Bàn Về Ít Tân Ước (tiếp theo)
Công thức tuyên tín trong Tân Ước
Bởi kinh Tin Kính không có tư cách đại diện cho sự tuyên tín của Hội thánh tiên khởi, nên chúng ta phải dựa vào chính Tân ước để được biết các Tông đồ đã lấy gì làm căn bản cho lời rao giảng của các ngài
Các lời tuyên tín đó chìm nghỉm giữa những suy diễn đạo lý nhưng có những nét đặc sắc làm ta có thể hội ra được đó là công thức của Hội thánh chứ không phải là câu văn của tác giả.
Theo những kết luận của bình luận, chúng ta có thể nhận những xuất xứ sau này là lời tuyên tín:
Cv 8: 37 “Tôi tin Yêsu Kitô là Con Thiên Chúa” (một di bản cựu trào).
1P 3: 18-22 (chúng ta gặp những kết quả chính của phần 2 trong tín biểu của các Tông đồ): Chúa Kitô chết vì ta, xuống với các “thần linh” trong tù ngục, sống lại, lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa.
Ep 4: 5-6: Một Chúa, một Thiên Chúa.
Ph 2: 6-11 (một ca vịnh tiên khởi dùng trong phụng vụ): nhắc đến việc làm người, hạ mình đến chết Thập giá, được tôn dương, và nhất là lời hoan hô: Yêsu Kitô là Chúa.
1C 15: 3-5 (chiếu theo lời thánh Phaolô, đây là một lời tuyên tín và cũng là lời toát yếu của công việc rao giảng): Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta theo lời Kinh thánh –Ngài đã bị chôn cất – Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Kinh thánh – và Ngài đã hiện ra cho Kêpha, rồi cho nhóm Mười Hai.
1Tm 6: 12-16 (chúng ta cũng có thể rút tự những lời này một lời tuyên tín, có lẽ thuộc về hoàn cảnh cấm cách), nhất là câu 13: Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài, và Đức Kitô Yêsu Đấng đã làm chứng trước mặt Pontiô Philatô (làm chứng trước mặt quan quyền, tức là sẽ phải mang lấy hình vạ, và như thế đồng nghĩa với “chịu nạn”).
1C 12: 3 Chúng ta cũng có một lời tuyên tín “Yêsu là Chúa” đối với những trường hợp cưỡng bách bắt tín hữu nguyền rủa (Cv 26: 11) và kêu lên “Yêsu, Đồ chúc dữ”).
1Yn 4: 2 (cũng có thể là một lời tuyên tín gồm có 2 vế: Yêsu là Chúa – “Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết”.
Một lời tuyên tín cho ta biết rõ hơn “Yêsu là Chúa” nghĩa là gì.
Rm 1: 3-4 (cũng là một lời tuyên tín cựu trào, của cộng đoàn, thánh Phaolô đã đem vào nhập đề thư).
Chúng ta có thể thêm 1C; 1Tm 2: 5; 2Tm 4: 1t.
Các lời tuyên tín đó thuộc những hoàn cảnh khác nhau trong sinh hoạt của Hội thánh tiên khởi, tức là nhập đạo (thanh tẩy, dạy đạo) – phụng vụ (các cuộc hội, tiệc ly Thánh Thể), có cả những việc trừ quỷ - và việc đối xử với người ngoài Hội thánh (nhất là cấm cách, và biện bác với lạc đạo); bởi hoàn cảnh đó nhiều hình thức, nên các lời tuyên tín cũng mặc nhiều hình thức.
Lm Nguyễn Thế Thuấn
(trích tài liệu giảng huấn lưu lành nội bộ)
No comments:
Post a Comment