Wednesday 18 November 2009

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Tin Mừng cho đôi tân hôn



Khúc dạo đầu cho mùa cưới, lễ cưới có thể là một câu chuyện buồn. Không phải để “phá đám”, gieo cung ai oán giữa những điệu nhạc vui. Trái lại chính vì trước sau vẫn có Tin Mừng để loan báo, nhất là Tin Mừng cho tất cả các tin mừng, các thiệp hồng. Không có chuyện buồn của con người thì đâu còn chỗ cho Tin Mừng của Chúa. Câu chuyện là câu chuyện gốc tích một danh lam thắng cảnh vùng Đà Lạt. Câu chuyện là câu chuyện hồ Than Thở…


Người ta kể : một thời xa lắc trước có đôi trai gái K’ho ở quanh vùng yêu nhau đắm đuối. Thuở ấy Đà Lạt là giang sơn của họ… Cứ chiều chiều, khi đồi đã lên sương, chàng K’ho đen vạm vỡ, thắt khố, mắt buồn mơ nhìn hồ. Tóc hắn bay lòa xòa. Thông im, nước im, nhưng lòng hắn xót xa. Hắn đợi người yêu đến. Đây là nơi của những chiều ân ái. Khi mặt trời đã nghiêng nghiêng sau rặng núi xa thì họ rời thôn đi về phía rừng ấy. Họ chọn nơi đây vì cảnh u buồn hợp với lòng họ: họ biết mối tình đầu của họ là mối tình tuyệt vọng. Thế nên chiều chiều họ về đây để cùng than khóc, kể cho nhau nghe những niềm vui chua xót và sống những phút chót bên nhau…


Rồi một chiều kia, có lẽ là chiều gặp gỡ cuối cùng, lúc sắp giã biệt, nàng nắm lấy tay chàng và ngẹn ngào nói :


- Sao mây ở với trời, hồ nằm với núi mà hai ta không cùng về một xóm ?

- Rồi mai kia ta sẽ lên rẫy một mình. Đời buồn như cái chòi vắng và sẽ kéo dài đơn độc như con đường mòn chạy vắt qua đồi. Ta sẽ đi săn lẻ loi và xuôi kinh một bóng.

- Ai sẽ đâm gạo nấu cơm chàng. Ai sẽ cùng đốn củi và chiều tối về đốt than ?


Nhưng một phút sau nàng không nói nữa, lẳng lặng tháo chiếc vòng thau trao cho người tình và như đã tính toán từ lâu, nàng đâm đầu xuống hồ. Hắn nhìn trời: mây đã kéo về. Hắn nhìn hồ: hồ lặng và lạnh lùng im. Hắn nhìn đồi: đồi đã trắng sương. Hắn cảm hết cái quay quắt của mối tình tan và lát sau lại nhảy ùm xuống nước.


Về sau người quanh vùng cứ về chiều khi sương lên và gió lạnh về, nghe tiếng thông reo trầm trầm, họ bảo nhau: đấy là tiếng than thở của đôi oan hồn xấu số.


Anh Chị,

“Sao mây ở với trời, hồ nằm với núi mà hai ta không cùng về một xóm ?”


Đó vị tất đã là tiếng than riêng biệt gì của một đôi trai gái. “Hai ta không cùng về một xóm”thì không hẳn chỉ vì những cản trở gia đình và xã hội. Nếu chỉ có núi có đèo, có sông cách trở, con người hẳn vẫn có thể thách thức tất cả:


Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.


Nhưng “sao mây ở với trời, hồ nằm với núi mà đôi ta không cùng về một xóm ?”


Đó là tiếng than muôn thuở của con người khi ý thức được thân phận của mình, giới hạn của tình yêu, mà lòng chưa vang dội Tin Mừng của Chúa.


Tình không là tôi. Tội nghiệp cho đôi trai gái hồ Than Thở: yêu nhau có gì là tội. Nhưng tình yêu giữa họ càng sâu đậm càng có thể thành lụy lớn. Yêu nhau nhiều để chỉ thêm tuyệt vọng vì cảm thông khó hơn giao phối, vì người với người có bao giờ hòa nhịp cách trọn vẹn và tự nhiên được như mây với trời, vì có bao giờ lòng trong suốt được với lòng như hồ với núi. Ngôn ngữ, đáy mắt, nụ cười vừa là lối qua lại, vừa là bờ dậu cách ngăn.


Tình yêu có vượt được núi, được sông, không vượt nổi những giới hạn của chính mình.


Rồi có được về cùng một xóm chăng nữa, người ta có phải băn khoăn không biết suốt đời hay đời đời có ở mãi với nhau cùng một xóm.


“Sao mây ở với trời, hồ nằm với núi mà đôi ta không về cùng một xóm ?”


Đôi trai gái K’ho kia chỉ còn biết tìm lối thoát bằng cách tự vẫn theo nhau. Nhưng là lối bí hơn là lối thoát. Cho nên thông mới reo trầm trầm. Cho nên mới có tiếng ca buồn muôn thuở của con người yêu nhau mà tuyệt vọng vì yêu nhau.


Anh chị,

Có một ngày nào đó, anh chị đã được chết đi rồi. Có một ngày nào đó, chính chúng ta đã đến hay được đưa đến hồ nước Thanh tẩy và chúng ta đã trầm mình trong ấy.


Hay là anh chị quên sao “được thanh tẩy trong Chúa Kitô là ta đã được thanh tẩy chính trong sự chết của Ngài”? Thậm chí “ta đã được mai táng làm một với Ngài” (Rm 6, 3).


Nhưng khác với đôi trai gái muôn thuở, chúng ta không vì tuyệt vọng mà chết, chỉ vì tin tưởng mà chết. Và cái chết của chúng ta trong Chúa Kitô đã giải thoát cho chúng ta. Chúng ta đã dứt khoát với thân phận con người để “như Chúa Kitô đã được sống lại từ cõi chết, nhờ bởi vinh quang Cha, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4).


Và chính vì tin tưởng ở đời sống mới ấy mà không như đôi trai gái K’ho chiều chiều rời thôn tìm gặp nhau giữa một cảnh u buồn hợp với lòng họ. Anh Chị lại hẹn nhau trước bàn thờ tưng bừng hoa nến của Chúa hôm nay.


Thật thế, vì một khi tin rằng mình đã được cứu độ, sống đời sống mới trong Chúa Kitô, Anh Chị cũng tin rằng ơn huệ đổ xuống từ Thánh Giá còn tràn đầy hơn tội lụy kiếp người (Rm 5,20). Anh chị cũng tin rằng: hai người tín hữu yêu nhau không phải chỉ là giao phối và cảm thông, cũng không phải chỉ là nên một thân thể (St 2,24) mà còn là nên một trong Mầu Nhiệm Đức Kitô. Anh em cũng tin rằng: không những có thể về cùng một xóm như mây với trời, hồ nằm với núi mà còn có thể và phải yêu mến nhau tha thiết như Chúa Kitô và Hội Thánh tha thiết mến yêu nhau (Ep 5,25-32)


Vì trước tất cả, trên tất cả, Anh Chị tin rằng: Thiên Chúa là Lòng Mến. Đạo chúng ta là Đạo Yêu Thương, nếu có gì mạnh hơn cả cái chết thì chính là Tình Yêu, nếu có gì vô giới hạn là Tình Yêu, nếu có gì bất tận là Tình Yêu. Được Chúa chúc lành thì thật không phải là dây oan mà cũng là cõi phúc đích thật.


Anh chị,


Yêu nhau, thành hôn không chỉ là về cùng một xóm mà anh chị còn cùng về một hướng là Chúa. Anh chị sẽ không có hai phía rừng trong tâm hồn, trong cuộc sống, một phía rừng để gặp nhau và một phía rừng để gặp Chúa. Ngày nào mà giả như anh chị sẽ bảo: “Vì sống đức tin mà không trọn vẹn được nghĩa vợ chồng”, ngày ấy đức tin của anh chị sẽ chỉ thành khả nghi. Ngày nào mà giả như anh chị sẽ bảo: “Vì nặng nghĩa vợ chồng mà không trung thành được với Đức Tin”, ngày ấy là ngày chính Tình Yêu của anh chị sẽ vang tiếng còi báo động.


Không có hai phía rừng riêng rẽ trong tâm hồn, trong cuộc sống lứa đôi, Từng lời nguyện trước sau mỗi bữa ăn hằng ngày trong gia đình, từng nụ cười, ánh mắt chúc bình an cho nhau trong thánh lễ Chúa Nhật, tất cả đều phải làm chứng cho bí tích Hôn Phối: Yêu nhau mến Chúa, mến Chúa yêu nhau.


Yêu nhau, mến Chúa lại còn thương người. Anh chị có thể đã gặp nhau trên một quãng đường phục vụ tha nhân. Rồi ngày lại ngày, có thể anh chị đã tìm hiểu nhau hơn ngay chính trong khi cùng nhau tìm hiểu bạn bè, anh em mình, tìm hiểu xã hội chung quanh mình. Dẫu sao rồi đây, “về với nhau” không phải là để chỉ biết có nhau. Tổ ấm không phải là tổ tò vò. Trái lại tổ càng ấm, càng phải thêm ấm cho đời.


“Thương người như mình vậy” từ nay mang ý nghĩa mới: thương người như mình yêu nhau, như mình tuy hai mà đã thành một và cuối cùng lại vẫn là như… Chúa Yêsu yêu thương Hội Thánh của Ngài. Nghĩa thương người không nhạt nhòa đi mà trở thành sâu đậm hơn trong lòng tin. Hôn lễ hôm nay không chấm dứt mà mở rộng gấp đôi con đường phục vụ tha nhân. Đi vào con đường mới này, mỗi đôi lứa Kitô hữu lại có trái tim lớn gâp đôi để thương người, có cả bốn chân để đi tới với đồng loại, có cả bốn tay để giúp đỡ tha nhân: hôn lễ hôm nay là thêm “nợ yêu thương” vừa nợ nhau vừa cùng nợ người nợ yêu thương mà Anh Chị sẽ trả mãi không bao giờ hết. Thương yêu kiên nhẫn, thương yêu săn đón, thương yêu tìm kiếm, thương yêu không tính toán, thương yêu can trường, thương người cũng bất chấp mọi trắc trở núi sông… “như mình vậy”, nghĩa là … như mình yêu nhau vậy.


Anh chị,


Anh chị xem đã xa rồi câu chuyện buồn của hồ Than Thở. Tin Mừng của Chúa đang vang lên trong lòng tin, trong lễ cưới. Và tình thương, lòng mến Chúa rộng mở bao la. Nhà thờ đang vang lên tiếng chuông vui cùng với lời hát halleluia cho trăm năm của anh chị…


Nguyễn Ngọc Lan


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com

No comments: