Monday, 2 November 2009

Thương người quá cố làm sao bằng Chúa thương

Nguyễn Ngọc Lan

Xưa nay các dân tộc, tôn giáo đều đặc biệt lưu tâm tới người quá cố và tỏ lòng cung kính, săn sóc, lễ bái đủ cách: Từ những kim tự tháp, những lăng tẩm xa xưa cho đến từng bia mộ trong các nghĩa trang, từng ngôi miếu nhỏ dựng vội bên lề đường hay những thị trấn người chết đã mọc lên trong những năm gần đây bên cạnh mấy làng dân chài xứ Huế, tất cả đều nói lên tầm quan trọng của một thứ không gian bốn chiều trong đó người sống kẻ chết vẫn gần gũi liên hệ với nhau ít nhiều, không cách này thì cách khác, thậm chí chia sẻ ngọt bùi của từng món ăn, từng mâm cỗ. Có khi người ta tốn phí công sức, tiền của cho thân nhân sau khi chết nhiều hơn hẳn lúc còn sống.

Nhưng Kinh Thánh thì hầu như không đả động gì tới số phận người đã chết.Cựu Ước chỉ nói người nọ người kia chết, không nhiều lời về tình cảm đối với người chết, về các lễ dành cho họ. Không có một lời nguyện nào cho người chết hoặc với người chết. 2Mcb 12,42-45 là một ngoại lệ. Ở ngoại lệ này, vị anh hùng Yuđa quyên tiền gửi về Yêrusalem để dâng lễ tế đền tội chỉ là bởi nghĩ đến sự sống lại, vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn”. Chỗ hiếm hoi nói đến việc cầu nguyện cho kẻ chết ấy cũng là chỗ hiếm hoi nói đến sự sống đời sau, nhưng Cựu Ước vẫn không cho biết đời sau này ra thế nào.

Tân Ước cũng không nói gì đến các nghi lễ, việc cầu nguyện cho kẻ chết, không thỏa mãn sự tò mò cố hữu của con người về thế giới bên kia. Tân Ước chỉ không ngừng nhấn mạnh: Chúa Kitô đã chết và sống lại, chúng ta cũng thế.

Ai từ bây giờ đã chết sống lại với Chúa Kitô (Rm 6,1-11) thì khi an nghỉ trong Đức Yêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đi làm một với Ngài (1Tx 4,13). Không muốn để anh em không hay biết về số phận những người đã an nghỉ thì Thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalônikê cũng chỉ nói có vậy. Vì điều chính yếu vẫn không phải là để thỏa mãn sự tò mò về đời sau nhưng là để anh em khỏi phải phiền sầu như những người khác, những kẻ không có hy vọng. Tin là phó thác và hy vọng hơn là và để hy vọng chỉ cần biết: ai đã kết hợp, đã trung thành với Chúa Kitô, đã yêu mến Ngài thì Ngài sẽ không bỏ và sống chết họ được sống chết với Ngài, trong Ngài, mãi mãi họ ở trong Chúa. Cho nên nói đến người chết là có ý làm ích cho người sống nhiều hơn. Họ chết đi trong Chúa thì đã yên phận họ rồi. Nhưng phần người sống, nếu là kẻ có hy vọng, thì ngay từ bây giờ hãy một lòng trung thành với Chúa. Giờ chết đến, chúng ta vẫn không biết thế giới bên kia ra sao, chỉ còn buông xuôi tay phó thác mọi sự cho Chúa, lấy lòng tin mà ra đi trong Chúa.

Luyện ngục không là bến bờ;Chỉ từ khoảng thế kỷ thứ V, Hội Thánh mới quan tâm đến luyện ngục. Và mặc dù có những tranh luận gay gắt bên lề luyện ngục vào đầu thế kỷ XVI (“cuộc tranh cãi về các ân xá”) phải nói rằng cho đến ngày hôm nay, luyện ngục chưa bao giờ là một đề tài thần học khởi sắc được cả.

Nói cho ngay, “luyện ngục” không phải là một thực tại của đời này mà cũng chẳng là một thực tại vĩnh cửu thuộc đời sau. Bất quá chỉ là một giai đoạn “quá độ”: Một chuyến đò ngang. Không là bến bờ. Thánh Kinh không nói đến, Hội Thánh quan tâm tới một cách muộn màng, thần học và giáo lý không có gì để hứng thú tìm hiểu (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1030-1032) thì cũng phải thôi.

Thế nhưng nhiều khi “luyện ngục” lại thành một ám ảnh trong đời sống tín hữu. Nhớ tới bạn bè, thân nhân đã qua đời là phải nghĩ đến luyện ngục. Cứ y như thể chỉ có luyện ngục ở bên kia cõi đời này mà thôi. Lo nghĩ về cái chết của mình có khi cũng chỉ là lo nghĩ về luyện ngục. Ám ảnh luyện ngục lại dễ gây nhiễu cho lòng tin. Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Ep 2,4) bị biến thành ông chủ nợ khe khắt đòi cho tới đồng xu cuối cùng mới chịu buông tha. Kitô hữu thay vì phó thác cậy trông thì lại tính toán, muốn sòng phẳng, ỷ lại vào chình mình, tìm những bảo đảm cho đời sau nơi chính những khả năng của mình, từ khả năng làm việc lành phúc đức cho đến khả năng…đầu tư vào việc xin lễ… sẵn cách này nọ! Thậm chí cả việc giảng dạy cũng có thể sa lầy trong một thứ minh giáo lạ lẫm đối với Tin Mừng.

Chẳng hạn vào cuối những năm 60, một tập sách nhỏ trong loạt sách gọi là để phổ biến tư tưởng Công đồng Vatiacan II, đã có thể biện minh cho giáo lý về tội và vạ bằng cách ví von như thế này: con cái có tội thật lòng xin cha mẹ tha thứ thì cha mẹ tha thứ nhưng tha thứ rồi vẫn cứ phải đè ra đánh vài chục roi để sửa dạy, răn dạy! Biện minh kiểu ấy là làm như chưa hề có ví dụ về tình phụ tử (Lc 15,11-30). Người cha trong Tin Mừng đã đè đứa con thứ nhất ra quất vài chục roi thì đâu đến nỗi ông con cả phải nổi giận mà không thèm vào nhà? Bắt Cha trên trời rập khuôn theo mẫu mực cha mẹ trần gian thay vì kêu gọi cha mẹ trần gian nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5,48), đó là một “điển hình” cho sự sa đà… minh giáo: sốt sắng bảo vệ một điểm rất phụ như “vạ” mà nỡ làm lu mờ, nhạt nhòa đi mặc khải lớn lao là mặc khải về lòng thương yêu, tha thứ khôn sánh của Thiên Chúa.

Được tha tội còn có “vạ” thì chỉ vì chính con người chưa “trở về” cho hẳn, chưa chọn Chúa “hết lòng, hết trí khôn và hết cả sức lực mình”, chưa yêu mến Chúa mà không còn ẩn ý và vẫn còn dính bén, vướng víu cách này cách khác với tội. Vạ hay tội đều do tự phía con người, không phải là một thứ thuế má tiền phạt do Thiên Chúa áp đặt (GLHTCG, 1475).

“Luyện ngục” vì thế vẫn phải được thấy như một ơn huệ của Thiên Chúa là Lòng Mến. Thiên Chúa chỉ biết thương yêu và ban ơn huệ. Nếu có cần ví von thì phải chăng chỉ nên ví von làm sao mà vẫn “với mục đích là để bày tỏ cho các thế hệ sẽ đến, thấy sự phong phú tuyệt vời của ơn huệ Người, nhờ bởi lòng nhân hậu của Người trên ta, trong Đức Kitô

Đến thăm nhà bạn bè, người thân, nếu đã đi qua một ngõ lầy lội, giày dép lấm láp thì ai mà chẳng phải chần chừ, ngần ngại không muốn đi ngay vào nhà. Chủ nhà chiều khách là khi biết đặt sẵn một tấm thảm chà chân bên ngưỡng cửa. Ngày xưa đây đó trên thế giới người ta còn có thói quen để sẵn nước cho khách rửa chân trước khi vào nhà.

Trì hoãn phút gặp gỡ nhau như thế chỉ là một đòi hỏi tự nhiên của tình nghĩa. Trừ phi lòng nao nức gặp gỡ nhau lớn hơn tất cả mọi sự. Như khi con cái đi xa lâu ngày trở về gặp lại mẹ cha thì đâu còn kể gì đất bụi lấm đầy người, không phải dừng lại nửa giây nào trước cửa nhà mà sẽ chạy thẳng vào ôm chầm lấy mẹ cha. Chốn thanh luyện cũng không có đối với kẻ đi về với Chúa mà hành trang cuối cùng là một “niềm tin yêu mến trọn lành” như giáo lý xưa nay vẫn dạy. “Một cuộc trở lại xuất phát từ một lòng mến nồng nhiệt thì có thể làm cho kẻ tội lỗi được thanh luyện hoàn toàn, không còn mắc vạ gì nữa. Kẻ trộm lành bị treo bên cạnh Chúa Yêsu hẵn đã là một trường hợp như thế: Quả thật, Ta bảo ngươi: hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Ta!

Đôi lứa yêu nhau chưa hẳn bao giờ cũng nên kết hôn ngay. Khi tình yêu Chúa chưa đủ độ chín mùi, chưa trọn vẹn và dứt khoát .v.v…

Lòng mến của Thiên Chúa bao giờ cũng trọn vẹn và dứt khoát, tràn đầy.
Đức Kitô đã chết vì ta, ngay lúc ta còn là tội nhân (Rm 5,8). Nhưng kẻ theo Chúa mấy khi kể được là trọn tình trọn nghĩa với Chúa, lòng không ít nhiều còn lo lắng xôn xao về nhiều chuyện (Lc 10,41), không ít nhiều còn lạc lõng đâu đó chưa về?

Không ai thương người quá cố bằng Chúa thương;
Hiểu chốn thanh luyện như thế, tín hữu Chúa Kitô sẽ không còn có một thái độ phải nói là quái dị trong quan hệ với người quá cố: cứ làm y như thể mình thương họ và thương lo cho họ hơn… Chúa thương họ và thương lo cho họ. Cứ làm như thể Chúa chị là chủ nợ còn mình lo chạy nợ dùm họ…

Lòng tin thương nhớ người chết trước tiên là lòng tin cảm tạ.Đã khỏi phải phiền sầu như những người khác, những kẻ không có hy vọng thì cũng là hy vọng họ đã được an nghỉ trong Đức Kitô và trước sau gì Thiên Chúa sẽ đem họ đi làm một với Ngài(1Tx 4,13). Lòng tin cảm tạ Thiên Chúa vì người quá cố còn hay đã hết thời gian tẩy luyện thì cũng đã được thuộc về Chúa Kitô. Chuyến đò ngang tẩy luyện chỉ đưa tới bến bờ nhà Cha không có bến bờ nào khác.

Lòng tin thương nhớ người chết còn quan tâm giúp đỡ họ. Không phải là giúp đỡ thay cho Chúa hoặc hơn cả Chúa. Giúp đỡ trong mầu nhiệm các thánh thông công. Hiệp thông chia sẻ ơn cứu độ. Hiệp thông chia sẻ “kho tàng Hội Thánh”:

Kitô hữu không đơn độc khi cố gắng tinh luyện mình khỏi tội lỗi và thánh hóa mình nhờ ơn Thiên Chúa. Cuộc sống của mỗi con cái Thiên Chúa được nối kết một cách kỳ diệu, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô với cuộc sống của tât cả các anh em Kitô hữu khác, trong sự duy nhất siêu nhiên của Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Kitô…” (Phaolô VI, tông hiến Indulgentiarum doctrina).

Vì vậy trong sự hiệp thông của các thánh, có một mối liên kết yêu mến và một cuộc trao đổi dồi dào mọi ơn ích giữa chư vị đang hưởng phúc quê trời, những kẻ đã được nhận vào chốn luyện tội và những người còn đang tiếp bước hành trình trần gian… (Phaolô VI, như trên). Trong cuộc trao đổi kỳ diệu ấy, mọi người được hường nhờ sự thánh thiện của nhau còn hơn là bị thiệt thòi vì tội lụy của nhau. Như vậy, nhờ các thánh hiệp thông mà kẻ có tội đã ăn năn hối cải có thể tẩy luyện khỏi các vạ của tội lỗi” (GLGHCG, 1474-1475).

Được tẩy luyện khỏi tội vạ chẳng qua là lòng mến đã được tiếp sức để tinh luyện và tăng cường. Hiệp thông, chia sẻ lòng mến vẫn là điều chính yếu để giúp đỡ người quá cố. Tiền của dâng cúng, bố thí cũng chỉ có giá trị nhờ và theo mức độ biểu hiện lòng mến. Cho nên đồng xu của bà góa nghèo mãi mãi vẫn là “nhiều” hơn cả (Mc 12,43).

Cho tôi xin lễ đời đời.
Xin cha cho tôi xin lễ đời đời. Linh mục Đ. trợn tròn mắt nhìn bà cụ đang đứng trước mặt mình. Dáng dấp già yếu, ăn mặc sơ sài. Bà góa nghèo khó nào đó trong Tin Mừng theo thánh Marcô hẳn cũng như vậy. Có điều bà cụ này không phải chỉ đến với hai trinh, mà vừa đặt lên mặt bàn cả một gói giấy bạc dầy cộm tuy có lẽ cũng là mọi sự bà có”.
- Bà cụ ạ, lễ đời đời là gì vậy?
- Là khi nào tôi qua đời, cha làm lễ cho tôi, bây giờ xin cha giữ trước giùm.
- Sao vậy bà cụ? Bà cụ có dư dật gì đâu. Bà cụ đem tiền về đi. Để ăn uống, bổ dưỡng, thuốc men.
- Thế còn lễ cho tôi?
- Lo gì bà cụ! Con cháu sẽ lo cho bà cụ. Bà cụ yên tâm đi.
- Thì còn… có Chúa. Chúa là Cha mà. Con cháu có quên bà cụ thì Chúa sẽ không quên nổi đâu. Không ai thương bà cụ bằng Chúa. Chúa thương lo cho bà cụ còn hơn cả bà cụ có thể thương lo cho chính mình. Chúa có nói rồi mà: Có bà mẹ nào để rơi con mình đang ôm trong tay đâu, nhưng giả như có bà mẹ nào như thế thì Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi bà cụ.
- Bà cụ cứ nghe tôi đi. Bà cụ cầm cài gói này đem về đi. Nhớ để Chúa lo. Tôi lo cũng không bảo đảm đâu. Ngộ nhỡ tôi cũng quên, cũng sơ sót thì sao? Chỉ có Chúa thương bà cụ là bảo đảm nhất thôi..
Bà cụ đứng tần ngần một lúc rồi mới chịu cầm lại gói tiền và trở ra. Linh mục Đ. nhìn theo bà cụ: không khéo bà cụ lại đem gói tiền tới một nhà thờ khác để xin lễ đời đời là…!

Ba hôm sau, Linh mục Đ. tiếp một ông bạn :
- Cha Đ. này, cha có quen với một bà già phải không?
- Rõ vớ vẩn, biết bao nhiêu bà già có thể lui tới đây, tôi biết đằng nào mà trả lời ông.
- Không. Có một bà cụ nghèo nghèo hay đến mua thuốc ở nhà thuốc của vợ tôi cơ. Hôm qua bà cụ đến với nét mặt sáng rỡ, vui vẻ khác thường. Vợ tôi phải ngạc nhiên, nhưng chưa kịp hỏi han gì thì bà cụ đã nói: Bà dược sĩ ơi, tôi vui lắm. Bây giờ tôi chẳng phải lo gì nữa. Tôi biết là Chúa thương tôi, sẽ lo hết cho tôi không ai bằng. Vui quá phải không bà dược sĩ…, bà cụ vừa nói vừa như chỉ thiếu đường nhảy mừng trong Đấng Cứu chuộc tôi, vợ tôi thấy như thế đấy, cha Đ. ạ .

Bà cụ nọ đã cả một đời giữ đạo, thờ Chúa mà vẫn chưa được biết Chúa. Cứ phải thờ Chúa với thần khí của hàng nô lệ (Rm 8,15). Bảy, tám mươi tuổi mới có cơ hội trở lại, đón nhận Tin Mừng, vẫn chưa phải là quá trễ.

Con đường đi Đama đâu phải chỉ dành riêng cho một người tên là Saulô…

Nguyễn Ngọc Lan

(Muốn đọc thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc www.tranngocmuoihai.blogspot.com)

No comments: