Ga 20: 19-23
Cả không gian là bể sáng, khi Thần Linh Chúa, hiện đến. Ngài đến, trong chính phẩm, linh thiêng như mây nước. Có muôn lòng phát tiết cả uy nghi. Có tình tự của thi nhân, diễn tả hết nét đẹp, với muôn người. Phải chăng, đây cũng là ý nghĩa mà trình thuật lễ Ngũ Tuần, đã ghi lại.
Trình thuật lễ Ngũ Tuần hôm nay, thánh sử Gio-an viết về công trình tổng thể khởi từ tuần thánh. Tổng thể công trình, gồm cuộc Vượt Qua, tiến đến sự chết. Có Phục Sinh. Có Thăng Thiên. Có lễ Ngũ Tuần, ngày Thần Linh Chúa ngự đến, rất đầy đủ. Tất cả, nói lên thực trạng công trình cứu độ, luôn soi rọi tâm can con người, trong hành trình hiệp thông với Chúa, vào mỗi ngày.
Như đã thấy ở trình thuật ngày Thăng Thiên tuần trước, truyền thống giáo lý Hội thánh thời tiên khởi có khuynh hướng thẩm định ý nghĩa của lễ Ngũ tuần, qua các chương đoạn rút từ sách Công vụ Tông đồ. Điều này, được bộc lộ rõ nơi bài đọc thứ nhất. Trong khi đó, Tin Mừng thánh Gio-an cho thấy: Đức Kitô, trước khi Ngài về trời, đã trao ban Thần Linh Chúa cho các đồ đệ. Đồng thời, Ngài còn uỷ thác cho các thánh sứ vụ rao truyền Tin Vui Cứu Độ đến với mọi người.
Hai trình thuật sử dụng phương cách khác nhau, để nói lên cùng một thực tại. Thực tại này, không đặt nặng về thời gian và nơi chốn/địa điểm xảy ra công trình cứu độ, Ngài đem đến.
Theo Tin Mừng, sự kiện này xảy đến vào ngày thứ nhất trong tuần, tức Chúa Nhật Phục Sinh. Vào tình huống lúc ấy, các môn đệ co cụm trong phòng kín, e rằng sẽ có ruồng bắt, hành hình hoặc tệ hơn. Nhưng bất chợt, Chúa đã hiện diện giữa các thánh. Ngài chào hỏi mọi người bằng những lời chào thân thương: “”Shalom” - Bình an cho các con”. Lời chào, còn là lời chúc phúc an lành. Bởi, Đức Chúa của Bình An đang ở giữa các thánh, không còn gì phải sợ hãi. Và, niềm vui đã đến với mọi người.
Chúa đến, Ngài đem Hoà Bình lẫn An Vui hoà lẫn nơi tâm hồn mọi con dân, cần thương mến. Và cũng vào lúc ấy, Chúa uỷ thác các công việc linh thiêng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Như thế, là mọi người nay đã có công tác để làm. Không còn thu người lại mà ẩn lánh. Nhưng, hiên ngang nhận bài sai dấn bước ra đi, làm việc nghĩa. Việc nghĩa ở đây, là: thiết lập Vương Quốc Nước Trời, ở nơi nào mình đặt chân đến.
Cùng với bài sai Ngài trao, Đức Kitô còn thổi hơi vào người các môn đệ. “Hơi thở” và “thần khí”, bên tiếng Hy Lạp đều một nghĩa. Chúa thở hơi, để dân con đồ đệ nhớ việc Gia-vê Thiên Chúa dùng hơi sự sống thổi vào cõi bụi mù, đưa con người vào chốn ngàn năm, hiện diện. Ở đây nữa, khi thở làn hơi sống động vào người, Chúa tái tạo đồ đệ thành con-người mới. Con-người, mà thánh Phao-lô có nói trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô, tức người con đầy Thần Khí Chúa nhận hiệu lệnh tiếp tục rao truyền Bình An và Niềm Vui sống, đến muôn dân.
Thực thi hiệu lệnh, các thánh có toàn quyền thứ tha tội nhân và hoà giải đưa họ về lại trong tương quan mật thiết với Chúa. Với mọi người. Để mọi người trở thành những người anh người chị, và con em có cùng một Cha. Hoà giải còn có nghĩa, chữa lành vết thương đau ẩn tàng dưới mọi hình thức của những rẽ chia. Hận thù. Đây là công tác mà thành viên Nước Trời đều được mời gọi, để thực thi.
Bài đọc thứ nhất, thánh Lu-ca thuật lại kinh nghiệm mà thành viên Nước Trời thời tiên khởi đã từng trải. Đôi khi, kinh nghiệm từng trải này được coi như Xuất Hành lần nữa. Xuất Hành là bởi, làm ta nhớ việc Gia-vê Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi vòng vây nô lệ, xứ Ai Cập. Trong Xuất Hành lần nữa, cũng có hai sự kiện tương tự: cơn gió Thần Khí Chúa, mà Tin Mừng thánh Gio-an gọi là “hơi thở”. Và, có cả lửa ngọn theo hình lưỡi , phủ trùm hết cả mọi người có mặt.
Như một Xuất Hành đích thực, có quyền năng Thiên Chúa đang phủ trùm, và hiện hữu. Xuất hành có lửa ngọn phủ trùm, làm mọi người nhớ lại tình huống khi xưa mỗi lần Gia-vê phán bảo điều gì với tổ phụ Mô-sê, Ngài đều ra hiệu lệnh đi đến với dân mình. Lửa ngọn, còn làm ta liên tưởng đến các cột lửa dẫn dắt dân con người Do Thái băng qua sa-mạc. Lửa ngọn hay cột lửa, vẫn cho thấy con cái của Chúa chẳng hề bị bỏ rơi, bao giờ.
Kinh nghiệm tiếp cận với Chúa, đã giúp dân con đồ đệ không còn biết hãi sợ. Nhưng, nay đã biết san sẻ các kinh nghiệm cho mọi người. San sẻ, cả kinh nghiệm có chung với Đức Kitô, cả vào giai đoạn chịu hành hình, tù tội. Nay không còn biết sợ.
Cùng lúc với kinh nghiệm được sẻ san, là quyền năng ban cho các thánh được hiệp thông, trao đổi. Tín thư hiệp thông ấy, đã được đón nhận và mọi người đều đã hiểu. Đến độ, các rào cản Babel về ngôn ngữ đã bị bẻ gãy. Đây không chỉ là đặc sủng về khoa ăn nói, nhưng còn là cách thức cho thấy tín thư của Đức Chúa đã được chuyển tải và mọi người đều đón nhận. Nhận với tất cả tấm lòng, như Sách đã viết: “Tâm hồn ta sẽ chẳng được nghỉ yên cho đến khi lửa Thần Khí yên nghỉ trong ta.”
Khi lửa Thần Khí ở trong ta, là ta được mời dự phần sống trong Nước Trời, có Thần Khí. Và, kinh nghiệm sống trong Nước Trời có Thần Khí, được thánh Phao-lô diễn tả trong bài đọc 2 như sau: “Không ai có thể nói: Đức Giê-su là Chúa”, nếu họ không ở trong Thần Khí Chúa” (1Cr 12: 3). Nói: Đức Giê-su là “Chúa”, không chỉ là lời nói lên lòng sùng Đạo, nhưng còn hàm ngụ niềm tin vào Ngài. Tin, và chứng tỏ niềm tin của mình, bằng cách sống cho ra sống.
Sống chứng tỏ có Thần Khí Chúa ở với mình, còn là ân huệ mà thành viên cộng đoàn Nước trời đều nhận lĩnh. Thần khí Chúa, là nguồn ân sủng vẫn hiệp nhất nối kết những ai nhận lĩnh ơn ấy về sống với nhau, thành cộng đoàn. Ơn Thần Khí ban cho, không là ân huệ riêng tư cho mỗi mình. Nhưng, là khả năng đặc biệt giúp ta phục vụ nhu cầu của người khác trong cộng đoàn Nước Trời, nữa. Xem như thế, sử dụng ân đặc sủng để cùng làm việc với nhau ngõ hầu dựng xây cộng đoàn mình đang sống.
Tính theo số lượng, chúng ta là đám đông, số nhiều. Nhưng qua tác động của Thần Khí, ta trở nên một tổng thể, trong cùng Thân Mình Đức Kitô. Chỉ một Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác định: “Vì trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được thanh tẩy mà nhập vào Thân mình độc nhất, dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do; hết thảy ta được cùng uống Thần Khí độc nhất.” (1 Cr 12: 13)
Thần Khí Chúa, là con đường của tự do và giải thoát. Thần Khí Chúa không là đường dẫn đến tình trạng nô lệ, dù đó là nô lệ thân xác, tiền của và tham vọng. Bằng vào Thần Khí, và qua Thần Khí ta được hiệp thông tương quan với Chúa, Đấng cho phép ta gọi Ngài là “Abba” (Cha/Ba). Ngập tràn thần Khí, ta thực sự là con cái Chúa theo nghĩa đầy đặn nhất. Và, là ảnh hình sống động của Cha ta. Thần Khí biến ta thành đồng-thừa-tự với Đức Kitô để cùng chịu khổ hình và cùng vinh quang với Ngài.
Có được Thần Khí Chúa ở cùng, ta toả sáng Thần Khí bằng lời nói và gương sống lành mạnh. Để rồi, mời gọi người khác san sẻ đặc sủng ấy. Ta vẫn biết, đặc sủng Thần Khí không để ta hưởng một mình, nhưng sẻ san. Như đã thấy, đồ đệ Đức Kitô sau khi nhận lĩnh Thần Khí, đã không ở lại trong phòng kín hưởng thụ. Nhưng, đã bung đi khắp nơi. Đi, mà kể cho thế giới biết tình Chúa thương yêu mọi người. Và, ta muốn mọi người có kinh nghiệm về tình thương yêu ấy.
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch
No comments:
Post a Comment