Thursday, 30 June 2011

Lm Frank Doyle sj: “Lưu luyến gợi nhung nhớ"


Mt 11: 25-30

Hẳn nhiều người cũng như nhà thơ, thường hay hỏi: giòng đời có nặng gánh nỗi oan khiên? Và còn nói: tình mình đoạn cuối, dấu chân buồn trên lối nhỏ, rất thương? Nơi nhà Đạo, lối hỏi và kiểu nói ấy, có thể là ý tưởng gợi nhớ từ trình thuật được thánh sử đề cập, vào buổi lễ hôm nay?

Trình thuật hôm nay, có thánh sử Mat-thêu cũng đã hỏi và đã nói bằng một khẳng định thoạt nghe tưởng như mâu thuẫn, ở đâu đó. Mâu thuẫn chăng, ở Tin Mừng dạo trước Chúa vẫn bảo: “Ai trong anh em không từ bỏ những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Tôi.” (Lc 14: 33)? Và hôm nay, Chúa còn thêm: “Ai đang vất vả gánh nặng, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho bổ dưỡng… anh em đựợc nghỉ ngơi, bồi sức.” (Mt 11: 29).

Thật ra, khẳng định của Chúa vẫn gọi mời ta từ bỏ. Từ và bỏ, không như một khước từ/chối bỏ chính bản thân. Nhưng, như phương cách để tìm được bản chất đích thực của chính mình. Và cũng biết được Thiên Chúa là Đức Chúa cực kỳ nhẫn nại, rất vô song. Ngài rất có lòng từ bi thương xót. Thương xót con người và người con của Ngài, đã hơn một lần sai phạm. Vấp ngã. Đã ngưng đọng mọi kết hợp toàn bộ cả con người mình. Với Ngài.

Chủ đề hôm nay, còn là ý tưởng chủ lực về niềm bình an, có uỷ lạo.

Ở bài đọc 1, ngôn sứ Zakaria đề cập đến chuyện “vị vua” ra đi về với Giê-ru-sa-lem, trên lưng lừa. Nhỏ bé. Khiêm tốn. Cảnh trí câu truyện, coi như một sỉ nhục đối với “vua”. Nhưng vẫn êm đềm. Bình an. Bởi, khiêm hạ ngồi trên mình lừa, “vị vua” vẫn “quét sạch các chiến xa và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh bị người bẻ gãy.” (Za 9: 10). Nhỏ và bé, nhưng “vị vua” cao cả vẫn “công bố Hoà Bình cho muôn dân”. Vẫn kêu gọi người người “Hãy mừng vui!”. Hoan hỉ.

“Vua” Giê-su cũng thế. Yêu cầu Ngài đặt, thoạt nghe có vẻ khó. Nhưng, chủ yếu điều Ngài muốn gửi đến muôn người, chính là nguồn ủi an, nhiều khích lệ. Là, những thứ tha. Hoà hoãn. Dù ta ra thế nào đi chăng nữa, Ngài vẫn thế. Vẫn ở bên ta. Vỗ về. Giùm giúp. Có thể, ta không đạt yêu cầu Ngài mong muốn, ngay tức thì. Nhưng, Ngài vẫn kiên nhẫn chẳng vội đi, khi ta gặp nỗi khó khăn, cần Ngài giúp.

“Giòng thời gian mỏi mòn bước cô liêu”, mà nhà thơ hỏi ở trên còn là kinh nghiệm Ngài từng trải. Ngài từng sống rất trung thực. Sống đơn độc, giáp mặt với khổ đau. Buồn chán. Đắng cay. Tất cả những “hương xưa buồn lắng đọng” mà nhà thơ nói, Ngài đã nếm. Đủ cả. Nhưng, đã vượt qua. Bởi, bên Ngài luôn có Cha. Bởi, với Ngài vẫn có quyết tâm: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha." (Mt 26: 39). Quyết tâm nói lời “Xin vâng!”, nay truyền lại cho dân con đồ đệ. Đáng mến.

Chúa “xin vâng”, cả khi Cha Ngài như lặng lẽ. Vẫn để mặc, một mình Ngài giáp mặt với thời gian. Với không gian, đầy ắp những lo sợ việc sắp đến. Nhưng, khi trỗi dậy từ lòng quyết tâm, Ngài đã trở thành người khác hẳn. Người biết ”từ bỏ những gì mình có, làm tôi Cha theo ý Cha nhân hiền.” Và, nơi Ngài đã hiển hiện phẩm cách huy hoàng có sức “quét sạch chiến xa và chiến mã” của những lạm dụng. Tủi nhục. Chết chóc. Và khi từ bỏ ý định rất riêng, Ngài “sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… vì Ngài có lòng hiền hậu và khiêm nhường “ (Mt 11: 28-29), hết mọi người.

Bài đọc 2, thánh Phao-lô cũng thuật lại nỗi niềm “vất vả và gánh nặng” đậm đặc những đắng cay, bị bỏ lại: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.” (2Cr 12:8). Và, thánh nhân cũng đã nguyện cầu. Cầu rất nhiều, nhưng vẫn có tiếng trả lời: “Ơn Thầy đã đủ, vì sức mạnh Thầy biểu lộ trọn vẹn nơi kẻ yếu." (2Cr 12: 9). Cũng từ đó, thánh nhân tháo bỏ hết buồn đau, nên cương quyết: “tôi sướng khi thấy mình yếu đuối, bị sỉ nhục; bị hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô.” (2Cr 12: 10). Và thánh nhân, đã tìm ra niềm riêng an bình có bổ sức, nên đã quyết: “Khi tôi yếu, đó là lúc tôi trở nên mạnh mẽ.” (2Cr 12: 10).

Kinh nghiệm thánh Phao-lô đã minh chứng cho thấy: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng."(Mt 11: 29). Ta chỉ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, khi có quyết tâm thay đổi lối sống. Đổi cả con người mình. Tuy nhiên, có những điều ta không thể thay và đổi; nhưng vẫn chấp nhận, để vui sống. Có như thế, bình an mới thành tựu. Chỉ thành tựu, khi ta nói lời “xin vâng!”. Nguyện theo ý thánh Cha, suốt đời mình. Chính lúc ấy, ta sẽ được bổ dưỡng. Bình an. Và, an bình chỉ đến khi người người ứng đáp ý định của Cha. Trong hân hoan. Tích cực.

“Anh em hãy mang lấy ách Tôi… vì ách Tôi êm; và gánh Tôi nhẹ”, thoạt nghe những lời như thế, người người cứ tưởng là lời lẽ vu vơ không thuyết phục. Nhưng, hãy tìm hiểu thêm điều thánh sử Gio-an từng ghi chép: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được? Vậy, nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước, thì sao? Thần khí mới làm cho ta sống, chứ xác thịt chẳng ích gì. Lời Thầy nói với các anh là Thần khí và Sự sống.” (Ga 6: 60). Hiểu lời Ngài, ta mới nhận chân rằng: chẳng có con đường nào ngoài việc sống trong tự do. An bình. Như Thầy mình quả quyết.

Để hiểu được ảnh hình điều Chúa nói: “ách của Tôi”, hãy thử nghĩ về ách nhân tăng gấp đôi, vẫn choàng lên cổ của hai chú bò. Cả hai sẽ thực hiện cùng một công tác. Cả hai sẽ chung lưng làm cùng một việc. Ta cũng thế, nếu ta cùng chung công tác gánh lấy ách của Thầy, hẳn rằng lời khuyên ở trên sẽ trở thành mệnh lệnh: “Hãy san sẻ chung cùng một ách với Ta…” Chung như thế, ta sẽ cùng đến bất cứ nơi nào Ngài đã đi. Chung như thế, ta nhận ra ách Thầy gửi, sẽ êm nhẹ. Dễ mang.

Cuối cùng, trọng tâm Trình thuật nay có nghĩa: ta được gọi mời bước theo lối mòn, Đường Chúa đi. Được gọi mời chấp nhận thị kiến đời Ngài đã sống. Chấp nhận tiêu chuẩn, giá trị Ngài mang đến. Chấp nhận, vô điều kiện. Và, chấp nhận Lời Thầy một cách giản đơn. Và, rộng mở con người, cả con tim, tâm tư lẫn với người con. Rộng mở để rồi coi đó như cội nguồn mọi êm ái. An hoà. Nguồn giải thoát, cho mọi người.

Hôm nay, có thêm hiến chương Nước Trời Ngài gửi đến: “Phúc cho ai biết mặc lấy cung cách của Phúc Âm.” Chính đó là bí quyết để sống vui và sống khoẻ. Sống nhẹ nhàng, như bí kíp con dân của Chúa cần tìm đến. Cứ tìm, sẽ khám phá nhiều điều để sẻ san, với muôn người.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

No comments: