Monday, 30 July 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: NGÀY CỦA CHÚA TRONG TIẾNG CHUÔNG MỜI GỌI



Mười năm không gặp tưởng chừng đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mưa bay đi một trời thương nhớ
Em ơi ! Bên kia có còn mắt buồn ?
Tôi gặp lại Trần Quảng Nam, người bạn học cũ xưa thời trung học. Ở hải ngoại, Nam nổi tiếng với nhạc phẩm “Mười năm tình cũ”. Anh chia sẻ với bạn bè về nguồn cảm hứng để viết được bài hát gây được nhiều xúc động trong lòng thính giả này. Trong một lần soạn lại đống đồ đạc cũ, anh tình cờ gặp một lá thư kỷ niệm của mối tình xa xưa, vật kỷ niệm này làm anh nhớ đến người con gái một thời anh thương yêu mà nay đã xa cách, anh cầm bút viết ngay tác phảm “Mười năm tình cũ”. Nam rất nghệ sĩ, sống thoải mái ngay từ thời niên thiếu và bay bổng với những ý thơ. Chỉ cần một thoáng gợi nhớ, một khung cảnh hữu tình, Nam viết ngay được một bài tình ca.
Những tâm tình nằm sâu trong ký ức, chỉ cần một gợi nhớ sẽ dâng trào cảm xúc, sẽ dạt dào yêu thương. Con người ta có kinh nghiệm về sự sống động của các kỷ vật, những vật vô tri vô giác nhưng đã chuyển tải tình cảm mãnh liệt. Có một vị Linh Mục khuyên Giáo Dân: “Hãy nhớ để trong túi áo một cỗ tràng hạt, nó sẽ giúp chúng ta nhớ có sự hiện diện của Chúa, sẽ giúp chúng ta nâng lòng lên mỗi khi chao đảo, giúp ta vững vàng khi gặp thử thách gian nan”.
Lại có một vị khác nói vui với giới trẻ: “Muốn gặp người mình thương, các bạn cầm điện thoại di động, chỉ cần bấm vài phím sẽ nối mạch được với người mình thương, tràng hạt chính là chiếc điện thoại di động của các bạn, chỉ lần trên đầu ngón tay đôi ba hạt, các bạn đã được gặp Chúa”.
Những năm gần đây ở Nhà Thờ DCCT Sàigòn, cha Bề Trên cho phục hồi lại tiếng chuông nhật một ( 12 giờ trưa, 6 giờ chiều ), ban đầu bất ngờ nghe lại tiếng chuông vang lên vào những thời điểm lâu nay đã bị nín lặng, nhiều người giật mình ngơ ngác không hiểu, nhưng đối với những người tương đối lớn tuổi hơn, một thói quen tốt lành vội vã ùa về trong ký ức tâm linh, họ hiểu và nhớ ngay rằng tiếng chuông nhắc mọi người cùng Mẹ hướng lòng lên Chúa.
Trong một lần thăm viếng một làng quê miền Trung cách nay khoảng 20 năm, Làng Kim Long Tổng Giáo Phận Huế, khi chúng tôi đang trò chuyện với một người nông dân trên đám ruộng của anh, lúc ấy vừa chính Ngọ, tiếng chuông Nhà Thờ rung ngân, anh vội vã chống chiếc cuốc, xoa hai tay vào nhau cho sạch đất và làm dấu Thánh Giá nguyện kinh Truyền Tin. Hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi mãi, vì khi ấy rất nhiều các Nhà Thờ trong Sàigòn đã bỏ mất tiếng chuông này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bỏ tiếng chuông thân quen, nhưng có một nguyên nhân chắc chắn nhất, ấy là khi áp đặt quyền thống trị, người ta đã buộc các Nhà Thờ không được đánh chuông làm mất giấc ngủ nhân dân lao động. Đáng tiếc rằng cái lý luận bảo vệ sức khỏe nhân dân ấy lại cứ ra rả đủ mọi chuyện cả ngày từ sáng sớm với mấy cái loa thép của ủy ban tra tấn mọi người, ô nhiễm cả bầu khí sống.
Những ngày tháng này, khách đến Kỳ Đồng khi nghe tiếng chuông nhật một có nhiều tâm tình khác nhau. Có một vị Linh Mục kể, trong một lần ngài vào thăm Nhà Sách Đức Mẹ, mải mê xem các vật dụng ngài quên tiếng chuông nhật một đã cất lên, cô bé phục vụ nhắc ngài: “Thưa bác, xin bác đọc kính”, ngài giật mình đứng nghiêm trang lại và hòa mình vào tiếng kinh Truyền Tin, may quá cô bé không biết ngài là Linh Mục, nhưng cảm giác “quê quá” trở thành câu chuyện vui cho anh em chọc ghẹo nhau !
Một anh bạn kể lại, mỗi khi anh đến Nhà Thờ Chúa Cứu Thế, anh phải “nghiên cứu” lại giờ ra về, nhiều lần vội vã lấy xe ra để kịp giờ đón con, thẻ xe đã được kiểm tra qua máy quét, cây chắn chuẩn bị nâng cao, bỗng dưng có tiếng chuông nhật một cất lên, cây chắn lập tức bỏ xuống, người kiểm tra thẻ xe đứng thẳng lên đọc kính, anh bạn “tiến thoái lưỡng nan” loay hoay một chút rồi cũng phải xuống xe bỏ mũ an toàn đọc kính vậy, phiền hết sức nhưng cũng… vui hết sức !
Người dân ở thị trấn rất nhỏ tên là Mezzema thuộc vùng Liguria, Tây Bắc nước Ý, một hôm đã quyết định kéo nhau xuống đường gõ xô, gõ chậu inh ỏi cả lên để đòi vị Linh Mục duy nhất của thị trấn phải gióng lên những hồi chuông quen thuộc mà họ vẫn thường nghe vào 7 giờ sáng mỗi ngày. Sự tình là, có một ông khách du lịch thuộc loại giàu có nổi tiếng đặt chân đến thị trấn và yêu cầu phải để cho ông ta được ngủ ngon bằng cách không kéo chuông từ 10 giờ tối hôm trước cho đến 8 giờ sáng hôm sau. Đề nghị được chính quyền thị trấn chỉ có 85 dân này chấp thuận, với hy vọng sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch nữa đến đây làm giàu về kinh tế cho thị trấn, và họ yêu cầu Nhà Thờ đáp ứng, cha xứ đã tuân theo quy định mới này. Tuy nhiên, người dân Mezzema đã quen với việc nghe tiếng chuông Nhà Thờ để thức dậy mỗi sáng thay vì dùng đồng hồ báo thức, đã phản đối quyết định của chính quyền thị trấn. Cuối cùng họ đã thắng. Và tiếng chuông đã lại ngân vang như trước… ( Kể lại phỏng theo Nguyễn Xuân Khoát, Thông Tấn Xã Việt Nam ).
Tiếng chuông cũng ăn sâu vào văn hóa dân tộc người Việt mình, biết bao nhiêu những áng văn thơ gắn chặt tâm tình con người với tiếng chuông hay tháp chuông Nhà Thờ, có ai lại không rung động khi nghe bản nhạc “Làng tôi” của Văn Cao với điệu valse dặt dìu gợi nhớ gợi thương.
“Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều tiếng Nhà Thờ rung.
Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền một dòng sông…”
Khách hành hương đến viếng Nhà Thờ Phát Diệm, chắc không quên quả chuông Nam vĩ đại treo trên Phương Đình. Chuông được đúc năm 1890, dưới triều vua Thành Thái, bốn góc có bốn núm chuông, bên trên mỗi núm là một chữ Hán ghi tên bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Từ đỉnh chuông, những đường chỉ chạy dọc suốt thân chuông chia quả chuông thành bốn mặt. Mỗi mặt chuông đều có văn tự theo chữ Hán. Riêng mặt Tây Bắc có những dòng chữ Latinh: “Laudo Deum verum, voco plebem, congrego clerum, defuntos ploro, pestem fugo, festa decoro”, nghĩa là: “Tôi ca tụng Thiên Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi triệu tập giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ.”
Sứ mạng của Hội Thánh là đem ánh sáng Lời Chúa chiếu soi vào nhân loại, nhắc nhở và đánh thức lương tâm con người, tiếng chuông Nhà Thờ là một kênh chuyển tải sứ điệp này, xin đừng ngại và đừng tiếc chia sẻ tiếng chuông cho mọi người.
Ngày của Chúa trong tiếng chuông mời gọi
Tưởng chừng nghe muôn khúc khải hoàn ca.
( Thánh thi Kinh Sáng Chúa Nhật II ).
Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 29.7.2012

Sunday, 29 July 2012

Lm NguyễnThểHiển CSsR: ĐỨC GIÊSU LÀM CHO BÁNH HÓA NHIỀU



Sự kiện Đức Giêsu làm cho bánh hóa nhiều diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, Đấng ban cho nhân loại phẩm giá và tự do. Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại sự kiện đó trong 6, 115. Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ tập trung vào cc. 111.
“Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria” ( c. 1 ). Tác giả Gioan không cho chúng ta biết Đức Giêsu từ đâu sang bên kia Biển Hồ, và do đó chúng ta cũng không biết Người đến nơi nào. Điều quan trọng là Người rời xa một nơi nào đó. Nhưng đó là nơi nào ? Những dữ kiện do bản văn phía trước cung cấp cho phép người ta nghĩ rằng Đức Giêsu rời đi từ Giêrusalem, ở đó người Do Thái đang tìm cách giết Người ( 5, 18 ). Nếu không muốn xác định quá rõ là Giêrusalem, thì chí ít cũng có thể nghĩ rằng Đức Giêsu xuất phát từ vùng đất đang phải chịu sự thống trị và ảnh hưởng của các thiết chế Do Thái, vùng đất đầy sự áp bức của nguyên lý và ý thức hệ Do Thái giáo, dù đó là Giuđê hay đó là Galilê, trong đó, Giêrusalem là trung tâm. Người rời xa vùng đất đó để sang bên kia Biển Hồ. Biển hồ này được tác giả giới thiệu bằng một danh xưng kép, vừa của Do Thái ( Galilê ) vừa của dân ngoại ( Tibêria ), ngầm cho thấy đây là một vùng mà dân cư bao gồm cà người Do Thái lẫn người ngoại. Những gì Đức Giêsu sắp thực hiện sẽ được dành cho tất cả mọi người.
“Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” ( c. 2 ). Tác giả Tin Mừng cố ý không nói đám đông dân chúng này kéo đến từ những vùng nào. Ông chỉ nhấn mạnh lý do khiến cho họ kéo đến mà thôi. Họ đã từng chứng kiến những dấu lạ Đức Giêsu thực hiện cho những người đau ốm. Điều đó làm dấy lên trong lòng họ niềm hy vọng mãnh liệt, rằng Người sẽ có thể giải thoát mọi người và có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn, đậm chất người hơn. Những người kéo đến với Đức Giêsu hôm nay có lẽ gồm nhiều hạng người, chứ không phải chỉ là những người ốm đau bệnh tật. Họ có thể là những người ở vào thế yếu xét về kinh tế hay về xã hội. Điều họ hy vọng là sẽ được giải thoát khỏi tình cảnh khốn khổ đau thương, không chỉ về phương diện thể lý. Họ kéo đến với Đức Giêsu, mang theo một niềm hy vọng mạnh mẽ trong tâm hồn.
“Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái” ( cc. 34 ). Trong bản văn Hy Lạp, hạn từ “núi” có mạo từ, tức là một ngọn núi xác định. Núi là một hình ảnh rất đa nghĩa. Ở đây có thể hiểu theo nghĩa là hình ảnh của cảnh vực gần gũi Thiên Chúa, nơi chốn của vinh quang Thiên Chúa. Mà trong quan niệm của Tin Mừng theo Thánh Gioan, vinh quang Thiên Chúa chính là tình yêu của Người. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó, tức là Người đang ở trong cảnh vực thần linh, tràn đầy tình yêu. Đối với nhân loại, Người chính là nơi mà ở đó vinh quang Thiên Chúa hiện diện và thể hiện. Các môn đệ đang ở đó với Người.
“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?" Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” ( cc. 56 ). Dân chúng kéo đến với Đức Giêsu, một cách tự nguyện. Về phần mình, Đức Giêsu “nhìn thấy” họ. Người quan tâm đến tình cảnh của họ. Người nhìn thấu tình cảnh thật của họ. Khi đặt câu hỏi cho ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”, Đức Giêsu muốn mời gọi ông, và cùng với ông là tất cả cộng đoàn các môn đệ, đối diện với một thực tế trước mặt, thực tế của một đám đông không có khả năng giải quyết ngay cả cái nhu cầu thiết yếu nhất của mình để có thể tồn tại.
Một điều đáng ghi nhận là với câu hỏi này, Đức Giêsu đồng thời cũng đưa ra một sự phân biệt những người đang hiện diện trên núi thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm Đức Giêsu và các môn đệ của Người: “chúng ta”. Nhóm thứ hai là đám đông dân chúng còn lại: “họ”. Và điều đang được thực hiện là một cuộc đối thoại bên trong nhóm thứ nhất.
Trong câu hỏi của Đức Giêsu, mà như chính tác giả Gioan cẩn thận ghi chú là một câu hỏi để thử Philípphê và các môn đệ, ta thấy xuất hiện chủ đề tiền bạc, qua động từ “mua”. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chủ đề tiền bạc xuất hiện trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Nền phụng thờ tiền bạc đã thế chỗ nền phụng tự Thiên Chúa đích thực trong đền thờ, và Đức Giêsu đã từng phản ứng mạnh mẽ với điều đó trong 2, 16. Tiền bạc và cùng với nó là hệ thống kinh tế bóc lột đã đè trên vai dân chúng những gánh nặng và bất công kinh khủng. Trong câu hỏi của Đức Giêsu dành cho ông Philípphê và các môn đệ, động từ “mua” giả thiết một hệ thống kinh tế trong đó một vài người nắm trong tay lương thực cần cho sự sống nhưng anh ta sẽ không cung cấp nó cho những người cần nếu họ không thỏa mãn những điều kiện của anh ta. Cái hệ thống này tạo ra sự tùy thuộc, và trong hệ thống đó sự sống sẽ không được cung cấp cho con người một cách trực tiếp, mà phải ngang qua một số cá nhân nắm quyền kiểm soát.
“Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút" ( c. 7 ). Câu trả lời này cho thấy một sự bế tắc. Chỉ dựa trên những nguyên tắc và cấu trúc tổ chức xã hội hay kinh tế thuần túy, có lẽ người ta sẽ không bao giờ giải quyết thỏa đáng tình cảnh của những con người nghèo khổ. Còn cần phải có những điều gì khác nữa, vượt quá những cấu trúc kinh tế hay xã hội thuần túy. Ông Philípphê đã không hướng cái nhìn ra bên ngoài hệ thống và cấu trúc kinh tế, nên ông không còn cách nào khác ngoài lời kết luận về sự bất lực và bế tắc, dù chỉ là để thỏa mãn “một chút” những đòi hỏi thực tế.
Vừa lúc ông Philípphê đi đến chỗ bế tắc, xuất hiện một nhân vật khác trong số các đồ đệ, hướng cái nhìn của cả nhóm theo một đường chân trời khác một chút. “Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !" ( cc. 89 ). Ông Anrê đưa ra một quan sát và ghi nhận thực tế. Bắt đầu xuất hiện một giải pháp khác bên ngoài những quy tắc của hệ thống được xây dựng trên nền tảng lạnh lùng và thuần túy kinh tế. Hình như ông Anrê đang nghĩ đến một sự chia sẻ trong tình yêu. Nhưng lập tức, ông không tin điều đó có thể đủ sức giải quyết vấn đề vốn quá lớn.
Điều thú vị là ông Anrê nói đến “một em bé” và nói rõ “đang ở đây”. Như trên đã nói, chúng ta đang ở trong cuộc trao đổi của nhóm thứ nhất, gồm Đức Giêsu và các môn đệ, phân biệt với nhóm thứ hai là đám đông dân chúng. Vậy em bé đang ở đây là ai ? Sao lại xuất hiện em bé ở đây ? Đâu là ý nghĩa của chi tiết này ? Thực ra, hạn từ paidarion không chỉ có nghĩa là một đứa trẻ, một cậu bé, mà thường được dùng để chỉ một đầy tớ. Hình ảnh paidarion “đang ở đây”, trong nhóm thứ nhất, có ý trình bày nhóm các môn đệ này với một đặc trưng quan trọng: sẵn sàng phục vụ đám đông như những người hầu bàn. Mà quả thực, chút nữa đây, chính Đức Giêsu cũng sẽ phục vụ đám đông này như một người đầy tớ phục vụ ông chủ trong bữa ăn ( c. 11 ). Cộng đoàn của Đức Giêsu, như thế, đang hiện diện trước mặt thế gian trong tư thế của một nhóm khiêm hạ xét về phương diện xã hội, không có bất cứ tham vọng nào ngoài khát khao phục vụ nhân loại.
Nhưng nhóm nhỏ ấy, theo quan sát của Anrê, chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá. Cả bốn sách Tin Mừng đều nói đến con số 5 chiếc bánh. Có lẽ con số 5 ám chỉ 5 cuộn của sách Luật. 5 chiếc bánh lúa mạch của các môn đệ là hình ảnh của tình yêu thay thế cho 5 cuộn sách Luật, cộng thêm 2 con cá nhỏ, thành con số 7 chỉ sự tròn đầy. Nhưng như ông Anrê cay đắng ghi nhận: bấy nhiêu thì thấm vào đâu ? Giải pháp của Anrê vừa được hé lộ đã như thể lập tức trở thành bất lực vô vọng.
Nhưng thực ra không hẳn là như vậy. Bởi lẽ ngay vào lúc các môn đệ đang có vẻ bi quan, Đức Giêsu đưa ra cho họ một lệnh truyền.“Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn" ( c. 10 ). Ngồi ăn là tư thế của những người tự do. Khi dân chúng ngồi mà ăn, thì tức là họ được hiện hữu trong tư thế của những con người tự do, có phẩm giá. Và các môn đệ sẽ phải hiện diện bên cạnh họ như những con người phục vụ, trong tư thế của paidarion mà ông Anrê vừa đề cập. Phục vụ đám đông, các môn đệ mang lại cho đám đông phẩm giá của những con người tự do, những ông chủ. Những con người tự do trong ân huệ Thánh Thần, đó chính là ý nghĩa ẩn dụ của chi tiết mà tất cả các sách Tin Mừng đều ghi nhận: năm ngàn người đàn ông trưởng thành ( x. Mt 14, 21; 16, 9; Mc 6, 44; 8, 19; Lc 9, 14 ).
“Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý” ( c. 11 ). Đức Giêsu cầm lấy những chiếc bánh của cộng đoàn các môn đệ. Chính cộng đoàn này phải tìm lấy giải pháp tự nơi mình, chứ không phải là tạo ra những sự tùy thuộc trước hết vào các hệ thống bóc lột. Thật ra, cái mà cộng đoàn môn đệ có thể cung cấp cho thế giới thì quá bé nhỏ. Nhưng khi nó được Đức Giêsu cầm lấy, thì tức là nó đã được đưa vào một tầm mức khác hẳn. Đồng thời, xuất hiện một yếu tố hoàn toàn mới mẻ: Đức Giêsu dâng lời tạ ơn, tức là đưa vào một thực tại mới là chính Thiên Chúa. Chỉ khi Đức Giêsu đã cầm lấy mấy chiếc bánh của cộng đoàn môn đệ và đưa vào trong tương quan với Thiên Chúa, thì đám đông dân chúng mới được ăn no nê. Hệ thống kinh tế và cùng với nó là những cấu trúc nhân loại, đã tỏ ra bất lực ( giải pháp Philípphê ). Nguyên lòng tốt của con người đối với nhau cũng không thấm vào đâu ( giải pháp Anrê ). Nhưng khi lòng tốt ấy được Đức Giêsu “cầm lấy” và đặt vào trong tay Thiên Chúa, thì mọi sự sẽ khác hẳn ( giải pháp Giêsu ).
Chính Đức Giêsu phân phát bánh và cá. Chính Người trở thành người phục vụ nhân loại. Một ghi nhận đáng chú ý của tác giả Tin Mừng: “Ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. Có hai yếu tố được nối vào với nhau ở đây: sự dẫy tràn ( bao nhiêu tùy ý ) và sự tự do ( muốn ). Thế là dân chúng được no nê. “Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" ( cc. 1214 ).
Trình thuật Tin Mừng kết thúc bằng một chi tiết khá bất ngờ nhưng rất đặc biệt: “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” ( c. 15 ).
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Saturday, 28 July 2012

“Em lặng lẽ, tháng ngày như thế đó”


Suy niệm Chúa nhật thứ 17 thường niên năm B

“Em lặng lẽ, tháng ngày như thế đó”
Anh thương lắm, đôi bàn tay nho nhỏ
Đã làm nên bao chuyện lạ trên đời .
(dẫn từ thơ Võ Văn Trực)
Ga 6: 1-15
            Chuyện lạ em làm, đôi tay nào có nhỏ. Việc lạ Chúa tặng ban, trình thuật rày diễn tả đẹp biết bao!
            Trình thuật thánh Gio-an diễn tả, là chuyện về dấu lạ Chúa làm cho cả ngàn người. Dấu lạ thánh Mác-cô kể về việc Chúa nhân bản những bánh và cá, ban cho hơn 5 ngàn người, chỉ kể đàn ông. Hai thánh sử Gioan và Mác-cô đều diễn trình công việc Chúa làm, khi Ngài đặt chân lên bờ Biển Hồ Galilê, để nguyện cầu. Biển Hồ hôm ấy, có chúng dân theo chân Ngài, rất đông. Họ bám theo Ngài, để được nghe. Và, được chữa lành.
            Ngay từ đầu, thánh Gio-an đã ghi rõ: “Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với môn đệ”. Ở đây thánh sử không có ý chỉ về tư thế, lúc Chúa nguyện cầu. Mà là biểu trưng, thánh sử muốn người đọc gợi nhớ về sự lạ Môsê đem về từ núi thánh. Sự lạ Môsê đem, là Lề Luật Thiên Chúa tặng ban dân Người.
            Cũng nói về sự lạ, nhưng vẫn có khác biệt ở hai Đấng. Sự lạ Chúa làm là Ngài không thực hiện theo cung cách của Đấng Trung Gian Cầu Bàu. Nhưng, do tự Ngài. Ngài có quyền năng ban truyền sự lạ,  như Gia-vê đã làm, thời Cựu Ước. Sự lạ, được diễn tả ở trình thuật thánh Mác-cô, xem ra có hơi khác.
Thánh Mác-cô, cho thấy Chúa làm dấu lạ cho dân Ngài, trước nhất là để giảng dạy. Với thánh Gio-an, việc Chúa giảng dạy trải dài qua năm tháng, đầy kinh nghiệm. Còn với Môsê, ông lên núi nhận dấu lạ bài sai, chỉ một mình. Sự lạ Chúa làm, Ngài luôn có môn đệ, đi theo. Vì, các môn đệ là những vị luôn hợp tác với Chúa trong công trình cứu độ. Hợp tác, cả vào những tháng ngày, sau Phục Sinh, nữa.                  
Việc Chúa dạy, không chỉ mỗi thánh Gio-an lo toan phụ trách, nhưng toàn thể đồ đệ Chúa, đều làm. Khi xưa, Môsê đem cho dân, chỉ mỗi lời răn dạy của Gia-vê Thiên Chúa, bằng Lề Luật, qua Man-na gửi từ trời. Qua Đức Giêsu, Môsê Mới, Thiên Chúa vẫn dưỡng nuôi đoàn dân con đến với Ngài, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an có ghi: “Lễ Vượt Qua của người Do Thái, đã gần kề”. Vượt Qua, là một đại lễ. Vào dịp đó, người Do Thái mừng kính việc Thiên Chúa giải thoát dân con người người, khỏi ách thống trị của Ai Cập. Vượt Qua, còn là dịp thuận để Chúa đưa mọi người về với tự do. Ban tặng họ ân huệ làm “dân con được chọn”. Đại lễ này, có bối cảnh làm nền cho cuộc “Vượt Qua” mới. Có Chúa làm trọng tâm. Có sự thống khổ, Ngài chấp nhận. Chấp nhận cả nỗi chết. Và sống lại, ngõ hầu giải thoát con người, khỏi lỗi lầm. Khỏi mọi lỗi tội gây nên nỗi chết.  
Trước khi xảy đến dấu lạ của nỗi chết, Chúa đã tặng ban cho môn đồ -và Hội thánh- dấu lạ cao cả, là cuộc Vượt Qua Mới, của Ngài. Phương cách Chúa làm, là cốt để diễn bày trước, bối cảnh của cuộc Tạ Từ rất thánh thiêng. Lúc ấy, Chúa cũng làm cùng một cử chỉ tương tự:“Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó, mà dùng bữa.” (Ga 6: 11). Trước khi đó, Ngài cũng đã đàm đạo cùng đồ đệ Phi-líp-phê.
Cuộc đàm đạo, nghe qua có vẻ đơn giản. Tưởng như chỉ là một bộc bạch của dân thường, coi cuộc sống như chuyện giản đơn, chân chất. Giản đơn như lời Thầy hỏi: “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn đây?”. Và, lời đáp từ đồ đệ của Thầy lại cũng giản đơn, chân chất và bộc trực:“Có mua đến hai trăm quan tiền bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người được một chút.” (Ga 6: 7). Một quan tiền, tương đương với tiền công một ngày làm của một người.
Đàm đạo Thày - trò, là để vang vọng cuộc đối thoại giữa Êlisha và Gia-vê Thiên Chúa, nơi bài đọc. Bài đọc 1, ngôn sứ được dạy: hãy dưỡng nuôi hàng trăm dân lành chỉ bằng 20 ổ bánh. Và ngôn sứ cứ hỏi:“Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người?” Câu đáp trả khi ấy, vẫn là:“Con cứ phát cho mọi người ăn.” (2V 4: 43). Ở một đoạn khác, cũng thấy viết:“Hãy cho đi, anh em sẽ được Chúa cho lại. Người sẽ đong lượng đấu đã dằn, đã lắc, đã tràn đầy; rồi đổ vào vạt áo của anh em.” (Lc 6: 38)
Ngay khi đó, thánh An-rê có nói: “Ở đây, có em bé có năm chiếc bánh và hai con cá.” (Ga 6:9) Lời Chúa ở đây, soi dọi lời ngôn sứ Êlisha, trong Cựu Ước:“Chừng nấy, nào đủ cho bấy nhiêu người.” Từ phản ứng này, ta có được diễn trình phụng tự, từ nơi Chúa:“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và phân phát cho mọi người.” (Ga 6:11)
Điểm quan trọng, là: Chúa nuôi mọi người, không từ chốn hư vô, bất định. Mà Ngài bắt đầu bằng những gì đã có sẵn ở đó. Điều Chúa làm, là thực hiện ước vọng của em bé, lúc đó có mặt, đã vui lòng chịu sẻ san cho hết mọi người được ăn no. Sẻ và san, cho cả người dưng khách lạ, chẳng quen biết.
Các nhà chú giải cắt nghĩa “sự lạ” Chúa làm, là lòng độ lượng khởi từ cử chỉ của bé em nhằm khuyến khích mọi người biết sẻ san, những gì mình có. Sẻ và san, cho cả người dưng, khách lạ. Cho hết mọi người. Làm thế, cần có “sự lạ”  để phá bỏ tính vị kỷ của con người. Vị kỷ, là tánh khí chỉ biết lo an toàn, cho riêng mình. An toàn cho riêng mình vì đã có tài khoản ở ngân hàng. An toàn vì có vàng bạc/châu báu, phòng thân.          
Hành động của bé em trong trình thuật, đã phá đổ tường thành bằng đá, để ta thấy được việc Chúa tặng ban sự sống, thể hiện qua những gì ta có, mà sẻ san. Sẻ và san, cho người nghèo. Những người thiếu dinh dưỡng đang chết dần. Chết dần, chẳng phải vì thế giới thiếu thực phẩm mà vì thiếu người người phân phát không đều. Dù là thực phẩm vẫn còn đó rất nhiều. Nhưng khổ nỗi, người người đâu muốn sẻ san, hoặc không quen làm. Và phương tiện sản xuất ra của ăn nuôi dưỡng, người nghèo muôn đời vẫn thiếu.
Tiệc thánh ta cử hành, là tiệc tình thương, ta san sẻ. Là cơm bánh, ta sẻ san cho nhau, được thánh hoá để dâng Chúa. Tiệc thánh, là tiệc bẻ bánh ta phân phát cho mọi người, cùng tham dự. Tham dự Tiệc thánh chỉ có ý nghĩa khi ta có quyết tâm đùm bọc hết mọi người. Đùm bọc- giùm giúp, suốt cả đời.
Trước khi ăn, mọi người được Chúa bảo hãy ngồi xuống. Ở đây, ta còn biết thêm:“Chỗ ấy có nhiều cỏ.” Đây, là lời vang vọng từ bài Thánh vịnh 23, trong đó ghi:“Gia-vê là Đấng chăn dắt tôi, tôi không còn thiếu thốn gì. Nơi đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nghỉ ngơi.” (Tv 23: 1).
Điều cần nhớ, là: ở Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ được dạy: hãy phát bánh cho mọi người được ăn. Phát bánh, là đem Chúa đến với mọi người. Trình thuật thánh Gio-an diễn tả: chính Chúa đã tự tay phát bánh. Bằng việc này, thánh sử muốn báo trước lời Chúa nói ở một đoạn khác: Ngài là Bánh Sự Sống, đến với thế gian. Ngài đến, ngang qua Lời. Bằng, Mình Máu Ngài nơi Tiệc Thánh. Ở đây, thánh Gio-an còn muốn nhấn mạnh là: Chúa là nguồn mạch mọi của ăn, thức uống. Cả về tinh thần, lẫn vật chất.
Cuối cùng, hơn 5000 người được ăn uống no nê, ê hề. Không những thế, Chúa còn dạy môn đệ thu gom các mảnh thừa còn lại, đừng phí phạm. Hơn 12 xọt thức ăn, còn thừa. Thừa ở đây, không có nghĩa là đồ phế thải. Mà là, dấu hiệu về quà tặng Chúa ban rất đầy tràn và hậu hĩnh. Hậu hĩnh, tuỳ nhu cầu mỗi người cả về tinh thần, lẫn vật chất. Con số 12, là để chỉ sự đầy đặn, sung mãn và ứ tràn.
Ở đây nữa, đầy tràn/sung mãn, còn là giòng tư tưởng của thánh Gio-an, khi viết sách Khải Huyền. Ở đây, cũng vang vọng điều mà ngôn sứ Ê-li-sa thắc mắc hỏi mãi: 20 tấm bánh sao đủ chia? Ngay khi ấy, ông được dạy:“Cứ dọn cho mọi người ăn. Vì Chúa phán: Họ ăn no, mà vẫn thừa.” (2V 4: 43)
Phản ứng của đoàn dân con lúc ấy, rất tích cực. Họ coi Chúa như nhân vật siêu phàm đầy quyền uy, nên bảo nhau: “Hẳn Ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến với thế gian!” Và, họ muốn Ngài làm Vua. Làm Đấng Thiên Sai cho họ. Họ có lý, nhưng đã lầm. Lầm, vì coi việc ấy chỉ như sự lạ về bánh và cá, được nhân rộng. Lầm, vì họ chẳng hiểu gì về ý nghĩa của thông điệp Chúa tặng ban.
Thông điệp Chúa ban, khởi đầu bằng Vương Quốc Nước Trời. Thông điệp, là nhằm đem mọi người về với Cha. Để, Cha nuôi dưỡng bằng của ăn từ tay Đức Giê-su. Và để, người người có cơ hội theo chân Đức Vua của mình. Bởi, chỉ mình Ngài, là Đức Vua duy nhất, dám chấp nhận nỗi chết. Và là, cái chết trên thập tự. Dám, đồng hàng với đám tội phạm, thấp hèn và ô nhục.      
Vậy, đâu là dấu hiệu cho thấy Chúa vẫn nuôi hết mọi người?
Bài đọc 2, thánh Phaolô khuyên ta sống “sao cho xứng đáng với ơn gọi Chúa ban.” (Êp 4: 1) Có hai dấu hiệu, chỉ về cuộc sống “xứng với ơn gọi Chúa ban”, là:
1.       Hỗ trợ nhau. Yêu thương nhau, qua thái độ vô vị kỷ. Hiền lành. Kiên nhẫn. Và thứ tha.
2.       Cố gắng duy trì tình đoàn kết, do Thần Khí Chúa đem đến, bằng những tích luỹ hiền hoà.  Bởi, ta không là tập hợp gồm các cá nhân sống riêng lẻ, chỉ muốn làm vừa lòng Chúa, ngõ hầu lĩnh nhận phần thưởng cho riêng mình. Nhưng, ta được kết hợp để trở thành Thân Mình Chúa. Trở thành cộng đoàn hiệp nhất. Biết yêu thương, giùm giúp. Tiệc Thánh, là dấu chỉ Thân Mình Ngài rất hiệp nhất. Ngài là Bánh Sự Sống. Là, của ăn nuôi dưỡng mọi người. Bằng mọi cách. Ở đây. Bây giờ.

Friday, 27 July 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Bài Giảng Trên Núi (tiếp)




Các mối phúc thật (Mt 5: 1-12/Lc 6: 20-26)

Họ là ai?
Nói chung họ là những người nghèo khó. Tiếng “nghèo khó” đây phát xuất tự cả một lịch sử về lòng đạo đức. Cựu ước: đó là hạng người Cựu ước gọi là anawim: tiếng này gồm hai khía cạnh luôn luôn theo nhau như bóng với hình:

-xét về mặt xã hội, kinh tế: thì họ là những người yếu thế, thấp cổ bé họng vô phương bênh vực được chính mình, bất lực, đành phải chịu đựng mọi sự mà không kháng cự được. Những người đó thường là thuộc hạng vô sản, đồng hạng với cô nhi quả phụ, kẻ tất bạt tha phương. Họ là những người biết đến cái đó, thiếu ăn và đành phải ngậm ngùi nuốt sầu (Ys 58: 6-10).

-Xét về mặt tôn giáo, đạo đức: anawim là những người khiêm nhu. Chẳng những họ phải cúi đầu, lép mình trước mặt người ta, nhưng họ còn đành lòng cúi nhận thánh ý Thiên Chúa. Bởi đó nên “anawim”  là những người có thái độ tương phản với hạng người kiêu ngạo, áp bức, cậy thế cậy quyền, mà của cải là sức mạnh”. Về phương diện tôn giáo, đặc sắc của Anawim là lòng tín thị, cậy trông vào Thiên Chúa, và tùy thuộc vào thánh ý Thiên Chúa.
                                                                                                                                                (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday, 26 July 2012

Lm Rtichard Leonard sj: Trần gian còn đó nỗi buồn



Mới đây, tôi được mời đến ăn tối ở nhà người bà con, thân thuộc. Gia đình lúc ấy đang ở trong tình huống lúng túng với cô con gái tuổi mới 13, mà tinh khí đã thất thường. Trước mặt khách quan, mà cô bé vẫn tỏ thái độ bất cần đời, nổi loạn. Cô không thích món rau trộn mẹ cô làm. Nên, mặt mày cô ủ rũ, nhất quyết tuyệt thực, để phản đối. Tự nhiên, món rau trộn trở thành đầu giây mối nhợ cho một mâu thuẫn, nghịch thường giữa hai thế hệ, mẹ và con.
Bà mẹ cố nhỏ nhẹ thuyết phục con gái yêu bằng những lời lẽ, rất ôn tồn: “Con à, phí của giời như thế, tội chết! Con biết không, trên thế giới còn rất nhiều người thèm được ăn cọng rau con bỏ đi, đấy. Họ mà ăn được đĩa sà-lát này, chắc sẽ nhớ ơn suốt đời”. Nghe thế, chẳng nói chẳng rằng, cô bé vụt dậy, bỏ đi nơi khác. Hồi sau trở lại, cầm chiếc phong bì lớn với cây bút nét đậm, cô đổ luôn đĩa rau vào phong bì, dán lại rồi vùng vằng nói: “Vậy chứ, bà muốn tôi gửi gói rau thúi cho đứa chó chết nào đây? Địa chỉ đâu?” Chứng kiến cảnh ‘hỡi ôi’ ấy, tôi thấy, ở đời làm cha làm mẹ không phải chuyện dễ. Sống độc thân như tôi, có khi thế mà lại hay. Nhưng, tất cả vẫn là: thông cảm, hoà hoãn, và kết hợp.
Phúc âm hôm nay cho thấy, khi biến 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi đủ 5 ngàn người, Đức Kitô nói thêm: “Mấy ông hãy thu nhặt các vụn vặt, còn thừa. Đừng bỏ phí.” Nghe Ngài nói, chắc người phương Tây chúng ta cũng chẳng bao giờ mường tượng nổi cái cảnh bụng đói cồn cào mà người dân ở các nước chậm phát triển đang gặp, hằng ngày. Có chứng kiến cảnh người nghèo đói chết dọc đường, các nước Âu Mỹ mới biết họ đang phung phí của ăn thức uống, đến chừng nào. Có lẽ, phải là thân thuộc người nhà đang chết dần chết mòn vì đói, hẳn mọi người mới thấy quý cuống rau, hột gạo. Và, dân tộc nào một khi đã kinh qua cảnh kinh tế suy thoái, chiến tranh điêu tàn, mới thấu hiểu ý nghĩa của câu nói: “Đừng bỏ phí!”.
Ngày nay, những ai có kinh nghiệm về đói - nghèo, đều đã cảnh giác trước những tình huống phung phí, đổ bỏ. Trong khi đó, ngược lại, vẫn có nhiều người tìm cách quên đi những tháng ngày cồn cào, thời bĩ cực. Họ chỉ biết quan tâm đến chuyện ‘khoan khoái’, hưởng thụ. Với người sống ở các nước đã phát triển, như cô bé tuổi 13 vừa kể, đói và khát chỉ là chuyện trong sách vở, quá khứ. Con người ngày nay đã quen đi các thảm cảnh xưa cũ, đang ‘ăn vào’ thân xác của mình, để rồi cứ thế béo phì, dư mỡ. 
Có người còn cho rằng: câu truyện Phúc âm về 5000 người được nuôi béo, đủ ăn, hoàn toàn có tính cách tượng trưng, giả tưởng. Chẳng cần tranh cãi, câu truyện Tin Mừng hôm nay qui chiếu về Thân Mình Đức Kitô, nơi đó chúng ta đang được Đức Chúa nuôi dưỡng bằng tình thương yêu, linh đạo. Tin Mừng của Chúa còn soi dọi về bữa tiệc lòng mến viên mãn, kéo dài. Ở nơi đó, không còn ai bụng đói, chết thèm. Dù chỉ cuống rau, hột gạo hoặc giọt nước trong lành.
Tin Mừng của Chúa đòi chúng ta nhìn vào thế giới hôm nay, với nhãn giới Vương quốc Nước Trời; ở đó, vị Chúa tể Tình thương vẫn san sẻ, quyết rời bỏ chốn ngai vàng bệ cao, ngõ hầu những người bụng cồn dạ đói, mới có được sự đỡ nâng, no đầy. Và, lúc ấy, các người giàu sang, phung phí lâu nay chẳng đoái hoài gì chuyện sẻ san, nuôi sống kẻ khác, sẽ bị án phạt, chúc dữ.
Có một yếu tố được gọi là sự ‘lầm-lỡ ân-tình’. Chính nhờ yếu tố này, chúng ta biết được những gì ta chịu làm, hoặc vẫn không muốn làm, ngõ hầu đem Vương quốc Nước Trời về với thế-giới-có-quá-nhiều-thức-ăn-thừa-mứa. Nếu biết rằng, trên thế giới, mỗi ngày bình quân có đến 29,000 người đã và đang chết một cách lãng phí, chỉ vì thiếu thức ăn, nước uống; và từ đó, là bệnh tật do thiếu thốn, do thái độ cố ý quên lãng nơi những người dư ăn, dư mặc là chúng ta; thì thử hỏi: phải chăng đây là một đáp trả có lý lẽ, hẳn hòi?
Vấn đề đặt ra hôm nay, là: có một khoảnh khắc trầm lặng, lành mạnh nào đó khơi dậy cuộc sống của chúng ta, về một chuyển đổi các thứ tự ưu tiên trong mọi sự việc. Chuyển đổi các thứ tự ưu tiên trong hành động, để rồi dẫn đến kêu gọi phải có thay đổi trong quyết định đối xử với nước nghèo, người nghèo?  Cụ thể hơn, cần có một thay đổi về hệ cấp ưu tiên trong hành xử; ưu tiên cao, từ nay, không còn tùy vào số lượng và kết quả của súng ống bom đạn nữa, mà là số lượng các bé lê lết thân gầy, những bụng cồn, dạ đói, đang chết khát.
Tôi vẫn tự hỏi: Đức Chúa nghĩ gì khi Ngài nghe người các nước giàu sang biện luận rằng: sở dĩ họ không chia sớt thức ăn, của cải cho người nghèo đói, là vì tại đây vẫn còn các nhà độc tài, tự cao tự mãn, chuyên ăn trên ngồi chốc, không lo cho con dân của mình; thậm chí, vẫn cứ vơ vét tiền tài, vật chất đem chôn giấu tại các ngân hàng úp mở ở Thụy sỹ -hay đâu đó- hoặc vẫn bỏ tiền ra quyết xây dựng thật nhiều vũ khí hạt nhân, qui ước. Và, muôn ngàn lý do khác khả dĩ biện minh cho thái độ ơ hờ, quên lãng.
Dù có phải đối đầu với những vấn đề phức tạp như thế, chúng ta vẫn còn khá nhiều phương thế thực tiễn hầu cứu sống người đói kém, nghèo hèn. Bởi, người nghèo đói có được cứu sống, đỡ nâng tăng cường sinh lực, thì một ngày no đó, mới có khả năng lo cho đất nước, dân tộc của chính mình.
Với câu nói xấc xược của cô bé tuổi 13: “Vậy chứ, bà muốn tôi gửi mớ rau thúi cho đứa nào đây?” tôi đã có câu trả lời: “Này cháu, hãy viết chính tên mình vào bì thư mà gửi. Bởi, chính sự dư dật thừa mứa lâu nay đã biến cháu thành người có nhiều nhu cầu nhất thế giới đó.”
Cầu mong Tiệc thánh hôm nay giúp ta làm được đôi chuyện cho trái đất này, như ta sẽ làm ở nơi cao, chốn vĩnh hằng, muôn thuở. Bởi, Vương quốc Nước Trời chính là chốn có nhiều người bụng đói, môi miệng khát thèm dù chỉ một giọt nước trong lành. Bởi, nơi đó, mọi người không kể đói no giàu nghèo, đều được đón tiếp, ăn uống thỏa thuê. Bởi, những gì ‘dư thừa còn sót’ đã được các đấng công chính thu nhặt lại, chẳng bỏ phí. Và, ở nơi đó, chẳng có gì để vứt bỏ, phung phí.
Quả là, trần gian còn đó nỗi buồn. Buồn, vì vẫn còn nghịch lý, trớ trêu. Trớ trêu vì lý lẽ rất nghịch là bởi người đời sống với nhau rất gần, kéo dài nhiều năm tháng, nhưng vẫn chẳng tìm đâu ra nỗi niềm hân hoan, trao đổi. Người người vẫn cứ quan hệ đối trao, nhưng nào có được sự cảm thông, kết hợp. Chí ít, là thông cảm thắm thiết tình mẹ con, chồng vợ. Nỗi buồn trần gian cứ mãi miên trường, không dứt. Và, trớ trêu vẫn chỉ chấm dứt, khi những người con trâng tráo, xấc xược biết thông cảm, hiểu được mẹ hiền. Nghịch lý cuộc đời sẽ chỉ kết thúc, một khi kẻ giàu người sang biết san sẻ tiền tài, vật chất với dân hèn mạt kiếp, đang cồn cào đói khát hiệp thông, chia sớt. Chia thức ăn, nước uống; sớt tình yêu thương, vỗ về. Khi ấy, Nước Trời đã trở thành hiện thực. Vương quốc Đức Kitô đã nên ngời sáng. Đấy mới là nhu cầu ‘ắt và đủ’ trong cuộc sống, người đời.

Tuesday, 24 July 2012

Lm Vĩnh Sang DCCT: QUY TỤ ĐOÀN CHIÊN

Trong những ngày hè nóng bỏng, tôi tham dự một chuyến ra miền Trung thăm anh em tôi, trước lúc lên đường, tôi tự hỏi, sao lại chọn mùa hè nóng nảy này để ra Trung ? Nhưng hỏi để mà hỏi vì chương trình đã được anh em sắp đặt, mình phải lên đường. Miền Trung tháng bảy nắng cháy da người, dân thành phố chúng tôi ngơ ngác thở giốc, cái nóng và cái nắng làm hao tổn sức lực rất nhanh. Nơi đến đầu tiên là cảng Sa Kỳ để lấy tàu ra đảo Lý Sơn, từng nhóm người tụ họp dưới những bóng cây trứng cá hiếm hoi để chờ tàu, ra đến đây tôi mới hiểu tại sao người ta lại ra miền Trung mùa này. Chỉ có mùa này biển mới yên, tháng tới và cho đến cuối năm sẽ là mùa giông bão, có khi đảo bị cắt liên lạc với đất liền cả tuần lễ. Chuyến ra đảo quả là một chuyến đi kinh hoàng, mặc dù ngày nay đã sử dụng tàu cao tốc, nhưng mỗi ngày chỉ có một chuyến, hành khách cả trăm người bị dồn xuống chật cứng các khoang tàu. Cái nắng thiêu đốt từ trên dội xuống, cái nắng gay gắt hắt từ dưới mặt nước lên. Cảng Sa Kỳ không một bóng cây, tàu không nổ máy, phòng cửa kính kín bưng nên cái nóng càng hầm hập và ngột ngạt. Gần một giờ chờ tàu, người nhân viên mới chợt nhớ chưa bật máy điều hòa, đến khi bật máy thì lại càng thấy nóng hơn, có vài người đứng lên kiểm tra, hóa ra nhà tàu đã bật lộn hệ thống… sưởi nóng ( heat ) ! Khi tàu chạy rồi, người ta không bật máy lạnh nữa mà mở hai cửa bên cánh nên gió biển thổi vào mới đỡ một chút, tuy nhiên cái nóng cũng đủ làm ướt sũng tất cả những gì đang mặc trên mình. Từ rất nhiều năm trước, anh em tôi đã ra đảo trong những điều kiện còn muôn vàn khó khăn hơn, phương tiện chỉ là chiếc thuyền gỗ. Khi trở về lại Châu Ổ, Quảng Ngãi, gặp các cha già nghe kể chuyện hơn 40 năm cũ, mới hiểu mọi người đã từng trải gian khổ thế nào. Sau hơn một giờ hải hành, chuyến tàu hãi hùng quăng chúng tôi lên đảo, từng đoàn xe ôm hiếu khách đã được chuẩn bị chở chúng tôi về Nhà Thờ, cái nóng vẫn hầm hập đổ xuống, không một chút gió. Của đáng tội, để được sự bình an không sóng gió, người dân ở đây phải chịu đánh đổi bằng cái nóng kinh hồn. Cả đoàn mệt phờ phạc, ai nấy kiếm một chỗ tạm dung thân. Có đi đến nơi mới thấy thương anh em mình, anh em chịu đựng suốt từ ngày này qua ngày khác, hết năm này qua tháng khác, thậm chí có cha còn bị trục xuất khỏi đảo và ngôi Nhà Thờ đã phải vắng bóng Linh Mục nhiều năm. Nghe một cha trẻ kể chuyện, khi trước còn là sinh viên, anh em mùa hè ra đảo chọn sống cảnh nghèo, khi ghe chở đoàn vừa cập bến, tất cả được đưa ngay vào đồn “làm việc”, kết quả là các sinh viên Tu Sĩ bị trục xuất lập tức ra khỏi đảo. Kinh nghiệm chuyến đi ra bằng ghe bão bùng, anh sinh viên trẻ này lấy thuốc chống say sóng ra uống ngay, nhưng tất cả lại bị trục xuất khỏi đảo bằng canô cao tốc của Công An nên khi vào đến bờ rồi thuốc mới có tác dụng, báo hại anh sinh viên ngây ngất cả ngày. Kể ra cũng còn lời chán, tự dưng được đi một chuyến “du lịch bất đắc dĩ” bằng canô hiện đại miễn phí ! Chúng tôi có dịp ngồi nghe các bậc trưởng thượng tâm sự, ngày ấy khi chiến sự ác liệt, vị Bề Trên bay vội từ Sàigòn ra hỏi ý anh em: “Bây giờ chiến tranh căng thẳng, anh em muốn vào Sàigòn hay ở lại ? Nếu anh em muốn vào thì thu xếp hành trang ngay, sẽ liên lạc để có một chuyến bay đón anh em vào”. Sau khi cầu nguyện anh em quyết định ở lại, tất cả ôm lấy nhau khóc và chia tay. Năm ấy có hai anh em phải nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất nghèo nàn gian khổ miền Trung. Tử thương vì bom đạn, cả hai trước giờ nhắm mắt còn nói với anh em: “Xin chôn con ở miền truyền giáo, giữa anh em mình”. Một anh em trẻ chia sẻ: “Trở lại miền đất bao năm qua thiếu vắng sinh hoạt, con như được an ủi, khích lệ và can đảm khi nhìn thấy ngôi mộ của anh em mình nằm giữa núi rừng hoang vu, tuy lạnh lẽo đơn độc nhưng mạnh mẽ và ấm áp lạ thường, chúng con biết có người đã làm hạt lúa gieo vào mảnh đất hoang sơ này cho chúng con thực hiện việc gieo gặt hôm nay”. Bao năm trôi qua rồi, nhắc lại kỷ niệm xưa, đôi mắt của cha già vẫn còn ngấn lệ, giọng ngài nghẹn lại vì xúc động. Làm mục t ử, anh em không thể bỏ đoàn chiên của mình, gian khổ hiểm nguy đến mấy cũng không thể làm cho phải chia cắt. Khi hoàn cảnh éo le, người ta trục xuất, mình đành lặng lẽ ra đi, khi tình hình êm thuận lại tìm cách quay về, đoàn chiên có tan tác nhưng khi có chủ chăn liền tập họp lại ngay. Cha thương con nhiều hơn vì con vẫn trung kiên, con thương cha nhiều hơn vì cha không bao giờ bỏ rơi con… Vâng, tình thương và lòng nhiệt thành thách thức Sự Dữ ! Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.7.2012 3 tuần sau biến cố đau thương ở Con Cuông

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐỨC GIÊSU CHẠNH LÒNG THƯƠNG CÁC ĐỒ ĐỆ VÀ ĐÁM ĐÔNG



Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 6, 30 – 34 ) trình thuật phản ứng của Đức Giêsu sau khi Nhóm Mười Hai trở về và kể lại cho Người những gì họ đã thực hiện.
“Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” ( c. 30 ). Như chúng ta đã đọc trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, Nhóm Mười Hai đã được Đức Giêsu sai đi từng hai người một ( 6, 7 ). Bây giờ họ trở về sau khi đã kết thúc các hoạt động của mình. Họ kể lại cho Đức Giêsu biết về tất cả những gì họ đã làm, và có lẽ là kể rất sôi nổi, không bỏ sót chút gì. Những điều họ kể, về căn bản, đã được trình bày trong 6, 12 – 13: họ đã rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối, họ đã trừ quỷ và họ đã xức dầu chữa lành những người bị bệnh. Chắc chắn là với những hoạt động như thế, họ đã khơi lên trong lòng người dân Do Thái niềm hy vọng phục hưng quốc gia và dân tộc Do Thái. Nhưng tất cả những hoạt động đó đều không đúng với lệnh truyền của Đức Giêsu dành cho họ trong thời điểm này khi sai họ đi.
Bên cạnh đó, c. 30 còn nói đến một hoạt động khác nữa của các thành viên Nhóm Mười Hai: họ giảng dạy. Đức Giêsu chưa hề sai họ đi giảng dạy. Trong Mc, giảng dạy là trình bày sứ điệp bằng cách lấy cảm hứng và xuất phát từ Cựu Ước. Hoạt động này rất khác với việc công bố sứ điệp. Đức Giêsu không hề trao phó cho ai công việc giảng dạy. Chính bản thân Người cũng chỉ thực hiện việc này khi đối diện với cử tọa toàn người Do Thái và suy nghĩ theo não trạng Do Thái ( 1, 21b; 2, 13; 4, 1; 6, 2; 9, 31… ). Với những cử tọa có những người không dựa theo Do Thái giáo, Người chỉ “nói” chứ không “giảng dạy” ( x. 8, 34; 9, 35tt… ).
Khi tác giả Máccô nói rằng Nhóm Mười Hai trình bày cho Đức Giêsu “mọi điều các ông đã dạy” ( c. 30 ) thì có nghĩa là họ đã giới hạn hoạt động của mình chỉ trong phạm vi Do Thái, tức là không hoàn toàn đúng với chỉ thị của Đức Giêsu. Thay vì tiếp xúc với mọi hạng người, không phân biệt, thì họ lại đã chỉ quanh quẩn trong thế giới Do Thái và củng cố niềm hy vọng Do Thái về việc phục hưng dân tộc.
“Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút" ( c. 31a ). Đức Giêsu đã lắng nghe các ông kể lại mọi sự. Người không khen ngợi các ông lời nào, cũng không đưa ra bất cứ sự chuẩn nhận nào đối với những gì các ông đã thực hiện, thậm chí còn chẳng nói gì đến việc các ông đã thay đổi công việc, không làm như Người đã truyền. Nhưng lập tức, Người bảo các ông lánh riêng ra một nơi thanh vắng, tức là Người muốn ở riêng với các ông mà thôi.
Hoạt động mà các thành viên Nhóm Mười Hai vừa thực hiện, như chúng ta vừa nói, đã chỉ giới hạn trong thế giới Do Thái, và do đó, đã bóp méo sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa. Điều đó chứng tỏ họ còn rất xa lạ với Đức Giêsu và chương trình của Người. Người đã sai họ đi, trong lần sai đi thứ nhất vừa rồi, là với hy vọng họ sẽ làm mới sự dấn thân đi theo Người. Nhưng họ đã không hiểu đúng ý Người. Bây giờ, Người muốn tìm đến một nơi thanh vắng để nói riêng với họ, khi chỉ có thầy trò với nhau. “Nơi thanh vắng”, tức là “hoang địa”, không chỉ có ý nghĩa chỉ về một nơi chốn địa dư, mà còn có nghĩa bóng, ám chỉ một sự cắt đứt khỏi những giá trị đang chi phối xã hội Do Thái. Đức Giêsu muốn đưa các Môn Đệ của Người đến “nơi thanh vắng” đó nữa, chứ không chỉ là một nơi chốn theo nghĩa địa dư.
“Nghỉ ngơi” ( anapauô ) không chỉ có nghĩa là một trạng thái tạm ngừng một vài hoạt động để sức khỏe được phục hồi. Hạn từ “sự nghỉ ngơi” được sử dụng trong Is 14, 3 ( LXX ) để nói về sự giải thoát của Thiên Chúa khỏi ách nô lệ Babylon. Tương tự như trong 7, 32 và 8, 23, ở đây tác giả Mc ám chỉ một bản văn ngôn sứ nói về sự giải thoát khỏi ách nô lệ để cho thấy một tính chất quan trọng của hành động mà Đức Giêsu đang muốn thực hiện cho các Môn Đệ: Người muốn giải thoát họ khỏi sự kềm tỏa của những lý tưởng Do Thái đang đè nặng trong tâm trí và hoạt động của họ.
“Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” ( c. 31b ). Tình cảnh của các Môn Đệ lúc này, quả thực, là khá đặc biệt. Rất nhiều kẻ lui tới tiếp xúc với nhóm và biểu tỏ sự đồng ý với những gì các ông đã dạy và đã làm. Điều đáng ghi nhận là đám đông không tìm Đức Giêsu nữa. Họ tiếp xúc với nhóm các Môn Đệ, tất nhiên là nhóm có Đức Giêsu được hình dung và trình bày như là vị thủ lãnh đứng đầu. “Kẻ lui người tới” không phải để gặp Đức Giêsu, cũng không đến vì Đức Giêsu như tác giả Mc đã cố ý nhấn mạnh trong những dịp trước đây ( 1, 32; 1, 45; 3, 7; 4, 1; 5, 21 ).
Đám đông kéo đến quá đông khiến cho các Môn Đệ chẳng có thời giờ ăn uống. Tình cảnh tương tự như ở 3, 20. Sự ăn uống được nói đến ở đây rõ ràng ám chỉ sự “ăn bánh” được nói đến trong 3, 20. Trong cách nói của các Rabbi Do Thái, “bánh” nói đây chính là Luật và “ăn bánh” có nghĩa là được thấm nhuần Lề Luật của Thiên Chúa. Trong trường hợp của Nhóm Mười Hai, điều họ cần phải được thấm nhuần là sứ điệp của Đức Giêsu. Tuy nhiên, kẻ lui người tới quá đông đã không cho phép điều đó xảy ra. Theo nghĩa này, chúng ta càng hiểu rõ hơn tại sao Đức Giêsu muốn các ông lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng, để chỉ có các ông ở riêng với Người mà thôi.
Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu đề nghị các Môn Đệ lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng. Và đề nghị này đã được các ông chấp nhận. “Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” ( c. 32 ). Việc lặp lại hai yếu tố “nơi thanh vắng” và “riêng ra” cho thấy chủ đề được nhấn mạnh ở trình thuật này là gì: “nơi thanh vắng” là nơi tách biệt khỏi những ảnh hưởng của các giá trị Do Thái, và “riêng ra” có ý nhắc đến sự chưa thấu hiểu của các Môn Đệ như trong trường hợp 4, 34. Như vậy, trong ý định của Đức Giêsu, việc thầy trò lánh riêng ra một nơi hoang vắng này là để Người có thể điều chỉnh sự chưa hiểu đúng của các Môn Đệ, trong khung cảnh tách biệt khỏi xã hội Do Thái và đám rất đông kẻ lui người tới.
“Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài” ( c. 33 ). Trong cái nhìn của đám đông, Đức Giêsu và các Môn Đệ làm thành một nhóm, không có sự phân biệt giữa các ngài với nhau. Đám đông muốn được gặp các ngài. Vì thế, họ kéo nhau theo đường bộ mà chạy đến nơi. Họ “cùng nhau chạy bộ”, và là “từ khắp các thành”. Sự kiện này chứng tỏ họ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một mối quan tâm và ý tưởng chung. Đáng chú ý là họ đến từ các thành, tức là họ không phải dân cư của các “làng”, nơi Đức Giêsu đã giảng dạy ( 6, 6b ), mà là cư dân của các trung tâm quan trọng, nơi có các hội đường Do Thái. Rõ ràng đám đông này là đại diện cho tất cả những người Do Thái sống dưới ảnh hưởng của đạo lý chính thức của Do Thái giáo, đang khi Đức Giêsu đã trở thành người bị từ khước trong hội đường của “vùng đất của Người” như chúng ta đã suy niệm trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật XIV Thường Niên trước đây.
“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” ( c. 34 ). Đám đông dân chúng kéo đến đã làm gián đoạn việc thực hiện ý định của Đức Giêsu khi Người đề nghị các ông lánh riêng ra một nơi thanh vắng. Mặc dù vậy, Người vẫn ưu ái dành cho đám đông ấy một tình yêu thương rất đặc biệt.
Cần chú ý một chi tiết: đám đông chờ đợi cả nhóm, tức là bao gồm cả Đức Giêsu lẫn các Môn Đệ, nhưng tác giả Mc lại tách riêng Đức Giêsu khỏi các Môn Đệ, và vào lúc này, ông để cho các Môn Đệ biến mất khỏi sân khấu.
Đức Giêsu chú ý đến sự hiện diện của đám đông dân chúng và tình trạng thực tế của họ. Và Người chạnh lòng thương họ. Đây cũng là tâm tình của Người trước tình cảnh của người phong cùi trong 1, 40 – 42. Trong Cựu Ước, lòng chạnh thương là tâm tình của Thiên Chúa đứng trước sự khốn khổ nhân loại. Đức Giêsu chạnh thương đám đông vì họ như bầy chiên không người chăn dắt, không biết phải đi đâu, không có ai hướng dẫn và bảo vệ. Như chúng ta đã nói trên kia, đám đông này đến từ các thành, tức là từ những nơi có hội đường và được hưởng sự hướng dẫn của thiết chế Do Thái. Thế mà tình cảnh của họ lại là tình cảnh của đàn chiên không người chăn dắt. Điều này chứng tỏ các nhà lãnh đạo Do Thái không phải là những mục tử đích thực. Đây là lần đầu tiên trong Mc Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò mục tử của Israel. Từ trước đến nay Người mới chỉ đảm nhận vai trò ngôn sứ ( x. 6, 4 ).
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”, tức là Người bắt đầu nói với họ về Nước Thiên Chúa, xuất phát từ những chỉ dẫn của Cựu Ước. Tác giả Mc đã không nói gì về nội dung Đức Giêsu giảng dạy ở đây, nhưng từ sự song song giữa 6, 34 với 4, 2 chúng ta có thể hiểu là Người nói với họ nhiều điều về Nước Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về một khía cạnh đặc biệt trong tình cảnh của Đức Giêsu: Người phải đối diện cùng một lúc sự hiểu sai của các Môn Đệ thân tín nhất và sự bơ vơ vất vưởng của đám đông dân chúng. Mỗi nhóm có vấn đề riêng của họ, nhưng đối với cả hai nhóm, Đức Giêsu đều chạnh thương, tất nhiên là theo những cách thức khác nhau. Nổi bật trong dung mạo của Đức Giêsu được khắc họa trong bài Tin Mừng hôm nay là tình yêu nhân hậu vô cùng của Người.
Trong thực tế của cuộc sống và sứ vụ hiện nay của Hội Thánh, chúng ta vẫn thường xuyên phải đối diện với cùng một tình cảnh như những gì được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay. Và Đức Giêsu cũng vẫn đang chạnh thương tất cả chúng ta bằng tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, như Người đã từng chạnh thương Nhóm Mười Hai và đám đông trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa suy niệm…
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Monday, 23 July 2012

Nguyễn Ngọc Lan Chi: Gà Gaulois vẫn gáy ở Châu Phi


Gà Gaulois vẫn “gáy” ở châu Phi

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Những tiết lộ mới đây của luật sư Robert Bourgi một lần nữa khiến dư luận đặt nghi vấn về “tình hữu nghị đặc biệt” Pháp - Phi.

Trong bài phỏng vấn trên tờ Le Journal du Dimanche, ông Bourgi khẳng định trong giai đoạn 1997-2005 từng chuyển những va-li chứa đầy tiền từ các tổng thống Omar Bongo (Gabon), Abdoulaye Wade (Senegal), Blaise Compaoré (Burkina Faso), Laurent Gbagbo (Bờ Biển Ngà), Denis Sassou Nguyesso (CH Congo) cho cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. Theo ông Bourgi, tổng cộng số tiền lên đến 20 triệu USD, trong đó, chỉ riêng chiến dịch tranh cử năm 2002, 2 ông Chirac và Villepin đã nhận khoảng 10 triệu USD từ 5 nhà lãnh đạo châu Phi nói trên.

Luật sư người Pháp gốc Li-băng này còn cho biết, ngoài những va-li, giỏ xách “đựng đầy USD”, còn có nhiều tặng phẩm “lấp lánh” khác, như một vài văn bản chép tay của Napoléon cho ông Villepin hay chiếc đồng hồ Piaget đính 200 viên kiêm cương tặng ông Chirac. Tất cả đều là quà của Tổng thống Omar Bongo, qua đời tháng 6.2009 sau 42 năm nắm quyền tại Gabon.

Luật sư Robert Bourgi, 66 tuổi, là nhân vật không hề xa lạ với hậu trường chính trị Pháp. Ông được xem là “truyền nhân” của người đã xây dựng mạng lưới “quan hệ hữu nghị” giữa Pháp và châu Phi, cố vấn Jacques Foccart của Tổng thống Charles de Gaulle. Bên trong vỏ bọc ngoại giao, mạng lưới này thật sự là biện pháp để Paris tiếp tục giữ tầm ảnh hưởng lên các nước thuộc địa cũ ở bên kia bờ Địa Trung Hải. Rời bỏ bộ đôi lãnh đạo Villepin-Chirac năm 2005, ông Bourgi chuyển sang ủng hộ ứng viên sáng giá cho Điện Élysée khi ấy là Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy. Năm 2007, không lâu sau khi đắc cử, Tổng thống Sarkozy đã trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho luật sư Robert Bourgi vì “đã đóng góp vào công tác ngoại giao của Pháp một cách thầm lặng nhưng rất hiệu quả”. Cho đến nay, ông Bourgi vẫn là cố vấn không chính thức về những vấn đề châu Phi của Tổng thống Sarkozy.

Hiện chưa có kết luận pháp lý của Tòa án Paris để xác định việc luật sư Bourgi bất ngờ tung ra những thông tin chấn động này chỉ đơn thuần để được “thanh thản” hay có thâm ý khác liên quan đến chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2012. Nhưng dù với lý do nào, sự kiện này là cơ hội để nhìn lại mối quan hệ giữa Paris với những thuộc địa cũ ở châu Phi.

Mạng lưới nửa thế kỷ

Năm 1955, Tổng thống Bờ Biển Nga khi ấy là Félix Houphouët-Boigny đã ghép “France” với “Afrique” để tạo nên thuật ngữ “Françafrique” nhằm chỉ “mối quan hệ tốt đẹp giữa châu Phi với Pháp”. Nhưng theo tờ Le Figaro, đến thập niên 1990, khi nhắc đến Françafrique, giới truyền thông hầu như bỏ hết phần “tốt đẹp”, chỉ còn đề cập những mặt… phi pháp trong mối quan hệ Pháp-Phi: Paris ủng hộ những nhà lãnh đạo tai tiếng của châu Phi để đổi lại các hợp đồng kinh tế béo bở và những khoản lại quả “nặng đô” cho một số đảng phái chính trị ở Pháp.

Năm 1960, khi phong trào giành độc lập nổi lên ở châu Phi, Paris vẫn muốn giữ lại tầm ảnh hưởng của mình để tạo thuận lợi cho các công ty Pháp tiếp tục khai thác các mỏ dầu và khoáng sản dồi dào ở các nước cựu thuộc địa. Để thực hiện mục đích này, Tổng thống de Gaulle đã lập Văn phòng châu Phi, một cơ quan của Bộ Ngoại giao Pháp tại Élysée và giao cho cộng sự thân tín là Jacques Foccart quản lý. Ông Foccart nhanh chống thiết lập những mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi, với nhiều thành phần: các chính trị gia, doanh nhân, mật vụ, cảnh sát… Đây thật sự là một mạng lưới “ngoại giao ngầm”, tồn tại song song với ngoại giao “chính thống”. Trong bối cảnh nhập nhằng, Tập đoàn dầu khí Elf được thành lập năm 1965 để hoạt động tại một số nước châu Phi.

Năm 1994, vụ bê bối liên quan đến hãng này nổ ra, làm lộ diện phần nào mặt khuất của mối quan hệ Françafrique. Qua đó, đường dây tài chính nuôi dưỡng cả một hệ thống tham nhũng ở Pháp và châu Phi bị vạch trần. Lãnh đạo Elf giai đoạn 1989-1993 Loïk Le Floch-Prigent bị xét xử năm 2003 vì biển thủ hàng trăm triệu euro. Ông cay đắng nhận định: “Elf như một “ổ” tình báo tại các nước châu Phi giàu tài nguyên. Tiền từ dầu mỏ đủ chia chác cho tất cả. Với Elf, Paris có thể giữ được sự bảo hộ kinh tế, chính trị trong giai đoạn hậu thuộc địa”, theo Le Figaro.

Cũng trong khuôn khổ của Françafrique, Paris đã góp phần đưa một số chính trị gia lên nắm và giữ “rất vững” quyền lực. Điển hình là việc ông Jacques Foccart đã giúp ông Omar Bongo trở thành Tổng thống Gabon năm 1967. Đến khi qua đời năm 2009, ông Bongo mới rời khỏi chiếc ghế mà mình nắm giữ suốt 42 năm. Người “kế vị” ông không ai khác là con trai Ali Bongo. Dưới sự “hậu thuẫn” của Pháp, dù dồi dào trữ lượng dầu hỏa nhưng Gabon vẫn chưa có sự đột phá về kinh tế, thậm chí còn phải đề nghị được hỗ trợ bởi chương trình dành cho “Các nước nghèo, nợ nhiều” (HIPC) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đổi lại, theo tường thuật của luật sư Robert Bourgi, Tổng thống Omar Bongo luôn tỏ ra “rộng rãi” với các chính trị gia cộm cán của Pháp. Ông cũng là người có câu nói nổi tiếng: “Nước Pháp thiếu châu Phi như chiếc xe thiếu xăng. Châu Phi thiếu Pháp như chiếc xe thiếu người lái”.

Tương tự như tại Gabon, ông Jacques Foccart cũng là người đã giúp ông Ahmadou Ahidjo trở thành Tổng thống Cameroun vào năm 1960. Sau đó, Pháp tiếp tục giúp ông Ahidjo củng cố quyền lực bằng việc loại bỏ các đối thủ chính trị. Theo các tác giả của cuốn “Kamerun! Cuộc chiến ngầm của Françafrique, 1948-1971” (NXB La Découverte, 2011), chiến dịch trấn áp đẫm máu này đã lấy đi sinh mạng hàng chục ngàn người trong giai đoạn 1956-1971. Người kế nhiệm ông Ahidjo, Tổng thống Paul Biya (hiện vẫn còn tại vị) lên cầm quyền từ năm 1982 nhờ sự ủng hộ của Tập đoàn Elf.

Về các chiến lược nhằm giữ quyền lợi tại các nước thuộc địa cũ của Paris, Giám đố Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Đại học Columbia (Mỹ) Mamadou Diouf nhận định: “Tại châu Phi, đối chọi với chính quyền là đối chọi với nước Pháp. Ở đây có một nghịch lý: đất nước đứng đầu về nhân quyền lại thi hành những sách lược đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc của mình”. Tờ Le Nouvel Observateur dẫn lời các chuyên gia về Françafrique cho biết không ít tiền tài trợ cho các đảng chính trị lớn của Pháp đến từ lợi nhuận của việc khai thác dầu và từ các chương trình “hợp tác” Pháp-Phi. Đổi lại, Pháp đảm bảo một sự nghiệp chính trị dài hơi cho nhiều Tổng thống châu Phi, thậm chí có thể can thiệp quân sự để giúp “gìn giữ trật tự” khi xảy ra nội loạn. Không chỉ thế, Paris còn “nhắm mắt bịt tai” trước khối tài sản khổng lồ của nguyên thủ các nước này tại Pháp.

Bình mới, rượu cũ

Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2007 cũng như khi đã an vị ở Điện Élysée, Tổng thống Sarkozy không ngừng khẳng định “sẽ đoạn tuyệt với quá khứ của Françafrique” và “xây dựng mối quan hệ mới với các nước châu Phi” trên nền tảng của sự bình đẳng. Tuy nhiên, khi Thứ trưởng chuyên trách Hợp tác quốc tế Jean-Marie Bockel tỏ ra quá “nhiệt tình” trong việc thực hiện mục tiêu này, ông đã nhanh chóng “hoàn thành nhiệm vụ” và được thuyên chuyển sang vị trí khác.

Trên thực tế, dưới thời của Tổng thống Sarkozy, Paris vẫn giữ mối giao hảo với các vị lãnh đạo nhiều tai tiếng của châu Phi. Mối lợi kinh tế quá lớn của Pháp tại châu lục này khiến ông không thể “đoạn tuyệt” với Françafrique. Ngay khi vừa đắc cử, Tổng thống Omar Bongo là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà ông tiếp chuyện qua điện thoại. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ 2007, Tổng thống Sarkozy đã thực hiện 3 chuyến công du sang Gabon, theo Le Nouvel Observateur.

Ngày 14.7.2009, Tập đoàn Total E&P của Pháp ký hợp đồng khai thác dầu khí tại Lungahe, Cameroun với Tập đoàn Năng lượng quốc gia nước này (SNH). Chỉ 10 ngày sau đó, Tổng thống Paul Biya trở thành khách mời danh dự tại Điện Élysée. Nửa năm trước, ông Biya từng bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã trấn áp tàn bạo những cuộc biểu tình chống chính phủ và phản đối cải cách Hiến pháp dẫn đến việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Tháng 10.2009, ông Sarkozy lại không ngại “đón tiếp thân mật” Tướng Mohamed Ould Abdel Aziz, người vừa đắc cử Tổng thống  tại Mauritanie sau khi thực hiện đảo chính thành công.

N.N.L.C

Box: Tài sản tại Pháp của một số lãnh đạo châu Phi

Năm 2007, từ đơn kiện của các Tổ chức chống tham nhũng Survie, Sherpa, Tòa án Paris đã tổ chức điều tra về tài sản của một số lãnh đạo châu Phi tại Pháp. Bản kết quả sau đó cho thấy gia đình Tổng thống Omar Bongo (Gabon) sở hữu 39 bất động sản, 70 tài khoản ngân hàng và 9 chiếc xe sang trọng. Một vài tài sản trong số này được chi trả bởi ngân phiếu từ Quốc khố Gabon. Gia đình Tổng thống Denis Sassou Nguesso (CH Congo) không kém cạnh với 24 bất động sản và 112 tài khoản ngân hàng. Tổng thống Teodoro Obiang (Guinée Équatoriale) thì “khiêm tốn” hơn với 1 bất động sản, 1 tài khoản và dàn xe trị giá 4,2 triệu euro gồm 2 chiếc Ferrari, 1 Maybach, 2 Bugatti, 1 Rolls Royce Phantom và 2 Maserati.
Trong số dinh thự, nhà cửa của ông Bongo, chỉ riêng 1 tòa nhà ở vị trí “đắc địa” tại Paris đã có giá 18 triệu euro. Lương tháng của tổng thống Gabon “chỉ” khoảng 15.000 euro.