Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 6, 30 – 34
) trình thuật phản ứng của Đức Giêsu sau khi Nhóm Mười Hai trở về và kể lại cho
Người những gì họ đã thực hiện.
“Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi
việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” ( c. 30 ). Như chúng ta đã đọc trong
bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, Nhóm Mười Hai đã được Đức Giêsu sai đi từng
hai người một ( 6, 7 ). Bây giờ họ trở về sau khi đã kết thúc các hoạt động của
mình. Họ kể lại cho Đức Giêsu biết về tất cả những gì họ đã làm, và có lẽ là kể
rất sôi nổi, không bỏ sót chút gì. Những điều họ kể, về căn bản, đã được trình
bày trong 6, 12 – 13: họ đã rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối, họ đã
trừ quỷ và họ đã xức dầu chữa lành những người bị bệnh. Chắc chắn là với những
hoạt động như thế, họ đã khơi lên trong lòng người dân Do Thái niềm hy vọng
phục hưng quốc gia và dân tộc Do Thái. Nhưng tất cả những hoạt động đó đều
không đúng với lệnh truyền của Đức Giêsu dành cho họ trong thời điểm này khi
sai họ đi.
Bên cạnh đó, c. 30
còn nói đến một hoạt động khác nữa của các thành viên Nhóm Mười Hai: họ giảng
dạy. Đức Giêsu chưa hề sai họ đi giảng dạy. Trong Mc, giảng dạy là trình bày sứ
điệp bằng cách lấy cảm hứng và xuất phát từ Cựu Ước. Hoạt động này rất khác với
việc công bố sứ điệp. Đức Giêsu không hề trao phó cho ai công việc giảng dạy. Chính
bản thân Người cũng chỉ thực hiện việc này khi đối diện với cử tọa toàn người
Do Thái và suy nghĩ theo não trạng Do Thái ( 1, 21b; 2, 13; 4, 1; 6, 2; 9, 31…
). Với những cử tọa có những người không dựa theo Do Thái giáo, Người chỉ “nói”
chứ không “giảng dạy” ( x. 8, 34; 9, 35tt… ).
Khi tác giả
Máccô nói rằng Nhóm Mười Hai trình bày cho Đức Giêsu “mọi điều các ông đã dạy” ( c. 30 ) thì có nghĩa là họ đã giới hạn
hoạt động của mình chỉ trong phạm vi Do Thái, tức là không hoàn toàn đúng với
chỉ thị của Đức Giêsu. Thay vì tiếp xúc với mọi hạng người, không phân biệt, thì
họ lại đã chỉ quanh quẩn trong thế giới Do Thái và củng cố niềm hy vọng Do Thái
về việc phục hưng dân tộc.
“Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút" ( c. 31a ). Đức Giêsu đã lắng nghe các ông kể lại mọi sự. Người
không khen ngợi các ông lời nào, cũng không đưa ra bất cứ sự chuẩn nhận nào đối
với những gì các ông đã thực hiện, thậm chí còn chẳng nói gì đến việc các ông
đã thay đổi công việc, không làm như Người đã truyền. Nhưng lập tức, Người bảo
các ông lánh riêng ra một nơi thanh vắng, tức là Người muốn ở riêng với các ông
mà thôi.
Hoạt động mà
các thành viên Nhóm Mười Hai vừa thực hiện, như chúng ta vừa nói, đã chỉ giới
hạn trong thế giới Do Thái, và do đó, đã bóp méo sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu
về Nước Thiên Chúa. Điều đó chứng tỏ họ còn rất xa lạ với Đức Giêsu và chương
trình của Người. Người đã sai họ đi, trong lần sai đi thứ nhất vừa rồi, là với
hy vọng họ sẽ làm mới sự dấn thân đi theo Người. Nhưng họ đã không hiểu đúng ý
Người. Bây giờ, Người muốn tìm đến một nơi thanh vắng để nói riêng với họ, khi
chỉ có thầy trò với nhau. “Nơi thanh vắng”, tức là “hoang địa”, không chỉ có ý
nghĩa chỉ về một nơi chốn địa dư, mà còn có nghĩa bóng, ám chỉ một sự cắt đứt
khỏi những giá trị đang chi phối xã hội Do Thái. Đức Giêsu muốn đưa các Môn Đệ
của Người đến “nơi thanh vắng” đó nữa, chứ không chỉ là một nơi chốn theo nghĩa
địa dư.
“Nghỉ ngơi” ( anapauô ) không chỉ có nghĩa là một trạng thái tạm ngừng một vài
hoạt động để sức khỏe được phục hồi. Hạn từ “sự nghỉ ngơi” được sử dụng trong
Is 14, 3 ( LXX ) để nói về sự giải thoát của Thiên Chúa khỏi ách nô lệ Babylon. Tương tự như trong 7, 32 và 8, 23,
ở đây tác giả Mc ám chỉ một bản văn ngôn sứ nói về sự giải thoát khỏi ách nô lệ
để cho thấy một tính chất quan trọng của hành động mà Đức Giêsu đang muốn thực
hiện cho các Môn Đệ: Người muốn giải thoát họ khỏi sự kềm tỏa của những lý
tưởng Do Thái đang đè nặng trong tâm trí và hoạt động của họ.
“Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông
cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” ( c. 31b ). Tình cảnh của các Môn Đệ
lúc này, quả thực, là khá đặc biệt. Rất nhiều kẻ lui tới tiếp xúc với nhóm và
biểu tỏ sự đồng ý với những gì các ông đã dạy và đã làm. Điều đáng ghi nhận là
đám đông không tìm Đức Giêsu nữa. Họ tiếp xúc với nhóm các Môn Đệ, tất nhiên là
nhóm có Đức Giêsu được hình dung và trình bày như là vị thủ lãnh đứng đầu. “Kẻ
lui người tới” không phải để gặp Đức Giêsu, cũng không đến vì Đức Giêsu như tác
giả Mc đã cố ý nhấn mạnh trong những dịp trước đây ( 1, 32; 1, 45; 3, 7; 4, 1;
5, 21 ).
Đám đông kéo đến quá đông khiến cho
các Môn Đệ chẳng có thời giờ ăn uống. Tình cảnh tương tự như ở 3, 20. Sự ăn
uống được nói đến ở đây rõ ràng ám chỉ sự “ăn bánh” được nói đến trong 3, 20. Trong
cách nói của các Rabbi Do Thái, “bánh” nói đây chính là Luật và “ăn bánh” có
nghĩa là được thấm nhuần Lề Luật của Thiên Chúa. Trong trường hợp của Nhóm Mười
Hai, điều họ cần phải được thấm nhuần là sứ điệp của Đức Giêsu. Tuy nhiên, kẻ
lui người tới quá đông đã không cho phép điều đó xảy ra. Theo nghĩa này, chúng
ta càng hiểu rõ hơn tại sao Đức Giêsu muốn các ông lánh riêng ra đến một nơi
thanh vắng, để chỉ có các ông ở riêng với Người mà thôi.
Đây là lần đầu
tiên Đức Giêsu đề nghị các Môn Đệ lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng. Và đề
nghị này đã được các ông chấp nhận. “Vậy,
thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” ( c. 32 ). Việc
lặp lại hai yếu tố “nơi thanh vắng” và “riêng ra” cho thấy chủ đề được nhấn
mạnh ở trình thuật này là gì: “nơi thanh vắng” là nơi tách biệt khỏi những ảnh
hưởng của các giá trị Do Thái, và “riêng ra” có ý nhắc đến sự chưa thấu hiểu
của các Môn Đệ như trong trường hợp 4, 34. Như vậy, trong ý định của Đức Giêsu,
việc thầy trò lánh riêng ra một nơi hoang vắng này là để Người có thể điều
chỉnh sự chưa hiểu đúng của các Môn Đệ, trong khung cảnh tách biệt khỏi xã hội
Do Thái và đám rất đông kẻ lui người tới.
“Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng
nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài” ( c. 33 ). Trong cái nhìn của đám
đông, Đức Giêsu và các Môn Đệ làm thành một nhóm, không có sự phân biệt giữa
các ngài với nhau. Đám đông muốn được gặp các ngài. Vì thế, họ kéo nhau theo
đường bộ mà chạy đến nơi. Họ “cùng nhau
chạy bộ”, và là “từ khắp các thành”.
Sự kiện này chứng tỏ họ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một mối quan tâm và ý tưởng
chung. Đáng chú ý là họ đến từ các thành, tức là họ không phải dân cư của các
“làng”, nơi Đức Giêsu đã giảng dạy ( 6, 6b ), mà là cư dân của các trung tâm
quan trọng, nơi có các hội đường Do Thái. Rõ ràng đám đông này là đại diện cho
tất cả những người Do Thái sống dưới ảnh hưởng của đạo lý chính thức của Do
Thái giáo, đang khi Đức Giêsu đã trở thành người bị từ khước trong hội đường
của “vùng đất của Người” như chúng ta đã suy niệm trong bài Tin Mừng của Chúa
Nhật XIV Thường Niên trước đây.
“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng
thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ
nhiều điều” ( c. 34
). Đám đông dân chúng kéo đến đã làm gián đoạn việc thực hiện ý định của Đức
Giêsu khi Người đề nghị các ông lánh riêng ra một nơi thanh vắng. Mặc dù vậy, Người
vẫn ưu ái dành cho đám đông ấy một tình yêu thương rất đặc biệt.
Cần chú ý một chi tiết: đám đông chờ
đợi cả nhóm, tức là bao gồm cả Đức Giêsu lẫn các Môn Đệ, nhưng tác giả Mc lại
tách riêng Đức Giêsu khỏi các Môn Đệ, và vào lúc này, ông để cho các Môn Đệ
biến mất khỏi sân khấu.
Đức Giêsu chú ý
đến sự hiện diện của đám đông dân chúng và tình trạng thực tế của họ. Và Người
chạnh lòng thương họ. Đây cũng là tâm tình của Người trước tình cảnh của người
phong cùi trong 1, 40 – 42. Trong Cựu Ước, lòng chạnh thương là tâm tình của
Thiên Chúa đứng trước sự khốn khổ nhân loại. Đức Giêsu chạnh thương đám đông vì
họ như bầy chiên không người chăn dắt, không biết phải đi đâu, không có ai
hướng dẫn và bảo vệ. Như chúng ta đã nói trên kia, đám đông này đến từ các
thành, tức là từ những nơi có hội đường và được hưởng sự hướng dẫn của thiết
chế Do Thái. Thế mà tình cảnh của họ lại là tình cảnh của đàn chiên không người
chăn dắt. Điều này chứng tỏ các nhà lãnh đạo Do Thái không phải là những mục tử
đích thực. Đây là lần đầu tiên trong Mc Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò mục tử
của Israel. Từ trước đến
nay Người mới chỉ đảm nhận vai trò ngôn sứ ( x. 6, 4 ).
“Và
Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”, tức là Người bắt đầu nói với họ về
Nước Thiên Chúa, xuất phát từ những chỉ dẫn của Cựu Ước. Tác giả Mc đã không
nói gì về nội dung Đức Giêsu giảng dạy ở đây, nhưng từ sự song song giữa 6, 34
với 4, 2 chúng ta có thể hiểu là Người nói với họ nhiều điều về Nước Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng
ta về một khía cạnh đặc biệt trong tình cảnh của Đức Giêsu: Người phải đối diện
cùng một lúc sự hiểu sai của các Môn Đệ thân tín nhất và sự bơ vơ vất vưởng của
đám đông dân chúng. Mỗi nhóm có vấn đề riêng của họ, nhưng đối với cả hai nhóm,
Đức Giêsu đều chạnh thương, tất nhiên là theo những cách thức khác nhau. Nổi
bật trong dung mạo của Đức Giêsu được khắc họa trong bài Tin Mừng hôm nay là
tình yêu nhân hậu vô cùng của Người.
Trong thực tế
của cuộc sống và sứ vụ hiện nay của Hội Thánh, chúng ta vẫn thường xuyên phải
đối diện với cùng một tình cảnh như những gì được trình bày trong bài Tin Mừng
hôm nay. Và Đức Giêsu cũng vẫn đang chạnh thương tất cả chúng ta bằng tình yêu
vô cùng nhân hậu của Người, như Người đã từng chạnh thương Nhóm Mười Hai và đám
đông trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa suy niệm…
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment