Wednesday 28 December 2011

THIÊN CHÚA GIÁNG TRẦN Ở ĐÂU: TRONG HAY NGOÀI NHÀ THỜ? Giuse Mai văn Thịnh C.Ss.R

Khi còn sống ở quê nhà, vào những dịp giáng sinh, chúng tôi, những chú bé kéo đàn kéo lũ đi ngắm hang đá, xem đèn được trưng bày chung quanh các xóm giáo và nhà thờ. Khi lớn lên lại còn phải tham dự những buổi trình diễn thánh ca; rồi ‘phải’ đi lễ và thông thường cuối lễ ‘phải’ đứng xếp hàng để viếng hang đá, thờ lậy Chúa Hài Nhi. Chẳng biết tâm tình thờ lậy của tôi dành cho Ngài được bao nhiêu, nhưng mắt chăm chú nhìn vào đống hạt dẻ, ngô rang mà người ta dùng để ‘sưởi ấm’ tượng Chúa. Và sau khi hôn chân Chúa, tôi thế nào cũng phải vồ một nắm để hái lộc giáng sinh.

 
Khi sang bên Úc tôi học được thói quen khác là tặng quà hay ít nhất gửi thiệp với những lời cầu chúc thật hoa mỹ nhưng không kém phần thánh thiện để gửi cho bạn bè thân hữu. Đây là thói quen rất tốt và hầu hết những người Úc không thể quên sót. Vì thế, vào những dịp Noel, các trung tâm thương mại luôn tràn ngập người. Cụ thể, trong đêm 23/12/2011 vừa qua, chỉ trong khoảng từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, đã có khoảng 50.000 người đi mua sắm. Ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân.



Hình như tất cả những cảnh tượng xẩy ra vào dịp lễ giáng sinh có cái gì không ổn với sứ điệp của Chúa. Những quà tặng mà chúng ta trao cho nhau quá nhiều, nhiều đến độ một lúc nào đó chúng ta lại phải ngồi xuống để bóc ra những lớp vỏ bên ngoài để tìm ra cốt lõi của sứ điệp mà Chúa Kitô đã nhắn gửi.



Ngay từ trong những bài đọc phụng vụ của những thánh lễ vọng, nửa đêm, rạng đông, ban ngày của lễ Giáng sinh chúng ta thấy có những biến chuyển: Cảnh tượng êm đềm thanh bình của đêm Noel, với tiếng đàn ca xướng hát của thiên thần nhường chỗ cho sứ điệp và lời mời gọi:



Sứ điệp : “Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người và lưu ngụ giữa chúng ta.”



Làm sao một đấng thần linh cao cả như Thiên Chúa lại có thể làm người? Và tại sao Thiên Chúa không dùng quyền năng của Người để truyền lịnh mà cứu độ chúng sinh?



Theo thánh Gioan diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay thì Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy thân phận con người, hòa mình vào kiếp người. Và để chia sẻ cuộc sống con người, Ngài đã trở nên giống hệt chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Qua việc nhập thể này, Thiên Chúa đã bước vào phận người và giúp con người tìm ra lối về nhà Cha.



Tôi được nghe kể lại một câu chuyện diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu Kitô như sau:



Có một đức vua kia đã hỏi quân sư của Ngài rằng: “Nếu tôi muốn làm bất cứ điều gì, tôi truyền lệnh cho quan quân của tôi thì việc đó được thi hành ngay lập tức. Vậy tại sao Thiên Chúa là vua của các vua, chúa của các chúa lại không cứu nhân loại bằng một lệnh truyền; mà phải đích thân nhập thế và làm người để làm gì?”



Vị quân sư xin vua một ngày để suy nghĩ.



Hôm sau, Đức Vua và ông ta đang chèo thuyền dọc theo dòng sông. Trên bờ hoàng tử và các cung nữ đang vui đùa. Đức vua nhắc lại cho vị quân sư câu hỏi hôm qua và yêu cầu ông trả lời. Cùng lúc đó, chẳng may, vì vô ý, hoàng tử đã bị té xuống nước. Ngay lập tức đức vua lao mình xuống sông để cứu con. Sau khi vớt được hoàng tử đem lên thuyền. Vi quân sư mới trình với đức vua rằng: “Thưa hoàng thượng, thay vì nhẩy xuống nước, ngài có thể sai thị vệ và các cận thần làm việc đó mà.” Nghe xong câu nói đó, đức vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: Khanh đã giúp trẫm tìm ra câu trả lời tại sao, để cứu nhân loại, Thiên Chúa toàn năng đã nhập thể với thân phận con người thay vì thực hiện nó chỉ bằng một lịnh truyền mà thôi.



“Ngôi Lời trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.



Đó là cách biểu lộ tuyệt hảo tình yêu của Thiên Chúa.



Một tình yêu tự phát. Tình yêu phát sinh từ Thiên Chúa. Người luôn đi bước trước. Yêu con người khi họ chưa biết đáp trả. Tha thứ trước khi con người xin lỗi. Đi tìm trước khi con người quay trở về. Và phải chết mới tìm được con người.



Một tình yêu quên mình. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi.



Một tình yêu nối kết. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn và trở nên một với con người.



Thách đố



Trước tình yêu cao cả và vĩ đại đó, con người đã đáp trả thế nào. Lại cũng trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Gioan 1,11tt)



Khi suy tư về điều này. Tuy rất lạc quan trước lối sống đạo rất thực tế của giới trẻ. Tuy họ chỉ đến nhà thờ vào những dịp lễ quan trọng… Họ rất tha thiết với những công việc từ thiện…. Nhưng tôi cũng có chút e ngại và lo lắng. Giới trẻ hôm nay giỏi và có nhiều khả năng hơn thời đại của tôi. Họ có nhiều thuận lợi. Với khả năng và tài tính toán, họ có thể làm chủ được tương lai của mình; đôi khi họ có thể ngộ nhận tưởng như mình đã làm chủ luôn thiên nhiên. Và lúc đó, họ sẽ cảm thấy tôn giáo không còn là ưu tiên hàng đầu của cuộc sống. Niềm tin vào Thiên Chúa tuy còn, nhưng theo họ thì chỉ có những người già nua, không còn khả năng mới cần tin và dựa vào thần linh để sống. Trong khi đó, Giáo hội khó tìm ra được một ngôn ngữ nào phù hợp với lối suy nghĩ của họ. Và từ đó cự ly khoảng cách giữa họ và giáo hội càng ngày càng xa, xa đến mức độ chúng ta có thể nói “người nhà đã không tiếp nhận Ngài.”



Ngài đã đến nơi nhà mình. Qua thân phận của các tù nhân. Qua lối sống của những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế, không nơi nương tựa. Ngài đã nên đồng hình đồng dạng với con người nói chung và những dạng người nói trên để qua họ Ngài trao ban một lời mời gọi khẩn thiết là “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Ngài mà phục vụ, vì Ngài mà tha thứ và hy sinh cho nhau, vì Ngài mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Ngài mà làm tất cả cho nhau.



Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ.



Một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận ra Người nơi anh em. Tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng chính vì thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc đời.



Tôi được nghe quí vị tuyên úy trong các trại tù chia sẻ với nhau rằng những người bạn tù rất cần sự cảm thông và nâng đỡ của chúng ta. Sau một thời gian sống trong lao tù; những ngày đầu tiên được thả ra vô cùng quan trọng đối với họ. Nếu họ được săn sóc trong một môi trường tốt, hầu như họ sẽ làm lại được cuộc sống. Bằng không, những người bạn cũ sẽ tìm đến với họ và con đường dẫn họ đến nhà tù rất gần.



Điều mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm lòng khoan dung và độ lượng.



Người ta kể rằng: Trong một xóm giáo toàn tòng kia, người người đều tin vào Chúa. Và có một thanh niên mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai. Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm xa lánh anh. Với những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi.



Không lâu sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt.



Trước mặt quan tòa anh ta khai báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi nên tôi trả thù".



Anh không được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Chính thái độ hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù chung thân.



Giả như Thiên Chúa cũng không chấp nhận chúng ta thì giờ đây nhân loại sẽ ra sao!!???



Khi mừng lễ giáng sinh hôm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài nhắc cho chúng ta bài học yêu thương, giúp đỡ, đón nhận và tha thứ cho nhau. Vì qua đó chúng ta tiếp tục sinh hạ và giới thiệu Chúa cho người khác. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết mở lòng đón nhận sứ điệp và chấp nhận lời mời gọi để Thiên Chúa thành toàn chương trình của Người nơi bản thân yếu hèn của chúng ta.



Giáng sinh 2011.

Giuse Mai văn Thịnh C.Ss.R

No comments: