Thursday, 8 December 2011

Người về đây, có phải tự trời xa”


Suy niệm Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng năm B

“Người về đây, có phải tự trời xa”
Với nét mắt vòng cung của cầu vồng che mưa nắng?
Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng Đế đưa sao mang gửi về khoé mắt?
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Lc 1: 26-38

            Nét đẹp Người về, nhà thơ nay đà thấy. Thấy lụt Ngân Hà Thượng Đế gửi. Nơi khoé mắt. Lụt Ngân Hà/Mưa Hồng Ân Ngài gửi con người, qua Đấng Mêsia, vẫn còn đó rất hôm nay.

            Trình thuật hôm nay, là trình thuật dọn đường Chúa đến, trong lai thời. Chúa đến, Ngài cũng nhập thế và nhập thể nơi cung lòng Người Con. Con Người, nay mặc lấy xác thịt phàm trần, để ở lại với con người. Với vũ trụ, rất yêu thương.

            Trình thuật, nay đưa dẫn sự kiện Maria mang thai. Mẹ không gần gũi xác thịt với đấng phối ngẫu. Nên, tín hữu thời buổi đầu vẫn nhận biết và suy tư về sự kiện lớn lao này. Biết và hiểu rằng Chúa đến với con người là đến bằng xác thịt. Ngài đến qua Đavít, như đã thiết lập, khi Phục Sinh (Rm 1: 3-4).  

Phúc Âm nay còn đưa ra một thắc mắc về lời ứng đáp của Mẹ. Qua ứng đáp, Mẹ đã cưu mang  Con Chúa, mà đồng trinh, sao? Thế nên, thần sứ mới kịp hoà giải, phải trấn an: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1: 35). Và, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vào khoảnh khắc lúc đầu, qua sự kiện Mẹ thụ thai, mà đồng trinh. Sự việc, là do quyền uy sức mạnh của Thiên Chúa. Và, việc Mẹ vẫn đồng trinh không ảnh hưởng lên căn tính của Mẹ. Cũng chẳng liên quan đến vị phối ngẫu. Vẫn tự nhiên.  

Nơi trình thuật, thánh Luca đã so sánh việc Chúa Giáng Hạ với thánh Gio-an Tẩy giả, được sinh ra. Trong khi, thánh Gio-an trở nên “cao cả trước mặt Chúa”, thì Đức Giê-su lại chính là Con của Chúa. Đấng Cao cả trên hết mọi cao sang cả thể nào khác. Ngài ngự trên ngai Đa-vít. Vương Quốc của Ngài không có mức cùng, hay giới hạn. 

Thánh Luca, luôn coi Đức Giê-su là Vua trên hết các vua. Ngài là hiện thân của Nước Chúa, bằng vào những thống khổ của Ngài chịu. Cả vào lúc Ngài xem ra không còn uy lực, nữa. Qua ngòi bút thánh sử, việc thánh Gio-an Tẩy Giả sinh hạ, rất đặc biệt. Bởi, thánh nhân sinh ra từ bậc cha mẹ bình thường, tuy đã già. Còn, Chúa Giáng Hạ, Ngài lại giáng hạ cách đặc biệt. Bởi, Chúa giáng hạ là từ cung lòng của Đức Mẹ, vẫn đồng trinh.  

Trình thuật sự việc Giáng hạ cho người nghèo khổ, sẽ mang ý nghĩa đậm nét hơn, khi thánh sử Máccô viết về tính cách cùng-cứu-rỗi của Mẹ Đồng Trinh. Mẹ cùng cứu rỗi con người, từ thị trấn nhỏ bé, chứa đựng khoảng chừng 150 dân cư, thôi. Ta còn nhớ, lời bình của Nathael trong Tin Mừng Gio-an, có đoạn viết: "Từ Na-da-rét, có gì là hay đẹp?" (Yn 1: 46). Về sau, chính Mẹ cũng đề cập đến chuyện này, khi Mẹ hát bài Ngợi Khen, rất Magnificat: “Phận nữ hèn, Người đoái thương nhìn tới. Chúa hạ bệ, kẻ quyền thế, để nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1: 48, 52).

Thế nên, những gì xảy đến với Mẹ, đều là quà “nhưng-không”, Chúa tặng. Là, những gì Mẹ không thể tự mình mà có. Nhưng, Mẹ vẫn tự do chọn lựa. Tất cả, gửi đến Mẹ như yêu cầu người nữ trinh trong thực hiện điều Chúa muốn.Và Mẹ nói lời “Xin vâng!”, rất tự do. Rất hãnh tiến.

“Tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi theo ý ngài." là câu ứng đáp rất toàn hảo. Ứng đáp, của đồ đệ Chúa. Mãi về sau, chẳng nữ phụ hoặc phạm nhân tội lỗi nào dám nghĩ rằng mình có thể nói lời cung chúc tích cực, đẹp như thế. Ứng đáp mặc khải của Chúa qua Đức Giê-su, quả là không dễ.

Nhờ lời “Xin vâng!” của Mẹ, thế giới nay có đổi thay. Nhờ ứng đáp của Mẹ, nay cuộc sống mọi người đã thay đổi. Thay đổi là thay và đổi thật sự. Dù ta là người có niềm tin hay chỉ là đám vô thần, theo cách này, cách khác. Tiếc thay, hôm nay, tính vâng phục như của Mẹ, không còn được nhiều người ưa trọng. Bởi, người người vẫn muốn độc lập. Có tự do. Và, tự túc tự cường. Nhưng, vẫn có người thắc mắc về tính tự do này, khi nhiều người còn tuỳ thuộc vào nhiều thứ, như: nghiện ngập, lẫn say mê. Say nhiều thứ. Mê cả chuyện nổi tiếng, lẫn oai nghi.

Vâng phục, là đức tính có khi được hiểu sai ý nghĩa. Tựa hồ như: khúm núm. Quỵ luỵ. Và, ỷ lại. Thế giới hôm nay, nói đến vâng phục thường kết nối với tính yếu kém. Đớn hèn. Nhu nhược. Nhưng, vâng phục thực sự, lại là một chọn lựa rất tự do. Được soi sáng từ sự trung thực và đúng đắn. Vâng phục thực sự, đòi ta sự quả cảm. Cho dù có bị ràng buộc bởi làn sóng chống đối từ phía xã hội. Chính vì thế, thiên sứ mới phải giải thích nhiều việc Mẹ mang thai, mà vẫn đồng trinh. 
   
Vâng phục, không nhằm để phù hợp lòng mong muốn của các vị trên cao. Mà, để đặt mình trong tình huống phục vụ những gì cao cả hơn chính mình. Trong bối cảnh Tin Mừng, người cao cả không là người chỉ biết khuynh loát và thống trị kẻ khác. Nhưng, là người biết ứng phó sử dụng tài nguyên riêng tư, ngõ hầu phục vụ cộng đoàn. Xem như thế, cao cả đích thực là tích cực chấp nhận những gì Chúa muốn mình làm. Hoặc, những gì Ngài muốn làm, qua ta.

Khoảnh khắc cao cả, Chúa giống như Mẹ, khi Ngài nói lời “xin vâng!” với Chúa Cha. Bởi, trong âu lo, Ngài cũng vã mồ hôi đầy những máu khi nguyện cầu. Đó, là lúc Ngài quyết định: “Xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha." (Lc 22: 42). Và, thánh Phao-lô xác định: “Khi sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã dâng lời khẩn nài lên Đấng quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài được nhậm lời, vì tôn kính. Là Con Thiên Chúa, Ngài trải qua nhiều đau khổ mới học được đức vâng phục; và khi bản thân Ngài đạt mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ, cho những ai vâng phục Ngài.” (Hr 5: 7-9)

Mẹ vâng phục, thật ra không phải là chuyện dễ làm. Là thiếu nữ và là hôn thê chưa cưới của thánh Giu-se, Mẹ vẫn được yêu cầu mang thai ngang qua uy lực, từ ngoài. Tập tục Do Thái, hôn thê là người coi như quyết tâm gắn liền với phu quân tương lai, của mình. Người Do thái coi việc mất đi lòng trinh tiết, đồng nghĩa với ngoại tình. Và, hình phạt dành cho thiếu nữ này, là ném đá ngay tại nhà của cha mình (x. Yn 8: 1-tt).

Khi nói tiếng “xin vâng”, Mẹ đã thực hiện một việc cả thể. Chính đó, là động tác ưng thuận điều sứ thần đòi. Mẹ nói lời “xin vâng!” vào mọi tình huống. Cả vào khi Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa. Mẹ “xin vâng”, ngay cả lúc Con của Mẹ bị xử án, tấn công. Cả khi, Con của Me bị cả chính quyền lẫn thần quyền khích bác, ruồng bỏ. Mẹ “xin vâng”, khi Con Yêu Dấu của Mẹ bị đối xử tàn bạo, cho đến chết. Chết rất nhục. Chết, như tội phạm.

Mừng ngày Chúa Giáng Hạ, ta cũng đừng xử sự như nhiều người. Những người, chỉ muốn tránh né thực tế, trong xã hội. Ngược lại, hãy coi đây là thời điểm để ta nói lời “xin vâng”, với Chúa. Xin vâng và chấp nhận điều mà Ngài vẫn gọi mời ta đổi mới. Đổi mới, không để có được cuộc sống “rất chậm” ngày lễ hội. Hoặc có áp dụng, nhưng chỉ bằng những “xin-cho” của đời thường. Trái lại, “xin vâng” là quyết thích nghi và phù hợp với nơi chốn và thời gian ưu tiên, cho đời mình. Có “xin vâng” như thế, Chúa mới giáng hạ và tái sinh trong lòng mình và trong lòng người khác, nữa.

Vào phút giây nguyện cầu để nói tiếng “xin vâng”, lúc ta khởi đầu cuộc sống có chọn lựa. Trong mọi việc. Xin vâng, cả khi mọi việc ra như có chiều hướng xấu. Và trễ tràng. Xin vâng, để hiện thực. Xin vâng, để có thể quay về với Chúa. Để biết mình không là gì cả. Và, mọi sự xấu xảy đến với ta, không do Chúa. Nên, đừng đổ lỗi cho Ngài. Trái lại, hiểu rằng: xin vâng, chẳng vì Chúa hứa sẽ thuận theo kế hoạch của mình. Nhưng, là Ngài hứa thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài, trong ta. Qua ta. Và cho ta.

Chúa giáng hạ, và Mẹ Ngài đã nói lời “xin vâng” rất tự do. Tự nguyện. Chúa trở nên Đấng Cứu chuộc chúng ta, nhờ có lời xin vâng. Ngài cũng nói “xin vâng” rất tự do và quả cảm, với Cha Ngài. Mùa Giáng Hạ năm nay, cùng với Mẹ và Đức Chúa, ta hãy “xin vâng” tự nguyện. Không điều kiện. Quả cảm, dâng lên Chúa. Đấy là đầu tư an toàn, hạnh phúc và bình an ta chưa hề biết.
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch 

No comments: