Saturday, 18 June 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Các Lời tuyên tín biến chuyển làm sao về hình thức?

Trong Tân ước:

Theo việc liệt kê các lời tuyên tín trên kia, chúng ta nhận thấy: đại đa số các lời tuyên tín đều đem về Chúa Kitô (tuyên tín một khoản) – hoạ lắm mới có lời tuyên tín hai khoản (về Thiên Chúa và về Chúa Kitô: 1C 8: 6; 1Tm 2: 5; 6: 13t; 2Tl 4: 1t) – không có một lời tuyên tín ba khoản nào cả (lời tuyên tín theo biểu thức tín biểu các Tông đồ, theo công thức thanh tẩy Mt 28: 19)

Thời các Giáo phụ:

Thoạt tiên cũng chỉ thấy tuyên tín một khoản nơi thánh Ignatiô thành Antiôkia. Tuyên tín ba khoản thấy lần đầu tiên nơi thánh Justinô và một trước tác vô danh (thư của các thánh Tông đồ) tức là vào giữa thế kỷ thứ hai.

Vậy phải nhận có biến chuyển đi từ công thức Kitô-luận thuần tuý đến những công thức gồm nhiều khoản hơn.

Tuyên tín tiên khởi:

Chúng ta có lý mà kết luận rằng đầu tiên công thức tuyên tín một khoản, tuyên tín về Chúa Kitô phổ thông hơn cả. Các tín hữu tiên khởi coi sự tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô là cốt tuỷ của lòng tin. Họ là Do thái, lòng tin vào Thiên Chúa là lẽ tất nhiên. Muốn nói lên điểm trung tâm của lời rao giảng Kitô giáo thì chỉ cần xác định lòng tin vào Chúa Kitô. Với lòng tin đó, các tín hữu đã đọc Cựu ước, lúc bấy giờ cũng là sách thánh độc nhất của Hôi thánh. Cứ thành thực mà nói thì lòng tin vào Thiên Chúa là tuỳ thuộc vào lòng tin vào Chúa Kitô. Một tế nhận khác làm sáng tỏ thêm điều đó: công thức tuyên tín hai khoản (có nói đến Thiên Chúa) đều do việc giảng đạo giữa người ngoại mới xuất hiện: Trước người ngoại tin có nhiều thần, thì trước khi nói đến lòng tin vào Chúa Kitô, cần phải nhắc đến đạo lý căn bản Cựu ước: chỉ có một Thiên Chúa. Các lời tuyên tín hai khoản chỉ xuất hiện khi phải đối chiếu tuyên tín của Hội thánh với hoàn cảnh ngoại giáo (điều chúng ta thấy được nơi 1C 8: 6; 1Tm 2: 5; 6: 13t; 2Tm 4: 1t). Về thời các Giáo phụ tuyên tín hai khoản cũng có thể xuất hiện vì phải chống lại lạc đạo.

Còn tuyên tín ba khoản (như trong tín biểu các Tông đồ) lại phát xuất từ tuyên tín hai khoản, nhân việc sử dụng vào nghi lễ thanh tẩy được thành một việc tái sinh (sinh lại trong nước và Thánh Thần Yn: 3:5), đó là ơn chịu lấy khi chịu thanh tẩy. (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng huấn lưu hành nội bộ)

No comments: