Thursday, 1 December 2011

Đang lướt mướt trong muôn màu hoa lệ!


Suy niệm Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng năm B

Đang lướt mướt trong muôn màu hoa lệ!
Trên cung bậc, hãm mau niềm ngọc kể
Với lòng rung, ngưng hết cả thanh âm,
Cho lửng lơ chới với điệu phong cầm
Cho tôi bớt bồi hồi trong một phút!
(dẫn từ thơ Hàn mặc Tử)

Yn 1: 6-8, 19-28

            Thanh âm, nay ngưng cả. Để, nhà thơ rung lòng với cung bậc hãm mau. Lửng lơ, chới với. Rất bồi hồi, trong một phút. Lòng rung động, để nhà thơ cũng như nhà Đạo, ta mừng vui trong hoa lệ, đón mừng Chúa đến, trong oai nghi. Đón Chúa đến, trong vọng ngóng, có trình thuật thánh sử viết, hôm nay.

            Trình thuật thánh Gio-an hôm nay viết, là viết những chương đoạn về tình tự “mừng vui” ngay giữa lúc toàn thể Hội thánh đang tập trung nguyện cầu, chờ Chúa đến. Trong quá khứ, Mùa Vọng là mùa lễ hội qua đó con dân Đạo Chúa vẫn nhớ rằng có những 4 Chúa nhật trong mùa này, mọi người đều phải chay kiêng. Ngay như vị chủ sử sự buổi phụng vụ cũng đều ăn vận mầu tím than, rặt sám hối. Có nghĩa là, bầu khí những buổi này đều mang sắc mầu u buồn, thảm não.

            Thế nhưng, vào ngay giữa mùa sám hối này, mọi người cần nhớ đến sự việc mà họ cần là chuẩn bị ngày vui đón mừng Chúa hạ giáng. Ngay giữa mùa hối lỗi với sầu buồn, Hội thánh kêu mời ta mở cửa đón Niềm Vui trân trọng, ngày Chúa đến. Và sắc mầu ảo não được thay thế bằng sắc vui tươi, rất mầu hồng.

            Lý do của những mừng và vui, là như thánh sử cho thấy Đức Chúa đến mà trú ngụ giữa chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.(Yn 1: 14). Hiểu theo nghĩa của người Do Thái thời ấy, thì Ngài đã “đóng lều” mà ở lại. Bài đọc 1, lời tiên tri Isaya được thánh Luca trích dẫn, có nói: “Thần Khí Chúa, ngự trên tôi; và Ngài đã xức dầu tấn phong tôi.” (Is 61: 1)

            Trích dẫn như thế, Đức Giê-su mặc khải chính Ngài là vị vua được xức dầu, mà dân con của Chúa coi là Đấng Mêsia đến cứu vớt. Và lý do hối thúc Ngài đến, là để: “sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn băng bó tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, phóng thích tù nhân; cống bố năm Hồng ân của Đức Chúa.” (Is 61: 1-2)

            Các trích dẫn và Lời Kinh được viết vào lúc sự đói nghèo, buồn khổ mà đa phần dân chúng đang chịu đựng qua kinh nghiệm sống. Và hôm nay, dù ta có đủ mọi tiện nghi kỹ thuật thời thượng nhưng tình huống của hàng trăm triệu người vẫn như cũ, vẫn không thay đổi. 

            Cả những người, chừng như đang sống trên hải đảo sung túc/dư thừa, nhưng vẫn có dẫy đầy nhiều hình thức của giam cầm/đoạ đày, như: cưỡng bức, ám ảnh, ghiền say, sa rơi vào bẫy cạm của tiêu thụ. Vẫn còn có những hình thức mù loà, câm điếc nơi những người không nói lên được tính xây dựng, và sáng tạo. Vẫn có những trì trệ của người què quặt về xúc cảm, về xã hội. Chỉ hưởng lạc, chẳng biết đến yêu đương. Vẫn có tính bệnh phong cùi của những cách ly, đơn độc ngay giữa đám đông ồn ào, náo nhiệt.

            Một khi Chúa đã thực tình đến để giải phóng ta khỏi những cảnh như thế, ắt là ta cũng biết cách mà vui mừng, như lời tiên tri còn nói: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. Người mặc áo cho tôi, đầy hồng ân cứu độ, Người choàng cho tôi đức chính trực, công minh” (Is 61: 10). Thế đó, là lời hứa Chúa đến với ta. Ngài đến để cứu rỗi, để thực sự đưa ta về với hồng ân cứu độ. Để ta không còn sống trong hãi sợ. Cuộc sống không còn bị phân mỏng vì tham muốn sở hữu vật chất nữa.     
                  
             Và, hồng ân cứu độ đã thực sự là kinh nghiệm sống, mà lễ hội Giáng sinh ngoài đời chẳng khi nào đem đến cho ta, một ý nghĩa. Rất đích thực. Đầy đặn. Điều đó, là do ta chưa thực sự gặp gỡ Chúa. Chưathực sự để Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự cầm hãm của thế gian, theo cách mới. 

            Bài đọc 2, tiếp nối chủ đề niềm vui đem đến cho ta qua Đức Chúa, khi thánh Phao-lô viết: “Anh chị em hãy vui mừng luôn mãi!” (1Th 5: 16). Lời nhắn của thánh nhân, vẫn ra như là một đòi hỏi chưa hiện thực. Không lý lẽ. Quả là, với tín hữu Đức Kitô, hạnh phúc là kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày. Kinh nghiệm của cuộc sống dù rằng hôm nay/ ngày ấy vẫn còn có khổ đau lẫn nỗi dằn vặt. 

            Và lời Phao-lô thánh-nhân vẫn còn đó, khó mà quên: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.”(1Th 5: 20). Và chìa khoá giúp mọi người chúng ta kéo dài niềm hạnh phúc, là: biết cởi mở lòng mình để Chúa dẫn dắt. Cởi mở và sẵn sàng nói ra cũng như hành động quả cảm, vì Danh Ngài.    

            Về chuyện này, ta có được mẫu gương sáng chói lọi của thánh Gio-an Tẩy Giả, được tóm gọn nơi Tin Mừng thánh sử Gio-an: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.(Yn 1: 6).

            Đọc Kinh Sách, hẳn mọi người đều hiểu: đây là khẳng định rõ nét về mối tương quan vẫn có giữa thánh Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su. Đức Chúa là ánh sáng chói lọi và thánh Gio-an Tẩy Giả là nhân chứng cho Ánh sáng ấy. Nếu hôm nay, ta thay thế tên thánh Gio-an bằng chính tên của mình, ta sẽ nhận thức được nhiều điều hữu ích. Bởi, những điều được nói, cũng vẫn đúng thực với mọi tín hữu được thanh tẩy như thánh Gio-an.

            Bởi lẽ, mỗi người chúng ta, qua thanh tẩy và nhờ đã gia nhập làm thành viên gia đình Hội thánh, đương nhiên trở thành người được sai phái ra đi, không phải như Ánh sáng chói lọi, nhưng như nhân chứng của Ánh sáng. Chính bài giảng trên núi, Chúa đã nói đến mỗi người chúng ta như “ánh sáng thế gian”. Nhưng, ta vẫn là ánh sáng theo cung cách ánh nguyệt, được chiếu rọi và phản ánh từ mặt trời, là Đức Chúa.

            Trong chuẩn bị đón mừng ngày Chúa Giáng Hạ và Quang Lâm đến với cuộc sống của ta, ngang qua Đức Giê-su, ta cần tự nhắc nhở mình rằng: ta được gọi mời làm một phương tiện để đưa Chúa đi vào với cuộc sống của người khác. 

            Vào Mùa Chúa Giáng Hạ, các thành phố của ta tưng bừng đầy ánh sáng chói lọi. Tuy thế, nhiều người vẫn không nhận ra được ý nghĩa của sự chói lọi đầy ánh sáng, là biểu tượng cho Đức Giê-su, nguồn Ánh Sáng của Muôn Dân, đang đến lại với chúng ta tại thời buổi này. Và có lẽ, cũng nên hỏi: ta sẽ mang Ánh Sáng của Chúa đến được bao nhiêu người? được bao người, đang sống với kinh nghiệm Chúa Hạ sinh nơi họ, vì nhờ có ta làm chứng cho việc Chúa đến?     

            Biết bao người, còn đang sống lẫn lộn trong tăm tối? Còn bao người vẫn còn nghèo khổ theo nhiều cách? Dù, họ rất giàu về tiền bạc. Của cải, vật chất. Còn biết bao người vẫn chưa được tự do chọn lựa sự thật? Tự do chọn công lý và bình trong lối sống? Trong hành vi, cử chỉ và lời nói. Còn biết bao người vẫn câm và vẫn điếc trong cái ồn ào của chủ nghĩa tiêu thụ? Còn bao người, vẫn trong vòng lao lý của những hào nhoáng bên ngoài? Vẫn cô đơn. Lạc loài. Bị ruồng bỏ. Biết bao người, vẫn chịu khổ đau ngay trong lễ hội đình đám? Những người vẫn chán và sợ Giáng Sinh, vì những chán chường, u sầu hoặc ê chề, lẩn trong đó.

            Chắc chắn là còn rất nhiều người đang đợi chờ. Đợi chờ ta, phản chiếu Ánh Sáng chói lọi của Đức Chúa. Chiếu trên họ, để rồi ta chuyển đổi cuộc đời họ cho có niềm vui. Cho có ân sủng tràn đầy, trọn vẹn. Niềm vui Đức Kitô. Vui Mùa Giáng Hạ chỉ thuộc về ta, trong mức độ nếu ta hợp tác với Chúa, đem niềm vui đến với cuộc sống, của muôn người.
              
              Lm Frank DOyle sj
               Mai Tá lược dịch



No comments: