Monday 23 November 2009

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi


“Ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể duy nhất. Chúng ta hãy ca tụng Người vì Người đã tỏ lòng thương ta” (Ca nhập lễ Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi).

Từ đầu năm phụng vụ, Hội Thánh đã lần lượt nhắc nhớ và mừng kính.

Chúa Cha đã ban Con Ngài để cứu độ chúng ta.

Con Ngài, Ngôi lời đã thành xác phàm, làm người, sinh ra (Mùa Giáng Sinh), thụ nạn và chịu chết (Mùa Thương Khó) và sống lại lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha (Mùa Phục Sinh).

Và đã ban Thánh Thần làm sức sống mãi mãi của Hội Thánh (Lễ Hiện Xuống).

Sau đó, Hội Thánh mới mừng kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Với lời mời gọi : “Chúng ta hãy ca tụng Người vì Người tỏ lòng thương ta”. Chỉ bấy nhiêu, nhưng lại chính là thái độ thích hợp nhất trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi nhận thức đúng đắn về ‘mầu nhiệm’, bắt đầu từ mầu nhiệm con người, hình ảnh của Thiên Chúa.

Không phải là vấn đề,

Không phải là bí mật mà là tâm sự.

Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một “vấn đề”.

Càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là một vấn đề. Càng không phải là một vấn đề toán học… một bài toán. 3 là 3, 1 là 1, không tính với toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được cả. Thiên Chúa không phải là những con số. Đừng làm trò ảo thuật lý luận đưa ngón tay ba đốt tay hay hình tam giác mà ví von. Làm như thế là đùa bỡn với Thiên Chúa, còn tệ hơn phủ nhận Ngài. Thậm chí như kinh sĩ Kir đã từng làm đến độ… siêu đẳng. Kinh sĩ Kir là nhân vật nổi tiếng cả trong Giáo Hội lẫn trên chính trường Pháp suốt mấy mươi năm sau Đệ nhị thế chiến. Trong cuốn Le problème religieux (“vấn đề tôn giáo”, lại “vấn đề”!) ông lập luận : người ta cứ hay thắc mắc về các “mầu nhiệm” trong đạo, nhưng mầu nhiệm trong đạo có bao nhiêu đâu so với các mầu nhiệm trong thiên nhiên. Rồi cứ lấy ngay mầu nhiệm gay go nhất trong đạo là Thiên Chúa Ba Ngôi. Đạo đâu có dạy 1 + 1 + 1 = 1, điều đó vô lý. Đạo dạy 1 x 1 x 1 = 1, ngược lại : tại sao chỉ nhân có ba lần thôi! Kir đã vô tình làm trò ảo thuật biến Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thành bài toán ba xu. Lầm lẫn Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với một vấn đề, cố biện luận “ngon lành” khi diễn giải, người ta chỉ có thể đùa dai mà phạm thượng một cách vô tình và … nhiệt tình.

Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm không phải là “bí mật”, như bí mật nghề nghiệp, bí mật nhà nghề, bí mật quân sự .v.v… Bí mật là một thứ thiên hạ giấu kĩ. Để lộ ra hết bí mật. Còn Thiên Chúa, chính vì Ngài tỏ mình ra cho con người, tâm sự, mặc khải với con người, con người mới gặp và được gặp Mầu Nhiệm của Ngài. Bí mật thì người ta giữ riêng, còn Mầu Nhiệm là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Nhưng Mầu nhiệm vẫ còn đó vì ngay giữa người với người, tâm sự không phải là tự bóc trần, tự lột trần, không phải là “lộ tẩy”. Nhận tâm sự không phải là “lật tẩy” (như đối với một bí mật).

Cho nên thái độ thích hợp nhất trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ít nữa phải tương tự thái độ con người cần có khi đứng trước một con người.

Không phải “thiên chúa” hay vũ trụ vật chất, không phải những con số, không phải những bí mật này nọ mà chỉ có con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì con người là trí tuệ và tự do, nhưng cũng vì con người, mỗi con người còn là mầu nhiệm.


Con người là mầu nhiệm

Con người là mầu nhiệm đối với nhau. Không gì láo xược cho bằng đòi “đi guốc trong bụng” người khác. Người ta chỉ có quyền và có thể “đi guốc” trong bụng vũ trụ vật chất. Mọi tham vọng tìm tòi của khoa học, sâu đến đâu, rộng đến đâu, xa đến đâu đi nữa đều là chính đáng vì đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa từ ban đầu : “Hãy bá chủ nó ! Hãy trị trên cá biển và chim trời…” (St 1,28). Vũ trụ vật chất có vĩ đại, bao la, cực nhỏ và cực lớn vô hạn thế nào đi chăng nữa thì chỉ là vấn đề, những vấn đề, chỉ gồm những vấn đề thách thức trí tuệ con người và để con người mặc sức lý giải, tìm hiểu. Nhưng không làm gì có “mầu nhiệm trong thiên nhiên” để kinh sĩ Kir bảo là nhiều.

Con người có thể là đối tượng của hiểu biết khoa học, như sinh lý học, tâm lý học, xã hội học.v.v… Nhưng con người vẫn chỉ thực sự biết nhau là nhờ tâm sự cho nhau. Có “nói bụng mình ra” với nhau thì mới biết được bụng của nhau. “Bụng” này nghe thì thô thiển nhưng vượt tầm với của các sinh lý học lẫn tâm lý học hay xã hội học, vượt tầm với mọi thứ khoa học, vì không chỉ còn là “vấn đề”.

Có tâm sự cho nhau mới biết được bụng nhau, nhưng biết cài này chỉ là tương đối. Có muốn tâm sự hết mình đi nữa thì tâm sự không phải là tự bóc trần, tự lột trần đã đành ( tâm sự khác với strip-tease!) mà cũng không thể làm sao chia sẽ cho người khác biết mình như mình biết được.

Người tâm sự không bao giờ nói ra được hết ý lòng mình do bởi ngôn ngữ (theo nghĩa rộng nhất) luôn hạn hẹp. Ý tại ngôn ngoại, nhưng những gì ở ngoài ngôn ngư lại vô phương nắm bắt cho đúng hay cho hết được.

Người tâm sự không thể nào nhận được hết, không thể nào chia sẻ hoàn toàn được. Mỗi con người là một thế giới độc đáo, độc nhất vô nhị, với tâm lý riêng, khả năng cảm nhận riêng, kinh nghiệm sống riêng. Giữa hai con người không thể có hiện tượng cùng một tần số y boong như giữa một đài phát thanh và một đài thu thanh để có sự truyền thông đơn giản. Biết bao nhiêu yếu tố khác biệt để làm nhiễu, để giới hạn sự cảm thông giữa cả những người thân thiết nhất, tri âm, tri kỉ. Người đang không vui làm sao cảm nhận được tâm sự người đang vui ? Người đang vui ít với người đang vui nhiều, người đang vui thế này với người đang vui thế nọ cũng thế. Vợ là thi nhân làm sao cho chồng là kỹ sư cũng thấy chiếc cầu tre lắt lẻo y như mình ? Mười nhà thơ, nói chi đến mười anh lính, cũng không thể đồng nhịp “ngắm trăng, ngăm!” như trong Ly thân, cho dẫu là theo tiếng hô của một nhà thơ đi nữa. Chưa nói đến những Nguyễn Du hay những Mozart. Mozart có tâm sự hết mình đi nữa cũng không làm được cho một ai khác có thể cảm nhận Lễ Requiem của Mozart bằng hay như Mozart. Có Bá Nha – Tử Kỳ để đồng cảm một tiếng đàn đi chăng nữa thì dư âm tiếng đàn trong tâm tư Bá Nha vẫn không hoàn toàn trong tâm tư Tử Kỳ. Thường thì tri âm được coi là đồng nghĩa với tri kỷ. Thực sự thì tri âm đến đâu nữa vẫn không thể là tri kỷ hoàn toàn.

Yêu thương đối với bé là mẹ là cha, là anh chị em, là những người gần gũi, quen thuộc. Thế rồi bỗng dưng có một anh chàng nào đó, một cô nàng nào đó lạ hoắc lui tới nhà với chị hay anh của bé. Rồi họ cưới nhau, không rời nhau. Bé thắc mắc : sao vậy ? Anh hay chị sẽ bảo vì thương với yêu, không giấu gì bé, nhưng bé làm sao hiểu được cái thương với yêu này. Bé phải chờ mai sau mới đến lượt mình… mới hiểu được. Nhưng mai sau khi hiểu được thế nào là “yêu” thì cha mẹ, anh chị em, bạn bè xung quanh lại chưa hẳn đã dễ hiểu tại sao “hắn yêu chi cô nàng nọ” hay “anh chàng kia”.

Con người còn là mầu nhiệm đối với chính mình. Không ai đi guốc được trong chính bụng mình. Không ai biết được tường tận hay chính xác bụng mình thế nào. Hồi học tiểu học, ta viết hai trang giấy học trò tả một ông thầy bói, một bà bán chè, ta đã tưởng tượng như sao y bản chính. Càng lớn lên, ta càng khó nói thật chính xác về bản thân mình, chẳng qua vì biết mình đâu có chính xác được. Có viết ra hàng nghìn trang tự sự với tất cả chân thành thì cũng không thể vô tâm hay trâng tráo ký nhận “trên đây là sự thật 100%”.

Nguyên từng cử chỉ, hành vi tầm thường nhất của mình, con người không thể đánh giá được nó tốt xấu thế nào thực sự, nó tốt về mặt nào, đến mức nào, xấu về mặt nào, đến độ nào, ý nghĩa thực sự của nó là thế nào. Vừa cho người hành khất gặp bên đường 500 đồng bạc ? Chỉ vài phút sau, cứ thử đánh giá cử chỉ đó. Vì thương cảm? Để khỏi bị quấy rầy? Vì có người nhìn mình ? Do thói quen máy móc? Có động lực nào thực sự duy nhất? Còn nếu là cả vì động lực này lẫn động lực nọ thì làm sao xác định được động lực nào hơn động lực nào, động lực này bao nhiêu phần trăm, động lực nọ bao nhiêu phần trăm v.v…?

Đây cũng là đề tài của vở kịch “Một người của Thiên Chúa”, Un home de Dieu của Gabriel Marcel. Chỉ cần một biến cố không đặc biệt gì lắm xảy đến đã đủ gây sóng gió trong cách nhận thức về nhau giữa một gia đình lâu nay đầm ấm kiểu mẫu… Nhân vật chính, vị mục sư, bị dằn vặt hơn ai hêt : Ông là ai? Có thực sự là “một người của Chúa” hay chỉ là một tên hề giả dối suốt đời? Không ai trả lời được cho câu hỏi đó, kể cả… tác giả ! Ở màn cuối, trong giờ phút tuyệt vọng, vị mục sư chỉ còn biết đưa mắt nhìn lên trời. An ủi cuối cùng của ông là còn được ai đó biết mình đúng đắn, thực sự. “Être connu tel que l’ on esst”. Nhìn nhận Thiên Chúa biết mình hơn chính mình biết mình đó là khiêm tốn và tôn vinh Thiên Chúa cách đích thực nhất.

Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm siêu việt

Con người là mầu nhiệm theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa siêu việt thì vẫn khác con người hơn là như con người.

Ngài không là Mầu Nhiệm đối với chính Ngài. Ngài hoàn toàn trong suốt với chính mình. Thiên Chúa tụ hữu cũng là tự trị. Không như con người không tự mình mà có, cũng không biết mình thực sự.

Ngài chỉ là Mầu Nhiệm đối với con người ngay cả với chính khi Ngài tự ý tâm sự với con người, “tỏ mình ra cho chúng ta”. Chỉ vì giới hạn vẫn không thể tránh được từ phía con người. Con người đón nhận tâm sự của tha nhân mà còn bị giới hạn bởi tâm lý riêng, khả năng cảm nhận riêng, kinh nghiệm sống riêng, kinh nghiệm sống riêng của mình. Nói chi con người khi đón nhận tâm sự của Thiên Chúa, mặc khải của Ngài về chính Ngài. Giai thoại quen thuộc về Thánh Augustino đi lại trên bãi biển tìm hiêu Thiên Chúa Ba Ngôi rồi gặp một chú bé vọc nước, giai thoại ấy vẫn có ý nghĩa và đáng nhớ mãi.

Ca tụng Ngài vì Ngài tỏ lòng thương ta

Ý thức mầu nhiệm con người, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng tôn trọng con người, phụ phục trước Thiên Chúa Ba Ngôi (có lẽ phải học thái độ thờ lạy của an hem Hồi giáo trước Allah hoặc cũng đừng quá quên dáng dấp của Mosê trên đỉnh núi Sinai).

Nhưng thái độ Kitô hữu không phải là “kính nhi viễn chi” đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân.

Trái lại hôm nay chúng ta mừng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mừng Thiên Chúa đã thương “làm cho chúng ta được am tường về Người” (Ep 1,17). Ngài đã tỏ ra cho chúng ta được biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc : Ngài là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau trong cùng một bản tính duy nhất.

Còn hơn nữa là mừng Thiên Chúa từ thuở ban đầu khi tạo dựng con người, đã con người được làm con cái Ngài, chia sẻ sự sống của Ngài.

Ngài còn cho con người phản ảnh Cộng Đồng Ba Ngôi.

Con người được tạo dựng không phải con người cô độc, “một mình không tốt”. Nhưng là con người nam và nữ, con người mở rộng trong không gian và thời gian làm thành cộng đồng nhân loại, liên đới với nhau, hòa hợp thương yêu nhau và hòa đồng với vạn vật trong vũ trụ, để làm hình ảnh cho chính sự hợp nhất của cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nhưng con người đã phạm tội và làm đổ vỡ hình ảnh đó. Mất tình nghĩa với Thiên Chúa cũng là mất luôn sự hòa hợp giữa người với người, sự hòa đồng với vũ trụ : chỉ còn Tháp Babel và mồ hôi nước mắt.

Tuy vậy Thiên Chúa không bỏ mặc con người.. Đã có lời hứa từ buổi đầu… Đã có các giao ước nới Noe, Abraham, Môsê.v.v… Ngài dần dà nối lại loài người với Ngài, loài người với nhau. Và cuối cùng Ngài thực hiện công trình đó một cách dứt khoát và trọn vẹn trong Chúa Kitô.

* Tất cả được giao hòa lại trong bản thân Đức Kitô, sự chết- sống lại của Ngài (Et 1,9tt; 2,11tt).

* Đức Kitô lại ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta để cho chúng ta được chia sẻ chính nếp sống làm Con của Ngài đối với Cha Ngài : “Vì phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa thì họ là con cái Chúa. Quả thế không phải thứ thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đã chịu lấy, để mà phải sợ hãi. Nhưng an hem đã chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên : Abba, Cha ơi ! Chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng : ta là con cái Thiên Chúa; mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cũng cam chịu khổ với Ngài để rồi cũng chia phần vinh hiển với Ngài”

Ý nguyện thích hợp nhất khi chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là lới chú nguyện của Thánh Phaolô cũng là lời Hội Thánh chúc nguyện đầu mỗi thánh lễ :

“Nguyện xin ân sủng Đức Yêsu Kitô Chúa chúng ta và tình thương Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em”

Sống trong ân sủng Chúa Kitô, nên một với Ngài cũng là sống tình hiếu thảo với Cha trên trời và sống tình an hem với tha nhân. Mỗi hành động yêu thương, phục vụ đích thực đều góp phần sửa lại khuôn mặt cộng đồng nhân loại, làm đẹp khuôn mặt đó hơn. Để thêm cảnh gia đình con cái Thiên Chúa thông hiệp với nhau, thương yêu nhau và như thế là để cộng đồng nhân loại làm hình ảnh trung thực hơn cho chính Cộng Đồng Ba Ngôi Thiên Chúa. Không chỉ như ý định sáng thế mà còn theo lịnh truyền, di chúc của Chúa Yêsu :

Như Cha thương yêu Thầy, Thầy yêu thương anh em (và) như Thầy thương yêu anh em hãy thương yêu nhau (Ga 15,9-12).

Nguyễn Ngọc Lan


(Đọc thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:


www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com)

No comments: