Sự kiện Đức Giêsu làm cho bánh hóa
nhiều diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, Đấng ban cho nhân loại phẩm giá và tự
do. Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại sự kiện đó trong 6, 1 – 15. Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ tập trung vào
cc. 1 – 11.
“Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria” ( c. 1 ). Tác giả Gioan không cho chúng ta biết Đức Giêsu
từ đâu sang bên kia Biển Hồ, và do đó chúng ta cũng không biết Người đến nơi
nào. Điều quan trọng là Người rời xa một nơi nào đó. Nhưng đó là nơi nào ? Những dữ kiện do bản văn phía trước
cung cấp cho phép người ta nghĩ rằng Đức Giêsu rời đi từ Giêrusalem, ở đó người
Do Thái đang tìm cách giết Người ( 5, 18 ).
Nếu không muốn xác định quá rõ là Giêrusalem, thì chí ít cũng có thể nghĩ rằng
Đức Giêsu xuất phát từ vùng đất đang phải chịu sự thống trị và ảnh hưởng của
các thiết chế Do Thái, vùng đất đầy sự áp bức của nguyên lý và ý thức hệ Do
Thái giáo, dù đó là Giuđê hay đó là Galilê, trong đó, Giêrusalem là trung tâm.
Người rời xa vùng đất đó để sang bên kia Biển Hồ. Biển hồ này được tác giả giới
thiệu bằng một danh xưng kép, vừa của Do Thái ( Galilê ) vừa của dân ngoại ( Tibêria ), ngầm cho thấy đây là một vùng mà
dân cư bao gồm cà người Do Thái lẫn người ngoại. Những gì Đức Giêsu sắp thực
hiện sẽ được dành cho tất cả mọi người.
“Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những
dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” ( c. 2 ). Tác giả Tin Mừng cố ý không nói đám đông dân chúng
này kéo đến từ những vùng nào. Ông chỉ nhấn mạnh lý do khiến cho họ kéo đến mà
thôi. Họ đã từng chứng kiến những dấu lạ Đức Giêsu thực hiện cho những người
đau ốm. Điều đó làm dấy lên trong lòng họ niềm hy vọng mãnh liệt, rằng Người sẽ
có thể giải thoát mọi người và có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn, đậm
chất người hơn. Những người kéo đến với Đức Giêsu hôm nay có lẽ gồm nhiều hạng
người, chứ không phải chỉ là những người ốm đau bệnh tật. Họ có thể là những
người ở vào thế yếu xét về kinh tế hay về xã hội. Điều họ hy vọng là sẽ được
giải thoát khỏi tình cảnh khốn khổ đau thương, không chỉ về phương diện thể lý.
Họ kéo đến với Đức Giêsu, mang theo một niềm hy vọng mạnh mẽ trong tâm hồn.
“Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt
Qua là đại lễ của người Do Thái” ( cc. 3 – 4 ). Trong bản văn Hy Lạp, hạn từ “núi”
có mạo từ, tức là một ngọn núi xác định. Núi là một hình ảnh rất đa nghĩa. Ở
đây có thể hiểu theo nghĩa là hình ảnh của cảnh vực gần gũi Thiên Chúa, nơi
chốn của vinh quang Thiên Chúa. Mà trong quan niệm của Tin Mừng theo Thánh
Gioan, vinh quang Thiên
Chúa chính là tình yêu của Người. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó, tức là Người
đang ở trong cảnh vực thần linh, tràn đầy tình yêu. Đối với nhân loại, Người
chính là nơi mà ở đó vinh quang Thiên Chúa hiện diện và thể hiện. Các môn đệ
đang ở đó với Người.
“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân
chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Chúng ta mua đâu ra bánh cho
họ ăn đây ?" Người
nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” ( cc. 5 – 6 ). Dân chúng kéo đến với Đức Giêsu, một cách tự nguyện. Về phần mình, Đức
Giêsu “nhìn thấy” họ. Người quan tâm đến tình cảnh của họ. Người nhìn thấu tình
cảnh thật của họ. Khi đặt câu hỏi cho ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”, Đức Giêsu muốn mời gọi ông, và cùng
với ông là tất cả cộng đoàn các môn đệ, đối diện với một thực tế trước mặt,
thực tế của một đám đông không có khả năng giải quyết ngay cả cái nhu cầu thiết
yếu nhất của mình để có thể tồn tại.
Một điều đáng ghi nhận là với câu
hỏi này, Đức Giêsu đồng thời cũng đưa ra một sự phân biệt những người đang hiện
diện trên núi thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm Đức Giêsu và các môn đệ của
Người: “chúng ta”. Nhóm thứ hai là
đám đông dân chúng còn lại: “họ”. Và
điều đang được thực hiện là một cuộc đối thoại bên trong nhóm thứ nhất.
Trong câu hỏi
của Đức Giêsu, mà như chính tác giả Gioan cẩn thận ghi
chú là một câu hỏi để thử Philípphê và các môn đệ, ta thấy xuất hiện chủ đề
tiền bạc, qua động từ “mua”. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chủ đề
tiền bạc xuất hiện trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Nền phụng thờ
tiền bạc đã thế chỗ nền phụng tự Thiên Chúa đích thực trong đền thờ, và Đức
Giêsu đã từng phản ứng mạnh mẽ với điều đó trong 2, 16. Tiền bạc và cùng với nó là hệ thống kinh tế bóc lột đã đè trên vai
dân chúng những gánh nặng và bất công kinh khủng. Trong câu hỏi của Đức Giêsu
dành cho ông Philípphê và các môn đệ, động từ “mua” giả thiết một hệ thống kinh
tế trong đó một vài người nắm trong tay lương thực cần cho sự sống nhưng anh ta
sẽ không cung cấp nó cho những người cần nếu họ không thỏa mãn những điều kiện
của anh ta. Cái hệ thống này tạo ra sự tùy thuộc, và trong hệ thống đó sự sống
sẽ không được cung cấp cho con người một cách trực tiếp, mà phải ngang qua một
số cá nhân nắm quyền kiểm soát.
“Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng
chẳng đủ cho mỗi người một chút" ( c. 7 ).
Câu trả lời này cho thấy một sự bế tắc. Chỉ dựa trên những nguyên tắc và cấu
trúc tổ chức xã hội hay kinh tế thuần túy, có lẽ người ta sẽ không bao giờ giải
quyết thỏa đáng tình cảnh của những con người nghèo khổ. Còn cần phải có những
điều gì khác nữa, vượt quá những cấu trúc kinh tế hay xã hội thuần túy. Ông
Philípphê đã không hướng cái nhìn ra bên ngoài hệ thống và cấu trúc kinh tế,
nên ông không còn cách nào khác ngoài lời kết luận về sự bất lực và bế tắc, dù
chỉ là để thỏa mãn “một chút” những đòi hỏi thực tế.
Vừa lúc ông Philípphê đi đến chỗ bế
tắc, xuất hiện một nhân vật khác trong số các đồ đệ, hướng cái nhìn của cả nhóm
theo một đường chân trời khác một chút. “Một
trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: "Ở đây
có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người
thì thấm vào đâu !" ( cc. 8 – 9 ). Ông Anrê đưa ra một quan sát và ghi nhận thực tế. Bắt đầu xuất hiện
một giải pháp khác bên ngoài những quy tắc của hệ thống được xây dựng trên nền
tảng lạnh lùng và thuần túy kinh tế. Hình như ông Anrê đang nghĩ đến một sự
chia sẻ trong tình yêu. Nhưng lập tức, ông không tin điều đó có thể đủ sức giải
quyết vấn đề vốn quá lớn.
Điều thú vị là
ông Anrê nói đến “một em bé” và nói rõ “đang ở đây”. Như trên đã nói, chúng ta
đang ở trong cuộc trao đổi của nhóm thứ nhất, gồm Đức Giêsu và các môn đệ, phân
biệt với nhóm thứ hai là đám đông dân chúng. Vậy em bé đang ở đây là ai ? Sao lại xuất hiện em bé ở đây ? Đâu là ý nghĩa
của chi tiết này ? Thực ra, hạn từ paidarion không chỉ có nghĩa là một đứa trẻ, một cậu bé, mà thường
được dùng để chỉ một đầy tớ. Hình ảnh paidarion
“đang ở đây”, trong nhóm thứ nhất, có ý trình bày nhóm các môn đệ này với một
đặc trưng quan trọng: sẵn sàng phục vụ đám đông như những người hầu bàn. Mà quả
thực, chút nữa đây, chính Đức Giêsu cũng sẽ phục vụ đám đông này như một người
đầy tớ phục vụ ông chủ trong bữa ăn ( c. 11 ). Cộng đoàn của Đức Giêsu, như thế,
đang hiện diện trước mặt thế gian trong tư thế của một nhóm khiêm hạ xét về
phương diện xã hội, không có bất cứ tham vọng nào ngoài khát khao phục vụ nhân
loại.
Nhưng nhóm nhỏ ấy, theo quan sát của
Anrê, chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá. Cả bốn sách Tin Mừng đều nói
đến con số 5 chiếc bánh. Có lẽ con số 5 ám chỉ 5 cuộn của sách Luật. 5 chiếc
bánh lúa mạch của các môn đệ là hình ảnh của tình yêu thay thế cho 5 cuộn sách
Luật, cộng thêm 2 con cá nhỏ, thành con số 7 chỉ sự tròn đầy. Nhưng như ông
Anrê cay đắng ghi nhận: bấy nhiêu thì thấm vào đâu ? Giải pháp của Anrê vừa được hé lộ
đã như thể lập tức trở thành bất lực vô vọng.
Nhưng thực ra không hẳn là như vậy.
Bởi lẽ ngay vào lúc các môn đệ đang có vẻ bi quan, Đức Giêsu đưa ra cho họ một
lệnh truyền.“Đức Giêsu nói: "Anh em
cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên
số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn" ( c. 10 ). Ngồi
ăn là tư thế của những người tự do. Khi dân chúng ngồi mà ăn, thì tức là họ
được hiện hữu trong tư thế của những con người tự do, có phẩm giá. Và các môn
đệ sẽ phải hiện diện bên cạnh họ như những con người phục vụ, trong tư thế của paidarion mà ông Anrê vừa đề cập. Phục
vụ đám đông, các môn đệ mang lại cho đám đông phẩm giá của những con người tự
do, những ông chủ. Những con người tự do trong ân huệ Thánh Thần, đó chính là ý
nghĩa ẩn dụ của chi tiết mà tất cả các sách Tin Mừng đều ghi nhận: năm ngàn người đàn ông trưởng thành ( x. Mt 14, 21; 16, 9; Mc 6, 44; 8, 19; Lc 9, 14 ).
“Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những
người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ
ý” ( c. 11 ). Đức Giêsu cầm lấy những chiếc bánh
của cộng đoàn các môn đệ. Chính cộng đoàn này phải tìm lấy giải pháp tự nơi
mình, chứ không phải là tạo ra những sự tùy thuộc trước hết vào các hệ thống
bóc lột. Thật ra, cái mà cộng đoàn môn đệ có thể cung cấp cho thế giới thì quá
bé nhỏ. Nhưng khi nó được Đức Giêsu cầm lấy, thì tức là nó đã được đưa vào một
tầm mức khác hẳn. Đồng thời, xuất hiện một yếu tố hoàn toàn mới mẻ: Đức Giêsu
dâng lời tạ ơn, tức là đưa vào một thực tại mới là chính Thiên Chúa. Chỉ khi
Đức Giêsu đã cầm lấy mấy chiếc bánh của cộng đoàn môn đệ và đưa vào trong tương
quan với Thiên Chúa, thì đám đông dân chúng mới được ăn no nê. Hệ thống kinh tế
và cùng với nó là những cấu trúc nhân loại, đã tỏ ra bất lực ( giải pháp Philípphê ). Nguyên lòng tốt của con người đối
với nhau cũng không thấm vào đâu ( giải pháp Anrê ). Nhưng khi lòng tốt ấy được Đức Giêsu “cầm lấy” và
đặt vào trong tay Thiên Chúa, thì mọi sự sẽ khác hẳn ( giải pháp Giêsu ).
Chính Đức Giêsu
phân phát bánh và cá. Chính Người trở thành người phục vụ nhân loại. Một ghi
nhận đáng chú ý của tác giả Tin Mừng: “Ai
muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. Có hai yếu tố được nối vào với nhau ở đây: sự dẫy
tràn ( bao nhiêu tùy ý ) và sự tự do ( muốn ). Thế là dân chúng được no nê. “Khi
họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa
kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người
ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu
làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" ( cc. 12 – 14 ).
Trình thuật Tin Mừng kết thúc bằng
một chi tiết khá bất ngờ nhưng rất đặc biệt: “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người
lại lánh mặt, đi lên núi một mình” ( c. 15 ).
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment