Friday 6 November 2009

Phaolô tông đồ của đức Yêsu Kitô

Nguyễn Ngọc Lan

Tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã rao giảng cho anh em và anh em đã chịu lấy, trong đó anh em vẫn còn đứng vững”.

Nhưng Tin Mừng ấy là gì? Có phải là những tập tục cổ kính, những lễ nghi rầm rộ, những áo chùng đen tím, đỏ, xanh đủ kiểu ly kỳ, những thánh đường, tu viện cao rộng? Tin Mừng ấy là gì ? Có phải là hộp thuốc an thần để đem lại cho người ta sự yên ổn lương tâm ? Một số luật để giữ cho xong rồi con người có thể vênh vang, tự mãn đứng trước mặt Thiên Chúa hay đồng loại của mình mà tuyên bố như người biệt phái trong Lc :Tôi không phải như ai khác… vì này mỗi tuần tôi giữ chay hai lần, tôi nộp thuế thập phân về mọi vật tôi mua”.(Lc 18,11-12)

Hẳn là không. Vì tiên vàn mọi sự tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta theo lời Kinh thánh. Ngài đã chôn cất, và Ngài đã phát hiện ra cho Kêpha, rồi cho nhóm Mười Hai. Rồi Ngài đã hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay vẫn còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài hiện ra cho Yacôbê, đoạn cho các tông đồ hết thảy. Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, một kẻ không khác gì đứa con ranh Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta. Đã sống lại, Chúa Kitô cứu rỗi chúng ta. Chúng ta nhờ Ngài mà được cứu rỗi. Đó mới chính là cốt tủy của Đức Tin Kitô Giáo, đó mới chính là Tin Mừng! Các tập tục, nghi lễ, các kiểu áo, màu áo, cho dẫu là chuyện bên lề, thay đổi, nay còn mai mất. Luân lý, đạo đức cao đến đâu cũng chưa phải là đạo Tin Mừng. Luân lý, đạo đức, dĩ nhiên là điều người tín hữu phải có, phải cố mà có, nhưng dẫu sao, luân lý đạo đức không phải là độc quyền của ai cả. Đức Phật, Đức Khổng, Mahômét đều dạy luân lý, đạo đức và người đức hạnh thì không phải chỉ giữa người Công giáo mới có. Những đối với kitô hữu đều được mặc khải cao cả nhất, quan hệ nhất, Tin Mừng đáng kể nhất: đó chính là Chúa Yêsu Kitô, chính ơn cứu độ Ngài đem lại.

Muốn ý thức Tin Mừng ấy, không gì hơn là nhìn vào một con người như thánh tông đồ Phaolô.

“Ngài đã hiện ra cho tôi”, tôi đã thấy Ngài! Tôi đã thấy đâu là sự sống còn của tôi, đâu là ơn thoát của tôi! Đó là tất cả ý nghĩa của việc Thánh Phaolô trở lại. Ai cũng biết là Thánh Phaolô trở lại trên đường đi đến thành Đamma để lùng bắt các tín hữu của Chúa Kitô, với đầy đủ giấy tờ. Nhưng việc trở lại ấy đâu có nghĩa là trước kia Phaolô đã sống bê bối, tội lỗi. Không bao giờ Phaolô đã cần ai dạy lề luật cho mình. Không bao giờ Phaolô đã cần đến lời khuyên răn của các ông bà đức hạnh, các nhà luân lý. Đó là điều sau này Phaolô không ngần ngại nhắc cho những ai muốn biết. Như Phaolô đã từng tâm sự với tín hữu thành Philíp:"Này tôi đây, tôi cũng có thể ỷ thị vào xác thịt được lắm. Nếu ai khác tưởng ỷ vào xác thịt được, thì huống hồ là tôi :chịu cắt bì đúng tám ngày, thuộc dòng giống Israel, chi tộc Benyamin; Hipri sinh bởi Hipri; sống theo lề luật như Biệt phái; nhiệt thành đến nỗi bắt bớ Hội Thánh; về đức công chính thể theo lề luật thì vô phương trách cứ” (Pl 3,4-6). Kể cả bắt bớ Hội Thánh cũng đã có thể là thành tích để báo công!

Nhưng trên con đường đến Đamma khi Phaolô “ngã xuống đất”, thì chính cái tự mãn kia của con người lương thiện, lương tâm yên ổn kia của người biệt phái không ai chê trách vào đâu được, đã bị lung lay đến tận gốc rễ, rồi bị xô đổ. Sách Công vụ viết là: "thình lình anh sáng từ trời lóe rạng bao lấy ông”. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng kia. Từ đó mà đi, Chúa Kitô trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó mà đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.

Không mấy ai có thể tự hào về mình, “ỷ thị vào xác thịt” như Phaolô. Nhưng một khi đã được biết Chúa Kitô thì“ những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Yêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô“ (Pl 3,7-9).

"Ngài cũng đã hiện ra cho tôi", Phaolô đã thấy Đức Kitô, và từ đó mà đi, Thánh Phaolô sẽ không bao giờ hết lời để nói lên Chúa Kitô là ai. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, (…) và Ngài có ưu thắng trên mọi sự, và mọi sự đều tồn tại trong Ngài”(C1 1,15-20): cả đoạn này là một bài ca tụng chân tướng Chúa Kitô). Ngài là “Con Thiên Chúa” (Rm 1,4) Đấng không hề biết tội, thì vì ta Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa” (2Cr 5,21). “Ngài đã sống lại từ cõi chết” để toàn thắng cái chết và “ngự bên hữu” Thiên Chúa, trên toàn thể thụ tạo của Thiên Chúa (Ep 1,20). Thiên Chúa “đã giảng hòa vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ ra nơi Thập giá của Ngài, cho mọi vật dù ở dưới đất hay ở trên trời” (Cl 1,20). Chính Chúa Yêsu Kitô và chỉ một mình Ngài cứu rỗi được chúng ta, và ơn phúc Ngài không một tội lỗi nào có thể ngăn chận lại, và được hiến tặng cho mọi người không trừ một ai (Rm 5). Ngài là “hy vọng của ta” (1Tm 1,1) vì “nếu ta chết làm một với Đức Kitô, thì ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6, 8-9). Ngài là bánh duy nhất “nên ta tuy là nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy ta cùng chia một phần Bánh” (1Cr 10,17). Ngài là đầu của thân mình là Hội Thánh, Hội Thánh chỉ sống trong Ngài, nhờ Ngài và với Ngài (1Cr 12,4-30). Vẫn chính Phaolô còn xác quyết: “như anh em đã chịu lấy Đức Kitô, Chúa Yêsu thế nào thì trong Ngài, anh em hãy sống, đâm rễ và xây dựng trong Ngài,vững vàng trong Đức Tin như anh em đã được thụ giáo, đầy lòng biết ơn cảm mến” (Cl 2,6-7).

Chính vì “đầy lòng biết ơn cảm mến” như thế, mà Phaolô, mà người tín hữu chân chính, từ khi biết Chúa Kitô, có thể tự hào, nhưng niềm tự hào khắc hẳn sự tự mãn của con nhà lương thiện, hạnh kiểm tốt, và niềm tự hào này không còn sức gì có thể lung lạc được. Cho dầu phải nông nỗi nào đi nữa. “Tôi không hỗ thẹn, vì "tôi biết tôi đã tin vào ai" (2Tm 1,12). Đây quả là tiếng nói quyết định cho niềm tự hào Kitô hữu.

Phaolô hiên ngang vì đã được đánh ngã trên đường đi Đamas, vì đã chịu thua Chúa Kitô. “Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh”. Phaolô hiên ngang chỉ nguyên vì một tư cách làm môn đồ của Chúa Kitô, chứ không vì một tư cách nào khác, và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: “vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy anh em là một trong Đức Kitô Yêsu” (Gl 3, 27-28). Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” (Cl 3,11).

Hiên ngang được sống, được chết cho Chúa Kitô. Ngoài tội lỗi ra, tất cả đều có ý nghĩa, tất cả đều mang một sắc thái mới mẻ trong ánh sáng Đức Kitô. Các mối phúc thật không phải chỉ là những lời hay tiếng đẹp suông mà kết thành cả cuộc sống của Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9,3-18 và 2Cr 11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Đó là chỗ Phaolô không ngại trở nên hùng hồn và dài dòng kể lể: lao tù, đòn bọng, lắm lần hầu tham vọng, năm lần đánh đòn, “mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục”, “ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần đã đắm tàu”, chịu đủ thứ nguy hiểm bởi rày đây mai đó thường xuyên, “nguy hiểm vì song ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm nơi biển cả, bởi thao thức thường bữa, bởi đói khát, bởi nhịn ăn lắm bận, bởi lạnh rét, bởi mình trần!” (2Cr 11, 23-27). Người biệt phái trong Lc 18.11 đâu đã kể công, khoe khoang nhiều và kỹ đến thế! Nhưng Phaolô vẫn không vì thế mà “ỷ thị vào xác thịt”. Và vẫn chỉ ánh sáng đã lóe rạng trên đường Đama bao trùm lên trên tất cả. Mặc dù cho đủ thứ khốn khổ kia, Người vẫn có thể quả quyết: “bị coi như đồ giẫy chết, nhưng này chúng tôi sống; nhưng bị trừng trị, nhưng không bị xử tử; như phải ưu phiền, nhưng hằng vui sướng; như đồ ăn mày, nhưng lại làm giàu cho lằm kẻ; của cải như mảy may không có, nhưng lại được mọi sự làm sở hữu” (2Cr 6, 4-10). Ra vào tù như đi chợ, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người đồ đệ có khi không khỏi nao núng: “Anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng (đừng hổ thẹn) vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài”. Phải, “tôi không hổ thẹn vì "tôi biết tôi đã tin vào ai…” (2Tm 1,8-12). Vì Ngài “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng lời Thiên Chúa không bị xiềng xích!” (2Tm 2,9). Phaolô sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình vì khi ấy như được nghe Chúa Yêsu nói nhỏ: “Ơn ta là đủ cho ngươi vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới thành viên” (2Cr 12,9). Còn gi làm nao núng nổi lòng tin ấy, còn gì làm nao núng nổi niềm vui ấy: "Chúng tôi bị ép dồn mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ; bị quật ngã nhưng không bị diệt.” (2Cr 4, 8-9).

Xin cho được một lần ca tụng Phaolô, Tông Đồ của Đức Kitô Yêsu. Nhưng ca tụng Phaolô thì vẫn chỉ là nói về Đức Kitô, tôn vinh Đức Kitô. Con người Phaolô, cuộc đời Phaolô không là gì khác ngoài lời mời gọi “Anh em hết thảy”, “chư thánh” ở Rôma, ở Côrinthô, ở Êphêsô, ở Philip, Côlôsê hôm qua, ở Hà Nội, ở Huế, ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đà Lạt, ở Phan Thiết, ở Tp Hồ Chí Minh… hôm nay vào cả trong cùng một niềm tin, một niềm vui với Ngài. Niềm tin không nao núng và niềm vui bất tận: "Tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã chịu lấy, và trong đó anh em hiện còn đứng vững, và cũng nhờ đó mà anh em được cứu thoát…”.(Notre Dame de Mazamet (Tarn) 8.1963)

Nguyễn Ngọc Lan

(Xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogpsot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com)

No comments: