Suy niệm Chúa nhật thứ 17 thường niên năm B
“Em lặng lẽ, tháng ngày như thế đó”
Anh thương lắm, đôi
bàn tay nho nhỏ
Đã làm nên bao chuyện lạ trên đời .
Đã làm nên bao chuyện lạ trên đời .
(dẫn từ thơ Võ Văn Trực)
Ga 6: 1-15
Chuyện lạ
em làm, đôi tay nào có nhỏ. Việc lạ Chúa tặng ban, trình thuật rày diễn tả đẹp
biết bao!
Trình thuật
thánh Gio-an diễn tả, là chuyện về dấu lạ Chúa làm cho cả ngàn người. Dấu lạ
thánh Mác-cô kể về việc Chúa nhân bản những bánh và cá, ban cho hơn 5 ngàn
người, chỉ kể đàn ông. Hai thánh sử Gioan và Mác-cô đều diễn trình công việc
Chúa làm, khi Ngài đặt chân lên bờ Biển Hồ Galilê, để nguyện cầu. Biển Hồ hôm
ấy, có chúng dân theo chân Ngài, rất đông. Họ bám theo Ngài, để được nghe. Và,
được chữa lành.
Ngay từ
đầu, thánh Gio-an đã ghi rõ: “Đức Giêsu
lên núi và ngồi đó với môn đệ”. Ở đây thánh sử không có ý chỉ về tư thế,
lúc Chúa nguyện cầu. Mà là biểu trưng, thánh sử muốn người đọc gợi nhớ về sự lạ
Môsê đem về từ núi thánh. Sự lạ Môsê đem, là Lề Luật Thiên Chúa tặng ban dân
Người.
Cũng nói về
sự lạ, nhưng vẫn có khác biệt ở hai Đấng. Sự lạ Chúa làm là Ngài không thực
hiện theo cung cách của Đấng Trung Gian Cầu Bàu. Nhưng, do tự Ngài. Ngài có
quyền năng ban truyền sự lạ, như Gia-vê
đã làm, thời Cựu Ước. Sự lạ, được diễn tả ở trình thuật thánh Mác-cô, xem ra có
hơi khác.
Thánh Mác-cô, cho thấy Chúa làm dấu
lạ cho dân Ngài, trước nhất là để giảng dạy. Với thánh Gio-an, việc Chúa giảng
dạy trải dài qua năm tháng, đầy kinh nghiệm. Còn với Môsê, ông lên núi nhận dấu
lạ bài sai, chỉ một mình. Sự lạ Chúa làm, Ngài luôn có môn đệ, đi theo. Vì, các
môn đệ là những vị luôn hợp tác với Chúa trong công trình cứu độ. Hợp tác, cả
vào những tháng ngày, sau Phục Sinh, nữa.
Việc Chúa dạy, không chỉ mỗi thánh
Gio-an lo toan phụ trách, nhưng toàn thể đồ đệ Chúa, đều làm. Khi xưa, Môsê đem
cho dân, chỉ mỗi lời răn dạy của Gia-vê Thiên Chúa, bằng Lề Luật, qua Man-na
gửi từ trời. Qua Đức Giêsu, Môsê Mới, Thiên Chúa vẫn dưỡng nuôi đoàn dân con
đến với Ngài, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an có
ghi: “Lễ Vượt Qua của người Do Thái, đã
gần kề”. Vượt Qua, là một đại lễ. Vào dịp đó, người Do Thái mừng kính việc
Thiên Chúa giải thoát dân con người người, khỏi ách thống trị của Ai Cập. Vượt
Qua, còn là dịp thuận để Chúa đưa mọi người về với tự do. Ban tặng họ ân huệ
làm “dân con được chọn”. Đại lễ này, có bối cảnh làm nền cho cuộc “Vượt Qua”
mới. Có Chúa làm trọng tâm. Có sự thống khổ, Ngài chấp nhận. Chấp nhận cả nỗi
chết. Và sống lại, ngõ hầu giải thoát con người, khỏi lỗi lầm. Khỏi mọi lỗi tội
gây nên nỗi chết.
Trước khi xảy đến dấu lạ của nỗi
chết, Chúa đã tặng ban cho môn đồ -và Hội thánh- dấu lạ cao cả, là cuộc Vượt
Qua Mới, của Ngài. Phương cách Chúa làm, là cốt để diễn bày trước, bối cảnh của
cuộc Tạ Từ rất thánh thiêng. Lúc ấy, Chúa cũng làm cùng một cử chỉ tương tự:“Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi phân phát cho
những người ngồi đó, mà dùng bữa.” (Ga 6: 11). Trước khi đó, Ngài cũng đã
đàm đạo cùng đồ đệ Phi-líp-phê.
Cuộc đàm đạo, nghe qua có vẻ đơn
giản. Tưởng như chỉ là một bộc bạch của dân thường, coi cuộc sống như chuyện
giản đơn, chân chất. Giản đơn như lời Thầy hỏi: “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn đây?”. Và, lời đáp từ đồ đệ của
Thầy lại cũng giản đơn, chân chất và bộc trực:“Có mua đến hai trăm quan tiền bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người được
một chút.” (Ga 6: 7). Một quan tiền, tương đương với tiền công một ngày làm
của một người.
Đàm đạo Thày - trò, là để vang vọng
cuộc đối thoại giữa Êlisha và Gia-vê Thiên Chúa, nơi bài đọc. Bài đọc 1, ngôn
sứ được dạy: hãy dưỡng nuôi hàng trăm dân lành chỉ bằng 20 ổ bánh. Và ngôn sứ
cứ hỏi:“Có bằng này, sao con có thể phát
cho cả trăm người?” Câu đáp trả khi ấy, vẫn là:“Con cứ phát cho mọi người ăn.” (2V 4: 43). Ở một đoạn khác, cũng thấy viết:“Hãy cho đi, anh em sẽ được Chúa cho lại.
Người sẽ đong lượng đấu đã dằn, đã lắc, đã tràn đầy; rồi đổ vào vạt áo của anh
em.” (Lc 6: 38)
Ngay khi đó, thánh An-rê có nói: “Ở đây, có em bé có năm chiếc bánh và hai
con cá.” (Ga 6:9) Lời Chúa ở đây, soi dọi lời ngôn sứ Êlisha, trong Cựu
Ước:“Chừng nấy, nào đủ cho bấy nhiêu
người.” Từ phản ứng này, ta có được diễn trình phụng tự, từ nơi Chúa:“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và
phân phát cho mọi người.” (Ga 6:11)
Điểm quan trọng, là: Chúa nuôi mọi
người, không từ chốn hư vô, bất định. Mà Ngài bắt đầu bằng những gì đã có sẵn ở
đó. Điều Chúa làm, là thực hiện ước vọng của em bé, lúc đó có mặt, đã vui lòng
chịu sẻ san cho hết mọi người được ăn no. Sẻ và san, cho cả người dưng khách
lạ, chẳng quen biết.
Các nhà chú giải cắt nghĩa “sự lạ” Chúa làm, là lòng độ lượng khởi
từ cử chỉ của bé em nhằm khuyến khích mọi người biết sẻ san, những gì mình có.
Sẻ và san, cho cả người dưng, khách lạ. Cho hết mọi người. Làm thế, cần có “sự lạ”
để phá bỏ tính vị kỷ của con người. Vị kỷ, là tánh khí chỉ biết lo an
toàn, cho riêng mình. An toàn cho riêng mình vì đã có tài khoản ở ngân hàng. An
toàn vì có vàng bạc/châu báu, phòng thân.
Hành động của bé em trong trình
thuật, đã phá đổ tường thành bằng đá, để ta thấy được việc Chúa tặng ban sự
sống, thể hiện qua những gì ta có, mà sẻ san. Sẻ và san, cho người nghèo. Những
người thiếu dinh dưỡng đang chết dần. Chết dần, chẳng phải vì thế giới thiếu
thực phẩm mà vì thiếu người người phân phát không đều. Dù là thực phẩm vẫn còn
đó rất nhiều. Nhưng khổ nỗi, người người đâu muốn sẻ san, hoặc không quen làm. Và
phương tiện sản xuất ra của ăn nuôi dưỡng, người nghèo muôn đời vẫn thiếu.
Tiệc thánh ta cử hành, là tiệc tình
thương, ta san sẻ. Là cơm bánh, ta sẻ san cho nhau, được thánh hoá để dâng
Chúa. Tiệc thánh, là tiệc bẻ bánh ta phân phát cho mọi người, cùng tham dự.
Tham dự Tiệc thánh chỉ có ý nghĩa khi ta có quyết tâm đùm bọc hết mọi người.
Đùm bọc- giùm giúp, suốt cả đời.
Trước khi ăn, mọi người được Chúa
bảo hãy ngồi xuống. Ở đây, ta còn biết thêm:“Chỗ
ấy có nhiều cỏ.” Đây, là lời vang vọng từ bài Thánh vịnh 23, trong đó ghi:“Gia-vê là Đấng chăn dắt tôi, tôi không còn
thiếu thốn gì. Nơi đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nghỉ ngơi.” (Tv 23: 1).
Điều cần nhớ, là: ở Tin Mừng Nhất Lãm,
các môn đệ được dạy: hãy phát bánh cho mọi người được ăn. Phát bánh, là đem
Chúa đến với mọi người. Trình thuật thánh Gio-an diễn tả: chính Chúa đã tự tay
phát bánh. Bằng việc này, thánh sử muốn báo trước lời Chúa nói ở một đoạn khác:
Ngài là Bánh Sự Sống, đến với thế gian. Ngài đến, ngang qua Lời. Bằng, Mình Máu
Ngài nơi Tiệc Thánh. Ở đây, thánh Gio-an còn muốn nhấn mạnh là: Chúa là nguồn
mạch mọi của ăn, thức uống. Cả về tinh thần, lẫn vật chất.
Cuối cùng, hơn 5000 người được ăn
uống no nê, ê hề. Không những thế, Chúa còn dạy môn đệ thu gom các mảnh thừa
còn lại, đừng phí phạm. Hơn 12 xọt thức ăn, còn thừa. Thừa ở đây, không có
nghĩa là đồ phế thải. Mà là, dấu hiệu về quà tặng Chúa ban rất đầy tràn và hậu
hĩnh. Hậu hĩnh, tuỳ nhu cầu mỗi người cả về tinh thần, lẫn vật chất. Con số 12,
là để chỉ sự đầy đặn, sung mãn và ứ tràn.
Ở đây nữa, đầy tràn/sung mãn, còn là
giòng tư tưởng của thánh Gio-an, khi viết sách Khải Huyền. Ở đây, cũng vang
vọng điều mà ngôn sứ Ê-li-sa thắc mắc hỏi mãi: 20 tấm bánh sao đủ chia? Ngay
khi ấy, ông được dạy:“Cứ dọn cho mọi
người ăn. Vì Chúa phán: Họ ăn no, mà vẫn thừa.” (2V 4: 43)
Phản ứng của đoàn dân con lúc ấy,
rất tích cực. Họ coi Chúa như nhân vật siêu phàm đầy quyền uy, nên bảo nhau: “Hẳn Ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến
với thế gian!” Và, họ muốn Ngài làm Vua. Làm Đấng Thiên Sai cho họ. Họ có
lý, nhưng đã lầm. Lầm, vì coi việc ấy chỉ như sự lạ về bánh và cá, được nhân
rộng. Lầm, vì họ chẳng hiểu gì về ý nghĩa của thông điệp Chúa tặng ban.
Thông điệp Chúa ban, khởi đầu bằng
Vương Quốc Nước Trời. Thông điệp, là nhằm đem mọi người về với Cha. Để, Cha
nuôi dưỡng bằng của ăn từ tay Đức Giê-su. Và để, người người có cơ hội theo
chân Đức Vua của mình. Bởi, chỉ mình Ngài, là Đức Vua duy nhất, dám chấp nhận
nỗi chết. Và là, cái chết trên thập tự. Dám, đồng hàng với đám tội phạm, thấp
hèn và ô nhục.
Vậy, đâu là dấu hiệu cho thấy Chúa
vẫn nuôi hết mọi người?
Bài đọc 2, thánh Phaolô khuyên ta
sống “sao cho xứng đáng với ơn gọi Chúa
ban.” (Êp 4: 1) Có hai dấu hiệu, chỉ về cuộc sống “xứng với ơn gọi Chúa
ban”, là:
1. Hỗ trợ nhau. Yêu thương nhau, qua
thái độ vô vị kỷ. Hiền lành. Kiên nhẫn. Và thứ tha.
2. Cố gắng duy trì tình đoàn kết, do
Thần Khí Chúa đem đến, bằng những tích luỹ hiền hoà. Bởi, ta không là tập hợp gồm các cá nhân sống
riêng lẻ, chỉ muốn làm vừa lòng Chúa, ngõ hầu lĩnh nhận phần thưởng cho riêng
mình. Nhưng, ta được kết hợp để trở thành Thân Mình Chúa. Trở thành cộng đoàn
hiệp nhất. Biết yêu thương, giùm giúp. Tiệc Thánh, là dấu chỉ Thân Mình Ngài rất
hiệp nhất. Ngài là Bánh Sự Sống. Là, của ăn nuôi dưỡng mọi người. Bằng mọi
cách. Ở đây. Bây giờ.
No comments:
Post a Comment