Suy niệm Chúa Nhật thứ 15 mùa thường niên năm B
“Khi ác thần đã dịu xuống lửa hồng”
chuông từng cõi, đang
gọi về sương ẩm
ôm xác thân, của sông lạnh không tình
đang u uẩn, hít sâu mưa lấm tấm
ôm xác thân, của sông lạnh không tình
đang u uẩn, hít sâu mưa lấm tấm
(thơ Lãng Đãng)
Mc 6: 7-13
Ác thần/sự
dữ, là những thách thức có lửa hồng. Thần linh/quỷ quái, là những uẩn khúc, u
quạnh không tình tự. Ác thần ấy. Quỷ quái ấy, vẫn thấy đề cập ở trình thuật,
rất hôm nay.
Trình thuật
thánh Mác-cô, nay ghi lại một thách thức, đã giáp mặt hiện đến với môn đồ. Môn
đồ Chúa hôm ấy, đã phải giáp mặt đối đầu với thần linh quái ác quyết hiện hình,
bằng nhiều cách. Cách thế lạ kỳ vừa thấy, như một ám ảnh cực kỳ quỷ quái, tâm
thần phân liệt, dẫy dụa như động kinh.
Thần linh
quái ác ta gặp thời này, là những linh-tinh thần cờ bạc, rượu chè, quan hệ bừa
bãi có dục tình. Hoặc, quái ác như linh vật thần thiêng, nhiều vật chất. Rất
tiêu pha. Sa đà, không thể kềm chế. Tất cả, cứ dẫn đến tình trạng nô lệ, cả về
thể xác lẫn thần hồn. Làm gián đoạn tự do của con Chúa. Khiến ta mong chờ Chúa
lý giải. Nhưng hôm nay, Chúa mời ta hợp tác để giải thoát con dân Ngài được tự
do.
Muốn giải
thoát giúp người người đạt tự do con cái Chúa, thì chính mình phải tự do, trước
đã. Thế nên, Đức Giêsu khuyên môn đồ: khi ra đi rao báo Tin Mừng, đừng mang
theo nhiều thứ. Không thực phẩm, ba-lô, đồ đạc, tiền bạc, lẫn áo quần. Lời khuyên
này, xem ra không thực tế và ít khi nghe. Chúa dặn thế, vì biết môn đồ Ngài đi
đâu cũng được gia đình nhà chủ mời vào, chào hỏi, còn tặng quà nữa. Bởi lẽ,
tính hiếu khách là thói quen cần thiết, vẫn diễn ra nhiều nơi, ở trời Đông.
Khi xưa,
nhiều gia đình có thói quen giữ rịt tông đồ, không để các ngài tìm thêm nơi nào
tiện nghi thoải mái hơn. Và, nếu chẳng thấy ai đoái hoài gì, thì các ngài chỉ
việc giũ phủi bàn chân những lấm bụi trần, mà đi tiếp đến miền nào vui vẻ đón
chào, thật tình hơn. Bởi như thế, tức là: những người đó, chưa sẵn sàng để nghe
ta rao báo những Tin Mừng.
Đây, là
cảnh tình của Hội thánh, thời ban sơ. Là, nhóm hội nâng đỡ giùm giúp, theo cộng
đoàn. Ở cộng đoàn như thế, những người dư dả cơm áo gạo tiền, vẫn giùm giúp
những người còn túng thiếu. Ai thiếu thốn, vẫn có người ân cần, chăm sóc, đùm
bọc. Đó là ý tưởng, mà thánh Phaolô từng đề cập ở bài đọc, tuần trước. Thánh
Phao-lô thôi thúc người có “của ăn của để”, hãy sẻ san giùm giúp những người
anh người chị, còn nghèo túng.
Ngày nay,
ta không thể thực hiện lời khuyên tông đồ của Chúa, theo từng chữ. Dù lý tưởng
ra, vẫn là như thế. Nhưng, vẫn có thể tự hỏi, tại sao là tín hữu Đức Kitô, ta
lại không làm được như Lời Ngài dạy. Điều này, cần nhiều tháng ngày suy tư,
nghiền ngẫm. Suy cho cùng, có thể là vì: ta vẫn tiếp tục sống đời Kitô-hữu theo
chủ nghĩa cá nhân, hơn là: thực hiện đời sống Công giáo. Có thể là, ta dễ cho
đi những gì người dân ở bên kia nơi cùng tận thế giới, đang rất cần. Nhưng lại
vẫn quên, những người anh người chị, và em cháu trong cùng giáo xứ, cũng rất
cần.
Dù gì đi
nữa, trình thuật hôm nay gợi cho ta đôi điều để suy nghĩ:
Là Kitô-hữu, ta được mời gọi, không
chỉ làm môn đệ Chúa, nhưng còn làm tông đồ, nữa. Bởi, môn đệ theo tiếng Latinh (discipulus,
discere=học hỏi), là: nghe biết, chấp
nhận và thực hiện lời dạy của Chúa, đưa Lời Ngài vào cuộc sống. Môn đệ, là
người quyết dấn bước theo chân Chúa, bắt chước Đức Kitô, và trở thành Kitô
khác.
Là, tông đồ, theo tiếng Hy Lạp (apostolos),
không chỉ là người dõi bước theo chân Chúa thôi, nhưng còn là người rao báo Tin
Mừng, nữa. Tông đồ, cụm từ này có
nghĩa: được các vị có vai vế ở trên cao, sai đi để làm sứ thần, công sứ, hoặc
đặc mệnh toàn quyền. Bất cứ ai đã thanh tẩy, đều có được lời mời gọi nhận lãnh
sứ vụ này. Lãnh nhận, để rồi quyết san sẻ niềm tin, với người khác.
Ta hợp tác với Chúa, để giúp đỡ
người người biết kiếm tìm /tái tạo tự do. Ta giùm giúp mọi người tự chữa lành
mọi tật bệnh của mình. Không chỉ là bệnh về thể xác, mà cả những bệnh tâm linh
hoặc cảm xúc, nữa. Không chỉ có y tá/bác sĩ mới là người chuyên chữa trị. Điều
này, chẳng có gì để tranh cãi. Bởi, thành viên gia đình, hoặc bạn bè, đồng
nghiệp, các nhà giảng thuyết, ai cũng có thể tạo ảnh hưởng, và chữa lành, mọi
thứ bệnh.
Điều quan trọng, là: người rao báo
Tin Mừng vẫn sẻ san với người khác, các kinh nghiệm về Chúa. Đó là ý nghĩa được
thánh Phao-lô đề cập đến ở bài đọc 2. Thánh Phaolô từng nói cho giáo đoàn
Êphêsô biết rõ: “Thiên Chúa chọn ta,
trước cả khi tạo thành vũ trụ.” (Êp 1: 3-14). Điều ta cần sẻ san, không chỉ
là lời nói, ý tưởng hoặc tín điều rất suông, mà là kinh nghiệm ta có với Chúa.
Với Đức Kitô. Người rao báo Tin Mừng mời gọi mọi người, cả người tín hữu lẫn kẻ
ở ngoài Đạo, hãy cùng sẻ san kinh nghiệm tuyệt vời này.
Điều thứ hai, không kém phần quan
trọng, là: rao báo Tin Mừng, trong tự do. Người rao báo Tin Mừng được bảo cho
biết: hãy mang theo nơi mình sứ điệp họ nhận lãnh, từ Đức Chúa. Còn lại, cứ để
người khác lo.
Ra đi rao báo Tin Mừng trong tự do,
là để qua bên, rất nhiều thứ. Từ tiền tài đến của cải vật chất. Từ tài sản đến
bất động sản. Vì những thứ đó vẫn mang
lại ưu tư và là nguồn cội của lo lắng.
Bởi, ta nối kết/gắn liền về với những thứ ấy, chúng sẽ làm cho ta càng trở nên
nô lệ, phụ thuộc. Và rồi, biết bao điều khác, từng làm ta tê liệt, không thể
giúp ta làm giàu cuộc sống, theo nghĩa chính đáng, đích thực được. Hãy cứ quẳng
gánh lo đi. Đó đích thị là tự do mà Chúa hiến tặng.
Điều Chúa tặng, là mẫu mực tuyệt
vời, ta cần có. Ra đi rao báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, Ngài chỉ mặc có
mỗi bộ đồ trên mình, và cũng “chẳng có
chỗ gối đầu”. Nhưng, Ngài không nghèo cũng chẳng hèn, theo nghĩa xã hội
học. Trái lại, Ngài giàu có, trong mọi sự. Chính sự giàu sang/sung mãn này, mới
là điều cần thiết. Ngài là Đấng tạo sự giàu có, cho mọi người theo Ngài.
Nói cho cùng, ra đi rao báo Tin
Mừng, người dấn bước theo Chúa cần nhận rõ thêm một điều, là: không phải lúc
nào ta cũng được mọi người ân cần chào đón hết. Bài đọc 1, thượng tế Amaziah
khuyên ngôn sứ Amốt mang sấm ngôn của mình về với quê nhà. Bởi, người đó chẳng
muốn nghe ông nói, ở Bê-ten. Ngôn sứ Amốt cho biết: ông đâu có ý định trở thành
ngôn sứ. Ông chỉ là người chăn chiên đơn hiền, chỉ là kẻ trông nom cây vả, để
nó cho trái. Nhưng, thoạt vào lúc ông chăm sóc chiên hiền, Chúa đã mời gọi và
thôi thúc ông hãy đi rao báo Tin vui an bình, cho dân Israel.
Ngày nay, ta quen dần với những cảm
nghiệm, tương tự như thế. Tựa như, câu nói ta thường đối đáp mỗi khi nghe lời
mời gọi, vẫn nhè nhẹ bảo rằng: tôi chỉ là thư ký hèn, người nội trợ trong nhà;
hoặc giả, chỉ đứng quầy, làm công nhân hãng/xưởng rất thấp bé.Hoặc chỉ là giáo viên trường làng, đâu dám mơ màng, cầu
thân, vv. Nhưng, là người đã được thanh tẩy, Chúa vẫn mời gọi ta, vào mọi lúc.
Cả vào khi ta bận rộn nơi hãng xưởng/sở làm, mải mê lao động công tác, ở môi
trường sống. Ngài mời gọi/đưa dẫn ta cùng mọi người về với Chúa. Yêu Chúa. Phục
vụ Chúa. Và, theo Ngài. Thử hỏi, mấy ai trong ta từng thật tình đáp trả lời mời
gọi này?
Tắt một lời, nếu muốn Chúa ở trong
mình, ta phải biết mở đường để Ngài đến. Ngài sẽ đến, ngang qua ta. Và từ nơi
ta, Ngài đạt đến mọi người. Chẳng có cách nào khác thích hợp hơn. Và qua ta,
mọi người chịu ảnh hưởng từ nơi ta, cũng sẽ trở thành người rao báo Tin Mừng
cho kẻ khác. Đó là phương cách tăng trưởng và lớn mạnh từ hạt giống của bông
cải.
No comments:
Post a Comment