Wednesday 4 November 2009

Luồng Gió Mới

Luồng Gió Mới
Lm Chân Tín, CssR

Sau 30 tháng 4 năm 1975, sách báo ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là sách báo tôn giáo, bị coi phản động. Vì thế, một phần bị một thứ “Vệ binh đỏ” lục soát và tịch thu, phần khác bị các sở hữu chủ tự ý đem đốt bỏ để tránh hậu hoạ hay ít ra để khỏi bị quấy rối. Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng có chung một số phận như những thứ sách báo tôn giáo khác.

Hiện nay, nhiều độc giả cũ của Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp muốn đọc lại những bài xã luận của tôi, trong thời gian tôi làm chủ nhiệm Nguyệt San, từ tháng 10/1961 đến tháng 5/1969. Vì những bài này phản ánh ít nhiều hai biến cố lớn liên quan đến Giáo hội Công giáo là cuộc chiến tranh Việt Nam và Công Đồng Vatican II. Sưu tập được thực hiện là để đáp lại phần nào mong muốn của bạn đọc Nguyệt San Đức Mẹ hằng Cứu Giúp.

Xin gửi đến quý bạn đọc cũ cũng như mới, trong cũng như ngoài Giáo Hội Công Giáo, những trang sau đây để phần nào giúp hiểu biết thêm về một giai đoạn đầy ĐAU THƯƠNG nhưng cũng đầy HY VỌNG của một quá khư gần đây.

ĐAU THƯƠNG vì suốt quãng thời gian tôi làm chủ nhiệm, Nguyệt San Đức Mẹ hằng Cứu Giúp thường xuyên phản ánh cuộc chiến tranh tàn khốc trên đất nước Việt Nam này. Phản ánh, để nói lên khát vọng hoà bình và hoà giải dân tộc. Đối với chúng ta hôm nay, nhìn lại cuộc chiến là dịp để chúng ta cám ơn Chúa vì bom đạn đã ngừng rơi, máu đã ngừng đổ; nhưng cũng là dịp để chúng ta ý thức hơn nữa rằng hoà bình đích thực chỉ có khi những nền tảng căn bản của hoà bình là công bình, bác ái thành thật và tự do được nhìn nhận và tôn trọng.

HY VỌNG vì Công Đồng Vatican II, với gần bốn năm chuẩn bịvà ba năm thảo luận, là một biến cố lịch sử không những của Giáo hội Công giáo mà còn là của cả nhân loại, đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống của Giáo Hội, mở ra những hy vọng mới cho thế giới. Đối với người Công giáo hôm nay, nhìn lại Công Đồng sẽ giúp thẩm định những gì đã làm hay chưa làm được theo tinh thần Vatican II. Đối với bạn đọc không Công giáo, nhìn lại đôi chút về Vatican II cũng là dịp để tìm hiểu biến cố trọng đại này của Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ XX đã ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại như thế nào.

Sưu tập, cũng là một đóng góp nhỏ của tôi trong thời gian tám năm tôi được Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam giao phó nhiệm vụ phụ trách Nguyệt San Đức Mẹ hằng Cứu Giúp.

Stêphanô Chân Tín
Nhân kỷ niệm 50 năm linh mục (6/6/1949-6/6/1999)
và 80 năm tuổi đời (15/11/1920/2000)


Tin Mừng Giải Phóng & Mầu Nhiệm Giáo Hội
Lm Chân Tín CssR

Sau ngày trở lại lịch sử trên đường Damas, thánh Phaolô rong ruổi khắp đế quốc La Mã và chịu bao nhiêu gian khổ để rao giảng Tin Mừng giải phóng và mầu nhiệm Giáo hội. Nhưng, theo cái luật chết đi để sống lại của chương trình giải phóng, thánh Phaolô đã bị cầm tù ở La Mã vào khoảng năm 1961. Tuy người bị cầm tù nhưng “Lời Chúa không bị xiềng xích”, nên người đã viết nhiều bức thư thống thiết gửi cho những Giáo hội mà người đã gây dựng nên.

Trong một lá thư gửi Giáo hội thành Êphêsô, thánh Phaolô đã hùng hồn nói lên Tin Mừng giải phóng và mầu nhiệm Giáo hội, chúng ta có thể coi đó là tờ chúc thư của ngài sau bao năm hoạt động để rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng ấy, là lý do độc nhất của tất cả hoạt động của ngài. Chúng ta hãy kính cẩn đi vào mấu nhiệm mà ngài đã phác hoạ cho chúng ta.

Với một tấm lòng biết ơn vô đối, ngài Chúc tụng Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu Kitô chúng ta, Đấng đã chúc cho chúng ta mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô.(Ep 1: 3) Trong mầu nhiệm giải phóng và Giáo hội, chính Chúa đã “chọn chúng ta’, đã “tiền định chúng ta trở nên nghĩa tử của Người trong Đức Giêsu Kitô” Ơn ấy, Người ban cho chúng ta cách nhưng không, do lòng thương vô biên của Người, chứ không phải do công nghiệp của ta. Trong Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta được ơn giải phóng. Chính Người còn ban cho chúng ta biết mầu nhiệm ý muốn của Người, cái ý muốn ấy là thu hợp mọi loài dưới quyền một Thủ lãnh là Đức Kitô) chính Chúa Cha đã phục sinh Chúa Kitô và đặt Chúa Kitô bên hữu Người. Người còn đặt mọi sự dưới chân Chúa Kitô, đã ban cho Chúa Kitô làm Đầu Giáo hội tức là Thân Thể của Chúa Kitô.

Phần chúng ta, chúng ta là những kẻ đã chết trong tội lụy. Nhưng Thiên Chúa đầy lòng thương xót, đã cho chúng ta cùng sống lại với Chúa Kitô. Chính nhờ hồng ân của Chúa Kitô mà ta được giải phóng khỏi ách ma quỷ và chia phần gia nghiệp với người. Ơn giải phóng ấy không do ta mà đến, nhưng do ơn Chúa Kitô ban. Chúng ta là công trình của Chúa Kitô, chúng ta đã được tạo dựng trong Người(Ep 2: 10)

Nhưng mầu nhiệm giải phóng không chỉ thực hiện một lần trong sự chết và phục sinh của Chúa Kitô cách nay hai ngàn năm. Mầu nhiệm ấy, còn được thực hiện qua các thời đại; ơn giải phóng vẫn đến với mọi người chúng ta, nhờ Giáo hội và đối với thánh Phaolô, Giáo hội là một toà nhà đã được xây trên nền tảng là các tông đồ và tiên tri, mà chính Chúa Kitô là viên đá tảng”. Ep 2: 20) Và mỗi một tín hữu là một viên gạch đã được lựa chọn để xây “Toà nhà Giáo hội”, để trở thành Toà nhà của Thiên Chúa. Mỗi một viên gạch ấy phải ăn khớp với viên đá tảng, mỗi tín hữu sẽ phải gắn liền với Chúa Kitô. Toà nhà ấy, đã được đặt nền móng trong cái chết và sống lại của Chúa Kitô và dần dần ngày này qua ngày khác trở nên một ngôi nhà đồ sộ, chắc chắn, đẹp đẽ. Và sẽ hoàn thành trong ngày cánh chung, ngày mà tất cả con cái Chúa sum họp trong Đức Kitô và trong Thánh Linh dưới ánh sáng huy hoàng của vinh quang mà Chúa Cha đã dành cho chúng ta trong Đức Kitô.

Trong công trình vĩ đại ấy, thánh Phaolô cảm thấy có trách nhiệm phải rao giảng Tin Mừng giải phóng và mầu nhiệm Giáo hội. Mọi công việc, mọi hoạt động tông đồ của người đều nhắm một mục tiêu duy nhất là xây dựng Toà nhà Giáo hội.

Đó là tham vọng của mọi tông đồ và đó cũng là tham vọng lớn lao của Nguyệt san Đức Mẹ hằng Cứu Giúp trong giai đoạn mới: Cùng với mọi tín hữu, góp một phần nhỏ vào công cuộc hoàn thành Giáo hội của Chúa, tức là Toà nhà đã được xây trên nền các tông đồ và các tiên tri, mà chính Chúa Kitô là viên đá tảng (Ep 2: 22)

Lm Chân Tín CssR
10/1961

No comments: