Saturday, 15 October 2011

“Đường về canh thâu”,


“Đường về canh thâu”,
“Đêm khuya ngõ sâu như không màu
qua phên vênh có bao mái đầu
hắt hiu vàng ánh điện câu.”
(Phạm Đình Chương – Xóm Đêm)
(1P 1: 15-16)
            Có quá đáng không, khi ta hát: “Hắt hiu vàng ánh điện câu”, và: “Đường về canh thâu” theo ý nghĩa con đường cụt của “đêm khuya ngõ sâu như không màu”, và: “phên vênh bao mái đầu” ở đâu đó, có những điều trông không ổn? Có ồn lắm chăng, khi một số nhà khoa học, ở nhiều nơi, tuyên bố vung vít cho rằng: não bộ thần kinh và tôn giáo, vẫn cứ ảnh hưởng lên nhau trông không đẹp. Và, có lầm tưởng chăng, khi người người dám bảo: ”Tôn giáo thường làm suy sụp đầu óc kẻ vẫn tin”? Và từ đó, có kẻ lại còn nói: “Có khùng điên/ngu ngốc mới chạy theo đuôi tôn giáo suốt ngày này, tháng nọ!”
            Các ngài khoa học gia nói gì thì cứ nói. Phán bảo điều gì thì cứ bảo và phán, chắc gì điều mình phán bảo, lại không sai. Các ngài nói đi nói lại mãi chuyện xung khắc/xung đột giữa khoa học và niềm tin, là nói mà như không nói. Bởi, việc các ngài đã nói thì cứ nói, bọn tôi chẳng bảo sao. Các ngài muốn nhân danh khoa học để bảo điều gì thì cứ bảo, đàn em chúng tôi, cũng thôi không nghe và cũng chẳng nói nữa. Duy, chỉ hát mỗi lời nghệ sĩ khia xưa từng viết thành lời ca câu hát, rất hay rằng:

                                    “Ai chia tay ai đầu xóm vắng, im lìm
                                    Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm.
                                    Mong sao cho duyên nghèo mai nắng gieo thêm,
                                    Đẹp kiếp sống thêm.”
                                    (Phạm Đình CHương – bđd)

            Các ngài khoa học gia nhà ta, đầu óc chất đầy những chữ là chữ, nay cứ viết. Viết cho hay, để đàn em đây còn lấy hứng mà hát thêm lời thơ có ý tứ/ý từ cũng “đẹp kiếp sống thêm.” Rất êm đềm. Kiếp sông thêm, bao giờ mà chẳng êm đềm. Sống êm đẹp, làm gì mà chả nên thêm. Có thêm chăng, chỉ thêm kiến thức để cãi tranh, giành giựt lời phán bảo rất chắc nịch như lời ca buồn thánh ở dưới:

                                    “Màn đêm tịch liêu,
                                    Nghe ai thoáng ru câu mến trìu.
                                    Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều.
                                    Hứa cho đời thôi đìu hiu…”
                                    (Phạm Đình Chương – bđd)

            Vâng. Đúng thế. Các ngài khoa học gia dù đã cãi vã, ganh đua, tranh cãi ba điều bốn chuyện về cái-gọi-là “sự thật khách quan” ở đời, rồi thì cũng thấy: “màn đêm tịch liêu”. “Thoáng ru câu trìu mến”. Và, “nghe không gian tiếng yêu thương nhiều” ở đâu đó, chốn khoa học hay ở nơi học (nhiều) khoa nhiều khoá chốn bụi trần, để rồi sẽ nhủ chính mình những là:“cho đời thôi đìu hiu.”
            Vâng. Quả có thế. Đời người hay người đời một khi đã thấy “màn đêm đìu hiu”, “đời tịch liêu”, hoặc “xóm vắng im lìm” với “tia mắt ngàn câu” rồi, thì còn gì nữa đâu, ới hỡi cuộc đời! Bởi thế nên, hãy xin người và xin tôi, ta cứ quá bộ vào câu lạc bộ đầy những phiếm, mà phiếm cho xong đôi chữ “sự thật” về đời người. Cho xong chuyện.
            Nếu vậy thì ới hỡi bạn mình, nào ta phiếm.
            Phiếm về: “đẹp kiếp sống thêm” hôm ấy, ngày “N” tháng 8 năm 2011, có bạn viết vừa trình làng một ít nhận định về cái-gọi-là niềm tin tôn giáo làm suy sụp não bộ thần kinh sáng suốt, của con người!
            Để hợp lòng một ý với người viết những câu trên, có bạn đạo tìm về bài viết của Amy Owen và đồng nghiệp, từng chen chân ở giảng đường Đại học Duke bên Hoa Kỳ, để trình làng bài viết có tựa đề “Tôn giáo và sự hao mòn của con hải mã ở thời cuối”. Tác giả và “tác thiệt” bài viết này từng quả quyết: một khi đã hao mòn và teo gầy, thì cá nhân con người cũng được sản sinh lại cùng với những người không tôn giáo. Các vị còn quả quyết thêm rằng: sự đổi thay dung lượng teo gầy ở khối óc đã kết thành tình trạng muộn phiền /mất trí, để cuối cùng đạt tình trạng lú lẫn, rất Alzheimer. Ôi ghê quá.
            Lâu nay, các ngài khoa học gia từng bảo là: những ai cố tình chạy theo niềm tin tôn giáo đến miệt mài, đều có dấu hiệu của người mất trí. Đây là điều mà các ngài gọi là “tình trạng tinh giản trí tuệ đến mức tồi tệ”, tức: một cáo buộc nhằm vào tác giả Francis Collins, người bật mí cái bí mật lòng vòng mà bảo rằng: ông vẫn cho mình là tín đồ Đạo Chúa, rất nghiêm túc.
            Có nói gì đi nữa, thì thời buổi này, lại thấy xuất hiện nhiều người chuyên biện luận bảo rằng khoa học mới là cốt cách của mọi sự, chứ không phải niềm tin tôn giáo, như ta tưởng. Ngược lại, đã hơn một lần, đấng thánh nhân hiền nhà Đạo vẫn cứ khuyên người đời từ ngàn năm trước, rằng:

“Anh em hãy sống thánh thiện
trong cách ăn nết ở,
để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em,
vì có lời Kinh Thánh chép:
Hãy sống thánh thiện,
vì Ta là Đấng Thánh rất trọn lành.”
(1P 1: 14-15)

            Sống thánh thiện trong cách ăn nết ở”, là động thái tự đặt mình để Chúa tể càn khôn đưa dẫn mình trở nên giống Đấng Thánh, mà chẳng cần đến ánh sáng của các ngài khoa học gia soi dọi. Và vừa qua, một vài tác giả từng đồng hành với người viết mang tên Amy Owen nói ở trên đã giải mã các tấm phim chụp từ trường cho khoảng 268 bệnh nhân nam/nữ thuộc lớp tuổi 58 và hơn thế, cũng đã có những phát hiện thật mới, rằng:

“Các liên kết theo chiều dọc, không được diễn giải bằng những yếu tố nền tảng về tâm linh hoặc tâm thần (như hỗ trợ về mặt xã hội hoặc các căng thẳng thần kinh, tình trạng trầm thống nơi con người) cùng với yếu tố dân gian và thời gian kéo dài để nghiên cứu, và toàn bộ dung lượng của não bộ có giới hạn. Sinh hoạt nào mang tính cách thường xuyên tôn giáo hoặc công khai hoặc kín đáo, cũng không báo trước đổi thay nào về dung lượng của não bộ nơi đàn hải mã, ngoài biển cả được hết.”

            Trong bài viết có tựa đề: “Kinh nghiệm đạo hạnh ở não bộ thần kinh: nghiên cứu nối kết với kinh nghiệm đổi thay tôn giáo như hồi sinh, qua hình ảnh loài hải mã” (Scientific American, 31/5/2011), Ts. Andrew Newberg nhận xét: “Kết cuộc thật đáng kinh ngạc khi các điều tra nghiên cứu trước cho thấy tôn giáo hưởng nhiều lợi lộc từ hoạt động của não bộ thần kinh, cả suy tư âu lo trầm thống cũng như thế.” Để minh định rõ, ông nói:

“Cuộc điều tra nghiên cứu đặc biệt nhắm vào cá thể đạo hạnh so với các cá thể không tôn giáo. Nghiên cứu đã biến mọi cá thể thành những người được sinh trở lại hoặc những người từng sống có kinh nghiệm tôn giáo từng làm mình đổi thay cả cuộc đời.”

            Ý của tác giả bài viết nói là: “người không theo đạo” cũng chịu ảnh hưởng cùng một ảnh hưởng trên thân mình, giống hệt như loài hải mã ở biển sâu. Cuối cùng thì, người giành phần thắng lợi trong nghiên cứu là những người có tôn giáo theo qui ước, cũng đạo hạnh nhưng chưa từng có kinh nghiệm sống đời thiêng liêng hoặc tái sinh.
            Lâu nay, nhiều người công nhận rằng niềm tin tôn giáo và thực thi đời đạo hạnh vẫn được nối kết với đấng bậc có cuộc sống rất an lành. Mario Beauregard và Amy Owen đã cùng viết chung cả một chương sách để bàn về “Não bộ linh thiêng” điều nghiên rất kỹ về đề tài này. Nói chung, có bằng chứng cho thấy niềm tin “tiêu cực” về tôn giáo cũng tạo ảnh hưởng khá xấu cho sức khoẻ của con người.
            Chủ đề này, hai tác giả nói trên cũng đã viết:

“Nghiên cứu khảo sát cho thấy bệnh nhân lớn tuổi vốn ọp ẹp về thể xác mà lại xung khắc chống đối lại niềm tin đi Đạo thì thường dễ chết sớm hơn những người có niềm tin vững chắc nơi Đạo mình. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát khoảng 595 bệnh nhân trên 55 tuổi hoặc nhiều tuổi hơn tại khoa y thuộc Đại học đường Duke và Trung Tâm y tế Durham ở Virginia đã hoàn tất theo dõi bệnh tình của hơn 444 bệnh nhân, thấy có đến 176 người từng chết sớm là thế. Tóm tắt, có thể bảo rằng: bệnh nhân nào thường vấn nạn bằng những câu như: “Tôi vẫn tự hỏi sao Chúa lại bỏ rơi tôi”; “tôi có cảm giác như bị Chúa phạt vì thiếu lòng mộ đạo”; “còn tôi, tôi vẫn tự hỏi sao Giáo hội lại ruồng bỏ tôi”; “tôi thì tôi nghĩ: quỷ tha ma bắt, nên mới ra cớ sự này”; hoặc tự chất vấn quyền uy của Đức Chúa chuyện này khác, nên mới dễ chết cách tức tưởi. Theo khảo sát thì: có từ 19 đến 28% số người có vấn đề như thế thường có số tử vong lớn hơn, trong khoảng thời gian chỉ hai năm sau khi xuất viện. Về kết quả này, các nhà khảo sát bèn kết luận: Có thể là, hình thức nào đó của niềm tin tôn giáo làm gia tăng nguy cơ dẫn đến cái chết hơn chuyện khác. Xem ra, thì bậc cao niên nam nữ có kinh nghiệm phấn đấu chống lại bệnh tật mà lại có lập trường chống lại tôn giáo xem ra dễ có nguy cơ dẫn đến cái chết hơn, dù đã rà soát rất kỹ sự hạn chế của sức khoẻ, tình trạng tâm thần cũng như các yếu tố của người bình thường.” (x. Mario Beauregard Đầu óc thiêng liêng, tr. 237)”

            Xem thế, thì niềm tin nay vẫn là vẫn đề gây tranh cãi cũng rất nhiều, dù tích cực hay tiêu cực. Nhưng có người hỏi: sao những chuyện như niềm tin vững chãi nơi người ủng hộ hay chống tôn giáo, lại tệ hại như đám cá ngựa có não bộ teo gầy hơn là những người lơ là với niềm tin tôn giáo?
            Về những căng thẳng thần kinh là hậu quả của của hai thái độ cực đoan nơi người tin hay không tin vào tôn giáo, vẫn kéo theo nhiều tranh cãi, tác giả Andrew Newberg còn cho biết:

“Với các đề nghị này khác để suy nghĩ, cũng nên thêm là: người bệnh thường có kinh nghiệm về đấu tranh với niềm tin tôn giáo là do ý tưởng xung khắc với truyền thống trong Đạo hoặc gia đình. Dù mang tính tích cực, kinh nghiệm đổi thay cuộc sống cũng khó mà đưa vào với hệ tin tưởng vào đạo giáo lâu nay vẫn lấn lướt và điều này thường kéo theo nhiều căng thẳng cũng như lo âu.”

            Nói cho cùng, biện luận cho lắm rồi cũng sẽ trở về lại với kinh nghiệm như lịch sử ở trong Đạo vẫn cho thấy: ai có cuộc sống từng chạm trán Thiên Chúa vẫn nhớ rằng cuộc sống của mình không phải là ít căng thẳng cho bằng thấy đời mình có ý nghĩa hơn. Đó là điều tác giả Denyse O’Leary muốn nhấn mạnh trong bài viết có tựa đề “Tôn giáo có làm cho não bộ thần kinh con người ra suy sụp?” (x. www.MercatorNet.com/articles/view/does_religion-Shrink_your_brain/83/3/2011)
            Cuối cùng thì, có nói gì thì nói, đâu phải cứ là nhà khoa học đã nói thì thế nào cũng có người tin. Tin hay không tin, chưa hẳn là tất cả mọi người. Hãy cứ lẳng lặng nghe ý kiến phản hồi của người đọc, lác đác như sau:

“Tôi vẫn không thấy có nối kết nào như thế cả. Dù bạn chứng minh là căng thẳng thần kinh ảnh hưởng lên loài cá ngựa ở ngoài biển đến như thế nào. Ý tưởng của tác giả nói ở đây chỉ muốn cho thấy rằng: là người không tôn giáo, vô thần hoặc tái sinh thành người đạo hạnh cũng có thể bị căng thẳng như thường. Dù theo kinh nghiệm của riêng tôi, thì những người như thế thường hay tự hào và luôn sẵn sàng lướt tới về những gì họ coi như đặc tính chuyên minh định mọi chuyện như mình nghĩ. Tuy nhiên, điều ấy không cho thấy là cùng một căng thẳng như thế lại kéo theo sự teo gầy nơi thần kinh của loài cá ngựa được.” Larry B, bđd)

            Và, một độc giả khác, cũng lên tiếng:

“Trong cuốn “Phaedrus” triết gia Plato có nói sự khùng điên đến từ các thần còn sự lành mạnh là do con người. Muốn trưng dẫn ví dụ, thì đó kìa, biết bao nhiêu người sùng đạo thuộc các đạo giáo khác nhau trên thế giới vẫn cứ tự cho mình “điền khùng vì Thượng đế”. Cuối cùng, cũng nên nhận rằng: việc mình có dấn thân trọn vẹn với đạo giáo hay không, ở một số trường hợp, cũng không cần đến cái mà ta vẫn gọi là “trí tuệ”, phải không cơ chứ? (Hieronymus, xe. bđd)
            Và, một độc giả rất kín tiếng, nhưng vẫn nói. Nói rằng:

“Với tôi, thay vì đặt câu hỏi vớ vẩn như trên, cũng nên thay bằng câu này: việc sử dụng đầu óc của mình có làm cho tôn giáo bị chìm xuồng hay không?” Đó mới là vấn đề.” (David Page, x. bđd)              

            Nói như độc giả rất  “kín tiếng”, chưa hẳn là nói ít mà hiểu nhiều. Hoặc, nói rất nhiều, chỉ bằng vài câu thôi, là sẽ nói như nhà thơ cùng nghệ sĩ, vừa nói vừa hát, rất như sau:

“Cho nên đêm còn dậy hương,
để dìu bước chân ai trên đường,
để nhìn xóm khuya không buồn
vì người biết mang tình thương.”
(Phạm Đình Chương – bđd)

            Nói như người bình thường tuy ít nói nhưng nghe nhiều và hiểu nhiều –hiểu cả chuyện tôn giáo lẫn khoa học- là nói và nghe bằng truyện kể, để dễ nhớ.

                        “Truyện rằng:
Một bệnh nhân nọ, tuy không theo đạo nào, nhưng vẫn được đưa vào bệnh viện trên tỉnh do các nữ tu Công giáo trông nom. Ngày đầu nhập viện, ông không được nằm phòng riêng, nhưng lại chung đụng cùng nhiều bệnh nhân khác phần đông đều có đạo. Vừa vào phòng, ông đã bị các bệnh nhân khác tuôn đến, lớp thì hỏi han bệnh tình, người lại kéo chăn mền, sờ soạng chân tay xem còn nguyên vẹn hay không… Chẳng mấy chốc, ông bị lôi khỏi giường giữa tiếng cười rúc rích đến lạ kỳ của những người bệnh đồng sàng, nhưng quái ác.

Chịu không nổi cảnh tượng lỳ cục ấy, bệnh nhân mới vào tới bèn la hét inh ỏi để kêu cầu người phụ trách đến giải cứu. Gặp người phụ trách, ông bèn nói:
-Tại sao các ông lại đưa tôi vào nơi có những người bệnh kỳ cục đến thế này. Phải chăng, đạo của mấy ông dạy làm thế, hay họ chẳng đau ốm gì như tôi?
-Chẳng phải thế đâu. Mấy người này còn đau nặng hơn ông nữa là đàng khác. Nhưng họ vẫn vui sống vì đã khám phá ra một điều mà ít người biết, hoặc có biết cũng chẳng tin, như tin đạo. 
-Thôi thì, ông cứ mau mau nói xem bí quyết kỳ quặc ấy là bí quyết gì vậy?
-Đây. Ông thử nhìn vào cái cân này mà xem. Hai đĩa vẫn cân bằng ngang nhau, không bên nào cao bên nào thấp hết. Nếu tôi bỏ hòn sạn vào một bên thì đĩa cân bên kia sẽ nhổng lên, phải không nào?
-Điều đó có gì là lạ…
-Có chứ. Lạ ở chỗ: đĩa cân này biểu trưng của tình liên đới giữa con người. Hòn sạn biểu hiện cho nỗi đau cùng sầu buồn ông gánh chịu. Khi buồn đau và khổ não đè nặng lên ông, thì ở đầu cân bên kia được nhấc bổng, tức niềm vui lại đến với người nào đó. Thế tức là, niềm vui và nỗi khổ thường sánh vai nhau. Nhưng, nỗi khổ đau cần được đón nhận và hiến dâng như tôn giáo của mấy người này vẫn dạy, chứ đừng giữ cho riêng mình. Hãy làm cho người khác vui như trẻ nhỏ, dù có bệnh, để nụ cười chớm nở trên môi người khác, dù mình đang trong cơn hấp hối. Đó là sự khác biệt của lập trường sống giữa người tin hay không tin vào Đạo giáo, đấy ông ạ.”

                        Lời trần tình, của người chăm nom săn sóc bệnh nhân được vui sống nghe cũng hay như một bài giảng, ở nhà thờ. Chẳng biết thực tế có như thế không. Tuy nhiên, như hay không như thế, vẫn chẳng là vấn đề. Vấn đề chỉ nảy ra khi ta so sánh niềm tin tôn giáo như thế với khoa học thực nghiệm, thôi. Và, thực tế lại cho thấy: so sánh, vẫn cứ là so sánh nhiều sự việc. Người người chỉ so và sánh nếu tin rằng chuyện ấy đem lại cho mình sự thật sáng tỏ. Còn lại, mọi chuyện đều nằm ở bình diện tư tưởng, thôi.
            Đi vào thực tế, riêng bần đạo cũng gặp một trường hợp đáng để kể ra đây. Số là, trong chuyến Mỹ du cuối năm 2011, bần đạo có dịp được gặp lại một người chị họ sống ở tiểu bang xa xôi gần mạn Bắc nước Hoa Kỳ. Chuyện lạ kỳ ở đây, là: bà chị này tuổi tác cũng hơn 70 mà sao chị vẫn tươi vui, hiền hoà chẳng sở khổ. Hỏi bí kíp, thì chị bảo: người già nhà mình sẽ vui sống quãng đời còn lại nếu họ đạt được 4 điều tối thiểu này: sức khoẻ tàm tạm, tài chánh đủ tiêu, vẫn có niềm tin vào Đạo giáo bất kỳ là đạo nào, và cuối cùng là đời sống xã hội lân la với bạn bè/chòm xóm.
            Bần đạo nghe kể, bèn thấy chuyện đời thực tế cũng khác nhiều mọi tranh luận ở tầng trên. Tầng của não bộ chưa gặp cảnh teo gầy như hải mã. Và, nghĩ thế rồi, bần đạo những tưởng bà con mình cũng nên về lại với lời khuyên của đấng thánh hiền nhiều kinh nghiệm về tin hay không tin vào Đạo giáo, như lời thư còn dặn dò:

                                    “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng,
dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách.
Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em
là thứ quý hơn vàng gấp bội,
vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa.
Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện,
đức tin đã được tinh luyện đó
sẽ trở thành lời khen ngợi,
và đem lại vinh quang,
danh dự.
(1P 1: 6-7)

            Lời cuối cho tôi và cho bạn, là nhận định mà rằng: sống đời người, mà lại có được niềm tin nơi Đạo giáo sẽ khác nhiều cuộc sống của những người ngồi đó dông dài kể lể và so sánh/ so đo não bộ thần kinh rất căng thẳng với khoa học. Cuối cùng mọi sự chỉ là chọn lựa của mỗi người. Chọn và lựa, sao cho thích hợp với cuộc sống của mình và của người. Trên “đường về canh thâu”. Ở đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Nhiều lúc cũng nghĩ thế.
            Nghĩ, như một người có niềm tin
            chứ không như nhà khoa học.    

No comments: