Nhiều năm trước,
có lần Đức Giáo Hoàng quyết định, là: các đạo hữu gốc Do Thái nên rời Rôma, đi
nơi khác mà sống đạo. Ngay khi ấy, đã xảy ra làn sóng bất bình giữa cộng đồng
sắc tộc nhỏ bé này. Thành thử lúc bấy giờ, Đức Hồng Y chủ quản đã phải ra tay
dàn xếp. Ngài ngỏ ý, cộng đồng đạo hữu nên đề cử một vị đến tham gia tranh luận
về tôn giáo với ngài. Nếu cộng đồng người Do thái thắng, họ ở lại. Nếu Ngài
thắng, cộng đồng này phải xách gói ra đi.
Cộng đồng tôn
giáo bạn thấy không còn chọn lựa nào khác, đành cử người tham dự cuộc tranh
luận với Đức Hồng Y Chủ quản. Cuối cùng, người đại diện bên bạn chẳng là ai
khác ngoài một lão ông chân phương, đơn độc mang tên MôShê. Lão ông lâu nay giữ
chức “ông từ” chuyên mở cửa cho đạo hữu đến cầu nguyện, mỗi thứ sáu. Thoạt đầu,
vào lúc khởi sự tranh luận, lão ông đề nghị: hai bên sẽ không phát biểu bằng
lời nói, mà chỉ ra dấu thôi. Hiểu ý hay không, tuỳ tài trí thông minh của mỗi vị.
Ngày
“N” đến. Đức Hồng Y và lão ông Môi-shê ngồi trực diện, hỏi đáp tranh luận nhau bằng
dấu hiệu. Đức Hồng Y khởi sự trước. Ngài giơ 3 ngón tay ra dấu rất tự tin. Lão
ông đáp lại, chỉ đưa duy nhất có một ngón. Kế đến, Đức Hồng Y dùng tay vẽ đường
tròn, ngay trên đầu. Lão ông lại trỏ ngón tay xuống đất, rất bất đồng. Đức Hồng
Y bèn rút từ trong túi ra, những bánh và rượu, đầy đủ cả. Đáp lại, lão ông đem trình
làng mỗi trái táo xanh, rất đơn giản. Bất chợt, Đức Hồng Y đứng dậy nói: Thôi
được, tôi chào thua. Người này quá giỏi! Được rồi! Các bạn cứ việc ở lại, đừng
lo lắng.
Ít
lâu sau, có người hỏi ý nghĩa cuộc đối thoại bằng tay vừa rồi là gì, thì Đức
Hồng Y giải thích: tôi ra dấu 3 ngón tay tỏ ý: ta tin vào Đức Chúa Trời Ba
Ngôi. Thì, ông ta chỉ giơ có một ngón, ra điều nhắc nhở là: chúng ta đều cùng
tin vào một Đức Chúa. Thế rồi, tôi dùng tay để vẽ hào quang trên đầu, ý bảo
rằng: Thiên Chúa đang ở quanh ta. Thì, ông ấy phản bác lại bằng cách ra dấu có
một ngón, chỉ xuống đất. Ý chừng muốn nói: Đức Chúa của chúng ta đang hiện diện,
ở nơi đây. Lúc này. Kịp đến khi, tôi đem bánh và rượu ra, chứng minh: Chúa ban
phép cho anh em mình cử hành Tiệc Thánh, để nhận lãnh Thân Mình Ngài. Thì, lão trự
ấy rút ra quả táo xanh, có ý nhắc nhở ta về lỗi lầm muôn thưở; tức, tổ tiên cha
ông ta đã phạm lỗi. Cuối cùng, lão ta tinh ranh hơn, giải mã được hết mọi
chuyện chúng tôi ra dấu. Tôi còn biết làm gì hơn nữa, bây giờ?
Lúc
ấy, lão ông MôShê cũng giải thích cho đám kinh sư cứ nhao lên hỏi kết quả cuộc tranh
luận, đối đầu. lão ta nói: Dễ hiểu thôi! Trước nhất, ông ấy bảo với tôi: Người
Do thái mình chỉ còn độc nhất có 3 ngày để rời thành này. Tôi đáp ngay: không 1
người nào trong anh em chúng tôi đi đâu, hết. Sau đó, ông nói: Toàn bộ thành La
Mã sẽ biến sạch không còn bóng người Do thái nào hết. Tôi bèn đáp: chúng tôi
vẫn cứ ở đây. Bây giờ và mãi mãi. Thiên thu. Bất tận. Thế là, đám kinh sư/thượng
tế nhao lên: Ấy thế, kết cuộc ra sao? Lão ông trả lời: Tôi cũng chẳng biết. Có
điều lạ, là: sau đó, ông ta đem bữa trưa của mình, ra ăn. Còn tôi, tôi cũng ăn
đồ ăn của mình. Đơn giản chỉ có thế!
Xem
ra, cuộc sống ở đời tùy vào cách thức ta đọc và hiểu các tín hiệu chỉ dẫn, đơn
giản chỉ như thế.
Phúc
âm hôm nay kể việc Đức Kitô răn dạy môn đệ: hãy biết trân quý 3 tín hiệu của cuộc
đời, là: sống giản dị, sống quan tâm đến người khác; và, sống hiếu khách. Việc
này xứng hợp đa số các sự việc xảy đến, qua thái độ sống của con người, ngày hôm
nay. Thời buổi này, thiên hạ chỉ thích chuyện giàu sang, phú quý. Người người
chỉ muốn sống tách biệt. Chẳng đoái hoài một ai. Dường như, ai cũng muốn làm
thủ trưởng, thủ lãnh ngồi trên đầu trên cổ người khác, thôi.
Với
Đức Kitô, ai muốn làm môn đệ Ngài, đều phải nhớ: điều cao quý nơi con người,
không là chuyện giàu sang, phú quý. Mà là: tư cách và thái độ biết quan tâm đến
người khác. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, của cải/vật chất đều rất cần. Nhưng vấn
đề là: ta có biết sử dụng của cải/vật chất mình kiếm được, mà phân phát/tặng
ban cho những người thiếu thốn, cần hơn mình, không? Nói các khác, ta phải làm
chủ đồng tiền, chứ đừng để tiền bạc/vật chất làm chủ, điều động ta.
Với
Đức Kitô, dù là đá tảng hay hải đảo cách biệt, đây không là dấu hiệu của sức
mạnh của uy quyền; mà chỉ là ưu tư vang vọng. Kéo dài. Tín hữu Đức Kitô có được
sức mạnh quyền uy, phải là người biết vui, biết mừng khi hỗ trợ cho nhau. Cậy
nhờ, nâng đỡ nhau. Ở mọi nơi. Vào mọi lúc. Thật sự cảm kích, biết ơn nhau vì đã
tạo sự hiệp thông, hỗ trợ.
Với
Đức Kitô, người tín hữu mang Danh Ngài, là người biết tạo dịp cho người khác
không thấy có điều gì trở ngại khi ngỏ ý nhờ mình giúp đỡ. Hỗ trợ. Đặc biệt hơn,
là những người có nhu cầu chính đáng, nhưng chưa được đền bù. Đó là tín hiệu
giúp ta nhận ra Vương quốc Nước Trời, đang hiện hữu ở quanh đây. Bây giờ.
Sống
đúng chức năng của Kitô hữu, điều quan trọng là: biết nhận ra tín hiệu thời
đại. Thế nên, tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong cho tiệc Lòng Mến giúp ta
nhận ra được tín hiệu: Chúa đang hiện diện nơi ta. Cầu và mong sao, bánh và
rượu ta dâng tiến, giúp ta thay đổi được cuộc sống. Cầu và mong, cho cuộc sống
của ta sẽ thích nghi hài hòa với mọi người. Sống giản đơn. Vui vẻ. Nâng đỡ nhau.
Sống hân hoan. Hiếu khách. Không câu nệ. Ỷ lại. Nhưng an hòa. Biết đem thì giờ,
khả năng và nghị lực của mình ra để xây dựng Nước Trời, tại đây. Lúc này.
Lm
Richard Leonard sj
Mai Tá phỏng dịch
No comments:
Post a Comment