Monday, 9 November 2009

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú


Trái đất xoay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời xoay quanh trái đất, chân lý khoa học ấy từ hơn ba thế kỷ rồi không có để bàn cãi nữa tuy trong thực tế của lịch sử khoa học, nó đã không đến một cách đơn giản như người ta quen tưởng.

Giáo triều Rôma lạm dụng Kinh Thánh mà lên án Galileo Galilei (1564-1642) thì người ta rõ quá rồi, rõ hơn là chuyện xảy ra ngay giữa thế kỷ này: một “hồng y” Lyssenko (1898-1976) đã từng khiến hàng tá nhà khoa học như Vavilov không chỉ bị tù đày mà còn bị sát hại và khiến các khoa sinh vật học, từ di truyền học đến cổ sinh vật học, lê lết suốt mấy thập niên không tiến được tại môt nước đã có trình độ khoa học kỹ thuật vượt bậc để đưa con người đầu tiên lên không gian (nước này kể từ nửa thế kỷ nay có đủ thứ giải Nobel trừ giải Nobel sinh lý học và y khoa, đàng khác tuy ồn ào nhất hạng về tiến hóa luận nhưng cho đến nay chưa có ai đóng góp được gì cho cổ sinh vật học hoặc tiền sử ở tầm cỡ những linh mục Teilhard Chardin hay Henri Breuil).

Chuyện giáo triều đã quá rõ như thế, nhưng người ta thuờng ít biết hay ít chịu nhớ rằng: 1) Galilei đã phải đuơng đầu không phải chỉ với giáo triều mà còn cả với giới khoa học chính hiệu nhưng bảo thủ thời ông nữa, 2) và khoa học về sau lại thấy rõ là các lý chứng ‘khoa học’ Galilei đưa ra điều sai lệch (thủy triều là do Trái Đất xoay chuyển, độ lệch của kim từ hóa cũng thế!) hoặc không thể xác minh được với những phương tiện thời ông (trọng lực giảm do lực li tâm). Chưa kể Galilei cũng có mặt bảo thủ của ông: vũ trụ của ông với mặt trời là trung tâm chưa phải là vũ trụ vô hạn của chúng ta bây giờ, và ông vẫn mê đường tròn là ‘đường hoàn hảo’, đường lý tưởng nhất theo truyền thống triết học và thiên văn học từ ngàn xưa đến nỗi không chịu theo Képler trong khám phá trọng đại và có tính cách đột phá của Képler về sự vận hành của các hành tinh theo đường elip (Astronomainova, 1609). Bản thân Képler lại đã tìm kế sinh nhai trong thuật chiêm tinh hơn là trong chức vụ giáo sư kế vị Tycho Brahe và các tác phẩm thiên văn học của ông thường để xen lẫn những suy diễn thần bí vẩn vơ về ảnh hưởng của trăng sao với những quan sát, tính toán chính xác về vận hành của các hành tinh.

Dẫu sao vị trí con người trong vũ trụ lại là một vấn đề khác, không lệ thuộc những hiểu biết Thiên văn học. Thi nhân vẫn cứ đi trong sân mà cứ nhớ chuyện trên giời, nhởn nhơ giữa Trái Đất mà ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, kể cả những tinh vân, mà chẳng phải sợ ai chê cười. Blaise Pascal vốn là nhà toán học và vật lý học hàng đầu của thế kỷ XVII, sau Galilei và trước Newton, nhưng vì còn là triết gia để suy tư về con người thì vẫn dành cho con người quyền tự hào thấy mình ở giữa hai vô hạn là vô hạn lớn và vô hạn nhỏ cũng như biết mình chỉ là một cây lau, cây sậy nhưng là cây lau, cây sậy suy tư. Ngày nay vật lý học cho ta thấy con nguời cũng như toàn thể thế giới vật chất chỉ gồm toàn những nguyên tử…’chất xốp’và giả sử bỏ đi đuợc tất cả các khoảng trống để các hạt nhân dồn cục lại, thì cả nhân loại có thể tập trung ở một đầu mũi kim, không kim khâu thì cũng kim đan là cùng. Tuy nhiên không vì thế mà con nguời bắt buộc phải mất đi niềm tự hào kia.
Như Henri Poincaré (1854-1912), nhà toán học nhưng còn là triết gia, sau khi đã có các thuyết tiến hóa của Lamarck và Darwin, vẫn cứ nghĩ: “Tư duy chỉ là một ánh chớp giữa một đêm dài, nhưng chính ánh chớp này lại là tất cả”. Thi ca, triết học còn có thể nhìn vị trí con nguời trong vũ trụ như vậy, nói gì niềm tin tôn giáo.

Mặc khải Do Thái – Ki tô Giáo là mặc khải về sự can thiệp của Thiên Chúa Giáo vào vận mệnh con người.

Người Do Thái thời Cựu Ước đã có thể chia sẻ ít nhiều vũ trụ quan của các dân tộc xung quanh, nhưng họ không có một vũ trụ học, một thiên văn học như người Hy Lạp chẳng hạn. Họ chỉ quan tâm đến con người, đến việc Thiên Chúa cứu độ con người. Vũ trụ có được nghĩ tới là chỉ trong mức độ liên quan tới con người hay chỉ là khung cảnh của Lịch sử Cứu Độ.

Ngay cả hai trình thuật về việc tạo thành đều tiêu biểu cho sự thể ấy. Trình thuật thứ nhất (St 1,1-2,4a) là “sự tích trời đất khi chúng được dựng nên”, bao quát mọi sự trên trời dưới đất, nhưng trọng tâm, trung tâm của trời đất lại là con người. Ngày nào Thiên Chúa cũng tạo dựng theo cùng một cung cách như nhau và đều hài lòng: “Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành”. Tuy vậy qua ngày thứ sáu Thiên Chúa lại chọn một cung cách khác, mới mẻ, đặc biệt: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta”. Con người được tạo thành vừa như vạn vật vừa ở chóp đỉnh vạn vật. Con người có vị trí độ nhất vô nhị trong vũ trụ và vạn vật được tạo thành vì con người và cho con người: Hãy trị trên cá biển và chim trời, và trên các súc vật và mọi loài mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên đất”. Con người được “làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa” là với bản tính trí tuệ và tự do và cũng là với quyền làm chủ vũ trụ được tạo dựng để nên cơ ngơi cho mình.

Trình thuật thứ hai (St 2,4b-3,24) về “ngày Thiên Chúa làm ra đất và trời” lại không quan tâm gì đến quá trình tạo thành trời đất mà chỉ chú ý đến việc Thiên Chúa tạo dựng con người, gầy dựng cho con người và đến quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Để trả lời những câu hỏi muôn thuở của nhân loại: từ đâu ta có, làm sao cắt nghĩa được tình yêu, do đâu mà sinh ra tội lỗi, khổ đau, chia lìa và vất vả, cực nhọc?

Tuy vậy ở cuối trình thuật lại nổi lên tương quan giữa con người với vạn vật, với vũ trụ. Sa ngã, con người từ khước, trốn tránh Thiên Chúa. Một khi quan hệ với Thiên Chúa là quan hệ nền tảng đổ vỡ, mọi quan hệ khác đổ vỡ theo.

Quan hệ giữa người với người đổ vỡ. Ngay trước mắt là tình nghĩa vợ chồng: tất cả các bi kịch tình yêu giữa cuộc đời cũng như trên sân khấu hay trong văn chương xưa nay xét cho cùng vẫn chỉ là những biến tấu của bi kịch hai màn ở đầu sách Sáng thế: “Nàng là xương của xương tôi, thịt tự thịt tôi” và “Người đàn bà mà Ngài đã đặt bên tôi” (chẳng liên can gì tới tôi hay chỉ như một thùng rác!). Về sau là tình anh em ruột thịt (Cain – Abel). Rồi ý chí cộng tác đại đồng (tháp Babel).

Và cả quan hệ giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ nữa: “Đất đai hãy là đồ chúc dữ vì cớ ngươi, có đau khổ người mới nhờ được nó mà ăn mọi ngày đời người. Những gai cùng gốc nó sẽ mọc lên cho ngươi…, mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn …”

Phần cuối trình thuật thứ hai này như xóa bỏ, thậm chí lật ngược cách nhìn tích cực, lạc quan của trình thuật thứ nhất khi nói về trời đất. Có chăng chỉ còn một điểm chung giữa hai trình thuật là vạn vật vẫn liên đới với con người nhưng chính sự liên đới này trở thành tai họa cho cả vạn vật lẫn con người: đất đai bị Thiên Chúa chúc dữ và không còn thuần phục mà nổi loạn, chống cự con người để rồi cứ bị liên lụy với con người như khi Yavê “hối tiếc vì đã làm ra con người trên mặt đất” và định “xóa sạch khỏi mặt đất loài người (Ngài) đã dựng nên” cũng là xóa sạch “từ loài người cho đến súc vật, côn trùng và chim trời” (St 6, 5-7).

Tân Ước cũng không phải quan tâm gì hơn tới vũ trụ, Tân Ước nói nhiều tới thế gian nhưng là thế giới loài người, không phải là toàn thể vạn vật thụ tạo, không kể một vài chỗ hiếm hoi như 1Cr 7,31. Chính các thư của Thánh Phaolô là phần Tân Ước đầu tiên đề cập đến vũ trụ mà lại tương đối nhiều và đầy đủ hơn cả. 1Cr 7, 31 chỉ nhắc nhở: “bộ dạng thế gian này đang qua”. Như 1Pr 4, 7: “Thời cùng tận đã gần rồi cho mọi sự”. Nhưng điều quan trọng hơn là còn có những tiếng vang mới mẻ cho hai trình thuật của sách Sáng Thế.

Rm 1,20 quả quyết công trình tạo thành có thể “bày tỏ ra” cho mọi người “những gì biết được về Thiên Chúa”: “Vì từ buổi tạo thành vũ trụ, những gì nơi Ngài, mắt xác thịt không thể thấy thì trí khôn nhìn ngắm được nơi công việc Ngài làm: quyền năng hằng có và thần tính của Ngài…”.

Cl 1,15-20 là cả một thánh thi (của Hội Thánh nguyên khởi?) về vị trí của Chúa Kitô trong công cuộc tạo thành (xt: Ga 1,3 và Dt 1,2-3)Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi thụ sinh,vì trong Ngài vạn vật được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình (…)mọi sự được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài…

Con người vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Kitô, với dung mạo lịch sử ‘Con Thiên Chúa làm người’ mới là hình ảnh trọn lành của Thiên Chúa ngay giữa mọi thụ sinh. Chưa kể là con người vì tội lỗi đã chỉ còn là hình ảnh lệch lạc méo mó nếu không được cứu độ trong Chúa Kitô quyền làm chủ của con người trên vạn vật mới được phục hồi trọn vẹn: “Dù là thế gian, dù là sự sống hay chết, dù la hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa’ (1Cr 3, 22-23).

Với niềm tin như thế về Đức Kitô, Rm 8, 18-23 còn nói lên ý nghĩa mới, tầm vóc mới của mối liên đới giữa con người và vũ trụ. Xưa kia đất đai đã bị chúc dữ vì cớ con người tội lỗi, súc vật côn trùng và chim trời đã suýt bị xóa sạch khỏi mặt đất theo con người hư đốn nhưng lại sống sót được là cùng với Noe, con người “hằng đi đứng rập với Thiên Chúa” (St 6,9). Bây giờ được “chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa (…) và đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng cam chịu khổ với Ngài, để rồi cùng chia phần vinh hiển (với Ngài)” (Rm 8,17), người tín hữu cũng thấy vạn vật vốn bị liên đới với con người sa đọa mà “lụy phục sự hư luống” thì còn được liên đới với con người được cứu độ để “hy vọng là chính tạo thành cũng sẽ được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Chúa”. Cùng với khổ đau trong đời con người, tình trạng lụy phục sự hư luống trong vạn vật bây giờ cũng trở thành hứa hẹn: “cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại ở cữ…” Tương tự như và nhờ bởi đã có thập giá và phục sinh : “Đàn bà sinh con thì ưu phiền … nhưng sinh con rồi thì …” (Ga 16, 21). Một cách nào đó, nỗi ưu phiền vũ trụ rồi cũng sẽ trở thành niềm vui.

Hội Thánh ở trong thế gian và được sai đến giữa thế gian là thế gian loài người nhưng Hội Thánh còn mang cả kích thước vũ trụ trong niềm tin, cậy, mến.

Hội Thánh không ngớt tuyên xưng Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình, và tuyên xưng việc tạo thành này không phải theo nội dung có thể có trong triết học nhưng là theo ý nghĩa mặc khải: “Việc tạo thành vũ trụ là nền tảng của tất cả các dự tính cứu độ của Thiên Chúa, là khởi đầu của lịch sử cứu độ mà đỉnh cao là Chúa Kitô (SGLCGHCG, tiết 280).

Hội Thánh cầu nguyện giữa các kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, qua những Thánh Vịnh như các Thánh Vịnh8, 19, 29, 47, 65, 104, 108, nhất là hai Thánh Vịnh tạ ơn, 136 và ca ngợi, 147 mời gọi cả mặt trời, mặt trăng mọi vì sao sáng, lửa và mưa đá, tuyết với sương mù, núi non, cây cỏ, mãnh thú, côn trùng, chim choc hết thảy cùng ca ngợi Thiên Chúa.

Thánh lễ phần nào vẫn là Thánh Lễ Vũ Trụ (Messe du Monde, tựa đề một tác phẩm của cha Teilhard de Chardin) giữa “Trời Đất rạng ngời vinh quang Chúa” và như trong Kinh Tạ ơn: “muôn vật Cha đã tác thành đều phải ca ngợi Cha”. Nhất là trong phụng vụ Đêm Phục Sinh. Cây nến Phục Sinh không chỉ sáng bừng lên trong không gian hạn hẹp của mỗi nhà thờ mà tỏa ra ánh sáng hoàn toàn mới cho cả vũ trụ: vì thế các bài đọc mới mở đầu bằng trình thuật của Sách Sáng Thế. Thánh Hippôlitô (170[?]-235) đã hứng khởi kêu lên:

Sự sống đã tràn ra trên tất cả các tạo vật và tất cả đều tràn đầy ánh sáng: Hừng Đông của mọi người hừng đông đã chiếm lấy tất cả vũ trụ, Ngài là Đấng có trước cả các sao mai và trước tất cả các tinh tú. Bởi vậy, đối với chúng ta là những kẻ tin Ngài, một ngày ánh sáng đã khởi đầu, một ngày dài vĩnh cửu, không bao giờ tàn: đó là ngày Phục Sinh huyền bí.” (De Paschate 1-2)

Lời lẽ Thánh Hippôlitô chẳng qua chỉ là hòa điệu với Cl 1, 15-20 và Rm 8, 18-23. Thánh Phanxicô Assisi cũng đồng thanh tương ứng với Thánh Phaolô như thế khi “chúc tụng Chúa nơi các thụ tạo của Ngài, đặc biệt nơi ông mặt trời, người anh, … vì chị nước, … vì mẹ đất…” Trong tâm thức Hội Thánh từ thế kỷ XIII đến bây giờ biết đâu hình ảnh chim trời nhảy nhót trên vai trên tay thánh nhân lại chẳng đậm nét hơn năm dấu trên người ngài? Từ điển các thánh hàng ngày (Dictionnaire des saints de tous les jours, 1962) chuyên giới thiệu các thánh chỉ bằng vài nét hóm hỉnh nhưng phải chăng tác giả, cha Philippe Rouillard, OSB, đã chỉ đùa vô tội vạ khi định nghĩa thánh Phanxicô Assisi như sau: “được Thiên Chúa tạo dựng với đôi mắt mở ra và một tâm hồn nhẹ nhõm để ít nữa còn có một người trên đời này (và tốt nhất là ở vùng Ombrie) biết nhìn các vật thụ tạo và ngợi khen Đấng Tạo Thành”?

Có lẽ ngày nay hơn bao giờ hết, lòng tin Kitô-hữu cần giữ kích thước vũ trụ. Khi khoa học kỹ thuật tiến triển với nhịp độ chóng mặt và còn đưa tới những hậu quả vượt tầm kiểm soát của con người như nạn hủy hoại môi sinh. Khi nếp sống đô thị hóa đem lại nhiều tiện nghi nhưng lại ly gián con người với thiên nhiên vv…

Kitô hữu có thể … chóng mặt như mọi người nhưng không cần phải nghi kỵ tiến bộ khoa học. Từ thượng đỉnh đến thờ gieo mình xuống khoảng không là vô cớ thử thách, thách thức Thiên Chúa. Nhưng phóng người ra ngoài quỹ đạo, đặt chân lên mặt trăng, phóng dụng cụ thăm dò đến các hành tinh xa xôi nhất hoặc đến cả mặt trời, phóng tầm nhìn hay suy luận thiên văn học xa hơn nữa và mãi tận đến đâu đi nữa thì vẫn chính là thi hành sứ mệnh làm chủ vũ trụ đã được giao cho con người từ thuở ban đầu.

Mặt khác con người “phải tôn trọng sự tốt lành riêng biệt của mỗi thụ tạo, để tránh đừng sử dụng chúng một cách mất trật tự, khinh bỉ Đấng Tạo Hóa và kéo theo những hậu quả tai hại cho bản thân con người và cho môi trường sống của mình” (SGLCGHCG, 339). Như vậy, quý trọng và bảo vệ môi trường sống không phải là chuyện tùy hứng của riêng những nhóm người hay những đảng “xanh lá cây” nhưng còn thuộc về nghĩa vụ của Kitô-hữu: tôn thờ Thiên Chúa mà biết quý mọi tặng phẩm của Ngài và yêu thương đồng loại mà không hại nhau, cho dẫu là gián tiếp. Từ săn bắn bừa bãi cho đến thả rong chó dại hay bò điên. Từ vất rác trên đường đi cho đến quét rác trước cửa nhà mình đẩy gọn qua phía nhà bên cạnh. Từ chạy xe xả quá nhiều khói hay quá nhiều đê-xi-ben cho đến mặc các chất phế thải tha hồ đổ ra sông biển. Từ đốn chặt không thương xót cây quý hiếm trong rừng cho đến bẻ cành hái hoa, dẫm nát cỏ công viên vv… Tất cả đều trở thành vấn đề không phải chỉ đối với pháp luật mà còn đối với cả lương tâm nữa để đáng cho người tín hữu xét mình và xưng thú, sám hối, hối cải hơn là những chuyện như ngủ gục, lo ra, đọc kinh thiếu, quên kiêng thịt vv…

Sống giữa thành phố ngày nay thì nếp sống đô thị càng hiên đại, tân kỳ ta càng có khi phải thấy hụt hẫng. Người viết Tản mạn đôi dòng trên Lao Động, 16.5.96, bâng khuâng:

Nhà tôi nằm ven sông ở một làng trung du. Nơi ấy, tuổi thơ tôi đầy ắp tiếng chim trời hân hoan và khác lạ. (…) Rất nhiều năm sau tôi không còn nghe tiếng chim trời nữa. Tôi ra thành phố sống hẳn. Tôi từng trải hơn, sõi đời hơn. Ở phố, con người văn minh không nhìn thấy chim hót. Nếu có thì nó cũng bị khuất lấp đi trước muôn ngàn âm thanh hỗn tạp (…). Rất lâu, tôi không còn về quê với ba má tôi, với tiếng chim trời…” Hoa Ngõ Hạnh)

Người viết “Tản mạn đôi dòng” khác trên báo Lao Động, 23.5.96, đưa con đi chơi ngoại thành. Thằng bé thấy đàn vịt, đôi trâu … lần đâu. Nó ríu rít hỏi đủ thứ, anh trả lời con cặn kẽ và thận trọng hơn với một thoáng lo âu. Hàng ngày ngoài giờ đi học, con anh ở nhà với các thứ máy nghe nhìn, trò chơi điện tử, với thời tiết của máy điều hòa nhiệt độ và đồ ăn uống trong tủ lạnh. (…) Nhớ lại tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, đào giun câu cá của mình, anh nhận thấy đang có một khoảng rỗng trong đời sống của trẻ con thành phố. Chúng có thể thấy cả thế giới, nhưng với vô số hình ảo ảnh!...” (Khánh Hữu).

Tản mạn cuối tuần” trên Tuổi Trẻ, 6.4.96 :
Hồi nhỏ tôi thích ngắm nhìn mặt trời mọc, thích đến mức sáng nào tôi cũng dậy thật sớm để nhìn. Nhà ở gần biển, cảnh mặt trời mọc đẹp vô cùng, mê hoặc tôi trong rất nhiều năm tháng.

Thế mà mãi cho đến tết năm nay, trong lúc nhàn một mình ngồi nghĩ vẫn vơ, tôi mới thấy chợt nhớ ra từ lâu lắm rồi mình không còn được nhìn thấy mặt trời mọc. Lâu lắm có khi hơn cả chục năm hay hơn thế nữa…” (Trần Tử Duy).

Có lẽ Kitô-hữu càng cần có lúc thèm nghe tiếng chim, thấy đang có một “khoảng rỗng” như thế kia và “nghĩ vẫn vơ” như thế này. Nhất là khi có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng hay giáo dục đức tin…

Cần có “đôi mắt mở ra” như Thánh Phanxicô Assisi…

Nguyễn Ngọc Lan

(Đọc thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoac: www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

No comments: