Friday, 21 October 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


NUỚC TRỜI SẼ ĐẾN

Mt 13: 24-30

Cơ hội để dựng truyện có thể là một việc cụ thể. Nhưng trong ví dụ cũng có pha lẫn những chi tiết ít khi xảy ra trong thực tế.

Cỏ lùng nói đây (tên khoa học : lolium temulentum): cỏ loại lúa, hạt có bám thứ nấm độc rất nhỏ (bị độc thì người ta nôn mửa, người ta như sầy lửa). Mạ thì giống như lúa, rễ khó nhổ, lớn hẳn thì rất dễ nhận(gié con hai bên cạnh, kích thước: không quá một thước). Nhưng ruộng có cỏ lùng thường do điều kiện thời tiết, gió đem đến hay sẵn có trong ruộng. Chỉ đích danh kẻ thù là một điều khác thường.

26/ Cỏ lùng khá nhiều? Không rõ. Nhưng ví dụ đã hướng về điều nói trong Mt 7: 16 (coi quả thì biết cây).

27/ Lời nói của tôi tớ nói lên sự ngạc nhiên (nên để ý, chủ đã làm mọi sự cách kỹ lưỡng!)

28/ Chủ vạch rõ duyên do cớ sự.

Chiếu theo trọng tâm của ví dụ, thì phải nói: 24-28a nói được là nhập đề: các chi tiết đều hướng cả tới nhận xét này:” trong việc làm ông chủ không có lỗi gì cả (thí dụ như vì ta chểnh mảng, lôi thôi), trong việc xảy ra (sao ruộng có lắm cỏ lùng thế?)

28b/ Với lời đề nghị sốt sắng của tôi tớ, phần chính của ví dụ bắt đầu: nghĩa là vấn đề phải bàn đến bây giờ mới đụng chạm đến. Muốn lĩnh hội thì phải so sánh với thói thường người ta: chủ sốt sắng việc nhà mình hơn là tôi tớ. Còn đây: tôi tớ lại sốt sắng đến thế. Lời đề nghị đó không có gì là lạ lùng nghịch lý, hay dại dột. Theo những nhận xét tại chỗ, thì tại Phalệtin, người ta thường làm cỏ ruộng lúa, nhổ cỏ lùng, có khi nhiều lần trong một vụ mùa.

29/ Câu trả lời dứt khoát. Đó là nghịch thường: chủ ruộng thường phải câu thúc tôi tớ đi nhổ cỏ.

30/ Câu này có những chi tiết khác thường: phân tách lúa và cỏ lùng, bó thành lượm. Haitư tưởng phải cân nhắc:

-Chỉ có chủ mới liệu được việc phân tách.

-thời phân tách chưa đến, nhưng thế nào cũng sẽ đến.

Đó là mùa gặt. Mùa gặt: hình ảnh thông thường về phán xét cùng tận (Yr 51: 53; Yô 3: 12tt; Hs 6: 11), nhưng một trật cũng là hình ảnh cho sự vui sướng, đạt toại nguyện: niềm vui sướng thấy công lao vất vả đạt ý định.

Chúng ta tạm đừng nghĩ đến lời giải thích ví dụ trong Mt 13: 36-43. Chúng ta hãy nhìn đến hoàn cảnh Israel trong thời đó: Vấn đề nóng hổi trong dân là các nhóm tôn giáo đều muốn duy trì thánh thiện trong hàng ngũ của mình; họ cho nhóm của họ (sau khi đã lựa lọc thành phần một cách thẳng nhặt khắt khe) là số sót của tiên tri loan báo, sẵn sàng đón chờ việc can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa (Ys 60: 21). Còn Chúa Yêsu: Ngài giảng rằng, với Ngài, Nước Thiên Chúa đã đến với Ngài, Nước đó bây giờ được rao giảng và nên hiện tại với Ngài. Thế mà xung quanh Ngài thì chỉ thấy một lũ ô hợp, tội lỗi, khuyết điểm về mọi mặt. Và người ta vịn vào đó để bắt bẻ, khích bác Ngài, trách móc Ngài (có thể là nhóm Biệt phái, như thấy trong Mc 2: 16; Mt 11: 19; Lc 7: 39), nhưng cũng có thể là ngay cả nơi những kẻ nồng nhiệt theo Chúa Yêsu: họ lấy làm lạ sao Ngài chưa loại khỏi xung quanh Ngài những thành phần bất hảo, những kẻ tội lỗi, sao Ngài không tẩy sạch Dân của Thiên Chúa để thâu họp lại một dân thánh thiện. Lời trách này có thể xuất tự những người đã bị khuấy động bởi lời rao giảng của Yoan Tẩy giả.

Ví dụ đáp lại và vạch ra đặc tính của Nước Thiên Chúa: Nước xuất hiện như nguồn cứu thoát, chứ không phải như phán xét : phán xét để dành cho mai sau. Cho đến lúc đó, tội lỗi và áp bức còn luôn luôn đe doạ hạt giống. Người ta hãy phó mặc cho sự phán xét của Thiên Chúa. Hãy loại khỏi lòng mình sự nhiệt thành không đúng chỗ, sự nhiệt thành nông nổi: hãy để cho đồng ruộng dần dà chín thực đã: cho dđến khi Giờ của Thiên Chúa đã đánh hiệu. (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

No comments: