Tuesday, 11 October 2011

“Ôi vật vô tri cũng có hồn”


Chúa Nhật  29 Thường Niên Năm A

“Ôi vật vô tri cũng có hồn”
những ngày nắng mới, những hoàng hôn
tình yêu sau trước đều như vậy
những thoáng vui, xen những nỗi buồn.”
                                                           (dẫn từ thơ Hồ Dzếnh)

Mt 22: 15-21                           
            Vô tri vật hôm trước, là bạc tiền – bạc bẽo của người đời. Thương yêu tình hôm nay, là tình người ta tặng gửi, đến muôn người. Vô tri bạc tiền của hoàng đế, ta trao trả những gì của hoàng đế. Yêu thương tình Chúa ta ghi nhận, như trình thuật thánh sử gửi tín hữu Đạo Chúa, rất hôm nay.

            Trình thuật hôm nay, ghi lại thách thức mà hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, những Pha-ri-sêu thời trước, đã lập mưu cho người hội ý Chúa, như bẫy cạm tạo cớ bắt giam Ngài.

            Khi lựa lời mềm mỏng, rất nịnh nọt để làm đề tài hội ý, nhóm Pharisê/Luật sĩ đi thẳng vào vấn nạn đặt ra với Chúa: “được phép nộp thuế cho hoàng đế, có nên không?”(Mt 22: 17) Thật ra, câu hỏi thoạt tưởng-như-là-đơn-giản, được bọn người này cân nhắc biến thành đề tài nóng bỏng, có bẫy giăng. 

Palestin là thuộc địa La Mã lúc ấy rất xôn xao, xáo trộn. Xáo trộn, vì người Do thái, tuy thù ghét đám thực dân La Mã, chuyên hà hiếp dân đen; nhưng họ cũng thù ghét cả tính bạo tàn, thiếu đạo đức còn hơn tâm tính vô thần, trâng tráo, của bọn quan lại tay sai cùng xứ. Nắm yếu điểm, nhóm Pharisêu/Biệt Phái vẫn tự cho mình là những người yêu nước, luôn nghĩ rằng: không nên đóng thuế cho bọn người thống trị. Trong khi đó, đám người nịnh bợ, lại coi việc hợp tác với La Mã, là chuyện “đôi bên đều có lợi”, nào mất mát gì. 

Và, cạm bẫy đây nằm ở điểm: nếu Chúa trả lời không nên đóng thuế cho bất cứ ai, thì Ngài cũng chỉ làm hài lòng nhóm Pharisêu/Biệt Phái. Nhưng làm thế, tức là Ngài đã tạo cớ để họ dựng chuyện tố cáo là Ngài vừa xúi dân làm bậy, mà giăng bắt. Còn, nếu Chúa xúi giục dân cứ nộp thuế, thì Ngài cũng chỉ làm vừa lòng đám nịnh bợ vua, thôi. Làm như thế, Ngài sẽ để mất niềm tin nơi dân tình. Bởi, người Do Thái lâu nay vẫn tin chỉ có Chúa, là Vị Thủ Lãnh tối cao của họ, thôi. Là dân đen, mọi người đều có bổn phận đóng thuế cho Vị Đại diện Chúa, bằng của lễ dâng tiến nơi đền thờ. Chỉ như thế.

Bài đọc 1, tiên tri I-sa-ya đã viết: Vua Ky-rô, bậc minh quân quyền cao chức trọng thời buổi trước, vẫn buộc dân Do thái chỉ tùng phục, mỗi nhà vua. Và, vua cha vẫn được thần dân coi như cánh tay mặt, của Đức Chúa.

Trình thuật hôm nay, Chúa nghe hỏi đã biết lòng dạ bọn người gian ác chỉ muốn gài bẫy để Ngài rơi vào tròng, khó xử sự. Thế nên, Ngài đã yêu cầu cho trưng dẫn hình tiền và giòng chữ, khắc ghi trên đó. Quả thật, hình tiền lẫn danh hiệu đều đã ghi: “Ti-bê-riô Xê-da, con của Thượng tế Au-gus-tô”. Xê-da, không chỉ là hoàng đế thống trị không gian địa cầu ở nơi ấy, thôi. Nhưng, ông còn là đấng thần thiêng/linh thánh, mọi người dưới trướng phải tôn sùng. Tôn và sùng kính Xê-da, còn có nghĩa: ta phải trung thành với quyền bính tập trung trong Đạo. Đó, chính là đề tài mà mọi Kitô hữu thời bấy giờ, đều phải quan tâm.   
       
Với Pharisêu và đám người nịnh bợ, tôn sùng Xê-da, tức là chấp nhận tôn thờ ngẫu thần, như người ngoại. Với phần đông Kitô hữu, đây là chuyện nghiêm trọng, về tín lý. Thế nên, nhiều vị đã chấp nhận tử đạo chứ nhất mực không chịu cúi đầu trước lệnh bài Đạo của hoàng đế. Và hôm nay, nhiều vị hoàng đế tân thời đang tạo nhiều thử thách khiến tín hữu ta chấp nhận tử vì đạo, chọn lấy cái chết. 

Điều này khiến ta nhớ đến các vị đã và đang âm thầm sống đạo, rất kiên tâm. Các vị, nhất quyết không chịu thuần phục quyền bính thế trần, chỉ nhằm trấn-áp đặt để mọi quyền uy trần thế lên đầu lên cổ, người dân lành. Và chuyện như thế, vẫn xảy đến suốt nửa thế kỷ qua, ở Trung quốc. 

Nhưng nay, với câu đáp trả để đời “Hãy trả lại cho Xê-da, những gì của Xê-da. Của Thiên Chúa, trả về cho Chúa.” (Mt 22: 21), ta có lý để xử sự cho đúng cách. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu câu đáp của Chúa theo nghĩa của những người bất mãn, không chấp nhận quyền bính thế trần, theo kiểu bọn người khủng bố, vô chính phủ. Ngược lại, làm thế cũng không phải để quyền bính thế trần có lý do lấn áp thần-quyền. Tức, chiều hướng coi uy quyền của mình là tuyệt đối. Rất độc tài. Toàn trị. Không ai được coi mình có quyền như Ông Trời, bắt mọi người kính trọng mình như Trời con, đấng thế tử. 

Qua cung cách nào đó, chúng ta là thần dân của hai vương quốc: dân riêng của quyền uy chính trị, rất thế trần. Đồng thời, ta còn là thần dân của Vương Quốc Nước Trời. Như Chúa nói, ta buộc phải trung thành với cả hai. Bởi lẽ, ta vẫn còn là thần dân của chính quyền dân dã, chốn thế trần. Thời nay, rất ít người bằng lòng chu cấp điện nước và lợi lộc tư riêng của mình, cho mọi người. Nhưng dịch vụ công cộng quyền thế khác, vẫn có thể cung cấp nền giáo dục, y tế, các phúc lợi, bệnh viện, đường xá cho mọi người. Từ người thất nghiệp, cho chí bậc cao niên, hoặc người tật nguyền.
Rõ ràng là, các dịch vụ công ích như thế cần được tiếp tục cải thiện để có thể tạo được hỗ trợ hợp tác, từ người dân. Ta vẫn làm những việc công ích, bằng cách đóng thuế thu nhập, hoặc bán buôn. Dịch vụ. Thật sự, thuế má không là ác thần/sự dữ. Ở chế độ công minh chính trực, đó là cách đóng góp thực tiễn để ta có thể tạo các dịch vụ tạo phúc lợi biến thành những việc cho không, có ích. Chế độ nào, có hệ thống thuế má công minh, mới tạo sự giàu mạnh cho cộng đoàn ta chung sống. Có như thế, mọi người mới có thể tiếp cận các dịch vụ mà họ cần; ngõ hầu sống đúng phẩm giá con người.

Thật ra, có nhiều cách giúp ta thể hiện một xã hội tốt đẹp, lành mạnh. Tốt và lành, để nhờ đó ta đóng góp được nhiều thứ; tạo được chất lượng cho cuộc sống, của cộng đoàn. Tốt và lành, để thực hiện điều Chúa khuyên răn: “hãy trả cho Xê-da, những gì của Xê-da”. Tiếc thay, nhiều người lại trích dẫn câu của Chúa theo hướng: “cha chung chết không ai khóc”, cứ lấy của chung mà làm tư lợi cho riêng mình, hoặc gia đình mình; mà chẳng nghĩ cách cho lại người khác. Cho chung mọi người.
Đằng khác, với cộng đoàn Nước Trời, có khi chẳng hề thấy xảy ra xung đột giữa “Xê-da” và Nhà Chúa. Có thể là như thế. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đôi lúc, có vị lợi dụng dựa Lời Chúa để chỉ khích bác hành động của một số lãnh đạo trong chính quyền, bên ngoài. Hoặc, chỉ để chống lại thái độ “bất hoạt động” của chính quyền, nào đó. Rất nhiều lần, ta cũng phải biết từ chối giữ luật lệ, do chính phủ nào đó đề ra. Như, luật kỳ thị/phân biệt chủng tộc ở Nam Phi thời trước. Tại Hoa Kỳ, cả người da trắng lẫn da mầu, vẫn vi phạm luật kỳ thị đặt ra, ở một số tiểu bang. Nhân danh sự thật, sự công bình và phẩm giá con người, họ không còn chọn lựa nào khác.

Cũng nên nhận ra rằng, khi thực sự yêu quê hương và dân mình, có thể chúng ta cũng phải có lập trường vững mạnh chống chọi lại giới cầm quyền về một số vấn đề. Dĩ nhiên, trong trường hợp đó, nhà cầm quyền sẽ coi những người này thuộc thành phần bội phản, đe doạ sự ổn định của đất nước. Nhưng những người có lòng quan tâm thật tình như thế, lại là những người biết tỏ ra yêu thương đất nước mình hơn đám được gọi là “đa số thầm lặng” , rất nhiều.

Trình thuật hôm nay cho thấy rõ, chúng ta có hai bổn phận: bổn phận đối với đất nước hoặc vùng đất của mình và với Chúa. Ở nơi nào, mà cả hai quyền bính được thuận hoà, thì sẽ không có xung đột. Nhưng hễ nơi nào có những lối hành xử bất nhân và vô luân, đi ngược lại phẩm giá và quyền lợi của dân chúng, chắc chắn nơi ấy sẽ xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, đôi khi tranh chấp không phải là điều tệ. Trái lại, vì là xung đột có sáng tạo nên xã hội của ta mới thay đổi và  tiến bộ.

Nếu chúng ta luôn hành xử theo đường lối chính đáng, có sáng tạo, như thánh Phao-lô viết: “tức là biết nói lên được sự thật trong yêu thương” (Êp 4: 15), thì vương quốc do con người dựng xây, sẽ trở thành Vương Quốc Nước trời. Đúng như vị tử đạo , một thời nổi tiếng là thành phần bất đồng chính kiến, thánh Thomas Moore có nói: “Là bầy tôi của Vua cha, nhưng phải là tôi tớ Chúa trước đã.”

Trong hân hoan đón nhận lập trường Chúa khuyên dạy, ta cùng hát lên lời ca vui hôm nào: 
          
“Bạn hỡi, vang lên. 
Lời ước thiêng liêng. 
Chúc non sông hoà bình, hoà bình. 
Ngày máu xương thôi tuôn rơi.
Ngày ấy quê hương yên vui. 
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi.” 
(Phạm Đình Chương – Ly Rượu Mừng)

            Vẫn cứ hân hoan. Và cứ mừng. Mừng trong chén tình đầy vơi. Có quê hương an bình hài hoà, để mà sống. Với, Vương Quốc Nước Trời, “tình yêu sau trước đều như vậy”. Có nắng mới. Có hoàng hôn. Có cả “vật vô tri”, nay có hồn. Hồn, của những thương yêu. Sung mãn. Hài hoà.
             Lm Frank Doyle sj
             Mai Tá lược dịch




No comments: