Công thức tuyên tín trong Tân Ước (tiếp theo)
Điểm chủ yếu của lòng tin Kitô giáo theo những tuyên tín tiên khởi
Chúng ta đã thấy muốn giải thích Kinh thánh Tân Ước cần phải biết điều gì là căn bản, trung tâm nhờ đó các điều khác được cắt nghĩa. Điều căn bản đó đã được thu lại nơi lời tuyên tín. Lời tuyên tín lại phát triển tuỳ theo hoàn cảnh cần phải đối phó lại: lời tuyên tín càng ngày càng nên đủ hơn. Bởi một tuyên tín đã nên đầy đủ như “tín biểu của các tông đồ”, chúng ta lại phải đặt lại vấn đề như đã đặt về Kinh thánh nói chung: trong tín biểu của các tông đồ, điều nào là căn bản cho Kitô giáo:
Câu trả lời nhất thiết phải dựa trên trình tự lịch sử chúng ta đã thấy phác hoạ trên kia: trình tự đó cho ta biết các tác giả thần hứng của Tân ước sẽ hiểu các lời tuyên tín theo một trung tâm nào: phân tích các lời tuyên tín tiên khởi, chúng ta sẽ nhận ra “Hch tử” do đó mà phát triển ra những tín biểu đầy đủ hơn sau này: các lời tuyên tín tiên khởi cho thấy những điểm nào là điểm chung, được lặp lại mãi, không thể không có, những điều đó phải nhận là những điểm chủ chốt của Tín thư Tin Mừng như Hội thánh tiên khởi đã hiểu: công việc trở về nguồn của ta sẽ đạt thấu chính “mạch”. Chúng ta sẽ lấy “tín biểu của các Tông đồ” làm căn cứ để bình luận.
“Tín biểu của các Tông đồ” gồm có 3 khoản đem về Chúa Ba Ngôi.
Khoản 1 (đem về Thiên Chúa Cha) và khoản 3 (đem về Thánh Thần)
Khảo sát lịch sử cho ta thấy: mọi lời tuyên tín đều nói đến Chúa Kitô, nhưng chỉ có ít lời tuyên tín nói đến Thiên Chúa, thế thì phải kết luận: “Hạch tử” tín điều là lòng tin vào Chúa Kitô.
Tín biểu dành khoản 1 cho Thiên Chúa Cha có tính cách hệ thống muộn thời. Muốn hiểu nhằm theo tinh thần Tân Ước thì không phải là đi tự lòng tin vào Thiên Chúa Cha để đến lòng tin vào Chúa Kitô, nhưng ngược lại tín hữu đi đến cùng Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Coi:
2C 13: 13 Ân sủng của Chúa Yêsu Kitô được đặt trước lòng mến của Thiên Chúa. Êp 1: 5t (một lời tuyên tín hoạ hiếm có nói đến Thiên Chúa): lại nói đến vì Kyrios (Chúa) trước khi nói đến Thiên Chúa độc nhất và Cha mọi người. 1C 8: 6 : có nói đến Thiên Chúa trước nhưng lại nhấn vào địa vị trung gian của Chúa Kitô cho mọi người, và cho cả tạo thành (một điều có khác với “tín biểu của các tông đồ”, đặt việc tạo thành trực tiếp với Thiên Chúa Cha, như thể Chúa Kitô không có vai trò gì đối với tạo thành. Muốn hiểu theo đạo lý Tân Ước thì phải giữ luôn ý tưởng Chúa Kitô là trung gian cho tất cả tạo thành, như Co 1: 16t; Yn 1: 1t; Hr 1: 2tt)
Vậy muốn cắt nghĩa các Kinh Tin Kính cho nhằm tinh thần Tân Ước, cần thiết phải khởi sự tự khoản 2 về Chúa Kitô: chính vì tín hữu tiên khởi tin vào Chúa Kitô, mà họ tin vào Thiên Chúa và Thánh Thần.
Thời các Giáo phụ, tinh thần đó vẫn còn được duy trì: họ tuyên tín về Thiên Chúa như Đấng đã dùng các tiên tri mà báo trước về Chúa Kitô (Justinô, Irênê, Tertulianô).
Trong “tín biểu của các Tông đồ“, khoản 3 muốn hiểu cho nhằm tinh thần Tân Uớc, thì cần phải biết rằng: khoản đó phát xuất tự “thanh tẩy” nhân danh Chúa Kitô để được ơn tha tội và nhập vào Hội thánh, mà ơn tha tội đó trước tiên là một điều đã được hoàn tất “duy chỉ một lần” nhờ Chúa Kitô trên thập giá (coi 1C 15: 3; 1P 3: 18; 1Tm 2: 6). Và việc sống lại ngày tận thế đầu tiên cũng được đặt liên lạc trực tiếp với sự sống lại của Chúa Kitô.
Xét theo trình tự lịch sử thì phải kết luận khoản 1 và 3 và phụ thuộc đối với khoản 2 (đem về Chúa Kitô)
(còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng dạy, phổ biến nội bộ)
No comments:
Post a Comment