Thursday, 26 July 2012

Lm Rtichard Leonard sj: Trần gian còn đó nỗi buồn



Mới đây, tôi được mời đến ăn tối ở nhà người bà con, thân thuộc. Gia đình lúc ấy đang ở trong tình huống lúng túng với cô con gái tuổi mới 13, mà tinh khí đã thất thường. Trước mặt khách quan, mà cô bé vẫn tỏ thái độ bất cần đời, nổi loạn. Cô không thích món rau trộn mẹ cô làm. Nên, mặt mày cô ủ rũ, nhất quyết tuyệt thực, để phản đối. Tự nhiên, món rau trộn trở thành đầu giây mối nhợ cho một mâu thuẫn, nghịch thường giữa hai thế hệ, mẹ và con.
Bà mẹ cố nhỏ nhẹ thuyết phục con gái yêu bằng những lời lẽ, rất ôn tồn: “Con à, phí của giời như thế, tội chết! Con biết không, trên thế giới còn rất nhiều người thèm được ăn cọng rau con bỏ đi, đấy. Họ mà ăn được đĩa sà-lát này, chắc sẽ nhớ ơn suốt đời”. Nghe thế, chẳng nói chẳng rằng, cô bé vụt dậy, bỏ đi nơi khác. Hồi sau trở lại, cầm chiếc phong bì lớn với cây bút nét đậm, cô đổ luôn đĩa rau vào phong bì, dán lại rồi vùng vằng nói: “Vậy chứ, bà muốn tôi gửi gói rau thúi cho đứa chó chết nào đây? Địa chỉ đâu?” Chứng kiến cảnh ‘hỡi ôi’ ấy, tôi thấy, ở đời làm cha làm mẹ không phải chuyện dễ. Sống độc thân như tôi, có khi thế mà lại hay. Nhưng, tất cả vẫn là: thông cảm, hoà hoãn, và kết hợp.
Phúc âm hôm nay cho thấy, khi biến 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi đủ 5 ngàn người, Đức Kitô nói thêm: “Mấy ông hãy thu nhặt các vụn vặt, còn thừa. Đừng bỏ phí.” Nghe Ngài nói, chắc người phương Tây chúng ta cũng chẳng bao giờ mường tượng nổi cái cảnh bụng đói cồn cào mà người dân ở các nước chậm phát triển đang gặp, hằng ngày. Có chứng kiến cảnh người nghèo đói chết dọc đường, các nước Âu Mỹ mới biết họ đang phung phí của ăn thức uống, đến chừng nào. Có lẽ, phải là thân thuộc người nhà đang chết dần chết mòn vì đói, hẳn mọi người mới thấy quý cuống rau, hột gạo. Và, dân tộc nào một khi đã kinh qua cảnh kinh tế suy thoái, chiến tranh điêu tàn, mới thấu hiểu ý nghĩa của câu nói: “Đừng bỏ phí!”.
Ngày nay, những ai có kinh nghiệm về đói - nghèo, đều đã cảnh giác trước những tình huống phung phí, đổ bỏ. Trong khi đó, ngược lại, vẫn có nhiều người tìm cách quên đi những tháng ngày cồn cào, thời bĩ cực. Họ chỉ biết quan tâm đến chuyện ‘khoan khoái’, hưởng thụ. Với người sống ở các nước đã phát triển, như cô bé tuổi 13 vừa kể, đói và khát chỉ là chuyện trong sách vở, quá khứ. Con người ngày nay đã quen đi các thảm cảnh xưa cũ, đang ‘ăn vào’ thân xác của mình, để rồi cứ thế béo phì, dư mỡ. 
Có người còn cho rằng: câu truyện Phúc âm về 5000 người được nuôi béo, đủ ăn, hoàn toàn có tính cách tượng trưng, giả tưởng. Chẳng cần tranh cãi, câu truyện Tin Mừng hôm nay qui chiếu về Thân Mình Đức Kitô, nơi đó chúng ta đang được Đức Chúa nuôi dưỡng bằng tình thương yêu, linh đạo. Tin Mừng của Chúa còn soi dọi về bữa tiệc lòng mến viên mãn, kéo dài. Ở nơi đó, không còn ai bụng đói, chết thèm. Dù chỉ cuống rau, hột gạo hoặc giọt nước trong lành.
Tin Mừng của Chúa đòi chúng ta nhìn vào thế giới hôm nay, với nhãn giới Vương quốc Nước Trời; ở đó, vị Chúa tể Tình thương vẫn san sẻ, quyết rời bỏ chốn ngai vàng bệ cao, ngõ hầu những người bụng cồn dạ đói, mới có được sự đỡ nâng, no đầy. Và, lúc ấy, các người giàu sang, phung phí lâu nay chẳng đoái hoài gì chuyện sẻ san, nuôi sống kẻ khác, sẽ bị án phạt, chúc dữ.
Có một yếu tố được gọi là sự ‘lầm-lỡ ân-tình’. Chính nhờ yếu tố này, chúng ta biết được những gì ta chịu làm, hoặc vẫn không muốn làm, ngõ hầu đem Vương quốc Nước Trời về với thế-giới-có-quá-nhiều-thức-ăn-thừa-mứa. Nếu biết rằng, trên thế giới, mỗi ngày bình quân có đến 29,000 người đã và đang chết một cách lãng phí, chỉ vì thiếu thức ăn, nước uống; và từ đó, là bệnh tật do thiếu thốn, do thái độ cố ý quên lãng nơi những người dư ăn, dư mặc là chúng ta; thì thử hỏi: phải chăng đây là một đáp trả có lý lẽ, hẳn hòi?
Vấn đề đặt ra hôm nay, là: có một khoảnh khắc trầm lặng, lành mạnh nào đó khơi dậy cuộc sống của chúng ta, về một chuyển đổi các thứ tự ưu tiên trong mọi sự việc. Chuyển đổi các thứ tự ưu tiên trong hành động, để rồi dẫn đến kêu gọi phải có thay đổi trong quyết định đối xử với nước nghèo, người nghèo?  Cụ thể hơn, cần có một thay đổi về hệ cấp ưu tiên trong hành xử; ưu tiên cao, từ nay, không còn tùy vào số lượng và kết quả của súng ống bom đạn nữa, mà là số lượng các bé lê lết thân gầy, những bụng cồn, dạ đói, đang chết khát.
Tôi vẫn tự hỏi: Đức Chúa nghĩ gì khi Ngài nghe người các nước giàu sang biện luận rằng: sở dĩ họ không chia sớt thức ăn, của cải cho người nghèo đói, là vì tại đây vẫn còn các nhà độc tài, tự cao tự mãn, chuyên ăn trên ngồi chốc, không lo cho con dân của mình; thậm chí, vẫn cứ vơ vét tiền tài, vật chất đem chôn giấu tại các ngân hàng úp mở ở Thụy sỹ -hay đâu đó- hoặc vẫn bỏ tiền ra quyết xây dựng thật nhiều vũ khí hạt nhân, qui ước. Và, muôn ngàn lý do khác khả dĩ biện minh cho thái độ ơ hờ, quên lãng.
Dù có phải đối đầu với những vấn đề phức tạp như thế, chúng ta vẫn còn khá nhiều phương thế thực tiễn hầu cứu sống người đói kém, nghèo hèn. Bởi, người nghèo đói có được cứu sống, đỡ nâng tăng cường sinh lực, thì một ngày no đó, mới có khả năng lo cho đất nước, dân tộc của chính mình.
Với câu nói xấc xược của cô bé tuổi 13: “Vậy chứ, bà muốn tôi gửi mớ rau thúi cho đứa nào đây?” tôi đã có câu trả lời: “Này cháu, hãy viết chính tên mình vào bì thư mà gửi. Bởi, chính sự dư dật thừa mứa lâu nay đã biến cháu thành người có nhiều nhu cầu nhất thế giới đó.”
Cầu mong Tiệc thánh hôm nay giúp ta làm được đôi chuyện cho trái đất này, như ta sẽ làm ở nơi cao, chốn vĩnh hằng, muôn thuở. Bởi, Vương quốc Nước Trời chính là chốn có nhiều người bụng đói, môi miệng khát thèm dù chỉ một giọt nước trong lành. Bởi, nơi đó, mọi người không kể đói no giàu nghèo, đều được đón tiếp, ăn uống thỏa thuê. Bởi, những gì ‘dư thừa còn sót’ đã được các đấng công chính thu nhặt lại, chẳng bỏ phí. Và, ở nơi đó, chẳng có gì để vứt bỏ, phung phí.
Quả là, trần gian còn đó nỗi buồn. Buồn, vì vẫn còn nghịch lý, trớ trêu. Trớ trêu vì lý lẽ rất nghịch là bởi người đời sống với nhau rất gần, kéo dài nhiều năm tháng, nhưng vẫn chẳng tìm đâu ra nỗi niềm hân hoan, trao đổi. Người người vẫn cứ quan hệ đối trao, nhưng nào có được sự cảm thông, kết hợp. Chí ít, là thông cảm thắm thiết tình mẹ con, chồng vợ. Nỗi buồn trần gian cứ mãi miên trường, không dứt. Và, trớ trêu vẫn chỉ chấm dứt, khi những người con trâng tráo, xấc xược biết thông cảm, hiểu được mẹ hiền. Nghịch lý cuộc đời sẽ chỉ kết thúc, một khi kẻ giàu người sang biết san sẻ tiền tài, vật chất với dân hèn mạt kiếp, đang cồn cào đói khát hiệp thông, chia sớt. Chia thức ăn, nước uống; sớt tình yêu thương, vỗ về. Khi ấy, Nước Trời đã trở thành hiện thực. Vương quốc Đức Kitô đã nên ngời sáng. Đấy mới là nhu cầu ‘ắt và đủ’ trong cuộc sống, người đời.

No comments: