áo màu gì ?” Sau đôi ba lần trả lời họ, máu “công chính” trong tôi nổi lên, lần ấy tôi có tình trả lời sai màu áo, trả lời xong tôi quên ngay cái hành vi “công chính rơm” ấy, cho đến tôi lãnh đủ hai ba trận đòn liên tiếp của bọn họ những ngày sau đó, tôi mới hiểu lý do tại sao !
Cánh đi Lễ của bọn tôi tan tác hết, không dám cho bố mẹ biết, sợ bị phạt, chúng tôi âm thầm dậy sớm hơn và tìm những đường vòng thật xa để tránh bị đòn, nhưng hình như họ bắt nạt mình đã quen và thích thú với cái trò bắt nạt, chúng tôi đi đường nào cũng bị chận đánh, chia thành hai tốp đi hai ngã khác nhau cũng vẫn bị họ chia thành hai cánh để theo đánh cho bằng được, cái quạt lá cầm đi Lễ cũng bị chúng tước đoạt, xé tan tành ngay trước ánh mắt căm tức nhưng bất lực của chúng tôi.
Một hôm Long thẹo ( bây giờ ở Mỹ, cổ có vết thẹo rất lớn nên chết tên là Long thẹo ) bị đánh lăn từ trên dốc đường tàu xuống, đầu cấn phải cục đá to, loại đá 4x6 làm đường, máu chảy đầm đìa. Chúng tôi không dám về nhà, tụ tập ở nhà Tuyên méo ( anh này miệng bị máu, đi lính, rồi tù cải tạo, bây giờ cũng đang ở Mỹ ) để chữa thương cho Long và giặt áo sạch vết máu.
Tuyên méo lớn nhất đám tức giận tập họp anh em lại quyết định tuyên chiến, những tay mạnh khỏe trong đám hưởng ứng, chì nhất có Cừ lùn ( chết lâu rồi ) và Bình boong ( tu Dòng Đồng Công, bây giờ đang ở Mỹ ), có cả Tâm từ nữa ( Tâm bây giờ là Linh Mục Dòng Don Bosco ). Chúng tôi vạch kế hoạch chiến đấu. Một nhóm giả “hiền từ” đi Lễ như thường, vũ khi bình thường vẫn là những cái quạt lá, hai nhóm khác “võ trang” cẩn thận bọc chặn hai đường thoát, vũ khí tối tân nhất là các giàn ná bắn chim vì chúng tôi muốn triệt hạ bọn chúng từ xa trước khi để chúng tiếp cận. Cẩn thận hơn nữa, chúng tôi gọi thêm viện binh, bọn Huyến rù ( anh này mặt buồn buồn nên có tên là Huyến rù, rù là một loại bệnh cúm của gà, gà rù ) bên Xóm Chợ ủng hộ phe chúng tôi và phục sẵn ở chợ, làm sao dồn bọn chúng chạy về phía chợ là coi như bị… diệt gọn !
Hôm ấy chúng tôi thắng lớn, những tên hung bạo nhất đã bị anh em Xóm Chợ nhốt dưới mấy cái sạp bán thịt ( anh em dựng sạp lên, bắt chúng bỏ vào rồi hạ sạp xuống ) khóc ấm ĩ, nhưng tiếng reo hò chiến thắng của bọn tôi át cả đi, mãi đến khi một số người lớn can thiệp, chúng mới được giải thoát, từ đó chẳng bao giờ còn dám bắt nạt chúng tôi nữa, chúng tôi được bình yên để đi lại “thờ phượng Chúa”.
Chúng tôi phải trả giá cho “chiến thắng lừng lẫy” này bằng một trận phạt quỳ trong Nhà Thờ về tội “gây rối trật tự công cộng”, một bà Quản nhìn thấy đã thưa với cha Xứ, thế là…
Chúng tôi không quan tâm và cũng không hề có ý nghĩ bào chữa cho mình. “Quỳ trước đền vàng” nhưng lòng chúng tôi hỉ hả lắm, thậm chí ngày ấy chúng tôi đâu đã hiểu thế nào là bài học nhân bản hay giáo lý của sự kiện này, đối thoại hay không đối thoại, bạo động hay không bạo động ?!?
Thế nhưng chúng tôi đã học được bài học đoàn kết và vượt qua nỗi sợ hãi bị ức hiếp. Cũng từ ngày đó chúng tôi thương nhau hơn, ngày Cừ lùn chết, chúng tôi đứng trước quan tài như đứt ruột ra. Tuyên méo và Bình boong lâu lắm rồi không gặp nhưng chẳng bao giờ chúng tôi quên. Long thẹo mỗi lần về Việt Nam lại tìm đến anh em nhiều hơn ở nhà…
Kỷ niệm xưa của tuổi thơ ấy mãi luôn sống động trong tôi mỗi lần tôi gặp khó khăn trên đường đời, mỗi lần tôi phải đối diện với Sự Dữ.
Vâng, đoàn kết và vượt sợ hãi, bài học không bao giờ tôi quên…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 8.7.2012
Một tuần sau sự kiện thương đau ở Con Cuông, Nghệ An

No comments: