Thursday, 29 December 2011

“Bỗng đêm nay trước cửa, bóng trăng quì”


Suy niệm Lễ Hiển Linh năm B

“Bỗng đêm nay trước cửa, bóng trăng quì”
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu,
Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu,
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ.
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 2: 1-2

            Trăng chỉ quì, khi nhà thơ sấp mặt. Sấp mặt, để uốn mình theo dáng liễu dâng lời nguyện. Trăng còn quì, khi Chúa tỏ lộ với người người, ngày Hiển Linh.

            Trình thuật Hiển Linh hôm nay, diễn lại tình Chúa khắp đất trời, miền Israel. Hiển Linh, bên tiếng Hy lạp có nghĩa một “bày tỏ”/”biểu hiện”. Và, Hội thánh nay mừng lễ Chúa Tỏ Hiện chính mình Ngài, đã hàm ngụ ý nghĩa một biểu hiện, như tiếng Hy Lạp.  

            Lần đầu Chúa Hiển hiện là ngày 25 tháng Chạp. Ngày ấy, Chúa hiện hình qua Hài nhi nhỏ bé. Ngài được mọi người coi như trẻ bé không nhà, nghèo hèn và, kém cỏi. Ngồi quanh bên Ngài, là các trẻ nghèo hèn bị bỏ rơi. Là, mục đồng thấp bé của xã hội nghèo túng. Điều này, rất ăn khớp với chủ đề được nói đến trong Tin Mừng thánh Luca.

            Hiển Linh hôm nay, cũng mang dáng dấp một tình huống tương tự. Nhưng ở đây, Hiển Linh là ngày lễ hoàn toàn khác. Khác ở chỗ, lễ hội này lại dành để cho người xa lạ, ở ngoài. Các vị ở ngoài, vẫn đến thần phục một trẻ bé, theo cung cách đối với vị vua quan. Điều này, còn xứng hợp với chủ đề mà thánh Matthêu đưa ra:“Hãy đi, mà tuyển chọn môn đồ mọi dân nước.”

            Tỏ mình lần thứ ba, là dịp Đức Chúa chấp nhận để thánh Gio-an thanh tẩy. Khi ấy, Đức Chúa trưởng thành, Ngài cùng đứng bên sông với những người tỏ ra biết sám hối. Và đó là lúc, có tiếng từ trời cao xác định Ngài là Con Thiên Chúa. “Đây! Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài." (Mt 3: 17)  

            Tỏ mình lần thứ tư, Đức Chúa tỏ rõ nơi Tin Mừng thánh Gio-an. Tỏ hiện này, là Chúa tỏ mình ở tiệc cưới. Ngài tỏ mình, là để mọi người biết về Vương Quốc của tình yêu. Của, sự công chính và an bình. Vương Quốc của Ngài, nay tỏ hiện nơi Đức Giê-su Kitô. “Nước” ở đây, một biểu tượng cho Giao Ước cũ, nay biến thành “rượu”. Đấy, chính là Giao Ước Mới đã ký kết, có dấu ấn đóng trên thập tự, ở Calvari. Đức Mẹ, đại diện cho Hội thánh Chúa, nay được công nhận là Đấng Cầu Bàu, đã dùng uy tín của Mẹ Thiên Chúa để khiến Con của Mẹ, làm theo. Đây, “dấu chỉ” đầu trong 7 dấu ấn, qua đó Chúa biểu hiện rõ căn tính của Ngài, nơi Tin Mừng.         

            Hiển Linh hôm nay, có người hẳn sẽ thắc mắc: về câu truyện các “đạo sĩ” không chắc đã thực sự xảy ra theo đúng sử sách. Hay, chỉ là một truyện như mọi truyện kể, cũng không chừng. Trước nhất, phải công nhận đây chính là một truyện kể. Là trình thuật, gồm các sự kiện thật khó đoán trước. Khó đoán, như việc dự báo thời tiết về đêm, có lúc xuống đến 10 độ. Cũng rất khó, như việc dự đoán mực nước mưa dâng tràn, đến 10 milimét. Truyện kể ở đây, lại là truyện Kinh Sách. Cốt đặt nặng về ý nghĩa. Như khi nghe đọc Phúc Âm, đôi khi ta cũng thắc mắc, hỏi rằng: “Truyện kể ấy, có nghĩa là gì?” “Truyện kể ấy, đem đến cho ta những gì đây?” Bởi lẽ, sự thật vẫn nằm ở ý nghĩa, chứ không ở sự việc có đích thực xảy ra, hay không.  

            Thật ra, trong truyện kể như thế, sự kiện tỏ bày hiện hữu cũng chỉ vu vơ, rất lờ mờ. Không đủ dữ kiện cho báo đài/truyền hình, làm bản tin. Bởi, báo đài/truyền thông bình thường chỉ lưu tâm đến những gì, khả dĩ có thể trả lời câu: Ai vậy? Đó là chuyện gì? Tại sao thế? Ở đâu? Khi nào? Ý nghĩa làm sao? Trong truyện kể tương tự, thật khó trả lời các câu hỏi như thế.

            Về các đạo sĩ, mà người Hy Lạp có thói quen gọi là “magoi” (tức đạo sĩ/thân hào nhân sĩ) là các bè/nhóm hoặc các học giả kinh điển, chuyên lo giải mã chiêm bao, cùng giấc mộng. Ngày hôm nay, ta vẫn gọi các chiêm tinh gia/nhà ảo thuật thuộc tầm cỡ như phái Zoroastri, thời buổi trước. Truyền thống Giáo Hội gọi là Ba Vua (như: 3 vua ở Phương Đông), cũng là do ảnh hưởng từ Thánh Vịnh 72, câu 10: “Cả các vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đến tiến dâng lễ vật.” hoặc từ sách Isaya đoạn 49, câu 7 có nói: ”Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy”, hoặc câu 10 đoạn 60: “Vua chúa của chúng sẽ góp phần.”

            Thật sự, khó mà biết được con số các vị này gồm bao nhiêu người. Nhưng, truyền thống Giáo Hội vẫn định ra, chỉ có 3 vị. Vì tất cả, có những 3 loại quà được dâng tiến. Và, tên các vị này được đặt theo ý nghĩa của từ ngữ, như: Caspar, đại diện cho dân da màu. Tức: thế giới ở bên ngoài Do Thái, nay đến với Chúa. Như ta vẫn biết, “họ đến “từ cõi trời Đông”. Gia dĩ, có thể từ Ba Tư, miền Đông Xy-ri-a hoặc từ Ả Rập đến. Nghĩa là, những vùng sâu vùng xa. Xa và sâu, nơi chân trời ấy. Thần học gia Aloysius Pieris cho rằng: điều này mang ý nghĩa rất đáng kể với dân Á Châu. Bởi, các “thân hào nhân sĩ” đến từ vùng châu Á, chứ không là chiêm tinh gia địa phương, theo ánh sao lạ, mà tìm đến. 

Dõi theo ánh sao, không rõ thời ấy có xảy ra hiện tượng sao chổi nào không? Hoặc, có sự nối kết hành tinh nào, khiến các vị ngạc nhiên, đi tìm kiếm? Dù sao, khó tưởng tượng nổi chuyện “dõi ánh sao” cả trăm dặm, để rồi cuối cùng, thấy sao vẫn lủng lẳng, trên đầu mình. Tìm cho được sự thật, thì cũng là chuyện vô bổ, mất thì giờ. Bởi, sao đây chính là Đức Giê-su. Là, Ánh Sáng soi dẫn muôn dân.

Thành thử, không nên tìm tòi lý lẽ đưa dẫn đến sự kiện cho bằng, hãy chú tâm đến bối cảnh và ý nghĩa nói đến trong Tin Mừng. Theo đó thì Thiên Chúa, bằng vào bản thể Đức Giê-su, là Đấng đến với thế giới nhân trần. Không như, các lãnh tụ tôn giáo, những thượng tế với kinh sư, dù biết chắc Đức Mê-sia hạ sinh cách nào, vẫn không hề bỏ công tìm kiếm. Như Bét-lê-hem, đất miền mộc mạc chỉ cách Giê-ru-sa-lem không bao xa, thế mà Hêrôđê vẫn muốn gặp. Gặp Chúa, cốt để tẩy xoá/trừ khử mối đe doạ thay thế chỗ, của mình. Trong khi đó, khách lạ đường xa, lại cất công ra đi ngàn dặm tìm kiếm “Vua Do Thái”, để triều bái. Dâng phẩm vật.          
  
Ngoài việc triều bái, các vị này còn dâng tiến những là: vàng, nhũ hương, và mộc thảo đầy thuốc quý. Quà tặng các vị dâng cho Chúa, vẫn là điều được gợi hứng từ lời sấm của tiên tri Isaya, ở bài đọc 1:”Họ mang theo vàng với trầm hương” (Is 60: 6). Với truyền thống Giáo hội, sau này thì: vàng tượng trưng cho Vương quyền của Chúa. Nhũ hương, biểu hiện thiên tính của Ngài. Và, mộc dược là sự thống khổ và nỗi chết Ngài gánh chịu, để cứu rỗi. 

Nói chung, Lễ Hiển Linh cho ta biết một điều, là: Chúa không coi ai là khách lạ hoặc người ngoài cả. Trái lại, tất cả đều trở thành con cái  dấu yêu, của Chúa. Dù ngoại hình của ta có khác nhiều, ta vẫn cùng chung một gia đình. Gia đình, có Người Cha Đáng kính, mà ta được phép gọi: “Lạy Cha của chúng con”. Điều này còn có nghĩa: ta là người anh người chị, của nhau. Là gia đình, vẫn không có chỗ cho những kỳ thị về bất cứ thứ gì. Dù, đó có là sắc tộc, chủng loại, tôn giáo, giai cấp, nghề nghiệp... Không có chỗ, cho những khác biệt về vị thế, mức độ.

Hiển Linh hôm nay, dù có mang tính mông lung/mơ hồ của một truyện kể, nhưng thông điệp ấy vẫn rõ mồn một. Rõ như ban ngày. Cảm tạ Chúa. Thông điệp rõ ràng là hôm nay, không có ai là “dân riêng được chọn” cả. Dù, có là người Do Thái. Dù là Kitô-hữu. Công giáo hay dân đứng ở ngoài. Thế nên hãy cứ tìm hiểu về đặc tính gần gũi/cận kề với Đức Chúa. Đó, cũng là lý do để ta tìm cách gần gũi/cận kề, bên nhau. Gần gũi/cận kề, là không đứng ở ngoài làm khách lạ người dưng. Nhưng, tất cả đều được mời gọi. Dù, người được mời có là Mẹ của Đức Chúa. Dù, ta giàu có hay vẫn nghèo hèn. Dù, ta được trọng đãi hoặc vẫn bị bỏ rơi, đơn lẻ. Dù, người được mời có mạnh khoẻ. Hay, vẫn ốm yếu, tật nguyền. Là, thánh nhân hay vẫn chỉ là tội phạm, ta vẫn là con của Đức Chúa.

Chỉ là dân ngoại/khách lạ người dưng khi ta đã lầm lỡ. Hoặc làm cho ai đó trở thành người sống ngoài rìa, ngoài cộng đoàn. Ngoài tình thân. Nghĩa là, ta vẫn chối từ tặng ban đặc sủng thương yêu tôn kính. Từ chối chấp nhận rằng đặc sủng được tặng ban một cách đồng đều cho hết mọi người. Cho cả dân ngoại. Nếu ta vẫn cứ làm cho người ngoài phải ở ngoài rià, tức là: ta đã tiếp tay với nhóm Pharisêu ngạo nghễ, với đám thượng tế rất hợm hĩnh, mù quáng và cố chấp.

Về lại với chính mình, ta hãy tự hỏi: mình thuộc về sao nào? Chúa gọi mình ra sao? Bằng cách nào? Ngài muốn ta tìm đến gặp Ngài nơi ai, để có thể phục vụ và theo chân Ngài? Nơi người vẫn có cỗ cao mâm đầy, ư? Hay nơi kẻ nghèo hèn? Có phải ta vẫn cản ngăn người khác tìm kiếm “ánh sao”, cho chính họ? 

Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay, dĩ nhiên có những điều ta khó mà đổi thay. Khó mà, quyết định ai sai - ai đúng. Nhưng vẫn không trễ, để ta có thể dõi mắt tìm kiếm “ánh sao” cho đời mình. Tìm kiếm, để dõi bước chân mềm mà đi theo ngay ở đây và bây giờ. 

Khi xưa, đạo sĩ đã cất bước ra đi. Ra đi, các vị đi mãi tận đất miền Bét-lê-hem mới gặp Chúa. Chẳng vị nào tiếc công hoặc tiếc của cả.  Ra đi, các vị đã làm gương để ta cũng ra đi với lòng quả cảm và tin yêu dõi bước theo Chúa. Dõi bước không luyến tiếc, hối hận. Dõi bước ra đi, để sẽ không ân hận là mình đã không khởi sự từ hôm nay.
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch  

Wednesday, 28 December 2011

THIÊN CHÚA GIÁNG TRẦN Ở ĐÂU: TRONG HAY NGOÀI NHÀ THỜ? Giuse Mai văn Thịnh C.Ss.R

Khi còn sống ở quê nhà, vào những dịp giáng sinh, chúng tôi, những chú bé kéo đàn kéo lũ đi ngắm hang đá, xem đèn được trưng bày chung quanh các xóm giáo và nhà thờ. Khi lớn lên lại còn phải tham dự những buổi trình diễn thánh ca; rồi ‘phải’ đi lễ và thông thường cuối lễ ‘phải’ đứng xếp hàng để viếng hang đá, thờ lậy Chúa Hài Nhi. Chẳng biết tâm tình thờ lậy của tôi dành cho Ngài được bao nhiêu, nhưng mắt chăm chú nhìn vào đống hạt dẻ, ngô rang mà người ta dùng để ‘sưởi ấm’ tượng Chúa. Và sau khi hôn chân Chúa, tôi thế nào cũng phải vồ một nắm để hái lộc giáng sinh.

 
Khi sang bên Úc tôi học được thói quen khác là tặng quà hay ít nhất gửi thiệp với những lời cầu chúc thật hoa mỹ nhưng không kém phần thánh thiện để gửi cho bạn bè thân hữu. Đây là thói quen rất tốt và hầu hết những người Úc không thể quên sót. Vì thế, vào những dịp Noel, các trung tâm thương mại luôn tràn ngập người. Cụ thể, trong đêm 23/12/2011 vừa qua, chỉ trong khoảng từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, đã có khoảng 50.000 người đi mua sắm. Ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân.



Hình như tất cả những cảnh tượng xẩy ra vào dịp lễ giáng sinh có cái gì không ổn với sứ điệp của Chúa. Những quà tặng mà chúng ta trao cho nhau quá nhiều, nhiều đến độ một lúc nào đó chúng ta lại phải ngồi xuống để bóc ra những lớp vỏ bên ngoài để tìm ra cốt lõi của sứ điệp mà Chúa Kitô đã nhắn gửi.



Ngay từ trong những bài đọc phụng vụ của những thánh lễ vọng, nửa đêm, rạng đông, ban ngày của lễ Giáng sinh chúng ta thấy có những biến chuyển: Cảnh tượng êm đềm thanh bình của đêm Noel, với tiếng đàn ca xướng hát của thiên thần nhường chỗ cho sứ điệp và lời mời gọi:



Sứ điệp : “Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người và lưu ngụ giữa chúng ta.”



Làm sao một đấng thần linh cao cả như Thiên Chúa lại có thể làm người? Và tại sao Thiên Chúa không dùng quyền năng của Người để truyền lịnh mà cứu độ chúng sinh?



Theo thánh Gioan diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay thì Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy thân phận con người, hòa mình vào kiếp người. Và để chia sẻ cuộc sống con người, Ngài đã trở nên giống hệt chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Qua việc nhập thể này, Thiên Chúa đã bước vào phận người và giúp con người tìm ra lối về nhà Cha.



Tôi được nghe kể lại một câu chuyện diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu Kitô như sau:



Có một đức vua kia đã hỏi quân sư của Ngài rằng: “Nếu tôi muốn làm bất cứ điều gì, tôi truyền lệnh cho quan quân của tôi thì việc đó được thi hành ngay lập tức. Vậy tại sao Thiên Chúa là vua của các vua, chúa của các chúa lại không cứu nhân loại bằng một lệnh truyền; mà phải đích thân nhập thế và làm người để làm gì?”



Vị quân sư xin vua một ngày để suy nghĩ.



Hôm sau, Đức Vua và ông ta đang chèo thuyền dọc theo dòng sông. Trên bờ hoàng tử và các cung nữ đang vui đùa. Đức vua nhắc lại cho vị quân sư câu hỏi hôm qua và yêu cầu ông trả lời. Cùng lúc đó, chẳng may, vì vô ý, hoàng tử đã bị té xuống nước. Ngay lập tức đức vua lao mình xuống sông để cứu con. Sau khi vớt được hoàng tử đem lên thuyền. Vi quân sư mới trình với đức vua rằng: “Thưa hoàng thượng, thay vì nhẩy xuống nước, ngài có thể sai thị vệ và các cận thần làm việc đó mà.” Nghe xong câu nói đó, đức vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: Khanh đã giúp trẫm tìm ra câu trả lời tại sao, để cứu nhân loại, Thiên Chúa toàn năng đã nhập thể với thân phận con người thay vì thực hiện nó chỉ bằng một lịnh truyền mà thôi.



“Ngôi Lời trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.



Đó là cách biểu lộ tuyệt hảo tình yêu của Thiên Chúa.



Một tình yêu tự phát. Tình yêu phát sinh từ Thiên Chúa. Người luôn đi bước trước. Yêu con người khi họ chưa biết đáp trả. Tha thứ trước khi con người xin lỗi. Đi tìm trước khi con người quay trở về. Và phải chết mới tìm được con người.



Một tình yêu quên mình. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi.



Một tình yêu nối kết. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn và trở nên một với con người.



Thách đố



Trước tình yêu cao cả và vĩ đại đó, con người đã đáp trả thế nào. Lại cũng trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Gioan 1,11tt)



Khi suy tư về điều này. Tuy rất lạc quan trước lối sống đạo rất thực tế của giới trẻ. Tuy họ chỉ đến nhà thờ vào những dịp lễ quan trọng… Họ rất tha thiết với những công việc từ thiện…. Nhưng tôi cũng có chút e ngại và lo lắng. Giới trẻ hôm nay giỏi và có nhiều khả năng hơn thời đại của tôi. Họ có nhiều thuận lợi. Với khả năng và tài tính toán, họ có thể làm chủ được tương lai của mình; đôi khi họ có thể ngộ nhận tưởng như mình đã làm chủ luôn thiên nhiên. Và lúc đó, họ sẽ cảm thấy tôn giáo không còn là ưu tiên hàng đầu của cuộc sống. Niềm tin vào Thiên Chúa tuy còn, nhưng theo họ thì chỉ có những người già nua, không còn khả năng mới cần tin và dựa vào thần linh để sống. Trong khi đó, Giáo hội khó tìm ra được một ngôn ngữ nào phù hợp với lối suy nghĩ của họ. Và từ đó cự ly khoảng cách giữa họ và giáo hội càng ngày càng xa, xa đến mức độ chúng ta có thể nói “người nhà đã không tiếp nhận Ngài.”



Ngài đã đến nơi nhà mình. Qua thân phận của các tù nhân. Qua lối sống của những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế, không nơi nương tựa. Ngài đã nên đồng hình đồng dạng với con người nói chung và những dạng người nói trên để qua họ Ngài trao ban một lời mời gọi khẩn thiết là “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Ngài mà phục vụ, vì Ngài mà tha thứ và hy sinh cho nhau, vì Ngài mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Ngài mà làm tất cả cho nhau.



Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ.



Một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận ra Người nơi anh em. Tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng chính vì thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc đời.



Tôi được nghe quí vị tuyên úy trong các trại tù chia sẻ với nhau rằng những người bạn tù rất cần sự cảm thông và nâng đỡ của chúng ta. Sau một thời gian sống trong lao tù; những ngày đầu tiên được thả ra vô cùng quan trọng đối với họ. Nếu họ được săn sóc trong một môi trường tốt, hầu như họ sẽ làm lại được cuộc sống. Bằng không, những người bạn cũ sẽ tìm đến với họ và con đường dẫn họ đến nhà tù rất gần.



Điều mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm lòng khoan dung và độ lượng.



Người ta kể rằng: Trong một xóm giáo toàn tòng kia, người người đều tin vào Chúa. Và có một thanh niên mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai. Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm xa lánh anh. Với những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi.



Không lâu sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt.



Trước mặt quan tòa anh ta khai báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi nên tôi trả thù".



Anh không được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Chính thái độ hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù chung thân.



Giả như Thiên Chúa cũng không chấp nhận chúng ta thì giờ đây nhân loại sẽ ra sao!!???



Khi mừng lễ giáng sinh hôm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài nhắc cho chúng ta bài học yêu thương, giúp đỡ, đón nhận và tha thứ cho nhau. Vì qua đó chúng ta tiếp tục sinh hạ và giới thiệu Chúa cho người khác. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết mở lòng đón nhận sứ điệp và chấp nhận lời mời gọi để Thiên Chúa thành toàn chương trình của Người nơi bản thân yếu hèn của chúng ta.



Giáng sinh 2011.

Giuse Mai văn Thịnh C.Ss.R

Thursday, 22 December 2011

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải”


Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia năm B

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải”  
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!
(dẫn từ thơ Xuân Diệu)
Lc 2: 22-40
            Nhà thơ nay đà biết nói: ông cần tin. Và, ông cũng khao khát được nhầm lẫn, có ảo tưởng. Rất thâm trầm. Nhầm lẫn – ảo tưởng - thâm trầm, thế mà ông vẫn cần đến niềm tin. Dám hỏi nhà thơ, ông  nay có tin, như tin vào tình yêu của Đức Chúa. Tin rất nhiều, hơn tình của đôi ta. Rất uyên ương. Không oan trái. Như trình thuật nay diễn giải. 
            Trình thuật hôm nay, diễn giải là diễn nghĩa và giải thích về thánh gia. Gia đình của Chúa tuy rất thánh nhưng vẫn giống mọi gia đình. Tức, có thăng có trầm. Có lúc vui buồn, nhiều trầm lắng. Lắm ưu tư. Ưu tư nhất, là khi Mẹ chứng kiến nỗi chết nhục hình của Con Mình, trên thập giá. Ưu tư không kém, như thánh cả Giu-se âm thầm suy tư về ý định của Thiên Chúa.
            Là thành viên của Thánh Gia, Mẹ và thánh cả Giu-se cũng đã hốt hoảng khi Con của Mẹ “biến mất” nơi Đền thánh, những 3 ngày. Sau buổi ấy, Con của Mẹ, nay thuộc về gia đình mới. Gia đình thế giới. Chí ít, của những người quyết noi theo phương cách Ngài hằng chỉ dẫn. Ngài chỉ dẫn bằng dụ ngôn, truyện kể. Bằng diễn giải, nhủ khuyên khi Ngài quả quyết: là mẹ và là anh chị, chỉ những người biết lắng nghe và làm theo ý của Cha. Là, những người trong đó, có cả Mẹ. Bởi, không ai nghe và giữ Lời Chúa, cho bằng Mẹ.
            Trình thuật hôm nay, đích thực kể về việc dâng tiến Chúa nơi Đền thánh. Là người con lớn trong gia đình, Đức Giê-su cũng phải thi hành luật lệ của người Do Thái, tức: dâng tiến chính mình Ngài cho Đền Thờ. Cho Cha Ngài. Điều này, để biết rằng: cả cuộc đời Ngài còn là quà tặng từ Thiên Chúa. Rằng, Thiên Chúa là Đức Chúa của mọi cuộc sống. Của mọi sinh vật, trong cõi đời. Người thiếu niên Giê-su, một khi thuộc về Thiên Chúa, lẽ đáng cũng phải theo nghi tiết mang tiền vàng, dâng Chúa Cha, nơi Đền thánh. 
            Và lần này, thiếu niên Giê-su lên Đền, lại được gặp các đấng thánh như cụ Simêôn và Anna đón tiếp vồn vã, thân mật. Và cụ ông Simêôn, tràn đầy Thánh Thần Chúa, giữ lời hứa ban xưa, nên đã nói: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo như lời Ngài hứa, xin để tôi tớ Chúa được ra đi trong an bình. Vì chính mắt con nay được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đây chính là nguồn sáng soi dọi cho dân ngoại. Ngài là vinh quang của Ít-ra-en con Dân Ngài." (Lc 2: 29-32)
            Nhưng sự thật, thì tất cả đều đã không là ánh sáng. Bởi, người thiếu niên đây sẽ  “là duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống, hay trỗi dậy. Như thế, có nghĩa: Đức Chúa là cội nguồn của sự sống. Ngài chính là ơn cứu thoát cho muôn dân. Đồng thời, Ngài lại là cớ vấp phạm cho những người tự khiến mình đui mù, bằng những cản ngăn con đường Ngài đưa dẫn mọi người đến sự thật. Đến, tình yêu thương. Như cụ ông Simêôn, từng nói trước. 
            Với ngôn sứ Anna cũng thế. Nhìn thiếu niên Giê-su, oai phong dũng mãnh, bà cũng nói về Ngài thay cho hết mọi người lâu nay từng mong chờ ngày Ngài “giải cứu Giê-ru-sa-lem”. Có nhà thần học tu đức nọ, từng nói về cách thức thánh Luca viết sử, như sau: “Thánh sử Luca, qua sắp xếp bố cục trình thuật Kinh Thánh, để nói lên rằng: cả nam lẫn nữ, ta đều có thể đứng thẳng người lên và đến gần bên Thiên Chúa. Là nam hay nữ, ta vẫn ngang đồng hưởng vinh quang và ân sủng của Thiên Chúa. Bởi cả hai, ta đều được phú ban, cùng một ân huệ. Nhận lãnh cùng một trọng trách.”
            Trong bầu khí đầy tràn tình thương yêu và niềm hy vọng, thân phụ và thân mẫu Đức Chúa thời niên thiếu, đã về lại Nadarét với Con của Mẹ. Ở nơi đó, Ngài lớn lên trong khôn ngoan và tràn đầy ân sủng cùng tình thương yêu của Chúa Cha.  Ở nơi Ngài, nền tảng vững bền cho công việc mai sau, được dựng xây. Điều này, chứng tỏ cho ta thấy: trải bao năm tháng, Đức Giê-su đã trưởng thành trong cung lòng đầy tình thương của thân phụ và thân mẫu, dẫu người phàm.
            Và những gì là sự thật về Đức Giê-su, cũng là sự thật cho chúng ta. Nghĩa là, môi trường sống có gia đình yêu thương trân trọng, vẫn là môi trường quan yếu cho cuộc sống. Nhiều người có cảm tưởng, là: nhiều nơi trên thế giới, tại các nước được gọi là “đã phát triển”, đời sống gia đình đang ở vào tình cảnh khốn khó, có vấn đề. Nhưng ngược lại, những ai thường xuyên tiếp cận với giới trẻ hôm nay, đều thấy được tình hình của nhiều người trẻ, vẫn có tương quan tốt, với gia đình. 
            Vấn đề là, các bậc cha mẹ nào mong muốn rằng con cái mình biết kính trọng, hiếu thảo, vâng lời mà lại chẳng cần đòi hỏi chúng xử sự cho đúng cách? Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ ngày hôm nay lập ra các tiêu chuẩn gấp đôi, hy vọng rằng con cái mình thực thi được dù chỉ một ít thôi là cũng thấy mãn nguyện. Thế nhưng, thực tế cuộc sống hôm nay, đòi hỏi nhiều nơi cha mẹ biết kềm chế rất nhiều, mới mong tạo gương mẫu cho các con. Kềm chế cãi vã, tranh luận. Kềm chế trong việc bỏ quá nhiều thì giờ để làm ăn thay vì gần gũi với con cái. Đôi khi, còn phải biết hy sinh thì giờ và tiền bạc, cố lắng nghe lập trường và ý kiến của con mình.
            Một số người cha trong gia đình, còn có kinh nghiệm thương đau, như trường hợp một ông bố vẫn muốn giáo dục con trai mình cho nên người. Nhưng hễ ông bước vào phòng để nói chuyện với con, thì con ông lại bỏ đi chỗ khác, để khỏi nghe. Đến độ, bạn bè khuyên ông: hãy tìm cách cảm thông với ước muốn của con mình, hơn là bắt con mình làm theo ý muốn của riêng ông. 
Ông bố cứ bảo: “Tôi cảm thông với tính tình của con tôi, lắm đấy chứ. Nhưng vấn đề ở đây, là: phận làm con, là phải biết tôn kính cha mẹ, biết trân trọng những gì chúng tôi làm cho chúng.” Bạn bè đành đề nghị một phương án khác: “Nếu con ông không cởi mở/dễ bảo, thì hãy cứ cho đi là ông chưa cảm thông với con cái và có lẽ chưa bao giờ ông biết cảm thông, và cũng chưa từng muốn thử , và dự định sẽ thử. Nếu thế, hãy tìm cách, một lần nữa, biết cảm thông với chúng.” Nghe điều đó, người cha nọ, đã làm thử. Ông chịu khó lắng nghe con mình, một cách vô điều kiện. Thế rồi, cả hai cha con đã học hỏi lẫn nhau. Học được nhiều bài học, hơn trước.
Cuối cùng thì, cấu trúc gia đình của tín hữu Đức Kitô phải được thiết lập theo ánh sáng Tin Mừng, như một thị kiến của cuộc sống. Thế giới hôm nay, có quá nhiều áp lực từ xã hội. Đôi khi, ta cũng quá đeo bám vào truyền thống cứng ngắc, của người xưa. Có lẽ, cả Hội thánh nói chung, chứ không là từng gia đình riêng lẻ, cũng nên giải quyết vấn đề thông cảm không chỉ giữa các thế hệ thành viên trong gia đình mà thôi; mà là, cho toàn thể xã hội nữa. 
Chẳng cần phải tranh cãi, phẩm chất của bất cứ xã hội nào cũng tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống gia đình. Xã hội hiện hữu vì gia đình. Gia đình cũng hiện hữu vì và cho xã hội. Trừ phi tương quan của hai phần này liên đới phụ thuộc vào nhau đều được biết đến, còn không thì thị kiến của Vương quốc Nước Trời, sẽ lại trở nên ngang trái, đối nghịch.
Lm Frank Doyle sj
Masi Tá lược dịch 

Tuesday, 20 December 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà Việt Nam




23.4.2003

Báo Thanh Niên đăng bức ảnh kèm Tin thêm về lão ông bắn rơi trực thăng Mỹ” với nội dung quý hoá như sau:

Dư luận thế giới chưa thể quên một huyền thoại trong cuộc chiến Iraq vừa qua, đó là lão nông Abeed Manquash dùng “súng trường bắn rơi máy bay lên thẳng Apache của Mỹ”.

Chủ bút tờ báo Kuwait Công Luận – ông Jasem Hamadi – đã lặn lội khổ sở suốt 4 ngày liền để đến được ngôi làng hẻo lánh, cách Baghdad 110 cây số về phía Nam, tìm cho ra lão ông nổi tiếng nói trên để hiểu rõ sự thật. Masquash đã kể lại “huyền thoại” này như sau:

Sáng hôm đó, tôi ra ruộng như mọi ngày. Bỗng tôi nhìn thấy một chiếc máy bay chình ình trên mặt ruộng. Tôi cố xác định xem thực hay mơ? Khi khẳng định đúng có máy bay ở đó rồi, tôi vội chạy về báo cho người nhà nước gần nhất biết. Một nhóm an ninh và người của Đảng (al-Baathe, N.H.) theo tôi ra ruộng. Khi thấy sự thật, họ giữ tôi lại đó. Rồi một ông cấp to đến. Ông này bảo tôi phải nói là đã bắn rơi máy bay bằng súng trường. Tôi hiểu rằng đó là việc bắt buộc phải làm, vì nếu không sẽ bị coi là “phản bội”, tức là mất đầu. Thế là tôi đứng trước các ống kính, kể lại như họ dặn là đã dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ với sự trợ giúp của thằng cháu mới 7 tuổi.”

Masquash phủ nhận việc đã nhận tiền thưởng rằng “chẳng có một trăm triệu hay một dinar nào cả”. (Ngọc Hùng (theo Ashard al-Awsat 22.4.2003.

Hussein-Irắc là như thế đó. Vậy mà triều đình và báo chí Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã ủng hộ ca cẩm Hussein-Irắc mãi cho tới giờ thứ 25. Chả trách, như có người cho mình biết là Đài BBC gần đây có một bài bình luận đến nơi đến chốn về việc Cộng Hoà Xã Hội CHủ Nghuĩa Việt Nam là nướ`c duy nhất trên thế giới đã trước sau như một , một lòng một dạ tán dương, cổ võ Hussein-Irắc!   
 
Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 1 năm 2001, trang 19)

Monday, 19 December 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)



Mc 4: 26-29 Hạt giống tự mọc lên

Hiểu ví dụ: cần thiết phải đặt vào hoàn cảnh như nói trên. Nhiều người chán nản. Có những môn đồ phẫn chí, muốn kéo Chúa Yêsu vào hoạt động ráo riết để thay đổi lại tình thế, không thì đổ vỡ to. Chúa Yêsu ngược lại lấy gương kiên nhẫn của nông gia đợi trình tự thiên nhiên của mọi hạt giống gieo xuống đất: gieo rồi, không phải lo là lúc mọc: sự trông cậy sắt đá là điều căn bản của chính người gieo giống là Chúa Yêsu: phải để Thiên Chúa một cách thành thực vào những bài tính hơn thiệt của công việc mình.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích Tài liệu lưu hành nội bộ)

Saturday, 17 December 2011

Lm Richard Leonard sj: Thiện Nguyện Để Giáng Sinh



Có người bạn, thuộc nhóm Hiện Xuống kể cho tôi nghe câu chuyện của anh Minh Duy, một giáo dân hiền từ đến nhà thờ dự lễ Giáng Sinh Ban Ngày. Biết là anh rất bận. Bận làm ăn. Bận sinh sống. Nên, đến được nhà thờ dự lễ như thế đã là quý lắm rồi. Bởi thế nên, cha xứ vẫn để nguyên bộ áo lễ, tiến đến bên anh, bắt tay chào hỏi rất thân tình, kèm theo đó là nụ cười khả ái ngày Chúa Giáng Trần.
Mào đầu câu chuyện, cha xứ hỏi han vài câu xã giao: “Này bác, tôi thấy bác nên gia nhập đoàn quân thiện nguyện của Đức Kitô, mới phải!” Giáo dân hiền từ nghe thế, bèn đáp: “Dạ thưa, con chiên đây vẫn có mặt ở nơi đó, đã từ lâu!” Vị chủ chăn sửng sốt, lại nói tiếp: “Ủa, nếu bác có gia nhập, thì sao vị chỉ huy trưởng này chẳng bao giờ thấy bác tình diện cả vậy?”  “Dạ thưa, vì chiên con gia nhập đội người nhái, lúc lặn lúc nhô, chứ đâu dám lặn luôn, bị chửi chết!”
Trong cuộc đời, nếu ta hành xử giống nguời giáo dân hiền từ ở trên, đã thấy mình gia nhập đạo quân thiện nguyện rồi, thì hôm nay ta đang tháp tùng Đức Kitô trong công tác “nhô mình lên”, mà vào đời. Câu chuyện Chúa Giáng Trần/vào đời được người đầu tiên biết đến, không do tai những người đi nhà thờ truyền lại. Đám chăn chiên ở Palestin vào thế kỷ đầu, luôn có nhiệm vụ phải trông chừng đàn thú hiền suốt ngày, đêm. Chúng vẫn sợ đám cướp cạn và đàn sói rình rập, chực cướp mồi. Công việc của kẻ chăn tuy chậm nhẹ, nhưng không cho phép kẻ chăn có thì giờ ghé đền thờ, mà dự lễ. Kẻ chăn chiên buồn, chỉ biết nguyện cầu tại chỗ, dọc suốt đồng hoang cỏ dại. Nhờ có thế, mà lũ đám mọn hèn mới hiện diện đúng thời, đúng buổi. Có giáp mặt hiện trường như thế, mới nhận ra được thông điệp Giáng Sinh, đầu thế kỷ. Giáp mặt hiện trường, cũng là một bổ nhiệm chính đáng, rất đúng đắn.
Nhiều lúc, tín hữu Đạo Chúa như đã cảm nhận từ lâu, chương trình hành động của Chúa, còn rõ hơn cả Ngài nữa. Đây chính là bẫy cạm ta phải cẩn thận mà xa lánh. Và, Giáng Sinh hôm nay, là dịp thuận để ta có thể làm được việc ấy.
Nhìn vào quá trình lịch sử, quả là xưa nay chẳng ai tiên đoán được phương cách Chúa gửi Đấng Cứu Độ toàn năng đến với con người. Cũng chẳng ai biết rõ vào ngày “N” và giờ “G” nào, Chúa thân hành giáp mặt trần gian. Chẳng ai đoán biết trước sự việc Nhập thể, mà Chúa đã bày tỏ cho đám kẻ chăn, không nhà cửa. Nhóm người trẻ này chuyên sống bụi sống bờ, không xứng đáng. Và, cũng chẳng ai mường tượng được nhân chứng đầu của sự kiện Nhập Thể, lại là đám trẻ vô học, rất “bụi đời”. Dân thường ở huyện, cũng đã chực chầu những mong được đón chào Vị Thiên Sai từ nơi cao đến lật đổ đám cường quyền La Mã. Giới trung lưu quyền thế, biết nhẫn nhục hơn, đã cố đợi chờ ngày kiệu rước vua quan từ trời cao ngự đến.
Nghịch lý hơn, tình Thương yêu Chúa lại đã chấp nhận mặc lấy xương thịt người phàm, là xương thịt của chính ta. Và, Ngài đã đến với ta như kẻ nghèo hèn, đớn mọn. Ngài đến, chỉ như Hài Nhi bé bỏng, không có gì để tự vệ. Nhưng, chính Hài Nhi ấy là Chúa chúng ta. Ngài xuất hiện, không như mọi người tưởng. Không như quan niệm của người phàm. Ngài thực hiện lời hứa đã thiết lập với tiền nhân, theo phương cách đầy kinh ngạc. Và, Lễ Giáng Sinh đem đến cho ta ảnh hình êm ả, dịu hiền của Đức Chúa thân thương, bé bỏng. Hài Nhi Chúa cần bú mớm, dưỡng dục, được ôm chặt vào lòng.   
Áp dụng ảnh hình Chúa Giáng Trần vào với niềm tin người đi Đạo, cũng không sai. Nếu Giáng Sinh với ta, mang ý nghĩa cụ thể, thì đây không là lễ hội uy nghi, nhộn nhịp, chỉ để vui. Giáng Sinh cũng không là cơ hội để ta lấp đầy khoảng trống thời gian, có nghỉ lễ. Đây là cơ hội để ta ăn mừng, mỗi khi làm điều hợp lý, có yêu thương. Rất an lành.
Lễ Giáng Sinh còn là lý do để ta tụ tập ở đây, mỗi tuần. Tụ tập, chung vui Tiệc Thánh Thể. Tụ tập như thế, ta sẽ được Chúa dưỡng dục, cách sinh động. Có bú mớm. Có ôm chặt vào lòng. Ôm ta, để đem ta vào với cung lòng thương yêu của Đức Chúa. Dù ngắn ngủi, sự việc này cũng giúp ta thêm lòng quả cảm, thêm sức mạnh mà giáp mặt với loài sói dữ, với đám cướp cạn đang chực rình vồ, vào ngày tháng quan trọng chính cuộc đời của ta. Nay, ta hãy ra đi mà đón chào. Đón và chào mừng, ngõ hầu ta tới đúng chỗ, đúng thời đúng buổi để Chúa có thể nhìn ra ta, mà đón nhận. Và, đem ta vào cung lòng Ngài.

Friday, 16 December 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi Ví Dụ Người Gieo Giống




Vài đoạn Tin Mừng về tính cách hiện tại của Nước Thiên Chúa (tiếp theo)

Ví dụ người gieo giống (Mt 13: 3-8; mC 4: 3-8; lC 8: 5-8)

Về hình ảnh: diễn lại cụ thể điều kiện địa dư Phalệtin (chứ không phải nói ra sự cẩu thả của người gieo giống). Tại Phalệtin: gieo giống trước khi cày. Đất chưa vỡ, và như vậy có đường mòn dân làng qua lại, có bụi gai người tatạm phóng hoả trước khi gieo, nhưng cội vẫn còn; đất sườn đồi: chỗ lồi, chỗ trũng, dưới vẫn thường là đá, có chỗ lồi lên, có khi chỉ phớt trên một lớp đất rất nông. Gieo xong, người ta sẽ cày một lượt: đường đi, bụi gai cùng với hạt giống vùi đi để chờ mưa nhận cho các tháng mùa đông, và vào tháng hai thì lúa mọc, và gai cũng có thể mọc lại. Đây cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh thời Chúa Yêsu để hiểu: Chúa Yêsu không nói trên mây, nhưng nhắm vào tình trạng cụ thể Ngài gặp phải trong khi rao giảng Nước Thiên Chúa. Phần lớn dân chúng hình như đã chán nản, muốn quay lưng. Như thế là ví dụ thuộc cuối sứ vụ Galilê. Chúa Yêsu tuyên bố: dù sao đi nữa, công việc đã bắt đầu ;Nước Thiên Chúa sẽ đến, cũng như qua bao nhiêu trở ngại và chống đối, Nước Thiên Chúa cũng sẽ hoàn thành, như nông giakiên chí đem lúa đi gieo, mùa gặt sẽ đến. Không có thất bại nào ngăn cản được Thiên Chúa thành sự.

Một trật, ví dụ cũng là lời kêu gọi khẩn thiết hãy trở lại và hãy tin. Vai trò người gieo giống không nổi, nhưng Chúa Yêsu cũng thầm nhủ về công việc của Ngài: Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã hoạt động và nên hiện tại nhờ Ngài – nhưng trong bí nhiệm: Tin Mừng chỉ được ít người chịu lấy; tuy thế đã có thể chắc chắn được về viên thành: quyền năng loài người và hoả ngục không phá được chương trình của Tiên Chúa. Bởi ý nghĩa cảnh cáo này mà đã có lời giải thích Mt 13: 18-23; Mc 4: 13-20; Lc 8: 11-15: tức là một áp dụng của Hội thánh theo tinh thần Chúa Yêsu: Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tỏ bày; với Chúa Yêsu, Nước Thiên Chúa đã đến, nhưng chưa kết thúc bao lâu chưa đến thời Quang lâm. Bởi đó tín hữu đang ở giữa vào khoảng “đã có” và “chưa xong”, một tình trạng tương đương với tình trạng những kẻ nghe tiên khởi: cần phải kêu gọi tỉnh thức để quyết đi đi, dấn mình vào những đòi hỏi của Nước Trời.
                                                                                                                                       (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)


Thursday, 15 December 2011

“Hoa không buồn thắm, bướm không baỵ”


Suy niệm Giáng Sinh – Lễ Nửa đêm năm B

“Hoa không buồn thắm, bướm không baỵ”
Giữa lúc tâm hồn, trong sáng ấy
Đường mờ như thủy, mảnh gương phai
Ngây thơ hấp hối, trong nhan sắc
Đợi hắt hơi thừa, một sớm mai
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Lc 2: 1-14

            Hoa không buồn thắm, hồn trong sáng. Đường mờ như thuỷ, một sớm mai. Tất cả, nay không còn như thế. Không như thế, là bởi hôm nay Đức Chúa, Ngài đã Giáng hạ. Hạ giáng làm người, để hồn ta trong sáng, chờ Ngài đến. Ngài đến, trong bừng sáng như trình thuật, kể hôm nay.

            Trình thuật hôm nay, kể về lễ hội tưng bừng những ánh sáng. Có vui có mừng. Có giải thoát.  Người La mã lúc đầu có thói quen gọi lễ Hạ Giáng, là ngày lễ Mặt Trời không khuyết thực. 

            Bài đọc hôm nay, rộ lên chủ đề ánh sáng có hài nhi nằm trên máng ăn của bò lừa. Hài Nhi, là Ánh Sáng cho Muôn Dân. Ánh Sáng ấy, nay quây quần hào quang chiếu sáng trên mục đồng. Cùng lúc ấy, có thần sứ hát mừng tôn vinh Chúa, với những câu: “Vinh danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương." (Lc 2: 14)

            Mừng, là chủ đề xuyên suốt trong cả ba bài đọc hôm nay. Nhất thứ, là Tin Mừng. Tin Mừng, là đặc thù đích thực được gửi đến tín hữu Chúa Kitô, ở mọi chốn. Nguyên do dẫn đến những mừng vui, là vì ơn giải thoát Chúa đem đến. Ơn Chúa đem, Ngài mang lại theo cung cách của Vị Vua các vua. Và, cả đến cung cách của vị Hoàng Tử của An Bình. Tin Mừng Ngài đem đến, không phải để phô trương quyền uy và thế lực. Mà là, để ban phát quyền lực oai phong cho kẻ nghèo hèn, còn yếu kém.

            Trình thuật hôm nay, gợi lại lối sống và mục tiêu Ngài nhắm đến. Mục tiêu/lối sống Ngài nhắm đến, không theo cách thức của những người sống chung quanh. Nhưng, như thường dân ở huyện đến để đăng ký sổ bộ cho đoàn thu thuế. Và khi ấy, không có chỗ đàng hoàng tử tế cho Mẹ Ngài và thánh Giu-se. Mẹ đành để Hài Nhi tá túc chốn bò lừa. Đặt Hài Nhi nằm trên máng ăn của lừa/bò.

            Và, khách mời thăm viếng Vua các vua, vẫn chỉ là đám nhi đồng du mục, chẳng vai vế. Rất bần hàn, vùng cận Đông. Họ là đám người cùng cực, sống ngoài rià. Ngoài xã hội. Ngoài phe nhóm. Nhưng, họ là người tử tế. Chỉ mỗi tội là không biết thích nghi với xã hội mình sống. Và câu hỏi: tại sao lại như thế? Sao, Đấng Thế Tử đến với dân lại theo kiểu xuống cấp, đến như thế?  

            Thật ra, cũng nên hiểu ý của thánh sử Luca khi thánh nhân viết trình thuật thời thơ ấu của Chúa, là để thiết lập tương lai, Ngài sẽ sống. Thánh Luca nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa đến, là: Ngài đến với người nghèo, kẻ yếu đuối, sống ngoài rìa. Sau này, Ngài còn cùng bàn với phường giá áo túi cơm. Với cả kẻ tội lỗi ghê khiếp nữa. Vậy, nếu Chúa đến vào thời buổi hôm nay, thì thế nào?

            Tại sao thế? Có nhà thần học đương thời, vẫn nhận định: “Nếu Chúa đến với đồ đệ Ngài, hôm nay, Ngài sẽ phải theo cung cách nào để mang Tin Mừng cứu độ, cho môn đệ? Ngài sẽ đến cách nào, khi đám người trẻ cứ phải chết vì Siđa? Khi hàng triệu người vẫn thất nghiệp, chẳng có nhân cách? Và, Chúa đến sẽ thế nào, khi đàn trẻ nhỏ vẫn bị sách nhiễu tình dục? Phụ nữ vẫn cứ thua thiệt, so với nam nhân? Ngài sẽ nói sao, khi tệ nạn phân biệt chủng tộc, chém giết vẫn cứ xảy đến với Châu Phi, châu Á, và cả châu Âu, nữa? Ngài đến theo cách nào, khi loài người vẫn cứ huỷ hoại môi trường, mình đang sống?

            Và hôm nay, có người hỏi: Chúa Cứu Thế, Ngài ở đâu? Ngài đâu rồi, sao không đến khi người hèn yếu đang cần Ngài? Ngài là Chúa Cứu Thế của ta –và của mọi người- khi ta và họ được Ngài chúc phúc bằng của cải, trên trái đất. Của cải vật chất, xã hội và cả đến tài sản trí tuệ, nữa. Thật sự, Ngài chỉ là Đấng Cứu Thế, khi ta chứng thực được rằng: mình đang chung lưng đấu cật, hợp tác tái tạo lại nhân cách và tính vẹn toàn cho người hèn yếu thôi. 

            Thomas Merton, là nhà văn và cũng là nhà khắc kỷ/khổ tu, đã phát biểu: “Thế giới này, chốn trú ngụ cuồng điên, nơi đây tuyệt nhiên không còn chỗ cho Ngài đến trú ngụ. Ngài vẫn đến, dù không ai mời. Nhưng, Ngài không cảm thấy đó như ở nhà mình, là bởi không có nơi cho Ngài trú ngụ. Và Ngài vẫn cần thiết ở nơi ấy, nên Ngài đã phải đến với người khác. Những người cũng một tình trạng như Ngài, tức: không có chỗ trú thân.

            “Chỗ trú thân của Ngài, là ở với những người không thuộc phe phái nào, nên vẫn bị quyền bính chối từ và bỏ qua một bên. Bỏ, là bởi họ vẫn cứ bị coi như kẻ yếu. Bị coi, là những người không đáng tin cậy. Họ là những người bị tước bỏ cả đến “nhân cách chỉ làm người”. Là, những kẻ đang bị ruồng bắt. Hãm hại. Ruồng bỏ. Những người không có phòng ốc để trú ngụ, dù qua đêm. Với họ, Chúa vẫn có mặt, nơi thế giới.”

            Cách đây khá lâu, nhà văn Paolo Freire người Brazil, có viết trong Sách Sư Phạm Cho Người Bị Bức Bách. Đầu đề sách, thoạt nhìn có vẻ như một cẩm nang cho người khủng bố. Nhưng, không phải thế. Freire là tín hữu Đạo Chúa. Ông hoàn toàn chống lại bất cứ mọi hình thức của bạo lực. Sách của ông, chỉ cách hướng dẫn cho người nghèo, ít học. Ông tin rằng, khi đã được học đọc và học viết, thì người bần cùng nghèo khổ cũng sẽ học rằng: họ từng là người nghèo. Biết được lý do tại sao mình nghèo. Và, làm thế nào để vượt thắng cảnh nghèo hèn. Mọi giải pháp/cơ hội, nằm trong tay họ.

            Toàn bộ tiến trình giáo dục người nghèo, đặt nền tảng trên tín thư Tin Mừng. Và, người đọc sẽ áp dụng mọi chỉ dẫn cho cuộc sống của mình. Tiến trình này, giúp người nghèo và những người bị ruồng bỏ, hiểu rõ hoàn cảnh bức bách họ đang chịu. Giúp họ biết quyền lợi của họ là có được nhân cách sống. Cũng như công lý; và phương cách bất bạo lực, để giải quyết.

            Dù thế, lâu nay vẫn xảy ra nhiều bạo động, vì phần đông các người nghèo không kiên nhẫn đủ, để tiến hành bất bạo động. Họ bị cuốn hút vào cung cách của du kích. Khủng bố. Nhất là cách đang được một số chính quyền, giới kinh doanh và dân quân khác, thích sử dụng. Những người thích sử dụng kiểu này, là cốt tạo sự giàu sang và quyền bính trong tay một nhóm người, rất ít ỏi.

            Hài Nhi hôm nay Giáng Hạ, chính là Hoàng Tử Bình An, của mọi người. Tiếc thay, thông điệp tình yêu và công lý Ngài mang đến, đã biến thành tài nguyên cho bạo động và nỗi chết, như thành quả của người đã từng khước từ Ngài. Tiếng vang ấy, vẫn đọng lắng nơi truyện tích, của Giáng sinh. Chính vì thế, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân và hàng ngàn nông dân vô tội cũng như gia đình họ, đã và đang bị giết hại, vì Ngài.    
     
            Và, lễ Giáng Sinh không chỉ xảy đến, mỗi đêm nay. Nhưng, là nguyên năm. Giáng Sinh, không chỉ là lễ hội đình đám có ngỗng quay, kẹo mứt bánh trái, ở đâu đó. Giáng sinh, cũng không là những dạ vũ kéo dài, có nhậu nhẹt vui chơi, đến thâu đêm. Mà là, cử hành việc Chúa đến với người nghèo, không nơi nương tựa. Người thiệt thòi. Có thông điệp của hy vọng Ngài đem đến cho kẻ thiếu thốn. Là, trách nhiệm coi ta như một thành phần của tiến trình giải thoát. Ơn cứu độ.  

            Cử hành lễ Giáng Sinh, còn là quyết tâm gột bỏ vết nhơ của khó nghèo. Của kỳ thị. Gột bỏ khai thác bóc lột. Gột bỏ, những gì đang xảy đến với môi trường giàu của chúng ta. Gột bỏ, là giải quyết cảnh: người thì ăn không hết, kẻ thì đói lả gục ngã trước ngưỡng cửa cứu đói. 

            Là con dân Đạo Chúa, ta có quyền mừng kính ngày Chúa Hạ Giáng Làm Người. Nhưng, đừng quên ý nghĩa đích thực việc mừng kính. Ý nghĩa, là nghĩa lý của thông điệp Giáng Hạ chuyển đến cho cả bên ngoài, và đằng sau, ngày đại lễ. Nên biết rằng, ngày Chúa Giáng Hạ là ngày nhắc ta  ý nghĩa làm con dân của Chúa. Ý nghĩa ấy, hôm nay gửi đến với riêng ta. Với mọi người. Trong mọi nhà.
              Lm Frank Doyle sj
              Mai Tá lược dịch 


Wednesday, 14 December 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi: Tin mừng về Cái đèn




Vài đoạn Tin Mừng về tính cách hiện tại của Nước Thiên Chúa (tiếp theo)

Cái đèn (Mc 4: 21; Mt 5: 15; Lc 8: 16; 11: 33)

Hoàn cảnh nào lời này được nói ra, không thể biết rõ.
-Mc, chiếu theo đoạn văn, thì hiểu về Tin Mừng.
-Mt áp dụng lời này cho môn đồ của Chúa Yêsu (Mt 5: 16).
-Lc hướng đến ánh sáng bên trong con người.

Hình ảnh cũng đem sinh hoạt thường nhật của hạng người nghèo Phalệtin (và tại sao ta lại không có thể hiểu về thánh gia Nadarét?). Ý nói: không lẽ thắp đèn lên, để rồi lại tắt ngay đi. Và như thế thì phải hơn lời trước tiên đã được Chúa Yêsu dùng để nói đến sứ mạng của Ngài. Và lời hướng đến lời như Yn 8: 12.
                                                                                                                                       (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)


Tuesday, 13 December 2011

Lm Chân Tín: Khi người khoa học duy vật khám phá đời sống tâm linh qua đồng bóng





Trong Thư Nhà số 15, chúng tôi có đề cập đến mê tín trên đất nước chúng ta hiện nay, đến “tự do mê tín mới lớn hơn cái bàn” trong khi cái “phép tự do” mà chế độ “cho” Tổng giám mục Sàigòn chỉ bằng cái dĩa còn ở các giáo phận khác chỉ bằng cái chén, cái ly. Điều 4 Hiến Pháp áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin duy vật vô thần rốt cuộc chỉ đưa tới dị đoan, mê tín. Như nào là “mỗi ngày thiêu 300kg vàng mã trị giá 1 tỉ đồng. Tính chung trong cả nước trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mùi và tháng Giêng đã đốt 40.000 tấn vàng mã trị giá 400 tỉ đồng (SGGP 02/03/2003) . Nào là thủ đo Hà Nội nhan nhản hàng trăm chuyên viên viết thuê “công văn gửi thánh”. Nào là cũng “Hà Nội hiện có chừng trên 1.000 điện, đền, miếu, phủ chuyên cho hầu bóng.” Và hầu đồng ở Hà Nội là…”người có văn hoá, chức vị học vị nhiều hơn những người không có. Các sếp Giám đốc (…) sĩ quan quân đội, công an, cán bộ thuế, hải quan.”

Mới đây, tôi đọc một hồ sơ của “Trung Tâm Nghiên Cứu tiềm năng con người”. Bộ môn Cận Tâm Lý (1999-2000) do thiếu tướng Pts Chu Phác đứng tên. Hồ sơ này đề “một số bản viết của cá nhân về khả năng đặc biệt của cô Nguyễn Thị Phương, Hàm Rồng, Thanh Hoá”.

Trong hồ sơ này, có nhiều chứng từ về những cuộc gặp gỡ với người thân đã mất (vong hồn) qua việc cô Nguyễn Thị Phương gọi hồn.

Chứng từ thứ nhất của ông Trần Khiên Thẩm một phó giáo sư, phó tiến sĩ:

“Tôi, phó giáo sư, phó tiến sĩ Trần Khiên Thẩm 64 tuổi, đang công tác nghiên cứu ở viện khoa học vật liệu thuộc Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp có lúc một mình ở giữa rừng rậm cho đến ngày nay, chưa bao giờ tôi gặp ma. Mặt khác, trong nghiên cứu khoa học mang nhiều hiệu quả là nhờ sự đóng góp không nhỏ của phương pháp duy vật biện chứng. Vì vậy, tôi từ trước đến nay hoàn toàn không tin chuyện ma quỷ thần thánh… Tôi có một đứa con là Trần Lê Tuấn sinh năm 1973 […] đến tháng 05-1998, cháu mất. Khi nghe phó tiến sĩ Ngô Kiều Oanh nói về hiện tượng cô Phương ở đầu cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá tôi không tin. Nhưng có điều phải suy nghĩ. Vì cô Oanh là nhà khoa học tự nhiên, thông minh, tháo vát, rất thực tế, có nghị lực và quyết tâm lớn, không lẽ lại dễ tin vào những điều nhảm nhí. Kết hợp với lòng thương con, tôi về bàn với vợ tôi là PGsTs Lê Viết Kim Ba đã được giải thưởng Kovalepskaia (đang giảng dạy tại trường đại học Khoa học tự nhiên quốc gia) đi gọi vong cho con…”

Sau đó, ông Thẩm kể lại chuyện cô Phương gọi vong hồn con của ông và kể lại cuộc nói chuyện mà con ông biết rõ ràng chi tiết. Vong hồn nói chuyện với bố qua cô Phương, xưng tên tuổi, hỏi đủ thứ chuyện của gia tộc.

Tất cả mọi việc đều đúng, kể cả các chi tiết nhỏ nhặt nhất ở rất nhiều gia đình trong họ, mà chúng tôi còn chưa biết tất cả đã được xác minh lại là đúng.

Và ông kết luận:

“Vậy có linh hồn hay không? Tất cả mọi việc xảy ra là một sự thật rõ ràng, nó đã trở thành chân lý mà trình độ khoa học chưa có thể giải thích được. Nhưng theo tôi nghĩ: Thế giới tâm linh là có, nó tồn tại với con người đang sống một cách khách quan dù là thừa nhận hay không. (Hà Nội 19/04/1999 ký tên Trần Khiên Thẩm”).

Chứng từ thứ hai: ông Nguyễn Quang Thịnh, chuyên viên cao cấp Trung tâm thông tin tư liệu, Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia.

Ông này có người em trai hy sinh trên chiến trường miền Nam. Năm 1994, ông đã tìm được hài cốt của người em nhưng lại thiếu xương đầu. Ông ấy thắc mắc và ngày 24/05/1998, ông đến nhơ cô Phương gọi hờn em. Vong hồn em cho ông anh hay vì pháo lớn của địch, đầu văng mất. Còn xác thì cháy. Cuộc nói chuyện kéo dài độ 20 phút.

Ông Thịnh kết luận:

“Là cán bộ đã gần 40 năm công tác trong cơ quan khoa học, được học tập bồi dưỡng có hệ thống về duy vật biện chứng, tôi không tin vào những chuyện mê tín dị đoan. Nhưng cuộc gặp gỡ và trò chuyện với vong hồn liệt sĩ em trai tôi qua cô Phương, đã để lại nhiều điều phải suy nghĩ: phải chăng là có thật cuộc sống tâm linh tồn tại khách quan, song song với cuộc sống của con người trên trái đất mà khoa học chưa tiếp cận được để khám phá giải thích. Nhửng điều mắt thấy tai nghe trong các cuộc trò chuyện của nhiều người với vong hồn người đã mất trong gia đình của họ, thông qua cô Phương, tôi có cảm giác rằng người âm luôn luôn gần gũi với những người đang sống bằng mối quan hệ gia đình, huyết thống…” (Nguyễn Quang Thịnh (ký tên) Hà Nội 22/04/1993)

Chứng từ thứ ba: Trung tướngNguyễn Hùng Phong, nguyên phó tư lệnh chính trị và bí thư Đảng uỷ quân khu I

Trung tướng viết:

“Tháng 03/1999 nhà tôi bà Vũ Thị Hạnh, nguyên trưởng phòng giáo dục quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bị một cơn nhồi máu cơ tim, mất đột ngột tại nơi làm việc (Trung tâm Đại học ngoại ngữ tại chức Trưng Vương Hà Nội)”

Ngày 15/12/1999, về Ninh Bình làm giỗ chú em Ngày 16/08/1999, ông đến gặp cô Phương. Chời một thời gian, cô Phương báo:” Ai là người nhà vong linh tên là Hạnh.” Cô Phương còn báo mẹ Hạnh và ông nội về… và hai bên trò chuyện về gia đình của ông: “Vong linh nói hỏi đểu chính xác”. Và ông tướng có ý kiến như sau: “Tôi nhất trí với ý kiến của Pts Ngô Kiều Oanh là thực sự chúng ta không chết, mà chỉ chuyển sang một thể vật chất khác, vẫn tư duy nhưng với khả năng rộng lớn hơn về không gian và chuỗi thời gian hoạt động và cõi vĩnh hằng thiêng liêng là có thật. Tôi cũng cho rằng thế giới tâm linh là có thật, vong linh người âm vẫn tồn tại quanh ta, biết và theo dõi sát mọi hoạt động của người sống trong gia đình. Dù tin hay không tin, đây là một thực tế khách quan cần được các nhà khoa học nghiên cứu một cách nghiêm túc…” (ký Trung tướng Nguyễn Hùng Phong)

Ngoài ra, còn những chứng từ khác:
-Đào Bích Thu, văn phòng trung ương Hội phụ nữ VN: “Tôi được gặp vong linh chồng.”
-Hà Văn Hằng, cán bộ nông nghiệp và vợ là Lê Thị Yên (Hà Nội): “Chúng tôi được gặp vong linh của các con”.

NHẬN XÉT:
  1. Có trường hợp hồn về thật:

Trong sách thánh của Kitô giáo (1Samuen 28: 3-19), có kể lại trường hợp vua Sa-un, là vua thứ nhất người Do thái đã nhờ một bà đồng bóng để gọi hồn ông Samuen. Sa-un bảo triều thần:
-Hãy tìm cho ta một bà đồng bóng để ta thỉnh ý bà ấy”.
Triều thần nói với vua:
-Thưa có một bà đồng bóng ở Enđo..”
Người đàn bà nói:
-Tôi phải gọi ai lên cho ông?
Vua trả lời:
-Bà gọi ông Samuen lên cho tôi.
Người đàn bà trông thấy ông Samuen và rú lên. Người đàn bà nói với Sa-ưn:
-Tại sao ngài lại đánh lừa tôi? Ngài là vua Sa-un!
Vua nói với bà:
-Đừng sợ! Bà đã trông thấy gì?
Người đàn bà trả lời vua Sa-un:
-Tôi đã trông thấy một thần linh đang từ đất đi lên.
Vua hỏi:
-Hình dáng thế nào?
Bà đáp:
-Một cụ già đi lên, mình quấn áo choàng.
Vua Sa-un biết đó là ông Samuen, liền sấp mặt sát đất mà lạy. Ông Samuen hỏi vua Sa-un:
-Tại sao ngài lại gọi lên mà quấy rầy tôi?
Vua Sa-un trả lời:
-Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Người Philitinh đang giao chiến với tôi, và Thiên Chúa đã rời khỏi tôi: Người khkông trả lời tôi nữa, dù qua trung gian ngôn sứ, hay qua giấc mộng. Vậy tôi đã gọi ông để ông cho biết tôi phải làm gì. Ông Samuen nói: ‘Tại sao ngài thỉnh ý tôi , trong khi Đức Chúa đã rời khỏi ngài và đã trở nên thù địch với ngài? Đức Chúa đã hành động như đã dùng tôi mà phán: Đức Chúa đã giật vương quyền ra khỏi tay ngài và ban cho một người khác là Đavít. Bởi vì ngài đã không nghe tiếng Đức Chúa và đã không trút cơn thịnh nộ của Người qua xuống Amalếch, cho nên hôm nay Đức Chúa đã xử với ngài như thế. Cùng với ngài, Đức Chúa sẽ trao cả Israel nữa vào tay người Philitinh. Ngày mai, ngài và các con trai ngài sẽ ở với tôi. Cả quân đội Israel nữa. Đức Chúa cũng sẽ trao vào tay người Philitinh.”

Như vậy Thiên Chúa đã từng cho phép linh hồn của Samuen nói chuyện với Sa-un.

  1. Nhưng trong những trường hợp khác không hẳn đã là linh hồn người quá vãng mà thường là ma quỷ, dùng tiếng nói của người quá vãng để nói với người thân vì chúng có thể biết những chi tiết của gia đình ấy và sẽ đẩy đưa người nhà vào những con đường bất chính. Đó là nguy hại của việc gọi hồn. Do đó, Giáo hội Công giáo cấm đồng bóng, cấm gọi hồn về.

  1. Thuyết vô thần duy vật từ gốc đã từ chối một Thiên Chúa, không có xác thịt như ta, một Thần Linh, tự mình có từ muôn thuở và đã tạo thành vũ trụ và con người. Do đó người theo thuyết vô thần duy vật làm thế nào mà hiểu được đời sống tâm linh vượt khỏi vật chất? Khoa học chỉ áp dụng cho vật chất, chứ làm gì giúp ta hiểu được đời sống tâm linh? Con người không chỉ có thân xác mà còn có trí tuệ, có ý chí, có tình yêu, vượt hẳn vật chất.

  1. Vậy  chủ nghĩa vô thần duy vật của Cộng sản Việt Nam không chấp nhận thế giới tâm linh của Thiên Chúa và của con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng lại dễ dàng đưa tới mê tín dị đoan. Và người theo chủ nghĩa duy vật vô thần có khi phải nhờ đồng bóng gọi hồn về mới biết là có thế giới tâm linh! Nghĩ cũng tội nghiệp…

Nghị quyết và pháp chế về chủ nghĩa Mác-Lê mới thật sự cần thiết.

Lm Stêphanô Chân Tín CSsR
(trích Thư Nhà số 16 – Tháng 7/2003 trang 1)