Thursday, 2 June 2011

Lm Frank Doyle sj: ““Những con sóng của đại dương thơ nhạc”

Mt 28: 16-20

Những con sóng của vũ trụ, của không gian, cảm giác. Phải chăng, đó là tâm tình của đồ đệ dân con, ngày Chúa về với Cha. Ngày Chúa ra đi về với Cha, có “cung đời nhạc trổi”. Có cả, “cơn sóng của đại dương thơ nhạc”, đưa ta “nhìn thấy được muôn miền”. Muôn miền hạnh phúc, như trình thuật quảng diễn, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, vẫn thánh Mát-thêu diễn lại buổi Thăng Thiên về Trời, có Đức Chúa, có đồ đệ thân thương, nhiều tưởng nhớ.

Tưởng và nhớ, là trạng thái tâm tình của các thánh, ngày Chúa về trời. Chúa ra về, nhiều người chỉ hiểu nghĩa đen, theo sử ký lẫn địa dư. Vì hiểu theo địa dư, nên họ những tưởng Chúa được nâng nhấc về chốn không gian quê trời, nhiều tầng mây. Chốn trời cao trên ấy, vượt quá thành Giê-ru-sa-lem, thẳng tắp.

“Về trời” ở đây, không nên hiểu theo điạ danh nơi chốn. Nhưng, theo tương quan mà mọi người vẫn có với Chúa. Với dân gian. Có hiểu thế, ta mới thấy Đức Kitô chẳng cần “đi tận đâu đâu”, mới về được cùng Cha. Về quê trời, là thành phần của Nhiệm tích Chúa Vượt Qua, gồm 4 chặng đời: thống khổ và nỗi chết, sống lại, về trời và cuối cùng: Chúa gửi Thần Khí Ngài đến với dân con, đồ đệ. Cả 4 chặng đường đời, đều chung một thực tại. Cùng một ý nghĩa. Ý và nghĩa, chính là công trình cứu độ, Ngài đem đến.

Công trình cứu độ, được Hội thánh Chúa diễn tả bằng nhiều cách thức. Qua nhiều bản văn khác nhau, nơi Tân Ước. Đặc biệt, là các bài Sách thánh đọc vào buổi Tiệc Lòng Mến, như hôm nay.

Bài đọc hai, thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô ghi: “quyền lực lớn lao Người đã thi thố cho ta –các tín hữu- là sức mạnh toàn năng hiệu lực, mà Người biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi để cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người, trên trời. Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, mọi tước vị có thể có, không những trong thế giới hiện tại, mà cả thế giới tương lai.” (Ep 1: 19-20).

Đây là giải thích xác thực chuyện “Chúa về trời”. Về trời, Đức Kitô, Đấng Thiên Sai và Đức Vua toàn thắng, đã và đang vinh quang ngự trị trên hết mọi loài. Ngài ngự trị, chứ không ở tại một nơi, một chốn nào hết. Thánh Phao-lô chẳng nói gì đến cách thức Chúa ngự trị, nào khác.

Bài đọc thứ nhất, sách Công vụ diễn tả cho tín hữu thời tiên khởi hiểu thế nào là triều đại và Vương Quốc của Chúa. Diển tả để tín hữu hiểu rành rẽ rằng Thầy đã Phục Sinh và ở lại 40 ngày. Đó là lúc các thánh thời tiên khởi vẫn tự hỏi: làm sao Thầy tái tạo Vương quốc cho dân mình được. Chính vì tự hỏi như thế, các thánh mới hiểu sai sứ vụ Thầy quyết thực hiện. Sai cả ý nghĩa lẫn mục tiêu công cuộc tông đồ, Thầy giao phó. Khi hiểu rồi, các thánh đã hăng say thiết lập “quê trời” cho mọi người. Ở trần gian.

Trần gian ấy, khi các thánh ngước mắt nhìn Thầy “được cất nhắc” về trời, có “đám mây quyện lấy Người Thầy”. “Được cất nhắc”, hiểu theo nghĩa tinh thần như thánh Gio-an từng đề cập nhiều lần ở nhiều nơi trong Tân Ước, như: “khi Tôi được cất nhắc khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người về với Tôi” (Ga 12: 32). Điều này ý nói: Ngài được cất nhắc về với Cha. “Có đám mây quyện vào người”, đây là lối nói thường thấy nơi Tân Ước của người Do Thái, như khi Đức Chúa biến hình trên núi. Tức, tình huống mỗi khi Ngài tỏ bày cho mọi người biết và thấy về công trình cứu độ Ngài thực hiện. Tình huống quan trọng, là khi Chúa hiển hiện hoặc biến đi.

Tình huống hôm nay, có Đức Chúa vinh thăng về trời. Thầy về trời, nhưng Thầy vẫn sẽ gặp lại dân con đồ đệ, không ở non cao chốn núi như trước, mà ở Giê-ru-sa-lem, nơi quê miền ở bên dưới. Ở đây, dân con đồ đệ sẽ được tràn đầy Thánh Thần Chúa. Tràn đầy sinh lực của người Thầy đã Sống Lại đã Vinh-thăng-về-với-Cha. Và, Chúa cũng dặn: “anh em sẽ nhận được sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Linh khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri đến tận cùng trái đất.” (Cv 1: 8)

Giống như trình thuật Lời Chúa vào tuần trước, dân con đồ đệ được bảo là Thầy buộc lòng phải ra đi. Bởi, cho đến nay, Thầy chỉ hiện diện trong thân mình nhỏ bé, ở một góc trời. Chỉ đến được với một số ít người, vào thời đại lịch sử rất chóng vánh. Nay, có về cùng Cha, Thầy mới đạt tới được toàn thế giới, nhân loại. Mới đến với mọi người, thuộc mọi lứa tuổi.

Tình huống hôm nay, nơi quê Trời Thầy về, sẽ có đủ “tình yêu, niềm vui, sự an bình, lòng kiên nhẫn, và tử tế. Có cả tình thân thương chung thuỷ, nữa. Bởi, bất cứ nơi nào có sự thật, tình yêu, lòng xót thương; có chân lý, tự do, có chân thiện mỹ, nơi ấy Thánh Thần Chúa sẽ đến ngự trị.

Tin Mừng hôm nay, cũng mang một tín thư tương tự. Với thánh Luca, công vụ mà các thánh thực hiện đã diễn ra ở Giê-ru-sa-lem, trọng tâm của thế giới. Trong khi đó, thánh Mát-thêu lại mô tả các thánh kẻ tin nay quay về với quê mẹ, ở Ga-li-lê. Bởi lẽ, với thánh Mát-thêu, tình nhà thân quen là nơi ta gặp lại Đức Kitô. Chứ không ở trời cao xanh thẳm, nơi chốn ấy. Và sở dĩ, các thánh thường tụ tập trên núi, vì nơi đây là chốn vắng Thầy tỏ mình cho đồ đệ, ngày biến hình. Và cũng tại nơi đây, Thầy đã đánh động rất nhiều người.

Tin Mừng hôm nay, không nhấn mạnh đến chuyện Đức Kitô xuất thần hiển hiện, mà về điều Ngài phải nói cho môn đệ biết. Ngài nói qua ba trạng thái: quá khứ, hiện tại và lai thời.

Điều Ngài muốn mặc khải, trước nhất về: quyền Cha ban, là ban cho Ngài. Thành thử, ta có hiến trọn thân mình cho Đức Kitô là hiến trọn cho Đức Chúa. Thứ đến, Đức Kitô ban hiệu lệnh “tuyển dụng đồ đệ”, là tuyển từ mọi người. Ở khắp nơi. Và quyền bính Ngài ban hôm nay, là ban cho dân con đồ đệ. Để đến lễ Ngũ Tuần, mới là ngày Ngài chính thức xác nhận việc trao ban quyền bính ấy.

Hiệu lệnh hôm nay, đồ đệ Chúa nhận làm công việc Ngài đã làm. Với hiệu lệnh này, các thánh có quyền hoá giải những ai lạc đường lầm lỡ, về với Chúa. Về với cộng đoàn. Đồ đệ Chúa có thể xác định là ai chưa sẵn sàng để được hoá giải. Ai đã dấn thân về với đời sống cộng đoàn. Một cộng đoàn có trọng trách gìn giữ quyền năng ấy, ngõ hầu sống chứng tá cho Đức Chúa. Cho Lời vàng Phúc Âm.

Sống chứng tá bằng việc giảng dạy, chữa lành, phá bỏ mọi tính chia rẽ đố kỵ gây phân lìa, người khỏi người. Tất cả đều trở thành đồ đệ, anh em. Để từ đó, các thánh sẽ làm phép rửa nhân Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh, đặc trưng cho sự hiệp nhất, làm thành phần của Thân Mình Đức Kitô. Làm đồ đệ của Đức Chúa, quyết từ nay.

Cuối hết, Đức Kitô Phục Sinh Vinh Thăng, vẫn không ở nơi nào xa xôi, biệt xứ. Nhưng trái lại, Ngài vẫn hiện diện nơi người bước đi theo Ngài. Và, “Ngài sẽ ở với họ, mọi ngày cho đến năm cùng tháng tận”. Đây, là một nhắc nhở về lời Ngài từng hứa hẹn ngay ở giòng đầu Tin Mừng, khi thánh Mát-thêu ghi chép rằng Mẹ đã hạ sinh Đức Chúa: “Này, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một người con, mọi người sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-ta." (Mt 1: 23).

Và ở một đoạn khác: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, có Thầy ở đấy, chính giữa họ." (Mt 18: 20). Dù ở đây, thánh sử không nói đến quà tặng là Thánh Linh, nhưng rõ ràng thánh Mát-thêu vẫn hàm ngụ lời hứa Chúa ban: hiện diện của Ngài với dân con. Với cộng đoàn.

Cử hành Tiệc thánh, hôm nay ta mừng kính Đức Kitô vinh thăng sau ngày Ngài trải qua cơn thống khổ và nỗi chết. Mừng kính, còn để sẻ san niềm hy vọng. Và cũng mừng kính cử hành việc Đức Kitô Phục Sinh hiện diện, ở với ta. Cử hành tiệc thánh, ta sẽ mời mỗi người và mọi người hãy sống chứng tá cho sự hiện diện của Ngài nơi của cộng đoàn mình. Và làm thế, cho đến năm cùng tháng tận, của trời đất.

Lm Frank Doyle sj

Mai tá lược dịch

No comments: