Mấy chạy?
Diễn đàn và bình luận trên SàiGòn Giải Phóng 30.5.2001 bàn chuyện “Từ ‘bốn chạy’ tới ‘hai chạy!’” Bốn chạy, là: chạy chức, chạy quyền, chạy lợi, chạy tội “được Trung ương nhiệm kỳ trước dùng để nói về một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền để ăn cắp của công và đòi hối lộ.”
Gần đây, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá 10 lại thêm: “Cần ngăn chặn các đường giây hối lộ, đặc biệt là trong việc “chạy dự án, chạy đấu thầu”. Theo người viết, “Nói thêm”nhưng thực ra ‘hai chạy’ là con đẻ của ‘bốn chạy’. Chưa biết rồi đây, có còn kiểu ‘chạy’ nào khác nữa không. Từ mấy năm nay, ta phát động chống tham nhũng khá quyết liệt, nhưng tê nạn này vẫn chưa bị đẩy lùi, theo tôi là do ta chưa có cách làm cho nó giảm thiểu hoặc “hết đường chạy”.
Rồi ông đưa ra “mấy cách”. Nhưng có hơn gì “ từ mấy năm nay” người ta đã đưa ra bao nhiêu cách rồi để chống tham nhũng mà chẳng đi tới đâu. Vì người ta vẫn né tránh cách triệt để và hữu hiệu nhất: từ bỏ chế độ độc đảng độc tài, hay dẹp hẳn cái ‘làng Tây” mà Trần Bạch Đằng đã phải gợi nhớ, xóa Điều 4 Hiến Pháp.
Tham nhũng thì nước nào mà không có. Nhưng có Dân chủ đa đảng và pháp trị thì mới hạn chế được thôi. Đa đảng để canh chừng nhau và để người dân có thể chọn đảng nọ đảng kia thay thế đảng cầm quyền thối nát. Pháp trị thì đương nhiên không có lắm đường “chạy” như Đảng trị. Bày vẽ “chóng tham nhũng” làm gì, trừ phi chỉ để mỵ dân, khi mà trong chế độ hiện hành, có nằm mơ cũng không thấy được một vụ như cựu tổng thống Estrada gần đây ở Philippin hay vụ tổng thống Wahid đang sắp “hết đường chạy” ở Inđônêxia.
Vẫn trên SàiGòn Giải Phóng 30.5.2001, còn hai chuyện đáng gọi là “chạy” nữa.
1.Chạy bằng cấp:
“Đọc bài ‘Sợ…làm tiến sĩ’ của tác giả Đào Bách An (SGGP 28.4.2001) tôi không khỏi phân vân trăn trở. Đúng là hiện nay, số lượng tiến sĩ tăng nhiều đến mức… “nhìn lên, nhìn xuống, quay phải, quay trái đều thấy bóng dáng của họ”. Công tâm mà nói, xã hội càng phát triển thì nhu cầu đòi hỏi chất xám ngày càng nhiều và càng cao, số lượng tiến sĩ nhiều là điều đáng mừng (…). Tuy nhiên, điều đáng nói là: bên cạnh những tiến sĩ thực sự có trình độ chuyên môn còn một bộ phận không nhỏ “tiến sĩ giấy” Nguyên nhân? Có thể có nhiều, nhưng trước tiên phải nói rằng đó là “kết quả” tất yếu của một quá trình đào tạo lỏng lẻo, là kết quả việc trọng dụng bằng cấp hơn là trọng dụng trình độ, là kết quả của “hợp thức hoá” bằng cấp trong việc trao đổi ngang giá tiền-bằng. Chuyện “kiến thức giả - bằng cấp thật” hiện nay không còn dừng lại ở hiện tượng xã hội mà nó đang trở thành một vấn đề xã hội…” (Phạm Đi)
2.Chạy…nhảy
Vũ trường, bar rượu, karaôkê đang là vấn đề xã hội hơn bao giờ hết. Mại dâm trá hình, ma tuý không công khai hay công khai với những viên Ectasy để giới trẻ “lắc” thâu đêm suốt sáng. Mặc dù có quy định là các nơi như thế không được hoạt động quá 12g đêm. Bây giờ lại được biết:
“Theo số liệu mới nhất cho đến ngày 29.5.2001 chúng tôi có được, hiện thành phố có 54 vũ trường đang được phép hoạt động (riêng quận 1 có 29 vũ trường đang hoạt động). Trong số này, 40 vũ trường thuộc các doanh nghiệp nhà nước, 13 vũ trường là công ty liên doanh và chỉ 1 vũ trường của tư nhân (…)” (Phạm Thục – Việt Bình, Vũ trường Bar rượu, ai cấp giấy phép và ai quản lý?)
Thì ra là vậy, 40/54 thuộc các doanh nghiệp nhà nước, phần còn lại trừ 1 thuộc các công ty liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp nước ngoài. Không chừng đây lại là một khu vực kinh doanh hiếm hoi mà các doanh nghiệp nhà nước…có lại!
Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 5 – 2001 tr. 32)
No comments:
Post a Comment