Năm phụng vụ vẫn gồm thời lễ vận kỳ và thánh lễ vận kỳ, nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất. Mầu Nhiệm Cứu Độ: Chúa Yêsu Kitô đã chết và sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.
Thời lễ vận kỳ quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ: Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể, đã sinh ra, đã chết và sống lại, lên trời, gửi Chúa Thánh Thần đến cùng Hội Thánh.
Thánh lễ vận kỳ nói lên thành quả của ơn cưu độ : Mỗi vị Thánh được tôn vinh hằng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của ơn cứu độ. Thánh lễ vận kỳ lại có hai cao điểm:
Lễ Đức Mẹ Lên Trời là chiều cao chiều sâu của ơn cứu độ: Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác, toàn diện con người: “Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người… đã làm cho những điều cao cả…” (Lc 1,48-49)
Lễ Các Thánh: như là chiều rộng của ơn cứu độ. “Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia…” (Lc 1,50).
Nhà Cha lớn rộng vô hạn như lòng Chúa.
Lễ tất cả các Thánh là lễ mừng Nhà Cha lớn rộng như Lòng Thiên Chúa, đủ chỗ cho mọi chi tộc trong dân. Tác giả Khải Huyền trước tiên “đã nghe nói số những kẻ được niềm ấn là 144 ngàn, thuộc mọi chi tộc con cái. Nói cho ngay, 144 ngàn không phải là nhiều nhặn gì. Không bằng dân số một quận Tp.HCM. Chỉ đông gấp đôi số khán giả bóng đá trong một sân vận động tầm cỡ quốc tế. Quả bom nguyên tử nổ ở Hirôsima năm 1945 đã giết chết gần bấy nhiêu người. Nhưng 144 ngàn trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số “đẹp”, tròn đầy (12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy. Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải Huyền, chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau. 12 ngàn thuộc chi tộc Yuđa, 12 thuộc chi tộc Ruben, 12 ngàn thuộc chi tộc Gađ. v.v… không tên họ nào lấn lướt, không tên họ nào bị loại trừ, các chi tộc đều được Thiên Chúa thương đầy mời đủ.
Không chỉ riêng được thương mời. “Sau đó, tôi còn mải nhìn, thì này: một đoàn lũ không biết cơ man nào mà kể, thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc, tiếng nói…” Quả là đang trở thành hiện thực lời Chúa Yêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo các ngươi: nhiều kẻ tự phương Đông, phương Đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham, Issac và Yacob trong Nước Trời…”
Hội Thánh trong ngày Lễ tất cả các Thánh nhìn lên trời có thể vui ca như cô gái Sion trong một thánh ca của Hoàng Kim tóm ý
“Vui lên nào thiếu nữ Sion
Hãy đưa mắt tư bề
Muôn dân Đông Tây đang tập trung tới Người
Các cháu con Người đang đi từ miền xa về
Lân bang tiễn chân đi đang tay bế tay bồng
Các thánh đông đảo: “Không biết cơ man nào mà kể” trong Nhà Cha. Cho nên mừng lễ Các Thánh, người tín hữu có thể vui trong một nhãn giới lạc quan căn bản, có thể tin rằng Thiên Đàng có nhiều chỗ hơn Hỏa Ngục, lớn rộng hơn Hỏa Ngục. Không phải vì thiếu kinh nghiệm về tội lỗi trên thế giới hay trong đời mình. Không phải vì thiếu ý thức về sự có mặt quái ác của “Sự Dữ”, của Kẻ Dữ. Nhưng vì cũng biết rằng “con đầy tràn ơn biết bao trên nhiều người, ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người, Đức Yêsu Kitô !... Ơn đã siêu bội!”(Rm 5,15-21).
Đã hẳn niềm tin tưởng lạc quan ấy có vẻ nghịch thường: con đường đi tới phải là con đường hẹp, nhưng cửa Nước Trời lại được Thiên Chúa mở rộng thênh thang. Tuy nhiên niềm tin lạc quan ấy lại được gắn bó với lòng cậy trông ở Thiên Chúa giàu lòng thương xót bởi lòng yêu mến lớn lao Người đã yêu mến ta… Vì chính bởi ơn huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, vả lại không phải do tự anh em: đó là ơn Thiên Chúa ban, không phải do tự việc làm, để đừng có ai vênh vang tự đắc”. Há Lễ tất cả các Thánh chẳng phải cũng có mục đích là để bày tỏ cho thấy sự phong phú tuyệt vời của ơn huệ Người, nhờ bởi lòng nhân hậu của Người trên ta, trong Đức Kitô Yêsu hay sao? (Ep 2,4-9).
Tất cả những người thân đã ra đi
Lễ tất cả các Thánh là lễ tưởng nhớ, mừng vui, hiệp thông với cả những cha mẹ, anh em, bạn bè, tất cả những người thân của chúng ta đã ra đi trước chúng ta “mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”, khi chúng ta có thể hy vọng họ được gia nhập vào hàng ngũ các Thánh trên trời. Đừng phải đợi đến ngày mồng hai tháng Mười Một mới nhớ tới họ. Không phải vô tình mà Hội Thánh vẫn mừng các Thánh trước khi tưởng nhớ cầu nguyện cho các linh hồn ở chốn thanh luyện.
Chốn thanh luyện dẫu sao chỉ là một thời gian tạm trú. Không ai có “hộ khẩu thường trú” ở đó. Nói cách khác, chốn thanh luyện chỉ như một chuyến đò ngang, Thiên Đàng mới là bờ bến. Nói cách khác nữa, không ai phải dừng lại mãi bên chum nước rửa chân trước thềm nhà, nhưng bên trong Nhà Cha mới là chốn yên vui vĩnh viễn.
Đừng cứ phải đợi đến ngày 2. 11 mới nhớ tới người thân đã khuất bóng. Có lẽ còn nên dành cả tháng 11 để tạ ơn Chúa vì nhiều người thân đã được “về với Chúa”. Gọi tháng 11 là tháng các Thánh thay vì như theo một thói quen nào đó gọi là “tháng bảy xá tội vong nhân”! Cần phải thâm tín rằng Thiên Chúa giàu lòng thương xót”không chỉ “xá tội”, không chỉ xí xóa, bạch hóa thôi. Ơn tha thứ đồng thời cũng là ơn thánh hóa, thăng hoa: đứa con trở về nhà Cha không chỉ được tha thứ mà được trọng đãi và “ăn khao mà mừng chớ”(Lc 15 20-32).
Tháng các Thánh, tưởng nhớ đến người thân đã về với Chúa, phải vang vọng mãi lời hoan ca ngày 1/11 thay vì mang màu sắc phải nói là ảm đạm của ngày 2/11. Hallêluyah!
Kể cả chúng ta đang sống trên mặt đất này.
Có những nhà xã hội học, dân tộc học như Jean Herbert (Introduction à l’ Asie, chương VI: L’espace) nhận xét rằng không gian trong các văn hóa Á đông là không gian chung cho người sống và kẻ chết. Chỉ tư tưởng Do Thái-Kitô giáo mới tách biệt kẻ chết ra khỏi không gian người sống, khi phân biệt thụ tạo với tạo thành, thế giới tự nhiên với thế giới siêu nhiên.v.v…
Thật ra trong ý thức đức tin thì không hẳn đã có sự tách biệt giữa “Hội Thánh còn ở dưới thế này” với các Thánh. Đã “về nhà Cha” thật, nhưng các Thánh lại gặp gỡ chúng ta, hiệp thông, chung sống với chúng ta trên một bình diện còn thiết thân, cốt yếu, “thật” hơn nhiều. Vì nếu không còn một không gian chung thì vẫn có một nguồn sống chung, một sức sống chung giữa các Thánh và chúng ta: tuy cách khác nhau, tất cả cùng được sống trong Chúa Kitô, nhờ Ngài và với Ngài. Tin “các Thánh thông công” là như vậy. Các Thánh trên Thiên Đàng, các Thánh ở chôn thanh luyện và các Thánh là chính chúng ta nữa.
Sự thánh thiện cốt yếu, căn bản và quan trọng nhất của người tín hữu không phải là sự thánh thiện theo nghĩa đạo đức học làm bằng những nhân đức này nọ, lối sống gương mẫu, v.v… Sự thánh thiện cốt yếu, căn bản là ơn thánh hóa, đời sống mới được ban cho chúng ta từ khi được thanh tẩy trong Đức Kitô Yêsu”(Rm 6,13). Nói được là một nhân cách mới và còn hơn một nhân cách mới, “ta là con cái Thiên Chúa”, đã được chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên: Abba, Cha ơi!”. Không phải ai cũng được Hội Thánh ‘phong Thánh’ và không dễ gì được Hội Thánh ‘phong Thánh’. Nhưng được Hội Thánh phong Thánh vẫn không quan trọng, không căn bản bằng được chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa, mà nếu là con thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng chịu khổ (với Ngài) để rồi cùng chia phần vinh hiển (với Ngài)Rm 8,12-17).
Căn cứ vào sự thánh thiện cốt yếu và quan trọng như thế, ngay từ thuở đầu của Hội Thánh và trước khi có lệ hay luật phong thánh, Thánh Phaolô đã luôn luôn gọi các tín hữu, tất cả các tín hữu là thánh. Thư từ Ngài gửi cho các tín hữu đã thường có địa chỉ” rõ ràng: chư thánh.
Kính gửi anh em hết thảy ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu mến, chư thánh được Người hiệu triệu… (Rm 1,7).
“Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa tại Côrinthô những người được tác thánh trong Đức Kitô Yêsu, chư thánh đã được (Thiên Chúa) hiệu triệu”
Kính gửi các thánh (ở Êphêsô) cũng là những người thành tín trong Đức Kitô Yêsu
Kính gửi hết thảy các thánh trong Đức Yêsu, ở Philip…”
Kính gửi các thánh ở Côlôsê
Họa hoằn như ở đầu thư gửi tín hữu Galat và hai thư gửi tín hữu Thessalônikê, mới không thấy Thánh Phaolô “kính gửi chư thánh”. Hai thư gửi tín hữu Thessalônikê là những thư đầu tiên của Thánh Phaolô (năm 51-52). Còn thư gửi tín hữu Galat, Ngài đã viết trong lúc nổi giận và nổi giận vì các tín hữu Galat đã “chóng tráo trở, quên mình đã được tác thánh nhờ lòng tin ân sủng Chúa Kitô để ỷ lại vào lề luật,đã khởi sự nơi Thần Khí để nay hoàn tất nới xác thịt (Gl 3,3. Để biết Thánh Phaolô hùng hồn như thế nào khi nổi cơn thịnh nộ thì thư gửi tín hữu Galat là… nhất).
Cuối các thư cũng thế, Ngài “gửi gắm với anh em chị Phêbê (…) mong anh em tiếp đón chị trong Chúa, một cách xứng đáng với các Thánh” (Rm 16,1). Gửi lời chào Prisca và nhân thể, Hội Thánh họp tại nhà họ” (Rm 16,5 và 1Cr 16,19: năm ba tín hữu họp lại cũng là Hội Thánh!). “Gửi lời chào Philôgô và Giulia… và hết thảy các thánh sum họp với các ông ấy” Rm 16,14-15). “xin anh em chào mừng hết thảy các thánh từng người một trong Đức Kitô Yêsu”
Các tín hữu ở với Thánh Phaolô, ở gần Ngài thì cũng là “các thánh hết thảy gửi lời chào anh em” (2Cr 13,12; Pl 4,22).
Là thánh vì được Thiên Chúa yêu mến, hiệu triệu, vì được tác thánh trong Đức Kitô Yêsu, vì cũng là những người thành tín trong Đức Kitô Yêsu. Nguyên cách Thánh Phaolô đề “địa chỉ” đã đủ nói lên những nét căn bản, cốt yếu và quan trọng nhất. Trong Hội Thánh, tôi là Thánh, anh là Thánh, chị ấy là Thánh, chúng tôi là Thánh, anh chị em là Thánh, họ là Thánh, Phaolô đã “chia” đầy đủ động từ “là thánh”…
Không phải vì sự thánh thiện căn bản, cốt yếu và quan trọng nhất ấy mà Thánh Phaolô coi rẻ hay bỏ qua đòi hỏi đạo đức phải sống thánh thiện, phải thực hành các nhân đức. Các thư của Ngài hết có phần cảnh cáo những sai trái, sa đọa về mặt đạo đức thì lại có phần “khuyến thiện”. Thần học luân lý nào mà chẳng có thể dựa vào Thánh Phaolô? Nhưng vẫn cần chú ý và đừng bao giờ quên là theo chiều thuận luân lý của Thánh Phaolô: không phải là sống thánh thiện để nên thánh nhưng chính vì đã được thánh hóa, đã là thánh mà phải sống thánh thiện “Noblesse oblige”): Ta là những kẻ đã chết cho tội làm sao ta sẽ còn sống trong tội nữa? Hay anh em không biết rằng…” (Rm 6,11). Biết mình đã được tái sinh, đưa vào đời sống mới, trở thành con cái Thiên Chúa, anh em đồng thừa tự với Đức Yêsu Kitô, được tác thánh, đã là thánh thì phải sống cho xứng đáng, cho thích hợp với tư cách, bản chất mới của mình: con người mới.
Vậy, theo tư cách là thánh được Thiên Chúa chọn và yêu mến, anh em hãy mắc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu hiền từ, đại lượng…” Cl 3,12).
Trong từng chi tiết nếp sống đạo đức, Thánh Phaolô cũng theo cái chiều thuận lý xuyên suốt ấy. Tránh tà dâm không phải là để giữ mình trong sạch (Marie Claire Pichaud từng hát: "Malheur à vous qui croyez être purs, et qui gardez votre corps comme l’on garde son chat”… Tránh tà dâm phải là vì “thân mình anh em là Đền thờ của Thánh Thần (…) không còn thuộc về anh em nữa” (1Cr 7,19-20). Tiếp đón chị Phêbê thì lại phải “một cách xứng đáng với các thánh cơ! Và chính vì là giữa các thánh với nhau cả cho nên mới “hãy chào nhau, hãy áp má hôn nhau cách thánh thiện” (Rm 16,1-2 và 16). Toàn là những chuyện không… dễ!
Lễ Các Thánh, lễ tất cả Các Thánh, Các Thánh trong Nhà Cha, đã được phong thánh hay không. Các Thánh còn phải qua một thời gian thanh luyện. Các Thánh là chúng ta tất cả. Các Thánh thông công. “Ấy vậy anh em không còn là khách lạ, là ngụ cư, nhưng đã nên người cũng một nước với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ, các Tiên Tri mà đỉnh góc là chính Đức Yêsu Kitô. Trong Ngài, tất cả lâu đài mộng khớp ăn với nhau mà cao lên thành một cung thánh trong Chúa; trong Ngài, anh em cũng được xây cất làm một với nhau trong Thần Khí, làm lâu đài cho Thiên Chúa ngự” (Ep 2,19-22).
Các thánh ở đây, hôm nay trong từng họ đạo, từng giáo phận và trong Hội Thánh toàn cầu…
Nguyễn Ngọc Lan
Wednesday, 28 October 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment