Mười năm không gặp tưởng chừng đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mưa bay đi một trời thương nhớ
Em ơi ! Bên kia có còn mắt buồn ?
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mưa bay đi một trời thương nhớ
Em ơi ! Bên kia có còn mắt buồn ?
Tôi gặp lại Trần Quảng Nam, người bạn học cũ xưa thời trung
học. Ở hải ngoại, Nam nổi tiếng với nhạc phẩm “Mười năm
tình cũ”. Anh chia sẻ với bạn bè về nguồn cảm hứng để viết được bài hát gây
được nhiều xúc động trong lòng thính giả này. Trong một lần soạn lại đống đồ
đạc cũ, anh tình cờ gặp một lá thư kỷ niệm của mối tình xa xưa, vật kỷ niệm này
làm anh nhớ đến người con gái một thời anh thương yêu mà nay đã xa cách, anh
cầm bút viết ngay tác phảm “Mười năm tình cũ”. Nam rất nghệ sĩ, sống thoải mái ngay từ
thời niên thiếu và bay bổng với những ý thơ. Chỉ cần một thoáng gợi nhớ, một
khung cảnh hữu tình, Nam viết ngay được một bài tình ca.
Những tâm tình nằm sâu trong ký ức,
chỉ cần một gợi nhớ sẽ dâng trào cảm xúc, sẽ dạt dào yêu thương. Con người ta
có kinh nghiệm về sự sống động của các kỷ vật, những vật vô tri vô giác nhưng
đã chuyển tải tình cảm mãnh liệt. Có một vị Linh Mục khuyên Giáo Dân: “Hãy nhớ để trong túi áo một cỗ tràng hạt,
nó sẽ giúp chúng ta nhớ có sự hiện diện của Chúa, sẽ giúp chúng ta nâng lòng
lên mỗi khi chao đảo, giúp ta vững vàng khi gặp thử thách gian nan”.
Lại có một vị khác nói vui với giới
trẻ: “Muốn gặp người mình thương, các bạn
cầm điện thoại di động, chỉ cần bấm vài phím sẽ nối mạch được với người mình
thương, tràng hạt chính là chiếc điện thoại di động của các bạn, chỉ lần trên
đầu ngón tay đôi ba hạt, các bạn đã được gặp Chúa”.
Những năm gần đây ở Nhà Thờ DCCT Sàigòn,
cha Bề Trên cho phục hồi lại tiếng chuông nhật một ( 12 giờ trưa, 6 giờ chiều ),
ban đầu bất ngờ nghe lại tiếng chuông vang lên vào những thời điểm lâu nay đã
bị nín lặng, nhiều người giật mình ngơ ngác không hiểu, nhưng đối với những
người tương đối lớn tuổi hơn, một thói quen tốt lành vội vã ùa về trong ký ức
tâm linh, họ hiểu và nhớ ngay rằng tiếng chuông nhắc mọi người cùng Mẹ hướng
lòng lên Chúa.
Trong một lần thăm viếng một làng
quê miền Trung cách nay khoảng 20 năm, Làng Kim Long Tổng Giáo Phận Huế, khi
chúng tôi đang trò chuyện với một người nông dân trên đám ruộng của anh, lúc ấy
vừa chính Ngọ, tiếng chuông Nhà Thờ rung ngân, anh vội vã chống chiếc cuốc, xoa
hai tay vào nhau cho sạch đất và làm dấu Thánh Giá nguyện kinh Truyền Tin. Hình
ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi mãi, vì khi ấy rất nhiều các Nhà Thờ trong
Sàigòn đã bỏ mất tiếng chuông này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bỏ
tiếng chuông thân quen, nhưng có một nguyên nhân chắc chắn nhất, ấy là khi áp
đặt quyền thống trị, người ta đã buộc các Nhà Thờ không được đánh chuông làm
mất giấc ngủ nhân dân lao động. Đáng tiếc rằng cái lý luận bảo vệ sức khỏe nhân
dân ấy lại cứ ra rả đủ mọi chuyện cả ngày từ sáng sớm với mấy cái loa thép của
ủy ban tra tấn mọi người, ô nhiễm cả bầu khí sống.
Những ngày
tháng này, khách đến Kỳ Đồng khi nghe tiếng chuông nhật một có nhiều tâm tình
khác nhau. Có một vị Linh Mục kể, trong một lần ngài vào thăm Nhà Sách Đức Mẹ,
mải mê xem các vật dụng ngài quên tiếng chuông nhật một đã cất lên, cô bé phục
vụ nhắc ngài: “Thưa bác, xin bác đọc kính”, ngài giật mình đứng nghiêm trang
lại và hòa mình vào tiếng kinh Truyền Tin, may quá cô bé không biết ngài là Linh
Mục, nhưng cảm giác “quê quá” trở thành câu chuyện vui cho anh em chọc ghẹo nhau
!
Một anh bạn kể lại, mỗi khi anh đến
Nhà Thờ Chúa Cứu Thế, anh phải “nghiên cứu” lại giờ ra về, nhiều lần vội vã lấy
xe ra để kịp giờ đón con, thẻ xe đã được kiểm tra qua máy quét, cây chắn chuẩn
bị nâng cao, bỗng dưng có tiếng chuông nhật một cất lên, cây chắn lập tức bỏ
xuống, người kiểm tra thẻ xe đứng thẳng lên đọc kính, anh bạn “tiến thoái lưỡng
nan” loay hoay một chút rồi cũng phải xuống xe bỏ mũ an toàn đọc kính vậy,
phiền hết sức nhưng cũng… vui hết sức !
Người dân ở thị trấn rất nhỏ tên là Mezzema
thuộc vùng Liguria, Tây Bắc nước Ý, một hôm đã quyết định kéo nhau xuống đường
gõ xô, gõ chậu inh ỏi cả lên để đòi vị Linh Mục duy nhất của thị trấn phải
gióng lên những hồi chuông quen thuộc mà họ vẫn thường nghe vào 7 giờ sáng mỗi
ngày. Sự tình là, có một ông khách du lịch thuộc loại giàu có nổi tiếng đặt
chân đến thị trấn và yêu cầu phải để cho ông ta được ngủ ngon bằng cách không
kéo chuông từ 10 giờ tối hôm trước cho đến 8 giờ sáng hôm sau. Đề nghị được
chính quyền thị trấn chỉ có 85 dân này chấp thuận, với hy vọng sẽ thu hút được
thêm nhiều khách du lịch nữa đến đây làm giàu về kinh tế cho thị trấn, và họ
yêu cầu Nhà Thờ đáp ứng, cha xứ đã tuân theo quy định mới này. Tuy nhiên, người
dân Mezzema đã quen với việc nghe tiếng chuông Nhà Thờ để thức dậy mỗi sáng
thay vì dùng đồng hồ báo thức, đã phản đối quyết định của chính quyền thị trấn.
Cuối cùng họ đã thắng. Và tiếng chuông đã lại ngân vang như trước… ( Kể lại phỏng
theo Nguyễn Xuân Khoát, Thông Tấn Xã Việt Nam ).
Tiếng chuông cũng ăn sâu vào văn hóa
dân tộc người Việt mình, biết bao nhiêu những áng văn thơ gắn chặt tâm tình con
người với tiếng chuông hay tháp chuông Nhà Thờ, có ai lại không rung động khi
nghe bản nhạc “Làng tôi” của Văn Cao với điệu valse dặt dìu gợi nhớ gợi thương.
“Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng
chuông ban chiều tiếng Nhà Thờ rung.
Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền một dòng sông…”
Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền một dòng sông…”
Khách hành hương đến viếng Nhà Thờ
Phát Diệm, chắc không quên quả chuông Nam vĩ đại treo trên Phương Đình.
Chuông được đúc năm 1890, dưới triều vua Thành Thái, bốn góc có bốn núm chuông,
bên trên mỗi núm là một chữ Hán ghi tên bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Từ đỉnh
chuông, những đường chỉ chạy dọc suốt thân chuông chia quả chuông thành bốn
mặt. Mỗi mặt chuông đều có văn tự theo chữ Hán. Riêng mặt Tây Bắc có những dòng
chữ Latinh: “Laudo Deum verum, voco
plebem, congrego clerum, defuntos ploro, pestem fugo, festa decoro”, nghĩa là:
“Tôi ca tụng Thiên Chúa thật, tôi kêu gọi
dân chúng, tôi triệu tập giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ,
tôi điểm tô ngày lễ.”
Sứ mạng của Hội Thánh là đem ánh
sáng Lời Chúa chiếu soi vào nhân loại, nhắc nhở và đánh thức lương tâm con
người, tiếng chuông Nhà Thờ là một kênh chuyển tải sứ điệp này, xin đừng ngại
và đừng tiếc chia sẻ tiếng chuông cho mọi người.
Ngày của Chúa trong tiếng chuông mời
gọi
Tưởng chừng nghe muôn khúc khải hoàn
ca.
( Thánh thi Kinh Sáng Chúa Nhật II
).
Lm. Vĩnh Sang, DCCT,
29.7.2012
No comments:
Post a Comment